Về một danh xưng ‘Văn Học Miền Nam 1954-1975’-Trần Doãn Nho/Người Việt

Ba’o Nguoi-Viet

March 19, 2025

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Mới đây, tôi được đọc bài phỏng vấn của một nhà báo với nhà nghiên cứu văn học Trần Hoài Anh, “Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam Trước 1975 – Bước Hòa Hợp Mới,” đề cập đến hai văn bản, một là “Đề Án 15-ĐA/BTGTW” và hai là “Nghị Định 144/2020/NĐ-CP,” liên quan đến hai lãnh vực: văn học và “nghệ thuật biểu diễn” (âm nhạc) thời Việt Nam Cộng Hòa.

Cuộc hội thảo về “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” lần đầu tiên được tổ chức tại tòa soạn nhật báo Người Việt hôm 6 Tháng Mười Hai, 2014, và tòa soạn nhật báo Việt Báo hôm 7 Tháng Mười Hai, 2014, do nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ, báo mạng Da Màu tổ chức. Trong hình, hội thảo tại nhật báo Người Việt. (Hình: Người Việt)

Theo ông Trần Hoài Anh, qua “Đề Án 15-ĐA/BTGTW,” chính quyền Cộng Sản Việt Nam “đã có một cách nhìn mới quan trọng về văn học miền Nam trước 1975 qua việc thay đổi danh xưng.”

Trước đây, nền văn học này “bị/được gọi là bộ phận ‘văn học đô thị miền Nam’ hay ‘văn học đồi trụy, phản động,’” thì nay được chính thức được tôn vinh là “di sản văn học nghệ thuật dân tộc.” Danh xưng mới mẻ này khiến ông “vô cùng cảm kích” vì nó tránh được những “mặc cảm” và hiểu lầm không cần thiết của các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học đã từng sống, sáng tác ở miền Nam, trong đó có nhiều người hiện đang định cư ở hải ngoại.

Dựa theo đó, ông Trần Hoài Anh đề nghị kể từ nay, tất cả các công trình nghiên cứu, các giáo trình, sách giáo khoa trong nước nên dùng nhóm chữ “di sản văn học nghệ thuật miền Nam 1954-1975” thay vì “văn học đô thị miền Nam.” Một danh xưng như thế mới có thể đáp ứng với “nhân vị” của dòng văn học đó trong nền văn học nước nhà, theo ông.

Đối với “Nghị Định 144/2020/NĐ-CP” liên quan đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn (tức là âm nhạc), ông Trần Hoài Anh nhận xét đây là một quyết định đúng đắn phù hợp với nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của mọi tầng lớp nhân dân, từ giới bình dân” cho đến giới bác học.

Nhờ đó, theo ông, “âm nhạc miền Nam trước 1975 như được chắp thêm đôi cánh để tiếp tục lan tỏa vào đời sống,” điều mà người ta “có thể nhìn thấy qua các chương trình biểu diễn ca nhạc như: ‘Tình Khúc Vượt Thời Gian,’ ‘Những Khúc Vọng Xưa’ trên sóng của đài phát thanh và truyền hình trung ương và địa phương.”

Ông cho biết, các chương trình thi giọng hát Bolero của đài Truyền Hình Vĩnh Long, đài Truyền Hình Việt Nam với nhiều chủ đề khác nhau của các nhạc sĩ sáng tác trước 1975 như Lam Phương, Lê Dinh, Minh Kỳ, Thanh Sơn, Anh Bằng, Song Ngọc, Y Vân, Hoàng Trọng, Nguyễn Văn Đông, Tuấn Khanh, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng. Vũ Thành An, Hoàng Thi Thơ… đã thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là những người trẻ sinh trưởng từ sau 1975 ở các tỉnh phía Bắc. Các sáng tác của họ là nghệ thuật chân chính, và “nghệ thuật chân chính [thì] không có giới tuyến,” theo ông.

Có thể nói, những phát biểu nêu trên cũng như nhiều công trình nghiên cứu văn học khác về văn học miền Nam của ông Trần Hoài Anh vừa chính xác lại vừa có cái nhìn tích cực đối với nền văn học nghệ thuật thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã nghiên cứu văn học này bằng một cái nhìn khách quan, nếu không muốn nói là đầy thiện cảm, hoàn toàn thoát hẳn ra khỏi nhãn quan thiên kiến của những nhà nghiên cứu văn học miền Bắc trước đây.

Ông cũng không đồng ý ngay cả với một danh xưng khác nghe có vẻ như khá khách quan là “văn học đô thị miền Nam” với dụng ý thay thế cho các nhóm chữ đầy tính cách bôi bác trước đây là “văn học thực dân mới,” “văn học đồi trụy.”

Có lẽ là ông đồng ý với quan điểm của Nhật Tiến, khi nhà văn này phúc đáp nhà thơ Hoàng Hưng vào Tháng Bảy, 2014, nhân khi ông được mời tham dự tiết mục viết về văn học miền Nam trên “Văn Việt,” một tạp chí mạng do các thành viên của Văn Đoàn Độc Lập trong nước điều hành.

Nhà văn Nhật Tiến khẳng định rằng không bao giờ có cái gọi là “văn học đô thị miền Nam.” Theo ông, “Trong suốt chiều dài của hơn 20 năm lịch sử Việt Nam (1954-1975), nước Việt Nam bị chia cắt thành hai quốc gia hoàn toàn khác biệt: Ở miền Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và ở miền Nam là Việt Nam Cộng Hòa, bao gồm mọi đất đai kể cả nông thôn lẫn thành thị, trải dài từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mâu và các vùng núi non lẫn hải đảo. Trong suốt thời gian ấy, chúng tôi, các học giả, các vị trí thức, các thầy cô giáo và các văn nghệ sĩ… đã góp công tạo dựng một nền văn hóa của miền Nam trong đó có bộ phận văn học vẫn thường được gọi là ‘Văn Học Miền Nam 1954-1975.’ Không bao giờ tồn tại cái gọi là ‘văn học đô thị miền Nam’ (mà) chỉ có ‘toàn bộ ngành sáng tác văn học nghệ thuật của Việt Nam Cộng Hòa trên khắp lãnh thổ, từ nông thôn tới đô thị’ mà thôi. Vậy xin minh xác để mọi người cùng rõ.”

Tôi ghi nhận thiện chí của nhà nghiên cứu Trần Hoài Anh, nhưng theo tôi, danh xưng “di sản văn học nghệ thuật miền Nam 1954-1975” vẫn nghe có gì không ổn. Nếu bảo là di sản thì nền văn học nào trong quá khứ chẳng là di sản, kể cả cái được gọi là “văn học cách mạng” hay “văn học giải phóng.”

Thêm hai chữ “di sản” vào một nền văn học vốn đã từng bị khước từ và bôi nhọ trong một thời gian dài là không cần thiết. Vẫn còn nghe có cái gì phân biệt đối xử.

Vả lại, trong thực tế, nền văn học miền Nam chưa và không hề “chết.” Tuy bị tiêu hủy và triệt phá ở trong nước, nó vẫn được duy trì, tồn tại và thậm chí phát triển ở ngoài đất nước qua những cây bút vốn đã góp công hình thành nền văn học đó, đồng thời được nối dài bởi các thế hệ đi sau cho đến bây giờ, tạo nên nền “văn học hải ngoại” hiện nay.

Ngoài ra, không thể phủ nhận là văn học miền Nam, ở một khía cạnh nào đó, cũng ít nhiều gây ảnh hưởng vào văn học trong nước. Theo nhà thơ Hoàng Hưng, “Sự tiếp xúc với văn học miền Nam trước 1975 đã tạo bước ngoặt quyết định về khuynh hướng tư tưởng cho không ít tác giả của nền văn học ‘chính thống’ miền Bắc. Tinh thần tự do, nhân bản và cách tân của nó đã dần dần ‘tẩy rửa’ thói quen ‘tự kiểm duyệt’ và ‘phục vụ chính trị,’ giáo điều ‘hiện thực xã hội chủ nghĩa’… vốn ngấm sâu vào tâm trí của thế hệ cầm bút ‘chống Pháp chống Mỹ.’ Chắc chắn nó đã khởi hứng cho những ý tưởng thay đổi mạnh mẽ của vài nhà lãnh đạo văn nghệ cuối thập niên 1970 như Trần Độ, Nguyên Ngọc… và của nhiều cây bút thành công từ sau khi có chính sách ‘đổi mới’ cuối thập niên 1980. Hầu hết những cây bút trẻ hiện nay ở Việt Nam đang đi theo tinh thần ấy.”

Cuộc hội thảo về “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” lần đầu tiên được tổ chức tại tòa soạn nhật báo Người Việt hôm 6 Tháng Mười Hai, 2014, và tòa soạn nhật báo Việt Báo hôm 7 Tháng Mười Hai, 2014, do nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ, báo mạng Da Màu tổ chức. Trong hình, hội thảo tại nhật báo Việt Báo. (Hình: Người Việt)

Riêng tôi, đọc các bài viết về văn học miền Nam của ông Trần Hoài Anh, tôi nhận thấy cách viết và các nhận định của ông chứng tỏ ông không hề nghiên cứu nó như một “di sản,” mà ngược lại, như một cái gì đang tồn tại, đang vận động.

Chỉ đọc qua các tựa đề, ta có thể nhận ra tính cách này, chẳng hạn như: “Khuynh hướng lý luận – phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng Phật Giáo ở miền Nam trước 1975,” “Nhất Linh trong sự tiếp nhận của văn học miền Nam 1954 -1975,” “Thơ Mới và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975,” “Từ lý luận – phê bình văn học miền Nam trước 1975 nghĩ về sự đổi mới lý luận – phê bình văn học dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa,” “Quốc văn trung học đệ nhị cấp ở miền Nam trước 1975,” “Bùi Giáng trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975”…

Đi xa hơn, ông còn cho nó là một nền văn học “không vĩ tuyến:” “Rõ ràng qua những tư liệu này có thể xác quyết trong giai đoạn 1954-1975, cho dẫu đất nước bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17, nhưng trong văn học miền Nam hình như không có ‘vĩ tuyến’ đó. (…) Đây là một vấn đề cần được khẳng định trong văn học miền Nam 1954-1975 mà dường như lâu nay đã bị ‘chôn vùi’ bởi những định kiến thiển cận về văn học miền Nam ở một thời không xa khi cho rằng, đây là bộ phận văn học ‘đồi trụy’ ‘phản động’ mà không thấy được ‘Tinh hoa của văn học dân tộc’ vẫn tiềm ẩn trong bộ phần văn học này.”

