Lòng nhân ái, khoan dung ‘chó đẻ’!

Lòng nhân ái, khoan dung ‘chó đẻ’!

HUY PHƯƠNG

Lòng nhân ái, khoan dung ‘chó đẻ’!

HUY PHƯƠNG

Biết nhau qua một thời gian khá dài, trong và ngoài nước, chắc bạn đọc và bằng hữu của chúng tôi công nhận là tôi có thói quen dùng loại văn chương tử tế, chưa bao giờ phải nổi giận, dùng loại văn chương chì chiết, dung tục và thô bạo để diễn tả ý nghĩ của mình.

Nhưng hôm nay, xin tất cả bỏ qua, vì trong trường hợp này, Phật trên tòa sen cũng phải nổi giận, Chúa cũng phải cau mày vì một câu nói hỗn xược, ngang ngược của một viên tướng CSVN tên là Nguyễn Chí Vịnh. Câu nói đó lại được thốt ra trong ngày 30 Tháng Tư năm nay là: “Bảo là không có kẻ thắng người thua là không đúng. Thắng rồi nhưng tôi không có trả thù. Thắng rồi tôi khoan dung. Thắng rồi tôi tạo điều kiện cho anh quay trở lại cuộc sống bình thường. Đó là tấm lòng nhân ái của đảng và nhà nước mình.”

Câu nói này na ná phát biểu của tên tướng “đồ tể” Lê Đức Anh mấy chục năm về trước: “Lòng nhân ái làm nên ngày 30 Tháng Tư, 1975!”

Cả triệu triệu người Việt Nam còn ở trong nước hay đã ra hải ngoại, có mắt thấy tai nghe, đã biết những kinh nghiệm xương máu, thực tế phũ phàng, đã trải qua những ngày dở chết dở sống từ khi quân Bắc Việt tiến chiếm Sài Gòn, như là một đại họa cho dân tộc, như cơn đại hồng thủy nhấn chìm số phận bi thảm của con người, đã cho chúng ta thấy cái đại ác mang mặt nạ “nhân ái, khoan dung,” mà bọn xâm lược Hà Nội dành cho những người thua trận, được Nguyễn Chí Vịnh và Lê Đức Anh ca tụng, chính là thứ nhân ái, khoan dung “chó đẻ,” không hơn không kém.

Nguyễn Chí Vịnh là con trai của Nguyễn Chí Thanh, năm 1975 còn là học sinh trường cấp 3 Lý Thường Kiệt.

Trước hết câu nói của Nguyễn Chí Vịnh là hỗn xược, đã tạt gáo nước lạnh vào mặt những giới chức đi trước, cao cấp, tiền bối của y, là không nhập nhằng gì cả, phải có kẻ thắng người thua.

Trước đó, tướng của Vịnh là Trần Văn Trà đã từng phát biểu: “Đối với chúng ta không có kẻ Thua người Thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta Thắng Mỹ.”

Võ Văn Kiệt cũng đã từng nói: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu…”

Từ đó đến nay, CSVN luôn luôn hô hào hòa hợp, hoà giải, kêu gọi người Việt hải ngoại xóa bỏ hận thù, quên quá khứ, để cùng nhau bắt tay xây đựng đất nước. Bộ Ngoại Giao CSVN đã lập ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Hà Nội đã thường xuyên tổ chức Hội Nghị người Việt ở nước ngoài, Sài Gòn tổ chức đoàn văn nghệ phục vụ kiều bào nhân dịp Tết, vinh danh những người bỏ nước ra đi vì chế độ là … “khúc ruột ngàn dặm…,” “máu thịt của tổ quốc,” tất cả đều vì đồng đô la, nghe là lợm giọng! Chúng ca tụng “Những nghĩa cử cao đẹp, trân quý của kiều bào ta thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” – vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam!” Gần đây, ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã động viên và khen ngợi việc ủng hộ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của đồng bào nước ngoài. Mặt khác, còn tư duy hận thù, đắc thắng, Nguyễn Xuân Phúc lại kêu gọi “chống dịch phải tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam.”

