Trump, Musk bắt đầu sa thải hàng loạt nhân viên liên bang

Ba’o Nguoi-Viet

February 13, 2025

WASHINGTON, DC (NV) – Hàng loạt cơ quan chính phủ Mỹ bắt đầu sa thải nhân viên giữa lúc Tổng Thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk gia tăng tiến hành kế hoạch cải tổ chính phủ, những nghiệp đoàn và nhân viên biết vụ sa thải này cho Reuters hay hôm Thứ Năm, 13 Tháng Hai.

Trong 48 giờ qua, thông báo đuổi việc được gửi qua email cho hàng trăm nhân viên chính phủ, hầu hết là nhân viên mới được tuyển dụng và đang thử việc, của Bộ Giáo Dục, Cơ Quan Doanh Nghiệp Nhỏ (SBA), Cơ Quan Bảo Vệ Tài Chính Tiêu Dùng (CFPB), và Cơ Quan Dịch Vụ Hành Chánh (GSA).

Nhân viên liên bang và ủng hộ viên của họ biểu tình trước Văn Phòng Quản Trị Nhân Sự Mỹ ở Washington, DC, hôm 5 Tháng Hai để phản đối ông Elon Musk và DOGE. (Hình minh họa: Alex Wong/Getty Images)

“Cơ quan nhận thấy ông/bà không phù hợp để tiếp tục làm việc vì năng lực, kiến thức và kỹ năng của ông/bà không phù hợp với nhu cầu hiện tại, và kết quả làm việc của ông/bà thời gian qua không đủ để cơ quan tiếp tục thuê ông/bà,” theo những lá thư được gửi cho ít nhất 45 nhân viên tập sự tại SBA. Reuters có thấy bản sao của những lá thư này.

Còn những lá thư gửi cho ít nhất 160 nhân viên mới của Bộ Giáo Dục thông báo họ không còn được tuyển dụng vì “không có lợi cho công chúng.” Reuters cũng thấy những lá thư này.

Trong thời gian vận động tranh cử, Tổng Thống Trump thường xuyên kêu gọi loại bỏ Bộ Giáo Dục. Hôm Thứ Tư tuần này, ông gọi Bộ Giáo Dục là “đồ lừa đảo” và tuyên bố ông muốn đóng cửa cơ quan này.

Khoảng 100 nhân viên tập sự của GSA nhận được thư đuổi việc hôm Thứ Tư, theo hai người biết vụ này.

Vụ sa thải hàng loạt này diễn ra giữa lúc Tổng Thống Trump giao cho Cơ Quan Cải Tổ Chính Phủ (DOGE) của ông Musk nhiệm vụ cắt giảm đáng kể số lượng nhân viên dân sự của chính phủ – hiện tại khoảng 2.3 triệu người – và có thể đóng cửa hoàn toàn nhiều cơ quan.

DOGE chưa trả lời yêu cầu của Reuters nói về vụ sa thải hàng loạt này.

Kế hoạch sa thải chưa từng có để cắt giảm chi phí của Tổng Thống Trump làm cho nhân viên liên bang lo sợ và gây ra nhiều vụ biểu tình. Ông Trump đang cố tiến hành kế hoạch này bất chấp bị nhiều nghiệp đoàn và bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Dân Chủ kiện, và bị một số người cùng đảng Cộng Hòa của ông chỉ trích là có mục đích chính trị.

Tổng Thống Trump biện minh cho kế hoạch này, tuyên bố chính phủ liên bang quá cồng kềnh và mất quá nhiều tiền do lãng phí và gian lận. Mặc dù cả đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đồng ý cần cải tổ chính phủ, nhưng giới phê bình hoài nghi cách ông Musk thực hiện kế hoạch này.

Theo dữ liệu chính phủ, hiện tại, có khoảng 280,000 nhân viên dân sự được tuyển dụng chưa đầy hai năm, hầu hết vẫn đang thử việc. (Th.Long)


 

NỀ NẾP CỦA NGƯỜI MIỀN NAM CẦN GÌN GIỮ – Nguồn: Nguyễn An Chi

Nguồn: Nguyễn An Chi

Trước 1975 ở miền Nam, vợ chồng thường gọi nhau là “mình”.

Khi giới thiệu vợ với người khác thì người chồng thường nói:

  • Xin giới thiệu với anh, đây là nhà tôi.

Ngược lại trong trường hợp khách đến tìm thì người vợ lại nói:

Thưa anh, nhà tôi đi vắng. Nếu cần việc gì thì anh có thể nhắn lại.

Đạo vợ chồng nghĩa phu thê thời đó có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Những chuyện ly thân ly hôn rất hiếm khi xảy ra. Thậm chí có nhiều trường hợp chỉ mới là người yêu chưa hề được nắm bàn tay nhưng vẫn chờ đợi nhau hàng chục năm với tất cả sự nhớ nhung trung trinh chung thủy.

Miền Nam trước 1975 , không có chuyện giấy tờ nhà đất xe cộ đứng tên cả 2 vợ chồng như thời nay . Chỉ 1 người đại diện, thường là người chồng, vì xã hội miền Nam trước 1975 hiếm có chuyện vợ chồng lừa gạt nhau , tranh giành tài sản. Hồi đó, nếu có ly hôn ,cũng không có chuyện phân xử tranh giành quyền nuôi con và chu cấp. Tất cả đều là tự nguyện thu xếp của 2 vợ chồng ….

Người lớn đã như vậy nên đối với con cái thì người miền Nam rất chú trọng vấn đề giáo dục.

Thông thường mấy đứa nhỏ gọi Ba – Má, Cha – Mẹ, vùng thôn quê thì có nhà gọi là Tía – Vú. Có nhiều gia đình lại gọi Papa – Maman theo Tây.

Khi người Bắc di cư vào Nam năm 1954 thì mới nghe những cách xưng hô Thầy – U, Bố – Đẻ, Cậu – Mợ

Nhà của người miền Nam xưa không bao giờ có chuyện phơi quần áo phía trước mặt tiền. Trước nhà là bộ mặt của gia đình, không có chuyện phơi bày những thứ sinh hoạt riêng tư như vậy.

