Có một 30/4 khác: CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC TRỌNG DỤNG

Nhạc xưa, hình cũ

 

Có một 30/4 khác: CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC TRỌNG DỤNG

Kỳ 1: Nhân vật chính phim CÔ NHÍP

——————–

Tên thật nhân vật là Cao Thị Nhíp, thuộc tổ chức Biệt động Sài Gòn (tên do tổ chức đặt là Nguyễn Trung Kiên), đã dẫn dắt đoàn xe tăng quân đội Bắc Việt tiến đánh vào phi trường Tân Sơn Nhứt vào sáng ngày 30/4/1975.

Sau 30/4/1975, Cao Thị Nhíp chuyển sang làm thuyết minh viên cho Bảo tàng Cách mạng TP.HCM.

Năm 1976, Cao Thị Nhíp được đạo diễn Khương Mễ mời vào vai chính trong bộ phim Cô Nhíp, tác phẩm đầu tiên của điện ảnh miền Nam GP sau 30/4/1975. Phim đã giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 (1977).

Năm 1983, Cao Thị Nhíp chuyển sang làm việc ở Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Quận 5, rồi lập gia đình và sinh được 2 con.

Sau đó gia đình Cao Thị Nhíp chuyển sang định cư ở Mỹ (bang California), rồi xin nhập quốc tịch Mỹ.

Khi gặp lại người bạn thân cũ và được hỏi về câu chuyện ngày 30 tháng 4 năm xưa, Cao Thị Nhíp trả lời: “Tôi đã quên rồi! Quên lâu lắm rồi!”.

Trên đây là câu chuyện về một người “quay xe” mà mỗi độ 30/4 về, bộ máy truyền thông của chế độ luôn né tránh, không nhắc tới.

Xin mượn câu mở đầu bài hát Căn Nhà Dĩ Vãng của NS Đài Phương Trang, làm câu kết cho bài viết này:

“CHUYỆN XƯA, CHÔN VÙI THEO BÓNG THỜI GIAN!…”

Nhạc xưa, hình cũ

——————–

(*) Chú thích:

+ Ảnh 1: Cao Thị Nhíp dẫn xe tăng quân đội Bắc Việt tiến đánh phi trường Tân Sơn Nhứt sáng ngày 30/4/1975.

+ Ảnh 2: Việt kiều Cao Thị Nhíp trong chuyến về thăm VN năm 2015

+ Nguồn tham khảo và hình ảnh: Google + FB Văn Toàn

30-4 – Tưởng Niệm Thuyền Nhân và nhu cầu bảo tồn di sản tỵ nạn

Hai Cuộc Di Cư Vĩ Đại 1954 và 1975

67 năm (gần hai phần ba thế kỷ) qua, thế giới đã chứng kiến hai cuộc di cư của dân tộc Việt Nam trên diễn trình xây dựng một cuộc sống tự do, một chế độ dân chủ. Họ sẵn sàng liều mạng để bảo đảm một nếp sống tự do và tiến bộ cho con cháu. Sự quyết tâm bi thảm này đã đánh thức lương tâm nhân loại.

Cuộc Di Cư Vĩ Đại 1975

Trong những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn thất thủ vào tháng 4 năm 1975, khoảng 140.000 người Việt Nam có liên hệ mật thiết với chính quyền miền Nam Việt Nam cũ đã được di tản khỏi Việt Nam và tái định cư tại Hoa Kỳ. Thuyền nhân tự ra đi bắt đầu xảy ra, cuối năm 1975, khoảng 5.000 người Việt Nam đã đến Thái Lan, 4.000 người đã đến Hồng Kông, 1.800 người đã đến Singapore và 1.250 người đã đến Philippines.

Tháng 7 năm 1976, chính quyền Hà Nội bắt tay vào chương trình tái định cư dân thành thị về nông thôn, được gọi là ‘vùng kinh tế mới’.

Hơn một triệu người bị đưa vào các “trại cải tạo”. Nhiều người đã chết trong khi hàng trăm nghìn người vẫn bị giam cầm trong khổ ải vào cuối những năm 1980 sang đầu thập niên 1990.

Vào đầu năm 1978, các biện pháp chính thức đã được thực hiện để chiếm đoạt các cơ sở kinh doanh của các doanh nhân tư nhân, hầu hết trong số đó là người Việt gốc Hoa.

Thuyền Nhân

Năm 1977, khoảng 15.000 người Việt Nam đã ra khỏi nước và xin tỵ nạn tại các nước Đông Nam Á. Vào cuối năm 1978, số người chạy trốn bằng thuyền tăng gấp bốn lần; 70 phần trăm những người xin tỵ nạn này là người Việt gốc Hoa. 

Trong hơn một thập niên, những người Việt Nam đến trại do UNHCR quản lý đã được hưởng quy chế tỵ nạn sơ bộ và được trao cho cơ hội tái định cư ở nước ngoài. 

Vào giữa năm 1979, trong số hơn 550.000 người Đông Dương đã xin tỵ nạn ở Đông Nam Á kể từ năm 1975, khoảng 200.000 người được tái định cư và khoảng 350.000 người ở lại các nước tỵ nạn đầu tiên trong khu vực. 

Ngày 20 và 21 tháng 7 năm 1979, 65 chính phủ đã đáp lại lời mời của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Tham dự hội nghị quốc tế về người tỵ nạn Đông Dương tại Geneva. Các cam kết quốc tế mà họ đã thực hiện được rất đáng kể:Cho tái định cư trên toàn thế giới tăng từ 125.000 lên 260.000.

Từ tháng 7 năm 1979 đến tháng 7 năm 1982, hơn 20 quốc gia – dẫn đầu là Hoa Kỳ, Úc, Pháp và Canada – đã tái định cư tất cả là 623.800 người tỵ nạn Đông Dương. Từ năm 1980 đến 1986, khi lượng người đến tái định cư ngày càng giảm thì sự lạc quan của các quan chức tỵ nạn về việc giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực ngày càng gia tăng.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Sài Gòn đã giải phóng tôi

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Đàn Chim Việt

Thứ mì tưởng chỉ dành cho du hành vũ trụ

Mãi tới ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi mới biết thế nào là ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, ngày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Ngày sinh của tôi ngủ yên trong học bạ, chỉ được nhắc đến mỗi kì chuyển cấp. Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm. Đúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách Khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Thật không ngờ. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại”.

