Thánh Columban & Thánh Leonard ở Cảng Maurice

Thánh Columban
(543? – 615)
25 Tháng Mười Một

Thánh Columban là nhà truyền giáo nổi tiếng người Ái Nhĩ Lan, hoạt động ở Âu
Châu. Khi còn là thanh niên, ngài bị đau khổ dữ dội vì sự cám dỗ của xác thịt,
ngài phải xin sự cố vấn của một bà đạo đức sống ẩn tu lâu năm. Qua lời khuyên
bảo của bà, ngài nhìn thấy ơn gọi của mình. Ðầu tiên ngài là một tu sĩ trên đảo
Lough Erne, sau đó ngài theo học tại tu viện Bangor.
Sau nhiều năm sống tách biệt để cầu nguyện, ngài đến xứ Gaul (nước Pháp bây
giờ) để truyền giáo cùng với 12 người bạn. Các ngài được dân chúng quý trọng vì
sự hăng say rao giảng, làm việc tông đồ, và luôn tuân giữ lời khấn bác ái,
trong khi tu sĩ thời ấy thì lười biếng và dân chúng luôn luôn xung đột. Thánh
Columban thiết lập vài tu viện ở Âu Châu mà sau này trở thành các trung tâm tôn
giáo và văn hóa.
Như mọi vị thánh khác, ngài cũng bị chống đối. Cuối cùng ngài phải cầu khẩn
đến đức giáo hoàng để chống với cáo buộc của các giám mục người Pháp, nhằm minh
xác điều ngài giảng dạy là chân thật và chấp thuận các tục lệ của Ái Nhĩ Lan.
Ngài khiển trách nhà vua về đời sống dâm loạn của ông dù đã thành hôn. Do đó,
thánh nhân đã bị trục xuất trở về Ái Nhĩ Lan. Vì bão lớn, tầu của ngài bị mắc
cạn, và ngài lại tiếp tục công việc truyền giáo ở Âu Châu, sau cùng ngài đến
nước Ý, là nơi ngài được tiếp đón ân cần bởi ông vua của người Lombard. Trong
những năm cuối đời, ngài thiết lập một tu viện nổi tiếng ở Bobbio, và cũng là
nơi ngài từ trần. Các văn tự ngài để lại gồm một luận án về sự ăn năn sám hối và
các văn bản chống với bè rối Arian, các bài giảng, thi ca và quy luật tu viện.

Lời Bàn

Sự phóng túng tình dục ngày nay đã đến mức quá độ, chúng ta cần nhớ đến
gương mẫu sống động của những thanh niên sống khiết tịnh như Thánh Columban. Và cuộc sống an nhàn của thế giới Tây Phương ngày nay trái ngược với hình ảnh bi
thảm của hàng triệu người đang chết đói, chúng ta phải chịu khó sống khắc khổ
và có kỷ luật như các tu sĩ Ái Nhĩ Lan. Chúng ta cho rằng, họ quá nghiêm khắc,
họ đi quá xa. Nhưng chúng ta sẽ đi được tới đâu?

Lời Trích

Trong thư gửi cho đức giáo hoàng nói về sự tương tranh ở Lombardy, Thánh
Columban viết: “Chúng con là người Ái Nhĩ Lan, sống ở bên kia quả địa
cầu, là những người theo Thánh Phêrô và Phao-lô và các môn đệ đã viết ra những
quy tắc thiêng liêng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng con không
chấp nhận những gì khác hơn là giáo huấn và truyền thống tông đồ này… Con thú
nhận là con rất đau lòng vì điều tiếng xấu về ngai tòa Thánh Phêrô ở quốc gia
này… Mặc dù Rôma thật xa cách, nhưng chúng con rất tôn trọng chỉ vì ngai tòa
này… Xin Ðức Thánh Cha hãy để ý đến sự bình an của Giáo Hội, xin ngài đứng
giữa đàn chiên và bầy sói.”
*      *       *       *        *       *       *       *        *        *        *       *       *       *
Thánh Leonard ở Cảng Maurice

(1676-1751)

26 Tháng Mười Một
Thánh Leonard, người được Thánh Alphonsus Liguori gọi là “nhà truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 18”, cũng là một tu sĩ Phanxicô cố gắng đến truyền giáo ở Trung Cộng nhưng thất bại, và ngài đã thành công lớn trong một số công việc khác. Cha của Leonard là một thuyền trưởng mà gia đình sinh sống ở cảng Maurice nằm về phía đông bắc của bờ biển nước Ý. Vào lúc 13 tuổi, Leonard đến Rôma sống với người chú là Agostino và học tại trường Roman College. Leonard là một sinh viên giỏi mà cha mẹ muốn ngài theo đuổi ngành y khoa. Tuy nhiên, vào năm 1697, ngài gia nhập dòng
Phanxicô, trái với sự chống đối quyết liệt của người chú. Sau khi thụ phong
linh mục, Leonard bị mắc bệnh lao và được gửi về nhà để tĩnh dưỡng hoặc chờ
chết. Ngài hứa rằng nếu được khỏi bệnh ngài sẽ tận hiến cho việc truyền giáo và
hoán cải kẻ tội lỗi. Không bao lâu, ngài được lành bệnh và bắt đầu quãng đời 40
năm tận tụy rao giảng trong các cuộc tĩnh tâm, trong mùa Chay và trong các cuộc
canh tân giáo xứ (tuần đại phúc) trên toàn nước Ý. Cuộc tĩnh tâm thường kéo dài
từ 15 đến 18 ngày và ngài thường ở lại thêm một tuần nữa để giải tội. Sau những
lần tổ chức tĩnh tâm, để duy trì lòng đạo đức sốt sắng của giáo dân, Cha Leonard thường cổ võ việc Ngắm Ðàng Thánh Giá, mà thời ấy rất ít người tham dự.
Ngài cũng thường rao giảng về Thánh Danh Giêsu. Cha Leonard được phong thánh
vào năm 1867; vào năm 1923, ngài được đặt làm quan thầy cho những ai chuyên đi
giảng về tuần đại phúc.
Lời Bàn
Sự thành công của một người đến rao giảng trong buổi tĩnh tâm thì tùy thuộc vào lòng nhiệt thành của họ có bền bỉ với thời gian hay không. Ðiều khác biệt là sự hoán cải của người tham dự. Ðối với Thánh Leonard, việc Ngắm Ðàng Thánh Giá và xưng tội thường xuyên sẽ giúp  giáo dân giữ được lòng đạo đức mà ngài đã khơi dậy qua lời rao giảng. Lần sau cùng bạn Ngắm Ðàng Thánh Giá là khi nào?
Lời Trích
Có lần Thánh Leonard nói, “Nếu vào lúc tôi chết, Thiên Chúa khiển trách tôi vì quá nhân từ với kẻ tội lỗi, tôi sẽ thưa, ‘Lạy Chúa Giêsu, nếu nhân từ với kẻ tội lỗi là một sai lầm thì đó là sự sai lầm con học được từ Ngài, vì Chúa không bao giờ khiển trách bất cứ ai đến với Ngài để xin được thương xót” (Trích trong cuốn Thánh Leonard ở
Cảng Maurice, t. 9, của Leonard Foley, O.F.M.).
nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Thánh Anrê Dũng Lạc và Các Bạn

Thánh Anrê Dũng Lạc và Các Bạn

24 Tháng Mười Một

Thánh Anrê Dũng Lạc là một trong 117 vị tử đạo ở Việt Nam trong những năm từ 1820 đến 1862. Các ngài được phong chân phước làm bốn đợt, từ 1900 đến 1951. Sau cùng, các ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh vào năm 1988.

Kitô Giáo được người Bồ Ðào Nha đưa vào Việt Nam qua ba triều đại. Vào năm 1615, các linh mục dòng Tên mở khu hội truyền giáo đầu tiên ở Ðà Nẵng. Ở đây các cha coi sóc các người Công Giáo Nhật Bản bị tống ra khỏi nước.

Vua chúa thời ấy cấm các nhà truyền giáo ngoại quốc không được du nhập vào Việt Nam và họ dụ dỗ người Việt chối đạo bằng cách bước qua thập giá. Giống như thời kỳ cấm đạo ở bên Anh, các linh mục ở Việt Nam cũng phải trốn tránh trong nhà của giáo dân.

Có đến ba lần bắt đạo cực kỳ khủng khiếp trong thế kỷ 19. Kể từ năm 1820, trong sáu thập niên, có khoảng 100,000 đến 300,000 người Công Giáo đã bị giết hoặc bi đầy ải. Trong đợt bách hại đầu tiên các nhà truyền giáo ngoại quốc gồm các linh mục của Tu Hội Thừa Sai Ba Lê, cũng như các linh mục Ða Minh người Tây Ban Nha và các người dòng ba.

Vào năm 1847 xảy ra cuộc bách hại lần thứ hai, khi nhà vua nghi ngờ các vị thừa sai và giáo dân Việt Nam đồng loã với lực lượng phản loạn để giết các con trai của vua.

Các vị tử đạo sau cùng là 17 giáo dân, trong đó có một em 9 tuổi, được tử đạo năm 1862. Chính năm đó một hiệp ước được Việt Nam ký kết với Pháp nhằm đảm bảo sự tự do tôn giáo cho người dân, nhưng hiệp ước đó không được tôn trọng.

Vào năm 1954, có khoảng một triệu rưỡi người Công Giáo — khoảng bảy phần trăm dân số — sống ở miền Bắc. Người Phật Giáo chiếm khoảng 60 phần trăm dân số. Vỉ sự tàn ác của chế độ cộng sản, 670,000 người Công Giáo đã từ bỏ đất đai, nhà cửa và tài sản để di cư vào miền Nam. Sau cuộc chiến Việt Nam, vào năm 1975 cộng sản đã làm chủ toàn thể lãnh thổ quốc gia này.

Lời Bàn

Lịch sử tử đạo của dân tộc Việt giúp cho những ai chỉ biết đến Việt Nam qua cuộc chiến giữa tự do và cộng sản thấy rằng, ngay tự xa xưa, thập giá đã là một phần của đời sống người Việt. Trong khi lý do của sự can thiệp hoặc bỏ rơi của Hoa Kỳ vào vấn đề Việt Nam chưa được giải đáp thỏa đáng, thì chính đức tin Kitô Giáo từng ăn sâu vào lòng đất Việt đã chứng tỏ sự can trường hơn bất cứ sức lực nào muốn tiêu diệt đức tin ấy.

Lời Trích

“Giáo Hội Việt Nam thì sống động và đầy sinh lực, với nhiều giám mục trung tín và hăng hái, và nhiều giáo dân tận tụy và can đảm & Giáo Hội Việt Nam đang sống phúc âm trong một hoàn cảnh khó khăn và phức tạp với một sức mạnh đáng kể” (nhận định của ba vị tổng giám mục Hoa Kỳ sau chuyến thăm viếng Việt Nam vào tháng Giêng 1989).

