Bí quyết giúp con cháu sống Đức Tin Công Giáo
Posted on 09/10/2013
Bài nói chuyện của cha Nguyễn Uy Sĩ trong “Đêm Gia Đình” hằng tháng do Gia Đình Nazareth tổ chức tại Trung Tâm Công Giáo Giáo phận Orange County.
Mở đầu bài nói chuyện cha cho biết cha sẽ “nói thẳng, nói thật” dựa vào thực tế đời sống…Con cháu chúng ta sống giữa sự pha trộn của hai nền văn hóa khác biệt nhau: Cha mẹ sống theo văn hóa Việt, con cháu lớn lên, đi học sống theo văn hóa Mỹ. Sự tác động qua lại của hai nền văn hóa này rất phức tạp gây nhiều khó khăn trong đời sống gia đình, đặc biệt là đời sống đức tin. Cha đề nghị 7 cách thức đễ giúp con cháu chúng ta sống đức tin Công Giáo tốt hơn.
1. Hãy tạo những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ về Đức Tin Công Giáo
Kỷ niệm đẹp về ngày rước lễ lần đầu chẳng hạn, hay những lúc gia đình quây quần ấm cúng đọc kinh tối, những lần đưa đón con đi học giáo lý về lúc trời mưa gió…mẹ con rủ nhau đi ăn phở cho ấm hoặc cả nhà cùng cầu nguyện chung với nhau trước những biến cố quan trọng của gia đình…Khi nhớ lại những kỷ niệm đẹp này sẽ giúp con cháu giữ đức tin sống động hơn.
Nếu không tạo được những kỷ niệm đẹp thì ít ra đừng tạo ra những ấn tượng xấu trong đời sống đức tin như la rầy quát mắng ép con đọc kinh tối dài lê thê “vừa đọc, vừa ngủ” khiến mỗi lần nhớ tới là chúng thấy “ớn”!
Đôi khi đối với giới trẻ tham dự thánh lễ là tham dự một hình thức “lập đi lập lại” đến nhàm chán, rất “boring”! (có lần tôi nghe một cha giảng tỉnh tâm tiết lộ ngay cả các cha, có cha cũng không thích dâng lễ mỗi ngày!?). Trong khi cha mẹ lại cho đó là một cách sống đạo sốt sắng, nhiều khi “nghiện” đi lễ, không đi không được Nhưng chúng ta không có quyền áp đặt bắt chúng phải giống ta, chỉ còn có cách là dùng tình cảm để thuyết phục chúng. Hãy ân cần giải thích cho trẻ hiểu: “Chúa thương và ban ơn cho con rất nhiều.( bao nhiêu người khác không có).
Bây giờ mỗi tuần Chúa chỉ xin con một giờ dự lễ để thờ phượng, cám ơn Chúa, chẳng lẽ con hẹp hòi mà lại nở từ chối không cho Chúa 1 giờ sao”? Nói chuyện tình cảm thì trẻ dễ “thông” hơn là ép buộc.
Thỉnh thoảng cha mẹ cũng nên khéo léo “thưởng” con khi trẻ dự lể sốt sắng, giỏi trong nhà thờ…làm trẻ vui khi được khuyến khích sẽ dễ tiến bộ hơn!
2. Hãy Cho phép con lý luận về mọi vấn đề kể cả về Đức Tin
Văn hóa Việt Nam không cho phép đặt vấn đề hay thắc mắc đối với cha mẹ, thầy cô. Đó là hỗn láo, là vô lễ! Mọi việc “bảo sao, nghe vậy” hoặc “Đặt đâu, ngồi đó” vì “con cãi cha mẹ trăm đường con hư” (Có ông bố “lăng nhăng” bị con bắt gặp, bèn đặt vấn đề thì bố cho là hỗn láo, mất dạy “chuyện của người lớn, chúng bây là con cái không được phép xía vào”!?).
Văn hóa Mỹ cho phép đặt vấn đề đối với mọi việc, có thắc mắc nhiều, trẻ mới có cơ hội mở mang kiến thức và hiểu rõ vấn đề. Nếu trẻ có thắc mắc chính đáng cần phải được trả lời đàng hoàng chứ không dùng lối “cả vú lấp miệng em”! Nếu trẻ thắc mắc về đức tin, đừng “bịt miệng” trẻ mà cứ ôn tồn giải thích cho chúng hiểu, nếu có “bí” thì tìm hỏi cha hay các soeur. Do đó đề nghị ông bà cha mẹ tham dự học các lớp thánh kinh để thông suốt và khỏi bị “bí”.
