Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm

Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Theo gương thánh tổ lập dòng – thánh Phanxicô thành Assisi (1182-1226) – các tu sĩ dòng Phanxicô cũng đặc biệt có lòng yêu mến, tôn thờ và chiêm ngắm hình ảnh thơ trẻ dịu hiền của Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Một tình yêu hoàn toàn trong sáng và vô cùng dịu ngọt! Và Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng cũng âu yếm đáp trả cách nồng hậu mối tình êm ái này.

Trong tiểu sử các vị thánh dòng Phanxicô như thánh Antôn thành Padova (1195-1231), chân phúc John Duns Scotus (1265/1266-1308) đều được Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng hiện ra và ngồi gọn trong vòng tay của các ngài. Các ngài trìu mến vuốt ve và Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng cũng vuốt ve lại! Thật là mối tình say đắm độc nhất vô nhị, không bút mực nào có thể diễn tả cho hết nét hiền dịu thơ ngây trong trắng! Thật tuyệt vời!

Thánh nữ Maria Francesca delle Cinque Piaghe (1715-1791) thuộc dòng ba Phanxicô, người Ý. Thánh nữ có lòng sùng kính Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng cách riêng. Hàng năm, Thánh nữ không những sốt sắng làm tuần Cửu Nhật để chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh vào ngày 25-12, mà còn khởi đầu ngay công cuộc chuẩn bị vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Thánh nữ thanh tẩy con tim bằng chay tịnh, hy sinh và nguyện kinh cách hết sức tha thiết. Vì chuẩn bị tâm hồn cách vô cùng chu đáo như thế, nên cứ vào Đêm Lễ Chúa Giáng Sinh, thánh nữ thường nhận được nhiều ân huệ như xuất thần hoặc được hồng phúc chiêm ngưỡng Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng.

Vào năm 1741, trong lúc quì cầu nguyện trước Hang Đá Giáng Sinh, thánh nữ bỗng được ơn xuất thần. Đức Chúa GIÊSU đích thân hiện ra trong Vinh Quang rực sáng. Ngài âu yếm cầm lấy tay phải của thánh nữ và long trọng phán:
– Đêm nay Thầy chọn con làm hiền thê Thầy!

Thánh nữ Maria Francesca trở thành hiền thê Đức Chúa GIÊSU do tình yêu sùng mộ tuổi thơ của Ngài.

… Cha Niccolò Zucchi (1586-1670), dòng Tên người Ý, cũng có lòng đặc biệt sùng kính Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng.

Cha phổ biến lòng sùng kính bằng cách phân phát ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Công cuộc tông đồ này đưa một số rất đông các linh hồn trở về cùng THIÊN CHÚA.

Một ngày, Cha Niccolò phát ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng cho một thiếu nữ Công Giáo. Thiếu nữ vốn ngoan hiền, đức hạnh, ngây thơ trong sáng nhưng vẫn trì hoãn trong quyết định dâng hiến toàn thân cho THIÊN CHÚA.

Khi nhận ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng, thiếu nữ lịch sự cám ơn nhưng mỉm cười thưa:

– Con làm gì với ảnh thánh này?

Cha Niccolò trả lời ngay:
– Con đặt ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng nơi chiếc đàn dương cầm nhỏ con vẫn đánh mỗi ngày!

Đúng thế, cô gái rất thích chơi đàn vì cô có khiếu về âm nhạc. Cô gái ngoan ngoãn làm theo lời khuyên của Cha Niccolò Zucchi.

Sự kiện luôn luôn có ảnh thánh trước mặt, cô thiếu nữ bỗng thường xuyên chiêm ngắm ảnh thánh, đưa đến việc thật sự kính mến Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Từ từ bừng lên trong lòng cô thiếu nữ ước muốn sống mỗi ngày một hoàn hảo hơn. Giờ đây, cái đàn dương cầm nhỏ trở thành dụng cụ để cầu nguyện hơn là để chơi nhạc. Sau cùng, thiếu nữ quyết định rời bỏ thế gian để vào dòng tu.

Với tâm tình hân hoan cô gái đến gặp Cha Niccolò Zucchi để loan báo tin vui và nói:

– Thưa Cha, chính Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng đã lôi kéo con về với Tình Yêu vô biên của Ngài. Chính Ngài ban cho con ơn trút bỏ mọi dính bén tình nghĩa trần gian để thuộc trọn về Ngài. Xin muôn vàn tri ân Cha đã gợi ý và đưa con vào con đường tình yêu, vào lòng sùng kính Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Một lòng sùng kính vô cùng êm ái dịu ngọt!

… Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: ”Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen THIÊN CHÚA rằng: ”Vinh danh THIÊN CHÚA trên Trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2,8-14).

(”La Mia Messa”, 1 Ottobre 2011 – 31 Dicembre 2011, Anno V/A, vol.IV, Casa Mariana Editrice, trang 437-438+444-445)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

LÒNG CHÚA TÍN TRUNG LÀ KHIÊN CHE THUẪN ĐỠ

LÒNG CHÚA TÍN TRUNG LÀ KHIÊN CHE THUẪN ĐỠ


… Ông bà Laurent và Christel Landete là Cha Mẹ của 6 người con trong đó 2 đứa con đầu mắc một chứng bệnh di-truyền côi-cút không chữa trị được. Cả hai ông bà là y tá chuyên nghiệp. Ông Laurent còn điều hành Cộng Đoàn Emmanuel từ bốn năm qua. Bà Christel ở nhà lo việc nội trợ chăm sóc chồng con. Xin nhường lời cho Ông Bà trình bày Lời Chúa đã hướng dẫn như thế nào giữa cơn thử thách.

Lúc đang đợi đứa con thứ ba thì chúng tôi khám phá ra hai đứa con đầu – 15 tháng và 4 tháng tuổi – bị mắc một chứng bệnh di-truyền côi-cút không chữa trị được. Chứng bệnh này thường biểu lộ bằng những cơn rối loạn thần kinh, giao động trí thông minh và khủng hoảng tâm lý. Hai đứa con chúng tôi phải nằm nhà thương hàng mấy tuần lễ. Quả là cú sét giáng xuống đôi vợ chồng trẻ! Chúng tôi hoàn toàn không chờ không đợi một cú sét kinh hoàng như thế, cho dầu trước đó THIÊN CHÚA đã bí nhiệm chuẩn bị. Bởi vì, trong nhiều năm trời với tư cách y tá phục vụ nơi trung tâm thánh mẫu Lộ-Đức, tôi từng có cơ hội tháp tùng một người tàn tật. Trong khi Christel – hiền thê tôi – có một em gái khuyết tật.

Trong nỗi khổ tâm lại chồng chất thêm những vấn nạn đến từ người thân trong gia đình và bạn bè chung quanh: “Tại sao lại là chúng tôi? Chúng tôi đã phạm lỗi lầm nào khiến bị trừng phạt như thế?”. Thế là chúng tôi tìm nương ẩn trong cầu nguyện và Lời Chúa, đặc biệt trong Thánh Vịnh: ”Không nên nói: tại sao thế! Mọi sự đều được học hỏi đúng thời đúng lúc”. Nói cách khác, không nên đặt câu hỏi ”Tại Sao” nhưng nên hỏi ”Vì cái gì?”. Tư tưởng khôn ngoan này giúp chúng tôi khiêm tốn tìm hiểu – từng bước một – ý nghĩa của mỗi thử thách, dù xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào.

Ông Laurent. Tôi còn nhớ một hôm bà hàng xóm hỏi: ”Lỗi tại ai? Tại anh hay tại vợ anh?”. Có lẽ bà vụng về muốn hỏi: ”Ai truyền bệnh cho con cái?”. Ngày hôm sau, trong cầu nguyện, trình thuật Phúc Âm về người mù từ thưở mới sinh quả đã đến với chúng tôi trong cơn sầu khổ: ”Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”. Đức Chúa GIÊSU trả lời: ”Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của THIÊN CHÚA được tỏ hiện nơi anh” (Gioan 9,2-3).

Câu Chúa trả lời đặt chúng tôi trong một viễn tượng mới, y như thể làm đảo ngược hai thái cực. Chúng tôi có thể tìm thấy – từng bước một – giữa cơn gian nan thử thách của chúng tôi la-bàn hướng dẫn đời sống chúng tôi. Sau kinh nghiệm đau thương ấy, chúng tôi nhận được niềm an bình đích thật, như một chiều kích mới, để đương đầu, để tiếp nhận và để đưa cái thực tế cay đắng mới mẻ này vào cuộc sống thường nhật.

Ngoài ra, điều góp phần tạo thêm niềm an bình đích thật này, đó là chúng tôi không bao giờ bị bỏ rơi đơn độc. Chúng tôi vẫn còn cảm động khi nghĩ đến tất cả những ai đã tạo thành một mạng lưới bác ái vây bọc bao quanh chúng tôi, từ Cộng Đoàn Emmanuel cho đến người thân trong gia đình và nơi cộng đoàn xứ đạo. Ai ai cũng sẵn sàng góp một tay thay thế để chúng tôi có giờ đi tham dự Thánh Lễ hoặc nghỉ ngơi lấy sức.

Bà Christel. Một ngày, người ta không đánh được thuốc mê cho bé Marie để làm một khám nghiệm nên bác sĩ phải cột chặt bé bằng tấm chăn và đặt bé nằm trên bàn. Người ta chỉ trông thấy nhúc nhích cái nắm vú bé ngậm nơi miệng! Thật quá đau lòng. Chồng tôi và bác sĩ xin tôi lui ra khỏi phòng. Thay vì lang thang trên các hành lang bệnh viện tôi bèn vào nhà nguyện để cầu nguyện. Nơi cuối nhà nguyện, tôi trông thấy một cặp vợ chồng thuộc Cộng Đoàn Emmanuel mà tôi mới quen. Tôi đến gần chào và hỏi thăm họ viếng thăm ai nơi nhà thương hoặc có ai trong gia đình bị bệnh không. Họ trả lời: ”Chúng tôi có mặt tại đây là vì chị đấy!”. Câu nói như một vệt dầu thơm tuyệt vời thoa dịu nỗi đau đớn của chúng tôi.

Vào một kỳ tĩnh tâm, ông Jean Vanier nói chúng tôi: Anh Chị có biết câu nói đầu tiên của Đức Chúa GIÊSU KITÔ khi Người sống lại không? Đó là câu: ”Tại sao khóc?”. Đây không phải là câu trách móc nhưng là câu thương cảm. Cũng hơi hơi giống như: ”Chúng tôi có mặt tại đây là vì chị đấy!”.