Con cái trong nhà của người miền Nam thường được dạy dỗ rất kỹ theo lễ giáo.

Đi thưa về trình, trước khi đi đâu thì phải nói Thưa Ba, con đi tới nhà bạn… Lúc về thì cũng nói Thưa Ba, con mới về…

Có khách đến thăm nhà thì phải bước ra khoanh tay cúi đầu chào Thưa Bác, Thưa Chú, Thưa Cô, Thưa Dì…

Khi đã thưa gửi đàng hoàng thì vào trong lấy ly nước đem ra mời khách, làm gì cũng bằng cả hai tay.

Trong khi khách nói chuyện với Cha Mẹ thì tuyệt đối tránh mặt không lai vãng, không được phép đùa giỡn hay nói chuyện lớn tiếng.

Trong lúc đang ăn không được nói chuyện, uống nước hay làm cho chén đũa kêu thành tiếng, nhai thức ăn không được phát ra tiếng sì sụp sột soạt, không ợ hơi vì như vậy là bất lịch sự..

.Con gái đến tuổi cập kê khi ngồi thì phải khép hai chân lại, không được phép nằm ngửa ở bất cứ đâu nếu không phải là trong buồng riêng đã đóng kín cửa. Các cô ấy cũng không được phép tự ý ra nhà trước chào khách nếu không được Cha Mẹ gọi.

Trò chuyện với bất cứ ai cũng phải dùng lời lẽ chuẩn mực, không được nói những từ ngữ dung tục không thanh tao đứng đắn.

Đi mà kéo lê chiếc dép kêu lẹt xẹt: bị đòn. Người lớn đang nói chuyện mà chen vào một câu thì gọi là ăn cơm hớt: bị đòn. Buổi trưa ăn cơm xong mà không chịu ngủ cứ đùa giỡn hoặc nói lớn tiếng: bị đòn… Con nít ngày xưa rất dễ ăn chổi lông gà với những tội trạng như vậy.

Chỉ cái chuyện ăn uống đi đứng nằm ngồi sinh hoạt thôi mà ngày xưa ta đã được ông bà cha mẹ giáo huấn rất kỹ. Qua đó đã hình thành nên nhiều thế hệ người miền Nam có tính cách lễ phép gia giáo khiêm cung khoan hòa như đã thấy…

Được thụ hưởng cung cách dạy dỗ của ông bà cha mẹ như vậy mà nếu ngày hôm nay mỗi người cố gắng truyền lại những điều tốt đẹp đó cho thế hệ con cháu thì đó chính là đã góp một phần quan trọng để giữ gìn danh tiếng cao quý đáng hãnh diện nhất của chúng ta: NGƯỜI MIỀN NAM !

Nguồn: Nguyễn An Chi

From: taberd-6 & NguyenNThu


 

TUYỆT ĐỐI BẤT XỨNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ!”.

Đừng khóc vì tôi, hãy khóc vì chính các bạn! Tôi đến với Cha của Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ – thông qua sự trung gian của Con Một Chí Ái – tiếp nhận tôi, mặc dù tôi là một tội nhân, tuyệt đối bất xứng. Trước nhan Ngài, nơi tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp nhau để hát bài ca mới và mãi mãi hạnh phúc, cho đến muôn đời!” – John Bunyan.

Kính thưa Anh Chị em,

Như một tội nhân được xót thương, John Bunyan – trước khi lìa đời – cảm nhận sâu sắc tình yêu và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa, Lời Chúa hôm nay xác định một chân lý: trước Thiên Chúa, bất cứ ai – kể cả các thánh – tất cả đều ‘tuyệt đối bất xứng!’.

Tin Mừng cho biết, Chúa Giêsu – một người ‘rất Do Thái’ – đang đứng trên phần đất của những người ngoại. Ở đó, Ngài ‘mạo hiểm’ thử thách đức tin của một người mẹ lương dân – người vừa đến ném mình dưới chân Ngài để xin chữa lành cho đứa con gái đang bị quỷ ám. Đây là câu chuyện dự đoán đức tin của những người ‘ngoại đạo tương lai’ sẽ trở thành Kitô hữu! Nghe lời cầu xin của cô, Chúa Giêsu đáp, “Phải để con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con!”. Tại sao Ngài lại dùng những lời lẽ xem ra khá thô lỗ và lạnh lùng đến thế khi đáp lại một người mẹ ngoại giáo – vốn được người Do Thái gọi là những con chó? Ngài có thực sự nói những lời đó không? Tại sao? Có! Chúa Giêsu đã nói như thế!

Trước hết, đừng quên, bất cứ điều gì Chúa Giêsu nói và làm, luôn luôn là một hành vi yêu thương! Đó là một hành vi nhân ái ‘độc đáo’ của Ngài! Vậy làm thế nào để dung hoà sự mâu thuẫn ‘thanh thiên bạch nhật’ này với con người xót thương của Ngài? Đâu là chìa khoá để hiểu cuộc đối thoại ‘kỳ cục’ ấy? Hãy xem câu trả lời của người mẹ và kết thúc của cuộc gặp gỡ! Vâng, cô đã đáp lại với một lòng khiêm hạ thẳm sâu kèm theo một đức tin đáng kinh ngạc, “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ!”. Chúa Giêsu đầu hàng; Ngài chiều cô, con cô được lành! Phải chăng Ngài đã thấy trước đức tin sâu sắc của cô nên cho cô một cơ hội để thể hiện nó hầu mọi người có thể nhìn thấy. Và cô đã làm như vậy. Điều Chúa Giêsu nói là đúng, “Chẳng ai xứng đáng” để đương nhiên có quyền hưởng nhận ân điển và lòng thương xót của Ngài. Không ai! Cả cô, con cô, bạn và tôi hoặc bất cứ ai – kể cả một vị thánh – tất cả đều ‘tuyệt đối bất xứng!’.

