Thánh Lễ tại tư gia một Phật tử

 

                    Thánh Lễ tại tư gia một Phật tử 

Linh mục Dzu Mai Liên đã ghi lại cảm tưởng của cha khi đi dâng Thánh Lễ an táng cho một bệnh nhân tại tư gia của một Phật tử như sau: 

Xế trưa hôm đó, một cú điện thoại của chị trưởng nhóm Tiếng Vọng: “Cha ơi, em Thảo ở đường Phan Văn Trị, Bình Thạnh, mới mất. Cha đến làm phép xác nhé, rồi đưa đi hỏa tảng luôn, em đã rửa tội rồi, cả nhà đều Phật giáo”. 

Đầu giờ chiều hôm đó, chúng tôi đến nhà em. Thật bất ngờ và xúc động khi được biết em tự nguyện theo đạo qua đời sống đức tin của những anh chị em Công Giáo chăm sóc em. Khi ở với gia đình, em vẫn luôn vững lòng trông cậy và thành tâm sống đức tin của mình giữa mọi người không cùng niềm tin với em. Và cảm động biết bao, khi bà ngoại của em, một Phật tử sùng đạo, lại thỏa mãn mọi yêu cầu để em sống đức tin của mình. 

Em xin được đi lễ Chúa nhật hằng tuần, thấy em bệnh, bà thuê Honda ôm mỗi tuần chở em đi lễ nhà thờ. Trước khi em nằm xuống và khi đã ra đi, chính bà và người thân đã chủ động liên hệ với các anh chị em trong nhóm Tiếng Vọng và quý Sơ Dòng Phan Sinh để xin cầu kinh, giúp đỡ phần hồn cho em. 

Các thiện nguyện viên đã xin dâng lễ ngay tại nhà của em rồi mới đưa đi hỏa táng. Gia đình đã đồng ý và lấy khăn che hết các tượng Phật thờ trong nhà. Đó là một ấn tượng khó phai mờ trong đời linh mục của chúng tôi vì những anh chị em khác tôn giáo đã niềm nở đón tiếp Chúa đến với họ. 

              Gương hy sinh của các linh mục và nam nữ tu sĩ 

Tony Trần tỏ ra rất thán phục những gương hy sinh của các người sống đời thánh hiến như sau: 

Tôi rất khâm phục cha T. cha K. – những linh mục đầy nhiệt huyết – vì các ngài, tuy bận rộn, nhưng luôn dành nhiều thời giờ để thăm hỏi, giúp đỡ và ban bí tích cho những bệnh nhân xấu số trong những giây phút cuối đời. Các ngài sẵn sàng nói “có”, khi những tình nguyện viên điện thoại đến hay gặp các ngài để xin giúp trong những trường hợp nguy tử vào những giờ thật bất tiện trong ngày. 

Tôi nghiêng mình cảm phục các Sơ L., T., Q….đang giúp các trại phong Qui Hòa, Bến Sắn và đặc biệt là Trung Tâm Mai Hòa dành cho các bệnh nhân HIV/AIDS ở giai đoạn cuối có được một sự thanh thản trước khi từ giã cõi đời. Họ chăm sóc cho những bệnh nhân hoàn toàn bị người đời và ngay cả những người thân bỏ rơi vì thân thể quá khủng khiếp! 

Nhìn các Sơ nắm tay, đút từng muỗng cháo, mát-xa những chỗ đau nhức, chịu khó lắng nghe từng lời của những bệnh nhân nói không nên lời vì miệng bị lỡ loét trắng cả bên trong. Không còn lời nào hay hơn, đẹp hơn để diễn tả những hành động nhân ái của những nữ tu đã từ bỏ thiên chức làm mẹ theo xác thịt để hiến thân trọn vẹn cho Chúa bằng cách trở nên những người mẹ thiêng liêng đối với những đứa con đang thiếu vắng tình thương. 

Tôi cũng muốn nhắc đến những nam tu sĩ, những thanh niên được thánh hiến đang phục vụ cách nầy hay cách khác để đồng hành với các nhóm tình nguyện trong việc giúp đỡ các bệnh nhân xấu số. Họ không phải là linh mục nên ít được mọi người tôn trọng theo phẩm vị, nhưng người ta lại kính trọng họ trong việc dấn thân phục vụ. Họ đã bước theo Chúa Kitô trong việc âm thầm phục vụ. 

Trích từ: www.Dunglac.org

Sách Những Nẻo Đường Việt Nam của Đỗ Tân Hưng

   Nguồn: http://www.dunglac.org/upload/book/f__1190608215.htm

Sự khám phá mới của Bác sĩ Chang Shu Wen

“We must obey God rather men”  Act 5:2

Vâng Lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người .

“SỰ THẬT SẼ GIẢI THOÁT ANH EM” .

“The truth will set you free” Jn 8:32

THIÊN CHÚA LÀ CỘI NGUỒN VÀ LÀ CÙNG ĐÍCH CỦA NHÂN LOAI.
God is the Source and the must be the Last of Goal of human beings.

 Lời giới thiệu của Nguyễn HyVọng

Tôn giáo giúp con người sống xứng với nhân phẩm, vì con người không thuần tuý vật chất mà còn có linh hồn. Tôn giáo là niềm khao khát của linh hồn, vì thế con người không tôn giáo, không có sự bình an.

Bác sĩ Chang Shu-wen đã tìm hiểu Phật giáo cẩn thận và nhận thấy tôn giáo này có nhiều mâu thuẫn, viễn vông, dị đoan, mê tín, yếm thế, trốn đời dẫn đưa đất nước và dân tộc đến nghèo đói, lạc hậu… Trong khi đi tìm một Đạo Thật, Bác sĩ Chang She-wen đã khám phá tư tưởng chỉ đạo tốt nhất cho dân tộc, cho đất nước phát triển, văn minh, tiến bộ, và giúp mọi nguời, được sống ấm no, hạnh phúc. Đạo Thật và tư tuởng chỉ đạo tốt nhất đó chính là: Công Giáo.

Cuộc hành trình đi tìm Đạo Thật rât lý thú của Bác sĩ Chang Shu-wen, mà những ai hiểu giá trị cao quý của tôn giáo, không thể không đọc.

KHÁM PHÁ MỚI

Bác sĩ Chang Shu-wen sinh trưởng Vùng Bắc Trung Hoa, theo học ngành Y Khoa tại Bắc Kinh và Nam Kinh. Hiện tại, ông đang hành nghề y sĩ tại Taipei, Đài Loan.

Tôi là Chang Shu-wen, 62 tuổi sinh trưởng tại vùng thôn quê đẹp đẽ Fong-cheng Hsien, thành phố Antung, lục địa Trung Hoa.

Xuất thân từ một gia đình theo Khổng giáo, chúng tôi thừa hưởng một truyền thống lâu đời trong dòng họ, đó là thờ Trời, tôn kính tổ tiên và sùng bái Đức Khổng Phu Tử. Cha mẹ tôi không phải là những Phật tử, mặc dù ông bà vẫn ăn chay những ngày mồng một và ngày rằm mỗi tháng theo âm lịch. Qua cách sống như thế, suốt thời thơ ấu, tôi không có một liên hệ nào với Phật giáo.