Ông bà Laurent và Christel Landete. Dĩ nhiên sau đó đặt vấn đề tiếp nhận sự sống. Trong cầu nguyện chúng tôi nhận ra là chúng tôi đã hãm lại – trong con tim cũng như trong lý trí – việc tiếp nhận một đứa con khác. Thời gian này đúng là một ngã tư quan trọng trong liên hệ phu thê của chúng tôi. Chúng tôi đã có hai đứa con bị tàn tật do di truyền. Giờ đây chúng tôi bị đặt trước một chọn lựa, một hành vi đức tin. Giới y khoa khuyên chúng tôi chọn giải pháp ngừa thai hay theo phương thức mà Giáo Hội Công Giáo đề nghị để chúng tôi có thể tiến bước mà không khóa chặt cánh cửa tự do để tiếp nhận hồng ân sự sống. Chúng tôi khám phá ra rằng ngừa thai không xóa bỏ định luật tự nhiên. Nhờ ơn Chúa, mấy đứa con khác của chúng tôi chào đời không vướng phải chứng tàn tật di truyền. Nhưng trước mỗi lần như thế, chúng tôi vẫn hồi hộp chuẩn bị đón nhận một đứa con tàn tật. Đúng là một tiếng gọi đặc biệt. Có lẽ mọi người không nhận được tiếng gọi như thế.

Chúng tôi tin rằng chính giữa lòng cơn gian nan khốn khó và từ nơi nấm mồ mà nẩy sinh sự sống. Chiến thắng sự sống không nằm trong chiến thắng các sức lực nhân trần của chúng tôi mà là trong chiến thắng của Tình Yêu THIÊN CHÚA. Tình Yêu THIÊN CHÚA dành cho kẻ tìm kiếm câu trả lời bằng niềm tin yếu kém của chúng tôi. Sức mạnh của Phục Sinh chỉ chiến thắng trong việc chấp nhận những yếu ớt mỏng giòn, những vết thương và sự dễ bị tổn thương của chúng tôi.

… ”Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối, hãy thưa với Chúa rằng: ”Lạy THIÊN CHÚA, Ngài là nơi con nấu ẩn, là đồn lũy che chở, con tin tưởng vào Ngài”. Chính Chúa gìn giữ bạn khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc. Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ. Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa. Dù tả hữu có ngàn người quỵ ngã, dù hai bên có chết cả vạn người, riêng phần bạn, tuyệt nhiên không hề hấn .. Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà, bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá. Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long. Chúa phán: ”Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì. Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại, lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự, cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy và hưởng ơn cứu độ Ta ban” (Thánh Vịnh 91(90)).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Theo đạo Công Giáo nhờ các Thánh Thiên Thần

Theo đạo Công Giáo nhờ các Thánh Thiên Thần

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Theo đạo Công Giáo nhờ các Thánh Thiên Thần

Một gia đình ngoại giáo ở Đà Nẵng rất có thiện cảm với Đạo Công Giáo và tận tình giúp đỡ các Linh Mục đang truyền giáo tại Việt Nam. Đã hai lần gia đình này cứu tôi thoát khỏi nanh vuốt của Quan Tổng Trấn và các quân lính lùng bắt các Linh Mục.

Câu chuyện xảy ra tại Việt Nam vào năm 1896. Một Linh Mục Thừa Sai người Pháp kể lại như sau.

Một gia đình ngoại giáo ở Đà Nẵng rất có thiện cảm với Đạo Công Giáo và tận tình giúp đỡ các Linh Mục đang truyền giáo tại Việt Nam. Đã hai lần gia đình này cứu tôi thoát khỏi nanh vuốt của Quan Tổng Trấn và các quân lính lùng bắt các Linh Mục. Họ chẳng những cho tôi trú ẩn trong nhà mà còn thay phiên nhau canh phòng cẩn mật ngày đêm để không một ai nhận ra hoặc nghi ngờ về sự hiện diện của tôi. Chưa hết, họ chu đáo dọn cho tôi những món ăn đặc biệt Việt Nam với gạo thơm và nước trà hảo hạng.

Nhận thấy những cử chỉ tốt lành của họ tôi vui mừng thầm nghĩ:

– Hẳn đây là một gia đình hội đủ điều kiện để tôi có thể truyền bá đạo lý Kitô Giáo cho họ.

Nghĩ thế nên tôi ra công thuyết phục họ. Tôi cố gắng trình bày mọi khía cạnh cao cả tuyệt vời của Kitô Giáo. Tôi cũng tìm đủ lý lẽ minh chứng:

– Kitô Giáo rao giảng một nền luân lý thật hiền dịu và trong sạch, dựa trên Tình Yêu THIÊN CHÚA và tình thương con người.

Tôi thi thố trọn tài năng giảng thuyết hầu đưa gia đình ngoại giáo trở về cùng THIÊN CHÚA. Nhưng tôi ngạc nhiên và thất vọng biết bao khi thấy rằng:

– Họ hoàn toàn dửng dưng trước tất cả lý lẽ của tôi. Kitô Giáo không có gì mới lạ để lôi cuốn họ!

Thấy thế, tôi liền kêu đến Trời Cao. Tôi khẩn khoản xin THIÊN CHÚA soi sáng cho tôi biết phải dùng phương thế nào và rao giảng ra sao để đưa các đại ân nhân của tôi gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Và THIÊN CHÚA nhận lời tôi cầu xin qua trung gian một cậu bé bằng phương thế thật bất ngờ và vô cùng tuyệt diệu.

Cậu bé trạc 12-13 tuổi và là con của người hàng xóm. Cậu hoàn toàn mù tịt về Đức Tin Kitô nhưng đã tình cờ nghe đọc vài đoạn Kinh Thánh dịch ra tiếng Việt. Một ngày, cậu bé kể lại cho cô con gái gia đình chủ nhà tôi đang trọ nghe câu chuyện Tobia và Tổng Lãnh Thiên Thần Raphae, vị dẫn đường cho thiếu niên. Đây là cô con gái cưng của hai ông bà, vừa thông minh vừa duyên dáng.

Ngay ngày hôm sau, thiếu nữ nói với tôi:

– Con biết có một tôn giáo đẹp hơn tôn giáo của Cha. Đó là tôn giáo của các Thánh Thiên Thần, Sứ Giả của Trời Cao. Nếu Cha cũng biết tôn giáo này và thông truyền cho chúng con thì con xin lãnh trách nhiệm đưa toàn gia đình con trở về với tôn giáo tuyệt vời ấy!

Nghe thiếu nữ nói tôi hiểu ngay bàn tay THIÊN CHÚA đã can thiệp. Tôi hân hoan trả lời:

– Được rồi! Tôi sẽ nói cho cô và gia đình cô nghe về giáo lý và truyện các Thánh Thiên Thần.

Mọi người chấp thuận và ngồi quây quần chung quanh tôi. Tôi cẩn thận rút từ Kinh Thánh tất cả đoạn nào liên quan đến các Thánh Thiên Thần, bắt đầu từ Cựu Ước rồi sang Tân Ước. Trước tiên là chuyện con rắn trong vườn Địa Đàng và Thiên Thần cứu sống Isaac, con trai duy nhất của tổ phụ Abraham, sang đến thị kiến về Thiên Thần của ông Giuđa Maccabêô.. Trong Tân Ước, tôi bắt đầu câu chuyện Tổng Lãnh Thiên Thần Gabrie được THIÊN CHÚA sai đến truyền tin cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA, và kết thúc với chuyện các Thánh Thiên Thần xuất hiện nơi mồ Đức Chúa GIÊSU KITÔ, loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Sau cùng, khi Đức Chúa GIÊSU KITÔ Về Trời, các Thánh Thiên Thần từ Trời xuống xin mọi người giải tán.

Suốt cuộc đời truyền giáo, chưa bao giờ tôi thành công trong việc giảng thuyết như lần này. Mọi người há hốc mồm, chăm chú nuốt từng lời tôi nói, say mê theo dõi các câu chuyện tuyệt diệu về các Thánh Thiên Thần. Khi tôi dứt lời, mọi người đồng thanh kêu lên:

– Chúng con xin từ bỏ các bụt thần ngoại giáo để tin nhận THIÊN CHÚA Toàn Năng, Đấng có các Thánh Thiên Thần làm Bộ Trưởng và Ngài đã ban cho từng thụ tạo một Thánh Thiên Thần Hộ Thủ, chăm sóc và giữ gìn!

Với niềm vui khôn tả, tôi dõng dạc tuyên bố:

– Thế thì kể từ giờ phút này, hỡi các bạn, các bạn là tín hữu Kitô, bởi vì, tất cả những gì tôi vừa kể cho các bạn nghe, chỉ mới là phần nhỏ của Kitô Giáo, tôn giáo do chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ thành lập.

Những ngày kế tiếp, tôi bắt đầu giảng giải giáo lý một cách có hệ thống hơn. Và sau một tháng, tôi rửa tội cho toàn thể gia đình ân nhân của tôi.

Kinh đọc cùng Thánh Thiên Thần Bản Mệnh. ”Lạy Thiên Thần Chúa là đấng gìn giữ con. Xin Thiên Thần soi sáng tâm trí con, gìn giữ trái tim con, nâng đỡ thân xác con và hướng dẫn con, vì con được Tình Yêu Thiên Quốc giao phó cho Thiên Thần chăm sóc. Amen”.

… ”Này Ta sai thiên sứ đi trước con, để gìn giữ con khi đi đường và đưa con vào nơi Ta đã dọn sẵn. Trước mặt ngài, hãy ý tứ và nghe lời ngài. Đừng làm cho ngài phải chịu cay đắng, ngài sẽ không tha lỗi cho con, vì danh Ta ngự trong ngài. Nếu thực sự con nghe lời ngài, nếu con làm mọi điều Ta nói, Ta sẽ trở thành kẻ thù của kẻ thù con, đối phương của đối phương con” (Xuất Hành 23,20-22).

(”Le Ciel Parmi Nous”, Editions Bénédictines, 1997, trang 173-175)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

XIN MẸ CỨU GIÚP CON MỌI NƠI MỌI LÚC, NHẤT LÀ TRONG GIỜ CHẾT!

XIN MẸ CỨU GIÚP CON MỌI NƠI MỌI LÚC, NHẤT LÀ TRONG GIỜ CHẾT!