Kẹt nỗi tôi đang học, ba tôi không cho đi. Sau ngày 30 tháng 4 cả nhà tôi đều vào Sài Gòn, trừ tôi. Ông bác của tôi dinh tê vào Sài Gòn năm 1953, làm ba tôi luôn ghi vào lý lịch của ông và các con ông hai chữ “đã chết”, giờ đây là triệu phú số một Sài Gòn. Ba tôi quá mừng vì ông bác tôi còn sống, mừng hơn nữa là “triệu phú số một Sài Gòn”. Ông bác tôi cũng mừng ba tôi hãy còn sống, mừng hơn nữa là “gia đình bảy đảng viên cộng sản”. Cuộc đoàn tụ vàng ròng và nước mắt. Ông bác tôi nhận nước mắt đoàn viên bảy đảng viên cộng sản, ba tôi nhận hơn hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời diệu kì.

Dù chưa được vào Sài Gòn nhưng tôi đã thấy Sài Gòn qua ba vật phẩm lạ lùng, đó là bút bi, mì tôm và cassette của thằng Minh cùng lớp, ba nó là nhà thơ Viễn Phương ở Sài Gòn gửi ra cho nó. Chúng tôi xúm lại quanh thằng Minh xem nó thao tác viết bút bi, hồi đó gọi là bút nguyên tử. Nó bấm đít bút cái tách, đầu bút nhô ra, và nó viết. Nét mực đều tăm tắp, không cần chấm mực không cần bơm mực, cứ thế là viết. Chúng tôi ai nấy há hốc mồm không thể tin nổi Sài Gòn lại có thể sản xuất được cái bút tài tình thế kia.

Tối hôm đó thằng Mình bóc gói mì tôm bỏ vào bát. Tưởng đó là lương khô chúng tôi không chú ý lắm. Khi thằng Minh đổ nước sôi vào bát, một mùi thơm rất lạ bốc lên, hết thảy chúng tôi đều nuốt nước bọt, đứa nào đứa nấy bỗng đói cồn cào. Thằng Minh túc tắc ăn, chúng tôi vừa nuốt nước bọt vừa cãi nhau. Không đứa nào tin Sài Gòn lại có thể sản xuất được đồ ăn cao cấp thế kia. Có đứa còn bảo đồ ăn đổ nước sôi vào là ăn được ngay, thơm ngon thế kia, chỉ dành cho các du hành vũ trụ, người thường không bao giờ có.

Thằng Minh khoe cái cassete ba nó gửi cho nó để nó học ngoại ngữ. Tới đây thì tôi bị sốc, không ngờ nhà nó giàu thế. Với tôi cassete là tài sản lớn, chỉ những người giàu mới có. Năm 1973 quê tôi lần đầu xuất hiện một cái cassete của một người du học Đông Đức trở về. Cả làng chạy đến xem máy ghi âm mà ai cũng đinh ninh đó là công cụ hoạt động tình báo, người thường không thể có.

Suốt mấy ngày liền, dân làng tôi say sưa nói vào máy ghi âm rồi bật máy nghe tiếng của mình. Tôi cũng được nói vào máy ghi âm và thật vọng vô cùng không ngờ tiếng của tôi lại tệ đến thế. Một ngày tôi thấy tài sản lớn ấy trong tay một sinh viên, không còn tin vào mắt mình nữa. Thằng Minh nói, rẻ không à. Thứ này chỉ ghi âm, không có radio, giá hơn chục đồng thôi, bán đầy chợ Bến Thành. Không ai tin thằng Minh cả. Tôi bĩu môi nói với nó, cứt! Rứa Sài Gòn là tây à? Thằng Mình tủm tỉm cười không nói gì, nó mở casete, lần đầu tiên chúng tôi được nghe nhạc Sài Gòn, tất cả chết lặng trước giọng ca của Khánh Ly trong Sơn ca số 7. Kết thúc Sơn ca số 7 thằng Hoan bỗng thở hắt một tiếng thật to và kêu lên, đúng là tây thật bay ơi!

Sài Gòn là tây, điều đó hấp dẫn tôi đến nỗi đêm nào tôi cũng mơ tới Sài Gon. Kì nghỉ hè năm sau, tháng 8 năm 1976, tôi mới được vào Sài Gòn. Ba tôi vẫn bắt tôi không được đi đâu, “ở nhà học hành cho tử tế”, nhưng tôi đủ lớn để bác bỏ sự ngăn cấm của ông. Hơn nữa cô họ tôi rất yêu tôi, đã cho người ra Hà Nội đón tôi vào. Xe chạy ba ngày ba đêm tôi được gặp Sài Gòn. Tôi sẽ không kể những gì lần đầu tôi thấy trong biệt thự của ông bác tôi, từ máy điều hòa, tủ lạnh, ti vi tới xe máy, ô tô, cầu thang máy và bà giúp việc tuổi năm mươi một mực lễ phép gọi tôi bằng cậu. Ngay mấy cục đá lạnh cần lúc nào có ngay lúc đó cũng đã làm tôi thán phục lắm rồi. Thán phục chứ không ngạc nhiên, vì đó là nhà của ông triệu phú. Xin kể những gì buổi sáng đầu tiên tôi thực sự gặp gỡ Sài Gòn..

Khấp khởi và hồi hộp, rụt rè và cảnh giác, tôi bước xuống lòng đường thành phố Sài Gòn và gặp ngay tiếng dạ ngọt như mía lùi của bà bán hàng tạp hóa đáng tuổi mạ tôi. Không nghĩ tiếng dạ ấy dành cho mình, tôi ngoảnh lại sau xem bà chủ dạ ai. Không có ai. Thì ra bà chủ dạ khách hàng, điều mà tôi chưa từng thấy. Quay lại thấy nụ cười bà chủ, nụ cười khá giả tạo. Cả tiếng dạ cũng giả tạo nhưng với tôi là trên cả tuyệt vời. Từ bé cho đến giờ tôi toàn thấy những bộ mặt lạnh lùng khinh khỉnh của các mậu dịch viên, luôn coi khách hàng như những kẻ làm phiền họ. Lâu ngày rồi chính khách hàng cũng tự thấy mình có lỗi và chịu ơn các mậu dịch viên. Nghe một tiếng dạ, thấy một nụ cười của các mậu dịch viên dù là giả tạo cũng là điều không tưởng, thậm chí là phi lí..