3. “Ngọt như đường cát, mát như đường phèn”
Lời nói của ông bà xưa vẫn rất đúng: “Nói ngọt, lọt tới xương” dù với văn hóa Việt Nam hay Mỹ, nhưng rất tiếc là ông bà cha mẹ Việt Nam lại thích lối “rầy la đe nẹt” con cháu để ép chúng vào khuôn khổ đạo đức như ý mình muốn, làm chúng có ấn tượng xấu với đời sống đức tin. Chúng ta đã quên mất câu “Nhập gia tùy tục”!
Muốn đạt kết quả tốt chúng ta nên dùng lời ngon ngọt, khuyến khích, khen thưởng sẽ hiệu quả hơn. Thánh Don Bosco cho biết “Một muổng mật ong bắt được nhiều ruồi, hơn một thùng phuy dấm”. Chúng ta phải rành “tâm lý”, ở đời ai chả thích khen, người lớn cũng thích mà trẻ thì lại thích hơn. Cha mẹ thầy cô giáo Mỹ hở ra một tí là khen tíu tít : “Good job” “Excellent”…(Tôi nhớ lúc còn đi dạy nhà trường in ra sẳn cho các cô giáo một trang giấy với cả vài chục cách khen, để cô giáo linh động áp dụng hằng ngày mà khen đủ cách cho học trò vui ).
Trong khi cha mẹ Việt Nam thì ngược lại, hở ra một tí là la rầy, bắt bẽ… “kẻo nó hư”! thành ra trẻ không cảm thấy thích thú khi thi hành những yêu cầu của cha mẹ, nhất là những việc thuộc đời sống đức tin. Nếu muốn sửa dạy, chúng ta cũng nhớ khen trước rồi mới sửa sau thì trẻ sẽ dễ tiếp thu hơn!
4. Cùng phục vụ xã hội, đi làm từ thiện với con cháu…
Khi chúng ta làm những việc từ thiện, bác ái, giúp đỡ người nghèo là chúng ta đang sống đức tin, thực hiện điều răn quan trọng chúa đã truyền dạy là “Chúng con hãy yêu thương nhau”. Chúng ta hãy rủ con cháu cùng tham gia, cộng tác với chúng ta trong các việc làm bác ái này, đừng âm thầm làm một mình! Đó là cách chúng ta giúp chúng phát triễn lòng thương người vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam:
“Thuơng người như thể thương thân” hoặc “Thấy ai hoạn nạn thì thương”
“Thương người và giúp đở người họan nạn” là điều tốt mà cả hai nền văn hóa Mỹ – Việt đều có. Trẻ con Mỹ cũng rất thương người. Rủ con cháu cùng đóng góp tiền giúp nạn nhân bảo lụt (“của ít lòng nhiều”) cùng đi phát thức ăn cho người vô gia cư…Nếu có dịp đưa chúng về Việt Nam thăm các trại nuôi trẻ mồ côi, người già neo đơn…để chúng ý thức hơn hoàn cảnh tốt đẹp mà Chúa đã ban cho chúng hiện nay.
Ngoài ra cùng đi làm việc từ thiện là cách phát triển tốt đẹp sợi dây thân ái gắn bó với nhau trong gia đình theo chiều hướng tốt đẹp nhất mà chắc chắn Chúa sẽ hài lòng và chúc phúc cho gia đình chúng ta!
5. Đừng phản ứng gắt gao khi con cháu bỏ lễ Chúa nhật…
Đức tin là mối tương quan giữa Chúa và con người. Mối tương quan nào cũng có lúc trầm, lúc bỗng, lúc gần gũi, lúc xa cách. Khi thấy con cháu lớn lên đi học xa, đi làm xa rồi bỏ lễ Chúa nhật, chúng ta đừng hốt hoảng phản ứng gắt gao, nhất là các bà mẹ đừng vật vả than khóc, thất vọng ê chề : “Lạy Chúa chúng bỏ nhà thờ, bỏ đạo mất linh hồn..”! Than khóc, u sầu không giải quyết được gì! Càng làm chúng xa cách chúng ta thêm! Chúng ta phải phản ứng trầm tỉnh, nhắc nhỡ nhẹ nhàng. Cầu nguyện cho chúng, nhắc nhỡ chúng cầu nguyện trước những sự việc quan trọng (thi cử, kiếm việc…) để Chúa ban ơn.