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

 

The Story of Đỗ Minh Triệu

The Story of Đỗ Minh Triệu
Tôi sinh năm 1968 nay đã 43 tuổi, thực sự “già đầu” rồi mà tôi vẫn còn được mẹ chăm sóc, thay quần áo, tắm rửa, gội đầu, bón cơm, thay tã lót cho như một em bé sơ sinh. Tôi chính thật là đứa con được mẹ thương yêu nhất trần gian. Nhiều đêm bệnh hành hạ không ngủ được, dõi mắt nhìn mẹ tóc  bạc da mồi nằm giường bên, đang thiếp ngủ mệt, sau một ngày vất vả lo cho con.
Tôi thật đau lòng! Buồn lắm! Thương mẹ đến chảy nước mắt, tôi thì thầm khẽ gọi:
-Mẹ ơi, mẹ có biết con yêu mẹ vô ngần. Tình mẹ cho con bao la trời biển, cả cuộc đời mẹ đã đổ bao nhiêu nước mắt, xót thương đứa con kém may mắn nhất của mẹ. Mẹ ơi, con không thể nào sống được khi thiếu mẹ, vì mẹ là hơi thở, là mắt, là tay, là chân của con …
Đã bao lần tôi tự nghĩ và hiểu là nếu tôi chết đi, mẹ sẽ đau buồn lắm. Nhưng  nỗi buồn của mẹ rồi sẽ nguôi ngoai theo thời gian. Chẳng hơn là hằng ngày mẹ phải nhìn thấy tôi sống tật nguyền đau đớn, với hình hài chẳng khác nào bộ xương cách trí, được che dấu dưới manh quần tấm áo và đôi bí tấ…
Như một bà Tiên có phép thuật, mẹ biết tôi đã nghĩ đến cái chết, nên bà thường hay nói với tôi rằng :
– Con là lẽ sống của mẹ, cả đời mẹ được chăm sóc con như một em bé mẹ rất hạnh phúc.
– Con cần can đảm sống để đối diện, thi gan, thử thách với bệnh tật.
– Chẳng phải y khoa đang theo dõi từng biến chuyển trên thân xác con, chẳng phải con đã mong ước chờ đến ngày khoa học tìm ra thuốc chữa căn bệnh “Muscular Dystrophy” quái ác này. Vậy thì ít nhiều khoa học cũng cần dựa trên thử nghiệm, và trên cả thời gian là bao lâu con can đảm sống chờ đợi và hy vọng. Con hãy nói với Chúa: “Here I am, Lord; I come to do your will .”
Tôi thương mẹ và vâng lời, nên Chúa đã phải nghe tôi yếu đuối tuyên xưng đức tin, mỗi khi tôi cần tự xoa dịu đau đớn, cần có sức chịu đựng nỗi thống khổ mà tôi không thể tự vất bỏ đi được. Ngay cả đến con ruồi, con muỗi bé tí tẹo chúng cũng có thể tự do hành hạ tôi, cho đến khi mẹ tôi ra tay cứu giúp, đuổi chúng đi.
Nói chính xác là tôi đã tồn tại trên thế gian này 43 năm, cũng là một phép lạ, một sự tỏ rõ quyền năng của đấng tạo hóa có quyền ban sự sống cho con người, và Ngài chưa muốn đem tôi ra khỏi thế gian này, tôi còn phải sống bằng cách này hay cách khác trong khổ đau. Tôi nghĩ bất cứ người nào nhìn thấy tôi, cũng đều rất ái ngại và thầm nghĩ : “phải sống như thế thà chết sướng hơn”.
Thử hỏi còn gì đau khổ bằng khi tôi vẫn còn có đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe, cái miệng để gọi mẹ suốt ngày và nhất là còn có cái đầu tỉnh táo biết thương nhớ, giận hờn, biết cảm nhận niềm vui, nỗi buồn, biết phân biệt phải trái, đúng hay sai, biết đói, biết khát, biết nóng, biết lạnh, biết đau đớn tê dại, biết nhờm gớm khi đã tiêu, tiểu ra tã v.v…
Nói tóm lại, khuôn mặt và bộ não của tôi trong 43 năm qua vẫn nguyên vẹn, bình thường, không bị ảnh hưởng bởi bệnh “Muscular Dystrophy”, một chứng bệnh làm teo dần các cơ bắp, mà tôi đã mắc phải từ năm lên chín hay lên mười tuổi.
Cha tôi là Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mẹ tôi là Công Chức. Ngày 30-4-1975 Cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam, thì đến ngày 29-5-1975 cha tôi phải đi trình diện “Học Tập Cải Tạo”, lúc đó mẹ tôi mới sinh em bé thứ tư được một tháng và tôi là đứa con lớn nhất mới được 7 tuổi. Lệnh bắt cha đi “học tập” nghe nói Thiếu Tá học một tháng thì về. Nhưng mà thời gian cha tôi phải “học” trong các trại tù cải tạo lâu lắm, lâu gấp 120 lần thời gian VC gian dối nói là cha tôi đi học chỉ có một tháng, trong khi cha đã học hết 5 năm ngoài Bắc, còn phải học thêm 5 năm trong Nam nữa, mới được tha về gặp lại
mẹ và 4 anh em chúng tôi năm 1985.
Ngày cha đi tù cải tạo, tôi vẫn còn mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn theo tuổi đời và phát triển bình thường như bao trẻ khác. Vậy mà hai, ba năm sau, chẳng biết tôi mắc phải chứng bệnh gì, cơ thể sinh ra yếu đuối, tay chân rệu rã, đi đứng không được vững vàng. Chỉ cần một sự va chạm nhẹ vào người tôi của ai đó, tôi cũng ngã lăn ra và khó khăn lắm mới đứng dậy được. Còn va chạm mạnh thì u trán, vỡ đầu. Vì thế trong thời gian còn đi học, thầy hoặc cô giáo đã phải đem tôi đến trạm xá hay nhà thương khâu vài mũi hay nhiều hơn, cho nên trên đầu tôi mới có nhiều vết sẹo lớn, nhỏ.
Khi tôi bắt đầu phát bệnh khoảng chừng vào năm 1978 hay 1979 gì đó, thời gian này người ta đồn ầm lên là trong Chợ Lớn có một ông Thầy rất tài giỏi, chữa bệnh theo cách văn minh tân tiến, không cần dùng thuốc mà dùng “xung điện” để chữa trị. Lúc đó tôi nào biết “xung điện” là gì. Chỉ biết là người thầy “tài giỏi” này dùng hai tay đặt lên đầu, lên vai bệnh nhân để chuyền “điện” của ông (gọi là nhân điện) chạy qua cơ thể người bệnh, gặp “điện” của bệnh nhân. Hai  luồng “điện” này gặp nhau, thì xảy ra “xung điện” diệt trừ căn bệnh. Cách điều trị giản dị chỉ có thế thôi. Bất kể là bệnh gì.
Thầy chữa bệnh làm phước, không lấy tiền (nhưng thầy vui vẻ nhận quà cáp bệnh nhân
đem đến), vì vậy số bệnh nhân đến xin được Thầy chữa bệnh mỗi ngày rất đông. Nhà tôi ở xa, mẹ con tôi phải ra khỏi nhà từ 4 giờ sáng, đến địa điểm xếp hàng lấy số thứ tự cùng một đám đông người. Chờ tới khoảng 8 giờ thì Thầy đến cùng với người phụ tá. Người phụ tá gọi từng đợt 10 người theo số bắt đầu từ 1 đến 10, bệnh nhân trong số được gọi, mau mắn vào trong ngồi xếp thành vòng tròn, để Thầy đi chung quanh đặt tay lên đầu, lên vai truyền “điện” cho nhanh chóng .
Sáng nào cũng vậy, mẹ tôi cứ phải dùng khăn ướt lau mặt cho tôi: đứa bé 10 tuổi còn đang say ngủ, có như vậy tôi mới chịu tỉnh ngủ mở mắt ra, và mẹ mới lôi được tôi đến bên chiếc xe đạp xe đạp mini cũ kỹ, xốc tôi ngồi lên, bắt vòng tay ôm lưng mẹ cho chặt, để mẹ chở vào Chợ Lớn nhờ thầy truyền “điện”, tạo “xung điện” giúp cho cơ thể tôi cứng cáp, mạnh khỏe trở lại. Ngày nào mẹ tôi làm việc vất vả quá mệt, ngủ quên đến 6, 7 giờ sáng mới thức dậy, thì phải đi vội vã lắm. Và hôm ấy, nhanh nhất cũng phải đến 2, 3 giờ chiều, mẹ con tôi mới về đến nhà, rất mệt mỏi và đói khát. Tôi không thích thú và tin tưởng vào sức mạnh “nhân điện” của thầy, nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn theo mẹ mỗi ngày đi chữa bệnh cho mẹ vui lòng, nhất là bà Nội tôi lại luôn nói :“có bệnh phải chịu khó chạy đi vái tứ phương cháu ạ”.
Mẹ khi còn trẻ
Dù có phải “vái bệnh” vất vả tứ phương mẹ tôi cũng không ngại, nhưng sau mấy tháng nghỉ hè kiên trì theo Thầy, mà bệnh tình của tôi cũng không thấy có được một chút kết quả nào, mẹ con tôi đành bỏ cuộc, khi năm học mới đã bắt đầu. Thời gian này, mẹ tôi chở tôi đến cổng trường bằng chiếc xe mini cọc cạch, từ cổng trường tôi có thể tự đi vào lớp. Nhưng rồi sau đó, đã có vài lần tôi tuột khỏi xe, ngã xuống đường rất nguy hiểm, nên mẹ không dám chở tôi đi học bằng xe đạp nữa, bà phải cõng tôi đến trường, đưa tôi vào tận chỗ ngồi trong lớp học. Đến giờ tan học, mẹ lại bỏ công bỏ việc chạy vội đến lớp cõng tôi về, bất kể ngày