…. Câu chuyện xảy ra tại thành phố Hal nằm dọc theo kênh đào Charleroi. Hal chỉ cách Bruxelles – thủ đô vương quốc Bỉ – khoảng vài cây số. Tại đây có nhà thờ Công Giáo kiểu gô-tích tôn kính bức tượng ”Đức Mẹ Đen”. Bức tượng tạc từ thế kỷ XIII và nổi tiếng vì làm nhiều phép lạ.

Tại thành phố Hal cạnh con kênh Charleroi đã xảy ra tai nạn thảm thương. Một bà mẹ góa sống với đứa con trai duy nhất. Một ngày, cậu bé chơi với bạn cạnh con kênh. Không hiểu hai cậu bé rượt đuổi nhau thế nào mà cậu trai con bà góa trượt chân rớt xuống kênh. Cậu bạn hoảng hốt chỉ biết gào lên kêu cấp cứu. Bà mẹ càng hoảng hốt hơn và cũng chỉ biết hét lên những lời kêu cứu thảm thiết.

May mắn vào ngay lúc đó có một thanh niên đi về hướng này. Nghe tiếng kêu chàng đoán ngay sự việc. Chàng tức tốc nhảy xuống kênh và lặn sâu dưới dòng nước. Mấy phút sau chàng vớt được cậu bé và mang lên bờ, trước đôi mắt đẫm lệ của bà mẹ. Người ta xúm lại cấp cứu cậu bé. Cậu từ từ hồi tỉnh. Cậu thoát chết nhờ hành động mau mắn và dũng cảm của người thanh niên lạ mặt.

Trước công ơn to tát như thế làm sao cám ơn cho đủ người đã cứu mạng sống con mình??? Bà mẹ góa lại quá nghèo! Nghĩ lui nghĩ tới bà thấy không gì quý hơn là tặng chàng trai ảnh đeo có hình Đức Mẹ Đen của nhà thờ gô-tích thành phố Hal. Bà đưa tặng chàng và nói:
– Chắc chắn Đức Mẹ MARIA nghe lời tôi cầu cứu nên đưa đẩy cậu đến và cứu vớt kịp thời con trai tôi bị nạn.
Chàng thanh niên lúng túng trả lời:
– Tôi không biết là có đúng như thế không, bởi vì, thú thật với bà, tôi là người không tin!

Tuy nói thế nhưng trước cái nhìn khẩn thiết của bà mẹ chàng chấp nhận ảnh thánh Đức Mẹ MARIA. Chàng cũng hứa sẽ mang ảnh như lời bà xin để ghi nhớ cuộc gặp gỡ với cậu bé con bà ..

Gần mấy chục năm trôi qua .. chàng thanh niên dũng cảm năm xưa, nay là người đàn ông lớn tuổi. Ông bị bệnh nặng và được điều trị tại một nhà thương bên Thụy Sĩ. Nhà thương do các nữ tu điều khiển. Cùng vào thời kỳ đó, tại vùng này, có vị Linh Mục người Bỉ về đây nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng Cha đến thăm viếng các bệnh nhân theo lời xin của các nữ tu. Một ngày, Cha đang trên đường gần nhà thương thì thấy một nữ tu chạy đến xin Cha tới giúp một bệnh nhân đang hấp hối. Chị nói:

– Xin Cha đến mau! Ông ta đang mê sảng!

Khi vị Linh Mục đến bên giường Cha hiểu rằng người bệnh nói tiếng Flamand. Ông muốn bịt tai và xua đuổi tất cả những gì có liên hệ đến tôn giáo. Bằng tiếng Flamand vị Linh Mục nói vào tai người bệnh:
– Xin ông an tâm, không ai dám làm trái ý ông! Chúng tôi chỉ cầu nguyện cho ông thôi!

Nói xong vị Linh Mục thoáng thấy nơi cổ bệnh nhân có lấp lánh ảnh đeo Đức Mẹ MARIA. Không giữ được bình tĩnh Cha ngạc nhiên nói:
– Ông mang một ảnh đẹp như vậy mà ông lại không muốn tôi nói với ông về Đức Chúa GIÊSU KITÔ và về Đức MARIA, Mẹ của Ngài và cũng là Mẹ của chúng ta sao???

Người hấp hối bỗng chốc như hồi tỉnh. Bằng từng câu rời rạc, ông kể lại câu chuyện vớt một cậu bé và lời hứa với bà mẹ cậu bé là sẽ mang ảnh Đức Mẹ MARIA suốt đời để ghi dấu cuộc gặp gỡ. Và ông đã giữ lời hứa. Vị Linh Mục thật cảm động. Ngài cúi xuống cầm tay người bệnh và nói:
– Chú bé mà ông cứu sống chính là tôi! Mẹ tôi vẫn kể lại câu chuyện ấy và nhắc tôi nhớ đến ông luôn. Chúng tôi suốt đời ghi ơn ông .. Và ông không thấy là chính Đức Mẹ MARIA đưa tôi đến đây gặp lại ông để giúp ông trong giây phút trọng đại cuối đời sao?

Người bệnh cũng cảm động không kém vị Linh Mục. Ông bỗng trở nên an bình hơn. Ông chấp nhận xưng tội và xin rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU làm của ăn đàng. Sau đó, ông nhắm mắt an nghỉ trong vòng tay trìu mến ghi ơn của vị Linh Mục.

… Kinh Cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Lạy Rất Thánh Đồng Trinh MARIA, Mẹ đã vui lòng nhận lấy tước hiệu là Mẹ Hằng Cứu Giúp, cho được giục lòng chúng con trông cậy vững vàng, thì con nài xin Mẹ dủ lòng thương, cứu giúp con trong mọi nơi mọi lúc, khi phải các cơn cám dỗ, khi sa phạm tội, và khi gặp các sự khốn khó trong đời con, và nhất là trong giờ chết. Lạy Mẹ hay thương, xin cho con siêng năng chạy đến cùng Mẹ luôn luôn. Con tin rằng, con siêng năng chạy đến cùng Mẹ, thì làm cho Mẹ càng sẵn lòng nghe lời con. Xin Mẹ ban cho con ơn trọng này, là siêng năng cầu xin Mẹ, và được lòng trông cậy Mẹ như con thảo, ngỏ cho Mẹ nghe lời con hằng cầu xin, mà hằng cứu giúp con, và ban cho con được ơn bền đỗ đến cùng. Lạy Mẹ yêu dấu hay thương giúp, xin Mẹ ban phúc lành cho con, và cầu bàu cho con khi này và trong giờ lâm tử. AMEN.

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin che chở mọi kẻ thuộc về con, ban ơn phù hộ cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh, cho nước Việt Nam con, cho gia đình con, cho kẻ thân nghĩa, kẻ thù nghịch và hết mọi kẻ khốn khó. Sau hết cho các Linh Hồn đáng thương trong Lửa Luyện Ngục.

Thánh MARIA, lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu bàu cho con. Lạy Thánh Anphongxô là quan thầy bào chữa con, xin giúp đỡ con trong những khi khó ngặt thiếu thốn biết chạy đến cùng Đức Bà MARIA.

Lạy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cầu cho chúng con.
Lạy Thánh Anphongxô, cầu cho chúng con.

(Albert Pfleger, ”FIORETTI DE LA VIERGE MARIE”, Mambré Éditeur 1992, trang 57-58)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

CHÍNH TÔI ĐÃ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ CHIẾM ĐOẠT

CHÍNH TÔI ĐÃ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ CHIẾM ĐOẠT!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt



… Thứ bảy 29-6-2013 Tổng Giáo Phận Paris bên Pháp có thêm 6 tân Linh Mục. 5 Vị tuổi từ 28 đến 33. Một Vị 43 tuổi. 5 Vị sinh ra và lớn lên tại thủ đô Paris. 1 Vị ở vùng phụ cận Paris. Xin giới thiệu chứng từ của tân Linh Mục Augustin Bourgue 33 tuổi nhấn mạnh đến thừa tác vụ linh mục được chu toàn trong việc mở rộng cho thế giới và tình huynh đệ.

Cha Augustin Bourgue là con thứ hai trong một gia đình Công Giáo có 7 người con. Con cái được giáo dục và thức tỉnh Đức Tin nhờ các buổi đọc kinh chung trong gia đình và nhờ gương sáng lành thánh của bậc Cha Mẹ hiền đức, sống rất gần với linh đạo của Cộng Đoàn Emmanuel. Cuộc sống đạo đức còn được phong phú thêm nhờ việc tham dự thường xuyên vào các sinh hoạt của giáo xứ.

Thời niên thiếu vì tham gia các hoạt động thuộc lãnh vực Đức Tin nơi giáo xứ Sainte-Jeanne de Chantal mà cậu Augustin được cảm nghiệm niềm vui suy niệm Lời Chúa. Rồi cậu trở thành Chú Giúp Lễ và gia nhập phong trào Hướng Đạo. Augustin hồn nhiên lớn lên trong khung cảnh gia đình, giáo xứ và học đường lành mạnh nhưng không bao giờ chú ý đến Ơn Gọi Linh Mục. Mãi cho đến năm cuối bậc trung học đệ nhất cấp, vào một bữa ăn tối trong gia đình, Augustin nhận việc bảo trợ ơn gọi cho chủng sinh Frédéric bằng lời cầu nguyện. Từ đó nẩy sinh mối tình huynh đệ thiêng liêng mang lại thành quả phong phú. Xin nhường lời cho tân Linh Mục Augustin Bourgue kể lại con đường đưa đến thiên chức Linh Mục.

Qua anh Frédéric tôi khám phá Lý Trí có thể phục vụ Đức Tin. Một ngày, thể theo lời khuyên của một vị Linh Mục và được anh Frédéric tháp tùng, tôi đến sống một tuần tĩnh tâm nơi một đan viện ở Bretagne. Tại đây tôi khám phá sự hiện diện gần gũi thân tình của THIÊN CHÚA. Vô cùng ngỡ ngàng tôi liền quyết định sẽ sẵn sàng đáp lại bất cứ tiếng gọi nào đến từ THIÊN CHÚA.

Thời gian 7 năm trôi qua từ sinh viên đến kỹ sư, ơn gọi như mỗi lúc một sáng tỏ trong tôi. Tôi ngạc nhiên ý thức rằng tôi rất yêu thích nói về Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tôi cũng hiểu rằng chính Người cho tôi niềm vui hưởng nếm cuộc đời và với Người, tôi có thể chọn nếp sống độc thân. Chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ ban tặng tất cả!