 Vào khoảng thời gian chấm dứt chương trình Trung học, tôi và các bạn cùng lớp tổ chức một buổi du ngoạn thăm các thắng cảnh vùng đồi núi Chie-shan. Vùng này có rất nhiều chùa chiền của các tôn giáo Phật giáo và Lão giáo. Ở một ngôi chùa Phật giáo nọ, chúng tôi đã lưu lại trong bốn ngày. Trong thời gian bốn ngày, tôi đã có dịp nhìn xem tận mắt cách trang trí, các lễ phục, các tượng ảnh và tham dự các buổi cầu nguyện của những Phật tử. Tôi đã tham dự những buổi cầu nguyện này một cách nghiêm trang chăm chú. Qua những giây phút này, so sánh với những đơn sơ của đạo giáo, trong tâm hồn tôi bỗng nhiên bộc phát một nhận thức sâu xa về sự xa hoa hào nhoáng của thế gian và vật chất thế tục. Một nỗi buồn xuất hiện xâm chiếm tâm hồn tôi.

Tôi đến gặp, nói chuyện với một nhà sư và tìm hiểu lý do tại sao các tu sĩ lại từ bỏ mọi sự thế gian và ngay cả gia đình để sống trong các nhà chùa như vậy. Tôi được trả lời rằng những người này đã tìm hiểu về Phật Pháp và sau đó bị lôi cuốn sống đời sống tu hành để thực tập các nhân đức với hy vọng sẽ đạt được một đời sống tâm linh giải thoát khỏi sự áp chế của nhục dục.

 Trong thực tế có hai bậc tu hành:

 * Bậc thứ nhất có tầm học cao hiểu rộng, giảng đạo cho các thiện nam tín nữ.

* Bậc thứ hai thấp hơn, dù sống trong nhà chùa nhưng vẫn còn liên hệ đến thế tục về phương diện vật chất, những người này lưu lại trong chùa vì hoàn cảnh nghèo khó, thiếu ăn thiếu mặc ngoài đời.

 Lại cũng có những người tội phạm, bị chính quyền truy nã, tìm đến cửa Phật để náu thân. Vì trong thời gian đó, pháp luật không được áp dụng cho những người đã xuống tóc qui y trong các nhà chùa. Dù tội lỗi của họ có nặng nề đến đâu đi nữa, pháp luật coi như họ đã tách ra khỏi thế giới con người và coi như đã chết.

 Hầu hết các nhà tu hành thuộc bậc thứ hai vì họ đã chán cảnh đời thế gian, đã thất bại trên chính trường, đã thua lỗ trong việc làm ăn buôn bán hoặc tình duyên bị gãy đổ. Với sự khổ hạnh trong đời tu hành, họ nhận diện được sự dối trá, phù du của thế gian và quyết định nương nhờ cửa từ bi tìm bình an cho tâm hồn.

 Các nhà tu hành ở bậc thứ hai có thể tiến lên bậc thứ nhất nếu qua thời gian, họ tìm hiểu, học hỏi, tiến triển trong việc sống đời sống nhân đức theo Phật pháp. Theo Phật pháp, tất cả mọi người đều bình đẳng. Bất cứ ai cũng có thể thành Phật, nếu người ấy sống nhân đức:  Vị Giáo chủ thứ Sáu trong truyền thống Phật giáo Trung Hoa không biết đọc biết viết nên ông không hiểu gì hết những lời giảng huấn của Vị tiền nhiệm Thứ Năm. Nhưng khi được linh ứng, ông có thể quảng diễn tất cả mọi điều giống như Vị Giáo chủ trước đã giải thích và giảng dạy. Chính vì thế ông được chọn làm vị thừa kế.  Đó là những kiến thức đầu tiên của tôi về Phật Giáo.

 Sau khi tốt nghiệp Trung học, tôi được gửi đi Bắc Kinh để học Đại Học. Những vấn đề liên hệ đến ý nghĩa, cứu cánh của đời sống con người luôn luôn xâm chiếm tôi. Mỗi lần như thế, tôi lại nghĩ đến Phật pháp: Sự bình đẳng trong sự sống của tất cả các loại sinh vật theo Phật pháp khiến tôi suy nghĩ nhiều. Tôi khâm phục và tán thưởng những châm ngôn, những kinh kệ và các bài luận giảng về vấn đề này.

 Bắc kinh là nơi qui tụ các vị chân tu và các tu sĩ học giả. Tôi có dịp liên lạc với nhà sư Tai-hsu, một người được toàn quốc biết đến qua việc chú giải bộ sách “Bốn mươi hai chương”. Tôi đã được nghe ông giảng những bài giảng rất có ý nghĩa. Có những bài giảng với những câu tôi vẫn còn nhớ rõ:

 … “Sự liên hệ giữa người đàn ông với vợ mình và gia đình còn nặng nề hơn nhà tù đối với người tù. Như hạn tù không bao giờ chấm dứt, người đàn ông sẽ không bao giờ được phép từ bỏ gia đình…”.

 Tôi cũng có lần được nghe nhà sư Chang-hsing giảng giải về sách của Đức Phật qua cái nhìn Triết học. Sau đó mặc dù tôi kết luận rằng mỗi người đều phải có một tôn giáo, nhưng tôi vẫn chưa tìm được một tôn giáo cho chính mình.

 Một ngày nọ, tôi có dịp đến thăm một Thánh đường đạo Công giáo, tôi hỏi mượn một số sách về đọc, nhưng người giữ thư viện cho biết rằng sách chỉ dành cho những người nào muốn tìm hiểu về đạo Công giáo mượn thôi. Từ hôm đó, tôi có ý định tìm hiểu về đạo Công giáo.

 Tôi theo học tại trường Quân Y. Viện trưởng của trường là một người theo đạo Thệ phản (Protestant). Vào ngày thứ bảy chúng tôi không có lớp. Ông Viện trưởng thường mời một Mục sư đến giảng đạo và hướng dẫn các sinh viên học hỏi về Kinh Thánh. Tôi chẳng hiểu nhiều về những điều giảng dạy đó, chính vì thế, tôi thờ ơ với Kitô giáo.

 Sau thời gian theo học tại Bắc Kinh, tôi được gửi đi Nam Kinh. Ở Nam Kinh, tôi cũng thường tham dự những buổi thuyết trình về Phật pháp do một giảng viên của Đại học Chin-Linh diễn giảng: Giáo sư Mei-Kwan-hsi. Ông dùng những danh từ khoa học khi nói chuyện khiến những thính giả như tôi hiểu dễ dàng hơn.

Thời gian sau đó, tôi lại thường đến một nhà thờ Thệ phản với mục đích tìm kiếm sự an bình cho tâm hồn vì nhiều lúc tôi cảm thấy băn khoăn trong vấn đề tôn giáo. Nhưng không nơi nào tôi tìm được sự an bình cả.

 Cuối cùng tôi trở lại với Phật giáo với ý nghĩ rằng đây chính là tôn giáo tôi đang tìm kiếm và sự băn khoăn trong tâm hồn tôi sẽ được giải thoát. Trong giai đoạn này tôi tìm hiểu về Phật pháp rất nhiều.

Bên cạnh những sách vở Y khoa phải học và đọc, tôi coi như mình có bổn phận phải đọc thêm sách Phật rồi dần dà tôi có thói quen đọc những sách này ngay cả những khi giải trí. Tôi không liên lạc với gia đình nhiều, vì tôi thiết nghĩ theo sách nhà Phật, đối với người đàn ông: gia đình, vợ con là những phiền toái bên ngoài, giống như tiền bạc, danh vọng. Tất cả là những quyến rũ khiến cho người ta không tập trung được để đạt tới giải thoát. Những điều này phải được từ bỏ.