Tôi mua ba chục cái bút bi về làm quà cho bạn bè. Bà chủ lấy dây chun bó bút bi và cho vào túi nilon, chăm chút cẩn thận cứ như bà đang gói hàng cho bà chứ không phải cho tôi. Không một mậu dịch viên nào, cả những bà hàng xén quê tôi, phục vụ khách hàng được như thế, cái túi nilon gói hàng càng không thể có. Ai đòi hỏi khách hàng dây chun buộc hàng và túi nilon đựng hàng sẽ bắt gặp cái nhìn khinh bỉ, vì đó là đòi hỏi của một kẻ không hâm hấp cũng ngu xuẩn. Giờ đây bà chủ tạp hóa Sài Gòn làm điều đó hồn hậu như một niềm vui của chính bà, khiến tôi sửng sốt. Cách đó chưa đầy một tuần, ở Hà Nội tôi đi sắp hàng mua thịt cho anh cả. Cô mậu dịch viên hất hàm hỏi tôi, hết thịt, có đổi thịt sang sườn không? Dù thấy cả một rổ thịt tươi dưới chân cô mậu dịch viên tôi vẫn đáp, dạ có! Tranh cãi với các mậu dịch viên là điều dại dột nhất trần đời. Cô mậu dịch viên ném miếng sườn heo cho tôi. Cô ném mạnh quá, miếng sườn văng vào tôi. Tất nhiên tôi không hề tức giận, tôi cảm ơn cô đã bán sườn cho tôi và vui mừng đã chụp được miếng sườn, không để nó rơi xuống đất. Kể vậy để biết vì sao bà chủ tạp hóa Sài Gòn đã làm tôi sửng sốt..

Rời quầy tạp hóa tôi tìm tới một quán cà phê vườn. Uống cà phê để biết, cũng là để ra dáng ta đây dân Sài Gòn. Ở Hà Nội tôi chỉ quen chè chén, không dám uống cà phê vì nó rất đắt. Tôi ngồi vắt chân chữ ngũ nhâm nhi cốc cà phê đen đá pha sẵn, hút điếu thuốc Capstan, tự thấy mình lên hẳn mấy chân kính. Không may tôi vô ý quờ tay làm đổ vỡ ly cà phê. Biết mình sắp bị ăn chửi và phải đền tiền ly cà phê mặt cậu bé hai mươi tuổi đỏ lựng. Cô bé phục vụ chạy tới vội vã lau chùi, nhặt nhạnh mảnh vỡ thủy tinh với một thái độ như chính cô là người có lỗi. Cô thay cho tôi một ly cà phê mới nhẹ nhàng như một lẽ đương nhiên. Tôi thêm một lần sửng sốt..

Một giờ sau tôi quay về nhà ông bác, phát hiện sau nhà là một con hẻm đầy sách. Con hẻm ngắn, rộng rãi. Tôi không nhớ nó có tên đường hay không, chỉ nhớ rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng sum sê, hai vỉa hè đầy sách. Suốt buổi sáng hôm đó tôi tha thẩn ở đây. Quá nhiều sách hay, tôi không biết nên bỏ cuốn gì mua cuốn gì. Muốn mua hết phải chất đầy vài xe tải. Giữa hai vỉa hè mênh mông sách đó, có cả những cuốn sách Mác – Lê. Cuốn Tư Bản Luận của Châu Tâm Luân và Hành trình trí thức của Karl Marx của Nguyễn Văn Trung cùng nhiều sách khác. Thoạt đầu tôi tưởng sách từ Hà Nôi chuyển vào, sau mới biết sách của Sài Gòn xuất bản từ những năm sáu mươi. Tôi hỏi ông chủ bán sách, ở đây người ta cũng cho in sách Mác – Lê à? Ông chủ quán vui vẻ nói, dạ chú. Sinh viên trong này học cả Mác – Lê. Tôi ngẩn ngơ cười không biết nói gì hơn..

Chuyện quá nhỏ, với nhiều người là không đáng kể, với tôi lúc đó thật khác thường, nếu không muốn nói thật lớn lao. Tôi không cắt nghĩa được đó là gì trong buổi sáng hôm ấy. Tôi còn ở lại Sài Gòn thêm 30 buổi sáng nữa, vẫn không cắt nghĩa được đó là gì. Nhưng khi quay ra Hà Nội tôi bỗng sống khác đi, nghĩ khác đi, đọc khác đi, nói khác đi. Bạn bè tôi ngày đó gọi tôi là thằng hâm, thằng lập dị..

Tôi thì rất vui vì biết mình đã “được giải phóng”

Nguồn: Nguyễn Quang Lập


 

Vingroup và công an chỉ “cột dây giày trong ruộng dưa”?

 Ba’o Tieng Dan

RFA

Đồng Phụng Việt

30-4-2024

Xe điện của VinFast được trưng bày ở cửa hàng tại Hà Nội hôm 29/9/2023. Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Lê Minh Nguyên vừa đưa lên trang Facecebook của ông bài lược thuật về tai nạn xảy ra ở Pleasanton – một thành phố nhỏ ở khu vực Bắc California, hôm 24/4/2024. Bài lược thuật đó không dài nên xin dẫn lại:

VinFast làm thinh – Báo Việt Nam không được đăng

Gia đình bốn người chết hết vì đi xe VinFast đụng vào cây sồi bốc cháy khoảng 9 giờ tối thứ tư 24/4 ở Pleasanton, Bắc California. Tốc độ cho phép lái trên đường Stoneridge Drive của thành phố này là 40 dặm một giờ, có nghĩa là tốc độ tương đối chậm, có thể thắng kịp khi gặp sự cố. Cảnh sát cho biết việc xe chạy quá tốc độ có góp một phần vào tai nạn và không có chỉ dấu gì là do rượu, ma túy hay giằng co, gây gổ. Xe va vào trụ lề đường rồi lạc tay lái đụng vào cây, bốc cháy dữ dội ngay sau đó và ông Larry Lai, sống gần đó cho biết, ông đang ở bên ngoài thì nghe thấy tiếng nổ vào thời điểm xảy ra tai nạn. Ông nói: “Cứ năm đến mười giây lại có một tiếng nổ lớn, có thể khoảng năm đến tám lần. Ba nguời chết đã được nhận diện là: Tarun Cherukara George, 41 tuổi. Rowan George, 13 tuổi, Aaron George, 9 tuổi. Người thứ tư do bị cháy quá tệ nên chưa thể nhận diện sớm được, chỉ biết là phái nữ.

VinFast từ chối sự tiếp xúc để xin ý kiến của hãng tin NBC Bay Area. Cho tới thời điểm này, VinFast vẫn còn làm thinh về tai nạn. Trong nước các báo loan tin thì bị gỡ bài. VinFast không thể và không nên ứng xử thờ ơ trước một tai nạn kinh khủng như vậy ở Mỹ, không nên đem cung cách ứng xử với nguời tiêu dùng ở Việt Nam để áp dụng ở Mỹ, vì sẽ thất bại ê chề!

