CUỘC ĐỜI GIOAN BOSCO, VỊ THÁNH ĐÃ SỐNG VÀ CHẾT CHO CÁC EM THIẾU-NHI

CUỘC ĐỜI GIOAN BOSCO, VỊ THÁNH ĐÃ SỐNG VÀ CHẾT CHO CÁC EM THIẾU-NHI

Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh (Toronto, Canda)

chuyển-ngữ từ bài viết của Benoît Fidelin trong tạp-chí Pèlerin Magazine.

No. 5495, 25 Mars 1988.

Cậu bé vùng Piémont đã trở nên linh-mục của các trẻ em bị bỏ rơi. Ngài tạ thế cách đây hơn 100 năm (nguyên-bản là 100 năm, viết năm 1988, kỷ-niệm giỗ 100 năm vị thánh qua đời). Đời Ngài là cả một tình thương trải rộng bao-la do Tin Mừng Đức
Kitô thúc đẩy, và noi gương Ngài, hàng ngàn người đã và đang dấn thân phục-vụ
giới trẻ, tại Pháp cũng như trên toàn thế-giới.

Đó là GIOAN, con của gia-đình Bosco, cậu bé có nụ cười trong sáng, vầng trán bướng-bỉnh, đôi mắt đen nhánh, tóc rối bù như lông chiên. Thuở mới lớn lên, ngày ngày Gioan Bosco dắt đàn bò đi vào các vùng núi đồi miền Piémont, nước Ý. Cậu tập cuốc đất, phát cỏ, sử-dụng liềm, mác, và tập vắt sữa bò. Từ thuở đó cậu đã hiểu thế nào là đói khát và đã từng chứng-kiến cảnh chết-chóc ly-biệt.

Nạn đói hoành-hành năm 1817, lúc Gioan vừa mới lên hai tuổi, khi sương giá mùa xuân và những cơn hạn-hán khủng-khiếp tàn phá tất cả mùa màng. Nông-dân phải giết gia-súc để ăn thịt. Người ta gặp thấy trong các mương rãnh, xác những kẽ hành-khất chết đói, miệng còn ngậm
cỏ…

Và cả cái chết nữa, như cha cậu đã ngã qụy xuống vì chứng sưng phổi vào một buổi chiều tháng năm rất đẹp trời nhưng cũng thật buồn thảm.

Mẹ cậu, bà Ma-ga-ri-ta, mới 29 tuổi đã góa chồng. Nhưng bà sống thắt lưng buộc bụng, vỡ đất làm rẫy, nuôi dạy con cái cách dịu-dàng mà nghiêm nhặt. Bà ở trong ngôi nhà gạch tồi-tàn vừa là chỗ ở, vừa làm kho lẫm, vừa làm chuồng bò. Hai bao bắp để trong bếp và hai con bò cái nằm sau liếp vách ngăn. Phòng ngủ ngay dưới mái nhà và nệm lót bằng lá bắp. Nhưng chính ở đó, ngay trong cảnh nghèo nàn trơ-trụi ấy, cuộc đời bé Gioan Bosco đã bừng sáng lên.

Chỉ một giấc mơ bình-thường đã khiến cậu tin rằng trọn cuộc đời mình được Chúa Giêsu Kitô mời gọi để chăm lo cho các trẻ em bị ruồng bỏ. Năm lên 9, bé Gioan mơ thấy mình đứng giữa một đám trẻ bụi đời ngổ-ngáo. Chúng chửi thề, văng tục, và Gioan đã trả đũa lại bằng những cú đấm ngoạn-mục. Nhưng một người với diện-mạo sáng ngời đã gọi tên Gioan và bảo: “Con phải chinh-phục chúng, không phải bằng tay chân như thế, mà là bằng khổ đau và lòng yêu mến”. Gioan hỏi: “Ngài là ai mà đòi con phải làm những việc không thể nào làm nổi như vậy?”; và người lạ mặt đã trả
lời: “Ta là Con của Bà mà mẹ con vẫn dạy con cầu nguyện với Bà mỗi ngày
ba lần”.
Cũng trong giấc mơ đó, Ðức Trinh-Nữ Maria đã hiện ra với cậu.
Bằng những hình-ảnh khác, Người loan báo cho cậu cũng một sứ-mạng ấy: chăm
sóc các trẻ em bị bỏ rơi.

 

Thế là bắt đầu cuộc phiêu-lưu! Từ lúc còn rất nhỏ, Gioan đã nói rằng cậu ao-ước trở thành linh-mục. Trong thời-gian đợi chờ, cậu tụ-tập bạn-bè ở ngoài đồng để diễn-thuyết, làm hề và biểu-diễn cả ảo-thuật nữa. Nhưng lúc nào cũng thế, trước khi tới màn cuối, “ông bầu” lại lôi cỗ tràng hạt trong túi ra, qùy xuống và mời cả đám trẻ cùng cầu-nguyện.

Gioan say mê đọc sách và nuôi chim. Ngồi dưới bóng cây im mát, cậu ngấu-nghiến đọc những cuốn sách mượn được của một vị linh-mục ở một xứ đạo hẻo-lánh. Rồi trèo lên cây, cậu gỡ tổ chim và bắt những con sáo nhỏ, đem về nuôi trong lồng làm bằng cành cây dương-liễu, rồi dạy chúng hót. Chuyện học-hành ư? Chỉ khi nào ngoài đồng ruộng hết bóng người thì cậu mới  tới trường. Cậu không chịu học-hành đến độ đã gây-gổ với người anh cả và đã phải bỏ nhà đến làm việc tại một làng kế bên. Sau bao năm lao-động ròng-rã, cuối cùng mới gặp được dịp may: một vị linh-mục già thấy cậu thông-minh thì yêu mến, nhận nuôi và dạy cho cậu học tiếng La-tinh. Sau khi Cha qua đời, được mẹ giúp đỡ và cũng được nhiều ân-nhân tiếp tay, cậu theo học tại trường trung-học ở tỉnh bên. Hằng ngày đi bộ mười cây số, bất kể mưa gió hay nóng bức bụi-bặm. Tất cả chỉ để làm linh-mục! Gioan sẽ không bao giờ quên điều ấy. Và rồi sau sáu năm học ở chủng-viện, năm 1941, cậu đã trở thành linh-mục DON BOSCO!

Người ta mau chóng trao cho Ngài những công việc của một linh-mục tuyên-úy. Nhưng Ngài chỉ muốn một điều là các trẻ em. Thời-kỳ ấy là thời-kỳ cách-mạng kỹ-nghệ, thành-phố Turin là nơi hấp-dẫn đã lôi kéo hàng ngàn người di-dân đến kiếm sống. Các thanh, thiếu-niên làm việc ngắn hạn ở các xưởng đóng tàu, rổi lang-thang thất-thểu dọc bờ sông Pô, không một đồng xu dính túi. Những em khác vào tù. Don Bosco đi gặp họ tất cả, và Ngài được sự giúp đỡ của Cha Don Cafasso, vị linh-mục của “giới bần cùng”. Ngài dám trèo lên các xe bò chở tử-tội để an-ủi họ suốt lộ-trình cho đến pháp-trường.

Ngài lôi kéo được Don Bosco đi vào trại giam; ở  đó vị linh-mục trẻ tuổi người vùng Piémont buồn rầu đảo mắt nhìn cảnh tù đày, cái nhìn đó cũng ngăn đe mấy cậu bé đang chen-chúc trong các xà-lim hôi-hám, chúng tiều-tụy đi vì nạn chí rận, ăn toàn bánh mì đen và uống nước lã. Thật vô cùng khủng-khiếp! Don Bosco bàng-hoàng kinh-hãi, Ngài gào lên trong cổ họng:  Quá nhiều thanh-niên bị nhốt ở đây, bởi chẳng có ai săn-sóc đến họ. Tôi phải giúp-đỡ, dạy-dỗ họ. Tôi muốn cứu giúp những kẻ bất hạnh này”. Và Ngài sẽ làm như Ngài đã nói thế!

Ít lâu sau, có một lần kia khi Ngài chuẩn-bị  dâng thánh-lễ tại nhà thờ Thánh Phan-xi-cô Át-si-gi-ô, Chúa đã dẫn đến cho Ngàimột cậu bé tên là Ba-tô-lô-mê-ô Ga-ren-li, em mới từ xa đến thành-phố này kiếm sống. Đầu cạo trọc-lóc, áo dính đầy vết vôi. Don Bosco qùy xuống và dạy em cầu nguyện. Sau đó Ga-ren-li trở lại, dẫn theo năm đứa, mười đứa, rồi tới một trăm đứa, bạn bè của nó, đứa nào cũng bị Don Bosco chinh-phục bằng tình yêu thương Ngài dành cho chúng. Ngài giảng dạy về Thiên-Chúa cách cụ-thể, nhờ những sự-kiện hấp-dẫn và những chi-tiết lý-thú làm chúng say mê.

Họ quấn-quýt và không rời bỏ nhau nữa. Trong các nhà nguyện cũ, trên những bãi đất trống vùng ngoại-ô, và trong các vựa lúa, các em kéo đến ngày một đông hơn để nghe Ngài giảng, để được Ngài dạy-dỗ huấn-luyện nên người và nên con cái Chúa.

 

Vì lo-lắng cho tương-lai các em, Don Bosco mở các xưởng dạy nghề. Ngài nghĩ ra việc ký giao-kèo lao-động để kiếm việc cho các em, trước khi lao mình vào việc viết lách và xuất-bản, nhằm mục-đích giáo-dục và phát-triển đức tin Công-Giáo nơi các em. Công-trình lớn mạnh. Nhờ có các ân-nhân tài-trợ nên Ngài đã xây-dựng được nhiều nhà cho các em. Don Bosco đặt trọn niềm tin nơi Chúa Quan-Phòng.

Chẳng bao lâu, một “Tổ Ấm” hình-thành với 15, 20, rồi 600 em nội-trú. Vì không muốn cho tương-lai các em quá tồi-tệ, Cha Don Bosco cho dựng thêm nhà cửa, mở một lớp học tối, rồi mời các linh-mục và những người thiện-nguyện đến dạy cho các em. Họ làm việc trong nhà bếp, trong phòng mặc áo lễ ở gian bên của cung thánh. Trên hết mọi sự, họ rất mực yêu thương nhau, vì sư-phạm của Cha Gioan là Sư-Phạm Của Tình Thương. Lý-thuyết mà làm gì? Ngài không mong xây-dựng một “kiểu” giáo-dục lỗng-lẫy. Ngài nói: “Hệ-thống giáo-dục của tôi ư? Chính tôi, tôi cũng chẳng biết nữa.”…”Tôi chỉ có công này, là tiến về phía trước theo sự dẫn-dắt của Chúa, rồi tùy hoàn-cảnh mà xử-trí”.

Quả thế, Ngài chủ-trương một đường lối sư-phạm “ngay tại chỗ”, đặt tin-tưởng vào bản-chất của con người đã được Thiên-Chúa cứu-độ và tin vào sự hiện-diện hữu-hiệu của nhà giáo-dục. Don Bosco ước-đoán được những nỗi cùng khổ và âu-lo của từng em một. Ngài biết rằng tuổi thanh thiếu-niên là tuổi đầy-dẫy những nghi-ngờ, những phiền-muộn, tuổi của phẫn-nộ và thất vọng. Thế là Ngài đến với chúng, nói một câu khôi-hài, kiên-trì mời gọi chúng đối-thoại, cũng như vui-vẻ, thành-thực, cởi mở thoải-mái, một sự thoải mái tự-nhiên không hề bó-buộc vẫn là đặc-điểm nổi bật nhất trong tình yêu giáo-dục của Ngài. Ngài đã sống câu châm-ngôn sau đây, dựa theo lời thánh
Phao-lô: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn” (Un saint triste est un triste saint).