Nếu đã làm hết cách rồi mà không có kết quả thì cũng không nên áy náy, buồn phiền, hãy “phó thác cho Chúa” vì chúng đã lớn khôn rồi!. Chúng ta đã làm hết bổn phận của mình, phần còn lại giao cho Chúa lo liệu, rồi an tâm tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa trong mọi sự!
6. Hãy nhớ con cháu luôn quan sát cha mẹ…
Cha mẹ có thói quen hay xem thường con cháu còn nhỏ không biết gì!Thực ra chúng rất khôn và quan sát chúng ta một cách tinh tế! Chúng biết hết nhưng không nói ra, khi có dịp ngồi lại với nhau chúng luôn phê bình cha mẹ là “giả hình” vì cha mẹ đi nhà thờ đọc kinh sốt sắng, giảng dạy cho chúng những điều hay lẻ phải, nhưng khi chúng quan sát trong đời sống hằng ngày, chúng thấy cha mẹ lại làm ngược lại: nói xấu bạn bè, chê bai người này, phê bình người nọ, nói dối tối đa khi cần để có nhiều quyền lợi, đôi khi còn xúi chúng nói dối theo, không tôn trọng lẽ công bằng…mà vẫn sống vô tư như mình chẳng có lỗi gì!
Nhiều cha mẹ nếu thành khẩn nghiêm túc xét lại bản thân chắc sẽ giật mình vì chúng ta đã làm gương xấu cho con cháu! “Trăm nghe không bằng một thấy”, chúng ta hãy giảng dạy bằng đời sống và hành động theo phúc âm, chắc chắn sẽ có tác dụng giáo dục đức tin tốt hơn bằng lời nói suông! Đối với giới trẻ trắng đen phải rõ ràng minh bạch, chúng không thích kiểu “nói một đàng, làm một nẻo” hay mỉa mai hơn khi sửa lại câu nói để đời của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu mà vẫn thấy chí lý:
“Đừng nghe những gì cha mẹ nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cha mẹ làm”!
Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô cũng vừa đưa ra lời kêu gọi giáo dân đừng sống giả dối, mà hãy sống thành thật với Chúa và với mọi người!
7. Cầu nguyện với Chúa cho con cháu
+ Để thánh ý Chúa được thực thi trên đời sống con cháu
chứ không phải để ý con được thực hiện trên nó. Có cha mẹ, con muốn đi tu nhưng không cho vì tiếc! Có cha mẹ ép con phải học bác sĩ dù nó không thích! Cách đây vài năm ở vùng Graden Grove có một vụ án mạng con trai bóp cổ mẹ chết, chỉ vì bà mẹ cương quyết bắt con phải học bác sĩ dù con không muốn!. Thực ra ngành nghề nào cũng tốt, quan trọng là nhân cách tốt, chứ học ra bác sĩ mà bất nhân, bất lương (lừa gạt bệnh nhân, gian lận Medical…) thì xấu hổ lắm!
+ Ăn chay, hãm mình, hy sinh để cầu nguyện cho con cháu
Trước đây tôi vẫn nghĩ đó là truyền thống bên đạo Phật, họ ăn chay để cầu nguyện và cám ơn khi xin được ơn! Đây là một truyền thống tốt đẹp, chắc các bà mẹ nghe cha nói từ nay sẽ lo ăn chay hãm mình nhiều hơn để cầu nguyện cho con cháu.
+ Luôn nói với con cháu là mình đang cầu nguyện cho nó
Phần này tôi có kinh nghiệm vì tôi vẫn thường nói với con tôi “Mẹ cầu nguyện cho con mỗi ngày”, chúng nghe lơ là như không để vào lổ tai, nhưng khi chúng gặp khó khăn trong đời sống, hay trước những sự việc gì quan trọng là chúng nhớ gọi và dặn dò tôi “Mẹ nhớ cầu nguyện nhiều cho con nghen”! Như vậy là trong tiềm thức chúng vẫn tin vào lời cầu nguyện, vẫn tin vào Chúa…
Buổi nói chuyện được kết thúc bằng bài hát “Bao La tình Chúa” với sự hợp ca của tất cả mọi người để cùng thấm thía:
“Hồng ân chúa như mưa, như mưa
Rơi xuống đời con miên man, miên man
Nâng đỡ tình con trong tay, trong tay vòng tay thương mến
Đời có Chúa êm trôi, êm trôi, Chúa dắt dìu con luôn luôn không thôi
Có Chúa cùng đi con không đơn côi! Ôi tình tuyệt vời”!
Phượng Vũ