Theo tôi, danh xưng duy nhất chính xác, khách quan và đơn giản nhất để chỉ nền văn học này là “Văn Học Miền Nam 1954-1975,” nhóm chữ mà chúng tôi thường dùng và chính Trần Hoài Anh cũng lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong các bài viết của ông. Không cần vinh danh, không cần nghị định, không cần đề án, văn học miền Nam là văn học dân tộc, là văn học Việt Nam.

Không thể khác! (Trần Doãn Nho) [qd]

Liên Kết Với Chúa – Ðức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

Chuyện cổ tích Ấn độ có kể lại dụ ngôn sau đây về chiếc lá khô và miếng đất sét. Một hôm, cả hai cùng đồng ý giúp đỡ nhau để đi hành hương đến thành thánh Benares. Vì biết rõ hai kẻ thù nguy hiểm nhất là Mưa và Gió, nên chiếc lá khô và miếng đất sét ký hợp đồng với nhau như sau: nếu gặp gió thổi, thì miếng đất sét sẽ ngồi trên chiếc lá khô, để lá khô khỏi bay đi. Nhưng nếu gặp trời mưa, thì chiếc lá khô sẽ che trên miếng đất sét, để đất sét đừng bị tan thành bùn. Như thế cả hai đã thành công đi hơn một nửa đường hành hương, vượt qua những lần gặp gió to hay gặp mưa lớn. Nhưng rồi một hôm, cả hai chiếc lá khô và miếng đất sét gặp phải hai nguy hiểm cùng một lúc, nghĩa là vừa gió lại vừa mưa. Hậu quả của thử thách cuối cùng này là chiếc lá khô bị gió thổi bay đi mất, và miếng đất sét bị tan thành bùn nằm tại chỗ. Cuộc hành hương của cả hai hoàn toàn bị thất bại. 

Thân phận con người trên trần gian này có thể được sánh ví như chiếc lá khô, hay miếng đất sét kia. Mỗi người chúng ta đang trên đường tiến về quê hương vĩnh viễn, về quê trời, và phải đương đầu với nhiều thử thách. Sự liên kết giữa chiếc lá khô và miếng đất sét để trợ giúp nhau vượt qua mưa, gió, có thể là biểu tượng cho tình liên đới giữa mọi người với nhau. Chúng ta cần giúp nhau tiến tới. Không nương tựa vào nhau, chúng ta khó lòng vượt qua những thử thách cuộc đời. Nhưng tình liên đới con người có những giới hạn của nó. Sự liên kết giữa chiếc lá khô và miếng đất sét, không thể nào đương đầu với mưa và gió cùng một lượt. Cần phải nhờ đến sự nâng đỡ từ một quyền lực bên ngoài, mà chiếc lá khô hay miếng đất sét không thể nào có được. Nhưng đối với con người chúng ta thì khác. Trên con đường tiến về cõi đời đời, mỗi người chúng ta, ngoài tình liên đới nhân bản, cần có sự trợ giúp của chính sức mạnh thần thiêng của Con Thiên Chúa, Ðấng đã nhập thể xuống trần làm người như chúng ta, để cứu rỗi chúng ta, để giải thóat chúng ta khỏi quyền lực thống trị của ma quỉ. Chúng ta cần đến sức mạnh của Thiên Chúa, để vượt qua được những cản trở của thần dữ. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho các đồ đệ của Ngài điều này, khi Chúa dùng hình ảnh về cây nho và những ngành nho, cần phải liên kết chặt chẽ với nhau. Nơi chương 15 của Phúc Âm theo thánh Gioan, chúng ta nghe Chúa Giêsu quả quyết long trọng như sau: “Thầy là cây nho, chúng con là ngành. Ngành nào kết hợp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái. Ngành nào lìa cây sẽ khô héo liền. Chúng con hãy ở lại trong Thầy. Vì không có Thầy. Chúng con không thể làm chi được.

 Phải, tình liên đới giữa con người là cần thiết, nhưng chỉ đủ sức chống lại những thử thách gió mưa, những thiên tai hay những tai nạn do con người tạo ra mà thôi. Ðể thành công chống lại những quyền lực của thần dữ, chúng ta cần đến Chúa, cần đến sức mạnh của Ngài.

 Lạy Chúa, xin cho chúng con được xác tín mạnh mẽ về sự thật này: chúng ta cần đến Chúa, để hành hương an toàn trên con đường trở về nhà Cha trên trời, trở về cùng Chúa trong cõi phúc thật đời đời. Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi chúng con. Amen.

 Manila, Philippines

Ðức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

 From: tuyphuongngo & NguyenNThu

 

CÔNG CHÍNH, VÂNG PHỤC – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Giuse, chồng bà, là người công chính!”; “Tỉnh giấc, Giuse làm như sứ thần Chúa dạy”.

“Hãy nhớ đến vị tộc trưởng vĩ đại bị bán sang Ai Cập! Thánh Giuse không chỉ nhận tên ông mà còn nhận sự trong trắng của ông! Giuse Cựu Ước ‘giỏi đọc’ giấc mơ; Giuse Tân Ước ‘giỏi tin’ giấc mơ. Giuse Cựu Ước ‘tích trữ ngũ cốc’ cho một dân; Giuse Tân Ước ‘trông coi Bánh Hằng Sống’ cho muôn dân. Và còn hơn thế, bảo tồn những gì Chúa hứa cho Abraham và nhà Đavít!” – Thánh Bernard.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng ngày lễ kính thánh Giuse cho thấy sự vĩ đại của ngài chủ yếu là do sự ‘công chính’ về mặt đạo đức và sự ‘vâng phục’ ý muốn của Thiên Chúa.

Thánh Giuse không được thụ thai vô nhiễm như Đức Mẹ, không thần thánh như Chúa Giêsu; nhưng Giuse là người đứng đầu của Thánh Gia, người bảo vệ và là người nuôi sống Thánh Gia. Giuse trở thành người cha hợp pháp của Đấng Cứu Thế và là chồng của Mẹ Thiên Chúa. Như vậy, trước hết và quan trọng nhất, Giuse vĩ đại vì những lựa chọn mà ngài đã thực hiện trong cuộc sống mình. Tin Mừng hôm nay gọi Giuse là người “công chính” và là người “làm như sứ thần Chúa dạy”. Vì vậy, sự vĩ đại của Giuse chủ yếu là do sự ‘công chính’ về mặt đạo đức và sự ‘vâng phục’ ý muốn của Chúa Trời.

Trước hết, sự ‘công chính’. Nhờ đâu Giuse có thể tin? Thưa, một lương tâm trong sạch! Yêu Maria, tuy nhiên, sự thật – “Maria có thai” – quá khắc nghiệt; và dẫu quan tâm Maria, Giuse vẫn cảm thấy bị phản bội! Nhưng với một lương tâm trong sạch, Giuse hy sinh ước mơ cưới Maria để sau đó, lặng lẽ “bỏ bà cách kín đáo”. Và Chúa đã nhìn thấy sự ‘công chính’ này, Ngài tiết lộ cho Giuse sự thật về sự chính trực của Maria. Một ‘thông điệp ngắn’ trong một ‘giấc mơ ngắn’ đủ để Giuse đón nhận tất cả với sự ngạc nhiên!

Tiếp đến, sự ‘vâng phục’. Hãy nhìn vào bốn giấc mơ! Giấc mơ đầu tiên, “Đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần!”. Giấc mơ thứ hai, “Hãy đứng dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập!”. Giấc mơ thứ ba, “Hãy đứng dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người về Israel!”. Và giấc mơ thứ tư, Giuse được cảnh báo nên về Galilê thay vì Giuđê.

Khi những giấc mơ này được đọc liên tiếp, rõ ràng Giuse đã tiếp nhận chúng như những thông điệp hiển nhiên từ Thiên Chúa. Giuse đã đáp lại tất cả những gì Ngài chỉ dạy bằng một sự ‘vâng phục’ và quyết tâm trọn vẹn. Những mệnh lệnh Giuse nhận được không phải là không đáng kể! Sự mềm mỏng của Giuse đòi hỏi ngài và gia đình phải đi xa, trú ngụ ở những vùng đất lạ lẫm và Giuse đã làm như vậy với tất cả lòng tin.

Anh Chị em,

Đức Gioan Phaolô II đã trao tặng thánh Giuse danh hiệu “Người bảo vệ Đấng Cứu Chuộc”, vì Giuse đã thể hiện sự cam kết không lay chuyển trước những gì Thiên Chúa trao. “Trong các Tin Mừng, Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ và can đảm; tuy nhiên, trong trái tim ngài, chúng ta thấy một sự dịu dàng vô cùng, đó không phải là nhân đức của kẻ yếu đuối mà là dấu hiệu của sức mạnh tinh thần và khả năng quan tâm vì lòng trắc ẩn, vì sự cởi mở chân thành với người khác, vì tình yêu!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy thánh Giuse, dạy con ‘công chính’ và ‘vâng phục’ như ngài, để sự hiện diện ẩn giấu của Chúa trong con được phát triển và đạt đến sự trưởng thành trọn vẹn!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

************************************

KÍNH THÁNH GIUSE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA, 

Thứ Tư Tuần II Mùa Chay

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

16 Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 24a Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

Trump độc hại: Ai vẫn muốn đến Mỹ? – Tác giả: Wolfram Weimer

Ba’o Tieng Dan

18/03/2025

NTV

Tác giả: Wolfram Weimer

Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ

18-3-2025

Tổng thống Mỹ không chỉ gây mất lòng các đối tác thương mại, đồng minh và các nước lân cận. Khách du lịch bây giờ cũng sợ hãi. Du lịch đến Hoa Kỳ đang giảm mạnh ở khắp mọi nơi. Các hãng hàng không gióng lên hồi chuông báo động, cổ phiếu xuống dốc.

Người dân Canada đang hủy hàng loạt các chuyến đi đến Florida và Disney World. Người dân châu Âu đang tránh xa New York và California. Còn người Trung Quốc đang đặt lại các chuyến bay, đổi từ Las Vegas sang Úc. Báo Washington Post dự đoán, lượng khách du lịch đến Hoa Kỳ sẽ giảm ít nhất 5% trong năm nay. Vì cả du lịch nội địa suy yếu, ngành du lịch Hoa Kỳ phải đối mặt với nguy cơ mất doanh thu lên tới 64 tỷ đô la.

