Bài Chia sẻ của Thầy phó tế Nguyễn sĩ Bạch với cô Teresa Phương, bạn đời của Thày vào hôm thứ Hai, 11-11-2024 không ngờ lại là bài cuối cùng, vì đến ngày 13-11-2024, cô bị tai biến não và qua đời vào ngày 17-11-2024.
Bài chia sẻ về lòng biết ơn thật là ý nghĩa vì đây sẽ là hoàn cảnh chia lìa trong khi ta vẫn một lòng tín thác và biết ơn sự quan phòng tốt đẹp nhất của Chúa dành cho cô Phương và cho Thầy cũng như cho mỗi một người trong chúng ta, cũng như những đệ tử của Thầy Cô.
Vô cùng biết ơn Chúa vì chẳng bao lâu sau cuộc đời chóng qua này, chúng con hy vọng cũng được gặp lại Cô ở đó, biết bao tay bắt mặt mừng. Thiên Đàng của Chúa đã thực sự bắt đầu ngay từ trên dương thế khi chúng con yêu Chúa và yêu thương anh em mình và yêu nhau!
LÒNG BIẾT ƠN MỜ CỬA VÀO ƠN CỨU ĐỘ
Ông bà anh chị em thân mến, sáng hôm nay chúng ta cùng nhau suy niệm ba điều trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi để có thể xác quyết phần thưởng cứu độ mỗi chúng ta sẽ nhận được qua lời Chúa trong bài Tin Mừng của thánh Luca vừa nghe.
CHÚA CHA LUÔN YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI.
Thứ nhất, Chúa là Cha luôn yêu thương con người, không phân biệt một ai cả. Bài Tin Mừng cho thấy Chúa yêu thương cả 10 người phong cùi dù khác chủng tộc, dù khác tôn giáo. Họ gồm 9 người Do Thái cùng đồng hương với nhau, trong khi chỉ 1 người Samaritan, thuộc dân ngoại.
Chúa yêu thương họ, vì cả 10 người phong cùi vừa thân xác đau đớn đã đành nhưng còn xót thương vì cả 10 người -theo luật ô uế –phải đau khổ tinh thần khi sống cách biệt tương quan yêu thương với gia đình, người thân yêu, xóm làng, bạn hữu, xã hội.
Ai đã từng sống xa cách chờ đợi ngày đoàn tụ với gia đình trên đất nước này hẳn đã hiểu nỗi đau khổ của họ. Chúa Giêsu chắc đã cảm nhận cái đau, cái khổ đó khi vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng : “Lạy thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !” Chúa hẳn phải bị xúc động mạnh lắm nên không thấy Ngài thể hiện nghi thức mà Ngài thường làm trước khi chữa lành như đặt ngón tay lên tai người vừa ngọng vừa điếc, như lấy nước miếng trộn với bùi rồi lấy tay xoa lên mắt người mù mà chúng ta từng nghe trong thánh kinh, nhưng Ngài bảo họ ngay: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Ngài đã chữa lành ngay trước khi họ đến nơi trình diện với các tư tế. Tình Chúa thương con người chúng ta là thế đó, luôn đi trước –kể cả rất nhiều lúc chưa kêu lớn tiếng van xin thì đã được đầy ơn rồi.
Thứ hai, với niềm xác tín Chúa luôn yêu thương con người, dù ở hoàn cảnh nào, đức tin của chúng ta luôn cần phải biểu lộ bằng việc làm. Việc làm ở đây rất cụ thể đó là bày tỏ lòng biết ơn. Vì tin vào lời Chúa Giêsu nên cả 10 người đi ngay đến gặp các tư tế nhưng 9 người lại không trở lại để tò lòng biết ơn, Rất nhiều lần chúng ta cũng như 9 người phong hủi, như những người con cho rằng cha mẹ đương nhiên phải săn sóc con cái, nên ít khi hoặn không trở lại bày tỏ lòng biết ơn. Đức tin có đó, nhưng lại là một đức tin lắm lúc không có việc làm. Trong khi đó, 1 người Samaritan dân ngoại được sạch như 9 người Do Thái kia, để tỏ lòng biết ơn bằng 5 hành động: anh liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Nghĩa là đức tin của anh được biểu lộ bằng việc làm: đó là anh lớn tiếng tôn vinh, đó là anh sấp mình dưới chân Đức Giêsu, đó là anh tạ ơn toàn con người của anh.