nắng, ngày mưa. Muốn tôi đi học, mẹ phải cõng thôi, vì hai chân tôi bây giờ chỉ còn khả năng đi được khoảng vài mươi bước, có người đi kèm cặp bên cạnh.
Đi học mà hành mẹ tôi như thế tôi thấy ái ngại và xấu hổ lắm, nên đã nhiều lần tôi xin mẹ cho tôi nghỉ học, nhưng mẹ tôi cương quyết không cho, mẹ nói: bệnh tật như con càng phải học nhiều hơn. Con và mẹ chúng ta cùng cố gắng: mẹ cố gắng lo cho các con có cơm ăn áo mặc, các con cố gắng học chăm học giỏi, hãy nghĩ đến cha đang bị tù đày. Và mãi đến khi tôi tốt nghiệp cấp 2, phải thi vào cấp 3 không đậu, một phần vì bệnh tật, một phần vì cái “tội” con Thiếu Tá “ngụy”. Đến lúc này mẹ tôi mới đành chịu bó tay và buồn lắm, khi tôi không được tiếp tục việc học nữa.
Không đi học ở nhà quanh quẩn với bà Nội, bệnh tôi cứ vậy tăng thêm theo ngày tháng. Đến năm 1988 hai chân tôi không còn có thể đứng thẳng mà lê bước, ngay cả khi tôi dùng hai tay vịn, men theo điểm tựa mà nhấc chân đi cũng không được  nữa. Muốn di chuyển quanh nhà, tôi phải ngồi xe lăn hoặc ngồi bệt xuống đất, dùng mông và hai tay chống mà lết đi, khi tôi tròn tuổi hai mươi, rất thèm đi đứng chạy nhảy với chúng bạn.
Năm 1991, gia đình tôi được qua Mỹ định cư theo diện H.O # 8. Ngay sau khi được cấp thẻ Medi-Cal, mẹ tôi đã sốt sắng đưa tôi đi chữa bệnh. Gặp bác sĩ gia đình giới thiệu tôi đến bác sĩ chuyên khoa, rồi ông chuyên khoa giới thiệu đến cả bệnh viện này, nọ. Cuối cùng tôi được chuyển đến Bệnh Viện của trường University of California of San Diego (UCSD) để khám toàn khoa, và làm tất cả những xét nghiệm cần thiết, kể cả thử DNA (Deoxyribonuleic Acid). Kết quả cho biết là tôi bị bệnh “Muscular Dystrophy – Backer”, một chứng bệnh làm teo dần
bắp thịt (chỉ xảy ra cho nam giới). Bệnh này được tìm ra bởi vị bác sĩ tên Becker (M.D Becker).
Khi định được bệnh rồi, bác sĩ cho biết căn bệnh quái ác này vẫn chưa có thuốc ngăn ngừa và chữa trị, mặc dù cả thế giới, đặc biệt là nước Mỹ đã và đang nỗ lực nghiên cứu. Trong tuyệt vọng, tôi thầm cầu nguyện và rất hy vọng một ngày nào đó, các nhà khoa học sẽ tìm ra thuốc chữa trị và thuốc ngăn ngừa, để thế giới loài người không còn có ai bị mắc bệnh “Muscular Dystrophy” nữa.
Cha tôi vận rủi ngã ngựa, bị VC bắt nhốt tù 10 năm, cho tôi vận may đến được nước Mỹ, một xứ sở văn minh, giàu có và nhân ái nhất thế giới. Nên dù bệnh tật của tôi nan y không thể chữa trị, tôi cũng được an ủi phần nào, vì không phải lo lắng, chẳng biết làm gì để kiếm được miếng ăn, không phải lo sống đời tủi nhục như ở Việt Nam. Bởi vì chính phủ Mỹ có chương trình giúp đỡ những người bệnh tật, không còn khả năng lao động như tôi được chăm sóc sức khỏe, được ăn no, mặc ấm, được hưởng tiền bệnh tật, gọi là tiền SSI (Supplemental Security Income).
Tôi không có khả năng lao động nữa, nhưng mẹ tôi quả quyết: tôi vẫn có khả năng đi học để mở mang kiến thức, tránh thì giờ buồn chán, và để có thể học cho mình một ngành nghề, chỉ cần xử dụng khối óc và hai tay (khẳng khiu yếu đuối) học về văn thơ, hay học về computer chẳng hạn, còn hai chân thì cứ kệ cho nó lười biếng đặt trên xe lăn…
Nghe mẹ nói vậy, tôi cốù tảng lờ đi. Nhưng mẹ tôi không bỏ cuộc, bà cứ theo khuyến khích, thuyết phục tôi mãi bà nói:
-Học vấn rất cần thiết cho con. Tri thức đưa con đến với thế giới bao la, cho con đời sống vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Con thử nghĩ xem, tại sao mẹ đã luống tuổi rồi mà còn đi học, với mơ ước sẽ tốt nghiệp “Medical Assisstant” để biết lối mà chăm sóc cho con một cách khoa học, và mẹ còn mơ ước xa hơn nữa, là được tình nguyện săn sóc những bệnh nhân hoạn nạn, tàn tật ở những nước nghèo đói, khi mẹ có điều kiện và hoàn cảnh cho phép.
Tấm gương hiếu học của mẹ đã nâng đỡ, khuyến khích tôi, nhưng chủ đích cũng vẫn là để làm vui lòng mẹ, nên tôi đã theo mẹ đến trường Mesa College làm thủ tục nộp đơn xin nhập học. Việc đơn từ ở trường, mẹ tôi rành lắm vì bà đã theo học ở Mesa College từ năm trước rồi, tôi không phải lo lắng gì cả đã có mẹ giúp đỡ.
Những năm tháng hai mẹ con tôi theo học ở trường Mesa College tràn đầy thử thách, nhiều lúc tưởng đâu đã phải bỏ cuộc, không kham nổi những vất vả khó khăn, trần ai lắm khi đi học.
Trong diện dân nghèo “low income”, mấy mẹ con chúng tôi chỉ thuê được căn hộ trên lầu của một Apartment. Nên mỗi ngày đi học, mẹ tôi phải thức dậy từ rất sớm, dọn dẹp nhà cửa, lo điểm tâm cho cả nhà, lo nhắc nhở các em gái tôi đừng để lỡ chuyến xe Bus, phải đi học cho đúng giờ ,v.v…
Khi các em gái tôi đã ra khỏi nhà đi học, lúc đó bà mới đem cặp sách của tôi và mẹ xuống dưới lầu, cất bỏ vào trong xe trước, rồi đi trở lại nhà trên lầu, bồng tôi trên hai tay đi ra cửa và đưa chân đá cho cánh cửa đóng khóa lại, rồi khệ nệ bồng tôi xuống thang lầu, đặt tôi vào xe, kéo dây an toàn gài móc vào cẩn thận cho tôi, rồi bà mới ngồi vào ghế tài xế.
Từ nhà tôi, mẹ lái xe chạy khoảng 20 phút thì đến trường. Đậu xe vào parking của trường xong xuôi, bà ra sau xe mở “cốp” xe lên, lôi chiếc xe lăn ra ráp lại cho ngay ngắn, vững chắc, rồi mới mở cửa xe, nghiêng người vào bồng tôi ra, đặt ngồi trên xe lăn và đẩy tôi đến lớp học của tôi, tìm chỗ để xe của tôi vào đâu cho thuận tiện nhất, rồi mẹ mới đi đến lớp của bà.
Trong lớp học, vì hai tay tôi yếu, rất khó khăn “take note”, nên nhà trường trả tiền “work study” cho một sinh viên, giúp tôi ghi chép vào “note book” những lời thầy giảng dậy hay dặn dò làm “home work” ở trang nào, sách nào, và hết buổi học thì đẩy tôi đến lớp kế tiếp hay lên phòng Lab …
Khi tan học, mẹ lại vội vôi vàng vàng chạy đến đón tôi ở phòng Lab hay ở lớp học cuối cùng nào đó. Lại đẩy xe lăn tôi ra Parking, bồng tôi vào xe, cài dây an toàn, đem cất xe lăn vào “cốp” xe và lái về nhà. Về đến nhà, tôi vẫn ngồi trên xe, chờ mẹ tôi đem cặp sách của hai mẹ con lên nhà trước, sau đó mẹ mở sẵn cửa phòng, rồi mới trở xuống xe, ì ạch bồng tôi bước 18 bậc thang lên tầng lầu. Vào trong nhà, đặt tôi lên giường xong, mẹ thường phải thay tã cho tôi ngay. Sau đó hỏi tôi có muốn ăn hay uống gì không để mẹ lấy.
Lo cho tôi tạm xong, mẹ bắt đầu làm việc nhà, làm đủ thứ việc không tên, rồi lại đi học thêm một, hai lớp nữa, còn tôi ở nhà lo làm “home work” và chờ mẹ về lo bữa ăn tối cho cho cả nhà.
Mùa Đông nước Mỹ có nhiều ngày mưa phùn gío rét, tôi muốn nghỉ học ở nhà lắm, nhưng mẹ tôi vẫn cương quyết không bỏ lớp nào, nhất định chịu ướt, chịu lạnh bồng bế tôi lên, xuống thang lầu và đi học rất đúng giờ. Nhằm mùa học không có lớp ban ngày, trùng giờ cho cả hai mẹ con, chúng tôi phải chọn lớp đêm để học. Mùa Đông trời mau tối và ban đêm rất lạnh, có khi mẹ bồng tôi đặt được vào xe rồi, là cả hai mẹ con ngồi run cầm cập, thế mà xe lại phải mở máy lạnh cho kiếng trong xe hết mờ, sáng trong trở lại mới thấy đường mà lái xe về nhà, những lúc ấy mẹ luôn xuýt xoa nói:
-Tội nghiệp con quá, con ráng chịu lạnh một tí mẹ mở lại heat là ấm ngay nhé !
Đâu phải một mình tôi lạnh, mẹ cũng lạnh vậy, nhưng mẹ không lo cho mẹ mà chỉ nghĩ đến con. Mẹ con tôi chịu đựng vất vả như thế trên con đường trau giồi kiến thức. Và mẹ đã tốt nghiệp “Medical Assisstant” hồi tháng 5 năm 1997. Tôi rất hãnh diện về mẹ.