Các nhà phân tích thật sự đã kỳ vọng mức tăng 9% vào mùa thu năm ngoái, nhưng sau đó Donald Trump được bầu làm tổng thống. Chính sách đối ngoại thô bạo của ông hiện đang khiến hàng chục ngàn bạn bè của nước Mỹ lo sợ. “Chúng ta đang chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng kể về số lượng du khách”, Adam Sacks, chủ tịch công ty Tourism Economics, cảnh báo.

Các bãi biển ở Florida thu hút nhiều người Canada mỗi mùa đông mệt mỏi vì giá lạnh – điều này không còn đúng nữa dưới thời Donald Trump. Nguồn: Picture alliance/ image BROKER

Số lượng du khách nước ngoài vào tháng 2 đã giảm 2,4% so với năm trước. Lượng khách đến từ Trung Mỹ, nơi mà Trump đặc biệt chỉ trích bằng những lời đả kích gay gắt đối với Panama, đã giảm 6%, trong khi lượng khách đến từ Trung Quốc (mục tiêu chính trong các cuộc tấn công của Trump) thậm chí giảm 11%.

Các công ty du lịch phàn nàn rằng, bầu không khí của du khách hiện đang “bị đầu độc hoàn toàn”. Thuế quan, hạn chế nhập cảnh chặt chẽ, chính sách di cư nghiêm ngặt, ảo tưởng siêu cường liên quan đến Greenland và Canada, cùng thái độ ngạo mạn đối với người châu Âu và châu Á, đã tạo nên tâm trạng tiêu cực, khiến nhiều khách du lịch không còn mong muốn đến thăm nước Mỹ nữa.

Tâm trạng thật tồi tệ: Ai lại muốn đi du lịch đến một đất nước đối xử tệ bạc với mọi thứ từ nước ngoài? Trong ngành du lịch, thuật ngữ “Trump độc hại” đang được lan truyền. Ở nhiều nơi, việc làm đã bị cắt giảm. Số lượng việc làm trong ngành du lịch ở Mỹ đã giảm trong hai tháng liên tiếp.

Người Canada đi nghỉ ở nhà

Đặc biệt đối với người Canada – những người thật sự là nhóm khách du lịch thân thiện, đang phát triển và xài sang của Mỹ – Trump có vẻ như là chất độc du lịch thật sự. “Bây giờ là lúc phải lựa chọn Canada. Điều này có nghĩa là quý vị có thể thay đổi kế hoạch nghỉ hè của mình để ở lại Canada và khám phá nhiều công viên quốc gia và tỉnh, di tích lịch sử và điểm đến du lịch mà đất nước tuyệt vời của chúng ta sở hữu”, cựu Thủ tướng Justin Trudeau thúc giục người dân trong bài phát biểu sau đợt áp thuế đầu tiên của Trump.

Người Canada dường như đang ghi nhớ điều này: Vào tháng 2, lượng du lịch của họ đến Mỹ thậm chí đã giảm 23%. Nhìn chung, các chuyên gia ở công ty Tourism Economics dự đoán rằng, riêng ngành kinh doanh du lịch với người Canada sẽ giảm 3,3 tỷ đô la vào năm 2025. Lượng người qua lại biên giới để mua sắm quy mô nhỏ ở Tiểu bang New York cũng đang giảm mạnh, cũng như số lượng du khách đến các công viên quốc gia gần Canada. Ở đây, việc Elon Musk sa thải khoảng 1.000 nhân viên và nhân viên kiểm lâm của Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ cũng đang gây ra rắc rối.

Các hãng hàng không Hoa Kỳ hạ thấp kỳ vọng

Các hãng hàng không lớn của Mỹ hiện đang điều chỉnh dự báo của họ cho năm hiện tại. Delta Air, Southwest Air và American Airlines đang cảm nhận được tác động của “Trump độc hại” hàng ngày, thông qua lượng đặt vé giảm.

Tổng giám đốc điều hành của Delta, Ed Bastian thậm chí còn giảm một nửa ước tính thu nhập trong quý đầu tiên, khiến cổ phiếu lao dốc. Bastian chỉ ra rằng, không chỉ du lịch, mà việc đi công tác cũng đang suy giảm. Hơn nữa, việc cắt giảm chi tiêu liên bang đang làm giảm doanh thu của các hãng hàng không – dưới thời Trump và Musk, nhân viên chính phủ không còn được phép đi công tác nhiều nữa. Bastian cho biết, tình hình kinh tế ngày càng xấu đi ở Mỹ có thể được cảm nhận trực tiếp.

Công cụ theo dõi GDP Now của Cục Dự trữ Liên bang Atlanta được nhiều người dùng tin tưởng, cho thấy nền kinh tế có thể suy giảm trong ba tháng đầu năm. Các chính sách của Trump đang tạo ra tâm lý tiêu cực trên thị trường chứng khoán nói chung. Chủ nghĩa dân tộc MAGA của Trump thực chất được cho là nhằm củng cố nền kinh tế nội địa. Nhưng cả việc tranh chấp thuế quan, trên thị trường chứng khoán và bây giờ là ngành du lịch, rõ ràng là đôi khi Trump nhận được điều ngược lại với mục tiêu mà ông ta tuyên bố và thay vào đó là trực tiếp gây tổn hại đến nền kinh tế nước mình.

Bahamas chào đón “những chú chim mùa đông” của Canada

Các nhà cung cấp dịch vụ du lịch hiện hy vọng rằng, tâm trạng tiêu cực sẽ được cải thiện vào năm 2026. Có lẽ Trump sẽ chuyển sang hướng giải quyết mang tính hòa giải hơn. Điều này rất quan trọng vì Hoa Kỳ sẽ đăng cai World Cup FIFA vào năm 2026 – sự kiện này dự kiến ​​sẽ mang lại nguồn doanh thu quan trọng cho ngành du lịch. Và vào năm 2028, Thế vận hội Olympic sẽ diễn ra tại Los Angeles. Khi đó, những ngày cai trị còn lại của Donald Trump có thể đã được đếm.

Trong khi đó, Bahamas muốn tận dụng hậu quả “Trump độc hại” và đang phát động một chiến dịch quảng cáo cho tất cả những người thất vọng với Trump. Joy Jibrilu, giám đốc điều hành của Hội đồng Xúc tiến Nassau và Đảo Paradise, cho biết, sự sụt giảm mạnh trong lượng đặt phòng ở Mỹ của du khách từ Canada, châu Âu và châu Mỹ Latin là “cơ hội” để Bahamas định vị mình là điểm đến, thay thế cho vùng có thời tiết ấm áp gần Florida. Florida là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự sụt giảm du lịch ở Hoa Kỳ.

Đặc biệt, “những chú chim mùa đông” của Canada đã vắng mặt kể từ khi Trump muốn biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. “Mọi người đang tìm kiếm những điểm đến du lịch thân thiện và đây là cơ hội cho chúng tôi”. Bahamas lôi cuốn một cách lập lờ với câu “Bahamas rộng mở ” và “Tốt hơn khi cùng nhau” – cũng có thể có nghĩa là: “Nắng ấm mặt trời không có Trump”.


 

KẾ HOẠCH GIẢI CỨU SCB TRONG 15 NĂM – BBC News Tiếng Việt

BBC News Tiếng Việt

SCB – ngân hàng chịu trách nhiệm cho vụ gian lận tài chính lớn nhất Việt Nam – đã nhận được gói cứu trợ từ Ngân hàng Nhà nước có trị giá lên tới 5% tổng sản lượng kinh tế quốc gia năm 2024.

Sun Group hy vọng sẽ trả lại khoản tiền này trong vòng 15 năm, theo các tài liệu mà hãng tin Reuters tiếp cận được và dẫn lại hôm 18/3.

Đây là lần đầu tiên lộ trình giải cứu ngân hàng SCB được tiết lộ, một vấn đề mà truyền thông Việt Nam rất kín tiếng.

Sun Group sẽ giúp SCB trả khoản vay 657 ngàn tỷ đồng và sinh lời ra sao?

#BBCTiengViet

#TruongMyLan

#SCB 

Lao vào đám cháy cứu cháu bé 2 tuổi, người phụ nữ bị bỏng 78%, gương mặt biến dạng.

Chuyện tuổi Xế Chiều  –  Công Tú Nguyễn

Cứu bé trai 2 tuổi khỏi đám cháy, người phụ nữ nhận trái ngọt sau 18 năm…

Lao vào đám cháy cứu cháu bé 2 tuổi, người phụ nữ bị bỏng 78%, gương mặt biến dạng. Sau 4 lần tìm cách từ giã cõi đời, chị tìm lại được mục đích sống và có hạnh phúc bất ngờ.

Xuyên qua ngọn lửa

Tại chương trình Gõ cửa thăm nhà tập 244, chị Lê Thị Phương Thảo (SN 1982, Cao Lãnh, Đồng Tháp) chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình trong nước mắt.

18 năm trước, khi còn ở quê tỉnh Sóc Trăng, chị Thảo có tình cảm với một ông bố đơn thân. Người này có con trai 22 tháng tuổi. Dù không máu mủ nhưng chị rất thương yêu, chăm sóc con trai của người yêu.

Một sáng tháng 7/2007, chị ghé qua đưa đồ ăn sáng cho bé trai thì phát hiện phòng trọ của hai bố con nồng nặc mùi gas. Thấy người yêu không bồng con mà đứng phía ngoài hoảng hốt, chị vội lao vào bên trong, cứu bé trai chạy ra ngoài.

Chị kể: “Khi chỉ còn cách cửa vài bước chân, ngọn lửa bùng lên. Tôi chạy ngược vào trong nhà nhưng ngọn lửa cháy lớn dữ dội.

Không còn cách nào khác, tôi ôm bé vào ngực, cúi đầu lao qua ngọn lửa, chạy ra ngoài. Ra khỏi đám cháy, tôi ôm bé nhảy xuống sông. Dù vậy, tôi vẫn bị bỏng nặng, được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Phần đùi, hai bàn tay và khuôn mặt tôi bị lửa cháy, bỏng đến biến dạng. Rất may, đứa bé được tôi ôm kỹ trong lòng nên an toàn”.