Với lòng biết ơn trọn cả niềm tin, anh không những chỉ được khỏi bệnh phong cùi trên thân xác, được trở về sống với gia đình và láng giềng, nhưng trên hết mọi mơ ước của phận người, đó là phần thưởng tâm hồn được chữa trị. Chúa Giêsu âu yếm nói với anh: “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Kể cũng đáng buồn cho 9 người Do Thái phong hủi kia đã quên tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, Đấng mà họ tin, trong khi một người Samaritan được coi là vô tôn giáo lại chẳng màng về gia đình, bạn hữu để cho biết mình đã sạch nhưng vội trở lại tìm Chúa Giêsu để sấp mình tạ ơn.
VIỆC LÀM CỦA ĐỨC TIN: BIẾT ƠN TRONG MỌI BIẾN CỐ CỦA CUỘC ĐỜI
Điều thứ ba để suy niệm, dó là phần thưởng của một đức tin biết ơn. Hôm nay là ngày 13 trong tháng, ngày chúng ta tưởng nhớ Mẹ hiện ra ở Fatima cũng là dịp tưởng nhớ đến đức tin biết ơn Thiên Chúa của Mẹ, hầu noi gương Mẹ. Niềm biết ơn Thiên Chúa của Mẹ rất thâm sâu: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Mẹ tin và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa bằng sống suốt cả một đời, biết ơn trong mọi vui có mừng có – sầu có bi thảm có ,- với chỉ hai chữ xin vâng trong mọi cảnh huống. Phần thưởng đức tin và lòng biết ơn đối với Thiên Chúa là Mẹ đã được cả xác lẫn hồn về trời, là Nữ Vương của các thần thánh.
Chúa Giêsu, Con của Mẹ và Chúa của chúng ta cũng để lại cho chúng ta mẫu gương của đức tin và lòng biết ơn Thiên Chúa là Cha của Ngài trong mọi biến cố suốt 33 năm. Ngay khi ở tại thế, Chúa Giêsu đã nhiều lần tỏ lòng biết ơn Chúa Cha. Ngài đã tạ ơn Chúa Cha mỗi khi chữa lành bệnh nhân, tạ ơn Chúa Cha cả khi chỉ có 5 chiếc bánh và hai con cá khi bẻ ra nuôi sống hằng ngàn dân chúng, tạ ơn Chúa Cha khi cho Lazarô bạn mình sống lại, tạ ơn Chúa Cha khi mở mắt cho người mù…Hoàn toàn và tuyệt đối tin tưởng vào Chúa Cha khi giao phó sứ vụ cứu độ chúng ta qua mang thân phận kiếp phàm nhân, qua khổ nạn, qua cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã cảm tạ Chúa Cha bằng hiến tế chính mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha để cứu độ chúng ta. Nhờ tỏ lòng biết ơn Chúa Cha bằng hiến dâng mình và máu, linh hồn và thiên tính của mình, danh thánh của Giêsu là tước hiệu được tôn kính cả trên trời và dưới thế.
Ông bà anh chị em thân mến, tôi tin chắc chúng ta luôn tạ ơn Chúa từ khi thức dậy cho đến khi lên giường ngủ hằng ngày. Tạ ơn Chúa cả lúc được dư đầy cũng như lúc gặp khó khăn, thập giá trong đời. Lòng biết ơn và đức tin là hai mặt của một đồng tiền. Phần thưởng nhận lãnh ƠN CỨU ĐỘ của người Kitô hữu, do đó luôn đòi hỏi thực hành lòng tạ ơn như dấu chỉ hùng hồn của đức tin trong mọi biến cố của cuộc đời.
40 năm trước đây, khi phụ trách đoàn thanh niên công giáo giáo xứ Đức Mẹ Lavang nơi đây, có một hội viên kể rằng, trên giường bệnh, ba của anh hai tay vừa ôm bụng phía bên trái vì bị ung thư ruột vừa cầu nguyện lớn tiếng rằng: lạy Chúa, ôi đau quá Chúa ơi nhưng con cảm tạ Chúa đã thương con, sao Chúa chỉ cho con đau bên trái mà không cho con đau bên phải luôn. Thế là hai tay vừa chuyển qua ôm bụng bên phải vừa kêu to, ôi Chúa đã nhậm lời con, đau lắm nhưng con cảm tạ Chúa đã nghe lời con xin.
Ông bà anh chị em, trong thánh lễ, ở phần Kinh Tiền Tụng IV, cùng với Giáo Hội, linh mục chủ tế cầu nguyện rằng: “Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì nhưng lời chúng con ca tụng, chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con” Như thế, Giáo Hội xác quyết việc chúng ta cảm tạ Chúa là một hồng ân Chúa ban sẽ mang lại phần thưởng cứu độ. Người phong hủi Samari đã chứng minh cho chúng ta điều đó – đã nhận lãnh phần thưởng cứu độ – vì Chúa Giêsu đã nói với anh rằng: “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”