Với tâm tình trên đây mà tôi hân hoan gia nhập Chủng Viện. Trước đó vì từng tham gia các sinh hoạt thể thao nên trong thời gian thụ huấn ở Bruxelles, thủ đô vương quốc Bỉ, tôi cũng gia nhập một Hội thể thao. Thể thao là phương tiện nối kết mối giây giao hảo với con người thời đại ngày nay. Đầu tháng 7 năm 2013 tôi chủ sự lễ hôn phối cho một thành viên Hội thể thao này. Tôi là linh mục bạn thân của chú rể.

Ngoài ra tôi cũng đặt nặng vấn đề đối thoại liên tôn và mở rộng với thế giới. Chính vì thế mà ngay trong năm thứ hai ở Chủng Viện tôi đã bắt đầu học tiếng Ả-Rập. Chúng ta được may mắn là thành phần của Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo thúc đẩy và khuyến khích chúng ta sống tình huynh đệ đại đồng. Ngày thụ phong linh mục tôi chọn câu Phúc Âm trích từ thánh Gioan chương 10 câu 10: ”Thầy đến để cho loài người được sống và sống dồi dào”.

Thời thụ huấn bên Bỉ tôi học một bài học quý giá từ một Cha Sở. Cha Sở đặc trách hai giáo dân trong giáo xứ nhiệm vụ cổ động và canh chừng làm sao để tất cả mọi con chiên bổn đạo trong giáo xứ đều quen biết lẫn nhau. Thật là ý tưởng tuyệt vời.

Sứ mệnh của Linh Mục là xây dựng nhiệm thể Đức Chúa GIÊSU KITÔ bằng cách hoạt động cho tình hiệp nhất và mối hiệp thông. Hiệp nhất và hiệp thông cũng là đích điểm chung kết của bí tích Thánh Thể.

… ”Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Chúa KITÔ, tôi cho là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức KITÔ GIÊSU, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Chúa KITÔ và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức KITÔ, tức là sự công chính do THIÊN CHÚA ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức KITÔ, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Chúa GIÊSU KITÔ chiếm đoạt” (Philipphê 3,7-12).

(”PARIS NOTRE-DAME, L’Église en mission à Paris”, Journal du Diocèse de Paris, Hebdomadaire, No 1483, 20 Juin 2013, trang 18)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

SÁNG NÀO THIÊN CHÚA CŨNG BAN ÂN HUỆ MỚI!

SÁNG NÀO THIÊN CHÚA CŨNG BAN ÂN HUỆ MỚI!

vietvatican.net

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Bà Anne-Dauphine Julliand là ký giả kiêm văn sĩ và là bà mẹ Công Giáo năm nay 40 tuổi. Bà sinh ra và sống tại Paris, thủ đô nước Pháp. Ngày 10-3-2011 bà phát hành tác phẩm: ”Deux Petits Pas Sur Le Sable Mouillé – Hai Bước Chân Nhỏ Trên Cát Ướt” vỏn vẹn hai năm sau khi bé gái Thaiis 3 tuổi rưỡi qua đời. Tác phẩm là một bản tình ca: yêu sống, yêu con và yêu THIÊN CHÚA. Hai năm sau, ngày 23-5-2013, bà lại viết cuốn ”Une journée particulière – Một ngày đặc biệt” nhắc lại những yêu thương dành cho con gái Thaiis. Một ngày đặc biệt là ngày 29-2 ngày sinh nhật của bé Thaiis – mà nếu còn sống năm nay sẽ tròn 8 tuổi – và người ta chỉ có thể cử hành ngày này cứ bốn năm một lần!

Ông bà Loic và Anne-Dauphine Julliand cho ra chào đời bốn đứa con, 2 trai 2 gái: Gaspard, Thaiis, Azylis và Arthur. Đứa con gái lớn tên Thaiis bị mắc chứng di truyền loạn-dưỡng-bạch-cầu (leucodystrophie) và được chẩn bệnh vào năm lên hai tuổi. Các bác sĩ cho biết bé chỉ sống sót trong vòng vài tháng. Khi nhận hung tin, bà Anne-Dauphine thì thầm vào tai con gái lời hứa:
– Con sẽ có một cuộc đời đẹp. Cuộc đời không giống các trẻ khác nhưng là một cuộc đời mà con có thể hãnh diện!

Và đúng như lời hứa. Bé Thaiis sống thêm gần hai năm và là hai năm tràn đầy yêu thương. Đúng là một câu chuyện tình yêu.

Nhưng thử thách vẫn chưa chấm dứt. Bé gái thứ hai cũng mắc cùng chứng bệnh y như chị Thaiis của bé. Xin nhường lời cho bà Anne-Dauphine Julliand, người mẹ Công Giáo trẻ thật can đảm, tràn đầy hy vọng và đặt trọn niềm tin nơi THIÊN CHÚA.

Nói rằng mình có một đứa con bị đau ốm thì dễ hơn là thú nhận mình có đứa con khuyết tật. Khuyết tật gây lo âu sợ hãi hơn là đau bệnh. Khuyết tật tạo nên một tình cảm khang-khác khiến người ta lúng túng không thoải mái. Đứa con khuyết tật thay đổi nhiều điều trong cuộc sống gia đình của tôi. Thành thật mà nói cuộc sống thường nhật trở nên rắc-rối nhiêu-khê hơn. Đôi khi thật nặng nề. Thế nhưng đứa con khuyết tật đã thay đổi tâm lòng của chúng tôi. Chúng tôi học cách cảm thức trở lại sự giòn mỏng của đứa con cũng như của chính chúng tôi.

Khi khám phá ra Azylis – đứa con gái thứ hai của chúng tôi – mang cùng chứng bệnh với Thaiis, đã là một trận động đất trong đời sống lứa đôi của chúng tôi. Thế rồi trong khoảng thời gian đầu của cơn thử thách, chúng tôi đã quên mất nếp sống phu thê để dồn mọi chú ý trên đứa con khuyết tật. Chúng tôi không gặp khó khăn trong việc chu toàn nghĩa vụ của bậc làm cha làm mẹ, nhưng chỉ thiếu sót trong tình nghĩa vợ chồng. Từ từ chúng tôi học trở lại cách thức vợ chồng nhìn nhau, chú ý và chăm sóc lẫn nhau. Chúng tôi cũng học cách an ủi lẫn nhau nữa.

Trên đây tôi nói khuyết tật gây sợ hãi hơn là cơn bệnh. Điều làm cho chúng tôi sợ chính là sự khác biệt. Đối diện với người khuyết tật chúng tôi lo sợ không biết phải nói năng truyền thông như thế nào, không biết phải xử sự ra sao. Chúng tôi cố gắng dồn mọi nỗ lực thực thi điều chúng tôi có khả năng làm và không nghĩ đến chuyện nhìn người kia. Tôi chỉ lo sợ không thể hiểu được đứa con gái khuyết tật của mình. Tôi bèn học với con cách thức nói năng thông truyền bằng một kiểu khác.

Đức Tin giúp ích nâng đỡ tôi rất nhiều. Đức Tin không ngăn chặn tôi khỏi khóc lóc và khỏi đau khổ, nhưng Đức Tin giúp tôi nhìn sự việc dưới một nhãn quan khác, theo một cách thức khác. Tôi nghĩ rằng ngày hôm nay Đức Tin của tôi được lớn mạnh. Điều thay đổi trong Đức Tin của tôi chính là chiều sâu và nét nhân bản thực tế. Ngày người ta loan báo cho chúng tôi biết căn bệnh của đứa con gái thứ hai của chúng tôi, tôi nhận ra rằng Trời Cao không đổ ập trên đầu chúng tôi, nhưng Trời Cao đi vào căn nhà của chúng tôi, để cùng khóc với tôi và để đề nghị với tôi sự hiện diện của Trời Cao. Chính sự hiện diện của THIÊN CHÚA trong cuộc đời tôi là điều vô cùng thân thương và thật quý báu đối với tôi. Kể từ ngày tôi cảm nhận được điều này cùng với trọn Tình Yêu vô điều kiện tháp tùng, tôi không còn sợ hãi cuộc sống nữa. Tôi không còn sợ đau khổ cũng không sợ ngã quỵ lẫn không sợ yếu ớt giòn mỏng.

… ”Xin nhớ đến nỗi khốn cùng của con, và cuộc đời con vất vưởng nuốt cay ngậm đắng. Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi. Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông: Lượng từ bi THIÊN CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Ngài mãi không vơi. Sáng nào Ngài cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Ngài cao cả biết bao! Con tự nhủ: ”THIÊN CHÚA là phần sản nghiệp của con, vì thế nơi Ngài, con trông cậy”. THIÊN CHÚA xử tốt với ai tin cậy Ngài, với ai hết lòng tìm kiếm Chúa. Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của THIÊN CHÚA, đó là một điều hay. Cũng là một điều hay cho người nào phải mang ách từ khi còn trẻ” (Sách Ai Ca 3,19-27).

(”OMBRES & lumière”, Revue Chrétienne Des Personnes Malades Et Handicapées, De Leurs Familles Et Amis, Mai-Juin 2013)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

ĐỪNG SỢ KẺ GIẾT THÂN XÁC MÀ KHÔNG GIẾT ĐƯỢC LINH HỒN!

ĐỪNG SỢ KẺ GIẾT THÂN XÁC MÀ KHÔNG GIẾT ĐƯỢC LINH HỒN!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

. Câu chuyện xảy ra trong khoảng từ năm 1950 đến 1967 khi đảng cộng sản vô thần nắm quyền tại Slovak.

Năm bước vào tuổi 16 cũng là năm tôi nếm mùi tù ngục. Tôi bị tống giam chỉ vì là tín hữu Công Giáo và là người tổ chức, điều động nhóm sinh viên học sinh, đối lập với cái gọi là ”Hội Công Giáo” do nhà nước cộng sản thành lập. Tôi còn bị bắt dưới nhãn hiệu ”thành viên cuồng tín của Vatican”. Như thế có nghĩa là ”một công dân nguy hiểm cho xã hội chủ nghĩa Tiệp-Khắc!”

Niềm đau lớn lao nhất của tôi lúc bấy giờ là bị bắt cùng lúc với thân phụ và bị đưa ra tòa với người. Bọn công an dùng một đòn tâm lý vô cùng ác độc. Để tra khảo tôi, để buộc tôi phải xưng thú hay chấp nhận điều gì, họ đánh đập Ba tôi trước mặt tôi. Không thể nào tả hết nỗi đớn đau tinh thần và thể xác khi tôi nhìn thấy Ba tôi bị đánh đập cách tàn bạo, máu trào ra từ những cơ phận chính!