 Chiến tranh Hoa-Nhật bùng nổ, chính cuộc chiến này và lòng yêu nước trong tôi đã khơi dậy một vấn đề khiến tôi phải suy nghĩ về niềm tin của mình vào Phật giáo. Vì khi kẻ thù xâm lăng quốc gia mình, nếu muốn bảo vệ quốc gia, một người ái quốc phải hy sinh mọi sự để chống lại quân thù. Giáo thuyết “cấm sát sinh” chính là tự trói tay nộp mình cho kẻ xâm lăng. Và giáo thuyết cho rằng mọi sự của trần gian đều là giả trá phù vân, vậy tinh thần ái quốc và lòng yêu nước cũng là giả trá phù vân sao? Có lẽ chính giáo thuyết này đã đưa các quốc gia vùng Á Châu (hầu hết theo Phật giáo) trở thành thuộc địa của Tây Phương hay sống dưới một chiêu bài độc lập giả hiệu. Trung Hoa phải cẩn thận trong bài học này.

Những tư tưởng như thế khiến tôi nhận thấy sự khiếm khuyết của Phật giáo. Có thể gom tóm những khiếm khuyết này như sau:

 1.  Về phương diện Khoa học:

Tôi học và hoạt động trong lãnh vực Y Khoa. Với khoa học, mọi sự đều phải được chứng minh. Những câu chuyện, sự kiện kể trong sách Phật thiếu chứng tích lịch sử, chỉ là những chuyện thần thoại như thuyết luân hồi chẳng hạn. Những giáo thuyết này rất quan trọng nhưng không thể minh chứng theo khoa học, lịch sử hay luận lý.

 2.  Giáo thuyết xa vời:

Được trở thành Phật là cứu cánh của hầu như tất cả các Phật tử, nhưng để đạt được cứu cánh này, người ta phải trải qua ba hình thức hay trạng thái: trạng thái khổ hạnh, trạng thái hữu thực và trạng thái hư không. Người ta phải thoát ra ngoài sự nhơ nhớp và tội lỗi của thế tục. Nhưng làm sao một người có thể thoát ra ngoài thế tục được nếu họ bắt buộc phải sống trong thế tục đó?

 3. Giáo lý trừu tượng và quá huyền bí:

Sách về Phật pháp thì vô số kể. Xét về phương diện văn học, những sách này rất có giá trị dù khi đã được dịch ra ngoại ngữ, nhưng tất cả đều quá khó hiểu, khiến người đọc không thể tiến xa hơn được. Giáo lý có thể rất cao vời, nhưng cần phải được diễn đạt trong tầm hiểu biết của mọi người. Trong Phật giáo, nghi lễ theo phái Chuan chẳng hạn, được mọi người ưa thích. Qua nghi lễ này, người tham dự hy vọng sẽ được siêu thoát, được linh sáng khi suy niệm. Nhưng phương pháp suy niệm lại không hợp lý khiến ngừơi ta cảm thấy trống rỗng khi kết thúc và sự siêu thoát có vẻ quá cao vời bất khả đạt.

 4. Sự mâu thuẫn và đối nghịch:

Trong Phật pháp nhấn mạnh về “cấm sát sinh”.

Một ngày nọ, tôi đến thăm nhà sư nổi tiếng Tai-hsu và hỏi ông: “Chúng tôi là Bác sĩ Y Khoa, chuyên tìm tòi, sát hại tiêu diệt các loại vi khuẩn độc tố. Phật pháp có cho phép chúng tôi làm việc này không?”. Sau một lúc im lặng, nhà sư Tai-hsu trả lời: “Tiêu diệt các loại vi khuẩn độc tố có hại cho con người không thuộc về giới luật “cấm sát sinh”. Tôi im lặng, nhưng phải giải thích thế nào về nguyên lý bình đẳng của sinh vật? Làm sao có thể phân biệt được lúc nào là sát sinh và lúc nào là không sát sinh?

 Một thí dụ khác: Lamaism là một phái của Phật giáo tại Trung Hoa. Mỗi năm, phái Lamas tổ chức một buổi lễ Trừ-Tà trong lâu đài Yung-Ho, Bắc Kinh, để xua đuổi tà thần và chúc lành cho dân chúng. Một trong những vật dụng xử dụng để đánh đuổi tà thần này là một cây roi dài kết bằng da người. Họ dạy cấm sát sinh trong khi lại xử dụng một cây roi làm bằng da người là làm sao?

 5. Sự thờ ơ lãnh đạm:

Từ bi là một nhân đức quan trọng của Phật pháp. Nhưng sự từ bi này theo tôi có vẻ rất vô tình: Được thực hiện về hình thức nhiều hơn; làm việc bố thí đồng thời khinh thường kẻ nhận bố thí.

Những điều này và còn nhiều điều khác nữa tôi không nhớ hết, đều là những ý kiến cá nhân, có thể không đúng với ý kiến của những người khác. Nhưng chính những điều này đã là những động lực khiến tôi bất đồng và rời bỏ Phật giáo. Từ đó, không bao giờ tôi đến viếng một ngôi chùa nào và thăm hỏi một nhà sư nào nữa.

Tuy vậy, những tư tưởng về sự phù du chóng qua của của cải thế tục và cứu cánh của đời sống con người vẫn là hai vấn đề làm cho tôi băn khoăn, đặc biệt vào khoảng thời gian chúng tôi đến Đài Loan.

Công việc tại nhà thương nơi tôi được gửi tới không nhiều lắm. Tôi có thì giờ nhiều hơn để suy tư về quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi cảm thấy đời sống mình sao bấp bênh và trống rỗng quá, có lẽ tôi phải có một tôn giáo làm nơi nương tựa cho tâm hồn.

 Một hôm nọ, đi dạo trên đường Chung-chen ở Taipei, ngang qua ngôi chùa Shan-tao nhưng không dừng lại vì tôi không còn cảm thấy chùa chiền là nơi đáp ứng được những khắc khoải của tâm hồn. Đến cuối đường, nơi một nhà thờ Công giáo tọa lạc, tôi đã định vào, nhưng cuối cùng tôi nghĩ có lẽ nên gởi thư đến trước để hỏi thăm vấn đề tìm hiểu về Giáo lý Đạo Công giáo.

Tôi đã liên lạc được với Cha Fang, Linh mục Chánh sở của nhà thờ, ngài giới thiệu tôi với Cha Kung để Cha hướng dẫn tôi về Giáo lý.

Tôi rất vui khi được làm quen với Cha Kung, ngài hướng dẫn tôi tìm hiểu về Giáo lý Đạo Công giáo. Sau một thời gian, tôi quyết định xin Rửa tội, vì tôi khám phá ra đây chính là giáo hội tôi đã bỏ bao thời giờ để kiếm tìm.

 So sánh với tôn giáo tôi đã biết trước đó, tôi nhận thấy như sau:

 1. Tất cả những điều Đạo Công giáo giảng dạy đều có nền tảng Triết học, lịch sử hay Thần học.

 2. Đạo Công giáo có những tín điều xác thực, không mâu thuẫn, xây dựng trên nền tảng vững chắc. Có những mầu nhiệm với trí óc con người không hiểu được, nhưng Giáo hội trình bày rõ ràng và thành thật rằng những mầu nhiệm này vượt qua trí tưởng của con người. Giáo hội cũng cho biết lý do tại sao họ chấp nhận những mầu nhiệm ấy và họ không bao giờ bắt buộc ai phải tin vì mỗi người đều có tự do riêng.