Việc xe chạy quá tốc độ cho phép, vẫn còn chưa rõ là lỗi từ người lái – một kỹ sư làm việc cho Google và được láng giềng quý mến – hay từ phần mềm. Dù cuộc điều tra đang tiến hành để biết chính xác nguyên nhân xảy ra tai nạn nhưng cháy và nổ liên tục khi xe vừa đụng vào cây cho thấy người trong xe không có những phút giây cần thiết để tẩu thoát, người cứu nạn không có thời gian và điều kiện để tiếp cận giải cứu – đây là những điều mà Tesla đã cẩn thận làm và test tới test lui trước khi đưa ra thị trường.

VinFast bán xe nhưng nên hiểu là mạng người không rẻ rúng (1).

***

Thật ra đã có rất nhiều người trích dịch tin tức từ các cơ quan truyền thông ở Mỹ, trong đó có cả những cơ quan truyền thông hướng đến độc giả người Việt như RFA về vụ tai nạn thảm khốc này (2). Người viết bài chọn giới thiệu lược thuật của ông Lê Minh Nguyên về tai nạn liên quan tới sản phẩm của VinFast vì vài lý do: Có một số thông tin mới. Chừng mực. Đặc biệt, ông Nguyên cũng là người Việt nhưng chắc chắn không cần phải… đào tẩu và… xin tị nạn như… Sonnie Tran vì ông ở bên ngoài Việt Nam!

Sonnie Trần tên thật là Trần Mai Sơn, 38 tuổi, cũng là người Việt như ông Lê Minh Nguyên nhưng sống ở Việt Nam. Sonnie Tran nổi tiếng vì chuyên chắt lọc, tổng hợp thông tin từ các cáo bạch của Vingroup, đối chiếu với những tài liệu của các doanh nghiệp ngoại quốc như Tata, LongChuan,… để phân tích, nhận định về Vingroup và VinFast – một trong những sản phẩm nổi tiếng của Vingroup – trên mạng xã hội. Những phân tích của Sonnie Tran được thiên hạ chú ý vì chúng thuộc dạng… điền thế (cung cấp các thông tin, ý kiến về Vingroup hay VinFast mà thiên hạ quan tâm nhưng không thể tìm thấy trên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam).

Tuy nhiên đó cũng là lý do Sonnie Tran gặp rắc rối. Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, Sonnie Tran liên tục bị công an Việt Nam triệu tập để lấy lời khai vì các sản phẩm thông tin mà theo công an là có dấu hiệu “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Việc Sonnie Tran bị sách nhiễu đã khiến một số cơ quan truyền thông quốc tế ngạc nhiên và nêu ra như một hiện tượng vừa kỳ dị, vừa đáng ngại ở Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tuy nhiên điều đó không giúp giảm áp lực mà Sonnie Tran phải gánh chịu. Áp lực gia tăng đến mức Sonnie Tran phải trốn khỏi Việt Nam, tìm cách được hưởng quy chế tị nạn chính trị,…

Tin Sonnie Tran đào tẩu xuất hiện gần như cùng lúc với tin về vụ tai nạn thảm khốc ở Pleasanton. Gọi là đào tẩu vì theo Sonnie Tran, ông đã bị cấm xuất cảnh và rắc rối xuất hiện, áp lực càng ngày càng gia tăng bởi công an Việt Nam thực hiện yêu cầu của Vingroup (3). Vingroup đã từng làm như thế với nhiều người. Một trong những vụ từng khuấy động dư luận là chuyện ông Trần Văn Hoàng dám sử dụng YouTube để phàn nàn về những khiếm khuyết của chiếc VinFast mà ông đã mua rồi bị công an triệu tập…

***

Thiên hạ ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã từng và có lẽ sẽ còn tiếp tục bàn tán rất nhiều về việc tại sao hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam lại chọn phương thức hành xử theo kiểu “mũ ni che tai” trước những thông tin, sự kiện mà về mặt nghề nghiệp vốn dĩ không thể bỏ qua nhưng lại cương quyết không màng tới chỉ vì không có lợi cho sự nghiệp của Vingroup. Thiên hạ cũng không thể lý giải tại sao công an Việt Nam lại quan tâm và bảo vệ Vingroup tận tình như vậy?

Ông Tô Lâm – nhân vật lãnh đạo Bộ Công an – có biết hiện tượng hết sức bất thường này không? Đặc biệt là khi hiện tượng hết sức bất thường này trở thành “sự kiện và vấn đề” trên hệ thống truyền thông quốc tế, gây tổn hại cho nỗ lực vận động thiên hạ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh – vấn đề có tính chất sống còn đối với sự ổn định và phát triển của kinh tế, xã hội Việt Nam – chẳng lẽ hiện tượng hết sức bất thường đó nằm ngoài phạm trù an ninh kinh tế?

Trong quá khứ, ông Tô Lâm từng dính dáng đến chủ một thực thể vốn gần gũi với người đang nắm giữ quyền điều hành Vingroup. Thực thể đó là Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG). AVG nằm trong tay của ông Phạm Nhật Vũ – bào đệ của ông Phạm Nhật Vượng. Năm 2014, ông Phạm Nhật Vũ quyết định bán 95% cổ phần cho Mobifone (doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thông tin truyền thông – TTTT). Giá trị thực của số cổ phần này chỉ có 1.900 tỷ đồng nhưng Mobifone lại mua với giá 8.900 tỷ đồng.

Sự việc vỡ lở, một Ủy viên BCH TƯ đảng đồng thời là cựu Bộ trưởng TTTT bị phạt tù chung thân (Nguyễn Bắc Son), một Ủy viên BCH TƯ Đảng kiêm Bộ trưởng TTTT lúc đó bị phạt 14 năm tù (Trương Minh Tuấn), Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone bị phạt 23 năm tù (Lê Nam Trà),… nhưng ông Phạm Nhật Vũ chỉ bị phạt ba năm tù vì hai… ngày trước khi Thanh tra của chính phủ (TTCP) công bố Kết luận Thanh tra (KLTT) đã chủ động đề nghị hủy thương vụ, trả lại toàn bộ tiền cho Mobifone.

Tuy TTCP khẳng định trong KLTT rằng Bộ Công an đã phát hành ba công văn “trái quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền”, đồng thời đề nghị “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành ba văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT” (4) nhưng ông Tô Lâm khi ấy là Thượng tướng, Thứ trưởng Công an – người ký cả ba văn bản vẫn vô sự.

Phiên xử vụ án Mobifone – AVG cho thấy, cả ba văn bản mà ông Tô Lâm đã ký không chỉ dọn đường để Mobifone mua cổ phần của AVG với giá trên trời mà việc tùy tiện xếp thương vụ vào diện “Mật” hoặc “Tối mật” đã ngăn chặn tất cả mọi người tiếp cận, đề cập đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Sự việc vỡ lở chỉ vì một số thành viên của Mobifone kiên trì tố cáo không ngưng nghỉ cả bằng đơn, thư gửi đi khắp nơi lẫn bày ra những khuất tất trên mạng xã hội và tương quan thế lực ở thượng tầng thay đổi.