Tác giả ngày ra trường trên xe lăn
Và tôi cũng tự hãnh diện về mình, khi được nhận mảnh bằng AS “Associate of Art”
ngành “Computer Information Science” vào tháng 6 năm 2000. Mảnh bằng này rất
khiêm tốn, nhỏ bé, nhưng tôi có được nhờ vào tất cả công lao khó nhọc của mẹ. Mẹ đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt cho con niềm tin, niềm tự hào còn có mẹ nâng đỡ ủi an. Ngoài mảnh bằng tôi có được sau 6 năm, (trong khi người bình thường chỉ cần 2 năm) tôi còn học được thêm bài học “vượt gian khó” quý gía, và biết ý thức cần phải học vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Cầm được mảnh bằng AA nhỏ bé trong tay, tôi tự tin và mơ ước đến ngày sẽ cầm được mảnh bằng lớn hơn là BA hoặc BS (4 năm Đại Học) thì căn bệnh “ Muscula Dystrophy” trầm trọng hơn, theo thời gian đã làm teo hết các cơ bắp vùng ngực và lưng, ép phổi tôi teo lại, khiến tôi ngộp và khó thở, nguy hiểm đến tính mạng.
Tôi được đưa ngay vào bệnh viện “SHARP”, bác sĩ trách nhiệm đã khuyên tôi phải chọn một trong hai giải pháp:
1. Không cần sự can thiệp của khoa học, chấp nhận sự rủi ro sẽ đến. Có nghĩa là tôi sẽ chết ngộp bất cứ lúc nào.
2. Phải phẫu thuật, mở một lỗ nơi cổ, đặt ống gắn máy trợ giúp cho sự hô hấp. Như vậy mối nguy hiểm sẽ bớt đe dọa tính mạng và sự sống của tôi sẽ được dài thêm.
Thương mẹ, tôi đã chấp nhận giải pháp thứ hai.
Trước khi mổ, mẹ và tôi đã phải ký giấy chấp nhận mọi tình huống có thể xảy đến với tôi, kể cả tôi sẽ “ngủ” luôn trong ca mổ, không bao giờ thức dậy nữa. Mười giờ sáng ngày ấn định mổ, mẹ đẩy xe lăn đưa tôi đến nhập viện. Mẹ đã cầm hai bàn tay khẳng khiu của tôi, ôm hôn trán tôi trước khi hai bà y tá đẩy tôi vào phòng mổ, còn mẹ được hướng dẫn xuống lầu, đến phòng chờ đợi chờ kết quả ca mổ kết thúc (tốt đẹp hay xấu). Tại phòng chờ đợi, vì lo cho tính mạng của con, mẹ đứng ngồi không yên, đi ra đi vào bồn chồn đếm thời gian từng phút chậm chạm trôi qua như người ngớ ngẩn.
Trong năm tiếng đồng hồ chờ đợi, mẹ tôi không ăn uống gì cả, bà chỉ biết cầu nguyện rồi phó thác và xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Rồi cũng tới lúc nghe cô y tá dùng máy phóng thanh gọi mẹ tôi lên lầu. Lên lầu vừa trông thấy tôi, nét mặt mẹ liền rạng rỡ, vì mẹ biết là tôi vẫn còn sống, còn ở lại trần gian với bà, mẹ chưa vĩnh viễn mất con đứa con bất hạnh.
Mắt mẹ rưng rưng lệ nhìn vào cổ tôi, sau khi giảu phẩu đã được đặt vào một ống plastic tròn, to bằng 3 ngón tay chụm lại, trong khi tay mẹ vuốt tóc tôi như chia xẻ, như muốn gánh vác bớt cho tôi những đau đớn mà tôi đang chịu. Hiểu lòng mẹ bao la, tôi cố nén mọi đau đớn, ráng gượng nở nụ cười với mẹ cho mẹ an lòng. Nhưng nụ cười đầu tiên của con dành cho mẹ, sau khi hồi sinh vẫn còn ảnh hưởng thuốc mê, nên không trọn vẹn, không đủ xóa hết những lo âu, sợ hãi của mẹ. Tuy vậy, bao nhiêu mệt mỏi của mẹ như đã tan biến, khi cuộc đời mẹ tưởng đã cạn kiệt hy vọng, lại đong đầy niềm vui và ý nghĩa cuộc sống, khi núm ruột của mẹ vẫn còn đây. Mẹ lại được tiếp tục yêu thương, ấp ủ con trong vòng tay ấm áp,
ngọt ngào tình mẫu tử. Tôi không thể ôm mẹ được, tủi thân nên nước mắt tôi trào ra, không kìm chế được nữa, dù tôi đã tự hứa không bao giờ để mẹ thấy con khóc mà đau lòng. Mẹ ơi, thế là cuộc đời con từ đây phải sống nhờ vào máy móc, và mẹ phải thêm công việc chăm sóc sệ sinh, thay ống, rửa những linh kiện nối từ máy thở vào ống thở đặt nơi cổ họng chuyền qua vòm họng, thay thế cho buồng phổi của con, giúp con duy trì sự sống.
Phần tôi, rất đau đớn vì một vật lạ, luôn nằm nơi cổ họng, nối vào khí quản. Mỗi cử động dù nhỏ đều làm tôi đau đớn khôn cùng và luôn phải nhờ mẹ giúp đỡ. Thân xác tôi như nằm trên bàn chông chịu cực hình. Tôi quá tuyệt vọng vì nỗi đau thể xác, nên tinh thần bấn loạn. Lần này, tôi thực sự không muốn sống nữa, tôi muốn từ gĩa cõi đời, muốn được giải thoát khỏi cực hình. Dù sao tôi cũng đã có 34 năm sống trong vòng tay êm đềm của mẹ, thế là đã quá đủ rồi xin hãy cho tôi trở về với cát bụi. Tôi bày tỏ cùng mẹ ý định này của tôi.
Nghe vậy, bà vội vàng ôm chầm lấy tôi, nức nở, nghẹn ngào qua làn nước mắt:
-Con bỏ mẹ đi, mẹ biết sống cùng ai, sống cho ai nữa đây! Con đi rồi còn ai để mẹ nâng giấc ủi an! Ai sẽ cho mẹ những giây phút dịu dàng hạnh phúc và hy vọng dù rất hiếm hoi, để cùng nhau đi hết đoạn đường đời cay nghiệt! Triệu ơi! mất con rồi đời mẹ thành vô nghĩa. Lạc lối về mẹ mất cả ánh sao đêm trông mong hy vọng. Con đừng bỏ mẹ bơ vơ trơ trọi giữa đường đời, vốn đã nghiệt ngã với mẹ con ta. Triệu ơi, hãy vì mẹ con can đảm lên mà sống! Mẹ ẵm bồng con, con an ủi mẹ chúng ta đỡ nâng nhau. Con ơi, đừng bỏ mẹ …
Lời mẹ than vãn làm tim tôi đau nhói, thắt ngặt lại và tôi cũng nức nở như chưa bao giờ được khóc trong đời. Tôi phải sống! Cho dù tôi tàn tật; cho dù tôi đau yếu mang bệnh nan y, nhưng sự hiện hữu của tôi mới làm cho nụ cười còn đọng mãi trên đôi môi mẹ.
Mẹ ở bên con ngày ra trường
Sự sống là cao quí. Cuộc đời dù là bất hạnh, cùng khổ đến đâu cũng đều có ý nghĩa sống, sống vị tha và rất cần đức hy sinh cùng lòng hiếu thảo. Mẹ ơi! Hai hàng lệ của mẹ hoà với nước mắt con, tự làm thành tờ giao ước của hai mẹ con ta, phải đồng lòng gắn bó đời nhau cho đến “khi Chúa thương gọi về”. Thân xác dù tàn tật cũng không được tự ý hủy bỏ.
Tôi phải sống vì mẹ như mẹ đã từng sống vì tôi! Tôi hiểu lòng mẹ tan nát mỗi lúc nhìn tôi và lòng tôi cũng nát tan khi thấy mẹ nước mắt mãi lưng tròng!
Có phải tại vì mẹ đẹp người, đẹp nết nên phải chịu cảnh hồng nhan là đa truân?
Có thật định mệnh đố kỵ muốn làm chết đuối “người trên cạn mà chơi”?
Ôi, định mệnh! Định mệnh sao quá trớ trêu! Định mệnh đã dành riêng cho mẹ những bất hạnh truân chuyên. Từ tuổi 30, mẹ đã phải một thân một mình nuôi dạy bốn đứa con thơ dại, vất vả nhất là chăm sóc đứa con tật nguyền, chăm sóc bà nội nay ốm mai đau, thay cha báo hiếu, lo mộ phần an nghỉ cho bà nội, lo kiếm thêm tiền thăm nuôi, tiếp tế lương thực, thuốc men cho cha trong suốt 10 năm tù cải tạo từ Bắc vào Nam. Mẹ quá vất vả, tảo tần, dãi nắng dầm mưa, bất chấp mọi gian nan, khốn khó, hiểm nguy luôn đe dọa đến tính mạng, vì mẹ phải buôn chui, bán chợ đen, chợ đỏ dưới mắt cú vọ của công an nhân dân, mẹ mới đem lại sự ấm no cho gia đình 6 người, trong hoàn cảnh cả nước ăn bo bo, mì sợi, ngô, khoai thay
cơm gạo, sau ngày miền Nam được “giải phóng”, cha được “đi học” mút mùa.
Ôi! Mẹ hiền của tôi, một người mẹ vất cả đời mà không hề than vãn, mẹ âm thầm tận tụy, cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho gia đình. Qua mẹ, tôi nhớ đến câu danh ngôn: “Thượng đế không thể ở khắp mọi nơi, nên Ngài phải sinh ra những người mẹ”. Và tôi liên tưởng đến Đức Mẹ Maria đã phải chứng kiến những nhục hình tra tấn của quân dữ trước giờ Jesus, con một của Người bị đóng đinh trên thập giá. Còn mẹ tôi, cũng khổ đau không kém gì Mẹ Maria vì mẹ suốt đời phải xót xa nhìn đứa con trai đầu lòng duy nhất của mình, hằng ngày phải chịu khổ hình trong bệnh tật.
Thật không giấy bút nào tả xiết và tôi cũng không đủ khả năng để nói lên được lòng can đảm và sự chịu thương chịu khó, sự kiên trì cùng trái tim đầy ắp yêu thương, nhân hậu của mẹ tôi. Tôi chỉ biết yêu mẹ bằng luỹ thừa tình yêu mẹ mỗi ngày và sống, dù là sống nhờ mẹ và máy móc dây nhợ quanh người.
Có lần tôi những tưởng đã mất mẹ vĩnh viễn, khi bà bị một tai nạn xe hơi rất nặng giữa xa lộ 163, bà bị gãy chân và bể đầu bất tỉnh. Tưởng mẹ tôi đã chết trong xe, người gây ra thảm trạng cho mẹ tôi đã bỏ chạy trốn mất. Ấy thế mà, sau bảy tiếng đồng hồ phẩu thuật, vừa hồi tỉnh, điều mẹ tôi quan tâm đầu tiên là hỏi:
-Triệu đâu? Con tôi vẫn bình yên chứ?
Sau tai nạn đó mẹ tôi lại mang thêm trong chân những chiếc đinh vít inox, mà những lúc trái gió trở trời thường làm mẹ tôi nhức nhối khổ sở lắm. Những lúc ấy, tôi thương mẹ biết chừng nào.
Mẹ Hoàng Minh Đức ơi, chúng con yêu thương và kính trọng mẹ vô ngần, vì trong  bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ cũng luôn dậy bảo, nhắc nhở anh em chúng con phải biết vâng lời, sống ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, luôn thật thà, khiêm cung, không hiềm tỵ ganh ghét bất cứ ai. Nhờ có mẹ răn dậy cẩn thận như thế nên anh em chúng con, chưa hề biết gian dối hay ganh ghét ai bao giờ.
Mẹ chính thật có trái tim vĩ đại dành của chúng con (và cha nữa). Nhưng cha đã từ chối nhận, đã rũ bỏ mẹ và 4 anh em chúng con ngay sau khi đến được nước Mỹ, trong khi mẹ luôn nghĩ sẽ cùng cha sống đến già, yêu đến già …
Thử hỏi có người nào không âu sầu, khi biết đứa con trai duy nhất, bị mắc căn bệnh nan y, không thể nối dõi tông đường. Mẹ cũng vậy, mẹ rất đau buồn và còn phải nhận thêm cay đắng khi “thuyền tình đã neo bến mới”. Dù đau buồn cay đắng, mẹ vẫn không hề biểu lộ sự giận dữ vì lòng mẹ rất nhân hậu, bao dung. Mẹ đã nói:
– Cha khổ nhiều vì CS rồi, đừng ép buộc cha thêm khổ sinh ra uất ức, la hét,  chưởi rủa khi phải ở lại với chúng ta. Hãy để cha quyết định theo cách tốt nhất mà cha chọn. Nếu từ bỏ mẹ con mình mà cha hạnh phúc, thì hãy chấp nhận.
Tôi biết, mẹ nói vậy là để trấn an anh em chúng tôi và để che dấu cõi lòng tan nát, an phận chấp nhận quyết định của cha. Cách đây không lâu, mẹ nhờ cô bạn mở cho một địa chỉ e-mail, khi được hỏi mẹ chọn “password” là những chữ gì, mẹ đã nói ngay câu “đả đảo ông chồng” rồi mẹ và cô bạn cùng cười vang. Tôi cũng chua xót cười theo và thương mẹ hiền lành chỉ biết hô “đả đảo” khi cha tuyệt tình!
Cha ơi, hai mươi năm đã trôi qua, cha sống có hạnh phúc không, cha có toại nguyện với các em trai khôi ngô, khỏe mạnh “nối dõi tông đường”, cha có cõng các em trên lưng cha, như mẹ đã cõng con nhiều năm tháng trên lưng mẹ. Lưng mẹ êm đềm và ấm áp lắm, không biết lưng cha thế nào, con chưa một lần được cha cõng trên lưng, được vòng tay ôm cổ cha âu yếm, đấy là điều con mãi nuối tiếc. Và bây giờ thì con không còn có thể vòng tay ôm cổ cha được nữa, nếu như cha có về và muốn cõng con, khi hai cánh tay con thịt đã teo biến hết, chỉ còn da bọc lấy xương, lõng thõng và vướng víu khi mẹ tắm rửa, thay quần áo cho con. Khi con xử dụng computer, mẹ phải nhấc cánh tay khẳng khiu của con đặt lên bàn, cầm
mấy ngón tay con đặt trên con chuột (mouse) kéo từng ngón vào vị trí chính xác thuận tiện nhất, để con có thể bấm xử dụng được dễ dàng. Tuy vậy, chốc chốc con lại gọi mẹ ơi, mẹ hỡi để mẹ chạy đến giúp, vì đẩy tới đẩy lui, con “mouse” đã chuồi ra khỏi tay con rồi, mà con không thể tự nắm bắt nó lại được.
Cha ơi, con chợt nhớ đến cha mà viết những dòng chữ này, nếu cha có tình cờ đọc được, xin hiểu lòng con, đứa con trai tàn tật thân xác từ thuở ấu thơ, luôn khao khát tình cha. Bởi vì tình mẹ dù có bao la, cũng không thể phủ trùm thay thế tình cha cho con. Con đã có “Ánh Sao Tình Mẹ”, con cũng muốn có những nốt nhạc cho tình phụ tử, là thật lòng con đấy!
Và hơn tất cả con luôn cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, đã ban cho con đủ sức chịu đựng và “xin vâng” đón nhận mọi khổ đau và cho con còn sống đến hôm nay.
Con xin tri ân nước Mỹ. Vinh danh mẹ. Tạ ơn cha. Cám ơn các em gái Trinh – Trâm
– Bình và các cháu đã chăm ngoan, học giỏi thay anh, thay bác Triệu bù đắp, đóng góp tài sức cho gia đình, cho xã hội. Cám ơn các em rể thủy chung, mạnh mẽ, thẳng ngay như tùng như bách làm cột trụ vững chắc cho gia đình được tràn đầy hạnh phúc, luôn vang tiếng cười.
Con cũng nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho tất cả mọi người đã đối đãi tử tế với gia đình con, cách riêng là an ủi, giúp đỡ mẹ và con trong hoạn nạn. Đặc biệt cám ơn anh chị Cao Ngô An đã không quản ngại vất vả làm tài xế đưa mẹ đi chợ, giúp mẹ nấu nướng, đưa em đi khám bệnh, đi những nơi cần thiết, từ khi mẹ bị tai nạn xe hơi trên xa lộ, không lái xe được nữa.
Bài viết của Minh Triệu là một tự truyện chân thật và xúc động. Để có bài viết này, tác giả đã vất vả nhiều năm tháng, vì không thể ngồi lâu, và vì chỉ còn xử dụng được một ngón tay duy nhất để gõ phím và bấm mouse.