 3. Có những sách Giáo lý, thủ bản về đạo thích hợp với trình độ của mọi giới. Giải thích về chân lý để mọi người đặt niềm tin, về các giới răn để mọi người tuân giữ, về các Bí tích để mọi người lãnh nhận và cầu nguyện. Tất cả mọi sự rất rõ ràng, minh bạch, không giống như Phật giáo, người ta chẳng biết bắt đầu từ đâu vì quá nhiều sách vở và những nghi lễ phức tạp.

 4. Các Linh mục Công giáo được Giáo hội trao cho năng quyền giảng dạy từ Chúa Kitô: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc.”. Ai trao quyền cho các nhà sư giảng dạy? Theo những qui tắc nào? Tiêu chuẩn nào là chính thức? Tôi chỉ thấy có những nhà sư này giới thiệu, ca tụng nhà sư kia hoặc tự giới thiệu mình mà không có một bản quyền nào từ trên. Trong Công giáo, tôi đã tìm thấy và đặt được niềm tin mình trên nền tảng của Đức tin đạo giáo.

 5. Đạo Công giáo rao giảng về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với con người. Một tình yêu không những không hạ thấp phẩm giá con người, trái lại còn nâng con người lên trong nhân phẩm, thêm sức mạnh linh thiêng và giúp con người tự tin trong việc trao phó mọi việc nơi Thiên Chúa. Ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào luôn luôn họ được Thiên Chúa bảo vệ và gìn giữ.

 6. Đạo Công giáo mời gọi mọi người sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Những dân tộc sống ở Tây Phương qua nhiều thế kỷ đã được giáo dục theo những nhân đức này. Họ trở thành những dân tộc hiếu động, can đảm và lạc quan không phải chỉ trong lãnh vực tôn giáo mà cả ngay trong đời sống hằng ngày. Họ rất nhiệt thành với sự hăng hái mạnh mẽ trong các lãnh vực khoa học, đào sâu kiến thức con người, xây dựng xã hội, giúp đỡ những kẻ nghèo khó bần cùng và cải tiến đời sống con người. Tất cả có lẽ chỉ vì họ đã được giáo dục trong ba nhân đức thần thông này.

 7. Đối diện với những đau khổ của con người và tội lỗi của thế gian. Đạo Công giáo thực sự lăn xả vào vấn đề, cố gắng tìm hiểu và biến đổi tất cả nên tốt hơn. Giống như một ngôi nhà đang bốc cháy, Phật giáo tìm đường chạy ra ngoài trong khi Công giáo tìm cách vào nhà để dập tắt ngọn lửa. Hoặc cũng giống như một căn nhà sắp đổ xuống, Phật giáo muốn phá đi hoàn toàn, nhưng Công giáo tìm cách chống đỡ và xây dựng lại để mọi người có thể ở trong đó.

 8. Đức Giáo Hoàng qua nhiều thời đại luôn luôn khuyến khích mọi tín hữu yêu mến quốc gia dân tộc mình, xây dựng đất nước và dự phần vào công việc xã hội, để tìm hiểu, cải tiến và thánh hoá. Phật giáo lo làm sao để thoát ra ngoài sự phức tạp này: đi thật xa để không còn vướng víu vào nữa.

 Tóm lại, cám ơn Chúa, tôi đã trở thành người Công giáo. Vì tôi đã có dịp tìm hiểu về cả hai tôn giáo và so sánh. Công giáo đã cho tôi thấy một con đường để cải tổ xã hội, quốc gia và chính linh hồn mình. Tôi đã được Rửa tội hơn mười hai năm rồi. Tôi thú nhận là trong suốt khoảng thời gian này tôi đã chưa đạt được những tiến triển về đường nhân đức, nhưng tôi hạnh phúc vì mình là người Công giáo. Cả gia đình tôi cũng đã Rửa tội và bất cứ khi nào có thể, tôi đều loan truyền đạo Công giáo đến bạn bè và những đồng nghiệp của tôi

Bác sĩ Chang Shu Wen

Lời chứng của một Phật tử

NHẬN ĐƯỢC NIỀM TIN CHÂN THẬT DO LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CHÍ CAO.

Như đa số người sanh đẻ tại mảnh đất hình chữ S Việt- Nam, tôi được sanh trưởng trong một gia đình thờ cúng ông Bà và tự xưng là theo đạo Phật. Tôi từng theo bà nội và má tôi đi Chùa từ thuở nhỏ. Tôi vẫn còn nhớ là đã thường được ngồi trong lòng quý ông bà Sải cả- ông Sư chủ trì Chùa ở miền Nam. Tôi cũng từng ăn chay với má tôi, cũng như thắp nhang lạy Phật, lạy bàn thờ hình ông bà. Khi Phật giáo bị đàn áp, má tôi và tôi chính thức quy y tam bảo tại Chùa Phật Học Xá Lợi Nam Việt. Tôi vẫn thường ăn chay tụng kinh gõ mõ, niệm Phật, luyện Yoga; dù đang dạy trường của các Linh Mục, các thầy Công Giáo. Lòng đầy kiêu hãnh với việc học đầy tiến bộ, và sẽ đi du học để có mảnh bằng cao hơn, ngõ hầu sau này có thể làm lớn trong chính quyền.

Tôi đã luôn nghĩ rằng: Phật Giáo là tôn giáo hay nhứt. Hay ở chỗ là mình có thể tự tu tập để trở thành Phật, nếu kiếp này không thành thì kiếp sau, hay kiếp sau đó nữa… Vả lại, sống trong xã hội đại đa số là Phật Tử, tôi nên giữ là đạo Phật để dễ làm lớn sau này. Đó là lập trường phải nhứt. Tôi đã giữ lập trường này rất lâu. Bằng cớ được kể như sau. Khi tôi bị động viên và được đưa lên Đà Lạt dạy văn hoá, tôi thuộc khoa Toán, cho sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, tôi có ý xin đi Mỹ để có bằng cao hơn. Học Anh Văn đã hơn mười mấy năm, đọc được, viết được và nói được. Ấy vậy, khi tôi nói chuyện với vị cố vấn Mỹ của phân khoa tôi, ông ấy không hiểu tôi nói gì và tôi cũng không hiểu ông ấy nói gì! Một sáng thứ Bảy nọ, khi đi phép trên đường Minh Mạng từ chợ Đà Lạt đổ dốc xuống Phan Đình Phùng, tôi đi ngang qua một căn phố nọ và thấy một ông Mỹ đang dạy tiếng Anh cho vài người Việt. Tôi vào và xin học. Tôi được chấp nhận. Ông ấy là Giáo Sĩ Jim Gayle. Ông ấy cho tôi quyển “Good News” và các sách học Anh Ngữ.

Sau đó tôi được học bổng của USAID đi học bên Mỹ. Khi tôi đang học tại “The University of Texas at Austin” ông ấy về nghĩ một năm và vô tận trường thăm tôi, cũng giới thiệu tôi cho một Baptist Church gần trường. Trọn một “semester” Hội Thánh này cho một thanh niên Mỹ đến chở tôi đi học trường Chủ Nhật và dự mỗi buổi thờ phượng. Sau khi tốt nghiệp tôi trở về Việt Nam cưới vợ, dạy Võ Bị và Viện Đại Học Đà Lạt, Trường Chính Trị Kinh Doanh. Trong một buổi lễ khai trường, một Linh Mục giảng ” Nếu ngươi không theo Ta là ngươi chống Ta,” cả vợ và tôi cố ý chống tư tưởng đó, và nói với nhau; tại sao trung lập không được? Ghi lại các điều này để chứng tỏ rằng tôi đã giữ rất lâu lập trường tiếp tục ở trong đạo Phật. (Cả việc hai anh chị sinh viên Chính Trị Kinh Doanh nọ mời hai vợ chồng tôi đến dự đám cưới của họ ở trong Hội Thánh Tin Lành Đà Lạt. Cả vợ tôi giáo sư kế toán của họ, cũng không đến dự . Bây giờ tôi mới biết. Chúa đã cho người săn sóc hướng dẫn tôi mọi bề.