Một trong ba công văn  (CV số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015) đề nghị Bộ TTTT “chỉ đạo hai doanh nghiệp không công khai, tuyên truyền sự việc, quản lý chặt chẽ các thông tin, tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng vì đây là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp”. Đồng thời Thượng tướng Tô Lâm còn “đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí không đưa tin, bài viết bình luận về hoạt động chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp” (5). Xem lại công văn này ắt thấy, “biện pháp nghiệp vụ” vừa kể đã được dùng nhiều lần, với nhiều đối tượng và đã dùng ắt vấn đề không nhỏ.

Chưa có bằng chứng nào về việc Bộ Công an nói chung và lực lượng an ninh thuộc Bộ Công an nói riêng, bảo kê cho Vingroup. Cũng chưa có bằng chứng nào về việc Vingroup dùng Bộ Công an, song chẳng lẽ tất cả đều là ngẫu nhiên? Ngạn ngữ có câu “trong ruộng dưa đừng cột dây giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ”, hàm ý người tử tế nên tránh gây ngộ nhận. Cả Vingroup lẫn Bộ Công an dưới quyền điều hành của ông Tô Lâm chưa chú ý để tránh ngộ nhận và trong tương lai có muốn tránh chăng?

_________

Tham khảo:

(1) https://www.facebook.com/LeMinhNguyen22/posts/pfbid046tZ4n4UG8aro4LMVFaKZp8GaVatP9GrnM46Bys43BXNLWyTmLvwQ663TnbQVX8Sl

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vinfast-car-crash-4-deaths-04292024060743.html

(3) https://www.voatiengviet.com/a/sonnie-tran-xin-ti-nan-to-cong-an-sach-nhieu-ham-doa-do-ong-phan-tich-vinfast-vingroup/7587298.html

(4) https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/Thanh-tra-Chinh-phu-cong-bo-ket-luan-thuong-vu-MobiFone-mua-AVG-131455.html

(5) https://baotiengdan.com/2022/12/27/su-nghiep-cua-hai-pho-thu-tuong-pham-binh-minh-va-vu-duc-dam-cham-dut-phan-2/


 

Chiên Ta thì nghe tiếng Ta (Ga 10,27-30)-Cha Vương 

Hôm nay ngày 30/04, mình xin bạn một việc hy sinh nho nhỏ để cầu nguyện cho những người đã bỏ mình trên đường tìm tự do và vì thời cuộc. Xin Chúa ban cho họ được nghỉ ngơi trong vòng tay yêu thương của Chúa Chiên Lành. Thành thật đa tạ!

Cha Vương 

Th 3: 30/04/2024

TIN MỪNG: Khi đã cho chiên ra hết, anh [mục tử] ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (Ga 10:4)

SUY NIỆM: Bạn không cần đi đâu xa, ngay trong môi trường sống của bạn bây giờ đang có những tiếng ồn ào náo nhiệt làm bạn mệt mỏi nhức cả đầu. Đúng là cuộc đời vốn luôn ồn ào náo nhiệt trong mọi nơi mọi lúc nếu bạn không biết tự chọn cho mình một nơi thanh vắng để lắng nghe tiếng Chúa.

Điều đáng buồn cho con người trong thế giới hôm nay là dường như họ đang mất định hướng trong thế giới náo nhiệt. Họ rơi vào vòng xoáy của tiền tài, danh vọng nhưng rồi con người dường như không bao giờ hạnh phúc trong lợi thú khi họ vất vả tìm kiếm, và càng không có bình yên trong thế giới đầy bon chen tranh giành để sống.

Vậy làm sao con người có thể thoát ra được thế giới ồn ào náo nhiệt này? Giải pháp hữu hiệu nhất là bạn phải dành một ít thời gian để lắng lòng, để nhận biết tiếng gọi Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành. Khi bạn có Chúa là trung tâm của cuộc đời mình, bạn có thể nhìn thấy Chúa trong mọi sự.

Một khi bạn nhìn thấy Chúa trong mọi sự rồi thì những tiếng động sẽ không làm bạn nhức cả đầu nữa.  Mình mời bạn hãy tặng cho chính mình mỗi ngày một vài phút cô tịch để đọc Lời Chúa nhé. Đọc Lời Chúa để nghe và nhận ra tiếng thì thầm của Thiên Chúa đang ngỏ lời với bạn: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta”(Ga 10,27-30)

LẮNG NGHE: Nghe thế, họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2:37)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con người đang lạc lõng giữa muôn vàn âm thanh trong thế giới ôn ào,

THỰC HÀNH: Thực hiện liệu pháp “2 Không” để sống bình an và hạnh phúc

(1) Không để người khác cướp mất bình an của mình.

(2) Không để sự bình an của mình bị lệ thuộc vào cảm xúc, ồn ào, xôn xao, bàn tán, thì thầm của người khác.

From: Do Dzung

Lặng – Hiền Thục

Hỏa Tiễn ATTACMS giúp Ukraine tiến đến làm chủ tình hình ở Cremea

Tổng Hợp Báo Chí Quốc Tế Các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ Năm rằng các lực lượng Ukraine sẽ có thể sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa mới được chuyển giao để nhắm mục tiêu hiệu quả hơn vào các lực lượng Nga ở Crimea bị chiếm đóng. Sau nhiều tháng yêu cầu, Ukraine đã nhận được phiên bản tầm xa hơn của Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội, được gọi là ATACMS, có thể di chuyển đến 190 dặm.  

 

Philip Karber, một nhà phân tích quân sự chuyên về Ukraine, nói với Đài châu Âu Tự do rằng “việc cung cấp ATACMS là một bước đột phá lớn”. Ông nói rằng vũ khí “về cơ bản có thể khiến Crimea trở nên vô giá trị về mặt quân sự”.

Crimea đã được củng cố tiềm lực quân sự mạnh mẽ kể từ khi lực lượng của Tổng thống Vladimir Putin chiếm đóng, có các căn cứ bộ binh và hải quân. Đây là nơi có cảng tiên tiến Sevastopol, trụ sở của Hạm đội Biển Đen của Nga.

Crimea cũng đóng vai trò là trung tâm hậu cần và tuyến đường tiếp tế quân sự quan trọng cho quân Nga ở miền nam Ukraine, và là bệ phóng cho một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

 

Ukraine đã giáng nhiều đòn mạnh vào Crimea trước đây – làm suy yếu đáng kể Hạm đội Biển Đen của Nga, cảng Sevastopol và định kỳ nhắm mục tiêu vào cây cầu chiến lược Kerch nối bán đảo với Nga.