Ông cũng là nhạc sĩ nghiệp dư vinh danh tình mẹ bằng ca khúc “Ánh Sao Tình
Mẹ” Bài hát được đưa lên Youtube gần ba năm qua, hiện đã có hơn 32,000
lượt người coi.
Mời thưởng thức bài “Ánh Sao Tình Mẹ” qua các giọng hát Mai Thiên Vân
và Kim Tử Long.

Tình Mẹ –  Mai Thiên Vân (Minh Triệu)

httpv://www.youtube.com/watch?v=H4Ny-STr9X8&NR=1

Ánh Sao Tình Mẹ – Kim Tử Long

httpv://www.youtube.com/watch?v=UQSo8hSdNA0

Ánh Sao Tình Mẹ – Kim Tử Long – Tân Cổ Giao Duyên

httpv://www.youtube.com/watch?v=jvFMYDeLVQo

Em ơn anh nhiều lắm. San Diego 3/3/11.
nguồn: Chị Xuân Lang gởi

Các Thánh Tử đạo Việt Nam

Các Thánh Tử đạo Việt Nam

Ngày 24/11:

Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự ký ngày 14.2.1990: “Theo đơn xin của Đức Hồng y
Trịnh văn Căn, Tổng Giám mục Hà Nội, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đề
ngày 15.10.1989, và theo quyền hạn đã được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II uỷ
quyền, Bộ Phụng tự và Bí tích cho phép các giáo hữu tại Việt Nam mừng lễ “Thánh
Anrê Dũng Lạc và các bạn Tử đạo” hằng năm vào ngày 24.11 với bậc Lễ Kính”.

Theo sử liệu, Giáo hội Công giáo Việt Nam có khoảng 130.000 tín hữu được
diễm phúc đổ máu làm chứng cho đạo Chúa trong những thời kỳ bách hại như sau :

– Trịnh – Nguyễn 1745 và 1773: 2 vị

– Cảnh Thịnh năm 1798: 2 vị

– Minh Mạng năm 1820-1840: 50 vị

– Thiệu Trị 1841-1847: 3 vị

– Tự Đức 1848-1883: 58 vị

Trong số tử đạo 130 ngàn người, có 117 vị được phong chân phước trong 4
giai đoạn:

– Đức Lêô XIII phong ngày 27.5.1900: 64 vị

– Đức Piô X phong ngày 20.5.1906: 8 vị

– Đức Piô X phong ngày 2.5.1909: 20 vị

– Đức Piô XII phong ngày 29.4.1951: 25 vị

Trong số này gồm có:

– 8 Giám mục (6 thuộc Dòng Đa Minh, và 2 của Hội Thừa Sai Paris)

– 50 Linh mục (37 Việt Nam, 5 Đa minh, 8 Thừa sai Paris)

– 16 Thầy giảng

– 1 Chủng sinh

– 42 giáo dân thuộc mọi tầng lớp xã hội (công chức, quân nhân, y sĩ, thương
gia, công nhân, nông dân, ngư phủ, trùm họ, lý trưởng…)

Các ngài đã chịu những cực hình khác nhau:

– 79 vị bị xử trảm quyết (chặt đầu)

– 16 vị bị xử giảo (thắt cổ)

– 8 vị chết rũ tù

– 6 vị bị thiêu sinh (bị đốt cháy khi còn sống)

– 4 vị bị lăng trì (chặt tay chân trước khi bị chém đầu)

– 1 vị bị bá đao (lóc 100 miếng thịt trong thân thể)

– 1 vị bị đánh tử thương trong lúc đi đường.

Tất cả 117 vị chân phước này được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II phong lên
hàng hiển thánh ngày 19.6.1988 (Cơ mật viện công bố tin ngày 22.6.1987).

Và sau này, thầy giảng Anrê Phú Yên được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II
phong chân phước ngày 5.3.2000.

Mừng Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta xin các ngài cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta biết nghe theo tiếng Chúa và Hội thánh mời gọi, can đảm làm chứng cho Chúa giữa những thử thách đau thương.

Maria Thanh Mai gởi

KITÔ HỮU – TỬ VÌ ĐẠO

KITÔ HỮU – TỬ VÌ ĐẠO

Suy niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Ngày nay, những người đã được rửa tội để gia nhập Hội Thánh Công Giáo được gọi là “Kitô Hữu”, hoặc rõ nghĩa hơn là “Kitô Hữu Công Giáo”, thay cho từ vẫn thường gọi cách chung chung ngày xưa (mà bây giờ vẫn còn dùng đây đó): “người có đạo”.

Vâng, tôi còn nhớ câu giáo lý đã học thời tuổi nhỏ của tôi: “Chỉ có một đạo chánh, đạo thật, ấy là đạo thánh Đức Chúa Trời” (sách Giáo Lý cũ, Địa Phận Qui Nhơn).

Thiết nghĩ, việc thay đổi danh xưng này muốn thiết lập một ý nghĩa chính xác hơn trong cuộc đời người đã được rửa tội trong Hôi Thánh Công Giáo: Theo Chúa Kitô, có Chúa Kitô  và sống như Chúa Kitô đã sống.

Đã có nhiều  “Kitô Hữu”, cụ thể như Cha Ông chúng ta, với đức tin đơn sơ, học thức ít ỏi,
không phải là nhà thần học hay giảng thuyết, chưa thấu đạt ý nghĩa mà Giáo Hội
muốn thiết lập qua việc thay đổi danh xưng, chưa thấu đạt ý nghĩa theo Giáo Lý
Công Giáo, nhưng nhờ ơn Chúa, nhờ Lời Chúa tác động, họ có kinh nghiệm đơn sơ
thánh thiện khi đi qua gần hết một đời Kitô Hữu trên trần gian này rằng “theo
đạo công giáo là phải tử vì đạo”, “tử vì đạo mọi lúc mọi nơi” hoặc “tử vì đạo
âm thầm lặng lẽ trong đời sống hằng ngày”….

Và quả thật như vậy, một ngày sống của một Kitô Hữu Công Giáo là một ngày tử vì đạo.

-Đơn giản nhất như việc ưu tiên “nhớ đến Chúa ngay khi  vừa thức giấc và dâng ngày cho Chúa” cũng đã đòi hỏi nơi mỗi người phải chiến đấu và chiến thắng những quyến rủ “nhớ ngay việc phải làm hôm nay”, hoặc những quan tâm trần thế khác.

-Việc sống Lời và giữ lề luật Chúa dạy, một cách tích cực là vì yêu mến Chúa, yêu cầu mỗi tín hữu phải từ bỏ biết bao ý riêng mình, để đẹp ý Chúa, từ bỏ biết bao cơ hội làm giàu bất chính, biết bao cơ hội thoải mái cuộc đời này.

