Việc ĐGH Bênêđictô XVI từ nhiệm là một sứ điệp của Năm Đức Tin

Vic ĐGH Bênêđictô XVI t nhim là mt s đip ca Năm Đc Tin

+GM. Bùi Tuần

 

2/13/2013

 

nguồn: Vietcatholic.net

 

1. Tin Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm đã và đang gây xôn xao trong mọi tầng lớp xã hội và Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng từ nhiệm, đó là biến cố rất bất ngờ. Bất ngờ đó gây ra trong tôi
một nỗi bàng hoàng choáng váng.

Lấy lại sự bừng tỉnh nhờ cầu nguyện, tôi cúi đầu lắng nghe Chúa dạy bảo. Chợt
tôi nhớ lại một chi tiết nhỏ riêng tư, lần tôi được gặp Đức Giáo Hoàng lúc Ngài
còn là Hồng Y Bộ trưởng Bộ Đức Tin. Trong trao đổi, tôi thấy Ngài chú ý đặc
biệt đến sự gặp gỡ Đức Kitô. Như thế căn cốt của đức tin là gặp gỡ riêng tư và
thân mật với Đức Kitô, để bước theo Đức Kitô. Nên trong thinh lặng nội tâm lúc
này, Chúa dạy tôi hãy dùng chi tiết đó như một ánh sáng để hiểu sự từ nhiệm của
Đức Giáo Hoàng.

Nhờ ơn Chúa giúp, tôi dần dần nhận ra rằng: Sự từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng
Bênêđictô chứng tỏ Ngài đã và đang gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô. Nhờ
đó Ngài nhấn mạnh đến mấy điểm rất cần sau đây cho Năm Đức Tin:

2. Trước hết, theo Ngài, tin là gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô trong sự
từ bỏ quyền lợi riêng, và bước xuống thân phận con người hèn yếu, vì yêu thương
con người và để cứu chuộc loài người.

Tôi nhớ lại ở đây lời thánh Phaolô nói về nét đẹp đó của Đức Kitô:

“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không phải nhất quyết duy trì địa vị
ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân
phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).

Đức Kitô đã bước xuống, để hoà mình, để chia sẻ, để gần gũi, để cứu chuộc loài
người bằng yêu thương hoà trộn với hy sinh quên mình.

Đức Kitô đã nêu gương sáng đó cho các môn đệ Chúa. Các môn đệ Chúa hiểu sự
khiêm nhường bước xuống như thế là một đặc điểm của người môn đệ Chúa.

Thánh Phêrô càng hiểu điều đó. Nên, khi được Chúa Giêsu trao trách nhiệm chăn
dắt đoàn chiên của Chúa, thánh Phêrô đã thề hứa với Chúa là hết lòng mến yêu
Chúa. Trong lòng yêu mến đó có sự cam kết sống khiêm nhường bước xuống theo
gương Chúa.

Các đấng kế vị thánh Phêrô vẫn giữ tinh thần bước xuống theo gương Đức Kitô,
theo những cách khác nhau.

3. Tuy nhiên, với những biến chuyển của lịch sử, Hội Thánh dần dần trở thành
một tổ chức. Tổ chức này vừa có yếu tố siêu nhiên, vừa có yếu tố nhân loại. Một
lúc nào đó, tổ chức trở thành cơ chế phức tạp, như một guồng máy nặng nề. Trong
hoàn cảnh đó, vị đứng đầu Hội Thánh, dù muốn dù không, cũng phải bước lên chỗ
gọi là Ngai, là Toà.

Chức cao, quyền cả đó là một vinh dự rất lớn, nhưng cũng là một trách nhiệm rất
nặng nề. Nhất là khi yếu tố nhân loại chẳng may trở nên mạnh trong cơ chế phức
tạp. Trong tình hình như thế, cho dù người đứng đầu Hội Thánh, kế vị thánh
Phêrô, có muốn đổi mới Hội Thánh, bằng việc kêu gọi mọi người hãy tập trung vào
Đức Kitô, và giới răn yêu thương của Người, thì công việc đổi mới ấy không dễ
gì thực hiện được. Cản trở do những yếu tố ngoài Hội Thánh vẫn mạnh. Cản trở do
những yếu tố nhân loại trong cơ chế nội bộ Hội Thánh cũng mạnh không kém.

Trước một thực tế quá nhiều thách đố như vậy, vị lãnh đạo Hội Thánh sẽ phải suy
nghĩ rất nhiều. Suy nghĩ đi tới những chọn lựa. Khi chọn lựa của Ngài là sự từ
nhiệm, thì chọn lựa đó phải được coi là khiêm nhường và can đảm. Từ nhiệm là
bước xuống. Bước xuống để lui vào đời sống cầu nguyện, cũng vẫn là một cách đại
diện cho Chúa Kitô, lo cho đoàn chiên của Chúa.

Ngài bước xuống như vậy, là nhờ đức tin. Tin nơi Ngài là gặp gỡ Đức Kitô và
bước theo Đức Kitô.

4. Hơn nữa, khi đức tin của Ngài là gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô, thì
Đức Giáo Hoàng bước thêm một bước nữa, đó là chịu đóng đinh mình một cách nào
đó vào thánh giá.

Ở đây, tôi nhớ lại lời thánh Phaolô nói về Đức Kitô:

“Ngài lại hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên
cây thánh giá” (Pl 2,8).

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng đã vâng lời đức tin cho đến cùng. Với sự từ
nhiệm của Ngài, Ngài nói sơ qua về tình hình sức khoẻ của Ngài đang suy giảm.
Chừng ấy thiết tưởng đã đủ, để chúng ta hiểu sự đau đớn Ngài phải chịu. Đau đớn
phần xác, đau đớn phần hồn. Đau đớn do ngoại cảnh, đau đớn do nội bộ. Chính sự
từ nhiệm cũng được coi là một quyết định đau đớn.

Những đau đớn ấy chính là một thứ thánh giá Ngài đang vác trên vai, và cũng là
thánh giá mà Ngài như bị đóng đinh vào, để dâng mình làm của lễ, kết hợp với
của lễ xưa của Chúa Giêsu trên thánh giá.

Tôi có cảm tưởng là một cách nào đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI muốn nhắc lại
cho đoàn chiên của Ngài lời thánh Phaolô xưa: “Được thông phần những đau khổ
của Đức Kitô, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết của Người”
(Pl 3,10), đó chính là hướng đi của đời Ngài.

5. Với những cảm nghĩ trên đây, tôi coi sự từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI là một sứ điệp quý giá của Năm Đức Tin.

Đọc sứ điệp này tôi thấy mình cần phải học nhiều điều.

Thứ nhất, tin là gặp gỡ Đức Kitô và bắt chước Đức Kitô.

Thứ hai, nếu tin là bắt chước Đức Kitô, thì tôi phải khiêm nhường bước xuống,
để chia sẻ, hoà mình, gần gũi, và để giải cứu con người bằng tình thương hy
sinh quên mình.

Thứ ba, nếu tin là bước theo Đức Kitô, thì tôi luôn phải sẵn sàng từ bỏ những
gì không thích hợp với sự phát triển của Nước Thiên Chúa, để dấn thân vào những
gì thích hợp hơn, theo thánh ý Chúa. Những gì không thích hợp như các công
trình phô trương tốn phí. Những gì thích hợp hơn như đời sống nội tâm.

Thứ tư, nếu tin là gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô, thì mọi chọn lựa của
tôi luôn phải khiêm tốn và yêu thương.

Bốn điều trên đây sẽ không dễ thực hiện được, nếu không có ơn Chúa. Nên tôi
phải tăng cường việc cầu nguyện và làm những việc hy sinh nho nhỏ trong đời
sống thường ngày.

6. Khi sự từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI được coi là một sứ điệp của
Năm Đức Tin, thì sứ điệp này không chỉ là một bài học, mà còn là một cảnh báo.
Cảnh báo về một tương lai sẽ có những bất ngờ gây bàng hoàng sửng sốt. Có thể
sẽ xảy ra những biến cố về sự bước xuống đau đớn và cảnh chịu đóng đinh vào
thánh giá. Nơi ít nơi nhiều, những bất ngờ đau đớn đó sẽ xảy ra.

Với những bài học và những cảnh báo, sứ điệp Năm Đức Tin tiềm ẩn trong sự từ
chức của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI rất đáng được chúng ta suy nghĩ trong
thinh lặng nội tâm, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần.

Cần suy nghĩ nghiêm túc, để điều chỉnh lại đời sống một cách mau lẹ. Kẻo, khi
những bất ngờ đau đớn xảy tới mới tìm hướng đi, thì sẽ quá muộn.

Cần thức tỉnh mau lẹ. Đừng trì trệ, dửng dưng, khô cứng. Kẻo giờ Chúa đến bất
ngờ, mà chưa chuẩn bị, thì sẽ không kịp theo Chúa đi vào Nước Trời.

Bất ngờ tiếp nối bất ngờ. Sứ điệp trong sự từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI mới chỉ là khởi đầu. Ở đây, tôi nhớ tới những khủng khiếp, mà Đức Mẹ đã
tiên báo ở Fatima.

Long Xuyên, ngày 13 tháng 02 năm 2013

 

Do Trần Tân goi

Thiên thạch đâm xuống vùng núi Ural ở Nga

Thiên thạch đâm xuống vùng núi Ural ở Nga

Video ghi lại vật thể rơi bốc cháy phía trên một khu chung cư trong thành phố Chelyabinsk trong vùng núi Ural ở Nga, 152/13

Video ghi lại vật thể rơi bốc cháy phía trên một khu chung cư trong thành phố
Chelyabinsk trong vùng núi Ural ở Nga, 152/13

15.02.2013

nguồn: VOA

Giới chức Nga cho biết một thiên thạch đã bay vụt qua bầu trời vùng núi Ural của Nga vào sáng thứ Sáu, gây nên những vụ nổ và làm vỡ cửa sổ.

Giới chức nói hơn 400 người ở khu vực Chelyabinsk bị thương và nhiều người trong số họ bị thương do kính vỡ.

Chính quyền địa phương nói rằng một bức tường và mái của một nhà máy sản xuất
kẽm ở Chelyabinsk bị hư hại trong vụ nổ.

Nhà chức trách nói rằng sóng điện thoại di động chập chờn không ổn định.

Thiên thạch này đâm xuống Trái đất chỉ vài giờ trước khi một tiểu hành tinh với
tên gọi 2012 DA14 dự báo sẽ bay qua với khoảng cách gần với Trái đất.

Cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA nói rằng các tiểu hành tinh rộng 45-mét có thể
đến gần tới 27.000 km phía trên Trái Đất. Tuy nhiên, NASA khẳng định tiểu hành
tinh này không có nguy cơ đâm xuống Trái đất.

Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (2)

Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (2) Ảnh: Danlambao
Ảnh: Danlambao
12.02.2013
Về thể loại của Bên Thắng Cuộc, có hai khía cạnh cần chú ý: phương pháp nghiên cứu và cách trình bày.
Về phương pháp, Huy Đức thu thập tài liệu chủ yếu qua các cuộc phỏng vấn, “hàng
ngàn cuộc phỏng vấn”, một phương pháp gắn liền với ngành khẩu sử (oral
history), một lối viết thịnh hành ở Tây phương từ khoảng cuối thập niên 1960,
và trở thành một ngành học ở các đại học Tây phương từ cuối thế kỷ 20. Khẩu sử
khác lịch sử. Khác, trước hết, ở nguồn tài liệu: với lịch sử, chủ yếu là các
văn bản viết; với khẩu sử, chủ yếu là các lời kể của những người trong cuộc
hoặc chứng nhân được thu thập qua các cuộc phỏng vấn. Khác nữa, ở đối tượng:
với lịch sử, đó là các tài liệu lịch sử, nói cách khác, lịch sử là lịch sử trên
lịch sử; với khẩu sử, đó là ký ức, hoặc ký ức cá nhân hoặc ký ức tập thể. Khác,
cuối cùng, còn ở tính chất, như là hệ quả của hai cái khác ở trên: trong khi
văn bản viết là những gì đã được công bố, nghĩa là, thứ nhất, thuộc về công
chúng; thứ hai, với những mức độ khác nhau, được xác minh, do đó, được xem là
ít nhiều đáng tin cậy; các lời kể trong các cuộc phỏng vấn, ngược lại, gắn liền
với từng cá nhân, xuất phát từ kinh nghiệm riêng, chúng có thể bị khúc xạ, bị
biến dạng, thậm chí, được “viết lại” theo những thay đổi trong tâm lý của người
kể. Nói cách khác, trong khi lịch sử là những gì đã được chọn lọc khá kỹ, khẩu
sử thường là những vật liệu thô; trong khi những người viết sử như những người
làm việc trong các tiệm kim hoàn, những người viết khẩu sử như những người làm
việc với vỉa quặng trong các hầm mỏ.
Tuy nhiên, về bản chất, lịch sử và khẩu sử giống nhau ở khá nhiều điểm. Thứ
nhất, chúng đều là những hình thức diễn ngôn về quá khứ (discourse about the
past) chứ không phải bản thân quá khứ. Quá khứ là những gì đã qua và đã biến
mất. Diễn ngôn về quá khứ là những tự sự được xây dựng để tái tạo lại quá khứ
ấy nhằm đáp ứng một nhu cầu trong hiện tại. Thứ hai, là diễn ngôn, cả lịch sử
lẫn khẩu sử đều có tính chất chủ quan, hoặc của một người hoặc của một nhóm
người. Thứ ba, do tính chất chủ quan ấy, cả lịch sử lẫn khẩu sử đều luôn luôn
được viết lại. Mỗi thời đại hoặc mỗi thế hệ đều cảm thấy có nhu cầu tái cấu
trúc ký ức và diễn dịch lại quá khứ, do đó, bao giờ cũng tìm cách viết lại
những gì các thế hệ đi trước đã viết.
Về cách trình bày, Bên Thắng Cuộc có tính chất báo chí hơn là lịch sử.
Có hai điểm khác nhau căn bản giữa báo chí và lịch sử: Thứ nhất, trong khi lịch
sử nặng về phân tích, báo chỉ nặng về miêu tả; thứ hai, trong việc sử dụng tài
liệu, kể cả tư liệu lấy được từ các cuộc phỏng vấn, yêu cầu cao nhất đối với
lịch sử là mức độ khả tín, nghĩa là cần được đối chiếu và xác minh cẩn thận;
với báo chí, là tính chất tươi ròng của tài liệu; và vì tính chất tươi ròng ấy,
nhiều lúc chưa chắc chúng đã chính xác, hoặc nếu chính xác, chưa chắc đã có ý
nghĩa tiêu biểu đủ để phản ánh thực chất của vấn đề.
Nhìn Bên Thắng Cuộc như một tác phẩm báo chí dựa trên phương pháp khẩu
sử, chúng ta dễ dàng chấp nhận một số khuyết điểm vốn rất dễ thấy trong cuốn
sách.
Thứ nhất, về phương diện cấu trúc, đặc biệt ở tập 2, “Quyền bính”; ở đó, thứ
nhất, quan hệ giữa các chương không theo một trật tự logic nào cả; thứ hai,
giữa các chương cũng không có sự cân đối cần thiết: có một số chương được viết
kỹ và nhiều chi tiết (ví dụ về Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt) hơn hẳn các
chương khác (ví dụ về Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh). Lý do khá dễ hiểu: Huy
Đức không hoàn toàn làm chủ nguồn tư liệu của mình. Với những người anh tiếp
cận được dễ, anh viết sâu; với những người ở xa, anh viết cạn. Vậy thôi.
Thứ hai, về vấn đề tư liệu. Huy Đức phỏng vấn rất nhiều người, nhưng không phải
TẤT CẢ mọi người ở mọi phía; hơn nữa, anh chưa tiếp cận được những nguồn tài
liệu mật của Bộ Chính trị nên nhiều vấn đề vẫn khiến người đọc hoang mang.
Trong số đó, có hai vấn đề lớn nhất: Một, việc cuối năm 1967, Hồ Chí Minh
thường xuyên sang Trung Quốc dưỡng bệnh và Võ Nguyên Giáp thì được cử đi
Hungary. Nhiều người cho đó là một cách nghi binh nhằm che giấu ý đồ tổng tấn
công vào Tết Mậu Thân. Huy Đức, theo lời kể của một số người, cho hai người bị
đưa đi “an trí” để Lê Đức Thọ ra tay thâu tóm quyền lực. Cách giải thích như
vậy lại làm nảy sinh nhiều vấn đề khác: chẳng hạn, tại sao Lê Duẩn và Lê Đức
Thọ lại tung ra cuộc đấu đá nội bộ ở vào một thời điểm quan trọng, lúc họ cần
đoàn kết và tập trung nhất cho một trận chiến quyết liệt như vậy? Hai, Huy Đức
cho giới lãnh đạo Việt Nam, trong những năm 1976 và 1977, không đánh giá đúng
mức sự thù nghịch của Pol Pot đối với Việt Nam và từ đó, tầm vóc của cuộc chiến
tranh chống Việt Nam do Pol Pot phát động, và đầu năm 1979, hoàn toàn bất ngờ
trước cuộc tấn công của Trung Quốc vào biên giới phía Bắc Việt Nam (GP, tr.
76); tuy nhiên, trước đó, anh lại kể, từ cuối năm 1977, trong chuyến thăm Cần
Giờ, Lê Duẩn đã trả lời thắc mắc của một số đảng viên trong huyện ủy: “Các đồng
chí hỏi đúng vào một tình hình cả nước đang quan tâm. Chúng tôi đau đầu lắm,
ngủ không được. Không phải là vấn đề Khmer Đỏ mà là vấn đề ai ở đằng sau Khmer
Đỏ, đằng sau Pol Pot. Ta đã đưa đại quân đâu, bọn nó làm sao chống ta nổi,
nhưng ta đánh nó, Trung Quốc đánh ta thôi.” (GP, tr. 72-3) Biết thế mà vẫn “bất
ngờ” là sao?
Thứ ba, quan trọng nhất, nhiều chương chỉ có tính chất tự sự nhưng lại thiếu
hẳn tính chất phân tích, do đó, tuy hấp dẫn, chúng không giải thích được gì cả.
Ví dụ, trong tập “Giải phóng”, Huy Đức viết về Lê Duẩn khá dài, nhưng phần lớn
đều tập trung vào cuộc sống và tính cách của ông: Ông có hai vợ, một ở miền Bắc
và một ở miền Nam; lúc ở miền Nam, ông nổi tiếng về nhiệt tình và năng lực làm
việc không biết mệt mỏi, lúc ra miền Bắc, ông lại nổi tiếng là thích nói chuyện
lý thuyết, và khi nói chuyện, có thói quen hay ngắt lời người khác. Nhưng có
những điểm quan trọng nhất lại không được phân tích: Một, tại sao Hồ Chí Minh
lại tin cậy Lê Duẩn đến độ giao ngay cho ông chức Tổng Bí thư ngay sau khi ông
mới ra Hà Nội như vậy? Lúc ấy, chung quanh Hồ Chí Minh, ngoài Trường Chinh vốn
đã bị mang tiếng sau vụ cải cách ruộng đất, có rất nhiều tay chân thân thiết,
kể cả hai người được ông và nhiều người khác yêu mến: Võ Nguyên Giáp và Phạm
Văn Đồng? Hai, tại sao, từ miền Nam mới ra Bắc, hầu như hoàn toàn đơn độc, chỉ
trong vòng mấy năm, Lê Duẩn đã có thể thao túng toàn bộ guồng máy đảng Cộng
sản, lấn át quyền hành của tất cả mọi người, kể cả Hồ Chí Minh, như vậy? Ông sử
dụng các biện pháp gì để xây dựng vây cánh và quyền lực một cách nhanh chóng và
hiệu quả như vậy? Ba, tại sao một người nổi tiếng quyền biến và, đến lúc chết,
vẫn có uy tín rất lớn, không những ở miền Bắc mà còn trên cả thế giới, như Hồ
Chí Minh, lại đành nhẫn nhục chịu đựng cảnh bị Lê Duẩn tước đoạt quyền hành mà
không hề tìm cách kháng cự như vậy? Đó là những vấn đề giới nghiên cứu lịch sử
Việt Nam hiện đại không thể không đặt ra.
Những khuyết điểm trên có thể được chấp nhận hoặc bỏ qua nếu chúng ta đọc Bên
Thắng Cuộc
như một tác phẩm tường thuật về tình hình chính trị của một thời
đại. Mang tính báo chí, Bên Thắng Cuộc gần với khẩu sử hơn lịch sử. Tự
bản chất, khẩu sử là ký ức. Với ký ức, quan trọng nhất là câu chuyện chứ không
phải phân tích. Mà các câu chuyện trong Bên Thắng Cuộc thì không những
hấp dẫn mà còn đa dạng vô cùng. Tính chất đa dạng ấy làm cho bức tranh Huy Đức
mô tả trở thành đa diện. Nhìn từ góc độ ấy, chúng ta sẽ thấy có khi ngay cả
những chi tiết nhí nhắt nhất cũng có thể hữu ích. Ví dụ, lời tâm sự của bà
Nguyễn Thụy Nga (trong sách có lúc viết tên lót là Thụy, lúc lại viết là Thị),
người “vợ miền Nam” của Lê Duẩn, về chồng bà: “Trong tình yêu anh cũng như con
nít” (GP, tr. 117). Câu ấy, tự nó, không tiết lộ được điều gì cả. Thì có người
đàn ông nào, trong tình yêu, lại không giống con nít? Nhưng nó vẫn giúp người
đọc, khi nhìn lại Lê Duẩn, thấy ở ông, ngoài hình ảnh một nhà lãnh đạo cuồng
tín, thủ đoạn và độc đoán, còn có một khía cạnh khác: một con người. Những cách
nói năng kiểu “thằng này, thằng nọ” của Nguyễn Văn Linh, cũng vậy, đều tiết lộ
một cá tính. Đối với người bình thường, cá tính thường bị loại trừ từ góc độ
nghề nghiệp. Nhưng với các chính khách, đặc biệt khi chính khách ấy nắm giữ vai
trò lãnh đạo, cá tính lại được chú ý vì nó ảnh hưởng đến chính sách, từ đó, đến
đường lối chung, và cũng từ đó nữa, đến cả vận mệnh của đất nước.
Bên Thắng Cuộc hay, rất hay, nhưng cũng giống như mọi cuốn tường thuật
hay khẩu sử, nó là một cái gì dở dang. Nó là một khối quặng chưa được tinh chế.
Nó cung cấp cho người đọc cả hàng ngàn câu chuyện từ cả mấy trăm người kể khác
nhau để người đọc, hoặc các sử gia sau này, so sánh, diễn dịch, phân tích
và/hoặc tổng hợp lại để thành một bức tranh hoàn chỉnh hơn.
Ở trên (bài số 1), tôi có viết điều tôi thích nhất ở Bên Thắng Cuộc
tư liệu. Vậy điều kế tiếp? Đó là quan điểm. Một số người ở hải ngoại, chỉ nhìn
vào mấy dòng lý lịch trích ngang của Huy Đức, thấy anh đã từng là bộ đội, lại
là sĩ quan, đã lên tiếng phê phán và tố cáo anh, dù có khi chưa hề đọc trang
nào trong cuốn sách. Đó chỉ là một nhận định vội vã và đầy thành kiến. Trong
lời nói đầu tập “Giải phóng”, Huy Đức cho biết cuốn sách của anh là “công trình
của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật”. Dĩ nhiên, chúng ta biết, “sự thật” là
một khái niệm rất mơ hồ. Và tương đối. Nhưng cách hiểu về cái gọi là “sự thật”
ấy của Huy Đức, theo tôi, rất đơn giản nhưng chính xác: Chúng là những gì khác
hẳn với “những thông tin được cung cấp bởi nhà trường và bộ máy tuyên truyền” ở
Việt Nam. Theo đuổi mục tiêu ấy, không thể nói lúc nào Huy Đức cũng thành công.
Đó là điều dễ hiểu. Ai cũng vậy thôi. Có điều tôi cho là đáng khen ngợi nhất ở
anh là anh có thiện chí và cố gắng.
Thiện chí và cố gắng ấy thể hiện ngay ở nhan đề cuốn sách: Bên Thắng Cuộc.
Tại sao không phải là “thắng trận” hay “chiến thắng” như hai cách nói khác
thông dụng hơn? Tôi nghĩ đó là một lựa chọn. “Thắng trận” chỉ thuần về quân sự.
Nhưng đề tài Huy Đức muốn trình bày không phải chỉ là quân sự. Còn “chiến
thắng”? Trong chữ “chiến thắng”, ngoài ý nghĩa “thắng”, còn có hai nét nghĩa
phụ khác, đi kèm, đến từ chữ “chiến”: chính nghĩa và vinh quang. Không ai dùng
chữ “chiến thắng” để nói về kẻ đi đánh lén người khác, chẳng hạn. Chữ “thắng
cuộc” hoàn toàn không có những hàm ý như thế. Đánh bài: thắng cuộc. Cá cược:
thắng cuộc. Dùng chữ “bên thắng cuộc”, Huy Đức, một mặt, tước bỏ các huyền
thoại chung quanh từ “chiến thắng” vốn thường được sử dụng, mặt khác, xem chiến
tranh, tự bản chất, như một ván bài về quyền lực. Vậy thôi. Trong ván bài, việc
thắng thua tuỳ thuộc may rủi chứ không dính dáng gì đến chuyện chính nghĩa hay
không chính nghĩa.
Trong tập “Quyền bính”, ở chương “XVII: Tam quyền không phân lập”, khi nói về
những sự thay đổi Hiến pháp ở Việt Nam, Huy Đức viết: “Hiến pháp 1992, vì thế,
đã không tiếp cận được những mô hình nhà nước tiến bộ để trở thành nền tảng cho
Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền.” (QB. 90) Xin lưu ý: chữ “tiến bộ” đằng
sau chữ “nhà nước” và đằng trước cụm từ “nhà nước pháp quyền” ở câu trên hoàn
toàn trái ngược với cách hiểu về chữ “tiến bộ” mà giới truyền thông Việt Nam
thường sử dụng.
Trong giới lãnh đạo Việt Nam, rõ ràng Huy Đức tỏ ra ưu ái đặc biệt với hai
người: Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt. Nhưng ngay cả như vậy, ở cả hai, Huy Đức
đều nhận thấy những khuyết điểm căn bản của họ: trung thành một cách dại dột.
Phê bình như thế, Huy Đức thấy được một vấn đề thuộc về bản chất của chế độ.
Bản chất được anh viết trong lời nói đầu tập “Quyền bính”: “Hệ thống chính trị,
trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng có ít khả năng khắc phục sai lầm.”
Nhưng nếu nó không có khả năng tự khắc phục sai lầm thì sao? Ai sẽ đảm nhận
trách nhiệm ấy? Câu trả lời nằm trong những điều Huy Đức chưa nói hết: Có thể
là bất cứ ai, nhưng chắc chắn là không phải từ “hệ thống”.
Đó chính là lý do chính khiến báo chí trong nước xúm vào đánh cuốn Bên Thắng
Cuộc
.
Dĩ nhiên, Bên Thắng Cuộc không tránh khỏi khuyết điểm. Chả có cuốn sách
nào không có khuyết điểm cả. Vấn đề chỉ là nhiều hay ít. Ở cuốn Bên Thắng
Cuộc
, theo tôi: Ít. Điều thú vị là, hầu hết các sai lầm của anh đều liên
quan đến văn học. Trong chương “XI: Campuchia” của tập “Giải phóng”, anh nhận
định: “Cảnh giác với người Trung Hoa là điều đã có từ trong máu người Việt Nam.
Nhưng, trong lịch sử nghìn năm kháng cự để tồn tại với ‘thiên triều’, chưa có
triều đại nào lại công khai xác định Trung Quốc là ‘kẻ thù truyền kiếp và lâu
dài’ trong các văn kiện chính thức như thời Tổng bí thư Lê Duẩn.” (GP, tr. 160).
Sai. Huy Đức quên trong Bình Ngô đại cáo (1428) của Nguyễn Trãi có câu
này: “Kẻ thế thù đâu thể đội trời chung”  (Niệm thế thù khởi khả cộng đái
/ 念 世讎 豈 可 共 戴).
Thế thù: Kẻ thù truyền kiếp. Trong “chương XII: Cởi trói” của cuốn “Quyền
bính”, nhân nhắc đến các dấu mốc lớn trong  lịch sử báo chí Việt Nam, anh
viết : “Thơ Mới, cuối thập niên 1930” (QB, tr. 11).  Sai. Thời điểm ra đời
của Thơ Mới là đầu chứ không phải cuối thập niên 1930. Trong vòng chưa tới 10
năm, Thơ Mới đã đi hết một chặng đường. Cũng trong chương ấy, anh trích bài
“Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật như sau: “Khói bom lên trời thành những vòng
đen / Và dưới mặt đất sinh ra bao vòng trắng / Tôi với bạn đi trong im lặng /
Khăn tang trên đầu như một số không” (QB, tr. 18). Sai nhiều chỗ. Nguyên văn
bài thơ ấy là:
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen

Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.

Ngay cả mấy câu thơ của Nguyễn Duy được trích làm đề từ cho cuốn sách cũng sai:
Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh
Bên nào thắng thì nhân dân đều bại.
Nguyên văn của Nguyễn Duy như sau:
Ta mặc niệm trước Angkor đổ nát

đá cũng tàn hoang huống chi là kiếp người

Đá ơi

xin tạc lại đây lời cầu chúc hoà bình!

Nghĩ cho cùng

Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…

(In trong tập Quà tặng, nxb Văn Học, 1990, tr. 78)
“Nghĩ” khác với “suy”, “mọi” khác với “mỗi”, và “phe” khác với “bên”.
Cũng như “bên thắng cuộc” khác với “bên chiến thắng”.
Một điều cuối cùng: Không ít người cho chọn cách tiếp cận từ phía những người
thắng cuộc như Huy Đức là một chọn lựa đầy thiên vị, từ đó, bức tranh anh muốn
phác họa sẽ bị lệch lạc theo. Theo tôi, không đúng. Thứ nhất, trong mọi lịch
sử, những người “thắng cuộc” – xưa là vua chúa, sau này, giới cầm quyền – bao
giờ cũng nằm ở vị trí trung tâm, cần được nghiên cứu nhất, bởi chính họ, một
cách tích cực hay tiêu cực, quyết định diện mạo của một thời đại và số phận của
một dân tộc. Thứ hai, vấn đề không phải lệch lạc hay không. Vấn đề chỉ là ở mức
độ. Không có một cuốn sách nào, kể cả lịch sử, chính xác hoàn toàn. Thậm chí,
các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa còn hoài nghi cái gọi là lịch sử nói chung: Họ
xem lịch sử như một biểu hiện của đại tự sự (grand narrative), một tham vọng
đạt đến cái nhìn bao quát toàn bộ sự thật và thực tại: Với họ, đó là điều bất
khả. Hơn nữa, họ xem lịch sử bao giờ cũng gắn liền với một quan điểm và một góc
nhìn nhất định: lịch sử (history) là chuyện của ông-ấy, của một gã nào đó
(his-story). Chứ không có một lịch sử chung nhất cho mọi người.
Bên Thắng Cuộc là một tác phẩm hay nhưng dĩ nhiên, như mọi cuốn sách khác,
không hoàn hảo. Cái không hoàn hảo ấy cần được hoàn thiện dần dần. Bằng những
tác phẩm khác. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Và càng không đáng phản
đối.
***
Kỳ tới: Chân dung “bên thắng cuộc”
Chú thích: Số trang trong phần chú thích ghi theo bản “Smashworlds Edition”
của  Bên Thắng Cuộc.

Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (1)

Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (1)

Nguyễn Hưng Quốc

11.02.2013

nguồn: VOA

Tôi có cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Đức đã khá lâu nhưng mấy ngày vừa rồi mới có thì giờ để đọc. Ấn tượng chung: Thích.

Thích nhất là về tư liệu. Đã có nhiều người, Việt Nam cũng như ngoại quốc, viết
về Việt Nam sau năm 1975 nhưng có lẽ chưa có cuốn sách nào bao quát nhiều khía
cạnh và dồi dào tư liệu đến như vậy. Các cuốn sách khác, cho đến nay, dưới hình
thức hồi ký hay biên khảo, thường chỉ tập trung vào một lãnh vực và từ một góc
độ cụ thể nào đó. Bên Thắng Cuộc, ngược lại, hầu như đề cập đến mọi góc
cạnh lớn, từ quân sự đến chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, từ tổ chức
chính quyền tại Sài Gòn sau năm 1975 đến các chiến dịch đánh tư sản, các trại
cải tạo, phong trào vượt biên, các nỗ lực “xé rào” về kinh tế, chính sách đổi
mới, chiến tranh với Campuchia cũng như với Trung Quốc và các cuộc tranh giành
quyền lực trong nội bộ đảng Cộng sản. Ở từng vấn đề, Huy Đức đều nêu lên thật
nhiều chi tiết. Các chi tiết ấy thuộc hai loại chính: Một, lời kể của các chứng
nhân được thu lượm qua các cuộc phỏng vấn hoặc qua các hồi ký – đã hoặc chưa
xuất bản – của họ; và hai, các tài liệu đã được công bố đây đó, bằng tiếng Việt
cũng như bằng tiếng Anh. Nguồn tài liệu thứ nhất được Huy Đức thực hiện với tư
cách một nhà báo; nguồn thứ hai, với tư cách một nhà nghiên cứu. Tôi cho sự kết
hợp giữa hai tư cách này là mặt mạnh nhất của Huy Đức đồng thời cũng là ưu điểm
chính của cuốn Bên Thắng Cuộc: Thường, các nhà báo Việt Nam chỉ “tác
nghiệp” theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa, dựa trên những gì mình nghe kể hoặc
quan sát được; còn các nhà nghiên cứu thì lại thiếu thực tế, do đó, hoặc chỉ
xào nấu từ các cuốn sách khác hoặc phải sa vào tư biện, tệ hại hơn nữa là tư
biện kiểu Việt Nam: cứ lải nhải những luận điệu rặt mùi tuyên truyền, tức những
luận điệu ai cũng biết, hơn nữa, biết là sai.

Trong Bên Thắng Cuộc, nguồn tài liệu từ sách vở chỉ có tính chất bổ
sung, chủ yếu để cung cấp số liệu và mở rộng kích thước lịch sử, từ đó, tăng
tính thuyết phục cho những vấn đề được đề cập. Ví dụ, nói về cuộc họp mặt với
khoảng 100 văn nghệ sĩ tại Hà Nội của Nguyễn Văn Linh vào ngày 6 và 7
tháng 10 năm 1987, Huy Đức quay trở lại với thời Nhân Văn Giai Phẩm, hoặc xa
hơn nữa, thời Trường Chinh viết “Đề cương văn hóa” năm 1943, thậm chí, một
chút, về lịch sử báo chí Việt Nam trước đó. Nói về kinh tế thị trường (lần đầu
tiên được đưa vào các văn kiện Đảng là năm 1991), anh quay trở lại vấn đề “lược
sử kinh tế tư nhân” ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, đặc biệt, đầu thế kỷ 20, dưới
thời Pháp thuộc. Nói về các chính sách đối với người Hoa vào những năm 1978-79,
anh quay lại quan hệ giữa Việt Nam (chủ yếu là miền Bắc) với Trung Quốc trong
Hiệp định Geneve năm 1954 cũng như trong suốt cuộc chiến tranh Nam Bắc thời
1954-75, bao gồm cả chuyện Hoàng Sa năm 1974, v.v.. Những tài liệu này, thật
ra, không mới, nhưng chúng được trình bày một cách gọn ghẽ, sáng sủa và mạch
lạc, làm cho vấn đề có thêm bề dày của lịch sử.

Nhưng mặt mạnh nhất của Huy Đức là ở tư cách nhà báo. Không những chỉ là người
làm báo lâu năm, anh còn có ba đặc điểm mà không phải nhà báo kỳ cựu nào cũng
có: Một, quan hệ rộng; hai, có tầm nhìn dài; và, ba, có cách làm việc khoa học.