Anh Chị em,

Trong cuộc sống, thật dễ dàng để chúng ta rơi vào cái bẫy khi nghĩ rằng, chúng ta xứng đáng với lòng thương xót của Chúa, chúng ta có quyền được hưởng mọi ân huệ của Ngài. Và mặc dù Thiên Chúa vô cùng mong muốn tuôn đổ ân sủng và lòng nhân ái của Ngài một cách dồi dào trên cuộc sống chúng ta, nhưng điều cần thiết là chúng ta phải hiểu đầy đủ về sự ‘tuyệt đối bất xứng’ của mình – không có gì là đương nhiên cả! Thái độ của người phụ nữ là một mẫu gương hoàn hảo về cách thức chúng ta phải đến với Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con là một tội nhân, giàu có tội lỗi, hoàn toàn không xứng đáng trước bao ơn lành của Chúa. Xin hoán cải trái tim con mỗi ngày hầu con bớt bất xứng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

************************************************

Thứ Năm Tuần V Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

24 Khi ấy, Đức Giê-su đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. 25 Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. 26 Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. 27 Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” 28 Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ.” 29 Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” 30 Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường, và quỷ đã xuất khỏi. 


 

CHỌN LỰA KHÔN NGOAN – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Đau khổ trong cuộc sống con người không phải là định mệnh.  Đó là khẳng định của đa số các tôn giáo.  Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của sự dữ, vì bản tính của Ngài là tốt lành.  Kinh Thánh Cựu ước khẳng định: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13).  Lời khẳng định cho thấy rằng: quả là Thiên Chúa có thể cho phép sự dữ xảy ra, nhưng sự dữ không bao giờ có nguồn gốc từ Thiên Chúa.

Hiểu như trên, chúng ta không đổ lỗi cho Thiên Chúa về sự dữ hay điều bất hạnh xảy đến xung quanh mình.  Hiện hữu trên đời, mỗi chúng ta có tự do chọn lựa và chịu trách nhiệm về sự chọn lựa này.

Trong Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa đã chúc phúc cho những ai tin tưởng phó thác nơi Chúa, và Ngài thấy nỗi bất hạnh của những kẻ tin tưởng người đời.  Ngài cũng đặt song song hai sự chọn lựa để cho thấy sự khác biệt: Tin vào Chúa giống như cây trồng bên suối nước, bốn mùa hoa trái tốt tươi; tin người trần gian giống như cây giữa sa mạc, quanh năm khô cằn tàn lụi.  Thánh vịnh 31 trong phần Đáp ca diễn tả cùng một ý tưởng với Bài đọc I.  Tác giả còn nhắc đến những hậu quả mà ác nhân sẽ phải lãnh nhận.  Họ sẽ như những vỏ trấu bị gió cuốn trôi và biến mất.

Bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca ghi lại giáo huấn của Chúa Giê-su về hai hạng người, là những người sẽ được hạnh phúc và sẽ phải đau khổ.  Có người hiểu cách nói của Chúa Giê-su là lời chúc dữ.  Thực ra, Chúa không chúc dữ cho con người, nhưng Chúa cảm nhận được nỗi bất hạnh khốn khổ khi con người chỉ chạy theo những lạc thú và lợi lộc vật chất mà quên đi những giá trị vĩnh cửu.  Người cũng dạy chúng ta phải thận trọng suy xét những hành động và quyết định trong cuộc sống hằng ngày, để cuộc sống không trở nên vô ích, nhưng tìm thấy niềm vui và hạnh phúc giữa những bon chen của đời thường.

Như trên đã nói, con người có tự do lựa chọn điều tốt hay điều xấu cho bản thân mình, cho hiện tại và cho tương lai.  Cuộc sống này cũng giống như một bàn cờ khổng lồ, mà mỗi chúng ta đều đang là những người chơi cờ.  Có những nước cờ đem lại chiến thắng vẻ vang; nhưng cũng có những nước cờ đem lại thất bại ê chề.  Mỗi nước cờ đã đi, người chơi phải mang trách nhiệm, không thể làm lại được.  Cuộc đời cũng thế, mỗi chúng ta phải khôn ngoan chọn lựa để không phải lãnh hậu quả tai hại về danh dự, nhân phẩm, của cải và nhất là hạnh phúc đời sau.

Đối với Ki-tô hữu, sự chọn Đức Ki-tô là một chọn lựa khôn ngoan.  Người là mẫu mực và là lý tưởng cho chúng ta trong lời nói cũng như việc làm. “Ki-tô hữu” vừa có nghĩa là người được xức dầu như Chúa Giê-su, vừa là người phấn đấu để nên giống như Người.  Thánh Phao-lô đã khẳng định (Bài đọc II): Đức Ki-tô không phải một gương mẫu giống như những vĩ nhân ở trần gian, nhưng Người là Con Thiên Chúa, Đấng quyền năng.  Quyền năng ấy đã chứng minh qua sự phục sinh vinh quang.  Giáo huấn của thánh Phao-lô cho thấy những tranh luận thời bấy giờ về việc Đức Giê-su phục sinh.  Nhiều người đã phủ nhận sự kiện này, trong khi thánh Phao-lô lại coi đó là nền tảng đức tin cho đời sống Ki-tô hữu.  Tình trạng này cũng vẫn tồn tại trong thế giới của chúng ta.  Nhiều người coi việc Đức Giê-su sống lại là điều ảo tưởng, do các môn đệ của Người bày đặt ra.  Lý do là họ chưa bao giờ chứng kiến một người đã chết mà ba ngày sau sống lại.  Lập luận như thế là không hiểu mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa.  Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể, vì Ngài đã dựng nên mọi vật từ hư vô và Ngài vẫn đang điều khiển công trình tạo thành của Ngài từng giây từng phút, nhờ đó mà mọi vật hiện hữu và chuyển vận theo một trật tự chung.

Tin vào Đức Giê-su là một chọn lựa cá nhân.  Chọn lựa ấy càng ngày càng rõ nét và triệt để, từng bước thăng tiến với tuổi tác của chúng ta.  Chọn lựa Đức Giê-su không phải chỉ là khẩu hiệu hay nhãn mác bề ngoài, nhưng là một lý tưởng, một đường hướng sống.  Sự chọn lựa ấy sẽ chi phối lời nói, tư tưởng và hành động của Ki-tô hữu.  Một khi đã chọn lựa Đức Ki-tô thì phải chuyên cần thực thi giáo huấn của Người và cố gắng nỗ lực để trở nên giống như Người trong hành động và lời nói.  Khi chọn lựa Đức Ki-tô và tuân theo giáo huấn của Người, chúng ta sẽ là những người có phúc.

