Bài học thấm thía tôi học được khi chứng kiến một người bỗng nhiên mất đi tất cả: Phàn nàn chỉ lãng phí năng lượng, cách phản ứng trước biến cố mới quyết định bạn hạnh phúc hay khổ đau
15-04-2019 –
Bạn sẽ làm gì nếu sớm mai thức dậy tứ chi hoàn toàn bị tê liệt. Liệu bạn có cảm thấy bất công hay không? Câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ.
Khi 19 tuổi, tôi từng làm điều dưỡng viên tại khoa chấn thương tủy sống của bệnh viện địa phương (SCIU). Công việc của tôi là hỗ trợ các bệnh nhân làm những thứ mà họ không thể tự làm. Trong suốt 6 tháng, tôi nhận ra rằng mình trở nên khiêm tốn hơn trước những con người có ý chí mạnh mẽ nhất trên đời này. Một trong số đó là Ali, người tôi đã chăm sóc trong suốt 4 năm liền.
Bi kịch lớn nhất của Ali là một ngày cậu bỗng nhiên tỉnh dậy và phát hiện toàn thân bị tê liệt, không có cách nào cứu chữa. Tưởng như cuộc sống đã khép lại với chàng trai trẻ khi chỉ vài tuần nữa là Ali sẽ tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, Ali chưa không hề oán trách số phận, mà luôn lạc quan, quan sát và tận hưởng từng chút thời gian còn lại của cuộc sống, dù đang nằm trên giường bệnh.
Suốt thời gian chăm sóc Ali, tôi nhận ra bản thân học được nhiều thứ từ sự chịu đựng của Ali với bệnh tật và cách Ali phản ứng với những nghịch cảnh diễn ra trong đời mình còn hơn những bài học trong trường lớp.
Ali đã dạy tôi những bài học vô giá: Cuộc sống không bao giờ công bằng, phàn nàn chỉ khiến năng lượng bị lãng phí. Cách bạn suy nghĩ và phản ứng trước những biến cố cuộc đời là thứ sẽ quyết định hạnh phúc hay khổ đau của bạn.
Đây là những bài học vô cùng thấm thía về cuộc sống mà tôi học được trong suốt thời gian chăm sóc Ali tại bệnh viện:
Suy nghĩ theo cách nào, bạn sẽ cảm nhận về cuộc sống như vậy
Khi rơi vào trạng thái mệt mỏi hay tức giận, điều chúng ta làm thường là tìm một ai đó để than phiền hoặc một lý do để bao biện. Nên nhớ rằng cảm nhận của bạn phụ thuộc vào cách nghĩ từ bên trong chứ không phải những yếu tố bên ngoài. Bài học ở đây chính là hãy điều khiển cảm xúc, đừng để hoàn cảnh điều khiến bạn.
Cách bạn đánh giá chính mình cũng là cách người khác nhìn nhận bạn
Trong lần gặp đầu tiên, mỗi người thường đưa ra một vài nhận xét mang quan điểm cá nhân về đối phương. Tuy nhiên, ấn tượng ban đầu đó không hoàn toàn chính xác khi bạn nhận ra họ không giống những gì bạn từng hình dung.
Chẳng hạn như khi gặp Ali, tôi nghĩ anh ta thật đáng thương, nhưng Ali không cho phép người khác thương hại mình. Vì suy nghĩ của bạn về bản thân sẽ được biểu lộ một cách khéo léo qua thái độ, ngôn ngữ và cử chỉ của bạn. Nên hãy nhớ, bạn nhìn nhận bản thân như thế nào cũng chính là cách người khác đánh giá về bạn.
Phàn nàn giống như tìm cách ra khỏi một cái hố bằng xẻng thay vì dùng thang
Phàn nàn là thói quen của hầu hết mọi người. Nhưng chắc chắn đó không phải là cách để thoát khỏi khó khăn và nó thường khiến bạn giậm chân tại chỗ. Dù tình hình có thảm hại đến mức nào, bạn luôn có quyền lựa chọn chống trả hay chấp nhận từ bỏ.
Trên thực tế, buồn bã là cách để thúc đẩy sự thay đổi, nhưng phàn nàn thì không. Hơn nữa, bạn không thể vừa cố gắng thay đổi và vừa phàn nàn cùng một lúc được.
Cuộc đời không phải là một sân chơi được thiết kế công bằng
Đã bao nhiêu lần bạn thốt lên “Cuộc sống thật không công bằng”. Tại sao cuộc sống cần phải công bằng? Khái niệm này có phát huy sự sáng tạo, có tạo điều kiện phát triển, tái tạo con người không?
Thật ra, công bằng chỉ là quan điểm mang tính chủ quan và mỗi người mỗi khác, Ali và những người giống anh vẫn tin rằng cuộc đời không hề bất công với họ, và tiến lên phía trước dù gặp nhiều chông gai.
Vậy nên, thay vì dán nhãn mọi thứ bằng cái mác công bằng, hãy coi các sự kiện xảy ra như một cơ hội để học hỏi và phát triển.
Từ bỏ hay đương đầu là lựa chọn của bạn
Ali có quyền từ bỏ nhưng anh ấy không làm thế. Đó là lí do anh ấy trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người trong đó có tôi. Khi khó khăn bủa vây, thật dễ dàng để đánh mất tầm quan trọng của việc chọn không bỏ cuộc.
Quan điểm của tôi là khi bạn muốn tiếp tục đương đầu, hãy tự hào về điều đó, về cách bạn hiên ngang tiến về phía trước khi nhiều người khác phải bước lùi lại.
Thử thách càng lớn, cơ hội càng tuyệt vời
Bài học giá trị nhất của tôi ở SCIU là thay vì bỏ thời gian và công sức để tránh né thương tổn, mỗi người hãy tự mình bơi vào giữa vòng xoáy và cảm nhận hoàn toàn về nó. Để được công nhận tốt nghiệp, chúng ta bắt buộc phải đạt điểm A ở hai bài học “thách thức” và “bất mãn”. Vì những thử thách kinh hoàng nhất thường mang đến cơ hội tuyệt vời nhất.
Những kỉ niệm về Ali luôn nhắc nhở rằng: Chẳng có lí do gì để phàn nàn về cuộc sống này. Những bài học sâu sắc nhất về lòng can đảm, sức mạnh và phẩm giá sẽ không đến khi bạn cảm thấy thoải mái. Bạn sẽ chỉ học được chúng khi phải trải qua những biến cố, nghịch cảnh lớn nhất của cuộc đời. Những điều mà bạn cho là “bất công” xảy đến trong đời lại chính là một bước đệm giúp xác định ta thật sự là ai.
*Theo chia sẻ của Thomas Koulopoulos, nhà sáng lập Delphi Group trên INC.com
Hà Lê.