Và Ngài đã nên thánh. Ngài được phong thánh năm 1934, sau khi sống
một cuộc đời luôn luôn bận-bịu lo-lắng cho các em thiếu-nhi và sáng lập ra
tu-hội Sa-lê-giêng để tôn-kính thánh Phan-xi-cô Sa-lê-gi-ô. Cũng như vị thánh
này, Ngài đã tìm được sức sống cho đời mình qua tình yêu thương con người và
qua Tin Mừng của Đức Kitô, ở đó Ngài khám phá ra dung-mạo một Thiên-Chúa có thể chia sẻ mọi yếu-hèn của chúng ta.

Ngay cả đến cuối đời, sau khi được Ðức Thánh Cha tiếp-kiến, trong các cuộc hành-trình khắp năm châu bốn bể để kiếm tiền in những tác-phẩm Ngài viết, Ngài cũng rất gần-gũi các trẻ em vất-vưởng của mình. Lúc nhắm mắt lìa đời, rạng sáng ngày 31 tháng giêng năm 1888, Ngài nói với các tu-sĩ Sa-lê-giêng đang săn-sóc Ngài rằng:

“Hãy làm tốt cho mọi người,

đừng gây điều xấu cho ai cả!

Hãy nói với các bạn trẻ của Cha rằng:

Cha đợi họ trên Thiên-Đàng!

Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh (chuyển-ngữ)

nguồn: conggiaovietnam.net

6 bức ảnh về tình yêu thương được “like” nhiều nhất tuần qua

6 bức ảnh về tình yêu thương được “like” nhiều nhất tuần qua

 

Những bức ảnh chia sẻ những câu chuyện xúc động trong cuộc sống, hay đơn giản chỉ là một cảm nhận về con người, tình yêu thương… đã khiến hàng ngàn trái tim thổn thức.

“Cảm ơn những người làm cha đã vất vả nuôi chúng con khôn lớn. Cảm ơn Cha
Mẹ vì tất cả mọi thứ”.

“Đây là một đám cưới rất đặc biệt vì cô dâu và chú rễ bị khiếm thị và chỉ
có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nhau bằng con tim. Dành tặng 1 like chúc mừng
anh chị trăm năm hạnh phúc nhé”. Tình yêu của cặp vợ chồng khiếm thị được
cộng đồng mạng cảm phục, và hàng nghìn lời chúc hạnh phúc được gửi tới cặp đôi
này.

“Vượt lên số phận” là lời đề tựa cho bức tranh. Cảm phục trước nghị lực phi thường của người đàn ông tàn tật vượt lên số phận, thành viên mạng facebook đã dành tới hơn 15,000 lượt like cho bức ảnh này.

9,453 lượt like dành cho bức ảnh sau 5 giờ đăng tải. Với lời chú thích “Cuộc sống còn cần hơn nữa tình yêu thương” là thông điệp bức tranh gửi đến mọi người.

Bức hình đi kèm với bài thơ “Lời mẹ yêu” khiến hàng ngàn thành viên mạng xúc động và đồng cảm.

“Cha không hoàn hảo, nhưng cha luôn yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất”. Bức tranh nói về tình cảm cha con khiến hơn 5,000 trái tim thổn thức.

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

 

Một cử nhân Mỹ gốc Việt vào học tiến sĩ ở đại học Harvard ở tuổi 17

Một cử nhân Mỹ gốc Việt vào học tiến sĩ ở đại học
Harvard ở tuổi 17
Trường Đại Học Cal State L.A. cho Vietnamese Daily biết em Alexandria
Huynh, một sinh viên gốc Việt vừa ra trường năm nay được trường đại học danh  tiếng Harvard nhận vào học chương trình tiến sĩ y khoa với học bổng toàn phần ở tuồi 17.
Em Alexandria Huynh vào đại học lúc mới tuổi 13 qua chương trình dành cho các  sinh viên vào đại học sớm trước tuổi (University’s Early Entrance Program), em Alexandria Huynh mới ra trường năm nay với bắng cử nhân sinh học hạng ưu. Cal State L.A. còn cho biết Alexandria Huynh là một sinh viên ra trường với bằng cử nhân trẻ nhất từ xưa đến nay của trường.
Em Alexandria Huynh không chỉ được trường Harvard chấp nhận vào học chương trình tiến sĩ mà còn có các trường danh tiếng khác như Đại học Yale và Đại học Pennsylvania cũng chấp nhận em.
Em Alexandria Huynh sẽ vào học ở Harvard mùa thu này với một học bổng toàn phần. Đây là niềm hãnh diện và tự hào của người Việt khắp nơi.

Du Lê

From:Nguyet Cao &
Anh chị Thụ & Mai gởi

Em Tên Là Nujood, Mười Tuổi, Xin Ly Dị.

Em Tên Là Nujood, Mười Tuổi, Xin Ly Dị.

·
Trên đây là tựa đề cuốn tiểu thuyết kể lại hoàn cảnh đau lòng của các em bé gái ở nước Yemen. Gia đình em Nujood bắt em phải làm vợ một người đàn ông lớn tuổi vào lúc em mới 10 tuổi. Em bị đánh đập, hành hạ, và cha mẹ em từ chối giúp đỡ. Vì thế, em phải tìm cách tự cứu lấy mình. Em chạy đến toà án xin quan toà cho em được ly dị người chồng của em.

·      Câu chuyện thương tâm của em Nujood đã làm thay đổi luật lệ về tục lệ tảo hôn ở quốc gia theo Hồi Giáo. Chúng tôi dịch phần tóm lược cuốn truyện đăng trên Reader’s Digest tháng 1 năm 2013.

“Đầu óc em quay mòng mòng – Chưa bao giờ em trông thấy một đám đông nhiều người đến như thế . Ngoài sân toà án, người ta đang vội vã, tấp nập từ mọi phía, đổ dồn về đây. Chẳng ai trông thấy em: Em nhỏ bé quá so với những người này. Năm nay em mới được mười tuổi, không chừng chưa đủ mười tuổi. Nào có aí biết rõ em bao nhiêu tuổi?”

NGƯỜI TA ĐỒN RẰNG QUAN TOÀ   là người giúp đỡ những kẻ cô thế. Vì  vậy, em phải tìm cho được một vị quan toà, và kể cho ông ta nghe câu chuyện của em. Em mệt bã cả người. Trời nóng bức quá, em còn phải mang tấm lưới che mặt, đầu em nhức như búa bổ, và em cảm thấy xấu hổ quá chừng.

Em dáo dác ngó quanh, để ý canh chừng những người cảnh sát mặc đồng phục. Nếu họ trông thấy em, họ có thể bắt em. Một con bé mười tuổi dám bỏ nhà đi hoang. Em sợ đến run rẩy cả chân tay, em cố tìm xem có người phụ nữ  nào mang lưới che mặt đi ngang qua, để hỏi thăm. Gặp một bà, em vội vàng lên tiếng hỏi thăm: “Cháu muốn tìm gặp một vị quan toà.”

Hai con mắt sau tấm lưới mầu đen mở to ra để nhìn em, ngạc nhiên hỏi: “Em muốn gặp ông quan toà nào?”

“Ông nào cũng được. Cứ dẫn cháu đi gặp một ông quan toà đi.”

Bà ta nhìn em chòng chọc, kinh  ngạc khi nghe em trả lời như vậy.

Cuối cùng, bà ta nói: “Em đi theo tôi.”.

Cánh cửa căn phòng được mở ra. Trong phòng có rất nhiều người, và ở cuối căn phòng, tôi trông thấy một người đàn ông ngồi ở đó với nét mặt gầy ốm, và bộ râu mép. Cuối cùng thì tôi cũng gặp được một vị quan toà. Tôi ngồi xuống, ngả lưng ra sau ghế, chờ đến lượt mình.

Đang mơ màng lim dim chợp mắt ngủ, tôi nghe tiếng người đàn ông hỏi: “Ta có thể giúp gì được cho cháu?”. Tiếng nói của người này nghe rất êm ái, dịu dàng. Tôi đưa tay lên dụi mắt cho tỉnh ngủ, và nhận ra người đang đứng trước mặt tôi chính là vị quan toà có râu mép.

 

Thoả Ước Giữa Cha Tôi và Một Người Đàn Ông

Ở Khardji, một ngôi làng nhỏ bé nơi tôi sinh ra, thuộc xứ Yemen, người phụ nữ không được phép chọn lựa khi lập gia đình. Mẹ tôi, bà Shoya lập gia đình với cha tôi, ông Ali Mohammad al-Ahdel, khi bà mới được 16 tuổi. Bà lấy chồng theo sự sắp xếp của gia đình, không một lời phản đối. Sau đó bốn năm, khi cha tôi quyết định muốn lấy thêm một bà vợ thứ hai, mẹ tôi chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời. Tôi cũng ở trong
trường hợp giống mẹ tôi, nghĩa là đồng ý lập gia đình theo ý muốn của cha mẹ,
không có ý kiến, và cũng không ngờ mình bị lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm. Ở tuổi
còn nhỏ, tôi không có nhiều câu hỏi để thắc mắc.

Mẹ tôi sinh ra tôi, và 15 anh chị em khác ngay tại nhà.Tôi thường gọi mẹ tôi là Omma hay Mama. Khi lớn lên, tôi chỉ biết quan sát sự chăm lo việc nhà của mẹ tôi cho đến lúc tôi biết theo đuôi mấy bà chị giúp mẹ làm việc nhà. Tôi cứ theo hai chị lớn, nghe mẹ và các chị bảo làm gì thì làm. Hai chị rủ đi lấy nước ngoài con suối  đem về nhà, tôi cũng đi theo. Khi tôi được hai hay ba tuổi, bỗng dưng xảy ra một vụ đánh nhau dữ dội giữa cha tôi với vài người trong làng. Chúng tôi bị buộc phải dọn đi nơi khác ngay lập tức.

Khi gia đình chúng tôi đến thành phố Sana, chúng tôi bị “sốc” nặng về cuộc sống mới ở thành phố chính trong vùng. Nó hết sức ồn ào, bụi bậm, khác hẳn với đời sống êm đềm ở dưới làng quê.  Chúng tôi sống trong một bin đinh tồi tàn ở khu Al-Qa. Sau  một thời gian dài chật vật tìm việc, cho tôi được phu quét đường cho sở vệ sinh.

Tôi được cắp sách đi học năm đầu ở trường tiểu học, và là họ trò giỏi. Tôi sắp sửa lên năm học thứ hai thì một buổi chiều tháng Hai năm 2008, cha tôi- tôi vẫn gọi người là Aba- đi làm về nói với tôi rằng ông có một tin vui cho tôi.

“Nujood, con sắp sửa lập gia đình rồi.”

Tin này đến với tôi thật là bất ngờ, không biết tử đâu tới.
Tôi thực sự chẳng hiểu gì cả. Lúc đầu tôi cảm thấy hình như đó là điều tốt, vì
tôi sẽ được ra khỏi nhà, ở riêng. Cuộc sống trong nhà chật trội, tù túng đến
ngộp thở. Aba (cha tôi) không tìm được việc làm toàn thời gian sau khi ông bị
mất việc làm phu quét đường cho sở vệ sinh. Vì thế, tháng nào ông cũng lâm vào
hoàn cảnh trả tiền thuê nhà trễ nải. Mấy đứa em trai của tôi đứng ngoài đường
chặn xe hơi ở ngã tư để bán cuộn giấy chùi tay kiếm được vài cắc bạc. Sau đó
đến lượt chị Haifa cũng phải ra đường bán hàng, và rồi đến lượt tôi. Tôi không
thích cái việc rượt chạy theo xe để bán hàng.

