Các nhóm ‘tín dụng đen’ giết 84 người trong năm 2018
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đây là con số mà ông phó cục trưởng Cục Cảnh Sát Hình Sự, Bộ Công An loan báo về tội ác của các nhóm “tín dụng đen” đang hoành hành khắp nơi tại Việt Nam.
Báo Lao Động dẫn tin từ ông Phạm Văn Tám, phó cục trưởng Cục Cảnh Sát Hình Sự, Bộ Công An, cho biết tính riêng năm 2018, có 84 vụ giết người, 855 vụ cố ý thương tích, 105 vụ cướp tài sản, 35 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1,309 vụ lừa đảo tài sản liên quan đến các nhóm “tín dụng đen,” một hình thức cho vay và đi vay, với lãi suất quá cao so với lãi suất quy định của luật pháp, gắn liền với đó là tội phạm, vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, còn có hình thức chơi hụi họ, phường, kinh doanh đa cấp, sử dụng ứng dụng di động, cho vay trực tuyến, cho vay P2P (Peer to Peer – P2P Lending)…
Một hình thức nữa là vay nặng lãi, tập trung hầu hết tại các sòng bạc, đối tượng chuyên chơi bóng đá, số đề, đánh bài…thua nợ cần tiền gấp, và tiền cho vay thường lớn, với mức lãi suất cao có thể lên đến 50% một tháng.
“Không phải bây giờ mới nổi lên mà đã có từ lâu rồi. Giờ đây ‘tín dụng đen’ như cướp ngày, càn quét vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, các khu công nghiệp, chế xuất… mọi ngõ ngách đều có thể bắt gặp quảng cáo tờ rơi về ‘tín dụng đen’. Các đối tượng sử dụng sim rác để giao dịch, phát dán tờ rơi quảng cáo mạng điện thoại, Internet…,” ông Tám nói.
Nói về nguyên nhân hoạt động “tín dụng đen” ngày càng bành trướng, ông Tám cho rằng do nhu cầu vay vốn trong dân và các doanh nghiệp để phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, khi các sản phẩm tài chính ngân hàng bị “chặn cửa.” Trong khi các nhóm hoạt động “tín dụng đen” đáp ứng việc giải ngân tiền nhanh trong 15-20 phút với thủ tục đơn giản, kín đáo không cần xác định mục đích người vay tiền.
Thứ hai, nguồn tiền không sử dụng đến trong dân còn lớn, nhiều người do hám lợi cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc cho vay trung gian dưới hình thức lãi nặng gây rủi ro cho người đi vay và người cho vay.
Thứ ba, bộ phận nhỏ thanh thiếu niên xuống cấp về đạo đức, lười lao động sớm bỏ học do không vay nguồn vốn hợp pháp phải đi vay tín dụng đen.
Cuối cùng, quy định pháp luật về xử lý tội phạm, chưa có chế tài, hình phạt nhẹ chưa đủ sức răn đe, luật hiện hành quy định mức phạt cao nhất chỉ 3 năm tù. Còn lại chỉ xử phạt hành chính, phạt tiền cảnh cáo. Mức phạt đối với công ty tài chính cao nhất là 1 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận thu được của “tín dụng đen” cao gấp nhiều lần. (Tr.N)