-Trong cuộc sống gia đình, làng xóm, giáo xứ, đôi khi những người bắt đạo, những người bắt mình phải bước qua thập giá, những tên lý hình thời đại, không ai khác lại là chồng là vợ là người thân, là láng giềng, đôi khi lại là người đáng kính trọng trong giáo xứ, giáo hội đáng ra phải nêu gương đời sống đạo đức, phải dắt dẫn mình sống thánh thiện hơn.

Không thể không tử vì đạo trong đời sống các Kitô Hữu, bởi vì, chính chúng ta đã chấp nhận mặc lấy Chúa Kitô để cùng Ngài chết đi cho con người cũ, và sống con người mới. Con người mới là người đang tập sống giữa những cái chết, tập sống nhờ sự chết.

Như vậy, là Kitô Hữu, nơi nào, lúc nào cũng có thể thấy Máu Chúa Kitô đang đổ ra cho chính mình và cho mọi người. Và cùng với Chúa Kitô, chúng ta cũng đang

-chết dần những danh dự vinh quang của mình để chỉ một mình Thiên Chúa được vinh danh

-chết dần những khát khao để chỉ còn một khát khao duy nhất là khát khao Thiên Chúa.

-chết dần những đam mê khoái lạc trần gian chóng qua để chỉ còn một niềm vui thánh thiện và vĩnh cửu là niềm vui giữ luật Chúa hôm nay và trong lòng Thiên Chúa mai sau.

Là Kitô Hữu Công Giáo Việt Nam, nơi nào, lúc nào chúng ta cũng có thể thấy Máu Các Thánh Tử Đạo đang nhuộm khắp dọc dài đất nước, không chỉ những Đồng Mơ, Trí Bưu, Định Tường….mà là khắp cả đất nước. Vì nơi nào có Kitô Hữu Công Giáo, ấy là nơi có  những giọt máu các Thánh Tử Đạo Việt Nam đươm bông kết trái. Và hoa trái của Đức Tin Anh Hùng ấy, không cho phép chúng ta chỉ ngợi ca, chỉ tri ân, chỉ tổ chức lễ hội hoành tráng, mà còn phải thực sống tinh thần Tử Vì Đạo cách anh dũng như Chúa Giêsu Kitô, như các thánh Tử Đạo Việt Nam.

Thiết tưởng, còn Đạo Công Giáo, còn Kitô Hữu, là không bao giờ hết cảnh bắt bớ, tù đày, tra tấn, ngược đãi, đàn áp đến mức dã man…. là mãi còn tử vì đạo. Nhất là, trong một xã hội mà chính quyền là những người không những “không tin” vào Thiên Chúa mà còn cả gan “hạ bệ” uy tín của Thiên Chúa trong lòng con dân mình, mà cả gan chống lại Thiên Chúa, để con dân mình phải chỉ tin vào một quyền bính thế gian tàn bạo mà yếu đuối, tưởng bền vững mà mong manh.

Tôi không nghĩ là họ ngu muội hay không biết việc họ làm. Tôi hiểu là họ cũng tin có Ông Trời, có Đấng Trên Đầu Trên Cổ, có thể họ cũng biết họ cũng là con cái của Thiên Chúa nhưng vì Satan đã giáo dục họ ‘không chấp nhận sống cuộc sống của Đức Kitô là chết để sống’, không chấp nhận cuộc sống mất hưởng thụ ở trần gian này, nên họ đã khước từ Cha mình là Thiên Chúa và tìm cách tấn công vào Thiên Chúa. Họ đang giơ chân đạp mũi nhọn. Họ cũng đang giơ chân đạp vào những Kitô hữu trên khắp cả nước, không kể thành phần
nào, bằng đủ mọi thủ đoạn của Satan.

Là tín hữu của Chúa Kitô, chúng ta tin vững chắc vào chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô. Là Kitô Hữu Công Giáo Việt Nam, chúng ta tin vững chắc vào chiến thắng của các Thánh Tử Đạo.

Chúa Kitô và các Thánh Tử Đạo đang là mẫu gương, là niềm hy vọng, là niềm vui lớn lao cho mọi người chúng ta tử đạo hằng ngày trong cuộc sống tín hữu, và làm chứng cho Thiên Chúa trong bất kỳ cuộc tàn sát dã man nào rằng: Kitô hữu là Tử Vì Đạo.

Xin mời bạn cùng tôi dừng lại một phút hướng về những nơi và những anh chị em đang bị bức bách.

Lạy Chúa,  vì công nghiệp Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã Tử Vì “Đạo Yêu Con Người Tội Lỗi”, và nhờ lời nguyện giúp cầu thay của các Thánh Tử Đạo Việt Nam Thân Yêu,  chúng con nguyện xin Chúa ban thêm sức mạnh và niềm vui hy sinh cho các Kitô hữu kiên cường bảo vệ Đức Tin và Công Lý.

Amen

PM. Cao Huy Hoàng

11-11-2011

 

Thánh Giáo Hoàng Clement I

Thánh Giáo Hoàng Clement I

(c. 101)

23 Tháng Mười Một

Ðức Clement của giáo phận Rôma là người thứ ba kế vị Thánh Phêrô, và cai quản Giáo Hội trong thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ nhất. Lịch sử cho chúng ta biết ngài tử đạo
năm 101. Tuy nhiên, chi tiết về sự tử đạo của ngài đều là truyền thuyết, được
góp nhặt trong khoảng thế kỷ thứ tư hay thứ năm. Có lẽ Ðền Thánh Clement ở
Rôma, là một trong những giáo đường đầu tiên ở thành phố này, được xây trên khu
đất xưa là nơi cư ngụ của Thánh Clement. Thư đầu tiên của Thánh Clement gửi cho
giáo đoàn Côrintô được giữ gìn cẩn thận, và bức thư này được phổ biến rộng rãi
trong thời tiên khởi. Ðó là lá thư của Giáo Hội Rôma, tác giả là Ðức Clement,
gửi cho Giáo Hội ở Côrintô về sự chia rẽ đã làm tách biệt giáo dân với giáo sĩ.
Ðức Clement phàn nàn về sự chia rẽ trái phép và vô lý ấy trong Giáo Hội
Côrintô, và ngài khuyên hãy đoàn kết lại. Ngài coi lý do của sự tranh chấp ấy
là vì “đố kỵ và ganh ghét.”

Lời Bàn

Ðức Clement đã chủ  trương dùng đức ái để hàn gắn chia cắt trong Giáo Hội Côrintô, vì “nếu không có đức ái, không có gì làm hài lòng Thiên Chúa.” Sau Công Ðồng
Vatican II, toàn thể Giáo Hội cảm nhận được sự tách biệt giữa mới và cũ. Cầu
mong sao mọi Kitô Hữu ngày nay hãy nhớ đến sự cổ vũ của Thánh Clement mà thể
hiện lời Thánh Phao-lô: “Và trên tất cả những điều ấy hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện” (Colossê 3:14).

Lời Trích

“Ðức ái kết hợp chúng ta với Thiên Chúa& Trong đức ái không có gì là xấu hổ, không có gì là ngạo mạn. Ðức ái không đi với ly giáo, không nổi loạn, nhưng hài hòa mọi sự. Trong đức ái, những người được Thiên Chúa tuyển chọn sẽ trở nên tuyệt hảo” (Thư Thứ Nhất Gửi Giáo Ðoàn Corinto).

Maria Thanh Mai gởi

 

 

LỜI CẦU NGUYỆN TẠ ƠN

LỜI CẦU NGUYỆN TẠ ƠN

Lạy Chúa Giêsu, Chúa thường dâng lời tạ ơn với Đức Chúa Cha trước khi làm việc gì:  khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 15:36), trong bữa tiệc ly (Mt 26:27), cho La-da-rô sống lại từ cõi chết (Ga 11:41)…  Nhân Mùa Tạ Ơn đến, con cũng muốn bắt chước Chúa để bập bẹ những lời tạ ơn, những lời tạ ơn khó nói nhất của kiếp nhân sinh!  Có những lời
tạ ơn thật dễ để nói với nhau và với Chúa.  Nhưng cũng có những lời tạ ơn không thể thốt thành lời nếu không có ơn Chúa.  Phải đợi khi linh hồn con được nuôi dưỡng bằng bao nhiêu ân sủng từ trời cao, đợi khi con đi gần đến hoàng hôn của đời người, thì con mới đủ can đảm nói lên những lời tạ ơn muộn màng này.  Tạ ơn ai?  Tạ ơn hay hờn giận?  Cám ơn hay trách móc?  Tạ ơn Chúa trong nghịch cảnh cuộc đời và những người một thời đã làm
con đau khổ.  Khó quá Chúa ơi!  Đôi khi lời được thốt ra trong dòng nước mắt không biết của hờn giận hay của tha thứ.  Đôi khi lời được bập bẹ ở đầu môi, những nghẹn ngào tức tưởi ngăn cho lời không tròn chữ.  Đôi khi lời được bật lên qua con tim rướm máu của vết thương năm xưa chưa lành hẳn.  Dù thật khó để nói, dù ê a tập tành từng chữ như trẻ nhỏ học nói, nhưng Chúa ơi, con sẽ cố gắng để nói…

Cám ơn những người bạn đã phản bội tôi năm nào.  Đau khi bị phản bội!  Nhưng Người đã dạy cho tôi hiểu bài học về tình bạn chân thật là “tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13)

Cám ơn người yêu đã phụ tình tôi năm xưa.  Hận khi bị phụ rẫy!  Nhưng Người đã dạy tôi biết trân quý tình yêu của Người đã dám “yêu thương đến cùng!” (Ga 13:1)

Cám ơn kẻ thù, những người đã bắn gục tôi trên chiến trường năm nào, đã đẩy tôi lao đao khốn khó trong chốn lao tù năm xưa.  Người đã vô tình tạo cơ hội cho gia đình tôi giờ đây được bình an định cư nơi thiên đường của trần thế, đã cho tôi cơ hội để sống câu: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5:44)

Cám ơn những đứa con hoang đã làm cõi lòng mẹ cha tan nát.  Thất vọng, buồn tủi ngập tràn con ơi!  Nhưng con đã cho cha mẹ cơ hội để nên thánh.

Cám ơn những bậc cha mẹ bất hảo đã không yêu thương và dạy dỗ con cái mình như bổn phận đáng phải làm.  Cay đắng khi bị hất hủi mẹ cha ơi!  Nhưng Người đã làm cho trái tim con luôn khát khao tìm kiếm tình yêu nơi Thiên Chúa Tình Yêu.

Cám ơn những vấp ngã của tuổi thanh xuân. Ngươi đã làm cho ta biết khiêm nhường hơn.

Cám ơn những tội lỗi mà phận người yếu đuối vấp đi phạm lại nhiều lần trong đời.  Ngươi đã cho ta cơ hội cảm nếm lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa.  Ôi, tội hồng phúc!

Cám ơn những quyết định sai lầm thưở nào đưa đến hoàn cảnh ngang trái hôm nay. Ngươi đã dạy ta biết phấn đấu vươn lên trong nghịch cảnh cuộc đời.

Cám ơn hai chữ “kiếp nghèo” gắn liền với số phận hẩm hiu.  Đôi lúc ta ghét ngươi nhưng ngươi đã làm cho ta dễ dàng tiến vào Nước Trời hơn.  “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3)

Cám ơn những lần thất nghiệp cay đắng, những lần phá sản, bị lừa gạt, mất nhà, thua stock trắng tay.  Ngươi đã dạy cho ta hiểu nghĩa của cải phù du ở đời này.  “Phù vân, quả là phù vân.  Phù vân, quả là phù vân.  Tất cả chỉ là phù vân!” (Gv 1:2).

Cám ơn những lần thất bại ê chề nhục nhã. Biết bao bài học ta đã học được từ nơi ngươi.

Cám ơn căn bịnh hiểm nghèo mà ta đang mang.  Nhờ ngươi mà linh hồn ta thức tỉnh phận người mỏng dòn chóng qua.  Ngươi đã giúp ta biết yêu quý những giây phút ít ỏi còn sót lại trên cõi đời tạm này.

Tạ ơn Chúa vì những gì Ngài đã lấy đi!

Tạ ơn Chúa vì những trái đắng Ngài đã trao ban, dù con không muốn nhận.

Tạ ơn Chúa vì số vốn quá ít ỏi Ngài cho con khi gởi con đến trong cuộc đời này!  Vì “ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều.” (Lc 12:48)

Tạ ơn Chúa vì những lần Ngài đã thẳng tay thanh tẩy, gọt dũa linh hồn con mặc cho con dẫy dụa đau đớn.

Tạ ơn Chúa vì tấm thân mệt mỏi bịnh hoạn, những lo toan vất vả trong cuộc sống khiến con không còn sức để bon chen hận thù ghen ghét.

Tạ ơn Chúa vì những lần Ngài đã cương quyết không cho con những cái mà con xin, những thứ con cần, những gì con đang mong đợi, vì chỉ có Ngài mới biết những gì là cần thiết cho linh hồn và ơn cứu rỗi của con

Tạ ơn Chúa vì những cái chết oan nghiệt, sự ra đi vội vàng của người thân khi tuổi đời còn quá trẻ.  Con biết Ngài muốn nhắc con nhớ rằng“đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm đuợc mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế!” (Tv 39:5).

Tạ ơn Chúa vì những bài học cay đắng mà Ngài đang dạy dỗ con.  Có những bài học con không hiểu hết ý nghĩa.  Có những lúc con muốn thét lên “tại sao là con?”, “tại sao lúc nào cũng lại là con?”.   Nhưng con biết rằng chỉ những ai được Người thương yêu thì Người mới  sửa phạt vì “Đức Chúa khiển trách kẻ người thương, như người cha xử với con yêu qúy.” (Cn 3:12)

Lạy Chúa, đường đời trước mắt còn giăng đầy chông gai, có bao nhiêu nghịch cảnh thì có bấy nhiêu “Lời Tạ Ơn Khó Nói”.  Có những cái con chưa nhìn ra hết, có những điều con chưa cảm nhận được và có những lời chưa thể thốt nên lúc này.  Xin ban cho con sức mạnh của Ngôi Lời Nhập Thể để con có thể tiếp tục cám ơn anh em mình – dù là kẻ thù – và dâng
lời tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh – dù là ngang trái.  Tạ ơn không chỉ trong ngày lễ Tạ Ơn mà là tạ ơn Chúa mọi ngày trong suốt cuộc đời con.  Amen!

Lang Thang Chìều Tím

Maria Thanh Mai gởi

Lạc vào chốn bồng lai của sắc tím hồng

Lạc vào chốn bồng lai của sắc tím hồng
Sự đa dạng sắc màu của thiên nhiên không chỉ tạo ra vẻ trẻ trung tươi mát của màu lục, vẻ hiền hòa thanh bình của màu xanh hay vẻ rực rỡ nồng nàn của màu đỏ. Sắc tím đậm chất thơ cũng khắc họa lên những bức tranh thiên nhiên đẹp như trên thiên đường hay trong truyện cổ tích.
Một màu tím ngát trải dài ở một khu vườn Nhật Bản, khung cảnh đẹp như trên thiên đường
Cực quang tím hồng – một trong những hiện tượng thiên nhiên đẹp nhất trên thế giới
Một khoảnh khắc hoàng hôn rực trong sắc tím
Một con đường đan kết bằng hoa tím, nơi tổ chức đám cưới lý tưởng cho những cặp tình nhân
Cánh đồng hoa tím trải dài đến tận chân trời
Sắc tím hồng nhạt của hoa sakura luôn được xem là nét đẹp tình tứ nhất vào mùa xuân
Với sắc tím hồng đậm, sakura vẫn khiến khung cảnh thơ mộng và diễm lệ như thế này
Một góc yên bình và vẫn đầy chất thơ
Chiếc cầu Moss Bridges tại Ireland khi trải lên tấm thảm tím hồng đẹp như chốn bồng lai
Một thác nước trong hang động ở Chattanooga,Tennessee
Thử tưởng tượng một ngày bạn được chèo thuyền thăm đảo Skye ở Scotland, bạn sẽ choáng ngợp trong sắc tím hùng vĩ này
Một góc nên thơ khác ở xứ sở Phù Tang
Con đường trải hoa tím hồng đi vào xứ sở thần tiên
Màu tím hoa Fuji ở Nhật Bản đẹp đến  mức làm xao lòng du khách
Màu tím nhẹ phủ lên trên ngôi nhà và  chiếc cầu tạo ra một khung cảnh chỉ có trong cổ tich
Anh chị Thụ & Mai  Và
Nguyễn Kim Chúc gởi

SỐNG NĂM ĐỨC TIN : TÍN THÁC

SỐNG NĂM ĐỨC TIN : TÍN THÁC

Lm. Giuse Trần Đình Long

Dòng Thánh Thể

Ngày 11/10/2012 toàn thể Giáo Hội bắt đầu cử hành và sống Năm Đức Tin theo lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI trong tự sắc Porta Fedei “Chúng ta mong ước Năm Đức Tin sẽ khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và với
một niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng. Năm này sẽ là một cơ hội thuận lợi để tăng cường việc cử hành Đức Tin trong phụng vụ, nhất là trong phép Thánh Thể, vốn là chóp đỉnh mà hoạt động của Giáo hội hướng tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào sức mạnh của Giáo hội. Đồng thời, chúng ta ước mong việc làm chứng bằng đời sống của các tín hữu sẽ tăng tiến trong sự khả tín. Tái khám phá nội dung Đức Tin được tuyên xưng, được cử hành, được thể hiện qua đời sống; cầu nguyện và suy tư về chính việc làm của lòng tin, đó là nhiệm vụ mỗi tín hữu phải thực hiện, nhất là trong Năm Đức Tin này.”

Một trong những điểm mà chúng ta có thể suy tư về chính việc làm của Đức Tin, đó là Sống Đức Tin trong niềm Tín Thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Khi đề cập đến việc tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đức Giêsu nói : “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này
mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6, 24).

Đức Giêsu lại nói tiếp : “Anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây ? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần
tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,31-33).

Một em bé cần một ổ bánh mì, nếu có 5000 đồng, nó sẽ có một ổ bánh mì thơm ngon dòn nóng một cách dễ dàng. Nhưng nếu nó đọc một kinh Kính Mừng mà trong tay không có 5000 đồng, chắc chắn nó không thể nào có được một ổ bánh mì như mơ ước. Điều này hiển
nhiên, vì một lời kinh không phải là cái máy chế biến ra bánh mì. Hơn nữa quyền năng của Thiên Chúa không phải để cho người ta thử thách, như ma quỷ đã thách thức Đức Giêsu trong hoang địa : “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” (Mt 4,3). Thế nhưng hôm nay vẫn còn có người nói, “nếu không có tiền thì lấy đâu ra bánh mì ?” Ở Liên Xô thời ông Stalin, cái trò lừa bịp ấu trĩ này người ta đã thường làm ở các lớp mẫu giáo để phủ nhận Thiên Chúa và đánh lừa trẻ em.

Sống Đức Tin trong niềm Tín Thác vào Chúa quan phòng ngày hôm nay vẫn gây nhiều thắc mắc cho một số đông người có đạo và cũng là đầu đề cho những người vô thần châm chích Hội Thánh. Họ cho rằng đây là những lời dạy tiêu cực đối với lao động. Thực sự Lời
Chúa ít khi nghe êm tai lắm. Kinh thánh nói “Lời sắc như gươm hai lưỡi, nó cắt vào tận hồn phách người ta”.

Trước khi suy niệm việc Sống Đức Tin trong niềm Tín Thác vào Chúa quan phòng hôm nay chúng ta cũng nên ghi nhận một sự việc sau đây. Khi Đức Giêsu nói “Thịt Ta là của ăn, Máu Ta là của uống”, thì người Do Thái la ó rồi bỏ đi không thèm nghe nữa. Nhưng khi nghe bài giáo huấn về niềm Tín Thác vào Chúa quan phòng này, thì người Do Thái không la ó gì cả. Họ yên lặng, nghĩa là họ đón nhận bởi vì dân Do Thái đã trải nghiệm cuộc sống bốn mươi năm chẳng làm ăn gì cả cứ lang bang trong sa mạc cát nóng mà Giavê Thiên Chúa nuôi họ, bụng không hề đói, áo xống không sờn rách, giầy dép đầy đủ, chân không hề bị phỏng suốt bốn mươi năm như thế.

Nhưng hôm nay chúng ta không sống bằng cảm nghiệm thực tiễn như người Do Thái, mà chúng ta sống bằng cảm nghiệm Đức Tin (ăn uống máu thịt Con Thiên Chúa). Tuy vững chắc hơn người Do Thái nhưng cũng làm một số người chao đảo. Vì hôm nay vấn đề gay gắt
nhất là lo lắng cho cuộc sống vẫn còn đó. Đành rằng, “Có làm thì có ăn. Tay làm hàm nhai, tay quai hàm trễ!” Câu này rất đúng thôi. Chỉ có kẻ trây lười biếng nhác mới nghĩ khác. Nhưng làm đến tối tăm mặt mũi, lo đến xanh mặt mà vẫn chưa đủ ăn, cái đó mới bi đát. Thế mà lời Đức Giêsu lại nói : “Thầy bảo cho anh em biết : đừng lo cho mạng sống : lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể : lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao ? Hãy xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không
thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm dù chỉ một gang không ?… Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc cho đẹp như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin ? “ (Mt 6,25-33).