Lúc gần đây, Aba thường hay ngồi la cà, nhai lá thuốc phiện  “khat” với bạn bè. Ông bào chữa là nhai lá “khat” giúp ông khuây khỏa, bớt chán đời. Qua ba cái vụ ngồi lê, nhai lá “khat” như vậy, cha tôi được một người đàn ông khoảng trên dưới 30 làm quen với ông. Hắn nóí với cha tôi: “Tôi muốn hai gia đình chúng ta kết nghĩa với nhau.”

Người đàn ông đó tên là Faez Ali Thamer, làm nghể giao hàng. Hắn cũng là dân vùng Khardji giống như gia đình tôi, và đang có ý định đi  tìm vợ. Cha tôi nhận lời cầu hôn của hắn. Thế là sau  hai chị tôi, đến lượt tôi phải lập gia đình ra ở riêng.

Chiều tối hôm đó, tôi nghe lóm được câu chuyện giữa chị Mona và cha tôi.

Chị tôi cằn nhằn cha tôi: “Em Nujood còn bé quá, sao cha lại đem gả chồng cho nó.”.

Cha tôi lý sự: “Đó là cách hay nhất để bảo bọc cho nó. Nó sẽ không bị người lạ hãm hiếp, và không bị làm đề tài để nói xấu hay dèm pha. Người đàn ông này rất đàng hoàng, đứng đắn. Anh ta hứa sẽ không đụng vào người con Nujood cho đến khi nó đủ khôn lớn. Ngoài ra, gia đình mình không có đủ tiền để nuôi cả nhà đông con.”.

Mẹ tôi không nói một lời nào cả. Bà có ý buồn lòng, nhưng ngậm câm không nói ra. Ở nước tôi, đàn ông là chủ gia đình, quyết định mọi chuyện.

 

Đám cưới được tổ chức.

KẾ HOẠCH CHUẨN BỊ ĐÁM CƯỚI CHO TÔI được tiến hành như dự
liệu, và tôi sớm nhận ra những điều bất hạnh sẽ xảy ra cho tôi từ lúc tôi nghe
nói gia đình bên chồng  quyết định sẽ không cho tôi đi học nữa. Tôi thích
đi học, và yêu trường học. Đối với tôi những giờ cắp sách đi học đến trường là
những giây phút thần tiên. Chỉ có ở trường học tôi mới có thể trốn khỏi được sự
tù túng, khó khăn của cuộc sống. Trường học là nơi ẩn náu bình yên cho tôi.

Vào ngày đám cưới của tôi, các cô bạn, chị em họ đứng chờ sẵn hai bên đường để reo hò, và vỗ tay khi họ trông thấy tôi đi ra. Nhưng lúc đó, mắt tôi nhòa lệ, không còn trông thấy ai cả.

Từ phiá sau chiếc xe hơi loại SUV, đậu truớc cửa nhà tôi,
một người đàn ông thấp, lùn nhìn tôi chằm chặp. Ông ta mặc bộ quốc phục “zana”
mầu trắng, trên mép có hàng râu mỏng. Mái tóc cắt ngắn của ông bôi dầu bóng
láng, mặt ông được cạo sơ sài, cẩu thả. Ông ta không được đẹp trai cho lắm.
Người đó chính là Faez Ali Thamer! Chồng tương lai của tôi.

Khi chiếc xe nổ máy, người tài xế lái xe đi. Tôi chợt tỉnh
ngộ và bắt đầu khóc thầm, mặt tôi tì lên cửa kính xe hơi. Tôi nhìn mãi về phía
căn nhà thân yêu của tôi cho đến khi hình ảnh cha tôi nhỏ dần.

Một người đàn bà đứng chờ tôi ở bực cửa căn nhà bằng đá ở vùng
Khardji. Tôi linh cảm thấy ngay bà ta không mấy gì ưa tôi. Bà mẹ chồng mới của
tôi già lắm, lớp da trên mặt bà nhăn nheo như da con kỳ đà. Bà ra dấu cho tôi
bước vào nhà. Bên trong căn nhà bầy biện rất sơ sài, không có bàn ghế tủ giả gì
nhiều. Căn nhà có bốn phòng ngủ, một phòng khách, và một cái bếp nhỏ.

Tôi ăn bữa cơm có thịt do em gái của chồng tôi làm sẵn, ăn
chung với mọi người. Sau bữa ăn, những người lớn tuổi trong làng ngồi nói
chuyện, và  ngồi nhai lá “khat” chuyện vãn với nhau. Không ai để ý đến
tuổi tác quá nhỏ của tôi. Về sau tôi mới hiểu rằng lấy con gái nhỏ tuổi là
chuyện thường xảy ra ở miền quê. Ở một bộ lạc, người ta còn nhắc nhở cho nhau
nghe một câu châm ngôn xưa là: “Muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, thì nên
lấy một cô gái chín tuổi.”.

Tôi cảm thấy an lòng khi được đưa về phòng riêng của mình.
Một tấm chiếu dài được trải trên nền nhà: đó là cái giường của tôi. Mệt quá,
tôi nằm lăn ra ngủ, chẳng cần tắt đèn.

Phải chi tôi được ngủ luôn một giấc dài vô tận thì hay biết
mấy. Khi cánh cửa bị đẩy mạnh, mở ra, làm tôi thức giấc. Chưa kịp mở to đôi
mắt, tôi đã ngửi thấy cái mùi mổ hôi nhớp nhúa, và một thân hình đầy lông lá đè
lên người tôi. Ai đó đã thổi tắt ngọn đèn dầu, làm cho căn phòng tối đen như
mực. Thì ra người đó là hắn ta. Tôi nhận ra hắn vì cái mùi hôi của thuốc lá, và
mùi lá “khát” toả ra từ người  hắn. Hắn cạ người hắn vào người tôi.

Tôi thở dài, năn nỉ: “Đừng, đừng đụng vào người tôi. Hãy để cho tôi yên.”

“Em là vợ của tôi mà! Sao vậy?”.

Tôi đứng bật dậy, cửa căn phòng chưa khép kín. Tôi nhìn
thấy tia sáng mờ từ bên ngoài lọt vào, tôi phóng mình chạy ra ngoài sân.

Hắn đuổi theo tôi.

Tôi hét lên: “Cứu tôi với! Làm ơn cứu tôi.”. Tôi khóc oà
lên.

Tiếng khóc của tôi vang vọng vào giữa đêm yên tịnh. Nhưng
hình như đó là tiếng la hét trong hư không, vô vọng. Tôi chạy thật nhanh, thở
hổn hển. Tôi vấp ngã, và lại ráng đứng dậy chạy tiếp. Nhưng cánh tay cứng rắn
của hắn đã túm lấy được tôi, lôi tôi trở lại căn phòng ngủ, đẩy mạnh tôi nằm
xuống chiếu. Tôi cảm thấy như mình bị tê liệt toàn thân, như người bị trói chặt.

Hy vọng tìm được một người phụ nữ làm đồng minh đến tiếp
cứu. Tôi kêu cứu bà mẹ chồng: “Amma! Dì ơi đến cứu con.”

Không có ai lên tiếng trả lời, hay chạy đến cứu tôi.

Khi hắn cởi bỏ bộ sà rông cuốn trên người. Tôi lăn tròn người
trên chiếu để tự vệ, nhưng hắn bắt đầu lột quần áo ngủ của tôi ra.

Tôi lại tìm cách bỏ chạy, và nói với hắn: “Tôi sẽ về mách
với cha tôi.”.

“Mày muốn về nói gì với cha mày cũng được. Chính ông ấy là
người đã ký giao kèo với tao kia mà.”

“Ông không có quyền đụng vào tôi.”

Hắn bắt đầu cười to, thái độ khinh mạn, đểu cáng.

“Mày bây giờ là vợ của tao rồi. Mày phải làm đủ mọi thứ tao
muốn.”.

Bỗng nhiên tôi cảm thấy mình như bị cuốn bay đi trong một
cơn bão to, người tôi  bị ném lên không trung, ném vào mưa bão, và tôi
không còn hơi sức để chống cự được nữa. Có cái gì đó đang âm ỉ cháy ở tận sâu
trong đáy lòng. Bất kể tôi gào thét, kêu cứu ra sao, vẫn không có ai đến cứu
tôi. Tôi cảm thấy đau đớn vô cùng. Tôi hét lên tiếng thét cuối cùng, và ngất
đi, không còn biết gì nữa.

 

Tôi quyết định chạy đi trốn.

Tôi phải tự thích ứng với cuộc sống mới thật nhanh, tôi không
có quyền bỏ nhà ra đi, không có quyền than phiền, và không có quyền từ chối làm
bất cứ điều gì. Ban ngày tôi phải rắm rắp tuân lệnh bà mẹ chồng: Đi hái rau,
chùi nền nhà, rửa chén. Khi nào tôi ngừng tay, nghỉ một chút là bị bà mẹ chồng
nắm tóc kéo.

Chồng tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm, và trở về  trước lúc mặt trời lặn. Mỗi khi tôi nghe hắn về đến nhà, là tim tôi đau thắt lại vì sợ hãi, hoảng hốt. Khi màn đêm buông xuống là tôi biết chuyện gì lại sắp xảy ra. Cũng những hành động dã man bỉ ổi được tái diễn nhiều lần. Lần nào cũng đem lại đau đớn, và buồn chán cho tôi. Vào ngày thứ ba, hắn bắt đầu đánh tôi. Lúc đầu đánh bằng tay, sau đó đánh bằng gậy. Mẹ hắn ở bên cạnh còn nói đốc thêm vào. Bà bảo con trai bà cứ đánh nữa đi.

Mỗi khi hắn lên tiếng chê trách tôi, là bà lại xúi : “Đánh mạnh vào mắt nó – Nó phải nghe lời con- Nó là vợ của con mà.”.

Tôi sống trong nỗi sợ hãi vô cùng tận. Khi nào có cơ hội ở
nhà một mình, tôi trốn  trong một xó góc nhà, ngồi một mình, ngẩn ngơ suy
nghĩ không hiểu vì sao đời tôi lại khốn khổ thế. Một buổi sáng, chán cái cảnh
trông thấy tôi ngồi khóc cả ngày, hắn bảo tôi là hắn cho phép tôi về thăm cha
mẹ. Cuối cùng thì tôi cũng được toại nguyện, về thăm gia đình một chuyến.

Vừa về đến nhà, gặp cha tôi. Ông nói ngay: “Nujood. Bây giờ
con đã là người phụ nữ có gia đình. Con phải ở với chồng con. Nếu con ly dị
chồng con, anh em, họ hàng của cha sẽ giết cha mất. Danh dự của gia đình là
trên hết.”.

Tôi bèn đi thăm dì Dowla. Bà là vợ thứ hai của cha tôi. Bà
sống với năm đưá con cuả bà trong một apartment rất nhỏ gần nhà của chúng tôi.
Tôi leo hết bực cầu thang, vừa đi vừa bịt mũi vì mùi hôi thối của đống rác, và
dẫy cầu tiêu công cộng gần đó. Dì Dowla mở cửa đón tôi vào với nụ cười rạng rỡ
trên môi.

“Nujood! Con đến thăm dì, làm dì ngạc nhiên quá. Dì mừng được gặp lại con. Vào nhà chơi đi con.”.

Tôi rất thích dì Dowla. Dì có dáng cao và gầy. Dì đẹp hơn
mẹ Omma của tôi nhiều, và dì không bao giờ rầy la tôi. Tội nghiệp dì sống khổ
lắm. Cha tôi hầu như không bao giờ ngó ngàng đến gì. Nghèo quá, dì phải ra
đường đi ăn xin.