Tôi gặp Huy Đức một lần ở Hà Nội, hình như là vào cuối năm 2002 hay đầu năm
2005 gì đó. Buổi sáng, tôi đang ngồi uống cà phê với nhà thơ Phan Huyền Thư và
nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì anh và nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn đến nhập bọn. Phạm Xuân Nguyên giới thiệu Huy Đức với tôi: “nhà báo, đang làm ở tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn”. Lúc ấy, Huy Đức chưa có Osin blog, chưa có các bài bình
luận chính trị được phổ biến rộng rãi trên internet, cho nên, thú thật, tôi
không hề biết anh, kể cả cái tên. Mà Huy Đức cũng rất ít nói. Hôm ấy, anh chỉ
ngồi nghe bọn tôi nói hươu nói vượn về chuyện văn chương và cười. Đến lúc Phạm
Xuân Nguyên đọc một số bài ca dao mới chế giễu giới lãnh đạo Việt Nam, trong
đó, có cả Hồ Chí Minh, cả bọn cười ngất, riêng Huy Đức thì lôi trong túi ra một
cuốn sổ tay nhỏ và đề nghị Nguyên đọc lại, chầm chậm, cho anh chép. Sau đó,
trong suốt buổi nói chuyện, cứ hễ bắt gặp một câu gì hay hay, một chi tiết gì
thú vị, anh lại lôi sổ tay ra chép. Cung cách làm việc của anh khiến tôi để ý.
Và nhớ mãi.

Nhiều người trong giới nhà báo có ưu điểm là biết rộng nhưng phần lớn lại mắc
phải khuyết điểm là sa đà trong các sự kiện có tính chất giai thoại vụn vặt,
cuối cùng, chỉ viết được những bài báo ngăn ngắn, đầy tính thời sự, để được đọc
ngày hôm trước và bị quên lãng ngay vào ngày hôm sau. Huy Đức, khi theo dõi và
ghi chép các tin tức hằng ngày, đã có tham vọng sử dụng cho một bức tranh toàn
cảnh về sinh hoạt chính trị Việt Nam thời anh đang sống. Cuốn Bên Thắng Cuộc,
gồm hai tập, “Giải phóng” và “Quyền bính”, như anh tiết lộ trong lời nói đầu,
được hình thành trong 20 năm, chính là kết quả của tham vọng ấy.

Không phải nhà báo nào cũng có quen biết nhiều, đặc biệt trong giới lãnh đạo,
như Huy Đức. Ở Việt Nam, để có được những quan hệ rộng rãi như thế, không những
cần có tính cách thích hợp (quảng giao) mà còn có cả yếu tố “nhân thân” nữa:
Sinh trưởng ở miền Bắc, vốn là sĩ quan, từng làm việc ở Campuchia với tư cách
chuyên gia quân sự trong hơn ba năm trước khi về làm báo, anh có đủ điều kiện
để được tin cậy. Chính vì thế, anh được báo Tuổi Trẻ giao trách nhiệm tường
thuật các kỳ họp Quốc Hội, ở đó, anh có thể, ở “những thời điểm nóng bỏng
nhất”, “vào tận phòng làm việc hỏi chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan
Văn Khải” hoặc “đến nhà riêng, văn phòng làm việc của Tổng bí thư Đỗ Mười, Tổng
bí thư Lê Khả Phiêu… phỏng vấn”.  Trong “Mấy lời của tác giả”, anh cho
biết anh đã tiến hành “hàng ngàn cuộc phỏng vấn”; và theo “Lời cám ơn”, chúng
ta được biết, trong số những người được anh phỏng vấn, ngoài các tên tuổi nêu
trên, còn có Chủ tịch Nước Lê Đức Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh,
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Quốc hội
Lê Quang Đạo, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, v.v.. Cả trăm người. Toàn những người lãnh đạo ở bậc cao nhất trong nước. Ngoài ra, anh còn phỏng vấn vợ họ, con họ và các
thư ký riêng của họ nữa.

Chắc chắn không có một nhà báo hay nhà biên khảo nào ở hải ngoại, kể cả người
ngoại quốc – vốn vừa ít bị nghi ngờ vừa được các trung tâm nghiên cứu lớn tài
trợ để có thể bỏ ra năm bảy năm thu thập tài liệu cho một cuốn sách – có thể
tiếp cận được đến chừng ấy người trong giới lãnh đạo Việt Nam. Ở trong nước,
làm được điều ấy, cũng không phải dễ. Nhìn từ góc độ xuất bản, có lẽ Huy Đức là
người đầu tiên. Điều này trở thành một thế mạnh đầu tiên của cuốn sách: Đó là
chuyện kể từ những người trong cuộc của “bên thắng cuộc”. Tính chất “trong
cuộc” ấy đã tạo nên những đặc trưng về thể loại và thẩm mỹ của cuốn sách.

Trong cái gọi là đặc trưng thẩm mỹ ấy, tôi chỉ xin tập trung vào một điểm: sự
hấp dẫn.

Phải nói ngay: hiếm có cuốn sách về chính trị nào hấp dẫn như cuốn Bên Thắng
Cuộc
. Điều đó có thể thấy qua những tiếng ồn nó gây ra trong mấy tháng vừa
qua. Lâu lắm rồi, giới cầm bút Việt Nam hầu như hoàn toàn bất lực trong việc
gây ồn. Hầu hết sách báo được xuất bản ở trong nước cũng như ở hải ngoại, đặc
biệt ở hải ngoại, đều rơi vào im lặng. Không phải chỉ là chuyện hay hay dở. Mà
chủ yếu ở tâm lý quần chúng: dửng dưng. Cuốn Bên Thắng Cuộc, ngược lại,
ngay từ lúc mới ra mắt ở hải ngoại, là đã gây ồn ào ngay. Kẻ bênh người chống,
bên nào cũng xôn xao và lên tiếng ỏm tỏi trên mọi diễn đàn, từ trên giấy đến
trên mạng. Những tiếng ồn ấy khiến cả những người chưa đọc cuốn sách, hoặc có
khi, không có ý định đọc cuốn sách, cũng quan tâm, thậm chí, như ở California,
xuống đường biểu tình đòi… đốt sách!

Bên Thắng Cuộc hấp dẫn thật. Đọc, chúng ta biết được rất nhiều
chuyện, từ những chuyện lớn liên quan đến chính sách đến những chuyện nhỏ, có
khi nhí nhách nữa, liên quan đến đời sống hàng ngày của một số người. Lớn, ví
dụ, những toan tính đằng sau các chính sách hay chiến dịch có ảnh hưởng đến
sinh mệnh cả hàng chục triệu người; những thay đổi trong tính cách của Lê Duẩn:
từ một cán bộ hay hy sinh cho người khác đến một lãnh tụ chuyên quyền và độc
đoán; trong thái độ của Trường Chinh: từ một người giáo điều và bảo thủ đến một
người đi đầu trong phong trào đổi mới; trong chủ trương của Nguyễn Văn Linh: từ
một người đổi mới đến một người phản-đối-mới. Cũng có thể xem là lớn mối quan
hệ giữa các lãnh tụ với nhau, như giữa Lê Duẩn với Hồ Chí Minh, Trường Chinh,
Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Thọ; giữa Nguyễn Văn Linh với Võ Văn Kiệt, những chi
tiết liên quan đến cái chết của Đại tướng Lê Trọng Tấn vào tháng 12 năm 1986
vốn, theo lời Huy Đức, bị “lịch sử phi chính thống […] xếp vào hàng nghi án”
(“Giải phóng”- GP, tr. 151)… Còn nhỏ thì nhiều hơn, có khi lôi cuốn người đọc
hơn, chẳng hạn, chuyện vào ngày 30/4/1975, trong Dinh Độc Lập không hề có chiếc
máy ghi âm nào để thu lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh (GP, tr. 23);
chuyện các sĩ quan Bắc Việt đầu tiên vào chiếm Dinh không dám bước vào thang
máy vì thấy nó giống cái… hòm và họ sợ bị nhốt luôn trong đó (GP, tr. 22);
chuyện khuya ngày 5/7/1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bị mệt, được đưa vào

bệnh viện Quân y 108 để cấp cứu, nhưng vừa đến nơi thì ông “phát ra một tiếng
kêu ‘ặc’ rồi mặt và toàn thân tím ngắt”; mấy tiếng đồng hô sau, ông mất…
(“Quyền bính” – QB, tr. 64) Có một số chuyện không biết là lớn hay nhỏ, như
chuyện khi Hiệp định Geneva được ký kết, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn
Bắc Việt, không hề biết sông Bến Hải nằm ở đâu (vì tất cả đều đã được Trung
Quốc quyết định giùm!) (GP, tr. 52); chuyện Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước, vốn
là thợ cơ khí, nhiều lúc rảnh và buồn quá, lật “chiếc xe đạp của ông ra sửa để
giết thời gian” (GP, tr. 120); chuyện Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng,
biết trước vụ tổng tấn công hồi Tết Mậu thân chỉ có một ngày (QB, tr. 67);
chuyện khi đón tiếp Tổng thổng Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam năm
2000, “Bộ Chính trị đã thống nhất là không được cười” (QB, tr. 137), v.v..

Nhiều chuyện có thể đã được người này người nọ kể đâu đó rồi. Nhưng theo chỗ
tôi biết, chưa có nơi nào các chuyện thuộc loại ấy được tập trung với mật độ
dày đặc như trong cuốn Bên Thắng Cuộc. Trang nào cũng đầy ắp chi tiết.
Có những chi tiết không dễ gì tìm được ở những nơi khác, ví dụ: Ở Sài Gòn,
trước tháng 4/1975, có bao nhiêu đảng viên Cộng sản nằm vùng? – 735 người! (GP,
tr. 27) Cũng ở Sài Gòn, sau tháng 4/1975, có bao nhiêu người ra trình diện để
“được đi học tập cải tạo”? – Có 443.360 người, trong đó, có 28 tướng, 362 đại
tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát,
1.932 nhân viên tình báo các loại, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền,
và 9.306 người trong các đảng phái bị xem là “phản động’ (GP, tr. 29),
v.v..(Còn tiếp)

***

Chú thích: Số trang trong phần chú thích ghi theo bản “Smashworlds Edition” của
Bên Thắng Cuộc.

 

Bộ quần áo cũ.

Sống trong gia đình nên săn sóc cho nhau và tìm hiểu cặn kẽ, đừng vội trách
móc, giận hờn. Thiếu hiểu biết săn sóc kịp thời, là vô tình mình đẩy người
mình thương vào cõi chết sớm hơn, do thiếu tìm hiểu, cảm thông và chăm sóc
muộn màng.

1* Bộ quần áo cũ.
Minh D Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh là
chuyện không dễ. Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ  chối các món ăn cần thiết. Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại  các câu chuyện của thời vàng son. Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội…ông  luôn đặt lý trí lên trên tình cảm. Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm  giác ông sống vì khối óc chứ không vì con tim, thiếu sự thông cảm.

Hôm nay đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn  rách mang từ Việt Nam sang. Tôi nhẹ nhàng:

-Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá.

-Nhưng bố thích mặc bộ này!

Tôi bắt đầu cau có:

-Nhưng mặc như vậy đi chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ bê  không chăm sóc bố.

Ông già buồn rầu, lập lại:

-Bố thích bộ quần áo này lắm.

Tôi cũng cương quyết:

-Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó.

Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông
minh mẫn như vậy:

-Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn. Khi  chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này. Ngày đưa mẹ con ra nghĩa  trang, bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui và xúc động khi mặc nó.

Nước mắt ông già hoen trên mi, rơi xuống gò má nhăn nheo. Tôi hụt hẫng và  hết sức bối rối. Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ.

Trước khi quyết đoán người nào đó khô khan không có trái tim, tôi nên xét  lại trái tim mình đã.
2* .Bệnh và Lười.

Cũng như các bà vợ khác ở hải ngoại, vợ tui kỳ này làm biếng quá. Đi làm về  là nằm trên giường xem phim bộ, chẳng chịu nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa gì ráo.
Tôi có la, nó ấp úng trả lời:

-Em thấy mệt quá, chẳng làm gì được cả. Nằm nhưng không ngủ được nên mới  bật máy xem phim, chứ không cố ý xem phim.

Con vợ tui chơi chữ ghê, xem mà không xem, nó biện hộ kiểu này ai nghe cho  được.

Tui định bụng hôm nay về mà bếp núc lạnh tanh, sẽ đập tan cái TV ra cho  biết mặt. Về nhà, quả nhiên cơm canh không có, đứa con nhỏ hoảng hốt:

-Ba ơi, anh Hai đưa má vào bệnh viện rồi, má bị xỉu phải cấp cứu.