Phản ứng tự nhiên của tôi là quay mặt đi nơi khác nhưng bọn công an tàn ác bắt buộc tôi phải chứng kiến cảnh tượng này.

Hình ảnh thân phụ bị đánh đập in đậm trong tâm trí tôi như hình ảnh của vị anh hùng tử đạo, không bao giờ có thể xóa mờ! Ngay khi đó, Ba tôi bị kết án tử hình nhưng rồi không hiểu sao họ đổi thành án tù chung thân. Sau 10 năm tù đày Ba tôi được trả tự do nhưng thật ra để về nhà và chết tại gia đình!

Các lính canh tỏ ra thương hại chúng tôi nhưng họ không làm hành động nào tốt để giúp chúng tôi, những thanh thiếu niên Công Giáo vô tội. Sau đó bọn tù chúng tôi bị giao cho các lính canh trẻ tuổi hơn, nhưng lại tàn ác hơn. Nếu chẳng may họ tìm thấy trên người hoặc nơi phòng giam chúng tôi những bảo vật tôn giáo như ảnh tượng thánh và tràng hạt Mân Côi chẳng hạn thì họ nổi điên. Họ mắng nhiếc và đuổi chúng tôi ra khỏi phòng, co ro trong các hành lang dài lạnh buốt.

Nhóm tù nhân thiếu niên chúng tôi gồm đủ mọi thành phần, trong số này có thiếu niên bị tù vì tìm đường vượt ra ngoại quốc. Các bạn trẻ này thường không chịu được cảnh tù tội như chúng tôi là thiếu niên Công Giáo. Do đó chúng tôi giúp họ bằng cách từ từ nói với họ về niềm tin tôn giáo. Dĩ nhiên có người chấp nhận, có người từ chối.

Trong thời gian bị giam cầm chúng tôi thường xuyên bị tuyên truyền đầu độc bởi học thuyết xã hội chủ nghĩa vô thần nhằm bài trừ tôn giáo. Ngoài ra nhóm canh tù cũng nhét vào đầu óc non trẻ của chúng tôi các tội phạm và gieo vào lòng chúng tôi tâm tình của người mắc tội và phải đền tội.

Chúng tôi khó cưỡng lại lời buộc tội vô căn cứ và một chiều này. Tôi nhớ rõ một ngày, một thiếu niên Công Giáo Slovak bị đưa vào giam chung với chúng tôi. Thiếu niên bị bắt và tống giam chỉ vì cậu đã kéo chuông vang dội báo hiệu cho giáo dân trong xứ biết là công an đến bắt Cha Sở mang đi.

Cậu bị buộc cái tội gọi là ”dám khơi dậy cuộc nổi loạn trong làng”. Thật tội nghiệp cho thiếu niên! Tâm tình ngây thơ vô tội khiến cậu không thể nào chịu được những vu khống trắng trợn của bọn công an. Kết quả là cậu bị mất trí. Nhiều đêm chúng tôi bị thức giấc vì tiếng la hét của cậu. Đôi khi cậu trở nên vô cùng hiền dịu, quỳ gối trước mặt ông canh tù và phân trần là cậu không bao giờ muốn giết chết một ai cả! Sau đó người ta mang thiếu niên này đi nơi khác.

Trong thời gian học tập cải tạo, chúng tôi phải hoàn toàn mù quáng chấp nhận tất cả bài học vô-lý vô-nghĩa do nhóm công an đưa ra. Khốn cho đứa nào dám cãi lại những lý luận một chiều của họ! Chính tôi từng kinh nghiệm điều này. Một ngày, chúng tôi được tin đội banh Liên-Xô thắng đội banh Canada. Người cai tù hãnh diện lớn tiếng giải thích:
– Chiến thắng này chứng tỏ chủ nghĩa xã hội của Liên-Xô vượt xa các chủ nghĩa khác!
Nghe vậy, tôi liền nói với người tù đang ngồi trước mặt:
– Lý luận thật hồ đồ, không giá trị, chẳng khác nào nói: ”Bởi vì con ngựa đua của nữ hoàng Anh Quốc thắng cuộc đua, nên chính thể Anh quốc là chính thể tốt đẹp nhất thế giới!”

Dĩ nhiên là sau lời phát biểu ý kiến tự do này, tôi bị tố cáo, bị trừng trị và bị biệt giam vì đã dám chỉ trích chủ nghĩa xã hội của Liên-Xô!

Những tháng ngày tù ngục trôi qua trong Đức Tin Công Giáo và niềm can đảm nhờ một lần tôi được trông thấy hình ảnh vị Giám Mục với chiếc áo đẫm máu, bị giam cùng một trại với chúng tôi.

… ”Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh chị em cho các hội đồng và sẽ đánh đập anh chị em trong các hội đường của họ. Và anh chị em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết .. Anh chị em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh chị em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục .. Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt CHA Thầy, Đấng ngự trên Trời” (Matthêu 10,17-18/28/32).

(”HÉROS OU TRAITRES”, Cyril Slovák et Jozef Inovecký, Roma 1976, trang 52-59)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

HÃY TIN VÀO CHÚA THÌ NGƯỜI SẼ NÂNG ĐỠ CON!

HÃY TIN VÀO CHÚA THÌ NGƯỜI SẼ NÂNG ĐỠ CON!

… Sáng thứ bảy 12-1-2013 nhà thờ Saint-Cyprien ở thành phố Poitiers miền Trung nước Pháp đông chật tín hữu đến tham dự Thánh Lễ an táng bà Gisèle Calmès, Giám Đốc Bệnh Viện. Nhà thờ được trang hoàng nhiều hoa tươi lộng lẫy như dấu chứng nói lên lòng quý mến của những người đến tiễn đưa một nữ giám đốc qua đời ở lứa tuổi 52. Đặc biệt có sự hiện diện đông đảo của cộng đồng y khoa toàn nước Pháp đến vĩnh biệt và nói lời tri ân đối với một đồng nghiệp hoàn toàn xả thân vì lợi ích của người khác.

Trong tờ cáo phó của gia đình có hàng chữ viết: ”Gisèle, nữ giám đốc bệnh viện, hiệp sĩ huân chương, đã giã từ chúng ta để tiếp nối công trình phục vụ nơi khác và mãi mãi”.

Thật vậy,
người phụ nữ mang hai dòng máu Pháp-Việt có đôi bàn tay dịu dàng khéo léo, từng khởi đầu sự nghiệp với kết ước giản dị căn bản đã kiên trì tiếp tục một hành trình đưa đến những trọng trách sau đó, nhưng vẫn giữ nguyên phong độ của một phụ nữ luôn nghĩ đến người khác và dâng hiến cuộc đời cho người khác.

Bà Gisèle Calmès đã trải qua không biết bao nhiêu là thử thách cá nhân và gia đình trước khi nhận trách nhiệm nữ giám đốc bệnh viện. Bà làm việc cực nhọc không biết mệt mỏi như thân phụ từng dạy bà ngay thời thơ ấu. Đức tính can cường ấy đi kèm niềm hứng khởi đã khiến bà Gisèle luôn say mê công việc, yêu mến nghề nghiệp và không ngại gian khổ. Bà lắng nghe và gần gũi hết mọi người, từ các bệnh nhân, những kẻ bé nhỏ đến các y tá bác sĩ những người mà bà phải tiếp cận và có quan hệ trong lãnh vực y khoa.

Từ thân mẫu là người Việt Nam bà được nhắn nhủ: ”Con nên luôn luôn thực thi điều lành dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Điều lành luôn dội lên trên trẻ em, trên những người nhận nó và đến phiên họ, họ cũng có thể thực thi điều lành. Bởi vì, sự thiện rất dễ lây và luôn luôn chiến thắng”. Chính giáo huấn từ mẫu này đã chiếu sáng soi dẫn trọn cuộc đời bà Gisèle. Thêm vào đó, bà còn được thấm nhuần nền văn hóa Á Châu luôn giữ nơi nhà các vị lão thành đau ốm để tận tay chăm sóc với tâm tình trìu mến và kính trọng.

Sức sinh động, sự hữu hiệu, niềm vui sống và nụ cười luôn tươi nở trên đôi môi khả ái đã để lại một kỷ niệm khó phai mờ nơi tất cả những ai từng hân hạnh quen biết bà Gisèle Calmès. Nơi bà lan tỏa lòng quảng đại, sự vi tha, luôn nghĩ đến người khác. Bà khéo léo tạo nên các mối giao hảo, các cuộc gặp gỡ, thoa dịu các tranh chấp, kết nối mọi người xuyên qua các khác biệt để trở thành bạn hữu. Bà là thanh nam châm thu hút mọi người. Bà có niềm tin tưởng nơi con người.

Cuối năm 2012, khi cơn bệnh đi vào giai đoạn trầm trọng, vô phương cứu chữa, thì chính bà lại trở thành người can đảm, kiên trì, rạng rỡ và giúp mọi người chung quanh vượt lên trên thử thách của cơn bệnh. Đau thương nhất là các thắc mắc của những người thân yêu: ”Tại sao thế? Sao lại phải ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ? THIÊN CHÚA, Ngài đang ở đâu?” Bao câu hỏi quay cuồng trong các đầu óc. Làm thế nào để tìm ra ý nghĩa của biến cố đau thương này?

Chưa hết. Khi hồi tưởng cuộc đời bà, người ta biết rằng bà đã mất người chồng trẻ thân yêu khi đang mang thai đứa con trai thứ hai. ”Tại sao thế? THIÊN CHÚA là Ai? Và người ta có thể nói gì về sự lành, sự dữ?”

Trước tất cả các nghi vấn xốn xang này, bà Gisèle Calmès đã trở thành một tấm gương can đảm và một Đức Tin vững chắc nơi THIÊN CHÚA là CHA. Chính tâm tình đơn sơ tốt lành tự nhiên đã hướng dẫn soi sáng cuộc đời bà. Và lòng quảng đại dâng hiến cuộc đời để phục vụ người khác là một chứng tá sống động hùng hồn nhất của bà Gisèle Calmès, giám đốc bệnh viện, hiệp sĩ huân chương qua đời ở lứa tuổi 52. Xin THIÊN CHÚA Nhân Lành đón rước linh hồn bà vào nơi an nghỉ muôn đời.

”Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự THIÊN CHÚA, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách. Hãy giữ lòng ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ. Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ, để cuối đời, con được cất nhắc lên. Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử thách trong lò ô nhục. Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người. Hỡi ai kính sợ THIÊN CHÚA, hãy trông đợi lòng lân tuất của Người, đừng lìa xa Người kẻo ngã. Hỡi ai kính sợ THIÊN CHÚA, hãy tin vào Người, và các bạn sẽ không mất phần thưởng đâu. Hỡi ai kính sợ THIÊN CHÚA, hãy đợi trông ơn lành, niềm vui không cùng và lòng thương xót” (Huấn Ca 2,1-9).

(”Église en Poitou”, Revue religieuse du diocèse de Poitiers, 13 Mars 2013, No 199, trang 26-27)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

MỌI NẺO ĐƯỜNG CON NGƯỜI ĐI, THIÊN CHÚA ĐỀU THẤY RÕ!

MỌI NẺO ĐƯỜNG CON NGƯỜI ĐI, THIÊN CHÚA ĐỀU THẤY RÕ!

Đài Vatican



… Tối Thứ Bảy Tuần Thánh Đêm Vọng Phục Sinh 30-3-2013 tại nhà thờ Sainte Barbe Anzin thuộc Tổng Giáo Phận Cambrai ở miền Bắc nước Pháp, có 4 tân tòng lãnh bí tích Rửa Tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Xin trích chứng từ của 1 nam và 1 nữ trong số 4 tân tòng này.

Anh Christophe 28 tuổi.
Tôi chào đời trong môi trường sống đạo hẳn hoi nhưng lại không được rửa tội sau khi sinh ra, vì lý do gia đình. Ý tưởng Rửa Tội thường xuyên xuất hiện trong tâm trí tôi và mỗi lúc một rõ rệt hơn, đôi khi trở thành quyết liệt như vấn đề sinh tử. Để có thể tiến bước trên con đường của một tín hữu Công Giáo thì trước tiên tôi phải lãnh bí tích Rửa Tội và điều này trở thành một nhu cầu thực tiễn cấp thiết. Tôi cảm thấy ước nguyện sâu xa muốn đi nhà thờ tham dự Thánh Lễ.

Hành trình tân tòng của tôi khởi đầu với Hervé Desprez. Tôi chuẩn bị lãnh phép rửa từ tháng 6 năm 2012. Sau đó tôi gia nhập nhóm có 2 tân tòng khác là Allison và Guillaume cùng với Thierry là người chuẩn bị lãnh phép Thêm Sức.

Lộ trình của nhóm tân tòng chúng tôi rất trang trọng. Người này có thể học hỏi từ người kia. Tôi sống lộ trình này với việc song song đi nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật. ”Tôi sống Thánh Lễ của tôi”. Mỗi khi có những bàn tay đặt trên chúng tôi vào những dịp cử hành khác nhau đều khiến cho tôi xúc động.

Tôi khởi đầu đọc Kinh Thánh. Tôi rất thích đọc Sách Châm Ngôn. Tôi vừa đọc xong Diễm Tình Ca. Không có đoạn nào hay hơn đoạn nào bởi lễ mỗi một sách thánh đều mang đến một sứ điệp riêng. Tôi tham dự các buổi cầu nguyện Taizé diễn ra vào mỗi tối thứ tư tuần thứ hai tại Saint Géry. Tôi rất thích các bài thánh ca có tích cách suy niệm.

Sự kiện tôi xin lãnh bí tích Rửa Tội cho phép tôi nhận ra đâu là ý nghĩa đích thật của cuộc sống. Vật chất không thật sự hữu ích.

Ngày hôm nay Đức Tin giúp tôi tiến bước và chọn đúng hướng đi. Đức Tin tháp tùng tôi. Tôi muốn sống trọn vẹn trong Sự Thật.

Chị Allison, 34 tuổi.
Tôi luôn luôn ước muốn lãnh bí tích Rửa Tội. Tôi không được rửa tội ngay từ lúc chào đời mặc dầu tôi sinh ra trong một gia đình Công Giáo.

Yếu tố kích động khơi mào vào dịp chuẩn bị phép rửa cho đứa con trai thứ năm của tôi là Etan vào tháng 6 năm 2011. Thân phụ của 4 đứa con đầu là kẻ vô thần nên không cho phép tôi đặt vấn đề với anh về chuyện giáo dục con cái trong Đức Tin.

Và thế là tôi đặt vấn đề gia nhập nhóm dự tòng vào dịp chuẩn bị lễ rửa tội cho Etan. Chính khi đó tôi cảm nhận tiếng gọi tìm hiểu biết hơn về Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tôi khởi đầu công cuộc học hỏi giáo lý vào tháng 10 năm 2011. Cứ ba tuần một lần chúng tôi quy tụ để học hỏi.

Người chồng tương lai của tôi – anh Thierry – Ba của Etan và Mailyne, cũng chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức với chúng tôi, diễn ra vào thứ bảy ngày 15-6 tại nhà thờ Préseau.

Hành trình tân tòng củng cố niềm ước ao của tôi muốn trở thành tín hữu Công Giáo. Lộ trình này thật tuyệt vời, xét vì sau cùng rồi thì tôi có thể nói về Đức Tin của tôi với người bạn đời mà tôi chọn làm chồng. Anh đọc cho tôi nghe các đoạn Kinh Thánh rồi giải thích cho tôi hiểu, bởi lẽ anh từng học giáo lý trong thời niên thiếu và đã xưng tội cùng rước lễ lần đầu.

Trước ngày được rửa tội, Đức Tin của tôi tăng trưởng. Tôi hiểu Đức Tin rõ hơn và thật cảm kích vì sắp được rửa tội!

Cha đỡ đầu cho tôi là người được Cha Mẹ tôi chọn ngay từ ngày tôi còn bé xíu, mặc dù lúc đó chưa phải là người đỡ đầu rửa tội của tôi. Trong khi mẹ đỡ đầu thì chính tôi chọn lấy. Đây là người bạn gái tốt nhất của tôi và Đức Tin của bạn hiền cũng hướng dẫn tôi nữa.

… Có lời rằng: ”Hãy mở đường khai lối, và san cho bằng phẳng, dẹp bỏ mọi chướng ngại trên đường nẻo dân Ta. Bởi vì Đấng muôn trùng cao cả, Đấng ngự chốn vĩnh hằng, Đấng mang danh chí thánh, Người phán như sau: Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát, để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung, và ban sinh lực cho những cõi lòng tan nát. Vì Ta chẳng trách cứ luôn luôn, không giận hờn mãi mãi, kẻo hơi thở mọi sinh linh chính Ta làm ra, trước mặt Ta, sẽ phải lụi tàn. Vì tội nó ham lợi mà Ta giận dữ, Ta đã đánh nó, đã ẩn mặt trong cơn giận dữ, nhưng nó vẫn ngỗ nghịch, theo con đường nó muốn. Những nẻo đường nó đi, Ta đều thấy cả, nhưng Ta sẽ chữa nó cho lành, sẽ dẫn nó đi và cho nó đầy tràn an ủi; còn những kẻ khóc thương nó, Ta sẽ làm cho môi miệng chúng hoan ca: ”Bình an! Bình an cho khắp xa gần! THIÊN CHÚA phán: Ta sẽ chữa lành cho nó” (Isaia 57,14-19).

(”Église de Cambrai”, quinzaine diocésaine, No 7, 11 Avril 2013, stjeananzin.cathocambrai.com)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

NẾU THẾ GIAN GHÉT CÁC CON, HÃY NHỚ RẰNG, HỌ ĐÃ GHÉT THẦY TRƯỚC!

NẾU THẾ GIAN GHÉT CÁC CON, HÃY NHỚ RẰNG, HỌ ĐÃ GHÉT THẦY TRƯỚC!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

nguồn: vietvatican.net


Cha Benjamin Alforque, người Philippines, là Linh Mục dòng Thừa Sai Thánh Tâm. Cha phụ trách giáo xứ Thánh Luis Gonzaga, nằm trong tỉnh Agusan, miền Nam Philippines. Xin nhường lời cho Cha kể lại con đường ơn gọi linh mục và công tác phục vụ dân nghèo cùng thổ dân.

Năm 1973, vì là thành viên của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Tổng giáo phận Manila, tôi bị nhóm quân phiệt của tổng thống Ferdinand Marcos (1917-1989) bắt giam. Trong vòng 2 ngày và 3 đêm ròng rã, tôi bị tra hỏi liên miên, không nghỉ một giây! Sau đó, họ biệt giam tôi nơi một phòng kín, không ánh sáng. Thức ăn vứt xuống đất như heo! Tôi phải ăn bóc bằng tay. Tôi không trông thấy một bóng người cũng không hề hé miệng nói với ai lời nào. Sau đó, họ lại chuyển tôi sang trại giam dành cho các tù nhân chính trị.

Trong cơn đau đớn khốn cùng, tôi nhất quyết không muốn tin nơi một THIÊN CHÚA Công Minh, để cho người vô tội bị tống giam, trong khi những kẻ bất lương tự do đi lại, ung dung sung sướng! Vào một đêm thức trắng, không thể nào chợp mắt, tôi liền chỗi dậy và lấy Kinh Thánh ra đọc. Tôi rơi nhằm đoạn Phúc Âm theo thánh Gioan, chương 15, từ câu: ”Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình cho kẻ mình yêu .. Nếu thế gian ghét các con, hãy nhớ rằng, họ đã ghét Thầy trước.. Nếu họ bắt bớ Thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ các con”. Đọc xong, một niềm xấu hổ xâu chiếm tâm hồn. Tôi e thẹn tự nhủ: ”Đau khổ của mình có là bao so với đau khổ vô biên của Con THIÊN CHÚA làm người, chuộc tội chúng sinh!” Nghĩ thế, nên tôi tự thề quyết:
– Kể từ giờ phút này, con tin nơi Chúa. Con xin hứa với Chúa rằng: ngày nào rời khỏi nơi đây – dù con làm linh mục hay không, dù con lập gia đình hay không – con sẽ tận hiến đời con cho Chúa trong việc phục vụ những anh chị em nghèo và người bị bỏ rơi.

Đối với tôi, kể từ ngày đó, hình ảnh Đức Chúa GIÊSU KITÔ được họa lại nơi các anh chị em kém may mắn, nơi những người thất vọng và những bệnh nhân cùng người tàn tật …

Năm 1979, tôi thụ phong linh mục trong dòng Thừa Sai Thánh Tâm. Nhưng tôi phải kiên nhẫn đợi chờ một thời gian rất lâu, mới thực hiện được nguyện ước năm xưa, ngày bị giam nơi trại tù chính trị. 14 năm sau – 1993 – tôi được chỉ định làm Cha sở họ đạo Thánh Luis Gongaza ở miền Nam Philippines.