Tôi dốc bầu tâm sự kể cho dì nghe hoàn cảnh hiện tại của
tôi. Câu chuyện làm cho dì xúc động mạnh. Dì lặng yên suy nghĩ một hồi lâu,
trong lúc dì pha trà cho tôi uống. Đưa chén trà cho tôi, dì nhìn thẳng vào mắt
tôi, cúi đầu nói thật chậm, và rõ ràng:

“Nujood, nếu không có ai muốn nghe hoàn cảnh của con, con
phải đi đến toà án để trình bầy trường hợp của con.”. Dì nói nhỏ bên tai
tôi.Tôi hỏi lại cho rõ:

“Đi đâu hả Dì?”

“Đi đến toà án làm gì?”

Trong chớp mắt, những hình ảnh các vị quan toà đầu chít
khăn cao, các luật sư đi đứng vội vàng trong toà án, và những người dân thường
đàn ông, đàn bà  ra toà để thưa kiện về những việc rắc rối trong gia đình,
trộm cắp, tranh dành tiền thừa kế. Tôi đã được xem trên truyền hình về sinh
hoạt ở toà án tại nhà một người hàng xóm.

Dì Dowla tiếp tục giải thích thêm: “Con hãy ra toà hỏi thăm xem quan toà có thể giúp gì cho con được không. Công việc của họ là giúp đỡ nạn nhân bị hà hiếp.”.

Sáng hôm sau, tôi nôn nóng ngồi chờ mẹ tôi thức dậy. Bà đến
và cho tôi 150 đồng rials. Bà dặn dò: “Con cầm lấy tiền ra mua bánh mì để ăn
sáng.”.

“Thưa mẹ vâng!”.Tôi ngoan ngoãn trả lời mẹ tôi.

Tôi đi theo con đường quen thuộc để đến tiệm bánh mì. Nhưng
đến phút chót, tôi đổi ý, ra đường lộ chính mà đi.

Tuy vậy, tôi không biết toà án ở đâu. Trong đầu tôi lúc đó
đầy ắp những lo âu, sợ hãi. Bị choáng mắt vì ánh đèn sáng trưng trên đường phố
chính, tôi cố gắng trấn tỉnh, sắp xếp những ý nghĩ lộn xộn trong đầu cho có thứ
tự. Trông thấy một chiếc Taxi chạy ngang, tôi dơ tay ra vẫy taxi. Tôi muốn dùng
taxi đi đến Bab-al-Yemen để gặp chị Mona trước đã.

Xe taxi ngừng. Ngồi vào trong xe, tôi lại đổi ý và nói:
“Tôi muốn đi đến toà án.”

 

Gặp Ông Quan Toà

Chánh án Abdo không dấu nổi sự ngạc nhiên, hỏi lại tôi: “Có phải con muốn xin ly dị, đúng không?”.

“Thưa vâng.”

“Nhưng… bộ con có gia đình rồi hay sao?

“Thưa vâng!”

Trông ông thật là đạo mạo, uy nghi. Chiếc áo sơ mi trắng ông mặc làm tăng vẻ đẹp của nước da mầu ô liu của ông. Nhưng khi nghe câu trả lời của tôi, mặt ông tối sầm lại.

“Nhưng con còn nhỏ quá mà, sao con lại có gia đình rồi?”

Không muốn phải trả lời câu hỏi của ông. Tôi nhắc lại câu
nói của tôi với giọng cương quyết: “Con muốn xin ly dị.”.

Ông bối rối suy nhĩ, lấy tay gãi râu, không hiểu ông có
đồng ý giúp tôi hay không.

Ông tiếp tục hỏi thêm: “Vậy tại sao con lại muốn ly dị?”

Tôi nhìn thẳng vào mắt ông và nói: “Vì chồng cháu đánh đập
cháu mỗi ngày.”.

Câu trả lời của tôi như một cái tát vào mặt ông. Nét mặt ông trở nên đanh lại, lạnh lùng. Ông hỏi tôi một cách sỗ sàng: “Con vẫn còn trinh hay sao?”

Tôi cay đắng ngậm tủi hờn. Tôi hết sức xấu hổ khi phải nói về chuyện riêng tư này. Nhưng cùng lúc đó, tôi linh cảm rằng ông là người thấu hiểu nỗi đau đớn của tôi, nếu tôi muốn ông giúp thắng kiện, tôi phải nói thật mọi chuyện với ông.

“Không. Con đã mất trinh rồi, con bị chảy máu.”

Ông bị xúc động nặng. Tôi đọc thấy nét kinh ngạc trên mặt
ông. Ông muốn che dấu cảm xúc của mình. Sau đó, tôi thấy ông hít vào một hơi
dài, và nói: “Ta sẽ giúp con.”.

Tôi cảm thấy được an ủi, yên tâm. Tôi nhìn ông run rẩy cầm
chiếc điện thoại trong tay. Nếu trời cho tôi gặp may mắn, ông quan toà này sẽ
can thiệp giúp tôi, và chiều nay tôi có thể trở về nhà cha mẹ mình, chơi với
các anh chị em tôi như trước đây. Được Ly Dị!! Đó là điều tôi ước mơ nhất trong
lúc này. Tôi sợ phải trở về nhà chồng ngồi một mình, khi màn đêm buông xuống,
tôi phải nằm cạnh người đàn ông đó.

Một vị thẩm phán thứ hai bước vào phòng để bàn về chuyện
của tôi, ông làm mọi niềm hy vọng của tôi tan vỡ ra từng mảnh.

“Cháu bé à, chuyện của cháu sẽ phải mất nhiều thì giờ mới
gỉải quyết được. Nó không đơn gỉản như cháu nghĩ đâu. Và điều đáng tiếc là ta
không hứa chắc con sẽ thắng kiện được đâu.” .

Vị quan toà thứ hai này là ông Mohammad al-Ghazi. Ông là vị
quan tòa cao cấp nhất của toà án. Ông nói ông chưa hề thấy một trường hợp nào
tương tự như vụ của tôi. Ông giải thích cho tôi biết ở Yemen, con gái thường
lấy chồng rất sớm, trước khi đến tuổi luật định là 15. Chánh án Abdo gỉải thích
thêm đó là một tập quán cổ truyền có từ lâu lắm rồi. Nhưng theo ông hiểu, không
có vụ hôn nhân, cưới gả lúc còn nhỏ tuổi nào  lại đi đến chỗ ly dị, bởi vì
ông chưa hề thấy một cô gái trẻ tuồi ra toà xin ly dị.

Thẩm phán Abdo gỉải thích xong, và nói với tôi: “Chúng tôi
sẽ tìm cho cháu một luật sư.”.

Họ có biết rằng nếu tôi về nhà, không có sự bảo đảm của họ,
chồng tôi sẽ giam giữ tôi, và tiếp tục đánh tôi?.

Tôi trợn trừng mắt và nói rất cứng với ông: “Con muốn được
ly dị.”. Nói xong, chính tôi cũng phải ngạc nhiên, và lo sợ trong bụng. Không
ngờ tôi dám nói thẳng thừng như vậy.

Ông chánh án Al-Ghazi sửa lại khăn cuốn trên đầu, và nói
với: “ Ta sẽ nghĩ cách giúp con. Không thể cho cháu bé này về nhà được đâu.”.
Lúc đó, có thêm vị quan toà thứ ba, ông Abdel Wahed, tình nguyện giúp một tay.
Ông cho biết nhà ông có dư phòng cho tôi ở tạm. Ông sẽ nhận tôi vào tá túc một
thời gian.

Đến chín  giờ sáng hôm sau, ngày thứ Bảy, chúng tôi
cùng đến văn phòng làm việc của ông Abdel Wahed ở toà án. Có mặt trong phòng
còn có các ông Abdo và Mohammad al-Ghazi. Ông Al-Ghazi tỏ vẻ lo lắng. Ông nói
với tôi: “ Chiếu theo luật Yemen, rất khó cho cháu làm đơn thưa kiện chồng và
cha cháu.”. Giống như nhiều trẻ em sinh ra trong làng quê ở Yemen, tôi không có
giấy khai sinh, và tôi lại quá nhỏ để làm đơn khởi tố, hay thưa kiện. Một hợp
đồng đã được chấp thuận, và ký kết bởi những người đàn ông lớn tuổi trong gia
đình tôi. Theo tập quán của Yemen, hợp đồng như thế là hợp pháp, và có gía trị.

Ông Mohammad al-Ghazi bàn với các vị thẩm phán đồng sự:
“Ngay lúc này, chúng ta phải hành động thật nhanh. Tôi đề nghị chúng ta tạm
thời bắt giam chồng và cha của em Nujood. Nếu chúng ta muốn che chở cho em bé
gái này, chúng ta phải tạm giam hai người đàn ông đó lại, không cho họ được tự
do.”.

Bỏ tù cha tôi! Trời đất! Liệu rằng Aba có tha thứ cho tôi
cái tội tầy đình này hay không? Lòng tôi chan chứa tủi nhục, và cảm thấy mình
tội lỗi vô cùng.

Ba ngày sau đó, tôi có mặt ngoài toà án hầu như suốt cả
ngày, hy vọng sẽ tìm ra được một giải pháp mầu nhiệm nào đó. Tôi sẽ còn phải ra
toà bao nhiêu lần nữa, Chánh án Abdo từng báo trước cho tôi biết rằng vụ kiện
của tôi hết sức dị thường, đặc biệt. Nhưng không hiểu các vị quan toà sẽ xử trí
ra sao khi họ đối đầu với trường hợp như thế này.

Tôi học hỏi và tìm được câu trả lời từ bà luật sư Shada.
Người ta đồn rằng bà Shada là một nữ luật sư giỏi nhất xứ Yemen, bà chiến đấu
hết mình để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Bà là một phụ nữ đẹp, đứng cạnh
bà, tôi ngửi thấy mùi hoa lài thơm ngát. Ngay khi vừa gặp bà lần đầu, tôi đã
thích bà. Bà không mang lưới che mặt. Bà hay mặc tấm áo dài bằng luạ màu đen,
và vấn trên đầu một khăn choàng nhiều mầu.

Khi đến gặp tôi lần đầu, tôi thấy bà tỏ ra hết sức xúc
động, và thương cảm cho tôi. Bà nói: “Trời đất ơi! Cháu còn bé quá.”. Ngay sau
đó bà lật cuốn sổ ghi hẹn của bà, và bà liên tục gọi cho gia đình, bạn bè, và
đồng nghiệp để sửa lại lịch trình làm việc vô cùng bận rộn của bà. Bà nói với
những người này nhiều lần: “Tôi vừa mới nhận bào chữa cho một vụ hết sức quan
trọng..”.

Cuối cùng, bà nói nhỏ bên tai tôi: “ Nujood, em yên trí,
tôi sẽ không bỏ rơi em đâu.”. Tôi càm thấy an toan khi ở cạnh bà. Bà biết dùng
chữ thật đúng để nói về hoàn cảnh của tôi. Âm thanh dịu dàng trong lời ăn tiếng
nói của bà làm tôi thoài mái, yên lòng.

 

Vụ Ly Dị Được Chấp Thuận

Ngày trọng đại đến sớm hơn sự mong đợi của tôi. Rất nhiều người đến dự phiên toà nhờ chiến dịch quảng bá cuả bà luật sư Shada . Tôi chưa bao giờ thấy nhiều máy chụp ảnh, và máy thu hình  như vậy. Đằng sau tấm khăn choàng đầu mầu đen, mồ hôi đổ ra ướt đẫm trên người tôi.