Chúng đã được thực hiện khác nhau bởi các loại vũ khí bao gồm máy bay không người lái trên không và hải quân, và có thể là tên lửa Storm Shadow / SCALP do Anh và Pháp cung cấp.

Nhưng ATACMS có một lợi thế quan trọng so với Storm Shadows, Radio Free Europe đưa tin, ở chỗ chúng có tốc độ di chuyển nhanh hơn nhiều khiến cho việc bắn chặn khó khăn hơn.

Báo Người Kinh Doanh Trong Cuộc:

Tháng trước, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi Quốc hội đồng ý về gói viện trợ cho Ukraine, ông đã chỉ ra ATACMS là vũ khí quan trọng để nhắm mục tiêu vào các sân bay ở Crimea.

“Khi Nga biết chúng tôi có thể phá hủy những máy bay này, họ sẽ không tấn công từ Crimea”ông Zelenskyy nói với Washington Post.

“Nó giống như tình trạng xảy ra với hạm đội biển Đen”, ông nói thêm. “Chúng tôi đã đẩy họ ra khỏi lãnh hải của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi sẽ đẩy họ ra khỏi các sân bay ở Crimea”.

Xe VinFast ở Mỹ bốc cháy làm chết 4 người, báo Việt Nam đăng rồi gỡ

Theo Đài RFACác Báo Hoa Kỳ

RFA, 2024.04.29
 
 

Một chiếc xe điện của hãng VinFast ở Mỹ đâm vào gốc cây ven đường rồi bốc cháy, cả bốn người trong một gia đình đều thiệt mạng nhưng báo đài Nhà nước im lặng trước thông tin này.

Đài NBC ở Vùng Vịnh (NBC Bay Area) hôm 28/4 cho hay, gia đình bốn người ở thành phố Pleasanton, miền bắc tiểu bang California đi trên một chiếc xe điện hướng về đường Foothill gần Stoneridge Drive vào khoảng 9 giờ tối 24/4/2024 thì gặp nạn.

Cảnh sát cho biết tài xế dường như đã mất lái và va chạm với một cây sồi lớn, sau đó chiếc xe bốc cháy.

Hiện trường vụ tai nạn ở Pleasanton. Một gia đình bốn người đã thiệt mạng. (Tháng Tư 25, 2024)© Cung cấp bởi NBC Bay Area
 

Cảnh sát xác định chiếc xe là xe điện VinFast nhưng không cho biết ngay đó là mẫu xe nào. Cảnh sát cho biết tốc độ có thể là một yếu tố gây ra vụ tai nạn này, nhưng cuộc điều tra của họ vẫn đang tiếp tục.

Các nạn nhân được xác định là Tarun George, 41 tuổi và hai con trai của ông, Rowan George, 13 tuổi và Aaron George, 9 tuổi. Việc xác định danh tính nạn nhân thứ tư, được cho là vợ và mẹ, vẫn đang chờ xác nhận chính thức.

 

Tuy nhiên, những người có mặt tại lễ tưởng niệm những người đã mất hôm Chủ nhật xác định các nạn nhân là Tarun và Rincy George, hai đứa con của họ, Rowan George, học lớp 8 tại trường trung học cơ sở Hart, và Aaron George, học sinh lớp hai tại trường tiểu học Donlon.

Xe VinFast ở Mỹ bốc cháy làm chết 4 người, báo Việt Nam đăng rồi gỡ

Chiếc xe điện VinFast VF8 ra mắt tại nhà máy ở Hải Phòng năm 2022, ảnh Reuters

Trong khi đó, tạp chí điện tử Người Đưa Tin có cơ quan chủ quản là Hội Luật gia Việt Nam hôm 27/4 đưa tin tức về vụ việc với tiêu đề “Kết quả điều tra ban đầu vụ xe ô tô chở 4 người gặp tai nạn ở Mỹ”. Ngày 29/4, phóng viên truy cập vào đường dẫn trên thì bài viết đã không còn, thay vào đó tờ báo này dẫn người đọc tới một bài viết khác về Ukraine.

Đài NBC vùng vịnh

Cảnh sát cho biết các nạn nhân – một người mẹ, người cha và hai đứa con dưới 15 tuổi – đã chết tại hiện trường. Danh tính của họ vẫn chưa được công bố chính thức vào đầu giờ chiều thứ Sáu.

Cảnh sát xác định chiếc xe là xe điện VinFast, nhưng họ không cho biết ngay mẫu xe nào.

NBC Bay Area cho biết Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia đã triệu hồi một số mẫu xe VinFast 2023 vì lỗi đồng hồ tốc độ và đèn cảnh báo.

Các tài xế cũng đã nộp đơn khiếu nại với cơ quan này về các vấn đề về tay lái và chệch làn đường với các phương tiện, nhưng không rõ mẫu xe nào.

Công ty VinFast đã từ chối yêu cầu phỏng vấn của NBC Bay Area.

 

Cư Dân Thương Tiếc các Nạn Nhân đi xe VinFast
tuong trình của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ - VOA

THÁNH GIUSE THỢ- Ts. Trần Mỹ Duyệt

Thánh Giuse, Cha Nuôi Đức Kitô.  Ngài đã sinh sống và nuôi vợ con với đôi tay và sức lao động của chính mình bằng nghề thợ mộc.  Chúa Giêsu lớn lên cũng theo nghề của dưỡng phụ ngài, và đã trở thành một anh thợ mộc: “Đây không phải là ông thợ mộc sao?  Không phải là con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?  Chị em của ông không ở đây với chúng ta sao?  Và họ xúc phạm đến Ngài” (Marcô 6:3).   

Dù chỉ là một người thợ mộc bình dân, âm thầm, và nghèo nàn, nhưng theo huyết thống, Thánh Giuse thuộc hoàng tộc David.  Ở vào thời ngài, dòng dõi David tuy không còn lừng lẫy như xưa, Thánh Giuse vẫn cho thấy ngài là người có tâm hồn cao thượng và thánh thiện.  Thánh Kinh kể lại sau khi kết hôn với Maria, do nhận ra Maria có thai, nhưng vì “là người công chính và không muốn công khai tố cáo người bạn mình” (Matthêu 1:19), nên Thánh Giuse đã định tâm lìa bỏ Maria một cách kín đáo.  Hành động của ngài đã khiến Thiên Đàng phải can thiệp.  Thiên thần Chúa đã được sai đến và cho ngài hay con trẻ đó là Con Thiên Chúa, và Con Thiên Chúa đây được hòai thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.