Tại bệnh viện, chị Thảo được bác sĩ cho biết bị bỏng 78%. Chị được yêu cầu chuyển lên các bệnh viện tại Cần Thơ, TPHCM điều trị. Nhưng do gia cảnh khó khăn, chị không đủ chi phí.

Sau thời gian điều trị ngắn tại bệnh viện ở TP Cần Thơ, chị Thảo trốn viện về nhà khi các vết bỏng trên khuôn mặt vẫn sưng tấy, mưng mủ, chân tay co quắp, miệng không thể mở để ăn cơm…

Tại nhà, chị nén những cơn đau thừa sống thiếu chết, tự điều trị. Sau một thời gian, những vết thương của chị lành dần.

Tuy nhiên, khuôn mặt, cơ thể của chị chằng chịt những vết sẹo to tướng. Điều này khiến chị tự ti, khiếp sợ bản thân. Nhiều lần chị tìm đến cái chết để kết thúc nỗi đau thể xác lẫn tinh thần.

Sau nhiều lần thoát chết, chị nghĩ đến đứa trẻ mình từng cứu khỏi đám cháy. Thương bé phải sống cảnh côi cút nên chị chấm dứt ý định dại dột.

“Cha bé thường đánh đập tôi nên gia đình không cho cả hai đến với nhau. Sau đó, anh ta bỏ đứa nhỏ cho tôi nuôi dưỡng. Thương bé bị cha mẹ bỏ rơi, tôi nhận bé làm con nuôi”, chị Thảo chia sẻ.

Hạnh phúc mỉm cười

Vết bỏng lành, chị Thảo mưu sinh bằng công việc bán vé số. Dù cuộc sống khó khăn, chị vẫn chắt chiu từng đồng nuôi bé trai mình cứu sống.

Xúc động trước tấm lòng của người phụ nữ, nhiều mạnh thường quân đã tìm cách hỗ trợ chị có kinh phí phẫu thuật. Sau 28 lần phẫu thuật, chị Thảo tự tin hơn và có thể đi lại, sinh hoạt bình thường.

Chị Thảo tâm sự: “Những lần vào bệnh viện phẫu thuật, tôi không có người thân chăm nuôi. Chỉ có một mình đứa con nuôi mà tôi đã cứu trong trận hỏa hoạn năm 2007 đến chăm sóc, túc trực bên cạnh. Lúc đó, bé mới hơn 6 tuổi. Bé hiếu thảo lắm”.

Suốt thời gian điều trị bệnh, dù cuộc sống khó khăn, chị Thảo vẫn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện.

Chị nhận thêm một bé gái bị bố mẹ bỏ rơi làm con nuôi. Chị tìm kiếm, kết nối, giới thiệu các trường hợp bị bỏng đến điều trị với các đoàn phẫu thuật từ thiện.

Một lần, thông qua mạng xã hội, chị và anh Võ Thái Bình (SN 1981) vô tình gặp gỡ, kết bạn với nhau. Cả hai có cùng niềm đam mê thiện nguyện nên nhắn tin, trò chuyện.

Năm 2014, khi đến bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật thứ 14, hai anh chị có lần gặp nhau đầu tiên. Qua trò chuyện, anh Bình nhận thấy chị Thảo dù chịu nhiều đau khổ nhưng đầy nghị lực, biết yêu thương, chăm sóc gia đình nên đem lòng yêu thương.

Sau nhiều lần từ chối, nhận thấy sự chân thành của anh Bình, chị Thảo mở lòng. Cả hai đến với nhau, xây dựng gia đình nhỏ và có thêm 3 người con chung.

Hiện, anh Bình chạy xe dịch vụ, chị Thảo và 2 người con nuôi làm việc tại một xưởng sản xuất khung bằng khen. Cuối ngày, chị Thảo và các con nhận thêm 300 tờ vé số đi bán dạo.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống của chị Thảo đã an yên hơn bên gia đình. Quả ngọt lớn nhất của đời chị chính là 2 người con nuôi hiếu thảo.

Cuối chương trình, chị gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các mạnh thường quân đã hỗ trợ mình trong suốt thời gian qua. Chị hứa sẽ không nghĩ đến việc hủy hoại bản thân và sống thật tốt để hỗ trợ những mảnh đời khó khăn hơn mình.

Theo: Vietnamnet


 

CÔ ĐƠN VÀ BẤT LỰC …Truyen ngan

Jesus và Maria – con muôn đời cảm tạ

Bà cụ sống tầng dưới đột nhiên đến gõ cửa, bà hỏi tôi có muốn mua căn nhà của bà không ? Căn nhà rộng 132m vuông . Tôi có chút bất ngờ nên nói với bà : Bà ơi con đã có nhà rồi không cần mua thêm đâu. Bà cụ tiếp tục nói: Con à, nếu con đồng ý mua nhà của bà, bà sẽ không lấy của con đồng xu nào, nhưng con phải đồng ý với bà một điều kiện .

Nghe đến đây tôi sửng người. Sao trên đời lại có chuyện như thế này chứ? Nhưng thái độ của bà thật nghiêm túc, trong ánh mắt còn ẩn chứa một nỗi niềm nặng trĩu khó hiểu. Tôi cố nén sự nghi ngờ trong lòng và nói: Bà cứ nói đi, nếu có thể giúp con nhất định sẽ giúp. Bà ngước nhìn tôi chậm rãi nói : Sau này mỗi lần xuống, đi ngang cửa nhà bà cứ gõ cửa một cái, nếu bà trả lời con cứ yên tâm mà đi, nếu không nghe thấy tiếng bà con hãy làm ơn gọi điện cho các con của bà, nếu chúng nó cũng không về thì hãy làm ơn đưa bà đi tiếp chặng đường cuối cùng. Căn nhà này bà sẽ để lại cho con.

Những lời của bà khiến lòng tôi chùng xuống: Đây nào phải là một yêu cầu đơn giản mà là một sự phó thác sinh mệnh.

Trong lòng tôi rối bời không biết có nên đồng ý hay không, nhưng nhìn ánh mắt đầy mong đợi và tha thiết của bà tôi đã gật đầu chấp nhận. Tôi đỡ bà vào nhà để bà ngồi xuống và rót cho bà một ly nước nóng. Đôi tay bà run rẩy, nhìn dáng vẻ của bà lòng tôi thấy xót xa.

Qua câu chuyện bà kể, tôi biết bà nay đã 86 tuổi, cả bà và ông đều từng là giáo viên về hưu. Con trai lớn lập gia đình sống ở Canada, con gái lấy chồng ở Anh . Từ khi các con ra nước ngoài bà sống nương tựa vào ông, nhưng năm ngoái ông đã qua đời, giờ trong nhà chỉ còn lại mình bà, các con đã nhiều năm không về thăm nhà,nhà cũ ở quê cũng bán từ lâu… Giờ chỉ mình bà cô đơn trong căn nhà trống vắng này, giá như mà hồi đó chúng nó đừng giỏi giang như thế thì tốt biết mấy, nếu không ra nước ngoài ít ra chúng cũng còn nhớ đến căn nhà này, mỗi năm có thể gặp vài lần…  Nghe bà nói vậy, tôi nghe lòng trĩu nặng: Bà không phải đang trách các con, mà bà đang cảm thấy bất lực với tuổi già của mình , nhà có rộng đẹp cách mấy cũng không ấm áp bằng tình thâm.

Kể từ đó… mỗi lần đi làm tôi đều ghé xuống gõ cửa nhà bà, chỉ khi nghe tiếng bà trả lời tôi mới yên tâm đi làm. Vào cuối tuần tôi tranh thủ ghé qua thăm bà, cùng bà trò chuyện, nấu ăn, giúp bà làm vài việc vặt… Mỗi lần như thế bà rất vui vẻ , có lẽ đó chính là cái cảm giác hạnh phúc và an toàn.

… Thấm thoát một năm đã trôi qua, tháng trước vào tuần cuối của tháng, tôi đi cộng tác đột xuất nên không kịp gõ cửa nhà bà … Một tuần sau khi  trở về, tôi vội vàng sang gõ cửa nhà bà , nhưng không nghe tiếng trả lời của bà . Linh tính chẳng lành, tôi báo cho ban quản lý và gọi điện cho cảnh sát.

Khi cảnh sát mở cửa , chúng tôi phát hiện bà đã nằm yên trên giường, mắt nhắm lại, bên cạnh là quyển album hình của hai ông bà thời trẻ và hình của các con khi còn bé , pháp y nói: Bà đã qua đời hai ngày trước vì bịnh tim.

Lòng tôi đau nhói… Chỉ mới trước ngày tôi đi công tác bà còn nói: Bên ngoài trời lạnh lắm, nhớ mang theo áo ấm con à ! Bà còn bảo cuối tuần qua bà có làm bánh nhân thịt, vì các con ngày còn bé rất thích … Nói xong bà quay lưng bước vào thang  máy, không ngờ đó là lần gặp cuối cùng… Bà ra đi lặng lẽ như thể thế giới này chưa bao giờ để ý đến sự tồn tại của bà.

Sau đó tôi gọi điện cho các con của bà, nhưng không ai về kịp. Trong đám tang chỉ có vài người đến tiễn đưa, dường như cả cuộc đời bà cứ cuốn trôi theo dòng thời gian không để lại dấu vết nào… nghĩ đến đây lòng tôi trĩu nặng, một người hiền từ như vậy tại sao cuối cùng lại ra đi trong cô đơn như vậy.

Sau khi lo liệu xong tang lễ, tôi đứng rất lâu trong ngôi nhà trống vắng của bà… nhớ lại những khoảng khắc trước kia… những lúc bà cô đơn và bất lực … Chợt tôi hiểu ra ý nghĩa lời nói của bà: Giá mà con cái của bà không giỏi giang đến thế thì tốt biết bao. Có lẽ bà chưa bao giờ mong con cái có những thành tịu lớn lao, chỉ hy vọng những ngày tháng tuổi già có người đến gõ cửa nhà bà, có người lắng nghe giọng nói của bà. 

Bà đã ra đi mang theo nỗi cô đơn và bất lực của mình.