Họ đạo nằm ven cánh rừng núi, gồm đến 4 bộ lạc lớn. 70% trên tổng số 21 ngàn dân là thổ dân miền núi. Các thổ dân theo đạo cổ truyền thờ ông bà tổ tiên. Trong khi 30% còn lại theo đạo Công Giáo.. Nơi vùng rừng núi này, thiên tai liên miên: hết mưa lũ đến bão lụt rồi sang dịch tễ. Năm đầu tiên đến đây, trong vòng một tuần lễ, tôi chứng kiến cảnh 12 em bé chết vì bệnh dịch tả.

Khi các thổ dân xin theo đạo Công Giáo, chúng tôi thường cố gắng đưa một số tập tục của thổ dân vào nghi lễ phụng vụ của Công Giáo Roma. Chẳng hạn, trước Thánh Lễ có việc khẩn cầu THIÊN CHÚA, rồi đến nghi thức tẩy rửa hoặc thống hối. Sang đến phần dâng lễ thì có nghi thức dâng hoa trái cùng với các thổ sản quan trọng trong đời sống thường ngày, đi kèm với các vũ điệu cổ truyền, biểu lộ lòng ghi ơn Thượng Đế.

Khi phải cử hành lễ Hôn Phối cho các thổ dân, tôi cố gắng tham dự nghi thức cưới riêng của thổ dân trước đó, thường diễn ra vào sáng sớm với đàn trống và nhảy múa.

Nhờ giao tiếp với thổ dân, tôi học được thói quen kính trọng thiên nhiên, kỳ công sáng tạo của THIÊN CHÚA. Khi nhân viên nhà nước nhìn một cây, tức khắc nghĩ đến mối lợi hoa trái do cây mang lại. Trong khi thổ dân nhìn cây, họ liền nghĩ đến sự hiện diện của Đấng Sáng Tạo.

Ưu tư mục vụ hàng đầu của chúng tôi là cải tổ chương trình giáo dục cho thổ dân, giúp họ ý thức tầm quan trọng của tinh thần cầu tiến. Chúng tôi tổ chức các buổi họp trong 24 trung tâm lớn của giáo xứ và mời gọi mọi người suy tư về tương lai của mình cũng như tương lai của con cái. Các thổ dân nói với tôi:
– Thưa Cha, chúng con mong muốn cho con cái của chúng con trở thành những người học biết luật lệ, để có thể bảo vệ đất đai cũng như bảo tồn phong tục tập quán cổ truyền của chúng con.

Từ những suy tư chung, chúng tôi quyết định mở trường học dành riêng cho thổ dân. Chúng tôi nói với giới trẻ về thần thoại, về nguồn gốc các bộ lạc cũng như về ý nghĩa các vũ điệu cổ truyền .. Chúng tôi cũng dạy các trẻ em biết cách đo cây số dựa theo khoảng cách từ nhà đến trường. Rồi chiều cao của một cây, mà không cần trèo lên cây, bằng cách dựa vào bóng cây, tính theo góc hình tam giác, v.v.

Đi từ những khái niệm thô sơ cơ bản đó, chúng tôi cố gắng đưa thêm vào các môn khoa học tân tiến để giúp mở rộng tâm trí và tầm nhìn của các trẻ em thổ dân..

… ”Bấy giờ người công chính đứng dậy thật hiên ngang trước những kẻ từng áp bức họ, từng khinh thường khi họ chịu vất vả nhọc nhằn. Nhìn thấy người công chính, quân vô đạo khiếp đảm rụng rời. Chúng sững sờ kinh ngạc vì không ngờ họ lại được cứu thoát. Đau đớn cả tâm can, chúng than van rên rỉ, và ân hận bảo nhau: Người đó, ta đã từng cười nhạo. Ta ngu xuẩn biết bao khi coi họ là đồ ghê tởm, coi lối sống của họ là điên rồ, và cái chết của họ là nhục nhã. Thế sao họ lại được kể là con cái THIÊN CHÚA và được chung phần với các thánh nhân? Thật ra, chính chúng ta mới lạc xa con đường sự thật; đối với chúng ta, đức chính trực đã không tỏa sáng và mặt trời đã chẳng mọc lên. Chúng ta đã thỏa thuê trong những nẻo đường tội lỗi, những nẻo đường dẫn tới diệt vong, đã băng qua những sa mạc không đường lối, còn con đường THIÊN CHÚA vạch ra, chúng ta không nhận biết” (Sách Khôn Ngoan 5,1-7).

(”Annales d’Issoudun”, Février/1997 trang 62-65)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

SỐNG ẨN KÍN THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU VÀ MẸ MARIA

SỐNG ẨN KÍN THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU VÀ MẸ MARIA

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Thánh nữ Bernadette Soubirous (1844-1879) được diễm phúc trông thấy Đức Mẹ MARIA hiện ra 18 lần trong vòng 5 tháng tại Lộ Đức, từ
ngày 11 tháng 2 đến ngày 16 tháng 7 năm 1858.

9 năm sau những ngày hồng phúc ấy, Chị Bernadette tuyên khấn lần đầu trong dòng
các Nữ Tu Bác Ái thành Nevers (Trung Pháp). Hôm đó là ngày 30-10-1867. Chị
Bernadette – tên dòng là Marie Bernarde – tròn 23 tuổi.

Theo tục lệ trong dòng, vào buổi chiều ngày tuyên khấn, các nữ tu khấn tạm tập
họp lại để nhận bài-sai từ Mẹ Bề Trên và Đức Giám Mục bản quyền. Chiều hôm ấy,
Chị Bernadette cũng có mặt cùng với 44 khấn sinh khác. Đến lượt mình, Chị đến
quỳ trước mặt Đức Cha Laurence Fourcade và đợi bài-sai.

Đức Giám Mục quay sang hỏi Mẹ Bề Trên:

– Bà chỉ định cho Chị này làm công việc gì?

Thoáng điểm nụ cười trên môi Mẹ Bề Trên Joséphine Imbert trả lời:

– Thưa Đức Cha, con trẻ này không biết làm một cái gì hết! Chị đi đến đâu sẽ
trở thành gánh nặng cho nơi đó!

Mọi người im lặng như tờ. Đức Cha chăm chú nhìn Chị nữ tu trẻ tuổi, đang khiêm
tốn quỳ dưới chân ngài. Rồi như được ơn trên soi sáng, Đức Giám Mục ứng khẩu
ban bài-sai:

– Cha chỉ định cho con nhiệm vụ cầu nguyện!

Cùng lúc đó, Đức Cha sực nhớ Chị Bernadette đang ở trong Dòng hoạt động chứ
không phải Dòng chiêm niệm. Vì thế Đức Giám Mục hỏi lại:

– Con quả thật không biết làm một cái gì hết sao?

Chị Bernadette khiêm tốn đáp:

– Thưa Đức Cha, Mẹ Bề Trên thật không sai lầm! Quả đúng như vậy!

Đức Giám Mục tiếp lời:

– Vậy thì, thật tội nghiệp cho con! Phải làm gì với con bây giờ? Mà tại sao con
lại vào Dòng?

Chị Bernadette đơn sơ thưa:

– Hồi còn ở Lộ Đức, con đã trình bày điều đó với Đức Cha và Đức Cha bảo không
sao hết!

Vị Giám Mục hơi lúng túng, không biết giải quyết ra sao. Sau cùng, Đức Cha hỏi:

– Nhưng ít ra là con cũng biết mang thức ăn, lặt rau chứ?

Chị Bernadette đáp:

– Con sẽ cố gắng!

Quay sang Mẹ Bề Trên, Đức Cha nói:

– Chúng ta sẽ giữ Chị này ở lại đây ít lâu. Sau đó, nếu thấy là Chị hữu dụng
trong một số công việc nhỏ nhặt nào đó, thì sẽ gửi Chị đi giúp xứ!

Hẳn Chị Bernadette phải thật khiêm tốn để chấp nhận lời nhận xét của Mẹ Bề Trên
và của Đức Giám Mục! Nhưng đó là chuyện không thành vấn đề đối với Chị! Người
ta đọc trong sổ tay tĩnh tâm của Chị hàng chữ:

– Ơn chính phải xin: sống thật ẩn kín theo gương Đức Chúa GIÊSU KITÔ và Đức Mẹ
MARIA.

Chị Bernadette đã xin và đã sống ơn ẩn kín này. Trong Thánh Lễ an táng Chị,
trước linh cữu Chị, Đức Cha Lelong lớn tiếng tung hô nhân đức khiêm nhường của
Chị Bernadette:

– Hỡi các nữ tu, các Chị là những người biết rõ rằng không phải người ta tìm
cách dấu kín Chị, nhưng chính Chị tự ẩn mình đi, và Chị càng ẩn mình bao nhiêu
thì càng tốt bấy nhiêu.. Chị không thích gợi lại quá khứ, nhưng tìm cách quên
đi, hay ít là, làm cho người khác quên đi!

Một nữ tu cùng dòng, 40 năm sau, đã nói về nhân đức khiêm nhường của Chị
Bernadette:

– Người ta dạy con khiêm nhường là quên mình đi. Vậy thì nơi Chị, khiêm nhường
quả là như thế đó. Chị không bao giờ nói về mình, lo lắng chăm sóc cho mình.
Khiêm nhường là nhân đức thật cao cả nơi Chị. Con nghĩ, chính Đức Mẹ MARIA đã
thông truyền nhân đức này cho Chị khi Đức Mẹ hiện ra với Chị.

Một ngày, một nữ tu hỏi Chị Bernadette xem Chị có cảm thấy bị hạ thấp trong
cuộc sống ẩn kín nơi tu viện, sau khi được mọi người biết đến vì những cuộc
hiện ra của Đức Mẹ MARIA tại Lộ Đức không, Chị trả lời:

– Sao Chị hỏi thế, Chị nghĩ gì về em? Chị không biết là em hiểu rõ rằng nếu Đức
Mẹ chọn em, chính vì em là người dốt nát nhất. Nếu Đức Mẹ tìm được người nào
khác dốt nát hơn, hẳn là Đức Mẹ sẽ chọn người ấy!