Sau khi được thiên thần báo mộng, Thánh Giuse đã đón nhận Maria, hoàn thành sứ mạng làm chồng và làm cha của mình một cách hết sức tận tụy, chu đáo, trách nhiệm, và thánh thiện.  Thử thách đầu tiên đến với ngài, cũng theo Thánh Kinh thuật lại, sau khi Chúa Giêsu giáng sinh tại Bethlehem thuộc Judaea, và sau cuộc đón tiếp ba vị Đạo Sỹ, một lần nữa thiên thần lại báo mộng cho ngài đem Đức Maria và Hài Nhi trốn sang Ai Cập để tránh cảnh lùng bắt Hài Nhi của vua Herod.  Và sau cùng, cũng từ Ai Cập, ngài lại được thiên sứ báo mộng đem gia đình trở về Do Thái sau khi Herod băng hà.

Không muốn trở lại Bethlehem vì sợ người kế vị Herod còn nuôi ý định lùng bắt trẻ Giêsu, Thánh Giuse đã đem gia đình tới định cư tại Nazareth (Matthêu 2:22-23) thuộc Galilee.  Ngài đã sống và làm việc âm thầm ở đây cho đến khi qua đời.  Sự xuất hiện cuối cùng của ngài được thánh sử Luca ghi lại trong biến cố gia đình ngài lạc và tìm thấy trẻ Giêsu lúc bấy giờ đã 12 tuổi trong Đền Thờ (Luca 2:41-49).  Hoàn cảnh, thời gian Thánh Giuse qua đời không được ghi lại, ngoại trừ theo suy luận, nó xảy ra vào trước thời gian Chúa Giêsu công khai sứ mạng rao giảng Tin Mừng và chịu tử hình trên Thánh Giá (Gioan 19:26-27).

Những lý do các nhà giải thích Thánh Kinh dùng để suy đoán về thời gian cái chết của ngài, đó là Thánh Giuse không được nhắc đến trong tiệc cưới Cana, thời gian khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu.  Ngài cũng không được nói đến trong cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa.  Người hạ xác và mai táng Chúa là Giuse thành Arimathea.  Ngoài ra, Chúa Giêsu cũng không trao Mẹ Ngài cho ai nhưng cho Tông Đồ Gioan, lúc đó đang đứng dưới chân thập giá: “Hỡi Gioan, này là mẹ con” (Gioan 19:27).[1]

Sống nghề thợ mộc

Thánh Giuse được diễn tả như một “tekton” (τέκτων), dịch theo Anh ngữ là người “thợ mộc,” tuy nhiên, từ ngữ này không chỉ gói gọn trong nghề thợ mộc.  Theo tiếng Hy Lạp thì nghề này còn liên quan đến những sản phẩm được làm bằng sắt hoặc đá.

Ở vào thời của Thánh Giuse, Nazareth là một ngôi làng ẩn khuất trong miền Galilee, khoảng 130 Km (81 mi) cách Thành Thánh Giêrusalem, và rất ít được nhắc đến trong những sách vở của người ngoài Kitô giáo, cũng như các tài liệu khác.  Nhân số trong ngôi làng này có vào khoảng 400 người.

Theo một số tài liệu cho rằng cuộc sống của người Nazareth lúc bấy giờ lệ thuộc nhiều vào các tỉnh lân cận, và nhiều nhà sử học tin rằng Thánh Giuse và cả Chúa Giêsu có thể hằng ngày đã phải đi về để làm việc trong ngành tái thiết. [2]

Một trong những thành phố đang phát triển lúc bấy giờ là Sepphoris tiếng Do Thái gọi là Tzipori và tiếng Ả Rập gọi là Saffuriya từ thế kỷ thứ 7.  Trung tâm vùng Galilee, cách 6 Km về phía bắc-tây bắc Nazareth. [3]  Vào thời kỳ của Chúa Giêsu, thành này được phát triển rộng lớn thu hút nhiều nhân công thợ xây.  Cũng theo truyền thống xa xưa cho rằng Đức Maria được sinh ra ở Sepphoris, và cha mẹ ngài là Gioakim và Anna. [4]

Tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng Thánh Giuse là một người thợ mộc trong làng, những công việc của ngài bao gồm chế tác, sửa chữa những đồ đạc bằng gỗ, đá, và kim loại. [5]  Năm 2019, người viết cũng đã có diễm phúc thăm Nazareth, viếng xưởng mộc của Thánh Giuse ở đây, và rất cảm động về sự nghèo nàn, đơn sơ của gia đình ngài.

Ngày nay Nazareth là một thành phố Ảrập lớn nhất ở Do Thái gồm 30 thánh đường, tu viện cũng như đền thờ Hồi Giáo và các hội trường cổ.  Thống kê năm 2021 cho biết hiện nay Nazareth có khoảng 77.925 dân cư, trong đó 69% là người Hồi Giáo, và 30,9% thuộc Kitô Giáo. [6]

Lòng sùng mộ  

Thánh Giuse được biết đến qua Thánh Kinh là “cha trần thế” của Chúa Giêsu và là chồng của Đức Trinh Nữ Maria.  Ngài là Bổn Mạng Giáo Hội Hoàn Vũ.  Cuộc đời ngài đã được ghi trong Tân Ước, đặc biệt là Phúc Âm Thánh Matthêu và Luca.

Lòng sùng mộ Thánh Giuse được xem như bắt đầu từ Ai Cập.  Theo truyền thống Tây Phương khởi đi từ trước thế kỷ thứ 14, lòng sùng mộ này được phổ biến khi một dòng tu chiêm niệm có tên là Các Tôi Tớ Đức Maria (The Servite Order) mừng lễ kính ngài vào 19 tháng Ba, ngày được cho là  ngày ngài qua đời.  Trong số những người có lòng sùng kính Thánh Giuse là Đức Giáo Hoàng Sixtus IV, người đã phổ biến lòng sùng mộ này tại Roma vào khoảng năm 1479.  Thánh Nữ Teresa D’avila, một nhà thần bí của thế kỷ 16 cũng là người rất có lòng yêu mến Thánh Giuse.

Mặc dù là Bổn Mạng của nhiều quốc gia, năm 1870, Đức Giáo Hoàng Pius IX đã đặt ngài Bổn Mạng Giáo Hội Hoàn Vũ.  Giáo Hội Việt Nam cũng nhận Thánh Giuse là Bổn Mạng.  Năm 1955, Đức Giáo Hoàng Pius XII đã thiết lập lễ kính ngài với danh hiệu Thánh Giuse Thợ vào ngày 1 tháng 5.  Đời sống lao công của Thánh Giuse đã dạy chúng ta rằng ngài làm việc một cách âm thầm cho Chúa Giêsu.  Không chỉ có Thánh Giuse, Mẹ Maria cũng là người chu toàn trách nhiệm mình với lòng yêu mến Thiên Chúa một cách thánh thiện, chăm chỉ, và siêng năng nhất.  Ý nghĩa tôn giáo của Lễ Thánh Giuse Thợ nhằm thánh hóa quan niệm do chủ nghĩa Cộng Sản khi họ chọn ngày này làm ngày Lao Động Thế Giới với một chủ đích thế tục. [7]

Kinh cầu Thánh Giuse      

Lời kinh kết thúc Tông Thư PATRIS CORDE của Đức Phanxicô kỷ niệm 150 năm Thánh Giuse được tôn vinh là Bổn Mạng Hội Thánh.