Trong cuộc sống, chọn lựa nào cũng đòi hỏi phải hy sinh.  Quả vậy, người ta không thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi vừa tôn thờ Thiên Chúa vừa có những thực hành không phù hợp với giáo huấn của Ngài.  Đó là sự tôn thờ ngẫu tượng, hay là lối sống dối trá, giả hình, vu khống và làm hại người khác.  Người chọn lựa Chúa Giê-su và đi theo làm môn đệ của Người sẽ luôn dành cho Người những ưu tiên trong đời sống những thực hành của đời sống hằng ngày.  Hạnh phúc hay bất hạnh, được cứu rỗi hay bị trầm luân, được khen thưởng hay bị kết án… tất cả đều do chúng ta tự do chọn lựa.  Trước mặt chúng ta luôn có hai con đường.  Nếu chúng ta chọn lựa con đường thánh thiện, Chúa sẽ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

Nhà báo Huy Đức chính thức bị truy tố tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’

Ba’o Tieng Dan

VOA

12-2-2025

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã hoàn tất cáo trạng truy tố nhà báo Huy Đức (tên thật là Trương Huy San) về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại điều 331, khoản 2 của Bộ luật Hình sự, báo chí trong nước đưa tin.

Nhà báo Huy Đức. Nguồn: AFP/ VOA

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) hôm 12/2 đưa tin rằng cơ quan công tố này “đã chuyển hồ sơ vụ án này tới Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để nghiên cứu, đưa ra xét xử theo thẩm quyền”.

Hãng tin nhà nước này dẫn cáo trạng, nói rằng trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2024, ông Trương Huy San “đã tự thu thập thông tin, tài liệu, soạn thảo và đăng trên Facebook cá nhân “Truong Huy San (Osin Huy Duc)” nhiều bài viết, trong đó có 13 bài viết có nội dung xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo TTXVN, cáo trạng cho rằng các bài viết này “có số lượng tương tác, bình luận, chia sẻ lớn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, nên cần thiết xử lý theo quy định pháp luật”.

Thông tấn xã Việt Nam cũng như báo chí trong nước không đăng cụ thể tên của 13 bài viết bị cáo buộc là “có nội dung xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, cơ quan điều tra của Bộ Công an hôm 7/6 năm ngoái ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với nhà báo Huy Đức, ít ngày sau khi người thân và bạn bè cho biết ông “mất tích” từ ngày 1/6.

Không lâu trước khi bị bắt, trên trang Facebook cá nhân của ông mà sau đó không còn truy cập được, nhà báo Huy Đức đăng tải bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc”, trong đó ông viết rằng “việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính trị”.

“Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa”, ông viết.

Trước đó, trong bài có tựa đề “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi”, nhà báo Huy Đức viết rằng “thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, không phải lực lượng công an đông mà đất nước an toàn hơn” và rằng “chưa bao giờ tội phạm phát triển phức tạp như vừa qua…”.

Sau khi ông Trương Huy San bị bắt, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho VOA tiếng Việt biết rằng phía Mỹ “thường xuyên kêu gọi Việt Nam tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người ở Việt Nam, phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình, đồng thời trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ oan uổng”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam thường bác bỏ các cáo buộc của các tổ chức quốc tế về việc Hà Nội vi phạm nhân quyền trong các vụ bắt giữ liên quan tới tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và tuyên bố rằng chỉ có những người vi phạm pháp luật mới bị bắt giữ ở Việt Nam.

______

BBC: Nhà báo Huy Đức bị truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ

12-2-2025

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Việt Nam đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Trương Huy San, tức nhà báo Huy Đức, về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331, khoản 2 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan giữ quyền công tố này đã chuyển hồ sơ vụ án của nhà báo Huy Đức đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử, truyền thông trong nước đưa tin hôm nay, 12/2/2025.

Theo cáo trạng, từ năm 2015 đến 2024, nhà báo Huy Đức – tác giả bộ sách Bên thắng cuộc, có bút danh Osin – đã đăng tải 13 bài viết trên Facebook cá nhân “có nội dung xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Cáo trạng cũng cho hay đây là các bài viết “có số lượng tương tác, bình luận, chia sẻ lớn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, nên cần thiết xử lý theo quy định pháp luật”.

Báo chí trong nước dẫn lời cơ quan công tố rằng nhà báo Huy Đức khai nhận thông tin trong các bài viết là do ông tự thu thập và đánh giá.

Ông cũng nhận thức được rằng nội dung của các bài viết có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, “nhưng không có ý định chống Đảng hay Nhà nước”, theo báo Tuổi Trẻ.

Trước đó vào ngày 7/6/2024, Bộ Công an thông tin rằng Cơ quan An ninh điều tra thuộc bộ này đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố đối với nhà báo Huy Đức.

Cùng ngày, Cơ quan An ninh cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội với cùng tội danh.

Nhà báo Huy Đức (trái) và Luật sư Trần Đình Triển. Nguồn: Bộ Công an

Bộ Công an thông báo vào thời điểm đó rằng kết quả điều tra ban đầu xác định ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trong khi bị bắt và khởi tố cùng ngày, cùng tội danh nhưng quy trình điều tra, truy tố và xét xử của ông Trần Đình Triển diễn ra khá nhanh.

Cụ thể, vào trung tuần tháng 12/2024, ông Triển bị truy tố.

Đến tháng 1/2025, ông Trần Đình Triển, người có học vị tiến sĩ luật, ông ra tòa, và bị tuyên án 3 năm tù vì tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331.

Tòa án cáo buộc ông Triển đã viết và đăng trên trang Facebook cá nhân của mình một số bài viết “có nội dung không xác thực” gây ảnh hưởng đến uy tín ngành tòa án và cá nhân chánh án tòa tối cao.