Điều duy nhất mà tôi cảm thấy an ủi là ít nhất trong một năm cuối đời, có người đồng hành cùng bà, khiến bà cảm thấy một chút hơi ấm, một ít quan tâm…

St


 

Đóa hoa Trang Thảo đã mãi mãi ra đi…

 FB Võ Hồng Ly

18.03.2025

Đóa hoa Trang Thảo đã mãi mãi ra đi…

Tối ngày 16/03/2025, một người phụ nữ 41 tuổi, lái Mercedes, có nồng độ cồn đã lao vào làn dành cho xe 2 bánh ở ngã tư Thủ Đức và đâm vào 10 chiếc xe máy đang đứng chờ đèn đỏ. Cú đâm liên hoàn đã khiến 6 người bị thương trong đó có em Hoàng Thị Trang Thảo, 28 tuổi đã tử vong vào ngày hôm qua 17/03/2025 tại bệnh viện sau khi đã được các y bác sĩ tích cực cứu chữa.

Dù tuổi còn trẻ nhưng Trang Thảo là một người năng động hoạt bát, luôn có trách nhiệm với xã hội. Em là thành viên tích cực của cộng đồng “Phiên Dịch Ngôn Ngữ Ký Hiệu”, một cộng đồng gồm những bạn trẻ có lòng trắc ẩn và tình nguyện làm cầu nối để giúp xóa đi khoảng cách giữa 3 triệu người Câm Điếc & Khiếm thính với xã hội xung quanh.

Để phục vụ cộng đồng, Trang Thảo đã học Ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) từ gần 7 năm nay và đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình vào việc hỗ trợ phiên dịch cho những người Câm Điếc/Khiếm thính. Với năng lực, phẩm chất và tuổi trẻ của mình, Trang Thảo đã có thể kiếm được nhiều tiền và phát triển sự nghiệp cá nhân như bao người trẻ đồng trang lứa khác. Tuy nhiên, em lại dành hết thời gian và tâm huyết cho sứ mệnh cao cả này với cộng đồng Câm Điếc/Khiếm thính vì giúp đỡ người yếu thế luôn khiến em cảm thấy hạnh phúc hơn là kiếm được nhiều tiền.

Ở Việt Nam, số người biết sử dụng Ngôn ngữ ký hiệu rất ít do không có nhiều nơi dạy ngôn ngữ này. Vì là hoạt động thiện nguyện hoặc được trả phí rất thấp nên hầu hết các bạn phiên dịch NNKH đều phải làm nhiều việc khác nhau để mưu sinh. Tuy nhiên, không vì thế mà các bạn bỏ nghề NNKH, đơn giản vì các bạn đều hiểu rõ sứ mệnh thiêng liêng của mình khi làm cầu nối cộng đồng.

Ngoài thời gian làm phiên dịch NNKH, Trang Thảo còn tham gia vào một số dự án xã hội và là một Tình nguyện viên hỗ trợ đắc lực cho các sự kiện của Hear Us Now (HUN). Nếu như không có chiếc xe hơi phóng vội đâm vào em và lấy đi mạng sống của em thì lúc này em đang thực hiện dự án đào tạo về công nghệ và các biện pháp phòng chống lừa đảo online cho mấy chục người câm điếc tại Sài Gòn. Đau lòng thay, em đã mãi mãi ra đi ở tuổi 28, bỏ lại tất cả những hoài bão vẫn còn đang ấp ủ, bỏ lại những dự án thiện nguyện cho xã hội vẫn đang còn dang dở chỉ vì một lỗi lầm đáng trách của người khác.

HUN cùng cô chú, anh chị em thay mặt cho 3 triệu người Câm điếc/Khiếm Thính và gia đình của họ xin dành 1 phút mặc niệm để ghi ơn những gì em đã cống hiến cho cộng đồng.

Em, cô gái trẻ Trang Thảo sẽ luôn mãi sống trong tim những người yêu thương em về sự tử tế và về tình yêu theo cách em đã tận hiến cho đời.

Hãy an nghỉ nhé, đóa hoa Trang Thảo !

Thành kính phân ưu cùng gia quyến !

_____

Hình FB: Humas of hear. US. NOW.

 

GIUSE: CON NGƯỜI CỦA MÙA CHAY- ĐGM Giuse Vũ Duy Thống

ĐGM Giuse Vũ Duy Thống

 

Trong niên lịch Phụng vụ hiện hành tháng ba kính Thánh Giuse thường trùng hợp với thời gian Phụng vụ Mùa Chay, tín hữu được mời gọi để nhìn lên Thánh Giuse như một mẫu gương và đồng thời hướng đến lễ Phục sinh như một chuẩn đích đang đến gần.  Sự trùng hợp ấy lặp đi lặp lại khiến tôi có ý nghĩ: Giuse là con người của Mùa Chay.

 Gọi như thế không muốn nói ngài đã thực hành việc ăn chay nghiệm ngặt hơn mấy ông Biệt phái; gọi như thế cũng chẳng có ý xa gần ám chỉ đến kiếp chồng chay chồng hờ chả sơ múi gì như kiểu nói vui của mấy vị xồn xồn; nhưng gọi như thế chỉ muốn nêu lên những đức tính nổi bật của ngài, vừa tự nhiên, vừa dễ dàng gần gũi cho mọi người trong hướng sống Mùa Chay, nhất là trong khuôn khổ những ngày tĩnh tâm ở đây.

1. Gọi Giuse là con người của mùa Chay vì lý do thứ nhất là ngài yêu thích sự lặng thầm.

Cuộc đời của Giuse qua Phúc Âm là một cuộc đời gắn liền với gia đình thánh, một cuộc đời có nhiều sóng gió bất ngờ.  Thế nhưng, trên nền những sóng gió ấy, người ta gặp thấy một Giuse hoàn toàn lặng thầm, lặng thầm đến độ khó tin.  Trong Phúc Âm, Đức Maria vốn thích giữ kín và suy niệm trong lòng, ít ra người ta cũng nghe được nơi Mẹ bảy lời vắn gọn gợi mở suy tư, đằng này, tìm đỏ mắt cũng chẳng gặp một lời nào của Giuse hết, ngay cả một lời vâng vắn gọn, ngay đến một tiếng thở dài.  Tuyệt đối không.

Điều này được chứng thực qua những biến cố trong đời của ngài.  Sau biến cố truyền tin, thuở Giuse và Maria mới quen nhau, người ta muốn thấy một Giuse nhút nhát không nói được một câu nào.  Rồi khi đã đính hôn, Giuse bỗng thấy Maria đã đổi khác nơi vòng số hai, thì thay vì phải làm cho ra lẽ, người ta lại thấy một Giuse băn khoăn, cạy miệng cũng chẳng hé lời.  Có người bảo Giuse yếu, có kẻ nói Giuse dại.  Mặc kệ.  Ồn ào quá dễ, còn biết im lặng trong tình huống căng thẳng như thế không phải ai cũng làm được.  Im lặng vốn là quê hương của những tâm hồn lớn mạnh. “Phải can đảm mới bền gan yếu đuối, phải khôn ngoan mới dư trí dại khờ.”

Nhưng phải đến biến cố tìm lại Chúa Giêsu sau ba ngày lạc mất trong Đền thánh, người ta mới thấy lặng thầm là điều Giuse đã chọn lựa như châm ngôn cuộc đời.  Trong biến cố ấy, thay vì trong tư cách trưởng gia đình, có thể trách móc Chúa Giêsu như những người cha khác, người ta thấy Giuse lùi lại đằng sau cho Maria tiến lên, người ta thấy Giuse rút vào im lặng cho Maria cất tiếng mở lời.  Rõ ràng, đây không chỉ là một tính cách tự nhiên, mà còn là một chọn lựa thực thi đến độ thuần thục.

Thinh lặng là nét đẹp của chay tịnh.  Giuse yêu thích sự im lặng, ngài là con người của Mùa Chay.

Trong dịp hành hương tại Nagiarét quê hương của Giuse, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy ngoài đường phố, trong cửa hiệu buôn bán, thậm chí ngay ở quầy tiếp tân của khách sạn, tuyệt nhiên không có lấy một bóng người phụ nữ.  Họ ở đâu, không ai biết rõ, chỉ biết chắc rằng tất cả mọi sinh hoạt công khai ngoài mặt phố đều do đàn ông đảm trách.  Tôi thắc mắc, và hướng dẫn viên đã giải thích rằng: đây là xã hội của đàn ông, đàn bà không có quyền ăn nói, thậm chí không có quyền xuất hiện.  Trong một nếp sống như thế, lẽ ra Giuse có quyền và có bổn phận phải nói, nhưng một khi ngài đã chọn thinh lặng, ắt hẳn sự thinh lặng ấy phải có một giá trị đặc biệt.  Vâng, đó là tĩnh tâm, đó là đi vào sa mạc tâm hồn, đó là đường vào của một tình yêu.  Thảo nào cha Philippon, OP, đã có lần viết : “Ai yêu mến sự thinh lặng sẽ được Thiên Chúa dẫn tới thinh lặng của mến yêu.”

2. Gọi Giuse là con người của Mùa Chay, vì lý do thứ hai, ngài biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Cầu nguyện theo định nghĩa đầy đủ gồm nhiều động tác như thờ lạy, tạ ơn, tạ tội, dâng hiến, xin ơn.  Nhưng với Giuse, đơn giản thôi, cầu nguyện có nghĩa là lắng nghe và thực thi ý Chúa.  Sự lặng thầm của ngài không phải là một thứ ù lì chẳng có gì để nói ra, hay một thứ trống rỗng chẳng thấy chi mà ghi nhận vào.  Ngược lại, đó là điều kiện để ngài cầu nguyện.  Từ ngữ “giấc mơ” mà Phúc Âm nhắc đi nhắc lại nhiều lần, không muốn nói tới một điều gì khác ngoài hình ảnh của một tâm hồn bỏ ngỏ cho thánh ý Thiên Chúa tự do tác động.  Giống như chiếc ống sáo sẵn đợi đó cho làn hơi Thiên Chúa thổi vào làm phát ra những giai điệu ngọt ngào đầm ấm.

Trong biến cố phải đưa Chúa Giêsu và Mẹ Maria lánh nạn sang Ai Cập, rồi sau đó từ Ai Cập trở về Nagiarét, Giuse đã cho thấy một dáng hình cầu nguyện không thể quên được.  Ngài vâng nghe và thực hành lệnh Chúa mau mắn đến độ lạ lùng.  Thảo nào, con người ấy phút trước đã có thể đi vào giấc ngủ một cách ngon lành, lại còn mơ một cách vô tư, phút sau đã choàng tỉnh dậy khẩn trương lên đường.  Thế mới biết người quen lắng nghe và thực thi ý Chúa thì tâm hồn họ bình an chừng nào.  Ta gọi đó là tâm tình phó thác.  Nghe tưởng dễ, nhưng thực ra từ nghe Lời Chúa đến thực hành Lời Ngài là cả một khoảng cách không chỉ đo bằng thiện chí, mà còn bằng nỗ lực không ngừng.  Vất vả đường lưu lạc và bơ vơ nơi đất khách, đó là cái giá Giuse phải trả cho đời phó thác tin yêu.