Tui vội vã vào nhà thương. Người ta đã chẩn bệnh xong. Vợ tui có lẽ bị ung  thư xương. Hèn chi mấy tuần nay nó đau nhức, than thở mà tui nghĩ nó giả bộ  nên không thèm nghe, cũng chẳng đưa đi bác sĩ.

Bệnh ung thư phát mạnh quá, sau vài tuần, bác sĩ cho biết nó không còn ở  với tui được bao lâu nữa. Ung thư ngực thì cắt vú, ung thư xương không biết  cắt ở đâu! Phổi vợ tui cũng có vấn đề, vì bao năm qua phải hửi mùi thuốc lá  tui hút. Tui không dám nói với nó tui đã nghĩ xấu và giận nó không chịu nấu  cơm, dọn dẹp. Cô vợ đầu ấp tay gối bao nhiều năm mà nó đau đớn, bịnh nặng  tui cũng không biết. Vậy mà nó vẫn cố gắng đi làm kiếm tiền, chỉ khi về mới  nằm liệt ra thôi. Tui hối hận quá chừng, trốn vào nhà vệ sinh của bệnh viện  khóc rấm rứt. Thằng Tây đen nhìn tui ái ngại, hỏi tui có OK không. Tui  không biết than thở cùng ai, nên dù tiếng Anh dở ẹt, cũng sổ một tràng. Nó  có vẻ thông cảm nhưng chỉ phán được một tiếng “sorry” rồi đi ra.

Tui trở vào phòng thăm vợ. Mới mấy tuần mà nó ốm nhom xanh lè, tay chân dây  rợ, kim chích chằng chịt. Nó thì thầm:

-Ở đây buồn và ồn quá, em muốn về nhà. Em sẽ nấu món giả cày mà anh thích  đó.

Tui vỗ về:

-Em ráng lo nghỉ ngơi, đừng bận tâm.

Tui ráng nấu mấy món ngon đem vào nhà thương, nhưng nó không ăn được nữa.  Tui lại khóc. Lạ ghê, trước giờ tui rất oai phong, la mắng vợ con mỗi ngày,  uy quyền lắm mà bây giờ mít ướt quá sức …

 

 

THÂN PHẬN BỤI TRO

THÂN PHẬN BỤI TRO

“Hãy ăn năn sám hối

và tin vào Tin Mừng.”

(Mác-cô 1:15)

Phàm hèn thân phận bụi tro

Nên con nào có thơm tho hương nồng

Tháng ngày tội lụy chất chồng

Bao lần say đắm bóng hồng thiết tha

Hôm nay thức tỉnh ngộ ra

Nghe lời Ngài gọi tránh xa lối mòn

Niềm hy vọng vẫn hãy còn

Trái tim rộn rã, cõi lòng hân hoan

Quyết tâm bỏ chốn phòng loan

Bắt đầu cuộc sống nhịp khoan vui mừng

Chúa ôi, nhảy múa tưng bừng

Nhiệm mầu hạnh phúc mỗi từng phút giây

Vô thường là chính nơi đây

Tiến về Vĩnh Cửu ngất ngây diệu vời !

* Nguyễn Sông Núi

(Tv Thánh Gioan Neumann,Dallas,TX,Jan.21,2013)

Anh Nguyễn v Thập gởi

Ý Nghĩa Ngày Lễ Tình Yêu

Ý Nghĩa Ngày Lễ Tình Yêu
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
Photobucket
Ngày lễ Tình Yêu (Valentine’s Day) mỗi năm 14-2 rồi cũng trôi qua như mọi ngày khác nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng trong trí não của nhiều người.
Trước hết, Ngày Tình Yêu theo nghĩa  rộng không hoàn toàn chỉ dành cho tình yêu trai gái, nam nữ, chồng vợ, tình nhân mà Ngày Tình Yêu là chung cho mọi sinh vật đang sống trên địa cầu, người cũng như thú vật, chim muông. Chính vì ý nghĩa đó nên có nhiều đài truyền hình trên khắp thế giới, người ta đưa lên màn ảnh trong ngày này những hình ảnh của các thú vật và chim muông. Người ta gọi là:”the glamour of the animals”, sức quyến rũ của thú vật hay tình yêu của thú vật.
Từ trên đi xuống, nếu bạn không phải là người vô thần thì trước hết, trong Ngày Tình Yêu, bạn hãy đặt thêm một chút tình yêu vào tay Thượng Đế, đấng cai quản muôn loài, toàn vũ trụ.
Sau đó, nói chung, bạn hãy “Phiếm ái chúng”, yêu tất cả mọi người, hoặc ít hơn, tử tế với mọi người.
Ngày Tình Yêu cũng nhắc bạn yêu Dân  tộc, giống nòi của bạn. Chắc chắn nếu không có vua Lạc long Quân và Hoàng hậu Âu Cơ thì không có bạn, không có tôi. Lại nữa, những vị đó và hàng vạn, hàng triệu vị khác, trong đó có tổ tiên, cụ kị, ông bà, cha mẹ bạn và tôi đã dày công vun đắp nên cái mảnh giang sơn gấm vóc, cái miếng đất nhỏ bé tươi đẹp làm tổ ấm cho bạn, cho tôi, cho tất cả chúng ta khi mới chào đời. Sau đó lại nuôi sống, chăm sóc để chúng ta trưởng thành và có ngày nay.
Rồi cha mẹ, chú bác, cô dì cậu mợ, anh chị em bạn và tôi, tất cả đều đã góp phần vào việc đào tạo con người tôi, con người bạn, ngay các thầy cô dạy học, các bạn bè cùng lớp, họ cũng đã góp phần, nhiều hoặc ít, hoặc ảnh hưởng đến con người của tôi và của bạn.
Lấy một thí dụ nhỏ: bạn giở ra đọc  một tạp chí, một tờ báo giấy hay báo điện tử, (loại báo lành mạnh và bổ ích) bạn đọc nhiều bài của nhiều tác giả viết trên đó. Có thể bạn chẳng để ý đến cái sức làm việc của những tác giả này và Tòa Soạn. Rất nhiều, nếu không phải là tất cả, các tác giả đã thức khuya dậy sớm, hi sinh giờ nghỉ ngơi để đọc, sưu tầm tư liệu, chiêm nghiệm rồi viết ra thành bài cống hiến cho bạn.
Có tác giả nhờ người đánh máy giúp nhưng đa phần các tác giả thời nay tự gõ lấy keyboard, viết xong, đọc lại, sửa chữa, lại đọc lại cho đến khi ưng ý rồi mới gửi bài đi cho Tòa Soạn. Với báo Việt Nam, rất ít có nhuận bút. Nhân viên tòa soạn nhận được, phải phân loại, sắp xếp, ấn định ngày đăng, có khi lại phải viết lời giới thiệu, có nhiều tác giả viết sai chính tả lại phải dò lại, sửa chữa giùm. Biết bao công việc, biết
bao người làm để có một trang báo. Ấy là chưa kể tiền bạc phải bỏ ra cho trang
mạng, dụng cụ hao mòn phải mua, giấy mực phải dùng, rồi máy móc hư hỏng phải
sửa chữa, phải chi tiền bạc. Trang báo đang hiện ra dưới mắt bạn là thành quả
của biết bao lao tâm khổ tứ, biết bao nhẫn nhục, chịu đựng chỉ vì những người
làm ra nó yêu Nghệ thuật và yêu bạn mà gửi tới cho bạn. Họ sẽ chẳng mong bạn
đền đáp nhưng họ nghĩ, một khi bạn đọc được tâm tư của họ (tác giả) bạn sẽ rút
ra được điều gì đó có ích lợi cho chính bạn hoặc cho cả những người xung quanh,
mạnh mẽ hơn, cho nhân quần xã hội.
Vậy Ngày Tình Yêu không chỉ dành cho vợ chồng, bồ bịch, người yêu mà cho hết mọi người, mọi vật từ con chó, con mèo trong nhà cho đến ông bà, cha mẹ, các bậc trưởng thượng…
Ngày Tình Yêu như thế không bị chúng ta giới hạn vào những quan hệ chật hẹp tầm thường mà chúng ta hướng lòng chúng ta tới những gì là cao đẹp, là Hiếu, Trung, Chân, Thiện, Mỹ.
Chúng ta cũng không nên quên tình yêu đối với thiên nhiên, cỏ cây, rừng xanh, núi đỏ, biển rộng sông dài, thứ tình yêu này bất diệt vì luôn luôn nó mang lại cho chúng ta những ích lợi vô  giá về thần trí cũng như thể lực, một niềm yên ủi vô tận và quảng đại hơn bất cứ tình yêu nào. Tình yêu đối với thiên nhiên, môi trường giúp ta trân trọng trái đất này làm nơi sống cho hàng triệu, tỉ người trong đó có ta và gia đình
ta. Bạn có buồn không khi nơi bạn ở bị xếp chót hay gần chót bảng các quốc gia
bị ô nhiễm không khí và nước, đường xá đầy rác rưởi, phế liệu, xác thú vật chết
và cả thai nhi, băng bông gạc từ bệnh viện, nước thải từ các nhà máy ầm ĩ chạy
suốt ngày đêm không có một phút cho bạn ngơi nghỉ? Bạn có buồn không khi giao
thông mỗi ngày làm chết hàng trăm nạn nhân, què cụt hàng trăm khác cũng như các
bệnh dịch thay nhau xuất hiện trong các thực phẩm, thứ tối cần thiết để nuôi
sống con người? Cuộc sống không phải là người này đầu độc người kia để hưởng
lợi, dù là đầu độc bằng tinh thần hay vật chất. Bạn nói những điều sai trái với
những đứa trẻ lớp Mẫu giáo, thí dụ, chính là bạn đã đầu độc chúng đấy và cái
hại thì ghê gớm lắm bạn ạ!
Tôi thường nghĩ chúng ta hết thảy đều mang một món nợ đối với xã hội (xã hội đây bao gồm cả những người thân của ta). Người, ta nợ ít; kẻ, ta nợ nhiều.
Thí dụ: Tôi đã nợ cụ Nguyễn Du những bài thơ hay những đoạn thơ hay trong Truyện Thúy Kiều để ngâm nga những lúc vui, buồn, giải khuây.
Tôi đã nợ Tự lực Văn đoàn một ít bút pháp viết truyện để viết hầu bạn đọc những câu chuyện dí dỏm, dễ thương, bổ ích.
Những định đề Toán học, tôi đã dùng để giải những bài toán Hình học, tôi mắc nợ Toán học gia Euclid (và có thể nhiều Toán học gia khác). Ông Euclid người Hi Lạp, sinh 300 năm trước công nguyên. Những phương trình Đại số, Lượng giác, ngay cả những cái nhỏ nhoi, giản dị như phân số và cách áp dụng những phương trình hoặc giả thiết này để tìm ra đáp số những bài toán dễ hoặc khó…tất cả, tất tất cả tôi đều đã được vay mượn, có nghĩa tôi đã mang nợ.
Món nợ ấy, các bạn trẻ ạ, không bao giờ chúng ta có thể trả xong! Chỉ còn một cách, hãy làm đúng thiên chức của ta và hết lòng dạy dỗ lại các thế hệ đàn em, về đức trí thể dục, những điều đúng, chân chính, mới có thể trả bớt phần nào món nợ chồng chất.
Hồi còn nhỏ, sáu, bảy tuổi, mới khoảng lớp Hai gì đó, tôi nhớ ông thầy cho học một bài trong Luân Lý Giáo Khoa Thư lớp Dự bị (cours Préparatoire), có câu:
“Nếu không có người cày bừa, làm ruộng, anh không có gạo mà ăn. Nếu không có ông thợ mộc, anh không có nhà mà ở. Nếu không có người dệt vải và may vá, anh không có áo mà mặc. Nếu không có thầy dạy dỗ, trí óc anh hoàn toàn không được khai phá.”
Vậy chúng ta phải biết ơn tất cả mọi người làm mọi nghề trong xã hội. Hồi đó kĩ thuật và nếp sống của con người trong xã hội còn thô sơ, số người ta phải nhớ ơn còn ít. (thí dụ, chưa có ai phát minh ra thuốc trụ sinh Penicilline). Như bây giờ, với nếp sống văn minh đầy đủ tiện nghi, lại càng có nhiều người ta phải nhớ ơn vì chính họ đã mang
lại cho chúng ta rất nhiều an toàn, bổ ích, thoải mái và nhẹ nhàng của cuộc sống.
Ngày Tình Yêu chính là ngày tung lưới tình yêu của ta trải ra muôn phương, đến với muôn người, muôn vật, hàm một ý nghĩa sâu sắc nhớ ơn những gì ta đã và đang được hưởng vậy.
Mời quý bạn đọc bài thơ ngẫu hứng, người viết làm vội sau đây:
Nhớ Ơn
4a4338ca_3cf203f8_cda8dbd97a5c4daedfaeffbwo8