Ngày 30 tháng 3 năm 1975, theo lệnh truyền, tôi một sĩ quan giáo sư chưa từng cầm quân, được “hân hạnh” dẫn đại đội binh sĩ đi sau cùng của đoàn sinh viên Đà Lạt, rút lui xuống Phan-rang, Phan-thiết, rồi về trại Long Thành. Nhờ bị bỏ lại một đêm với binh sĩ mà ngày hôm sau vẫn dẫn binh sĩ về đầy đủ tôi “được đưa lên” làm trong văn phòng ông Tướng Chỉ Huy Trưởng rồi kế đó, đi nuôi ông trong trại giam bộ Tổng Tham Mưu. Ngày 20 tháng 4 nghe thấy thiên hạ đi Mỹ, tôi viết thơ lên Tây Ninh bảo vợ con xuống Sài Gòn để đi Mỹ, cho đi thì được đi vì tôi đã xin USAID cấp giấy xác nhận vợ và tôi đều đã du học sinh của Mỹ. Thấy vợ con không xuống, vào ngày 28 tháng 4 tôi đi xe Honda đến dầu võ thì bị lính Việt Nam Cộng Hòa chặn lại vì Việt Cộng đang chiếm cái cầu vào Tỉnh Lỵ Tây Ninh. Ngày 30 tháng 4, khi bom đạn nổ đầy trời Saigon, tôi nhảy lên tàu Đại Hàn tại Tân Cảng và được đến tạm trú tại đảo Wake sau khi qua căn cứ Mỹ ở Phi Luật Tân. Lòng buồn vô hạn dù có ý nghĩ là phen này mình sẽ “enjoy life!”. Trong khi xếp hàng làm thủ tục nhập nội địa, tôi có lấy quyển sách nhỏ bằng tiếng Anh về đọc. Sách nói về Chúa Jesus Christ. Đọc và thấy lòng được bình an. Tôi tự nhủ thầm là sẽ xin làm Báp têm ở bất cứ Hội Thánh nào khi đến Mỹ… Kế đó tôi được đưa vô trại Ft. Chaffee ở Arkansas. Nhưng ngày tháng dài đằng đẳng, lúc chờ người bảo trợ cho ra khỏi trại Ft. Chaffee, tôi theo một giáo sư Anh Văn hút thuốc, uống rượu và làm mọi công tác trong trại. Người thẫn thờ như kẻ điên dại, (Hẳn các sinh viên và người quen đều nhận thấy như vậy; bây giờ tôi mới nghĩ biết điều này). Người bạn đồng nghiệp đã được bảo trợ và ra trại rồi. Chỉ còn tôi ở lại một mình. Tưởng nghĩ có bằng cấp cao của Mỹ và độc thân, thế nào cũng có người bảo trợ và ra trại dễ dàng! Cuối cùng phải nhờ ông bạn đồng nghiệp đó nhờ người bảo trợ của ông tìm người bảo trợ cho tôi. Tôi được thơ hồi âm là có một gia đình ở đó, Indiana, bảo trợ và một gia đình khác sẽ cho việc làm và lái xe nông trại. Lòng cũng chịu mừng và chờ ngày ra trại!

Trung tuần tháng Tám đó, ông chủ sự phòng điện toán rời nhiệm sở mà tôi đang cung phong công tác tại phòng này, nên có một buổi tiệc nhỏ chia tay. Sau tiệc, được về sớm. Tôi không đi xe bus về trại như mọi ngày, nhưng đi bộ trên đường “Catina” của trại. Khi đi ngang qua cửa một Chapel nọ, tôi thấy ông Mỹ nọ, và ông ấy thấy tôi. Ông buông rơi sách trên tay và chạy xuống ông choàng lấy tôi cũng kêu “Thuận!”. Tôi bộc thốt lên tiếng mà tôi đã chưa bao giờ nhớ đến, mãi đến lúc đó, “Gayle.” Ông đưa tôi vào văn phòng và hỏi chuyện. Hẳn thấy tay tôi không có đeo nhẫn, ông hỏi: “nghe nói anh đã có vợ rồi phải không?” và ông hỏi tôi có muốn ở lại Texas không? Ông ở trại đã lâu, tuần tới sẽ rời trại và về Texas, College Station, để cho các con ông tựu trường đi học. Hai tuần sau đó tôi được Calvary Baptist Church tại Baryan bảo trợ và được học tiến sĩ về thống kê của trường Texas A&M University, College Station. Ngay tuần đầu tiên trong Hội Thánh Calvary, tôi đã đi lên xin được Báp Têm. Ông mục sư hỏi lý do. Tôi nói khi đọc sách về Chúa Jêsus, lúc ở đảo Wake, tôi thấy lòng được bình an. Sau lễ Báp Têm, tôi đi nhà thờ mỗi sáng và chiều Chủ Nhật, mỗi tối thứ hai và thứ tư. Lòng tôi vẫn luôn buồn nhớ vợ, nhớ con, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ quê hương xứ sở. Lúc đi nhà thờ cũng không hiểu gì và không ca Thánh ca được. Đi học ở trường về, ngồi làm homework cũng không được và chỉ biết khóc nhớ vợ nhớ con… Lòng nghĩ, chắc chắn sẽ bỏ học mà đi làm.

Khi được làm lễ Báp Têm hai tháng trước có một người Mỹ trong nhà thờ cho một quyển sách nhỏ. Tôi bỏ trong túi áo “vest” và không màng đọc tới. Vào một sáng thứ bảy của tháng 10 năm 1975 trời Texas đã lạnh. Lòng buồn thâm thẫm. Ngồi trong nhà “trailer” một mình. Tôi mặc áo “vest” thường mặc đi nhà thờ, cho đỡ lạnh. Kế đó, tay cầm và đọc quyển sách nhỏ đó, đã nằm trong túi non hai tháng rồi. Đó là quyển “Steps to Peace with God” của Billy Graham. Say sưa và chăm chú đọc. Rồi tôi theo lời khuyên của sách đó, tôi cầu nguyện xin Chúa tha tội lỗi của tôi, và tôi mời nhận Chúa vào lòng tôi làm Chúa Cứu Thế và Chủ đời tôi. Tôi điền tên và gửi đi để nhận được báo Decision đọc mỗi kỳ.

Có các điều lạ đã xảy đến cho đời tôi mà tôi đã nhận biết được. Tôi không còn buồn than khóc lóc vì xa vợ xa con nữa… Việc học ở trường mỗi ngày một khá hơn (tôi được chữ B và chữ A trong mỗi lớp học). Một điều kỳ diệu nhứt mà chính các anh, chị, em trong Hội Thánh đều nói đến, đó là tôi học Kinh Thánh mỗi ngày mỗi hiểu hơn một chút ít. Tôi phát biểu ý kiến trong trường Chúa Nhựt và được anh chị em đều cho là đúng với Kinh Thánh. Tôi được thấy các việc làm và tư tưởng thuở trước của tôi là sai, là đầy tội lỗi. Tôi xin Chúa tha tội cho tôi từng tội một, từ lúc tôi lên ba, lên bốn, mà tôi được nhớ cho đến lúc gần nhứt. Cuộc đời tôi đã hoàn toàn đổi mới và khác hẳn với cuộc đời cũ. Cuộc sống đầy vui hưởng, bình an nội tâm, tư tưởng bình thản, ham học trong trường cũng thích học Kinh Thánh. Mỗi tối thứ hai kể từ ngày được tái sanh đó, tôi gia nhập đoàn chứng đạo và đến gõ cửa ba, bốn nhà mỗi đêm. Chứng kiến nhiều người tin nhận Chúa nên lòng luôn được hớn hở ca ngợi Chúa không thôi.