Mùa Chay cũng là mùa cầu nguyện, là mùa bắc những nhịp cầu thiêng liêng dâng lên Thiên Chúa bằng những kinh nguyện hằng ngày, nhưng cầu nguyện không chỉ là cầu kinh, nghĩa là đọc những kinh quen thuộc soạn sẵn trong sách toàn niên như thói quen đạo đức vốn được thực hiện trong các giáo đường, mà cầu nguyện còn là lắng đọng tâm hồn nhận ra ý Chúa mà đem ra thực hiện.  Bằng một hình ảnh khá gợi ý, có tác giả tu đức bảo rằng : nhiều người chỉ quen chắp tay cầu nguyện mà không biết mở tay ra đón nhận ý Chúa.  Trong ý hướng ấy, tinh thần cầu nguyện biết lắng nghe và thực thi ý Chúa của Giuse cũng là tinh thần cầu nguyện Mùa Chay cần có cho đời tín hữu.

Có lần một bạn trẻ tân tòng hỏi tôi phải làm những gì khi cầu nguyện, bởi anh không thuộc kinh như những giáo dân đạo gốc, đạo dòng vốn đọc kinh từ khi còn bé, tôi hỏi xem anh đã làm gì khi đến nhà thờ.  Anh cho biết: mỗi lần đến nhà thờ anh chỉ biết ngồi đực ra nghe: nghe đọc, nghe giảng, nghe hát.  Thế thôi, Anh thích lắm nhưng không làm gì hơn được.  Tôi bảo anh: tốt lắm, anh đã bắt đầu cầu nguyện rồi đấy, nhưng mới được một nửa, còn một nửa nữa anh có thể tự làm lấy không cần sách vở kinh kệ gì cả, đó là hãy sống những gì anh tâm đắc khi nghe được nơi giáo đường.  Cứ nghe và thực hiện như thế, dần dần anh sẽ biết cách cầu nguyện cho mà xem.  Qủa nhiên, sau này mỗi khi gặp lại tôi, anh đều xa gần nhắc lại:  cách cầu nguyện như thế đã giúp anh sống đạo rất nhiều, nhất là nó đã giúp anh vượt qua được những nghịch cảnh không thiếu trong cuộc sống hiện tại, khi mà vẫn thấy đó đây cái cảnh dật dờ dắt díu dây dưa, đạo đời điên đảo đá đưa đôi đàng.

3. Gọi Giuse là con người của Mùa Chay, còn vì ngài đã tận tụy quên mình phục vụ.

Qua cương vị là “bạn thanh sạch của Đức Maria trọn đời đồng trinh”, có lẽ người ta chỉ cảm nhận được một sự hiện diện nhạt nhòa của Giuse cặm cụi làm được mọi việc, trừ mỗi việc làm chồng, thế mà trên vai lại chất chồng không biết bao nhiêu là trách nhiệm.  Nhưng chính ở đó đã sáng lên hình ảnh của một con người tận tụy hy sinh.  Đối với thánh nhân, làm là cách nói hay hơn cả.  Không băn khoăn, chẳng dị ứng, ngài hết mình làm việc bổn phận được trao phó và hết tình gắn bó yêu thương để trở nên trụ cột không phải của một mái nhà che nắng trú mưa cho qua ngày đoạn tháng, mà là cột trụ của một mái ấm gia đình ở đó mọi thành viên đều cảm nhận được hạnh phúc an sinh.

Qua cương vị là “cha nuôi của Đấng Cứu Thế,” có lẽ người ta cũng chỉ thấy sự có mặt của một người đàn ông lủi thủi, phải cưu mang giọt máu chẳng phải của mình.  Nhưng đó lại là ơn gọi lớn Giuse đã khẳng định được với tất cả ý thức trách nhiệm cao độ quên mình.  Tất nhiên, không có Thánh Giuse vẫn có Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu ấy sẽ khác lắm, không có một gia đình đúng nghĩa, cũng chẳng được pháp luật chở che.  Nhưng bởi vì đã có Thánh Giuse, nên Chúa Giêsu đã có nơi an toàn để mà lớn lên trước mặt Thiên Chúa và trước mắt người đời.  Chính ở điểm này, hậu thế thích xưng tụng Thánh Giuse là người tận tụy canh giữ Đấng Cứu Thế, đúng như tên gọi một Tông huấn về Thánh Giuse của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Thực ra thì Phúc Âm có gọi Thánh Giuse là người công chính, nhưng danh xưng đẹp nhất của thánh nhân chính là danh xưng đặt ngài trong tương quan với Chúa Giêsu và Đức Maria.  Thành thử, qua cương vị “bạn thanh sạch Đức Maria” và “ Cha nuôi Đấng Cứu Thế,” Thánh Giuse đã xuất hiện như một người tận tụy hy sinh quên mình phục vụ.  Với tính cách ấy, ngài chính là con người của Mùa Chay, bởi Mùa Chay cũng là mùa phục vụ.

Tuần trước, ở một giáo xứ nhỏ mới tách ra khỏi giáo xứ mẹ được vài tháng, thấy hầu hết những người trong ban đại diện đều là người trẻ độ 30, tôi ngẫu hứng nói đến tính cách trẻ của yếu tố nhân sự trong Giáo hội.  Sau đó, một người trẻ chia sẻ lại với tôi rằng: anh góp mặt trong ban hành giáo không nhắm đến một quyền lợi nào trong tôn giáo cả, mà chỉ muốn đóng góp cùng với người khác một chút gì đó gọi là phục vụ.  Bởi anh hiểu phục vụ không phải là nói mà là làm, phục vụ không phải là làm vì mình mà là làm cho người khác, rồi phục vụ không phải là làm để cho người khác biết, mà chỉ để một mình Chúa biết thôi.  Tôi lưu ý anh: coi chừng, khi nhấn mạnh đến phục vụ như thế là dấu hiệu cho biết mình vật lộn để có tinh thần phục vụ ấy.  Anh thú nhận rằng đúng, và bảo rằng đó là điều anh phải chọn lại mỗi ngày.  Tôi bỗng hiểu ra: quên mình chính là điều kiện tiên quyết cho phục vụ, và phục vụ có ý nghĩa nhất là phục vụ khởi đi từ sự quên mình.  Như Thánh Giuse đã quên mình, như Thánh Giuse đã phục vụ Đấng Cứu Thế.

Tóm lại, im lặng, nghe và thực thi Lời Chúa, đồng thời quên mình để phục vụ, đó là ba đức tính làm nên một Giuse, con người của Mùa Chay.

Trong một thành phố lớn khá ồn ào như Sài Gòn đây, có là lạc điệu không khi nói đến sự tĩnh lặng?  Trong một nhịp sống kinh tế nhốn nháo thời hội nhập có đầy đủ gió đông gió tây ùa vào, vàng thau lẫn lộn, như một mời mọc giới trẻ, có là lỗi điệu không khi đề cao việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa?  Và cuối cùng, trong một bầu khí cạnh tranh thi thố khả năng, qua đó người tài mới được tuyển dụng, còn phó thường dân nam bộ chỉ biết cặm cụi ngày hai buổi đến xưởng đến trường, có là đơn điệu không khi nhà thờ lại cứ thích kêu gọi sống tinh thần phục vụ?

Những câu hỏi ấy và những câu tương tự có thể do người khác hay do tự ta đặt ra với mình, luôn luôn là những trăn trở gợi mở suy tư và gọi mời chọn lựa.  Không có câu trả lời soạn sẵn như những người thi vào quốc tịch Mỹ, chỉ cần nhấn nút cuốn Kim Tự Điển là gặp thấy đáp án, rồi ráng học thuộc lòng là xong.  Vâng, không có giải pháp làm sẵn, nhưng bù vào đó vẫn có những mẫu gương, những kinh nghiệm, và Thánh Giuse chính là một trong số những mẫu gương gần gũi bình dị ấy.

Thật vậy, đặt ngài trong tương quan với tiếng gọi Mùa Chay, người ta sẽ thấy Giuse như một mẫu gương đời thường khiến ta sẵn sàng noi theo soi bóng, như một kẻ đồng hành dầy dạn kinh nghiệm sẵn sàng chỉ bảo cho ta phương cách hữu hiệu để sửa chữa đổi đời, và còn hơn thế nữa, như một Vị bổn mạng đầy thế lực sẵn sang chuyển cầu cho ta trong những tình huống khó khăn gay cấn nhất của sức khoẻ linh hồn.

Xin nhờ kinh nghiệm của ngài ngày xưa đã thành công trong trách vụ anh giữ Đấng Cứu Thế, ngày nay cũng nâng đỡ phù trợ mọi người trong nhiệm vụ gìn giữ Đấng Cứu Thế trong chính cuộc đời ta và cuộc đời những người lân cận, có thể không bằng cánh tay ở phía trước, nhưng rất thường là bàn tay âm thầm phía sau cho ta được nâng đỡ thôi thúc vững vàng đi lên.

Xin Thánh Giuse cầu cho chúng con biết sống Mùa Chay trọn vẹn như ngài.  Amen.

 ĐGM Giuse Vũ Duy Thống

From: Langthangchieutim

TOẢ RẠNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên!”.

Irving Stone, người dành cả cuộc đời để viết về sự vĩ đại của các thiên tài. Ông từng được hỏi, “Liệu có mẫu số chung nào cho các nhân vật này?”. Ông nói, “Tôi viết về những con người mà một lúc nào đó trong đời, họ đã có một tầm nhìn, một ước mơ phải hoàn thành. Và họ đã nỗ lực!”; “Họ bị đánh vào đầu, bị gièm pha… và trong nhiều năm, chẳng đi đến đâu! Nhưng mỗi khi bị đánh gục, họ khiêm tốn đứng lên. Không ai có thể tiêu diệt họ! Và một khi đã hoàn thành ‘một phần’ điều họ đặt ra, họ toả rạng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Có những con người đã ngã gục, nhưng khiêm tốn đứng lên; và cuối cùng, họ toả rạng!”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiết lộ bí quyết để mỗi người chúng ta có thể ‘tỏa rạng’, “Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên!”. Nó có tên “Khiêm Nhường!”.