Nhưng tự trong đáy lòng tôi, tôi cảm thấy lạnh căm vì lo sợ, và có nhiều toan tính trong đầu. Tôi ngồi yên, không nhúc nhích. Không biết kết qủa vụ án ly dị sẽ như thế nào? Nếu hắn chỉ trả là không đồng ý cho tôi ly dị thì tôi sẽ ra làm sao? Lỡ hắn cả gan lên tiếng hăm doạ các ông quan toà thì hậu quả như thế nào?

Lo thầm trong bụng, người tôi phát lạnh run: Tôi trông thấy
cha tôi và con ác qủi  xuất hiện. Họ được hai người lính hộ tống đi ra
trước toà. Hai tù nhân trông có vẻ tức giận lắm, tên ác qủi cúi đầu nhìn xuống
đất, rồi đột nhiên hắn ngẩng mặt lên, quay lại nhìn bà luật sư Shada. Hắn mỉa
mai nói: “Coi bộ mày hãnh diện quá hả?” .

Bà Shada tỉnh bơ, không chớp mắt. Cái nhìn của bà cho thấy
bà sẵn sàng thách thức tên này. Tôi học được ở bà nhiều bài học quí báu.

Bà nói nhỏ với tôi: “Đừng thèm nghe hắn nói.”.

Tim tôi đập mạnh. Khi ngước mắt nhìn lên, tôi chợt bắt gặp
tia nhìn của Aba, cha tôi. Trông ông có vẻ tức giận, buồn phiền nhiều lắm. Ông
từng nói với tôi về hai chữ “Danh Dự”. Nhìn vào mặt ông lúc này tôi mới hiểu ý
nghĩa của cái từ phức tạp này. Tôi có thể đọc được trong ánh mắt của ông vừa
tức giận vừa xấu hổ. Tôi giận ông lắm, nhưng tôi cũng không khỏi ân hận dùm cho
ông. Sự kính trọng của người khác dành cho ông rất  quan trọng ở vùng này.

Bây giờ đến lượt quan toà Abdo lên tiếng:

“Ở đây chúng ta có một vụ kiện giữa một cô gái bị ép buộc
phải lập gia đình, không có sự ưng thuận của cô. Sau khi hợp đồng hôn nhân được
ký kết cô không biết, cô gái bị cưỡng bách đem đến sống ở tỉnh Hajja. Ở đây, cô
bị chồng hãm hiếp, vùi dập khi cô chưa đến tuổi dậy thì, và không sẵn sàng cho
chuyện sinh lý. Người chồng đó còn đánh đập, và sỉ nhục cô ta. Cô ra toà hôm
nay để xin toà án cho phép cô được ly dị.” .

Giây phút quan trọng sắp xảy ra khi bản án cho kẻ có tội
được tuyên đọc.

Quan toà phải gõ cái búa bằng gỗ  lên bàn vài lần để
vãn hồi trật tự, yên lặng.

Ông nói với con quái vật mà tôi thù ghét: “Hãy lắng nghe
cho kỹ những gì tôi sắp nói: Anh lập gia đình với một cô gái cách nay hai
tháng. Anh ngủ với cô ta, anh đánh cô ta. Có đúng hay không?”

Tên ác qủi chớp mắt hai ba lần, rồi hắn trả lời: “Không.
Điều đó không đúng. Cô ta và cha của cô chấp thuận cuộc hôn nhân này.”.

Tôi nắm vạt áo bà Shada, kéo mạnh, và nói:

“Nó nói láo.”.

Quan toà quay sang cha tôi và hỏi: “Ông có đồng ý về vụ hôn
nhân này hay không?”.

“Vâng, tôi đồng ý.”

“Con gái của ông bao nhiêu tuổi?”

“Con gái tôi 13 tuổi.”

Mười ba ư? Chưa hề có ai nói tôi 13 tuổi. Tôi vặn vẹo hai
bàn tay vào nhau để trấn an lòng mình.

“Tôi gả con đi lâý chồng đế nó không bị người khác bắt trộm
đem đi.”.

Tôi chẳng hiểu cha tôi muốn nói cái gì. Câu trả lời của ông
rất mơ hồ và khó hiểu, và những câu hỏi sau đó của quan toà càng lúc càng thêm
phức tạp. Người ta bắt đầu to tiếng với nhau. Kẻ bị truy tố lên tiếng biện
minh. Tiếng ồn ào trong phòng xử ngày càng to hơn, trong lúc tim tôi đập loạn
xạ, dồn dập.

Ông chánh án ra hiệu cho chúng tôi đi theo ông sang một
phòng khác, tránh sự bàn tán của công chúng. Ông quan toà hỏi: “Faez Ali
Thamer, anh có làm tình với cô gái trong đêm tân hôn hay không. Trả lời cho tôi
rõ có hay không?”

Tôi nín thở nghe hắn trả lời. “Thưa có”, hắn thú nhận,
“nhưng tôi đã làm rất nhẹ nhàng với cô ta. Tôi rất cận thận. Tôi không hề đánh
cô ta.”

Câu trả lời của hắn như một cái tát thật mạnh vào mặt tôi.
Nó làm tôi nhớ lại những đau đớn, tủi hờn tôi phải chịu đựng.

“Điều đó là sai, không đúng.”, Tôi hét lên cho thỏa cơn tức giận.

Mọi người quay lại nhìn vào tôi. Nhưng chính tôi cũng phải
ngạc nhiên không ngờ mình nóng giận đến thế. Sau đó, mọi việc diễn tiến mau
chóng, thông suốt. Thằng ác quỉ nói rằng cha tôi đã phản bội, không giữ đúng
lời hứa, khi ông không nói thật tuổi của tôi. Đến lúc đó thì Aba, cha tôi lại
nổi giận, khai toạc hết ra là thằng qủi nó hứa với cha tôi nó sẽ đợi chờ, không
đụng vào người tôi cho đến khi tôi khôn lớn. Thằng ác qủi tuyên bố rằng nó sẵn
sàng chấp nhận cho tôi ly dị với một điều kiện là cha tôi phải hoàn trả số tiền
mua đứa con gái về làm vợ. Và lúc đó, cha tôi bèn quật ngược lại. Ông nói rằng
hắn chưa hề trả cho cha tôi một món tiền nào cả. Đôi bên cãi nhau như những kẻ
buôn bán ở ngoài chợ: Trả hồi nào? Trả ở đâu? Trả bao nhiêu?

Cuối cùng, tôi được quan toà cứu thoát bằng án lệnh ông ban ra.

Ông tuyên bố: “Toà án cho phép ly dị.”

 

Tái bút:

Vụ ly dị của tôi đã làm thay đổi đời tôi. Mỗi khi tôi đi ra ngoài đường phố, nhiều phụ nữ, chị em bạn gái níu áo tôi hỏi thăm, và chúc mừng tôi đã thắng kiện. Lúc gần đây, tôi đã rời khỏi nhà chú tôi, trở về sống với cha mẹ tôi. Tất cả chúng tôi đều tìm cách quên đi những chuyện bất hạnh xảy ra cho tôi.

Cách đây vài tuần, những cơn ác mộng của tôi không còn nữa. Thay vào đó, tôi mơ đến một ngày được cắp sách đến trường đi học lại. Sau này, khi lớn lên, tôi sẽ học trở thành một luật sư, giống như bà Shada, để bênh vực những em gái khác nhỏ bé như tôi.

Ghi chú thêm: Cuốn sách về câu truyện có thật của em Nujood được phát hành, và bán rất thành công. Do đó, kết quả thu về đã giúp em và cả gia đình thoát khỏi cuộc sống nghèo túng. Bây giờ gia đình em đã mua được một căn nhà ở Sana để sống, và có lợi tức vững chắc. Một người bạn và cũng là cố vấn cho gia đình tiết lộ rằng em Nujood bây giờ trở thành một thiếu nữ 15 tuổi, em phải chật vật sửa đổi cách ứng sử vì em quá nổi tiếng. Em đang cố trau dồi Anh Ngữ, và muốn du học ở nước ngoài.

Tháng Tư năm 2009, quốc hội nước Yemen nâng tuồi thành hôn luật định của các em gái lên 17 tuổi, nhưng qua ngày hôm sau, đạo luật này bị tiêu hủy. Hiện nay, nước Yemen đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị, và đàn ông có thể lấy vợ nhỏ tuổi bao nhiêu cũng được.

Tóm lược cuốn tự truyện của Nujood Ali, cùng với sự phụ giúp của Delphie Minoui

Nguyễn Minh Tâm dịch
theo Reader’s Digest

Bệnh viêm phổi

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Với thời tiết mưa lạnh thay đổi bất thường như hiện nay, thì số người mắc bệnh Viêm
Phổi cũng gia tăng.

Viêm phổi là bệnh khá phổ biến. Tại Hoa Kỳ mỗi năm có từ 2-3 triệu người bị Viêm
phổi với cả gần 50,000 tử vong, trong khi đó, tại các quốc gia đang phát triển
thì bệnh này là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong dân chúng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra Viêm phổi là do các loại vi khuẩn, virus có mặt thường xuyên trong môi trường mà ta sinh sống. Khi sức đề kháng với bệnh tật bị suy yếu, các vi
sinh vật này sẽ vượt qua hàng rào bảo vệ, xâm nhập phổi và gây ra bệnh.

Vi khuẩn Streptococcus pneumonia là vi khuẩn gây viêm phổi thông thường
nhất.

Dấu hiệu bệnh

Khi bị viêm phổi do vi khuẩn thì các dấu hiệu bệnh xuất hiện khá nhanh.

-Bệnh nhân bắt đầu ho ra đàm đôi khi lẫn máu. Đàm là những chất nhớt tiết ra từ
phổi khi bị các vi sinh vật kích thích. Ho là phản ứng của cơ thể để loại bỏ
đàm nhớt, nếu không thì sự hô hấp trao đổi không khí sẽ bị trở ngại.

-Sốt: Nhiệt độ cơ thể tăng, có khi tới 39 độ C hoặc 102 độ F. Bệnh nhân cũng
thấy ớn lạnh run lập cập và đổ mồ hôi.

-Khó thở, đau ngực. Hơi thở ngắn và dồn dập nhanh, không đủ thì giờ cho sự trao
đổi giữa dưỡng khí và thán khí, bệnh nhân mệt mỏi, xanh sao.

Nếu màng phổi cũng bị viêm nhiễm thì cơn đau ngực lại gia tăng như xé cắt lồng
ngực, nhất là khi ho hoặc thở mạnh hít vào.

– Nhức đầu, nhịp tim nhanh có khi lên tới trên 100 nhịp/phút.

– Cơ thể mệt mỏi, yếu sức uể oải không muốn cất nhắc làm bất công việc nặng nhẹ
nào.

– Nhiều người bị nôn mửa, thậm chí kèm theo tiêu chảy.

Ở người cao tuổi, nhiệt độ đôi khi lại không cao lắm, ho lại không có đàm khiến
cho họ không chú tâm tới bệnh, tới khi bệnh trầm trọng thì quá trễ.

Với viêm phổi do virus gây ra thì dấu hiệu lại không rõ ràng, đôi khi có thể
lầm tưởng là mình chỉ bị common cold.

Nhiều trường hợp, Cảm lạnh và Cúm tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập cơ thể, gây ra
Viêm Phổi, là biến chứng trầm trọng, có thể gây ra tử vong ở trẻ em và người
tuổi cao mà sức đề kháng suy kém.

Ai hay bị viêm phổi.