Cho dù ông Trần Đình Triển và một số luật sư khẳng định việc soạn thảo các bài viết trên là thực hiện quyền tự do ngôn luận là không có cơ sở, thì tòa nhận định hành vi của ông là “rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Trong khi đó, Về phần nhà báo Huy Đức, đến hôm nay cơ quan công tố mới chính thức truy tố, và vẫn chưa rõ ngày sẽ đưa ra tòa xét xử.

Trước khi bị bắt, Facebook mang tên Truong Huy San với hơn 370.000 người theo dõi đã có một số bài phản biện về hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt là nói đến vai trò của Đại tướng Tô Lâm, lúc đó đã được bầu làm Chủ tịch nước, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trang Facebook này có đăng tải bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc” vào ngày 28/5, trong đó ông bình luận về các vấn đề pháp quyền tại Việt Nam và viết rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là “một bước lùi về chính trị”.

Bài viết này có đoạn:

“Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘Đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa.”

Một bài viết khác có nhan đề “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” cũng trên trên Facebook Truong Huy San nói về quyền lực của Bộ Công an trong hệ thống chính trị và điều hành nhà nước.

“Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an.”

Ông cũng đề nghị “Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát…”

“Không có quốc gia nào có thể phát triển bền vững dựa trên sự sợ hãi. Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành,” bài viết nêu.

Vào ngày 19/5, trước thềm họp thường kỳ Quốc hội khóa 15, Facebook Truong Huy San cũng có bài viết, trong đó lập luận rằng một người vừa làm chủ tịch nước vừa làm bộ trưởng Công an là trái với Hiến pháp.

Lúc bấy giờ, ông Tô Lâm đã được Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu để Quốc hội bầu chủ tịch nước, trong khi ông vẫn chưa được miễn nhiệm chức bộ trưởng Công an và trong chương trình làm việc được công bố lúc bấy giờ của Quốc hội cũng không có nội dung miễn nhiệm này.

Lúc này, ông Tô Lâm đã trở thành Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, thay cho ông Nguyễn Phú Trọng đã mất.

Phản ứng của các bên

Sau khi nhà báo Huy Đức bị bắt giữ, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và một số tổ chức quốc tế khác đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho ông.

“Chính quyền Việt Nam cần trả tự do ngay lập tức cho nhà báo, blogger và tác giả nổi tiếng Huy Đức và bãi bỏ mọi cáo buộc đối với ông,” HRW lên tiếng trong thông cáo báo chí phát đi hôm 7/6.

Bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW, nói: “Bằng việc bắt giữ sai trái ông Huy Đức, chính quyền Việt Nam đang nhắm vào một trong những nhà báo dũng cảm và có ảnh hưởng nhất của Việt Nam.

“Các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam nên tố cáo việc bắt giữ Huy Đức là một cuộc tấn công trắng trợn vào quyền tự do ngôn luận và kêu gọi thả ông ngay lập tức.”

Dự án 88, một nhóm đa quốc gia giám sát nhân quyền ở Việt Nam bình luận vụ bắt giữ nhà báo Huy Đức “thể hiện một cuộc tấn công đáng báo động vào quyền tự do báo chí và là vụ mới nhất trong một cuộc đàn áp đang diễn ra nhằm vào các nhà cải cách”.

Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Phóng viên Không Biên giới châu Á-Thái Bình Dương, nói ngay trước khi có thông báo chính thức về vụ bắt giữ ông Huy Đức:

“Các bài viết của nhà báo độc lập Huy Đức là nguồn thông tin vô giá giúp công chúng Việt Nam tiếp cận những thông tin bị chế độ Việt Nam kiểm duyệt. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ngay nhà báo này và cho khôi phục trang Facebook của ông.”

Đến tháng 9/2024, thời điểm Tổng Bí thư Tô Lâm có chuyến công du Mỹ, gần 100 trí thức trong và ngoài nước đã ký vào thư kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Huy Đức.

Trong danh sách ký tên vào thư ngỏ ngày 20/9 kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức, có các tên tuổi như nhà văn Phạm Thị Hoài (Đức), nhà kinh tế Vũ Quang Việt (Mỹ), Giáo sư Tường Vũ (Mỹ), dịch giả Nguyễn Nguyệt Cầm (Mỹ), nhà văn Thomas A. Bass (Mỹ), nhà báo Katrin Bennhold (New York Times, Mỹ), Giáo sư Ben Kerkvliet (Úc)…

______

Mời đọc thêm: Truy tố bị can Trương Huy San về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ (TT). – Ông Trương Huy San bị cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ (VNE).


 

Người ta có thể nhờ làm việc lành mà lên Thiên đàng không?- Cha Vương

Một ngày tràn đầy yêu thương và tha thứ nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 12/2/2025

GIÁO LÝ: Người ta có thể nhờ làm việc lành mà lên Thiên đàng không? Không. Không ai có thể lên Thiên đàng chỉ nhờ cố gắng của mình. Chúng ta được cứu độ chỉ nhờ ơn Chúa mà thôi, tuy nhiên, ơn Chúa đòi sự cộng tác tự do của mỗi cá nhân. (YouCat, số 341)

Không phải cứ nhận mình là người Công giáo, cứ nói tôi tin có Chúa, nhưng đời sống của  tôi lại hoàn toàn mâu thuẫn với niềm tin đó, vì vẫn  ăn gian nói dối, ngoại tình, gian lận, tôn thờ tiền bạc và của cải vật chất, oán thù, nghen ghét, cờ bạc, mãi dâm, nhẩy nhót, ca hát vui chơi  sa đọa … thì có nói cả ngàn lần “ Lạy Chúa, Lạy Chúa” cũng vô ích mà thôi bạn ạ!

SUY NIỆM: Có lẽ câu trả lời “không” ở trên làm bạn ngạc nhiên. Nhưng thực ra không ai tự cứu mình được. Giữa lúc bệnh tật, đói nghèo, khổ đau, tuyệt vọng, giữa cái sống và cái chết, những lúc như thế thì “Đức Tin” như chiếc phao cứu hộ, giúp ta có niềm hy vọng. Ngược lại dù tài bơi lội của bạn có giỏi đến đâu đi nữa, giữa biển sâu sóng ngầm, bạn cũng cần một chiếc phao (Đức Tin).