Chẳng có gì sai khi nói, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta được tôn vinh! Ngài muốn bạn được thế giới biết đến; muốn ánh sáng tốt lành của bạn rạng ngời và tạo nên những khác biệt! Tuy nhiên, Ngài muốn nó được thực hiện trong sự thật, không bằng ‘phô diễn’, ‘nhân tạo’ hay ‘vay mượn’; nhưng ‘tỏa rạng’ cách hồn nhiên, trong sáng.

“Khiêm nhường” là trở nên chính mình. Nó cho phép vượt qua bất kỳ tính cách sai lầm nào mà mỗi người có thể có – và đơn giản – “tôi” là “tôi”. Nó không gì khác hơn là ‘trung thực về mình’; nghĩa là sẵn sàng đón nhận bản thân với những tính cách ‘tốt và không tốt’ của nó. Khi mọi người nhìn thấy những phẩm chất tốt nơi chúng ta, họ rất ấn tượng; không phải ‘quá nhiều’ theo cách thế gian. Họ không nhìn chúng ta cách ghen tỵ; đúng hơn, họ nhìn và yêu lấy những gì chúng ta có. Họ thích, ngưỡng mộ chúng và muốn bắt chước! Bạn sẽ là ‘một ai đó’ hấp dẫn, mà người khác muốn gặp và làm quen. Thế thôi!

Bài đọc Isaia có chung một chủ đề. Vị ngôn sứ kêu gọi dân hãy khiêm tốn! Ông mỉa mai gọi các nhà lãnh đạo là “làm đầu Sôđôma”, Israel là “dân Gômôra”; hai thành phố – thời Abraham – biểu tượng của tất cả những gì tội lỗi nhất, xấu xa nhất, chống lại Thiên Chúa nhất. Dẫu thế, Thiên Chúa không lên án dân, nhưng kêu gọi họ sám hối, “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta!”. Ngài hứa, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên!”. Ai hạ mình tột cùng bằng Con Thiên Chúa? Ngài huỷ mình ra không khi làm người! Sinh ngoài đồng, sống ngoài đường, chết ngoài đồi. Vì thế, Chúa Cha đã siêu tôn Ngài; để “Khi nghe danh thánh Giêsu, mọi loài trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ, phải bái quỳ!”. Ngài ước mong chúng ta – môn đệ của Ngài – tiếp tục “khiêm tốn đứng lên, sau mỗi lần ngã gục” ‘toả rạng’ cho thế giới, ‘kiến tạo một sự khác biệt’, bằng cách đi con đường Ngài đi, ‘khiêm hạ!’. “Tôi nói cho anh chị em biết, cá nhân tôi rất đau lòng khi thấy nhiều người – về mặt tâm lý – sống để theo đuổi những lời ca ngợi phù phiếm. Là môn đệ Giêsu, chúng ta không được làm như vậy; thái độ giữa chúng ta là đơn sơ và huynh đệ. Tất cả chúng ta đều là anh chị em!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tranh chấp địa vị, chức tước, huyễn danh; hầu như ngọn hải đăng không hụ còi, con lặng lẽ ‘toả rạng’ ánh huy hoàng yêu thương của Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***************************************

Thứ Ba Tuần II Mùa Chay

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy.

8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”


 

 Tại sao chiến tranh thuế quan của Trump không điên rồ như nhiều người nghĩ?

Tại sao chiến tranh thuế quan của Trump không điên rồ như nhiều người nghĩ?

Yanis Varoufakis, “Donald Trump’s economic masterplan”, UnHerd, 12/02/2025

Tạ Kiều Trang biên dịch

Để hiểu về những điều chưa sáng tỏ, ta hãy cứ nhìn từ nhiều góc.

Bauxite Vietnam

Tầm nhìn của Trump về một trật tự kinh tế quốc tế lý tưởng có thể hoàn toàn trái ngược với quan điểm của tôi, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể coi nhẹ sự vững chắc và mục đích của tầm nhìn đó – như đại đa số người có quan điểm ôn hoà vẫn làm. 

Trump đang lên kế hoạch cho một “cú sốc” đối nghịch lại “Cú sốc Nixon”. 

Trước những động thái về mặt kinh tế của Trump, những nhà phê bình với quan điểm chính trị ôn hoà vừa tuyệt vọng vừa hy vọng rằng cơn sốt thuế quan của Trump sẽ sớm hạ nhiệt. Họ cho rằng, Trump sẽ tiếp tục khoa trương cho đến khi thực tế phơi bày ra sự thiếu cơ sở trong lập luận kinh tế của ông. Nhưng một điều mà họ không nhận ra: Nỗi ám ảnh của Trump với thuế quan lại chính là một phần trong một kế hoạch kinh tế toàn cầu dù tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng lại có nền tảng vững chắc.

Những người chủ trương ôn hoà mắc kẹt trong lối tư duy cứng nhắc về cách dòng vốn, thương mại và tiền tệ vận hành trên thế giới. Giống như “thợ nấu bia tự say bia”, họ tự huyễn hoặc rằng: Chúng ta đang sống trong thế giới của các thị trường cạnh tranh, nơi tiền bạc trung lập và giá cả tự điều chỉnh để cung cầu luôn cân bằng. Thế nhưng, Trump – dù có vẻ thô thiển – thực chất lại nhìn thấu trò chơi này hơn họ rất nhiều: ông ta hiểu rằng sức mạnh kinh tế thực sự mới là thứ quyết định ai kiểm soát ai ở cả trong nước lẫn trên trường quốc tế, chứ không phải những lý thuyết về năng suất cận biên.

Cố gắng đọc hiểu tâm trí của Trump có thể giống như “nhìn xuống vực sâu bị vực sâu nhìn lại”. Nhưng dù sao chúng ta vẫn cần nắm bắt lối suy nghĩ của Trump về ba vấn đề cốt lõi: Vì sao Trump cho rằng nước Mỹ đang bị cả thế giới lợi dụng? Ông ta muốn thiết lập một trật tự quốc tế mới ra sao để nước Mỹ có thể “vĩ đại” trở lại? Và ông ta định thực hiện điều đó bằng cách nào? Có vậy chúng ta mới đưa ra được một lời phê bình thấu đáo về kế hoạch kinh tế của Trump.

Vậy tại sao Tổng thống lại cho rằng nước Mỹ đang chịu thiệt? Điều khiến ông ta bức xúc nhất là sự thống trị của đồng đô la – lẽ ra có thể mang đến quyền lực to lớn cho chính phủ và giới cầm quyền Mỹ – nhưng rốt cuộc lại bị các nước khác lợi dụng theo cách đẩy nước Mỹ vào thế suy yếu. Vì vậy, thứ mà nhiều người xem là đặc quyền vượt trội của Mỹ, Trump lại coi đó là một gánh nặng khổng lồ.

Suốt nhiều thập kỷ, Trump không ngừng than phiền về sự suy yếu của ngành sản xuất Mỹ: “Không có thép thì chẳng có quốc gia”. Nhưng tại sao ông ta lại đổ lỗi lên vai trò toàn cầu của đồng đô la? Trump trả lời rằng, vấn đề nằm ở việc các ngân hàng trung ương nước ngoài không cho phép đồng đô la giảm xuống một mức “hợp lý” – mức có thể giúp xuất khẩu Mỹ phục hồi và nhập khẩu được hạn chế lại. Không phải các ngân hàng trung ương nước ngoài cố tình hiệp lực chống Mỹ, mà đơn giản là đồng đô la là loại tài sản dự trữ an toàn nhất mà họ có thể nắm giữ. Khi người Mỹ nhập khẩu hàng hóa, đô la chảy vào châu Âu và châu Á, và việc các ngân hàng trung ương ở đó tích trữ chúng là điều tất yếu. Thay vì đổi sang đồng nội tệ, các ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Anh lại giữ nguyên đô la, khiến nhu cầu với đồng nội tệ giảm xuống và hãm lại giá trị đồng tiền của họ. Điều này giúp nhà xuất khẩu ở các nước đó tăng cường xuất khẩu sang Mỹ và thu về nhiều đô la hơn. Cứ thế theo một vòng lặp vô hạn, lượng đô la mới tiếp tục chất đống trong kho bạc của các ngân hàng trung ương nước ngoài, và để kiếm lời an toàn, họ lại đem chúng đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ.

Và đây chính là điểm nghịch lý mấu chốt. Theo Trump, Mỹ nhập khẩu quá mức vì Mỹ là một “công dân toàn cầu” mẫu mực, Mỹ cảm thấy có nghĩa vụ cung cấp đồng đô la dự trữ mà nước ngoài cần. Nói cách khác, ngành sản xuất Mỹ suy yếu vì nước Mỹ quá “hào hiệp”: người lao động và tầng lớp trung lưu chịu thiệt để phần còn lại của thế giới phát triển.

Nhưng Trump cũng hiểu rõ rằng vị thế bá chủ của đồng đô la chính là nền tảng làm nên chủ nghĩa biệt lệ kiểu Mỹ. Khi các ngân hàng trung ương nước ngoài mua trái phiếu Mỹ, chính phủ Mỹ có thể chi tiêu thâm hụt ngân sách và duy trì một quân đội khổng lồ mà bất kỳ quốc gia nào khác cũng sẽ bị phá sản nếu làm như vậy. Quan trọng hơn, với vai trò trung tâm trong hệ thống thanh toán quốc tế, đồng đô la bá quyền cho phép Tổng thống có thể sử dụng một dạng “ngoại giao pháo hạm” thời hiện đại: tự do áp đặt trừng phạt lên bất kỳ ai, bất kỳ chính phủ nào.

Trong mắt Trump, chừng đó là chưa đủ để bù đắp cho sự thua thiệt của các nhà sản xuất Mỹ, những người đang bị đối thủ nước ngoài chèn ép. Các ngân hàng trung ương nước ngoài đang lợi dụng hệ thống dự trữ đô la mà Mỹ cung cấp miễn phí để giữ đồng đô la ở mức quá cao. Với Trump, nước Mỹ đang tự làm suy yếu mình để đổi lấy vị thế địa chính trị và cơ hội tích luỹ lợi nhuận từ nước khác. Khối tài sản đến từ nhập khẩu này có lợi cho giới tài chính Phố Wall và bất động sản, nhưng lại gây tổn hại cho chính những cử tri đã bầu Trump hai lần: những người Mỹ ở vùng trung tâm, họ là những người sản xuất các mặt hàng “đầy nam tính” như thép và ô tô – những thứ thiết yếu để duy trì một quốc gia.