-Tuổi tác. Hai lớp người dễ bị viêm phổi là người trên 65 tuổi và các cháu bé
dưới 1 tuổi. Ở người trên 65 tuổi, tính miễn dịch của cơ thể giảm còn ở các
cháu bé thì sức đề kháng với vi khuẩn chưa được phát triển đầy đủ;

– Hút thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch khiến cho viêm phổi dễ dàng xảy ra dù là
ở người trai tráng khỏe mạnh;

– Người đang có bệnh kinh niên như tim mạch, tiểu đường, bệnh hen suyễn hoặc đang
trải qua hóa trị hoặc xạ trị với các bệnh ung thư;

-Uống nhiều rượu;

-Đang dùng các loại thuốc chống acid bao tử như Prisolex;

-Làm việc trong môi trường không khí ô nhiễm với bụi bặm hóa chất như tại nông
trại, công trường…;

-Sống chung với nhiều người như trường học, nhà dưỡng lão, bệnh nhiễm dễ lây lan
từ người nyày sang người khác.

Làm sao xác định bệnh

Khi các dấu hiệu bệnh kể trên kéo dài sau vài ba ngày mà không thuyên giảm thì nên
đi bác sĩ để khám tìm bệnh.

-Thường thường, chụp X-ray phổi xác định bệnh với các vết mờ của các vùng phổi bị
viêm xuất hiện trên phim.

-Thử máu để đo số lượng bạch huyết cầu. Nếu số lượng lên cao thì đó là dấu hiệu
của sự nhiễm trùng, vì các tế bào này được sản xuất nhiều để chống lại sự xâm
nhập của tác nhân gây bệnh.

Bác sĩ cũng thử đàm hoặc chất tiết ra từ cơ quan hô hấp để tìm ra các loại vi sinh
vật có thể gây ra bệnh rồi dùng các dược phẩm thích hợp.

Ta cũng thấy bác sĩ dùng ống khám bệnh để nghe hơi thở bất thường trên ngực trên
lưng bệnh nhân: những tiếng khò khè vì ống phổi có đàm, những vùng phổi bị
thương tích không truyền được âm thanh của hơi thở.

Bệnh viêm phổi có nguy hiểm không?

Với người khỏe mạnh, có sức đề kháng cao và được điều trị đúng lúc, đúng cách với
kháng sinh hữu hiệu, họ có thể vượt khỏi các biến chứng của bệnh viêm phổi.
Nhưng với người cao tuổi hoặc trẻ em quá nhỏ, viêm phổi có thể đưa tới các biến
chứng trầm trọng như:

-Nhiễm trùng huyết: khi vi khuẩn từ tế bào phổi xâm nhập dòng máu ở các phế
nang, đưa tới nhiễm vi khuẩn tổng quát, gây nguy hại cho các bộ phận khác của
cơ thể thậm chí cả tử vong.

-Túi mủ trong phổi khi mà vi sinh vật tích tụ trong phổi tạo ra các túi mủ, hủy
hoại sự hô hấp và gây tổn thương cho phổi.

-Viêm nhiễm màng phổi, màng phổi ứ nước gây đau đớn khó khăn khi thở.

-Khi phổi bị viêm gây ra tổn thương ở nhiều vùng, sự hô hấp giảm đưa tới rối
loạn trao đổi không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe chung của con người.

Bác sĩ chữa viêm phổi ra sao?

-Viêm phổi gây ra do virus thường mau lành dù không điều trị. Vả lại, cũng không
có thuốc đặc trị cho virus viêm phổi. Kháng sinh không có công hiệu gì với
virus. Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tự chăm sóc ít ngày là vượt qua,
ngoại trừ khi lại bị bội nhiễm với các loại vi khuẩn.

-Với viêm phổi do vi khuẩn, bác sĩ có thể lựa nhiều loại kháng sinh thích hợp để
loại trừ vi khuẩn đó. Thời gian uống kháng sinh tùy theo tình trạng nặng nhẹ
của bệnh cũng như sức khỏe của mỗi người, có thể là 2 tuần lễ. Xin uống thuốc
theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ngưng thuốc khi thấy dấu hiệu bệnh
thuyên giảm, vì vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn và chúng có thể trở nên
quen nhờn với thuốc.

Ngoài ra, thuốc hạ nhiệt độ như Tylenol, Ibuprofen cũng cần dùng tới. Xin đừng cho
trẻ em dùng thuốc Aspirin vì thuốc có thể gây ra tác dụng phụ quan trọng.

Hỏi ý kiến bác sĩ coi có cần uống thêm thuốc ho, vì ho là để loại bỏ nhớt đàm từ
phổi. Nếu cần, chỉ nên uống vừa đủ thuốc ho để bớt khó chịu và ngủ dễ dàng.

Nên uống nhiều nước để đàm loãng, dễ được loại bỏ khỏi cơ thể.

Thường thường viêm phổi có thể điều trị tại nhà, uống các dược phẩm do bác sĩ biên
toa. Chỉ vào bệnh viện nếu trên 65 tuổi, ho nhiều, khó thở, nhịp tim nhanh,
huyết áp xuống thấp, cần thở với bình dưỡng khí, không ăn uống được.

Có thể phòng ngừa bệnh viêm phổi không?

Sau đây là một số biện pháp mà mọi người có thể áp dụng để giảm thiều rủi ro bị
Bệnh Viêm Phổi.

1.Ngưng hút thuốc lá, nếu đang hút.

2.Đừng tiếp xúc quá gần với người đang bị bệnh truyền nhiễm như cảm lạnh, cúm, viêm
phổi.

3.Rửa tay thường xuyên để giảm thiểu sự lây lan của bệnh vì vi sinh vật gây bệnh
dính trên tay của mình, rồi đưa tay dơ lên miệng, lên mũi. Nếu không có dịp rửa
tay bằng nước với xà bông, có thể tạm thời lau chùi tay với dung dịch có chất
cồn.

Khi ho, hắt hơi, dùng giấy hoặc khuỷu tay áo để che mũi miệng thay vì dùng bàn tay.

4.Chích ngừa

Với người trên 65 tuổi, người hút thuốc lá, hoặc người có bệnh kinh niên được chích
loại vaccine dành riêng cho họ gọi là PPSV (Pneumococcal polysaccharide vaccine).

Với trẻ em là pneumococcal conjugate vaccine (PCV).

Xin hỏi bác sĩ về lịch trình chích ngừa cho từng loại tuổi.

Ngoài ra, mọi người cũng cần chích ngừa các bệnh có thể gây ra viêm phổi, như chích
ngừa cúm mỗi năm; chích ngừa thủy đậu, ban sởi nếu chưa bao giờ mắc các bệnh
này hoặc chưa bao giờ chích ngừa chúng.

Tự chăm sóc

Ngoài việc uống thuốc theo toa bác sĩ, bệnh nhân nên có chương trình tự chăm sóc, như là:

-Nghỉ ngơi đầy đủ để dưỡng bệnh và trị bệnh;

-Không đi làm hoặc đi học cho tới khi hết nóng sốt để tránh truyền bệnh của mình
cho người khác;

-Uống nhiều chất lỏng như nước, các loại súp để tránh thiếu nước trong cơ thể và
để long đàm, dễ loại ra ngoài;

-Giữ hẹn tái khám với bác sĩ.

Kết luận

Một vài kết luận nên ghi nhớ:

– Tuy Viêm Phổi là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 6 trong số các bệnh tại Hoa
Kỳ, và

-Bệnh Viêm Phổi rất dễ lây lan tử người này qua người khắc, bằng những hạt nước
nhỏ li ti từ mũi miệng người bệnh đưa vào không khí mà mọi người hít thở.

-Nhưng Viêm Phổi là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Anh chị Thụ Mai gởi

Ông Táo chầu Trời

Trầm thiên Thu
1/28/2013
Tết đến, người ta cũng nghĩ ngay tới Táo Quân. Người Việt không xa lạ với “sự kiện” Táo về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc xảy ra trong năm cũ. Có một loại văn vần như vè, thường là 4 chữ, quen gọi là “Sớ Táo Quân”.
Táo Quân [Trung ngữ: 灶 君 (Táo quân), Zào jūn], Táo Vương (灶 王) hay Ông Táo trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam và Trung quốc được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà. Táo (灶) nghĩa là bếp. Việt Nam và Trung quốc có những
truyền thuyết về Táo Quân khác nhau.
Trung Hoa có những truyền thuyết về Táo Quân như sau:
– Theo Lã Thị Xuân Thu: Chúc Dung là thần quản lý lửa do Viêm Đế mang tới, khi
chết người dân thờ làm thần lửa.
– Theo Ngũ Kinh Di Nghĩa: Táo Quân tên Tô Cát Lợi, vợ là Vương Thị.
– Theo Dũ Dương Tạp Trở: thần lửa trông như một cô gái đẹp, tên là Ổi hay
Trương Đan, tên chữ là Tử Quách, những ngày không trăng thường lên trời tâu về
việc người nào có lỗi.
– Theo Hoài Nam Tử: Viêm Đế (tức Thần Nông) mang lửa đến cho dân, khi chết được
thờ làm Thần bếp.
Về giới tính, người dân Phúc Kiến (Giang Tây) cho rằng Táo là nữ thần, gọi là
“Táo Quân Lão Mẫu” hoặc “Táo Quân Thái Thái”. Theo Thái Bình Ngũ Lãm trích từ
Ngũ Kinh dĩ nghĩa, Trịnh Huyền cho Táo Thần là “lão phụ”, tức một bà già. Hứa
Thận, nhà ngôn ngữ đời Đông Hán, cho rằng: “Táo Thần họ Tô, tên Cát Lợi, phu
nhân của Táo Thần họ Vương tên Bác Giáp”, và hình tượng Táo Thần là người đàn
ông. Nhưng người vùng Ninh Hóa và một số vùng khác thì vẫn tôn thờ nữ thần, có
thể do họ chịu ảnh hưởng của Trịnh Huyền hoặc cho Táo Thần chuyên lo việc bếp
núc, điều tra tội nhỏ, công việc của nữ giới.
Người Trung Quốc cho rằng, trước kia, mỗi tháng vua bếp lên trời một lần vào
ngày tối trời (cuối tháng âm lịch) để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình
nhưng sau này, mỗi năm vua chỉ lên trời một lần vào ngày 23 tháng Chạp. Vào
ngày đó, người Trung Quốc bày bàn thờ gần bếp, cúng vua bếp với thịt, cá, rượu
nếp, bánh kẹo. Ngoài ra còn có nước và cỏ khô cho ngựa của vua bếp “ăn” để bay
và chở vua lên trời.
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần: Thổ
Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung quốc, nhưng được Việt hóa thành huyền
tích “hai ông, một bà” – thần Đất, thần Nhà, thần Bếp. Tuy vậy, người dân vẫn
quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo, do kết quả của tính chất Tam vị Nhất
thể (Trinity, Chúa Ba ngôi). Bếp là nguyên bản của nhà khi người nguyên thủy có
lửa, và đều dựa trên nền móng là đất.
Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi được ghi chép, do đó có
những sự khác nhau về chi tiết. Nội dung chính như sau:
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn
phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá nên đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà
ra đi, sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ,
nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm, vì tiền bạc đem theo đều
tiêu hết, Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, hai người nhận ra nhau. Thị Nhi đưa Trọng
Cao vào nhà, hai người hàn huyên tâm sự, rồi Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót
lấy Phạm Lang làm chồng.
Lúc đó, Phạm Lang trở về. Sợ chồng bắt gặp Trọng Cao thì khó giải thích nên Thị
Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà rồi ra đốt
đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu.
Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên
nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao nên cũng
nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được gặp Thượng đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa,
nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (定 福 灶 君), nhưng mỗi người giữ một việc: Phạm Lang làm Thổ
Công, trông coi việc bếp núc, danh hiệu là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân;
Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa, danh hiệu là Thổ Địa Long Mạch
Tôn Thần; Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa, danh hiệu là Ngũ Phương
Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Người Việt quan niệm rằng ba vị Thần Táo định đoạt phúc đức cho gia đình, do
việc làm đúng đạo lý của những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp,
trên có bài vị viết bằng chữ Hán. Hằng năm, đúng ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo
Công lên chầu trời, có nơi gọi ngày này là “Tết Ông Công”, lễ cúng có cá chép –
vì người Việt cho rằng ông Táo cưỡi cá chép lên trời.
Ngoài ra người Việt còn quan niệm rằng Táo Quân lên trời và thưa với Ngọc Hoàng
Thượng Đế về những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế,
người Việt làm lễ tiễn ông Táo rất thịnh soạn, với mong muốn những điều tốt đẹp
nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, còn những điều không may mắn hoặc không tốt
sẽ được báo cáo nhẹ đi. Tương truyền như thế.
Người Công giáo không có thói quen cúng Táo Quân nhưng cũng vẫn biết truyền
thuyết này và cũng nhắc tới khi trò chuyện vào những ngày cuối năm.
Nói đến chuyện Ông Táo lên chầu trời, chúng ta cũng nhớ tới việc trình diện
Thiên Chúa khi chúng ta từ giã trần gian để về Trời làm công dân Thiên quốc.
Ông Táo chầu trời rồi lại về trần gian, còn chúng ta thì một đi không trở lại.
Đặc biệt là chúng ta phải trình diện Chúa mà không cần báo cáo, vì mọi sự đều
tỏ bày rõ ràng.
Là phàm nhân, ai cũng chết, đó là hậu quả của tội lỗi: “Phận con người là phải
chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9:27). Nhưng chúng ta không bi
quan, nếu chúng ta sống khiêm nhường: “Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa
và Người sẽ cất nhắc anh em lên” (Gc 4:10).
Thánh Gioan căn dặn: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết
cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội thì
chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng
Công Chính” (1 Ga 2:1). Thật may mắn và hạnh phúc cho những tội nhân chúng ta!
Tuy nhiên, trách nhiệm và bổn phận của chúng ta là phải sinh lời tùy theo số
“nén bạc” mà Thiên Chúa đã giao cho chúng ta quản lý (x. Lc 19:11-27; Mt 25: 14
-30). Cuối cùng, ai cũng phải tổng kết cuộc đời khi Thiên Chúa bảo chúng ta
vĩnh biệt trần gian này.