Nhìn kỷ từng chi tiết, tôi thấy bàn tay của Chúa Trời trong mọi sự trong đời tôi. Lúc lên mười hai mười ba, vì tư tưởng gì đó, tôi ngừng xe đạp và đấm ngực để thốt ra lời: lỗi tại con! Lỗi tại con! Chúa đã luôn kêu gọi, soi dẫn, dù chưa được kiến thức gì về lời của Ngài. Sống trong môi trường văn hóa cổ truyền, Tin Lành của Ngài quả thật khó đến với kẻ hèn như tôi. Tôi đã chân thành có niềm tin. Một niềm tin tôi đã từng nghĩ là hay nhứt. Đức tin thành thật đó không đưa đến đâu cả mà trái lại là một cản trở lớn lao cho lẽ thật của Thượng Đế đến với lòng mình. Rồi đời trôi chảy. Định kiến càng kiên trì. Kiên trì đến nỗi dù chính lời của Ngài có đến chính mình, dù có tôi tớ của Ngài có săn sóc đời mình, dù có đi Nhà Thờ học Kinh Thánh, nghe thuyết giảng, lòng cũng không chịu mở ra để đón Thần Lẽ Thật. Chỉ có tha hương, chỉ có mất tất cả ràng buột vô hình và hữu hình của đời mình, chỉ có đang bị chết hụt trong biển sóng, lòng của mình mới chịu mở rộng để đón nhận Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu Christ. Quả thật, lời Ngài không trở lại luống không! Giờ, tư tưởng mới được mở rộng, trao đổi và mới nhận thức rằng: Ngài quả thật là đường đi, lẽ thật, và sự sống duy nhứt. Chẳng có ai có thể cứu khỏi biển tội lỗi của mình mà không nhờ đến Ngài. Ngài quả thật là Chúa Cứu Thế của thế gian và của chính cá nhân mình. Khi đọc đến Giăng đoạn ba, tôi mới biết tôi đã được tái sanh và khi đọc đến Giăng 14-17, tôi mới biết chính Chúa Thánh Linh đã vào lòng tôi và đã luôn cai trị đời tôi, ở cùng tôi đời đời kiếp kiếp.

Trường hợp cá nhân tôi, có là kẻ tha hương, mới có niềm tin chân thật trên trái đất này. Đó là do sự thương xót của Chúa Trời Chí Cao, Toàn Năng, Hằng Hữu, Hiện Hữu. Đó là nhờ tình yêu cao cả của Chúa Giê-xu Christ chết trên thập tự giá, sống lại, ngồi bên hữu của Chúa Cha, sai Chúa Thánh Linh đến cảnh cáo: tội lỗi sự công chính, và sự đoán phạt. Nay, chúng tôi biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ kính sợ Chúa Trời, cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Chính Ngài, Đức Chúa Trời: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Linh, ban niềm tin cho người Việt tha hương.

Mục sư Lý Công Thuận .

Vài nét về Tác giả

Mục sư Lý Công Thuận nguyên là giáo sư Thống Kê Đại Học Đà Lạt, Trường Chính Trị Kinh Doanh và Giáo Sư Toán Học và Trưởng Ban Toán Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Việt Nam, Đà Lạt. Sau khi di tản năm 1975, ông định cư ở Texas, và theo học chương trình Tiến Sĩ Toán, và trong khoảng thời gian đó ông tiếp nhận Chúa Giê-xu làm cứu Chúa đời mình. Năm 1980 ông hoàn tất chương trình Ph. D về thống kê học (Statistics) và hầu việc Chúa với người Việt Nam. Ông đã theo học trường thần học Capital Bible Seminary. Sau khi làm việc với NASA Lockheed, tại Houston, ông dời về Hoa Thịnh Đốn, và làm quản nhiệm Hội Thánh Báp Tít thứ nhứt Việt Nam tại Lanham, Maryland. Ông hiện đang làm việc với Bureau of Statistics của chính phủ Hoa Kỳ. Gia đình ông gồm có vợ là bà Châu Nguyệt Hồng, nguyên Giáo Sư Kế Toán Trường Chính Trị Kinh Doanh và một con gái là Eliazar Lý Công Thuận, cả hai đều đã tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của đời mình

Từ Cội Bồ Đề đến Chân Thập Tự

Từ Cội Bồ Đề Đến Chân Thập Tự

Hồi Ký Của Sư Cô Diệu Thông_Giọng đọc: Quý Linh

——————————————————————————–

Má tôi là người con thứ mười và cũng là con gái út trong một gia đình trung lưu tại xã Thạch Mỹ Lợi huyện Thủ Đức. Ông bà ngoại tôi là người rất sùng bái đạo Phật. Luôn luôn dạy bảo con cái tu dưỡng, tích đức để được hưởng phước đức đời sau và học tập cách tu thân như các chư Phật. Do đó má tôi, các dì, các cậu đều được ông bà ngoại tôi khuyến khích đi tu.

Lúc má tôi lên sáu tuổi, ông bà ngoại tôi để ruộng vườn, đất đai và nhà cửa cho người con lớn ở lại trông nom tại Giồng Ông Tố, rồi dẫn một nửa số con cái lên tu trên núi ở gần Long Thành (chỗ dốc 47 đi vào khoảng 2km), xây hai kiểng chùa để cả gia đình ăn chay trường, tụng niệm và tu hành.

Vì vậy, lúc sáu tuổi má tôi đã được học Kinh Phật bằng chữ Nho. Từ sáng đến tối chỉ học Kinh Phật rồi tụng niệm, ngoài ra không biết gì đến chuyện đời cả. Trong khu đất đó có rất nhiều chùa. Một chùa lớn gọi là chùa Tổ Đình mà vị Hoà thượng trụ trì gọi là Ông Bộ Sường đã làm lễ Thí-Phát-Quy-Y cho cả gia đình ông bà ngoại tôi (gọi nôm na là cao đầu để nhận vào đạo Phật). Môn phái này gọi là Tịnh Độ. Lễ Thí-Phát-Quy-Y được tổ chức rất lớn, cúng bái, nhan khói rầm rộ và mỗi người được vị Hòa Thượng nầy đặt cho một Pháp Danh. Má tôi được mang Pháp Danh “Sư Cô Diệu Thông” từ đó.