Kính chào Đấng Gìn Giữ Chúa Cứu Thế,
Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria.
Chúa Cha đã trao Con Một của Chúa cho Ngài,
Mẹ Maria đã tin tưởng vào ngài,
Chúa Kitô đã lớn lên thành người cùng với ngài.
Lạy thánh Giuse diễm phúc,
xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con
và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời.
Xin cầu cho chúng con ơn thánh, lòng thương xót và can đảm.
Và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen
. [8]

Ts. Trần Mỹ Duyệt

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.britannica.com/biography/Saint-Joseph
  2. https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Joseph
  3. https://en.wikipedia.org› wiki › Sepphoris
  4. https://www.deseret.com› sepphoris-the-ornament-of-th.
  5. https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Joseph

6.https://en.wikipedia.org › wiki › Nazareth

  1. https://www.britannica.com/biography/Saint-Joseph

8.https://www.vaticannews.va/en/prayers/prayer-to-st-joseph.htmlPope Francis, Patris Corde

From: Langthangchieutim


 

 

 Hai Facebooker bị bắt theo Điều 331 trong vòng hai ngày (RFA)

RFA

2024.04.29

Bà Bùi Thị Linh

 Công an

Bà Bùi Thị Linh (35 tuổi) bị Công an tỉnh Điện Biên bắt hôm 27/4 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Mạng báo An ninh Thủ đô loan tin ngày 28 tháng tư cho biết bà Bùi Thị Linh từ ngày 22/7/2023 đến nay đã đăng 50 bài viết, “livestream” trên danh khoản Facebook “tài xế đòi” liên quan việc cơ quan chức năng bắt giữ chồng bà này là ông Phạm Văn Dũng. Ông Dũng bị bắt trong một vụ án về chứa chấp, sử dụng chất ma túy tại quán Karaoke Q5 do Công an Điện Biên xử lý hồi đầu năm 2023.

Nội dung của những bài viết và “livestream” của bà Bùi Thị Linh bị cơ quan chức năng cho là có những lời lẽ xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhiều cán bộ, lãnh đạo Công an, Viện Kiểm Sát, Tòa án… Bà này còn bị cho chống đối lực lượng chức năng, không hợp tác nên phải cưỡng chế đưa về cơ quan Công an làm việc.

Cũng tin liên quan việc bắt giữ theo Điều 331, trong ngày 28 tháng tư, Công an thành phố Hà Nội cho biết vừa thực hiện lệnh bắt giữ đối với ông Dương Minh Cường (28 tuổi), ngụ tại quận Hai Bà Trưng.

Những hoạt động cụ thể của ông Dương Minh Cường khiến ông bị cáo buộc vi phạm Điều 331 không được Công an TP Hà Nội nêu rõ.

Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam lâu nay bị các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế cho là “mơ hồ’ mà Chính phủ Hà Nội dùng nhằm “bịt miệng’ công dân muốn bày tỏ ý kiến cá nhân của họ.


 

Chồng gốc Việt châm lửa đốt vợ, cả hai chết cháy ở Houston

Ba’o Nguoi-Viet

April 29, 2024

HOUSTON, Texas (NV) – Sáng sớm Thứ Hai, 29 Tháng Tư, một người đàn ông châm lửa đốt vợ và chính mình trong một vụ giết người tự sát, Sở Cảnh Sát Quận Harris cho hay.

Vào khoảng 1 giờ 40 sáng, chuyện xảy ra căn nhà ở dãy số 6500 đường Desert Rose Lane, gần ngã tư Antoine Drive và Fallbrook Drive, phía Bắc Quận Harris. Tiến Trịnh, 62 tuổi, sống trong căn nhà đó ngắt điện trong đêm giữa lúc một người con trai của đôi vợ chồng đang học bài thi, Cảnh Sát Trưởng Ed Gonzalez thuật lại.

Túy Bạch Hồ, người vợ 58 tuổi của ông, yêu cầu chồng mở điện lên, hai người cãi nhau. Họ tiếp tục cãi nhau sau khi hai người con trai, 28 và 21 tuổi, đã đi ngủ.

Cảnh Sát Quận Harris, Texas (Hình: Harris County Sheriff’s Office)

Bỗng tiếng gào thét của người mẹ đánh thức hai người con dậy. Khi ấy, bà đã bị chồng mình châm lửa đốt. Hai cậu con tìm cách tạt nước vào người mẹ để dập lửa nhưng bất thành.

Lửa bén nhanh, hai người con trai phải bỏ chạy thoát thân ra ngoài. Khi ra tới ngoài đường, họ nghe tiếng la thất thanh của cha. Ông đã khóa trái cửa của nhà để xe và tự thiêu bên trong.

Khi lính cứu hỏa tới nơi, tìm cách vào nhà thông qua nhà để xe nhưng không được vì nguyên cái garage đã cháy đỏ, Gonzalez cho biết.

Hai vợ chồng chết tại chỗ. Hai người con trai không bị thương.

Căn nhà chính không bị thiệt hại nhiều, trừ nhà để xe nơi mọi sự diễn tiến nhanh chóng.

Gia đình nói với cảnh sát rằng vợ chồng này thường hay cãi lộn, và bạo hành gia đình khiến cảnh sát phải can thiệp vào Tháng Mười Hai 2023 cũng như hồi Tháng Giêng. Một lần đó, cảnh sát được gọi đến vì ông Tiến Trịnh bị khủng hoảng tinh thần.

Ông Tiến Trịnh từng bị cho là có sử dụng ma túy, theo cảnh sát được biết.

Gonzalez cho biết bà Túy Bạch Hồ làm việc ở một tiệm làm móng gần nhà, còn ông Tiến Trịnh đã nghỉ hưu.

Giới chức đang tiếp tục điều tra vụ án.

“Tôi chia buồn với những người con trai trong gia đình,” Gonzalez nói. “Thật khó để mất một đấng sinh thành, mà đây là mất cả hai và còn phải chứng kiến cảnh tượng ấy nữa, quá kinh khủng.” (TTHN)

Tin đăng lúc 9:20 PT, cập nhật lúc 19:07 PT.