Thật hạnh phúc nếu chúng ta được đứng bên những người lành và được Chúa chào
mừng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25:34-36).
Nhưng thật khốn nạn nếu chúng ta phải đứng bên những kẻ dữ và bị Chúa nguyền
rủa: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng” (Mt 25:41-43).
Chúng ta hoàn toàn câm họng, chẳng nói được gì mà tự biện hộ, vì tất cả được
phát hình và phát thanh chính xác từng chi tiết của cuộc đời của mỗi chúng ta.
Ngày Hăm ba, tháng Chạp

Táo quân phải chầu Trời
Rồi sẽ đến lượt tôi
Về trình diện Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin xót thương con là tội nhân!

Đức Thánh Cha giải thích: Tại sao chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha?

Đức Thánh Cha giải thích: Tại sao chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha?

Đồng Nhân

1/30/2013

Nguồn: Vietcatholic.net

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 30 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã trình bày những suy tư của ngài về lý do tại sao chúng ta gọi Thiên Chúa là “Cha”. Đức Thánh Cha giải thích rằng Tin Mừng sử dụng thuật ngữ này để phản ánh về sự thứ tha, rộng lượng và lòng thương xót của một người cha nhân lành.

Đức Giáo Hoàng cũng nói thêm rằng khi các bậc cha mẹ gặp khó khăn trong việc
chăm sóc và nuôi dạy con cái, họ có thể tìm kiếm nơi Thiên Chúa là Cha Toàn
Năng những mẫu gương để vượt qua những thử thức này.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, Tiếp tục các bài giáo lý của chúng ta trong Năm Đức Tin,
giờ đây chúng ta hãy suy tư về lý do tại sao Kinh Tin Kính mô tả Thiên Chúa là
“Cha Toàn Năng”. Bất chấp cuộc khủng hoảng về tình phụ tử trong nhiều
xã hội, Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng ý nghĩa của việc gọi Thiên
Chúa là “Cha”.

Lòng quảng đại, trung thành, tha thứ, và yêu mến thế gian của Ngài vô biên đến
độ đã ban cho chúng ta Con Một của Ngài để cứu rỗi của chúng ta.

Là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15), Chúa Giêsu tỏ cho
chúng ta thấy Thiên Chúa là một người Cha đầy lòng thương xót không bao giờ bỏ
rơi con cái của mình và yêu thương lo lắng cho chúng ta đến độ chấp nhận cả
Thập Giá. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã biến chúng ta thành dưỡng tử của Ngài.
Thập giá cũng cho chúng ta thấy Thiên Chúa, là Cha của chúng ta, là Đấng
“toàn năng” đến mức nào.

Sự toàn năng của Ngài vượt qua khái niệm đầy hạn hẹp của của con người chúng ta
về quyền lực, sức mạnh của Ngài chính là ở một tình yêu nhẫn nại được thể hiện
trong chiến thắng cuối cùng của sự tốt lành trên sự gian ác, sự sống trên sự
chết, và tự do trên ách nô lệ của tội lỗi. Khi chúng ta chiêm ngắm Thánh Giá
của Chúa Kitô, chúng ta hãy hướng về Thiên Chúa là Cha toàn năng và cầu xin ân
sủng của Ngài giúp chúng ta từ bỏ chính mình với lòng cậy trông và tin tưởng
nơi tình yêu đầy lòng thương xót và quyền năng cứu độ của Ngài.

Tôi chào đón nồng nhiệt các linh mục tham dự khoá thường huấn tại phân khoa
Giáo dục thần học của trường Đại học Bắc Mỹ. Với tất cả các du khách nói tiếng
Anh hiện diện tại buổi triều yết ngày hôm nay, bao gồm những người từ Hàn Quốc,
Canada và Hoa Kỳ, tôi cầu khẩn muôn ơn lành của Thiên Chúa, niềm vui và an bình
tuôn đổ trên anh chị em.

Khám Phá Thánh Địa 1/2

Phim: Khám phá Đt Thánh phn 1

Bộ phim :” Khám phá đất Thánh” sẽ đưa chúng ta đến với những vùng đất trong Kinh Thánh bằng những hình ảnh sống động.

Cùng với bộ phim, chúng ta không những có cơ hội được khám phá những vùng đất mà ngày xưa đã từng in dấu tích lịch sử trong lịch sử Công Giáo mà còn là dịp để chúng ta cùng học biết về những nét văn hóa đặc sắc về những cư dân hiện đại cũng như những con người xa xưa nữa.

Nhờ đó, người Ki tô hữu có thể hiểu thêm về Kinh Thánh, hiểu thêm và tin yêu thêm vào Đức Giê su, Đấng Cứu độ duy nhất của chúng ta.

Kính mời xem phim

Phần 1

httpv://www.youtube.com/watch?v=xzTM3V4xuQY&feature=player_embedded

nguồn:Thuỳ Hương gởi

& Lm.Jos Nguyễn Quốc Quang

Sống trong thế giới biết ơn

Sống trong thế giới biết ơn

Xin biết ơn những người khiển trách ta, vì các người giúp ta
tăng trưởng định tuệ.

* Xin biết ơn những người làm ta vấp ngã, vì các người khiến năng lực của ta mạnh mẽ hơn.

* Xin biết ơn những người bỏ rơi ta, vì các người đã dạy cho ta biết tự lập.

* Xin biết ơn những người phản bội và đâm sau lưng ta, vì các người đã tiêu trừ nghiệp chướng cho ta.

* Xin biết ơn những người lường gạt ta, vì các người tăng tiến kiến thức cho ta.

* Xin biết ơn những người làm hại ta, vì các người đã tôi luyện tâm trí của ta.

* Xin biết ơn tất cả những người khiến ta được Kiên Định Thành Tựu.

Câu chuyện con lừa.

Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy chân
rơi xuống một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang
trại cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao
thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa
lên cả. Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. Họ xúc đất và đổ vào giếng.
Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng
sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống
giếng và vô cùng sửng sốt. Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình
cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước
lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng
giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.

Cuộc sống sẽ đổ rất nhiều thứ khó chịu lên người bạn. Hãy xem mỗi vấn đề bạn gặp phải là một hòn đá để bạn bước lên cao hơn. Chúng ta có thể thoát khỏi cái giếng sâu nhất chỉ đơn giản bằng cách đừng bao giờ đầu hàng.

Thiền Sinh và Con Bọ Cạp.

Một thiền sinh ngắm nhìn dòng suối hiền hòa,
bỗng nhiên trông thấy một con bò cạp rớt xuống suối. Vị thiền sinh này đưa tay
vớt nó và nhẹ nhàng để nó lên mặt đất. Con bò cạp theo phản ứng tự nhiên là
cong đuôi chích bất cứ ai đụng đến nó. Mặc dù bị nó chích rất đau, nhưng ông
không hề tức giận, vì đã làm được một việc mà ông thích làm là cứu sống được
con bò cạp. Sau đó, ông đứng lên đi, nhưng đi được vài bước, thì ông quay lại
nhìn con bò cạp, thấy nó lại té xuống suối nữa. Ông vội vàng chạy lại vớt nó,
rồi cẩn thận đặt nó lên mặt đất. Lần thứ hai cũng như lần đầu, ông cũng bị nó
chích nữa. Trông thấy cảnh tượng này, một sư huynh đứng bên cạnh bực mình, nói
lớn: “Con bò cạp vô ơn bạc nghĩa như vậy, cắn hoài, cứu nó làm gì cho mệt. Kệ
xác nó”. Ông thản nhiên trả lời rất hay: “Chích là thói quen của con bò cạp,
giúp nó là thói quen của tôi”. Đó chính là thói quen của lòng từ bi.
Chúng
ta giúp đỡ người khác bằng một thái độ không mong họ phải biết ơn, đền ơn.
Người như vậy mới làm nên đạo cả. Nhưng triết lý của câu chuyện không ở góc độ
này, mà muốn nói điều quan trọng hơn. Đó là nếu chúng ta muốn làm Phật sự, muốn dấn thân vào đời, muốn giúp đỡ mọi người, nếu không chịu đựng được những cú chích của con bò cạp, cú chích của những lời thị phi, của lời hãm hại, của sự đày
đọa, của những gian lao thử thách, thậm chí là việc sát hại, chúng ta sẽ không
bao giờ thành công được.

Vì thế, thiếu vắng lòng từ bi, lòng khoan dung, lòng kham nhẫn mà làm nhiều
Phật sự chừng nào, lòng sân hận, buồn phiền của chúng ta càng dễ lớn chừng đó.
Đôi lúc chúng ta làm Phật sự trở thành ma sự là vì vậy.

Tâm huyết quá lớn, nhưng không có sự tu tập để chuyển hóa được nghịch cảnh, để
thăng hoa đời sống tâm linh và đạo đức, thì sự sân hận, uất ức và sự si mê sẽ
có cơ hội lớn mạnh, len vào tâm trí chúng ta để trở thành những thói quen mới.
Đó là thói quen xấu trước những hoàn cảnh không thuận duyên.

Triết lý của câu chuyện ở chỗ đó. Chúng ta thấy bò cạp có thói quen chích. Nhân
tình thế thái trong cuộc đời cũng như vậy. Đôi lúc chúng ta nhiệt tình với
người nào đó quá mức, chúng ta giúp đỡ, xây dựng, giáo dưỡng người đó càng
nhiều thì càng làm họ bị trói buộc, cho nên nhà Nho nói rằng giáo đa thành
oán.