Một ngày, hai thanh nữ từ Lộ Đức đến nhập dòng. Hai cô đưa cho Chị Bernadette
xem tấm hình chụp hang đá Lộ Đức, với ước mơ thầm kín sẽ nghe Chị nói về các
cuộc hiện ra. Chăm chú nhìn tấm hình chụp hang đá Lộ Đức thân yêu, Chị buông
câu nói bâng quơ:

– Chà, mấy cây bạch-dương bữa nay cao ghê!

Một lần khác, một nữ tu cũng đưa cho Chị xem tấm hình chụp hang đá Lộ Đức với
dụng ý dò xem phản ứng của Chị. Đang chăm chú nhìn tấm hình, Chị Bernadette
bỗng ngước mắt hỏi Chị kia:

– Chổi dùng để làm gì?

– Để quét dọn!

– Rồi sau đó?

– Sau đó thì người ta dựng nó vào xó cửa!

Chị Bernadette điềm nhiên nói:

– Đó cũng là câu chuyện cuộc đời em. Đức Mẹ MARIA đã dùng em. Giờ đây xong công
việc, người ta đặt em lại chỗ cũ của em. Em thật sung sướng và cứ ở nguyên
trong tình trạng ẩn kín này!

… Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Chúa GIÊSU hớn hở vui mừng và nói: “Lạy CHA là Chúa Tể trời đất, Con ngợi khen CHA, vì CHA đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Nhưng lạy CHA, vì đó là điều đẹp ý CHA .. CHA Thầy đã giao phó mọi sự cho Thầy. Và không ai biết Người Con là Ai, trừ CHÚA CHA, cũng như không ai biết CHÚA CHA là Ai, trừ Người Con, và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho” (Luca 10,21-22).

(Mgr.Francis Trochu, ”SAINTE BERNADETTE, LA VOYANTE DE LOURDES”, Emmanuel Vitte, 1954, trang 420 + 471-477)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

CHÂN PHÚC ANRÊ PHÚ YÊN: HÃY LẤY TÌNH YÊU ĐỂ ĐÁP LẠI TÌNH YÊU

CHÂN PHÚC ANRÊ PHÚ YÊN: HÃY LẤY TÌNH YÊU ĐỂ ĐÁP LẠI TÌNH YÊU

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Chúa Nhật 5-3-2000 trong khung cảnh Đại Năm Thánh
2000, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Thầy Giảng Anrê Phú Yên lên hàng Á Thánh. Trong tập sách nhỏ về nghi thức tôn phong chân phước được phân phát dịp này có phần Việt ngữ sơ lược tiểu sử vị Tôi Tớ Chúa tử
vì đạo như sau.

THẦY GIẢNG ANRÊ,

VỊ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM

Thầy Giảng Anrê, gốc tỉnh RanRan (Phú Yên), là con út của
một phụ nữ tên thánh là Gioanna. Tuy góa bụa nhưng bà đã giáo dục con
cái với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Anrê là một cậu bé mảnh khảnh, nhưng
tư chất rất thông minh, có óc phán đoán tốt và tâm hồn hướng chiều về sự thiện.
Do lời năn nỉ của bà mẹ, cha Đắc Lộ, vị Linh Mục thừa sai dòng Tên nổi tiếng,
đã nhận cậu Anrê vào số các môn sinh của ngài. Anrê chăm chỉ học chữ Nho và
chẳng bao lâu trổi vượt các bạn đồng môn.

Anrê được lãnh nhận bí tích Rửa Tội cùng với mẹ ba năm trước khi bà qua đời,
tức là năm 1641, khi Anrê được 15 tuổi. Anrê sinh năm 1625 hay 1626, không rõ
ngày tháng, và lúc chịu chết năm 1644, Thầy trạc độ 19 hay 20 tuổi.

Một năm sau khi chịu phếp Rửa Tội, tức năm 1642, Anrê được cha Đắc Lộ nhận vào
nhóm cộng sự viên thân tín của ngài, và sau một năm huấn luyện thêm về tôn giáo
và văn hóa, Anrê được gia nhập Hội Thầy Giảng gọi là ”Nhà Đức Chúa Trời” mà Cha
Đắc Lộ đã khôn ngoan thành lập: các thành viên Nhà Đức Chúa Trời cam kết, bằng
lời hứa chính thức và công khai, suốt đời phụng sự Giáo Hội trong việc giúp các
linh mục và truyền bá Tin Mừng.

Lòng hăng say của Thầy Anrê sống trọn điều quyết tâm khi chịu phép Rửa đã chuẩn
bị cho Thầy can đảm đương đầu với cuộc tử đạo và ngoan ngoãn đón nhận ơn tử đạo
Thiên Chúa rộng ban cho Thầy.

Trước cuối tháng 7 năm 1644, quan Nghè Bộ trở lại tỉnh nơi Thầy Giảng Anrê sinh
sống. Quan mang theo sắc lệnh của chúa Nguyễn cấm truyền bá Đạo Kitô trong
nước: vì thế quan quyết định hành động trước tiên chống lại các thầy giảng.

Cha Đắc Lộ không hề hay biết ý định này của quan, nên tới thăm quan vì xã giao,
nhưng ngay sau đó cha được biết chúa Nguyễn rất giận dữ khi thấy vì cha mà có
đông người dân bản xứ theo Đạo Kitô. Vì thế cha phải bỏ xứ Đàng Trong để trở về
Macao và không được phép dạy giáo lý cho dân nữa. Còn các tín hữu theo đạo thì
bị trừng phạt rất nặng nề.

Rời dinh quan Nghè Bộ, cha Đắc Lộ đi thẳng xuống nhà tù nơi giam giữ một Ông
Trùm, cũng tên Anrê, đã 73 tuổi, mới bị bắt hai ngày trước đó. Trong khi ấy,
quan ra lệnh cho lính tới nhà cha lùng bắt một thầy giảng khác tên là Ignatio.
Nhưng thầy Ignatio đã đi làm việc tông đồ. Lính chỉ tìm thấy Thầy Giảng Anrê.
Để khỏi trở về dinh quan Bộ tay không, lính đánh đập Thầy Anrê, trói Thầy lại,
rồi giải xuống thuyền đem về dinh quan trấn thủ. Chiều ngày 25 tháng 7 năm
1644, Thầy được dẫn tới trước mặt quan. Lính thưa với quan rằng họ không tìm
thấy thầy Ignatio, nhưng đã bắt được một ”thầy giảng khác giống như vậy, vì
suốt cuộc hành trình, anh ta luôn nói về Đạo Kitô và khuyến khích họ theo Đạo”.

Nghe vậy quan tìm mọi cách làm cho Thầy Anrê ”từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ
lòng tin”.

”Nhưng thanh niên can trường ấy trả lời quan rằng mình là Kitô hữu, và
rất sẵn sàng chịu mọi khổ hình chứ không từ bỏ Đạo mình tuyên xưng: vậy xin quan cứ tùy ý chuẩn bị các hình cụ, chàng vui lòng đón nhận, với xác tín rằng, vì đức tin, càng chịu khổ đau chừng nào thì càng chết vinh quang chừng ấy”.

Tức giận vì sự bất khuất của Thầy Anrê không hề sợ hãi trước những lời đe dọa,
quan truyền đóng gông và giải Thầy vào ngục, cùng nơi giam giữ Ông Trùm Anrê.

Cha Đắc Lộ và một vài thương gia Bồ Đào Nha tới thăm hai thầy: Thầy Giảng Anrê
thanh thản và vui mừng vì được chịu khổ đau vì Chúa Kitô đến độ những người đến
thăm Thầy bịn rịn không rời Thầy được, và nước mắt tràn bờ mi, họ xin Thầy nhớ
đến họ trong lời cầu nguyện. Thấy vậy, Thầy tự nhạo cười mình và xin họ cầu
nguyện cho Thầy, để Chúa ban cho Thầy ơn trung thành với Chúa cho đến chết, ”dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô biên của Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì loài người .. Những lời Thầy luôn lập lại cho
đến khi trút hơi thở cuối cùng là:
Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại
Tình Yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống
.

Sáng hôm sau, 26 tháng 7 năm 1644, hai tín hữu Kitô cùng tên Anrê, Ông
Trùm Anrê 73 tuổi và Thầy Giảng Anrê, cổ mang gông, bị dẫn qua các đường phố
đông người qua lại nhất trong thành, băng qua chợ Kẻ Chàm, đến dinh quan trấn
thủ để bị tra hỏi công khai. Quan trấn triệu tập một vài quan khác, lôi kéo họ
về phía mình và tuyên án tử cho Thầy Giảng Anrê, rồi ra lệnh dẫn Thầy về ngục
thất. Còn Ông Trùm Anrê thì được tha vì lý do tuổi tác, nhờ lời xin của cha Đắc
Lộ và các thương gia Bồ Đào Nha.

Vào khoảng 5 giờ chiều, một viên chỉ huy cùng với 30 người lính vào nhà tù, nơi
vị Tôi Tớ Chúa bị giam giữ, và ra lệnh cho Thầy phải đi theo tới nơi hành
quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã tới, và sau khi chào mọi người
hiện diện trong tù, Thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính vây chặt chung quanh và
dẫn Thầy Anrê đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng ngoài thành.
Cha Đắc Lộ, nhiều Kitô hữu Bồ Đào Nha và Việt Nam cũng như nhiều người lương đã
đi theo và chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.

Theo thói quen tại đây, cha Đắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu dưới
người Thầy Anrê để hứng lấy máu Thầy, nhưng Thầy không muốn nhận điều ấy. Thầy
muốn máu mình rơi xuống đất, như trường hợp Máu Cực Trọng Chúa Kitô đã đổ ra.
Trong khi đó, Thầy Anrê nhắn nhủ các Kitô hữu hiện diện hãy luôn kiên vững
trong Đức Tin, đừng buồn phiền vì cái chết của Thầy, và hãy giúp lời cầu cho
Thầy được trung thành tới cùng.

Cuộc hành quyết Thầy Giảng Anrê được thi hành bằng mấy nhát lao đâm thấu cạnh
sườn bên trái, và sau cùng khi một người lính sắp dùng đao chém đầu, Thầy lớn
tiếng kêu lên ”GIÊSU”.

Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Giảng Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung trong
việc chấp nhận dâng hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô.

… Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc của chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi CHA Thầy, Thầy đã cho anh em biết
(Gioan 15,13-15).

(BEATIFICAZIONE, Piazza San Pietro, 5 Marzo 2000, Ufficio delle
Celebrazioni Liturgiche del Sommo Pontefice, trang 83-86)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt