BẢN CHẤT KINH MÂN CÔI
Căn cứ vào bản chất, Kinh Mân Côi là một kinh có giá trị tuyệt đỉnh, vượt trên tất cả mọi kinh nguyện khác, xét về ba phương diện sáng tác, diễn xuất và nội dung như sau:
Về phương diện sáng tác: Hai kinh chính họp lại thành Kinh Mân Côi, đó là Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng. Ngoài Kinh Lạy Cha là kinh chính Chúa Giêsu dạy, Kinh Kính Mừng – kinh nòng cốt và kinh chính yếu của Kinh Mân Côi-, là lời ngợi khen của Chúa Cha nói với Mẹ qua sứ thần Gabriel và của Chúa Thánh Thần nói với Mẹ qua bà thánh Isave (Lc
1,41-42). Kinh Thánh Maria, phần cuối của Kinh Kính Mừng, là lời tuyên nhận của Chúa Giêsu nói với Mẹ qua Giáo Hội, Nhiệm Thể của Người, qua Công đồng chung Êphêsô năm 431.
Còn lời nào giá trị hơn Lời của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Kinh Mân Côi là tổng hợp Lời của Thiên Chúa Ba Ngôi, do đó, đã có một giá trị vô cùng. Trong một lá thơ đề ngày 04/04/1970, chị Lucia đã viết như sau: “Kinh Mân Côi là kinh nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất, vì nhờ Kinh Mân Côi, chúng ta chúc tụng Ngài cách tuyệt hảo nhất.”
Về phương diện diễn xuất: Lời Kinh Mân Côi nói chung và Kinh Kính Mừng nói riêng, về
nội dung, chẳng những là lời của Thiên Chúa Ba Ngôi, về hình thức, còn là lời mà cả trời đất tuyên tụng và tuyên nhận Mẹ nữa.
* Sứ Thần Gabriel là đại diện của các thần trời, đã chúc tụng khen Mẹ bằng lời của Chúa Cha, Đấng đã sai ngài đến với Mẹ (Lc 1,26): “Kính mừng Maria đầy ơn phúc! Đức Chúa Trời ở cùng Bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ” (Lc 1,28).
* Bà Isave là đại diện của các thánh, đã chúc mừng Mẹ bằng lời của Chúa Thánh Thần, Đấng mà bà “được tràn đầy” (Lc 1,41) khi vừa nghe lời Mẹ chào: “Bà có phúc hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ” (Lc 1,42).
* Giáo Hội là đại diện của con cái Thiên Chúa nói riêng và của loài người đã được dựng nên theo hình ảnh Ngài nói chung, đã tuyên nhận Mẹ bằng lời của Chúa Giêsu là Đầu của mình (Ep 1,22): “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử.”
Trong lời kinh Thánh Maria này, Mẹ chẳng những được Giáo Hội, qua con cái mình, trực tiếp tuyên nhận Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, khi họ đọc: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời”, gián tiếp, Mẹ còn được con cái mình tuyên nhận Mẹ là Mẹ Nhân Loại nói chung và Giáo Hội nói riêng, khi đọc: “Cầu cho chúng con”, là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, khi đọc: “là kẻ có tội”, và là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, khi đọc: “khi này và trong giờ lâm tử”.
Do đó, còn lời kinh nào giá trị cao cả cho bằng lời kinh mà cả đất trời đồng thanh tuyên xưng và chúc tụng Đấng đã nói tiên tri về chính mình: “Thiên Chúa đã thương đến phận hèn tôi tớ của Ngài; từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48). Khi đọc Kinh Kính Mừng cũng là Kinh Mân Côi, chính là chúng ta hợp với tất cả trời đất cùng lời Thiên Chúa Ba Ngôi tuyên tụng Mẹ của mình vậy.
Về phương diện nội dung: Vì Kinh Mân Côi là lời Thiên Chúa Ba Ngôi chúc khen Mẹ qua các thụ tạo tốt lành của Ngài, bởi thế, Kinh Mân Côi chứa đựng một ý nghĩa vô cùng sâu
xa. Chính ý nghĩa vô cùng sâu xa này đã làm Kinh Mân Côi có một giá trị khôn sánh.
(Trích từ Chuỗi Mân Côi trong đời sống hằng ngày của tác giả Paula Hoesl do Trầm Tĩnh Nguyện phóng tác)
nguồn: Chị Nguyễn Kim Bằng gởi