Tôi nhớ ơn tổ tiên tôi gầy dựng
Quên sao được những thầy giáo của tôi
Ơn mẹ cha từ thuở mới nằm nôi
Bà nội, ngoại chăm bẵm tôi từng chút
Tôi nhớ ơn em thầy tôi, cô Út
Đón đưa tôi ngày hai buổi đến trường
Bác nông phu phải giãi gió dầm sương
Tôi có gạo no cơm ngày hai bữa
Nhớ áo quần tôi mặc và sửa chữa
Bác thợ già vẫn chăm chỉ ngồi may
Ông thợ mộc nhà cửa vẫn ra tay
Nhờ ngư phủ tôi có nhiều tôm cá
Tôi ơn hết mọi người trong làng xã
Anh thợ gặt, cô thợ cấy, nhà buôn
Nhờ thầy lang tôi mạnh giỏi luôn luôn
Tôi ghi nhớ không bao giờ quên được!
Đến phiên tôi phải trả ơn người trước
Cho học trò những kỹ thuật tinh vi
Tôi học được từ lý thuyết tân kỳ
Đem áp dụng làm đẹp đời sống mới!
Làm đẹp đời và biết ơn mọi giới!
Mới là người của xã hội văn minh
Đối xử với nhau bằng những thâm tình
Hết sức ta, mọi ngày, trong đời sống!
Biết ơn là những gì ta bảo trọng!!
Ngày Valentine hàng năm
Bút Xuân Trần Đình Ngọc

ĐÔI DÒNG CẢM NGHĨ VỀ VIỆC ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI TỪ CHỨC

ĐÔI DÒNG CẢM NGHĨ VỀ VIỆC ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI TỪ  CHỨC

Tác giả: Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

nguồn:conggiaovietnam.net

Tin Đức Thánh Cha Benedict 16 đột nhiên tuyên bố từ chức sáng thứ hai 11-2 vừa qua đã làm chấn động thế giới và kinh hoàng mọi người trong toàn Giáo Hội Công Giáo.

Thật vậy, đây quả là biến cố trọng đại nhất trong Giáo Hội từ 600 năm qua sau ngày  cố Đức Giáo Hoàng Gregorio 12 tự ý thoái vị năm 1415 để giúp  chấm dứt tình trạng Đại ly giáo phương Tây ( Great Western Schism) xảy ra trong Giáo Hội từ năm 1378 và dọn đường cho Đức Giáo Hoàng Martin V lên cai trị Giáo Hội

Trong lịch sử Giáo Hội thì đã có 3  lần các Đức Giáo Hoàng tự ý thoái vị hay từ chức như sau:.

1-    Đầu tiên là Thánh Giáo Hoàng Pontian lên ngôi ngày 21-7-230 ( 230-235 ) Ngài   từ chức trong đợt Hoàng đế Maximinus Thrax bách hại các Kitô hữu và  các thủ
lãnh Giáo hội năm 235. Ngài bị  lưu đầy qua Sardinia cùng với Hippolitus
và ở đây,  Ngài tuyên bố thoái vị ngày 26-9-235 và được phúc tử Đạo cùng
với Hippolitus. Sau đó Ngài được phong hiển thánh với ngày lễ kinh là 19 tháng
11 hàng năm.

2-    Kế đến là Đức Thánh Cha Celestine V, một tu sĩ Biển Đức,  lên ngôi Giáo Hoàng ngày  tháng 7 năm 1294 ở tuổi 84. .Nhưng đến ngày 13  tháng 12 năm đó,
ngài xin từ chức vì không am hiểu nhiệm vụ được trao phó, và không muốn bị chi
phối bởi  Vua Charles V của lãnh địa Naples muốn khuynh đảo Giáo Hội. Ngài
mất năm 1296 và được phong thánh năm 1313 tại Avignon ( Pháp Quốc) nơi Tòa
Thánh còn đóng đô ở đây.

3-    Tiếp theo là Đức Giáo Hoàng Gregory XII lên kế vị Giáo Hoàng Innocent VII ngày 30-11-1406  với hy vọng chấm dứt cuộc Đại ly giáo  Tây phương  đã kéo dài từ năm 1378 mà  hậu quả là có hai Giáo Hoàng  nữa là Alexander V và Gioan XXIII cũng tranh Tòa Phêrô với ngài.

Để chấp dứt tình trạng này và cũng để chữa vết thương ly giáo,  ĐứcGiáo Hoàng  Gregory XII. đã xin thoái vị ngày 4-7-1414, dọn đường cho  Công Đồng Constance đang họp để truất phế ngụy giáo Hoàng Gioan XXIII ( ngụy Giáo Hoàng  Alexander V đã chết cách  bí ẩn ngày 3-5-1410 sau 10 tháng tại chức) và  bầu Đức  Martin V lên làm Giáo Hoàng  thống nhất của Giáo Hội. Đức Gregory XII  qua đời ngày 18-19-1417.Vì Joan XXIII không được công nhận là Giáo Hoàng , nên năm 1958 khi Hồng Y Angelo Giuseppe Roncalli đắc cử Giáo Hoàng, ngài đã chọn lại tước hiệu Gioan XXIII.

Như vậy, trước Đức Thánh Cha Biển Đức XVI , đã có ba Giáo Hoàng từ nhiệm vì những hoàn cảnh và lý do khác nhau. Tuy nhiên, vì đã sáu thế kỷ qua chưa có thêm Giáo Hoàng nào từ nhiệm,  nên quyết định rời bỏ ngai tòa Phêrô  của Đức đương kim Giáo Hoàng đã là một tiếng sét vang động  khắp Giáo Hội và thế giới ngày thứ hai 11-2
vừa qua.

Lý do mà ngài tự ý xin từ nhiệm là vì “tuổi tác và sức khỏe” không còn đủ để cho phép Ngài tiếp tục Sứ Vụ cai quản Giáo Hội nữa. Thật là một biến cố ngoài sức tưởng tượng của toàn thể Giáo Hội khiến mọi người đều đang còn bàng hoàng về tin quá bất ngờ này. Tuy nhiên ai cũng phải nhìn nhận rằng đây là một quyết định rất can đảm và đầy khiêm nhu của Đức Thánh Cha Biển Đức  XVI, người Cha chung rất đáng kính
yêu của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, đã khôn ngoan, sáng suốt chèo lái Con
Thuyền Phêrô trong suốt gần 8 năm  qua.

Ngài được bầu lên ngôi Giáo Hoàng rất nhanh chóng ngày 19-4-2005, để kế tục sứ mạng chăn dắt Giáo Hội do Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II để lại. Trong gần 8 năm qua, ngài đã chứng tỏ là một Thầy dạy Đức tin rất vững vàng, một  thần học gia  uyên thâm, một mục tử tha thiết với đoàn chiên và một sứ giả của hòa bình và  đại kết ( ecumenism).

Theo gương mục vụ của Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, Ngài đã thăm viếng mục vụ các Giáo Hội địa phương ở nhiều quốc gia trên thế giới. trong đó có Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, Đức. ÚC Châu, Ba Lan, Tây ban Nha., Ba Tây,  Do Thái, Palestine …

Chắc chắn sự từ nhiệm của ngài đang gây luyến tiếc cho mọi người trong Giáo Hội hiện nay.

Tuy nhiên ,sự sừ nhiệm này đã diễn ra đúng với  điều Giáo Luật số 332, triệt 2 đã dự liệu như sau:

“ Nếu xảy ra trường hợp Đức Thánh Cha từ chức,  thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận.”

Trong tuyên bố từ chức sáng thứ hai vừa qua, Đức Thánh Cha đã nói rõ lý do như sau:

“ ..để lèo lái Con Thuyền Phêrô và để công bố Tin Mừng, sức mạnh thể xác và tinh thần đều cần thiết. Nhưng trong vài tháng qua sức mạnh đó trong tôi  đã suy giảm đến mức tôi phải nhìn nhận là tôi không còn đủ  năng lực  để chu toàn sứ vụ đã được trao phó cho tôi. Vì thế, ý thức rõ về tầm mức quan trọng của quyết định này và  với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám  mục Rôma, Người kế vị Thánh Phêrô mà các vị Hồng Y đã trao cho tôi ngày 19-4-2005.”

Như thế, lý do vững chắc mà Đức Thánh Cha nêu ra đã phù hợp với tinh thần giáo luật nêu trên, và sự từ nhiệm của ngài là hợp thức, có hiệu lực  vì không cần ai chấp nhận.

Ngài sẽ chính thức rời bỏ nhiệm vụ Giáo Hoàng vào lúc 20 giờ địa phương ngày 28 tháng 2 này và các Hông Y dưới 80 tuổi sẽ họp Mật Nghi ( Conclave ) để chọn Giáo Hoàng mới cho Giáo Hội.

Là đoàn chiên trong Giáo Hội, chúng ta tha  thiết cầu xin cho ĐứcThánh Cha  Biển Đức XVI để ngài được an vui, mạnh khỏe sau khi rời Tòa Phêrô,  cũng như cầu xin cho Giáo Hội sớm có Chủ Chiên mới để chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô trong giai đoạn mới này.

Sau hết, một điều phải  tránh là hãy bỏ ngoài tai những lời đồn đoán và “tiên tri giả” đang loan truyền những điều huyền hoặc vô căn cứ về Giáo Hoàng mới sắp được bầu lên. Chúng ta hãy tin tưởng  và phó thác Giáo Hội cho Chúa Thánh Thần để Người soi sáng các Hồng Y trong việc chọn Tân Giáo Hoàng trong những ngày sắp tới. Chắc chắn Chúa sẽ hướng dẫn Giáo Hội trong mọi quyết định quan trọng và chúng ta sẽ có Chủ Chăn mới đúng  theo ý muốn của Người.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

 

Vợ chồng đừng thử thách nhau

Vợ chồng đừng thử thách nhau

13/02/2013

Tác giả: Lm Đan Vinh

nguồn:thanhlinh.net

THỰC TẬP XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

VỢ CHỒNG ĐỪNG THÁCH THỨC NHAU

1. LỜI CHÚA: Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,1-7)

2.CÂU CHUYỆN:

Gần nhà tôi có đôi vợ chồng tuổi trung niên lấy nhau được mười lăm năm va đã có với nhau hai mặt con. Hằng ngày anh chồng chạy xe ôm đều mang tiền về nhà nuôi vợ con. Gần đây khi xăng lên giá, việc chạy xe thu nhập không còn được như trước. Ngày nào đưa tiền về không đủ sở hụi là chị vợ mặt nặng mày nhẹ và nói những câu chì chiết khiến anh tức bực sinh ra rượu chè. Nhiều lần nghe vợ nói cạnh nói khóe bị chạm tự ái nhưng vẫn cố nín nhịn bằng cách lấy xe đi ra khỏi nhà để tránh cãi nhau. Hôm đó nghe vợ chê trách, trước khi bỏ đi anh chồng đã nói thòng thêm một câu cho đỡ quê : “Cô có im đi không? Cô mà nói thêm là coi chừng ăn đòn !”. Bị chạm tự ái vì câu hăm dọa của anh chồng xưa nay vốn hiền lành nhẫn nhịn, chị vợ đã chạy theo nắm lấy tay anh và thách thức : “Nè, có “ngon” thì đánh tui đi ! Đánh đi ! Chớ đừng
nói rồi không dám làm thì hèn lắm!”. Và thế là “bốp ! Bốp !…” Chị vợ bị hai
cái tát trên má. Chị lại la tóang lên: “Anh dám đánh tui hả? Ối làng nước ơi!
Nó đánh tui!”. Cũng may mà có mấy người hàng xóm nghe tiếng xô xát đã kịp thời
chạy tới can ngăn nên gia đình mới tạm yên. Về sau khi đã bình tĩnh, anh chồng
đã tâm sự với anh bạn hàng xóm: “Thực ra, tôi không muốn đánh cổ làm chi. Nhưng
cổ thấy tôi nhẫn nhịn lại càng làm tới thách thức, nên tôi không giữ được bình
tĩnh đã phải tát cho cô ấy hai cái để mong được yên thân”.