Dầu chỉ nhờ ân sủng và đức tin mà ta được cứu rỗi, thì vẫn còn cần đến tình yêu ta, được thúc đẩy bởi tác động của Chúa, bày tỏ qua các việc lành. (YouCat, số 341 t.t.)

  Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. (Dt.11:1)

❦  Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết, việc làm không có đức tin là vô nghĩa.

❦  Chúa không đòi ta những công việc lớn, mà đơn giản là ta hiến mình cho Chúa và tạ ơn Người. Người không cần việc làm của ta nhưng chỉ cần duy nhất là tình yêu của ta. (Thánh Têrêxa ở Lisieux)

LẮNG NGHE: Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. (Ep 2:8-9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho con, lòng tin bằng việc tuân giữ và thực hành những gì Chúa đã truyền dạy cho con trong Tin Mừng để mọi việc con làm cho danh Chúa được cả sáng hơn.

THỰC HÀNH: Là người Kitô hữu, vậy thì thử hỏi: Bạn có thực sự tin vào Ngài không? Bạn tin nhưng bạn có yêu Ngài không? Bạn yêu Ngài nhưng bạn có làm cho tình yêu của Ngài được triển nở và lan tỏa bằng hành động không?

From: Do Dzung

****************************

CHỈ MÌNH CHÚA | Sáng tác: Sr Maria, SLE | Tuyết Sương 

Leo Thang Bạo Lực Tại Việt Nam: Hai Vụ Án Giết Người Gây Chấn Động

Ba’o Dat Viet

February 12, 2025

Hai vụ án giết người nghiêm trọng đã diễn ra tại Việt Nam, thu hút sự chú ý của dư luận và cơ quan chức năng, làm dấy lên lo ngại về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng trong xã hội.

Tại tỉnh Bình Phước, vào rạng sáng ngày 10 Tháng Hai, một cuộc xô xát nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp. Công an tỉnh đã bắt giữ Nguyễn Hữu Nghĩa, 42 tuổi, với cáo buộc giết người. Vụ việc bắt đầu từ mâu thuẫn gia đình giữa bà Hoàng Thị Thương và chồng cũ tên Hải, dẫn đến một cuộc hỗn chiến đẫm máu. Trong lúc xô xát, Nghĩa đã dùng dao làm bếp chém ông Phạm Văn Nhu, chồng mới của bà Thương, khiến ông Nhu tử vong do vết thương quá nặng. Nghĩa sau đó đã đến đầu thú tại Công An Huyện Bù Đốp.

Một vụ việc khác tại Sài Gòn cũng gây rúng động không kém, khi Nguyễn Hoài Sơn, 23 tuổi, bị bắt giữ với cáo buộc tương tự sau khi đã giết anh Phong, 19 tuổi, trong một cuộc ẩu đả tại quán cà phê. Theo điều tra ban đầu, mâu thuẫn phát sinh từ việc anh Phong mượn điếu cày nhưng không đi mà còn đứng gần đó nói khích. Căng thẳng gia tăng khi hai bên to tiếng và sau đó xảy ra xô xát. Ông Sơn đã dùng dao đâm trực tiếp vào tim anh Phong, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sơn đã cố gắng trốn chạy bằng cách phi tang hung khí và di chuyển đến Đà Lạt, nhưng cuối cùng cũng bị bắt tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Những vụ việc này không chỉ là bi kịch cá nhân mà còn là dấu hiệu của những vấn đề sâu xa hơn trong xã hội, nơi mà các tranh chấp và mâu thuẫn cá nhân có thể dễ dàng biến thành bạo lực. Các vụ án mạng như vậy càng làm dấy lên nhu cầu cấp thiết về sự can thiệp của cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng này, đồng thời củng cố hệ thống pháp luật và tăng cường công tác giáo dục pháp luật để giảm thiểu những hành vi tương tự trong tương lai.


 

Trump nói Ukraine ‘có thể của Nga một ngày nào đó’

Ba’o Nguoi-Viet

February 11, 2025

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Donald Trump tỏ ý nói Ukraine “có thể của Nga một ngày nào đó,” theo CNN hôm Thứ Ba, 11 Tháng Hai.

Lời nói của ông Trump khiến người ta lo ngại Ukraine có thể mất độc lập trong tương lai. Được Tây phương hậu thuẫn, Ukraine kiên cường chiến đấu chống Nga xâm lăng suốt gần ba năm qua.

Lính Ukraine lái xe tăng ở vùng Kharkiv hôm 10 Tháng Hai. (Hình minh họa: Sergey Bokok/AFP via Getty Images)

Trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News phát sóng hôm Thứ Hai, Tổng Thống Trump nói về việc chính quyền của ông cố gắng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Theo kế hoạch, tuần này, ông JD Vance, phó tổng thống, sẽ hội đàm với ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine.

“Có thể họ (Ukraine) đạt thỏa thuận, có thể họ không đạt thỏa thuận. Có thể họ là của Nga ngày nào đó, hoặc có thể họ không phải của Nga,” ông Trump nói.

Câu nói của Tổng Thống Trump có thể làm vui lòng Nga. Từ khi bắt đầu xâm lăng Ukraine năm 2022 tới nay, Nga sáp nhập bất hợp pháp bốn vùng của Ukraine, và đang cố sáp nhập toàn bộ Ukraine vào Nga.

“Một phần lớn Ukraine muốn trở thành của Nga, và không thể phủ nhận thực tế rằng phần đó đã trở thành của Nga,” ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên chính phủ Nga, tuyên bố trong buổi họp báo hôm Thứ Ba, khi phóng viên hỏi về phát ngôn của ông Trump.

Lúc mở cuộc xâm lăng toàn diện hôm 24 Tháng Hai, 2022, Nga tin chắc họ sẽ chiếm được thủ thủ Kiev trong vài ngày rồi chiếm hết Ukraine trong vài tuần. Nay, khi cuộc chiến sắp bước sang năm thứ tư, Nga đang chiếm khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine.