Thói quen của sự phản bội, của nhân tình thế thái là những thứ dễ làm chúng ta
chán nản lắm và nếu như không có lòng chịu đựng được những cú chích của nhân
tình thế thái thì tốt hơn, chúng ta đừng bao giờ dấn thân hành Bồ tát đạo.
Chúng ta tu tập hạnh Độc giác, tức giác ngộ rồi nhập Niết bàn còn tốt hơn; vì
làm quá độ chẳng những không có lợi cho người khác, còn hại đến bản thân và đời
sống nội tâm của ta rất nhiều.

S.T.

MỘT LỜI CẢNH BÁO ĐÁNG SUY TƯ

MỘT LỜI CẢNH BÁO ĐÁNG SUY TƯ

Đặng Tự Do

Trên tờ Records của giáo phận Perth, Australia, có đăng lời tâm sự
của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh
mục, nay đã hoàn tục. Bài tâm sự này là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta
không nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện hằng ngày.

“Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức
Kitô. Tôi xác quyết rằng dù sống hay dù chết, dù tù đày, bắt bớ, dù khốn cùng,
quẫn bách. Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức
Kitô”.

Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát
trên.  Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy thì tôi sẽ đời đời sống
trong lòng mến của Thiên Chúa. Thật ra, cũng không hoàn toàn là vô lý.
Thật sự, đúng là tù đày, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không tách tôi ra khỏi
lòng mến của Thiên Chúa.  Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy không xảy ra
trên đất nước tự do này.  Ai dám bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược
đãi tôi vì tôi là người Công giáo, tôi kiện lên họ tới Tối Cao Pháp Viện chứ
chơi à.

Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ
tách tôi mà thực sự là “bứng” tôi hoàn toàn khỏi lòng mến của Thiên
Chúa: một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi
như cồn với tác phẩm đầu tay “Tiếng thở dài”.  Cuốn sách trình bày những
suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong kiếp nhân sinh này, đã được bề
trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt.  Có những
người viết thư cho tôi cho biết họ tìm lại được đức tin sau khi đọc cuốn sách
đó.  Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở các ý kiến của
tôi.  Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn sách, họ
cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con.  Con
phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa
muốn nói với con điều gì?”.

Khốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện.  Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa.  Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học, cho nên
tôi xao lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi
nói và viết hằng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi.  Có
lẽ, tôi đã cho rằng cầu nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người
bình dân.  Siêu đẳng như tôi thì không cần.  Càng ngày tôi cũng càng
ít có giờ cho giáo dân và càng ngày tôi càng bướng bỉnh và kiêu căng với các
đấng bề trên.  Chuyện gì đến cũng đã đến.  Tôi không muốn sa vào
những phân tích vụn vặt.  Điều tôi muốn nói với các bạn sau nhiều năm suy
tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân thành của tôi là sự
thật đơn giản này: Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên
Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài.  Chính đời sống cầu
nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình
yêu thương của Thiên Chúa.

Chẳng vậy, mà trong Phúc âm biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu
này: “Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện”. Chính
Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý
Chúa Cha.  Chúng ta là ai, tư cách gì, mà đòi có thể biết được ý Chúa
qua trí khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt, bận rộn
của cuộc sống quay cuồng chung quanh.

Chẳng vậy, tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều
hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao. Chúng ta cũng
nhìn thấy điều này nơi các Thánh mà chúng ta hằng tôn kính.  Chính sự
cầu nguyện đã giúp các Ngài nên Thánh.

Tôi đặc biệt mong muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô 2 đã viết trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”:

Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên
Chúa.  Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo
và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí “dò thấu mọi
sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa”
(1 Cr 2, 10), cũng như
dò thấu những gì bí mật của tâm hồn.  Trong việc cầu nguyện, trước hết,
Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tới gặp con
người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy và mời gọi chúng ta hãy tin
tưởng”.

Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống
cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi.

*************************************

Những lời cảnh báo này thật đáng suy nghĩ.  Bao nhiêu lần tôi
đi dự lễ ngày Chúa Nhật mà chỉ mong cha làm cho nhanh nhanh để tôi về còn lo
làm chuyện khác.  Tôi có chuyện gì đáng lo hơn là phần rỗi linh hồn của
tôi.

Tôi có một công việc rồi, còn muốn kiếm thêm một công việc nữa đến
nỗi không còn có giờ cầu nguyện nữa.  Sống như điên, cày như điên như thế
có phải là cuộc sống được chúc phúc không?

Đặng Tự Do

langthangchieutim &

Anh chị Thụ & Mai gởi

Cảm Nghiệm Sống

Tu Tại Gia

“Thứ nhất thời tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu… dòng” (2)
(Mượn ý  Ca dao)

Có ba người cùng tôn giáo, một là nhà truyền giáo, một là tài xế lái xe đò và
một nông dân có vợ và 10 con. Ba người đều thâm niên 40 năm chức nghiệp, đã qua
đời trùng hợp cùng giờ, cùng một ngày và cùng được lên trình diện Chúa để xin
vào thiên đàng. Ba người cùng tới cửa một lúc nên Thánh Phê-rô mới nói: Các anh
đều đến cùng một lúc, hãy tự nhường nhịn nhau, vậy anh nào muốn vào trước?
Nhà Truyền Giáo nói:
“Hai anh dành cho tôi vào trước được không?” Bác tài và anh nông dân
kính nể vị lãnh đạo tinh thần, chẳc hẳn người có nhiều công lao, nên đồng thanh
cất tiếng cùng một lúc: chúng tôi xin nhường ngài vào trước.
Nhà truyền giáo rất lấy làm hãnh diện thấy mình được nhường, cúi đầu chào thánh Phê-rô và chững chạc tiến vào cửa Thiên Cung quỳ trước Thiên Nhan tâu:
– Tấu lạy Chúa, con là nhà truyền giáo làm việc thay thế các Tông Đồ, suốt 40 năm chuyên lo rao giảng Lời Chúa nhân từ cho giáo dân, xin cho con được vào Thiên Đàng trước.
Chúa ngắm Nhà Truyền Giáo một cách rất trừu mến, xuất khẩu thành thơ, Ngài
phán:
  1. Bốn mươi năm dạy dỗ Lời Cha
Con giảng giáo dân ngủ gật gà
Đâu hiểu Phúc Âm mà áp dụng
Ra ngoài tạm nghỉ, đợi chờ ta.
Nhà truyền giáo lủi thủi lui ra, bác tài xế nói với anh nông dân: “Chú nhường cho tớ vào trước nhé vì tớ thường   chở chú đi đây… đó đó.” Anh nông dân gật đầu
chấp nhận vào sau chót.
1) Tu dòng không dễ bị cám dỗ – vì một trong những điều hứa là sống đời khó nghèo
. . . người nghèo đến ngay giữa chợ không người chào hỏi “bần nhân đáo thị
vô nhân vấn
” nên ai thèm cám dỗ. . .(đây chỉ là quan niệm cá nhân của kẻ
viết bài này thôi.)
Bác tài nhanh nhảu cũng cúi đầu chào thánh Phê-rô, rồi tiến vào cửa Thiên Cung quỳ xuống, ngẩng mặt lên chiêm ngưỡng Chúa và tâu:
– Tấu lạy Chúa: Con làm tài xế lái xe đò, suốt 40 năm con phục vụ đồng bào,
chuyên chở vợ đi thăm chồng, con đi thăm cha, đem tình thương yêu đến với mọi
người. Thỉnh xin Chúa cho con được vào Thiên Đàng sớm.
Chúa nhìn anh tài xế, Ngài mỉm cười: Ừ, kể ra con cũng có nhiều công to đáng được thưởng, tuy nhiên con tạm ra ngoài nghỉ, chờ Cha xem kỹ lại một số hồ sơ vừa trình lên thưa con, kiện tụng vì bị thương dập mũi, trầy trán. . . gì đó mà Cha chưa kịp xem hết; cũng xuất khẩu thành thơ, Ngài phán:
  1. Xe đò chuyên chở khách đi xa
Thăm viếng chồng, cha cũng tuyệt mà
Đáng thưởng Thiên Đàng nhờ lái giỏi!
Mỗi lần con thắng . . . chúng kêu Ta!”
Bác tài xế cũng chưa được vào, phải lui ra và ngồi chờ.
Đến lượt anh nông dân, anh rụt rè sợ sệt vì nghĩ bụng hai người có công lớn như vậy mà chưa được vào. Còn mình chỉ có cày sâu cuốc bẫm trồng trọt để nuôi vợ, nuôi con, đâu có công lao gì…làm sao vào nổi Thiên Đàng, nên rất hồi hộp lo âu..! Anh trịnh trọng cúi đầu chào thánh Phê-rô và nhỏ nhẹ thưa; bẩm ngài, con được phép và chưa? Thánh Phê-rô gật đầu và  nói:
– Con hãy vào trình diện Chúa đi.
Anh nông dân rụt rè tiến vào, còn cách cửa thiên cung cả trăm bộ anh đã qùy xuống và di chuyển bằng hai đầu gối, gần đến cửa anh cúi rạp đầu khúm núm tâu:
– Bẩm lạy Cha nhân từ: Con là một nông dân dốt nát, nghèo hèn, bốn mươi năm chỉ biết, cày sâu cuốc bẫm, trồng trọt để nuôi vợ và 10 đứa con, bữa tối còn phải phụ bà xã rửa chén, cuối tuần còn phải lau nhà nữa. Xin Cha rộng lòng thương cho con được nương náu dưới mái nhà yêu mến của Cha là sung sướng lắm rồi. Con xin tình nguyện làm bất cứ việc gì con cũng xin vâng theo…!
– Chúa nhìn anh nông dân trừu mến Ngài phán: Con quả thực có công lớn, vì:
– Làm chồng chiều vợ tuyệt vời thay
Nhịn nhục khôn ngoan đáng bậc thày!
Chỉ bốn mươi năm con chịu… nổi
Thiên Đàng, Cha thưởng bước vô ngay.
Qua câu chuyện dí dỏm trên, cho phép ta suy luận. Bất cứ ở trong địa vị nào dù quan trọng hay không quan trọng, mỗi người chúng ta đều là một Tông Đồ của Thiên Chúa. Sự khiêm tốn hoàn thành sứ vụ của mình, không phân biệt dù lớn hay nhỏ đều có là giá trị, chứ không phải giá trị ở chức vụ. “. . . sau khi đã làm tất cả những
gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.(
Lc 17,10)
Chúng ta có yêu thương nhau, chúng ta mới biết nhường nhịn nhau. Vì có “khôn ngoan” mới biết nhịn nhục. Vì sự nhịn nhục và tha thứ sẽ làm cho tình yêu được bền vững, gia đình hòa thuận, mà gia đình chính là nền tảng của xã hội; là một giáo xứ nhỏ trong những giáo xứ của Giáo Hội. Quả thực xứng đáng là bậc
thày vậy!
Cảm  Tác
Thiên Đàng, nhà của Chúa Trời
Là nơi quê thật tuyệt vời, Ngài ban
Cho ai trách nhiệm chu toàn
Yêu thương chân lý, khôn ngoan thực hành.
Bần cùng hay bậc trâm anh
Tề gia khéo léo, mới rành trị dân.
Trần gian Thiên Ý vâng tuân
Đời đời hạnh phúc hồng ân chan hòa.
Ngày về Thiên Quốc hoan ca
Thiên Thần mở cửa, Chúa Cha chúc lành.
Hoài Việt Nguyễn Vĩnh Tường
1-Trích trong Thiên Nga Thoát Nam của tác giả.
– dongcong.net
Anh chị Thụ & Mai gởi