3.SUY NIỆM:

1.Vợ bị chồng đánh do thái độ thách thức: Sự thực thì có những ông chồng có
thói vũ phu, sau khi có tí hơi men mà vợ nói động tới là không thể nhịn được mà
phải đánh đập vợ con cho hả cơn giận. Nhưng bên cạnh đó cũng có những ông chồng
bất đắc dĩ mới phải đánh vợ vì ý thức rằng: “Mình là đàn ông, có sức khỏe, giỏi
thì đánh nhau với mấy tên ngang cơ ! Chứ còn đánh thứ đàn bà chân yếu tay mềm
thì hèn lắm!” Hoặc:Vợ chồng nào mà chẳng có chuyện bất đồng ý kiến
tranh cãi nhau. Tức quá thì mình dọa mấy câu cho bả ấy ngán mà im miệng. Ai dè
bả lại cãi lại và còn thách thức : “Này, dám đánh không ? Nói mà không làm là
hèn, là hạng …tiểu nhân !”. Như vậy là do tự ái, nên anh chồng mới phải chứng
tỏ “quân tử nhất ngôn”. Vậy là nhiều bà vợ đã bị ăn đòn do tội thách thức khinh
thường chồng!

2.Hậu quả của thách thức là sự thiệt hại cả về tinh thần lẫn vật chất: Anh
chồng thích uống rượu nhưng do tửu lượng kém nên chỉ cần uống một hai ly là đã
say xỉn. Một hôm uống một vài ly chưa đã như mọi lần, anh yêu cầu chị vợ mua
thêm cho anh một xị nữa để uống tiếp kèm theo lời đe dọa : “Không đi mua thì cứ
mà chết với ông!”. Nghe vậy chị vợ tự ái liền hét to lên: “Tôi không đi mua đó.
Anh làm gì tôi thì làm đi!” Anh chồng tức giận xô chị ngã chạm vào thành giường
bị trặc cánh tay, phải đi bó thuốc mất cả tháng trời mới khỏi. Bị chồng xô té,
chị tức quá vào tủ lấy hết số  tiền năm triệu do mới bán lứa heo sữa quăng
cho anh chồng với lời nói dỗi : “Anh có ngon thì đi mà nhậu hết đi”. Làm như
vậy chị nghĩ anh chồng chắc sẽ không dám tiêu xài vì số tiền đó hai vợ chồng đã
nhất trí sẽ dùng để sửa nhà bếp sắp sập do bị mối ăn. Anh chồng nghe vợ thách
thức, liên ôm gói tiền đi luôn. Mãi ba ngày sau mới quay về nhà, trong túi
không còn một đồng bạc nào!! Anh đã thành tâm xin lỗi vợ. Sau khi cằn nhằn mấy
câu chị sẵn sàng tha thứ cho anh. Nhưng về sau mỗi khi nghĩ tới chị lại tiếc rẻ
và tự trách: “Giá đứng mang tiền ra thách thức anh ta thì gia đình đâu có bị
mất số tiền lớn như vậy”.

3.Vợ cũng có thể làm liều khi bị thách thức: Không phải chỉ có những ông chồng, mà ngay cả các bà vợ, khi bị chạm tự ái, thì cơn giận cũng nổi lên: “Liên tiếp
hai tuần qua, ngày nào ông chồng cũng phải ăn cơm ngòai, vì chị vợ đã quyết làm
theo lời “thách thức” của ông, khi hai người cãi nhau chỉ vì chị lỡ làm cháy
món nhậu của ông. Trong lúc tức giận ông đã chì chiết vợ: “Làm đàn bà có mỗi
công việc làm bếp mà làm không xong thì bà còn làm được gì nữa? Thôi dẹp luôn
cái bếp này đi, cả nhà đi ăn cơm tiệm luôn!”. Về sau chị đã kể tội của chồng
cho bà hàng xóm : “Cô coi: Cứ hở ra chuyện gì là “ổng” lại bảo: Dẹp bà nó đi!
Vứt hết đi! Bà đi đâu cho khuất mắt tôi! Hỏi cô ai mà không tức? Bị ổng nói
nhiều lần như vậy rồi, nay tôi mới quyết làm theo cho “ổng” biết thân”. Biết
thân ai đâu không thấy, chỉ thấy tháng đó cả nhà bị hụt tiền, phải đi vay mượn
hàng xóm để trả cho cái món nợ hai người phải ra ăn cơm tiệm hằng ngày.

4. Đừng thách thức nhau: Nguyên nhân dẫn đến giận hờn ly hôn giữa hai vợ chồng chính là những lời khích bác coi thường và thách thức nhau. Người ta thường hay thách thức nhau do thói sĩ diện hão hay tự ái vặt. Do đó, vợ chồng cần tránh nói lời thách thức lẫn nhau. Mỗi khi nghe lời thách thức, vợ chồng cần áp dụng phương
cách tránh gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

1) “Bíet mình biết người trăm trận trăm thắng”: Người ta khác nhau là do “gien” di truyền, do nền giáo dục gia đình hay nhà trường, do tâm sinh lý sai biệt giữa
hai phái nam nữ… Một khi hiểu rõ những khác biệt đó, vợ chồng sẽ dễ cảm thông
cho nhau và biết cách ứng xử phù hợp với hòan cảnh và tâm lý của chồng vợ mình
để tránh tranh cãi to tiếng như người xưa dạy: “Biết mình biết người trăm trận
trăm thắng”. Cần tránh nói lời cay độc xúc phạm danh dự của nhau vì : “Lời nói
không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

2) “Mau nghe, chậm nói, khoan giận”: Khi bị chạm tự ái và cơn giận đang bốc lên, vợ chồng hãy áp dụng thuật “hoãn binh chi kế” của người xưa. Nghĩa là đừng vội làm gì trong lúc nóng giận vì “giận quá mất khôn”. Thánh Gia-cô-bê cũng dạy các tín hữu về cách ứng xử như sau: “Mau nghe, chậm nói, khoan giận” (Gc 1,19).

3) “Một sự nhịn bằng chín sự lành”: Đừng vội trả đũa khi nghe những lời nói xúc phạm của chồng hay vợ mình. Một linh mục già nhiều kinh nghiệm mục vụ đã khuyên các đôi tân hôn như sau: “Khi hai vợ chồng chúng con sắp tranh cãi to tiếng với nhau, thì mỗi người hãy tự nhủ: “Đừng nóng! Chuyện đâu còn đó. Hãy đợi đến sáng mai sẽ
tính”. Và đến hôm sau, sẽ thấy sự việc kia là chuyện nhỏ, không đáng để hai vợ
chồng gây gỗ, làm sứt mẻ tình nghĩa phu thê”.

4) Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29): Để
dẹp được tính tự ái vốn có sẵn trong mỗi người, chúng ta hãy nhìn vào ấm hình
Thánh Tâm Chúa Giê-su và xin Người ban ơn nhẫn nhịn chịu đựng noi gương Người.
Thánh Phao-lô cũng khuyên các tín hữu Phi-lip-phê: ”Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là
Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên
Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống
phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

4.THẢO LUẬN:

1)Bạn nên ứng xử thế nào khi bị chồng hay vợ nói lời thách thức?

2)Bạn sẽ làm gì để tạo bầu khí thuận hòa yêu thương trong gia đình ?

5.LỜI CẦU:

Lạy Chúa, xin cho các đôi vợ chồng sống yêu thương đòan kết, tránh lời nói việc làm gây tranh cãi bất hòa. Xin cho các gia đình tín hữu chúng con năng cầu nguyện trong giờ kinh tối gia đình và quan tâm phục vụ lẫn nhau để làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-

Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH

(Hiệp Hội Thánh Mẫu)

 

 

Toàn Văn Sứ Điệp Mùa Chay Năm 2013

Toàn Văn Sứ Điệp Mùa Chay Năm 2013

nguồn:Thanhlinh.net

Tin trong Đức Mến khơi dậy lòng Bác ái

“Chúng ta đã biết và đã tin vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.” (1
Ga 4, 16)

Anh chị em thân mến,

Cử hành Mùa Chay trong bối cảnh Năm Đức Tin cho chúng ta cơ hội quý giá để suy
niệm về mối tương quan giữa đức tin và đức ái: giữa tin vào Thiên Chúa – Thiên
Chúa của Đức Giêsu Kitô – và tình yêu, là hoa trái của Chúa Thánh Thần vốn
hướng dẫn chúng ta trên con đường dâng hiến cho Thiên Chúa và tha nhân.

1. Đức tin như một lời đáp lời tình yêu Thiên Chúa

Trong Thông điệp đầu tiên của mình, tôi đã đưa ra một vài suy tư về mối tương
quan gần gũi giữa hai nhân đức đối thần: đức tin và đức ái. Khởi đi từ một
khẳng định nền tảng của Thánh Gioan: “Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu
của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4,16). Tôi nhận
xét rằng: “Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức
hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố với một Con Người,
Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và một định hướng dứt
khoát.…Vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước (x. Ga 4,l0), nên tình yêu không còn
là một “giới luật”, nhưng là lời đáp trả cho hồng ân “tình
yêu” qua đó Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta. (Thiên Chúa là Tình Yêu, số
1). Đức tin là một sự gắn kết cá nhân, bao gồm toàn thể khả năng của chúng ta,
với mạc khải tình yêu vô điều kiện và thương xót của Thiên Chúa, được mạc khải
trọn vẹn nơi Đức Kitô. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa là Tình yêu không chỉ hệ tại
ở con tim nhưng bao gồm cả lý trí: “Việc nhận biết Thiên Chúa hằng sống là con
đường đi đến tình yêu và tiếng thưa vâng của ý chí chúng ta đối với ý muốn của
Người kết hợp sự hiểu biết, ý chí và cảm xúc trở thành một hành động trọn vẹn
của tình yêu. Đây rõ ràng là một tiến tình vẫn luôn chuyển động: tình yêu không
bao giờ “kết thúc” và trọn vẹn được” (ibid., số 17). Vì thế, mọi Kitô
hữu, đặc biệt là những ai “lao tác cho đức ái”, cần đức tin vì “họ cần được
hướng dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô, cuộc gặp gỡ này sẽ đánh thức
tình yêu trong họ và mở rộng con tim của họ cho tha nhân, đến độ tình yêu tha
nhân đối với họ không còn là một giới răn được thiết đặt tự bên ngoài, nhưng đó
là bước tiếp nối của đức tin, chính đức tin đó: hoạt động trong tình yêu
(ibid., 31a). Kitô hữu là những người được tình yêu Thiên Chúa khuất phục và do
đó, dưới tác động của tình yêu – “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (Caritas
Christi urget nos)
(2 Cr 5,14) – họ mở ra để yêu mến tha nhận một cách
trọn vẹn trong những việc làm cụ thể (Ibid, 33). Thái độ này chính yếu nảy sinh
từ việc ý thức mình được yêu, được tha thứ và thậm chí là được phục vụ bởi
Thiên Chúa, Đấng đã cúi mình để rửa chân cho các Tông đồ và đã trao hiến chính
mình trên Thập giá để đưa dẫn con người về với tình yêu Thiên Chúa.

“Đức tin chỉ cho chúng ta Thiên Chúa, Đấng đã ban Con của Người cho chúng ta và
ban cho chúng ta niềm xác tín bất khuất: Thiên Chúa là tình yêu! … Niềm tin, ý
thức tình yêu của Thiên Chúa tự tỏ lộ nơi trái tim bị đâm thâu của Đức Giêsu
trên thập giá, niềm tin đến phiên mình sẽ làm nảy sinh tình yêu. Tình yêu là
ánh sáng – cuối cùng là ánh sáng duy nhất – sẽ làm cho một thế giới đen tối
được sáng trở lại và ban cho chúng ta sự can đảm để sống và để hành động”
(Ibid., 39). Tất cả điều này giúp chúng ta hiểu rằng điều làm cho đời sống của
người Kitô hữu trở nên trổi vượt chính là vì “tình yêu được đặt nền tảng trên
đức tin và được nhào nặn bởi đức tin” (ibid., số 7).