Năm 2023, Nga bất hợp pháp tổ chức trưng cầu dân ý ở bốn vùng họ chiếm được của Ukraine – Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson – để làm ra vẻ sáp nhập hợp pháp những vùng đó.

Hôm Thứ Ba, ông Peskov cho hay người dân Ukraine “bất chấp nguy hiểm, xếp hàng bỏ phiếu” trong cuộc trưng cầu dân ý đó để sáp nhập vào Nga. “Điều này hầu như đúng với lời nói của Tổng Thống Trump,” ông Peskov thêm. (Th.Long) [qd]


 

Cảnh sát Mỹ-Võ Xuân Sơn

Ba’o Tieng Dan

Võ Xuân Sơn

11-2-2025

Hồi đấy, tôi học ở Arizona; tôi ở nhà GS Yeung. Hàng ngày, GS Yeung hoặc vợ ông chở tôi đến bệnh viện và chở về. Cuối tuần, nếu không có tiệc tùng gì, thì cha mẹ vợ GS Yeung chở tôi đi đâu đó.

Mặc dù thời gian học chưa kết thúc, nhưng GS Yeung nói tôi đã học được rồi, nên tôi xin vô Barrow Neurosurgical Institute để học. Nhà GS Yeung ở khu vực không có xe bus, nên GS Yeung và vợ ông dự định chở tôi đi và về. Thấy phiền ông quá, sắp tới ông lại đi các nước khoảng hai tuần, nên tôi xin vô bệnh viện ở. Tại đó có tuyến xe bus.

Cuối tuần đó, cha mẹ vợ GS Yeung đi đâu đó xa. Tôi tìm đường đến Arizona Mill một mình. Đi xe bus đến đó phải chuyển tuyến tại một nơi mà người ta không nói tiếng Anh. Khi đi thì đổi tuyến suôn sẻ, nhưng khi về, xe tôi tới trễ, chuyến kia đi mất. Vì vậy tôi phải chờ hơn 1 giờ sau mới có xe bus đi tiếp.

Tôi đang đứng tại trạm chờ xe bus thì một cậu ăn mặc khá lôi thôi đến xin thuốc lá. Tôi không cho vì thái độ cậu này khá xấc. Cậu ta lèm bèm gì đó. Tôi tránh ra, cách cậu ta chừng vài mét. Một chút sau, một chiếc xe cảnh sát hú còi, chạy lại ngã tư, cách chỗ tôi đứng vài chục mét. Cảnh sát xuống hỏi han gì chiếc xe đang chờ đèn, rôi lên xe. Họ de xe lại, chạy lên lề, đậu ngay cạnh tôi.

Họ đậu chừng 5 phút rồi đi. Tôi quay lại, cái cậu xin thuốc lá đi đâu mất. 15 phút sau, chiếc xe cảnh sát đó quay lại. Lần này, anh cảnh sát mở cửa hỏi tôi, rằng cái cậu lúc nãy đứng đây đâu rồi. Tôi không biết cậu ấy đi đâu. Có lẽ lúc này họ mới biết tôi không phải người Mỹ.

Một anh cảnh sát bước xuống xe, chỉ cho tôi một cái nút, và hướng dẫn tôi, nếu tay kia quay lại đe đọa hay tấn công tôi, hoặc có bất cứ gì nguy hiểm, cứ lấy gì đó đập bể kiếng rồi bấm cái nút đó là họ tới ngay.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với cảnh sát Mỹ. Sau đó vài năm, tôi đi bộ trên đường ở New York. Tôi gặp một cô cảnh sát cưỡi ngựa, mới định hỏi cô ấy về đường đi, thì bộ đàm kêu gì đó. Cô ấy xin lỗi và chạy đi ngay. Mấy phút sau, tôi đang đi thì nghe lọc cọc ngay bên cạnh. Thì ra là cô ấy xong việc, quay lại hỏi tôi muốn hỏi cô ấy cái gì.

Ở các nước tiến tiến hơn chúng ta, cảnh sát được quyền trấn áp, thậm chí bắn chết tội phạm. Nhưng đối với người dân, họ thực sự là những người trợ giúp. Họ làm không tốt bị dân chửi, hoặc kiện ra tòa. Còn nếu họ mà giở trò o ép, xin bánh mì… thì rất dễ bị đi tù. Ở đó rồi, chúng ta, nếu không làm gì sai pháp luật, sẽ không bị nỗi sợ hãi công an xâm chiếm.


 

TẬP NHÌN SÂU BẠN SẼ THẤY MỘT KHÍA CẠNH KHÁC…

8 SÀI GÒN

  1. Khi ăn cơm, nhìn món ăn trên bàn, hãy thấy cả quá trình đi chợ, gửi xe, lựa rau, chọn củ, về nhà, gọt rửa, nấu nướng, chiên xào, dầu nóng, mồ hôi rịn trên trán, nêm nếm tới lui… để thấy thương người nấu. Để thấy món ăn này không chỉ là một món ăn, mà là một món quà đáng trân quý. Để không chê này, không bình phẩm nọ. Thay vào đó, ta thấy biết ơn.
  2. Khi nhận được một tin nhắn hỏi thăm, hãy thấy cả quá trình họ nhớ đến chúng ta, họ nghĩ về chúng ta, họ suy nghĩ nên nhắn gì đến chúng ta, và thấy cả bàn tay bấm từng chữ, từng từ… để thấy trân quý tin nhắn họ dành cho chúng ta.
  3. Khi tập nhìn sâu, ta sẽ thấy tài xế không chỉ là tài xế, mà còn là một người đang mưu sinh kiếm sống nuôi vợ con.
  4. Khi tập nhìn sâu, ta sẽ thấy Người phục vụ bàn trong quán nước không chỉ là phục vụ, mà còn là một sinh viên đang vất vả làm thêm để có tiền sinh hoạt và lo toan đóng học phí đúng kì.
  5. Nhìn sâu – chúng ta sẽ thấy được rằng ai cũng đang phải chiến đấu trong cuộc đời của họ. Để thấy thương, để thấy cảm thông, bỏ qua cái gì có thể bỏ qua.