Nhưng đó chưa phải là điều khiến Trump lo lắng nhất. Cơn ác mộng xảy đến với Trump là khi sự thống trị của đồng đô la không tồn tại lâu được. Quay lại năm 1988, khi xuất hiện trên các chương trình của Larry King và Oprah Winfrey để quảng bá cuốn Nghệ thuật Đàm phán (Art of the Deal), Trump đã than thở: “Chúng ta là một quốc gia mắc nợ. Trong vài năm tới sẽ có chuyện, chẳng ai cứ mất 200 tỷ đô mỗi năm mà không gặp vấn đề”. Kể từ đó, Trump ngày càng tin rằng một thời điểm khủng hoảng đang đến gần: khi sản lượng của Mỹ sụt giảm tương đối, nhu cầu toàn cầu đối với đồng đô la sẽ tăng nhanh hơn tăng trưởng thu nhập của Mỹ. Khi đó, đồng đô la buộc phải tăng giá nhanh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu dự trữ toàn cầu. Nhưng tình trạng này không thể kéo dài mãi.

Bởi vì khi thâm hụt ngân sách của Mỹ vượt qua một giới hạn nào đó, nước ngoài sẽ rơi vào hoảng loạn. Họ sẽ bán các tài sản định giá bằng đồng đô la và tìm kiếm một loại tiền tệ khác để tích trữ. Người Mỹ sẽ bị bỏ lại trong tình trạng hỗn loạn toàn cầu, với nền sản xuất kiệt quệ, thị trường tài chính sụp đổ và chính phủ vỡ nợ. Kịch bản ác mộng này khiến Trump tin rằng ông có một sứ mệnh là cứu lấy nước Mỹ: Trump có trách nhiệm dẫn dắt một trật tự quốc tế mới. Và đó là phần cốt lõi trong kế hoạch của Trump: vào năm 2025, thực hiện một “cú sốc” đối nghịch với “cú sốc Nixon” – một cú sốc chấn động toàn cầu để chấm dứt những gì người tiền nhiệm ông đã làm là kết thúc hệ thống Bretton Woods được hình thành năm 1971. Bretton Woods là hệ thống đã mở ra kỷ nguyên tài chính hóa.

Trọng tâm của trật tự toàn cầu mới này sẽ là một đồng đô la rẻ hơn nhưng vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới – điều này sẽ làm giảm lãi suất vay dài hạn của Hoa Kỳ nhiều hơn nữa. Trump có thể vừa có chiếc bánh của mình (một đồng đô la bá quyền và trái Yanis Varoufakis là nhà kinh tế học và là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy, cuốn sách gần đây nhất của ông là Một Hiện Tại Khác: Thông điệp từ một Thực tại Song song (Another Now: Dispatches from an Alternative Present). 

Nguồn bản dịch: Nghiencuuquocte.org  phiếu kho bạc Hoa Kỳ có lợi suất thấp) vừa ăn nó (một đồng đô la mất giá) không? Ông ấy biết rằng thị trường sẽ không bao giờ tự mình cung cấp điều này. Chỉ có các ngân hàng trung ương nước ngoài mới có thể làm điều này cho ông ta. Nhưng để họ đồng ý làm điều này,  trước tiên họ cần phải bị gây sốc và buộc phải hành động. Và đó là lúc thuế quan của Trump phát huy tác dụng.

Đây là điều mà những người phê bình Trump không hiểu. Họ lầm tưởng Trump tin rằng các mức thuế quan sẽ giúp thâm hụt thương mại của Mỹ tự động giảm. Trump biết rõ điều đó sẽ không xảy ra. Mục đích thực sự của các mức thuế quan này là gây sức ép buộc các ngân hàng trung ương nước ngoài phải giảm lãi suất trong nước. Kết quả là đồng euro, đồng yên và nhân dân tệ sẽ yếu đi so với đồng đô la. Điều này sẽ làm cho giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ không bị tăng lên, và mức giá mà người tiêu dùng Mỹ phải trả sẽ không thay đổi. Các quốc gia bị đánh thuế trên thực tế mới là người sẽ phải trả thuế của Trump.

Nhưng thuế quan chỉ là giai đoạn đầu trong kế hoạch tổng thể của Trump. Với mức thuế quan cao trở thành mặc định mới và dòng tiền nước ngoài đổ vào Kho bạc Hoa Kỳ, Trump có thể chờ đợi trong khi bạn bè và đối thủ ở Châu Âu và Châu Á tranh giành nhau để được đàm phán. Đó là lúc giai đoạn thứ hai của kế hoạch Trump sẽ bắt đầu: cuộc đàm phán trọng đại.

Khác với những người tiền nhiệm Carter hay Biden, Trump không thích tham gia vào các cuộc họp đa phương hay đàm phán đông người. Ông thích đàm phán trực tiếp, một đối một. Thế giới lý tưởng của Trump là mô hình bánh xe, với các nan xe như các quốc gia, trong đó không một nan xe nào có ảnh hưởng quá lớn đến sự vận hành của cả bánh xe. Với quan điểm này, Trump tự tin rằng mình có thể xử lý từng quốc gia theo một cách tuần tự. Với thuế quan ở một bên, bên kia là đe dọa rút lại lá chắn an ninh của Mỹ (hoặc dùng chính nó chống lại các nước), ông tin rằng ông có thể khiến hầu hết các nước phải chấp thuận.

Chấp thuận điều gì? Chấp thuận việc để đồng tiền của họ lên giá đáng kể mà không cần phải bán hết các khoản dự trữ đô la dài hạn. Trump không chỉ mong mỗi quốc gia sẽ giảm lãi suất trong nước, mà ông còn yêu cầu những điều khác nhau tuỳ từng đối tác. Với các nước châu Á hiện đang tích trữ nhiều đô la nhất, Trump yêu cầu họ bán một phần tài sản đô la ngắn hạn để đổi lấy đồng tiền của nước đó (và do đó đồng tiền này sẽ tăng giá). Đối với khu vực đồng Euro, nơi lượng đô la ít hơn và đang gặp phải các chia rẽ nội bộ khiến quyền lực đàm phán của Trump tăng thêm, Trump có thể yêu cầu ba điều: họ đồng ý hoán đổi trái phiếu dài hạn của nước đó thành trái phiếu siêu dài hạn hoặc thậm chí trái phiếu vĩnh viễn; họ tạo điều kiện cho các ngành sản xuất của Đức chuyển sang Mỹ; và đương nhiên, họ phải mua nhiều vũ khí sản xuất tại Mỹ hơn.

Bạn có hình dung được cái nhếch mép của Trump khi nghĩ về giai đoạn thứ hai của kế hoạch trọng đại của mình không? Khi một chính phủ nước ngoài đồng ý với yêu cầu của Trump, ông ta lại ghi thêm một chiến thắng. Còn khi một chính phủ không chịu nhượng bộ, thuế quan vẫn sẽ được giữ nguyên, mang lại cho Kho bạc Hoa Kỳ một dòng tiền ổn định mà Trump có thể sử dụng theo cách mà ông ta cho là phù hợp (vì Quốc hội chỉ kiểm soát doanh thu thuế). Khi giai đoạn thứ hai hoàn tất, thế giới sẽ được chia thành hai phe: phe được Mỹ bảo vệ an ninh với cái giá là đồng tiền tăng giá, mất đi các nhà máy sản xuất, và phải mua thêm hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, bao gồm cả vũ khí. Phe còn lại sẽ có vị trí chiến lược gần với Trung Quốc và Nga hơn, nhưng vẫn duy trì quan hệ với Mỹ thông qua việc giao thương dù ít hơn, dù vậy điều này vẫn mang lại một nguồn thu ổn định từ thuế quan cho Mỹ.

Tầm nhìn của Trump về một trật tự kinh tế quốc tế lý tưởng có thể hoàn toàn trái ngược với quan điểm của tôi, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể coi nhẹ sự vững chắc và mục đích của tầm nhìn đó – như đại đa số người có quan điểm ôn hoà vẫn làm. Giống như mọi kế hoạch được vạch ra kỹ lưỡng khác cũng có thể thất bại, kế hoạch này tất nhiên cũng vậy. Đồng đô la giảm giá nhưng có thể sẽ không đủ để bù đắp tác động của thuế quan đối với giá cả mà người tiêu dùng Mỹ phải trả. Hoặc việc bán đô la có thể quá nhiều, khiến cho lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ không giữ được ở mức đủ thấp. Tuy nhiên, ngoài những rủi ro có thể kiểm soát này, kế hoạch lớn của Trump còn bị thử thách trên hai mặt trận chính trị.

Mối đe dọa chính trị đầu tiên đối với kế hoạch lớn của Trump là mặt trận trong nước. Nếu thâm hụt thương mại bắt đầu giảm như kế hoạch, dòng tiền tư nhân từ nước ngoài sẽ không còn chảy vào Phố Wall nữa. Đột nhiên Trump sẽ phải chọn: hoặc phản bội nhóm người tài chính và bất động sản phẫn nộ đã ủng hộ mình, hoặc phản bội tầng lớp công nhân đã bầu cho ông. Trong khi đó, một mặt trận thứ hai sẽ xuất hiện. Khi coi tất cả các quốc gia như những chi tiết trong chiếc bánh xe của mình, Trump có thể sẽ sớm nhận ra rằng ông đã tạo ra bất đồng ở cấp độ quốc tế. Bắc Kinh có thể bỏ qua mọi thận trọng và biến nhóm BRICS thành một hệ thống Bretton Woods mới, trong đó nhân dân tệ đóng vai trò chủ chốt như đồng đô la trong hệ thống Bretton Woods gốc. Có lẽ đây sẽ là di sản gây kinh ngạc nhất, và cũng sẽ là cái giá thích đáng cho đại kế hoạch lẽ ra là ấn tượng của Trump.

Y.V.

Yanis Varoufakis là nhà kinh tế học và là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy, cuốn sách gần đây nhất của ông là Một Hiện Tại Khác: Thông điệp từ một Thực tại Song song (Another Now: Dispatches from an Alternative Present). 

Nguồn bản dịch: Nghiencuuquocte.org