Lời Chúa còn đó, nhưng sự thúc bách của đời sống thực tiễn cũng vẫn còn đó. Những kẻ tin hôm nay vẫn phải chiến đấu với những dằn vặt trong đời sống hàng ngày, gay gắt đến độ mà Kinh Thánh gọi là sự quằn quại rên xiết nơi mình “muôn loài thọ tạo cùng rên xiết và
quằn quại như sắp sinh nở “(Rm, 8.22t). Nếu kẻ tin mà không mở toang đời mình cho Đức Giêsu Kitô thì sẽ thấy vấn đề cơm ăn áo mặc, nhà ở nó khẩn trương đến độ Lời Chúa có thể bị vấp phạm ngay nơi chính bản thân mình.

Không chịu làm, cứ ở đó mà kinh kệ thì gây cớ vấp phạm cho người khác, bởi vì Thiên Chúa của chúng ta có nói “Ta là Thiên Chúa của kẻ sống”. Những kẻ sống thì làm việc, còn những
kẻ chết thì không làm việc. Kẻ chết là kẻ không tin vào Thiên Chúa mà tin vào  tiền bạc. Việc làm của những kẻ tin vào tiền bạc chẳng đáng giá gì trước mặt Chúa.

Sau khi phục sinh, Đức Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Hai và nói với Tôma “hãy ở
như người thành tín” (Ga 20, 27). Chúng ta là Kitô hữu, chúng ta là những kẻ thành tín nhờ lòng tin vào Đức Kitô. Về phần những người cuồng tín thì họ nói “Không làm lấy gì mà ăn ?” Họ tin vào sức lực, tin vào việc làm của mình, tin vào tiền bạc. Gọi là cuồng tín, bởi vì lòng tin của họ đến độ có những câu “với sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Hãy nhìn những biến cố ngay trước mặt chúng ta đang làm rung chuyển cả thế giới. Những dân tộc, những quốc gia trong bao nhiêu năm trời đã cuồng tín đến độ chỉ tin vào sức lao động vào sức mạnh của những bàn tay vàng, tay thép, ngày hôm nay những dân tộc ấy
đang rã rời, tơi tả vì có làm mà không có ăn, vì kinh tế sụp đổ, nói rõ ra rằng, vì đói ăn thiếu mặc. Cũng vậy khi một cộng đoàn không tin vào Thiên Chúa, mà chỉ tin vào tiền của, vào quyền lực trần gian thì hậu quả là phân hoá rã rời, rồi hết muốn nhìn nhau nữa.

Kitô hữu là những người có một đức tin lành mạnh, mỗi ngày được trưởng thành nhờ sự canh tân đổi mới của Thánh Thần. Vậy chúng ta không thể là những người cuồng tín được. Chúng ta thành tín, vì chúng ta một lòng một dạ tin vào Đức Giêsu. Như Đức Giêsu đã
một lòng một dạ tin vào Cha, tín thác vào Cha, nên Người đã phục sinh. Hôm nay
Đức Chúa Phục Sinh đang cầm vận mệnh các dân các nước và vận mệnh của từng người. Giêsu Kitô là Chúa, một Đức Chúa đã từng chịu dãi dầu như chúng ta, vì thế Ngài là Đức Chúa biết xót thương. Trước Philatô, đại diện quyền lực thế gian, Ngài nói : “Ta là vua!” Nhưng trước nỗi thống khổ của đoàn dân chúng bơ phờ đông đảo, Ngài nói : “Ta là đấng chăn chiên tốt lành”. Đức Chúa nhân hậu ấy không chỉ biết rõ những nỗi cơ hàn của chúng ta về cơm ăn áo mặc nhà ở bệnh tật, mà còn xót xa cả nỗi khốn cùng của chúng ta, vì thấy chúng ta thiếu vắng Thiên Chúa trong cuộc đời của mình, mà vì thiếu vinh quang Thiên Chúa nên các nỗi cơ hàn về thân xác kia lại càng làm cho chúng ta lo âu, sợ hãi xao xuyến
gấp bội.

Đức Chúa ấy nói : hãy xem chim trời, có con nào chết đói đâu. Hãy ngắm nhìn hoa huệ, có bông nào meo mốc đâu ! Chúng đáng là gì mà Cha anh em còn nuôi ăn mặc đẹp cho như thế ? Đừng có lo, đừng có hốt hoảng ! Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, ai trong anh em chỉ lo mà có thể làm cho đời mình dài thêm ra một gang nữa không ! Vậy thì anh em đừng có lo mà nói rằng ! Ta sẽ ăn gì ! Sẽ lấy gì mà mặc ! Cha biết anh em cần các điều ấy mà ! Có một điều anh em phải lo mà lo trước hết mà anh em lại không lo đó là “Hãy tìm nước Thiên Chúa và sự công chính của ngài (cứ tìm Thiên Chúa đi) các điều lo kia Cha sẽ ban cho anh em”.

Lời Chúa không thể tranh cãi, không thể lý luận, chỉ có tin hay là không tin.
Nếu tôi tin và đặt đời tôi vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, tôi mới thấy
quyền năng của Ngài và mới biết được Ngài yêu thương và chăm sóc tôi biết bao
nhiêu. Nếu không tin thì tôi sẽ chẳng thấy xảy ra sự gì của Ngài trong đời tôi,
mà những lo âu, xao xuyến, bất an, của tôi vẫn còn đó. Vì với khả năng hạn hẹp
của tôi, làm sao mà làm nó tan biến, làm sao mà cất nó ra khỏi đời tôi và ra
khỏi gia đình tôi được.

Để có thể Sống Đức Tin trong niềm Tín Thác vào Chúa quan phòng, chúng ta đặt hết lòng tin vào Cha trên trời và nghe lại lời tha thiết này : Giavê đã bỏ tôi ! Đức Chúa đã quên tôi. Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với đứa con dạ đã mang? Cho
dù chúng quên được nữa thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên con đâu ?

Chúng con đặt hết lòng tin tưởng vào Cha trong Đức Kitô Chúa chúng con.

Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Amen.

Lm. Giuse Trần Đình Long

Dòng Thánh Thể

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Thánh Cecilia

Thánh Cecilia

22 Tháng Mười Một

(Thế kỷ III)

Mặc dù Thánh Cecilia  là vị tử đạo thời danh trong Giáo Hội Rôma, những câu chuyện quen thuộc về thánh nữ thì không thấy ghi chép trong văn bản chính thức. Vào thời tiên khởi
cũng không thấy dấu vết của sự tôn kính ngài. Chỉ có một mảnh đá thời thế kỷ thứ tư có ghi khắc tên của một nhà thờ mang tên thánh nữ, và ngày lễ kính được cử hành vào khoảng năm 545.

Theo truyền thuyết, Cecilia là một  thiếu nữ Kitô Giáo của giai cấp quyền quý kết hôn với một người La Mã tên là Valerian. Cecilia mặc áo nhặm, ăn chay, và thường cầu khẩn các thánh, các thiên thần, các trinh nữ xin họ gìn giữ sự trinh tiết của ngài. Và thánh nữ nói với
đức lang quân, ” Em sẽ tiết lộ cho anh một sự thật, nhưng anh phải hứa đừng nói với ai.” Và khi ông hứa, ngài nói: “Có một thiên thần luôn trông chừng em, và gìn giữ em khỏi bị ai đụng chạm đến.” Ông nói, “Em yêu dấu, nếu đó là sự thật, hãy cho anh thấy vị thiên thần ấy,” và ngài trả lời, “Anh chỉ có thể thấy nếu anh tin vào Thiên Chúa, và được rửa tội.”

Ngài gửi đức lang quân đến gặp Thánh Giáo Hoàng Urbanô để được rửa tội; và khi ông trở về nhà, ông thấy Cecilia đang cầu nguyện trong phòng, và cạnh đó là một thiên thần với đôi cánh rực lửa, tay cầm hai triều thiên bằng hoa hồng và hoa huệ đặt trên đầu của hai người, và biến đi. Sau đó, Tibertius, người em của Valerian, bước vào phòng và ông ngạc
nhiên khi ngửi thấy mùi hoa nồng nàn cũng như vẻ mỹ miều của các bông hoa.

Khi ông này được kể cho biết các chi tiết của câu chuyện, ông cũng muốn được rửa tội. Sau đó, cả hai anh em ông tận tụy hy sinh chôn cất các vị tử đạo mà thời ấy xảy ra hàng ngày, dưới quyền tổng trấn Turcius Almachius. [Không có tổng trấn nào mang tên này cả]. Họ bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn, và khi họ từ chối thờ cúng các tà thần họ đã bị
chém đầu.

Trong khi đó, Thánh Cecilia, qua lời rao giảng ngài đã đưa bốn trăm người trở lại đạo và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô rửa tội. Sau đó thánh nữ bị bắt, và bị xử tử bằng cách trấn nước cho đến chết. Ngài bị dìm trong bồn nước một ngày một đêm, sau đó quan cho nổi lửa đun sôi bồn nước, nhưng thánh nữ không hề hấn gì. Khi tổng trấn Almachius nghe biết
điều này, ông sai người đến chặt đầu thánh nữ ngay trong bồn nước. Lý hình chém đến ba lần mà đầu thánh nữ vẫn chưa đứt. Hắn để mặc cho máu tuôn đổ. Ðám đông đổ xô đến để thấm máu trong khi ngài vẫn rao giảng cho họ. Ba ngày sau, ngài trút hơi thở cuối cùng, và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô và các phó tế chôn cất.

Vào thời Phục Hưng, người ta thường vẽ ngài với đàn vĩ cầm và phong cầm nhỏ.

Lời Bàn

Như bất cứ Kitô Hữu tốt lành nào  khác, Thánh Cecilia dùng miệng lưỡi để ca ngợi Thiên Chúa với tất cả tấm lòng. Ngài tiêu biểu cho sự tin tưởng của Giáo Hội rằng thánh nhạc là một phần căn bản trong phụng vụ, có giá trị lớn lao hơn bất cứ nghệ thuật nào khác. Trong
thời đại hỗn độn của âm nhạc ngày nay, có lẽ chúng ta cần đọc lại những lời của Công Ðồng Vatican II dưới đây.

Lời Trích

“Hành động phụng vụ thêm cao quý khi các nghi thức thánh được âm nhạc trang trọng hóa, với sự phụ giúp của các thừa tác viên chức thánh và sự tham dự của giáo đoàn… Phải luôn luôn khuyến khích các ca đoàn, nhưng các giám mục và cha sở phải để ý rằng, bất cứ
lúc nào phụng vụ được cử hành với thánh nhạc, toàn thể giáo đoàn phải có thể góp phần tham dự cách tích cực vì đó là quyền lợi của họ… Bình ca phải có vị trí xứng đáng trong các nghi lễ, so với các loại nhạc khác. Nhưng điều đó không có nghĩa gạt bỏ các loại thánh nhạc khác, nhất là loại đa âm điệu… Thánh ca dành cho giáo dân phải khéo léo chọn lựa, để trong việc phụng tự và nghi lễ, họ có thể cùng góp tiếng hát”
(Sắc Lệnh Về Phụng Vụ, 112-118).

nguồn: Maria Thanh Mai gởi