6.Hãy tập nhìn sâu vào bữa cơm của Mẹ, cái áo của Cha, quá trình đi làm của Vợ hay Chồng, mái tóc bù xù của Vợ, tin nhắn của bạn bè, món quà mà chúng ta từng nhận được… và nhìn sâu đằng sau con người mà chúng ta tiếp xúc, để nhận ra rằng, có nhiều thứ sâu sắc xung quanh mà trước giờ, chúng ta chỉ biết nhìn hời hợt mà thôi!

CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP

 

 

 

 

 

Nguồn cơn của một va chạm giao thông…

Bạch Hoàn

Cái mũ bảo hiểm bị vỡ trong hình là bởi nó được dùng làm hung khí để đập vào đầu, vào mặt một anh shipper, sau khi kẻ hành hung đã dùng tay, dùng chân đấm đá nạn nhân.

Vâng, nạn nhân là một anh shipper đi xe máy. Vâng, anh shipper đi xe máy ấy là người chỉ còn một tay.

Kẻ ra tay là người lái chiếc xe Lexus. Nguồn cơn của sự việc là một va chạm giao thông đã xảy ra ở khu vực đường Nghi Tàm, phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội.

Thay vì gọi cơ quan chức năng giải quyết sự việc, người đi xe Lexus tự cho mình quyền xâm phạm thân thể, gây thương tích cho người khác. Điều này bộc lộ bản tính vô pháp vô thiên, bộc lộ thói côn đồ, thói chà đạp người yếu thế và coi thường nhân phẩm người khác.

Nó cũng cho thấy, người ta có thể có tiền nhưng chưa chắc đã có đạo đức.

Người ta có thể có chiếc xe đẹp nhưng tâm tính xấu xí.

Người ta có thể xài chiếc xe đắt tiền nhưng nhân phẩm thì rẻ mạt và rách nát.

Những kẻ như vậy, và cả những kẻ ngồi hưởng thụ trên xe nhìn thói côn đồ coi thường pháp luật lộng hành, cần được bế.


 

THIÊN ĐÀNG MONG MANH – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

  Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế!”.

Người Bajau – Mã Lai – có một cuộc sống thanh bình trên hồ nước; họ sống trên những chiếc thuyền đẹp như tranh. Nhiếp ảnh gia Chrysler Choo – tìm hiểu lối sống trên mặt hồ trong vắt tựa pha lê của họ – ghi lại cuộc sống êm đềm của những con người chơn chất này qua hàng ngàn bức ảnh, một trong những tác phẩm nổi tiếng của Choo là “A Fragile Paradise”, “Thiên Đàng Mong Manh!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không chỉ thiên đàng của người Bajau mong manh, mà thiên đàng của nguyên tổ thời hồng hoang cũng thế! Và thú vị thay, Tin Mừng hôm nay còn tiết lộ một thiên đàng khác vốn phù du mong manh hơn – tâm hồn con người!

Sáng Thế cho biết, Thiên Chúa đã dựng nên con người, thổi sinh khí vào mũi nó, cho nó nên giống hình ảnh Ngài; nhờ đó, sự sống của Ngài hoạt động trong nguyên tổ. Thiên Chúa cũng tạo nên một chốn bồng lai – Eden – và sau đó, đem con người đặt vào, kèm theo lời cảnh báo, “Chớ ăn trái cây biết thiện ác!”. Nhưng nguyên tổ đã không vâng lời, họ ăn trái cấm và đánh mất thiên đàng! – bài đọc một.

Chúa Giêsu từng tuyên bố, “Nước Trời ở giữa anh em!”, nghĩa là thiên đàng ở giữa anh em. Nhưng trong Tin Mừng hôm nay, Ngài cảnh báo, “Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế!”. Như vậy, thiên đàng trong mỗi người vẫn có thể bị đánh mất! Nó mất vì tất cả những cuộc chiến chống lại Vương Quốc đều ở trong đó. Thật dễ hiểu với những gì Phaolô nói, “Điều tôi muốn, tôi đã không làm; điều tôi không muốn, tôi lại làm!”. Cám dỗ này đến từ những đam mê, yếu đuối – vết thương nguyên tội để lại – và nó lớn lên âm thầm như đám cháy nhỏ; và ai đó, nếu không ngăn cản, nó sẽ thiêu rụi tất cả và kết quả là đánh mất thiên đàng!

Vậy làm sao để nó khỏi mất? Thư Rôma quả quyết, “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người”. Vậy, bạn đừng nhìn lại, nhưng hãy cất bước trên con đường Giêsu. Bấy giờ, điều phát xuất từ bên trong cũng là điều làm cho bạn nên thánh thiện! Một thiên đàng mong manh nay trở nên thiên đàng ‘mạnh mẽ’, đáng ‘mong mỏi’, ‘mộng mơ’, và rất ‘mời mọc’ – thiên đàng Giêsu! Được như thế, bấy giờ chỉ còn, “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế!”. “Bạn thường nghĩ cái ác chủ yếu đến từ bên ngoài: cư xử của người khác, người nghĩ xấu về bạn, từ xã hội… nên bạn thường lãng phí thời gian để đổ lỗi và trở nên tức giận, cay đắng. Hãy cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi việc đổ lỗi như trẻ con đó. Hãy cầu xin ơn không ‘làm ô uế’ thế giới bằng những than phiền, vì điều này không phải là Kitô giáo! Thay vào đó, khởi đi từ trái tim mình, nhìn vào cuộc sống và thế giới! Và nếu thành tâm xin Chúa thanh tẩy tâm hồn mình, thì thực sự chúng ta đã bắt đầu làm cho thế giới trong sạch hơn. Để đánh bại cái ác, có một cách không thể sai lầm là bằng cách bắt đầu chiến thắng nó trong chính bản thân mình!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để thiên đàng có thể “chớm nở, chớm nở ngay dưới thế” – một thiên đàng không còn mong manh – xin cho lòng con đầy ắp Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

*****************************************

Thứ Tư Tuần V Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

14 Khi ấy, Đức Giê-su gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. 16 Ai có tai nghe thì nghe!”

17 Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. 18 Người nói với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, 19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. 20 Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. 21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”