2. Đức mến như một cuộc sống trong đức tin

Toàn thể đời sống Kitô hữu là một lời đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Lời đáp
đầu tiên là việc đón nhận đức tin, đầy ngỡ ngàng và biết ơn, đối với một sáng
kiến chưa từng có của Thiên Chúa, đi trước và gọi hỏi chúng ta. Và tiếng xin
vâng của đức tin đánh dấu một sự khởi đầu cho một lịch sử chói sáng về tình bạn
với Thiên Chúa vốn đổ đầy và trao ban một ý nghĩa trọn vẹn cho toàn bộ đời sống
con người. Nhưng đối với Thiên Chúa, nếu chúng ta chỉ đơn thuần đón nhận tình
yêu nhưng không của Ngài thì không đủ. Ngài không chỉ yêu thương chúng ta, Ngài
còn muốn lôi kéo chúng ta đến với Ngài, để biến đổi chúng ta một cách sâu xa
đến nỗi như thánh Phaolô, chúng ta có thể thốt lên rằng: “Tôi sống, nhưng không
còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Khi chúng ta dọn chỗ cho tình yêu Thiên Chúa, thì chúng ta trở nên giống Ngài
và chia sẻ chính đức ái của Ngài. Nếu chúng ta mở lòng mình ra cho tình yêu ấy,
chúng ta cho phép Ngài sống trong chúng ta và làm cho chúng ta yêu mến Ngài,
trong Ngài và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Chỉ khi đức tin của chúng
ta “hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6), thì Thiên Chúa mới thực sự ở trong chúng ta
(xem 1 Ga 4,12).

Đức tin nhận biết chân lý và gắn chặt với chân lý (x. 1 Tm 2,4); đức ái là bước
đi trong chân lý (x. Ep 4,15). Nhờ đức tin, chúng ta đi vào mối tương quan tình
bạn với Thiên Chúa, qua đức ái, mối tình này được sống động và được dưỡng nuôi
(x. Ga 15,14). Đức tin làm cho chúng ta ôm ấp lệnh truyền của Thiên Chúa và của
Thầy; đức ái trao ban cho chúng ta niềm vui khi chúng ta thực hành lệnh truyền
ấy (x. Ga 13,13-17). Trong đức tin, chúng ta được sinh ra với tư cách là con
Thiên Chúa; với đức ái, chúng ta gìn giữ mối tình con thảo của chúng ta với
Ngài và trổ sinh hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5,22). Đức tin giúp chúng
ta nhận ra những quà tặng mà Thiên Chúa tốt lành và quảng đại tặng ban cho ta;
đức ái làm cho những món quà ấy trổ sinh hoa trái (x. Mt 15,14-30).

3. Mối liên kết bất khả phân ly giữa đức tin và đức ái

Trong ánh sáng này, rõ ràng chúng ta không thể tách rời hoặc đối nghịch giữa
đức tin và đức ái. Hai nhân đức đối thần này liên kết mật thiết với nhau, và
thật sai lầm khi đặt chúng trong một tương quan đối nghịch hay “biện chứng”.
Trái lại, chúng ta cũng cần tránh việc quá nhấn mạnh đến sự ưu tiên và tầm quan
trọng quyết định của đức tin đến độ coi nhẹ và hầu như coi thường những công
việc bác ái cụ thể, coi chúng chỉ là những hành vi nhân đạo tổng quát mà thôi.
Trái lại, chúng ta cũng không nên quá phóng đại vị trí ưu việt của đức ái và
những hoạt động của đức ái, như thể là việc làm có thể thay thế đức tin. Một
đời sống thiêng liêng trưởng thành cần tránh hai thái cực trên, cần phải xa
tránh thuyết duy tín (fidéisme) cũng như thái độ duy hoạt động về luân lý
(moral activism).

Đời sống Kitô hữu hệ tại ở việc liên lỉ lên núi để gặp Chúa, để rồi “hạ sơn”,
tựa nương vào tình yêu và sức mạnh đã kín múc nơi Ngài, phục vụ anh chị em với
tình yêu của chính Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy lòng hăng say
rao giảng Tin Mừng và khơi dậy đức tin nơi người khác của các tông đồ liên kết
chặt chẽ với mối quan tâm đức ái trong việc phục vụ người nghèo (x. Cv 6,1-4).
Trong Giáo hội, chiêm niệm và hoạt động, trong một cách thức nào đó, được tượng
trưng bằng hình ảnh của Maria và Martha trong Tin Mừng, phải đồng tồn tại và bổ
túc cho nhau (x. Lc 10,38-42). Mối tương quan với Thiên Chúa phải là ưu tiên
hàng đầu, và sự chia sẻ của cải đích thực, theo tinh thần của Tin Mừng cần cắm
rễ sâu trong đức tin (Tiếp Kiến Chung, 25-04-2012). Thực tế, đôi lúc chúng ta
có xu hướng giản lược thuật ngữ “đức ái” xuống thành tình liên đới hay chỉ là
hoạt động trợ giúp nhân đạo đơn thuần. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là
công việc bác ái lớn nhất chính là việc truyền giảng Tin Mừng, nghĩa là “sứ vụ
của Lời”. Không có hành động nào có tính bác ái hơn là hành động nuôi dưỡng tha
nhân bằng lời Chúa và sẻ chia với họ những Tin Vui của Phúc Âm, giới thiệu cho
họ đi vào mối tương quan với Thiên Chúa: rao giảng Tin Mừng chính là sự thăng
tiến nhân bản cao cả nhất và đầy đủ nhất. Trong Thông điệp Phát Triển Các Dân
Tộc (Populorum Progressio), tôi Tớ Chúa, Đức Phao-lô VI viết rằng
việc công bố về Đức Giêsu Kitô là sự đóng góp đầu tiên và quan trọng nhất cho
sự phát triển. Chân lý căn bản về Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta
chính là việc sống và công bố tình yêu ấy, vì điều này sẽ giúp đời sống chúng
ta đón nhận tình yêu này và làm cho sự phát triển hội nhất của nhân loại và của
mỗi người trở nên khả thi (x. Tình Yêu Thiên Chúa, số 8).

Một cách thiết yếu, mọi thứ đến từ tình yêu và hướng về Tình yêu. Tình yêu
nhưng không của Thiên Chúa được tỏ cho chúng ta qua việc rao giảng Tin Mừng.
Nếu chúng ta vui vẻ đón nhận Tin Mừng với đức tin, chúng ta đang lãnh nhận để
đi với một tương tác trước hết và không thể tách rời với Thiên Chúa. Mối tương
quan này làm cho chúng ta “phải lòng với Tình Yêu”, và rồi, chúng ta sẽ ở lại
trong Tình Yêu, lớn lên và hân hoan loan báo về Tình yêu ấy cho người khác.

Liên quan đến mối tương quan giữa đức tin và việc làm của đức ái, một đoạn
trong thư gửi Tín hữu Ê-phê-sô cung cấp cho chúng ta một tường thuật tốt nhất
về mối liên kết giữa hai nhân đức này: “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng
tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của
Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.
Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Ðức
Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho
chúng ta” (2,8-10). Ở đây, chúng ta có thể thấy toàn bộ kế hoạch cứu độ khởi đi
từ Thiên Chúa, từ ân sủng của Ngài và từ sự tha thứ của Ngài được lãnh nhận nhờ
đức tin. Thế nhưng, sáng kiến của Thiên Chúa không hạn chế tự do và trách nhiệm
của chúng ta, trái lại, sáng kiến này làm cho chúng trở nên chân thực và hướng
chúng đến công việc của đức ái. Đây không phải là kết quả của những nỗ lực của
chúng ta, để rồi chúng ta phải hãnh diện, nhưng chúng sinh ra từ đức tin và
tuôn trào từ ân sủng mà Thiên Chúa đã trao ban một cách rất phong phú. Đức tin
không có việc làm tựa như cây không trổ sinh hoa trái: hai nhân đức này bao hàm
trong nhau. Qua những thực hành truyền thống của đời sống Kitô hữu, Mùa Chay
mời gọi chúng ta biết dưỡng nuôi đức tin của mình bằng cách chú tâm, siêng năng
lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích, và đồng thời lớn lên trong đức ái
và tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân qua những việc làm cụ thể như ăn
chay, đền tội và làm việc bố thí.

4. Vị thế ưu tiên của đức tin, chỗ đứng thứ nhất của đức mến

Như mọi quà tặng của Thiên Chúa, đức tin và đức ái có nguồn gốc nơi hoạt động
của cùng một Chúa Thánh Thần ( x. 1Cr 13); Thần Khí ngự trong chúng ta và giúp
chúng ta thưa lên rằng “Abba, Cha ơi” (Gl 4,6) và chính Ngài cũng làm chúng ta
tuyên xưng: “Đức Giêsu là Chúa!” (1 Cr 12,3) và “Maranatha” (1 Cr 16,12; Kh
22,20).

Đức tin, như một quà tặng và một lời đáp trả, giúp chúng ta nhận biết chân lý
của Đức Giêsu Kitô như là Thiên Chúa nhập thể và chịu đóng đinh khi hoàn toàn
vâng phục Thánh ý Cha và lòng thương xót vô biên dành cho con người; đức tin
ghi khắc vào con tim và tâm trí chúng ta một niềm xác tín vững chắc rằng chỉ có
Tình Yêu đó mới có thể chiến thắng sự dữ và cái chết. Đức tin cũng mời gọi
chúng ta hướng về tương lai với nhân đức hy vọng, trong sự mong chờ đầy tin
tưởng vào cuộc vinh thắng của Đức Kitô sẽ được viên mãn. Về phần mình, đức ái
thúc giục chúng ta đi vào tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Giêsu
Kitô và làm cho chúng ta đi vào tình yêu tự hiến và hoàn hảo của Đức Giêsu dành
cho Chúa Cha và cho anh chị em mình một cách cá vị và sống động. Bằng cách đổ
đầy tình yêu này, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên những kẻ chung phần
trong tình yêu con thảo của Đức Giêsu dành cho Thiên Chúa và tình yêu huynh đệ
đối với tha nhân (Rm 5,5).

Mối tương quan giữa hai nhân đức này tựa như mối tương quan giữa hai bí tích
nền tảng của Giáo hội: Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh Thể. Bí tích Rửa tội
(bí tích đức tin – sacramentum fidei) đến trước bí tích Thánh Thể
(bí tích đức ái – sacramentum caritatis). Nhưng bí tích Rửa tội là
sự chuẩn bị của bí tích Thánh Thể, và bí tích Thánh Thể giúp người Kitô hữu đi
trọn hành trình của mình. Cũng vậy, đức tin đến trước đức ái nhưng đức tin chỉ
trở nên chân thực nếu đạt đến cực điểm nhờ đức ái. Mọi sự khởi đi từ việc đón
nhận đầy khiêm hạ của đức tin (biết rằng tôi được Thiên Chúa yêu), nhưng đức
tin phải đạt đến chân lý là đức ái (biết yêu Thiên Chúa và tha nhân), vốn tồn
tại mãi mãi và là sự viên mãn của tất cả các nhân đức (1 Cr 13,13).

Anh chị em thân mến, trong Mùa Chay này, như là dịp chúng ta chuẩn bị kỷ niệm
biến cố Tử Nạn và Phục sinh – một biến cố mà tình yêu Thiên Chúa đã cứu độ thế
giới và chiếu tỏa ánh sáng vào lịch sử – tôi ước mong rằng tất cả anh chị em có
thể dùng thời gian này để thắp lại ngọn lửa đức tin vào Đức Giêsu. Nhờ đó chúng
ta có thể cùng với Ngài đi vào tình yêu đầy năng động dành cho Cha, cho anh chị
em mình, những người mà chúng ta gặp gỡ trong đời sống của chúng ta. Vì lý do
này, tôi dâng lời nguyện này lên Chúa, và nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho
mỗi người và cho mỗi cộng đoàn!

Từ Vatican, 15 tháng 10 năm 2012

Nguyễn Minh Triệu sj