Má tôi tu tại đây cho đến lúc mười tuổi thì hai người anh của Má tôi xin phép ông bà ngoại tôi cho đi lên Tây Ninh, vào núi Điện Bà (còn gọi là núi Bà Đen) tìm một hang đá để tu tịnh, chứ không muốn gỏ mõ, đánh chuông rườm rà như ở Chùa nữa… Má tôi thấy vậy nên cũng muốn xin theo hai anh để đi. Ông bà ngoại tôi bằng lòng. Thế là ba anh em: hai trai, một gái đầu cạo láng, chân đi đất, y phục chỉ là Cà sa vàng, vai mang bình bát, mỗi buổi sáng ra chợ hoặc phố đứng yên đọc Kinh Phật. Thiên hạ, kẻ qua người lại trông thấy mang thức ăn bỏ cúng vào bình bát, có khi là cơm, gạo, xôi, nếp, hoa quả… được thiên hạ cúng thí thứ nào thì ăn thứ nấy, nhưng mà chỉ được ăn mỗi ngày một lần vào buổi trưa mà thôi (gọi là ăn ngọ vì theo quan niệm các người tu hành Phật Giáo thì ăn Ngọ là những người tu hành, Phật, Tiên… còn ăn sau bữa trưa như ăn chiều, ăn tối là dành cho ma quỷ…

Tuy lúc đó mới được mười tuổi nhưng má tôi tâm chí rất mộ đạo, dốc tâm tu hành khổ hạnh, không thiết tha gì đến việc đời. Mỗi buổi sáng thì Má tôi đi khất thực trên hè phố như vậy, có nhiều người thành tâm quỳ xuống lạy dưới chân má tôi. Có người nói rằng: Họ kính lạy sắc phục của Phật. Có người lại nói: Thấy gương má tôi mà kính phục vì người còn nhỏ mà đã dám hy sinh, mang chịu khổ hạnh. Trong số đó có một người tên là “Cô Hai Phải” thấy tình cảnh quá thương tâm động lòng trắc ẩn. Cô đề nghị với hai người anh của má tôi, là dời về khu đất của cô để tu (vì cô có một khu đất khá rộng ở gần chợ Tây Ninh) chớ đừng tu trên núi nữa. Tại đây Cô Hai Phải cho mỗi người một cái chòi nhỏ (gọi là Cốc) để tu. Từ đó, má tôi và hai cậu khỏi phải lên núi mà tu tại đây.

Thời gian nầy tại Tây Ninh có một Hội Thánh Tin Lành. Mục sư Châu quản nhiệm Hội Thánh thường hay đi chứng đạo khắp vùng. Một hôm, ông ghé qua khu đất của Cô Hai Phải. Ông thấy má tôi còn quá nhỏ mà ở một mình trong một cái Cốc nhỏ đang đọc Kinh Phật, ông bèn ghé vào hỏi thăm, thì ông được biết rằng má tôi chỉ biết chữ Nho, còn chữ Quốc Ngữ thì hoàn toàn không biết… Ông đề nghị dạy cho má tôi chữ Quốc Ngữ. Từ đó, ông lui tới thăm viếng má tôi luôn để dạy má tôi học viết và đọc chữ Quốc Ngữ. Đến khi má tôi nguệch ngoạc viết được chữ Quốc Ngữ thì ông Mục sư Châu tặng cho má tôi một cây viết, một cuốn tập và đặc biệt là cho má tôi mượn một quyển Kinh Thánh Tân Cự Ước để má tôi mỗi ngày noi theo những nét chữ bắt chước tập viết cho quen thuần. Có một điều lạ là Mục sư Châu không hề khuyên bảo má tôi nên tin theo Chúa hoặc từ bỏ Phật Giáo. Ông chỉ âm thầm đến chỉ dạy sơ về Kinh Thánh vậy thôi…

Má tôi ở đó được một năm (tức mười một tuổi) thì hay tin ông ngoại tôi bị bịnh nặng nên trở về thăm, ông ngoại tôi cầm giữ lại không cho về Tây Ninh nữa. Vì bịnh nặng nên ông ngoại tôi để lại một người con ở tại Long Thành coi sóc chùa rồi mang cả gia đình về Thạnh Mỹ lợi. Cụ nhờ thợ xây một kiển chùa lớn trước mặt nhà để tu, đồng thời cũng gần nhà thương và thầy thuốc để chạy chữa khi cần.

Má tôi có kể lại cho ông ngoại tôi nghe về chuyện Mục sư Châu cũng như đại khái về câu chuyện Chúa Giê-xu. Ông ngoại tôi mới nói là: “Bây giờ chờ thợ xây cất xong chùa thì mình lên Sài Gòn mua thêm tượng Chúa về thờ chung với Phật cũng tốt vậy”… Lúc đó má tôi đâu biết gì mà nói cho cha mình hiểu về Chúa Cứu Thế được. Vì Mục sư Châu đâu có dạy má tôi lẽ đạo phải thờ phượng Chúa như thế nào đâu!!! (Đến ngày nay mỗi lần thắc mắc đến câu chuyện này má tôi rất hối tiếc là không kịp cho cha của mình biết về Chúa Cứu Thế.

Đến ba năm sau thì ông ngoại tôi trở bệnh nặng và qua đời. Cả gia đình đều buồn bã và bơ vơ vì đã mất một người cha yêu dấu, một người chồng đạo đức và cũng là cột trụ tinh thần hướng dẫn, chỉ đạo cho cả gia đình.
Cách sau đám tang ông ngoại tôi nữa năm, một người dì của tôi đi chợ Giồng Ông Tố về có mang theo một cuốn sách nhỏ do một người phát sách ở chợ đưa tặng… Má tôi bèn đọc cuốn sách nhỏ ấy cho bà ngoại tôi nghe, đây là lúc quyền năng Chúa được thể hiện, vì cuốn sách nhỏ ấy chính là sách Công-vụ-các-sứ-đồ. Khi má tôi đọc đến đoạn 4 câu 12; “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng Danh nào khác ban cho loài người để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” thì bổng dường như má tôi thấy có một ý hay nên đọc trở lại một vài lần. Thì cũng ngay lúc này, bà ngoại tôi chợt nói rằng: “Nếu chỉ có Chúa là Đấng cứu mình và ngoài ra không có Đấng nào khác thì mình thờ lạy Phật làm gì? Sao lại không theo Chúa?…”

Từ đó Đức Thánh Linh tác động mạnh qua câu Kinh Thánh làm bà ngoại tôi suy nghĩ nhiều và đi hỏi thăm để tìm nhà thờ Tin Lành. Lúc đó chỉ ngay tại huyện Thủ Đức mới có nhà thờ Tin Lành, nhưng từ Thạnh Mỹ Lợi tới Thủ Đức cách xa tới mười bốn cây số. Đường xá bấy giờ thật khó khăn vì không có phương tiện dồi dào như ngày nay. Nhưng một hôm bà ngoại tôi quyết định mướn một cổ xe ngựa, chở cả gia đình con cái lên Thủ Đức tìm nhà thờ Tin Lành (lúc bấy giờ là đúng một năm sau khi ông ngoại tôi qua đời).

Khi chiếc xe ngựa dừng lại trước cổng nhà thờ Tin Lành Thủ Đức thì có nhiều người ra bảo cho bà ngoại tôi biết rằng chùa nằm phía bên kia, còn đây là nhà thờ Tin Lành chớ không phải chùa. Vì họ thấy một cổng xe ngựa chở toàn là thầy chùa và cô vải, đầu thì trọc láng, áo quần thì cà sa vàng chính hiệu… Nhưng khi nghe bà ngoại tôi trình bày, mọ mới vỡ lẽ ra và quá ngạc nhiên. Họ trở vào mời ông Mục sư ra tiếp đón “phái đoàn sư sãi” vào nhà thờ. Lúc bấy giờ là năm 1941, vị Mục sư quản nhiệm Hội thánh là Mục sư Bùi Tự Do. Ông mời cả gia đình vào nhà thờ hỏi thăm và giải nghĩa tận tường những cơ bản về Đạo Cúu Rỗi. Sau đó bà ngoại tôi, các cậu, dì và má tôi đồng lòng quỳ xuống ăn năn tin nhận Chúa… cả Hội thánh bật khóc vang vì quyền năng của Chúa quá lạ lùng. Quang cảnh một nhóm Sư Sãi áo vàng đi tìm nhà thờ Tin Lành để tin nhận Chúa thì quả là một cảnh lạ đời và hy hữu trên thế gian này!!!

Sau khi tin nhận Chúa tại Hội Thánh Tin Lành Thủ Đức vào khoảng tháng 7-1941 cho đến gần Lễ Giáng Sinh thì cả gia đình ngoại và má tôi chịu phép báp tem. Từ khi tin nhận Chúa, cả gia đình lúc nào cũng chuyên cần học hỏi Kinh Thánh. Bà ngoại tôi dự tính tu sửa lại kiểng chùa lớn ở khu đất mà ông ngoại tôi khi còn sống đã đặt thợ làm còn dang dở, làm khung của phía trước. Ông Mục sư Do và ban trị sự Hội thánh Thủ Đức có đến thăm và cùng hợp tác với Giáo sĩ Jebbrey tổ chức “Tế Đạo” (truyền giảng) ngay tại chùa. Cứ mỗi tuần và chiều thứ năm Giáo sĩ Jeffrey đem đàn phong cầm đến trong khi bà ngoại tôi lo đi lấy ghế về sắp hàng mời mọi người đến nghe giảng đạo.
Vì giữa chùa là một cái Khánh lớn (bàn thờ Phật) đúc bằng xi măng, xung quanh được nạm gắn miểng kiểu hình Long Phụng rực rỡ, trên có tượng Phật Thích Ca cao khoảng 90 cm. Bà ngoại tôi muốn phá bỏ cái khánh đó cho tiện việc rao giảng Tin Lành. Nhưng khi gọi thợ đến thì không ai dám làm chuyện đó. Đợi mãi hồi lâu đích thân bà ngoại tôi phải leo lên dùng búa triệt hạ cái tượng xuống thì bọn thợ mới dám làm tiếp. Câu chuyện này làm chấn động dự luận cả vùng lúc bấy giờ!

Công cuộc truyền giảng ngày càng có kết quả tốt, dân chúng tin nhận Chúa quá nhiều. Bà ngoại tôi đề nghị với Mục sư Do và Giáo sĩ Jebbrey xin phép mở một Hội thánh nhánh tại xã Thạnh Mỹ Lợi vì giảng đạo trong chùa thì không đủ chỗ ngồi, còn lên Hội Thánh Thủ Đức thì xa 14km, người dân quê không thể đi được. Khoảng một năm sau, việc xât cất Hội thánh nhánh được chấp thuận, ngôi nhà thờ nhỏ nhưng khang trang được dựng bên cạnh góc cột chùa của ông bà ngoại tôi. Hội thánh cử người đến ở và chăm nom (vợ chồng Thầy Trường). Nhà thờ nhóm lại mỗi tuần một lần vào thứ năm do Mục sư Do phụ trách và mỗi tháng truyền giảng một lần. Có nhiều Mục sư đến truyền giảng như: Mục sư Xuyến, Mục sư Thâu, Mục sư Hương, Mụ sư Hỷ, Ông bà Mục sư Năm và nhiều vị khác…

Lúc bấy giờ chiến tranh bộc phát mạnh (khoảng 1942-1943) nhân dân chạy lánh nạn. Nhà thờ nhỏ bị bắn sập. Gia đình ngoại tôi phải dọn đi xa cách đó khoảng 2 km. Từ đó cả gia đình phải lên Thủ Đức để nhóm thờ phượng Chúa.

Về phần má tôi từ khi tiếp nhận Chúa, đầu chưa ra tóc kịp và má tôi vẫn luôn mặc áo Cà sa vàng để đi nhóm họp (vì quá quen thuộc và có lẽ chưa kịp may đồ khác… Từ nhỏ đến lớn cả gia đình chỉ mặc có loại đồ này, muốn thay đổi cũng phải khá lâu mới được).

Đến kỳ Hội Đồng Địa Hạt tổ chức tại Sài Gòn, Mục sư Do cùng đưa má tôi đến để làm chứng về sự kỳ diệu trong quyền năng Chúa. Liên tiếp mấy năm liền có Hội Đồng tổ chức tại đâu, thì má tôi lại Cà sa vàng đầu lún phún tóc, được đứng lên lớn tiếng làm chứng. Mọi người nghe xong đều rất cảm động (Hội Đồng ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Biên Hòa…).

Đến mười lăm tuổi, má tôi được bà ngoại cho đi tham dự khóa Kinh Thánh Tiểu Học Đường tổ chức tại Cần Thơ trong vòng một tháng rưỡi. Khóa học này ngoài Mục sư Trào ở Cần Thơ phụ trách. Còn có các Giáo sĩ Jebbrey và bà Homera Dixon (bút hiệu là Hoa Hồng trong Thánh Kinh Báo). Má tôi rất vui mừng được tham dự khóa học và cầu nguyện xin Chúa sử dụng má tôi trong công việc nhà Chúa. Từ đó má tôi là chứng đạo viên hăng say, sốt sắng nhất trong Ban Thanh Niên Hội Thánh Thủ Đức. Chùa nào, miễu nào má tôi cũng lặn lội đến rao truyền ơn cứu rỗi của Chúa…

Đến năm mười bảy tuổi, ông bà nội của ba tôi đến xin cưới má tôi cho cháu nội đích tôn (vì cha mất sớm nên ba tôi phải sống với ông bà nội từ thuở nhỏ. Ông bà chính là một trong những người tin Chúa đầu tiên của Hội Thánh Thủ Đức, làm việc trong ban chấp sự Hội thánh. Ba tôi lúc bấy giờ là Thư ký Hội thánh kiêm trưởng ban Thanh Niên.Từ đó đến nay, trên bước đường theo Chúa phục sự Ngài, trải qua rất nhiều thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, nhưng trong ơn lành, nhân từ, an ủi, nâng đỡ của Chúa đã giúp cho má tôi được kinh nghiệm Chúa nhiều hơn, hưởng phước của Chúa thật kỳ diệu cho đến ngày hôm nay. Má tôi dâng lên Chúa lời cảm tạ chân thành và dâng tất cả con cái mình cho Chúa để Ngài sử dụng thật hữu ích cho Ngài. Chúng tôi là hậu tự cũng được hưởng phước mà Chúa ban đến ngàn đời, dành cho những người trung tín vân giữ làm theo điều Ngài dạy dỗ trong Kinh Thánh; cũng như khi qua đời này sẽ được sự sống đời đời tại thiên đàng.

Câu chuyện sau đây là hồi ký của má tôi, là những lời làm chứng về quyền năng của Chúa tỏ ra trên gia đình của má tôi. Má tôi hiện đang sống tại huyện Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn và hầu việc Chúa ở Hội thánh Gia Định với chức vụ thủ quỹ. Bà gởi đến chúng tôi những dòng hồi ký nầy và mong rằng những đứa con của bà cùng với gia đình chúng nó lúc nào cũng hầu việc Chúa.

Hồi ký của Sư Cô Diệu Thông

Web site nguon:
http://www.tinlanhhyvong.com/Loi_Chung_Tu_Coi_Bo_De_Den_Chan_Thap_Tu.html
God bless you
Bài này do
Tân Trần gởi