Trước hết câu nói ngụy biện để bệnh vực cho chế độ của tướng Phát-Xít quân phiệt, Nguyễn Chí Vịnh là “không có trả thù!” Bắn giết, chôn sống, dội nước sôi xuống đầu (*) ngay cả những người đầu hàng, san bằng nghĩa trang của phe thua trận, giam cầm gần một triệu người đối đầu và khác chính kiến vào trại tập trung! Điều này không phải là trả thù và được gọi là khoan dung sao?

Kỳ thị kẻ mới người cũ, phân biệt “gia đình có công với Cách Mạng” với “tàn dư Mỹ Ngụy,” “có nợ máu,” hạn chế con em miền Nam không có cơ hội học hành. Điều này không phải là trả thù và được gọi là khoan dung sao?

Nói đến Cộng Sản Việt Nam là nói đến cái ác. Biểu tượng của lòng nhân ái, khoan dung chính là một cây búa hiện nay đang được trưng bày tại ở bảo tàng quân đội Việt Nam, Hà Nội, được chú thích như sau: “BÚA. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, huyện đội phó huyện Mỏ Cày (Bến Tre) đã dùng để bổ chết 10 tên ác ôn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.”

Một cây búa lừng danh “nhân ái” khác là cây búa “khảo cổ” mà đàn em Lê Duẫn đã dùng để đập đầu Giáo Sư Nghiêm Thẩm, giám đốc Bảo Tàng Viện Sài Gòn, chỉ vì vị giáo sư anh hùng này không chịu hoàn thành đơn đặt hàng của bí thư Lê Duẩn, chứng minh “dân Việt Nam là thủy tổ các dân tộc Đông-Nam Á-Châu!”

Ngay đối với những người dân thường không có “nợ máu,” Bắc Việt với chính sách trả thù nhắm vào nhân dân miền Nam vì “chúng” quá tự do, quá giàu sang, quá sung sướng bằng chính sách tịch thu nhà cửa, cướp cạn tài sản của người giàu, hai lần ăn cướp công khai bằng thủ đoạn đổi tiền, đày ải dân lành đi vùng kinh tế mới. CSVN dùng chính sách hộ khẩu, phân bố lương thực, dân không kiếm ra công ăn việc làm, xô đẩy người miền Nam vào bước đường cùng, phải rời nước ra đi, bỏ thây trên biển cả. Điều này Nguyễn Chí Vịnh chắc không đến nỗi ngu đần mà không nhận ra, nhưng chẳng qua vì tham vọng mà bỏ lương tri, nói cương để được lòng chế độ.

Bây giờ là lúc Nguyễn Chí Vịnh nói huỵch toẹt ra, là không hòa hợp, hòa giải gì cả, là tao thắng là mày thua.

– “Thắng rồi, tôi tạo điều kiện cho anh quay trở lại cuộc sống bình thường.”

Nguyễn Chí Vịnh nếu có đủ trí khôn của thời niên thiếu, hay có đông đủ họ hàng, bạn bè nói lại cho nghe thì cũng biết rằng miền Nam thua trận có hằng trăm ngàn chuyên viên đủ mọi ngành nghề cấp cao, nhiều cán sự lành nghề… nhưng tất cả đều chỉ có một con đường đi cuốc đất, đạp xích lô, bán thuốc lá lẻ, xăng lẻ, vá xe vệ đường hay bôn ba chốn chợ Trời… Nếu không, cũng tìm đường ra đi, để công sở, trường học, nhà máy, công trường… lại cho bọn lợn lòi từ hang động trở về. Chính sách “hồng hơn chuyên” cố chấp, đầu đặc đã là tiêu hao bao nhiêu tài nguyên của đất nước, khi chúng quan niệm “chất xám” trí tuệ không giá trị bằng một nắm phân nơi “vùng kinh tế mới!” Đó là “tạo điều kiện cho anh quay trở lại cuộc sống bình thường” đó ư?

Đúng là “không có kẻ thắng người thua là không đúng,” nhưng bất hạnh cho miền Nam thất trận, không may mắn thất trận vào tay một kẻ hào hiệp để có được một Hiệp Ước Của Người Quân Tử – The Gentlemen’s Agreement- mà mất nước vào tay thảo khấu, lục lâm, mới ra cớ sự “dãi thây trăm họ,” oán hận ngút trời, như sau cuộc chiến tương tàn Việt Nam…

Hôm nay đến ngày 30 Tháng Tư lần thứ 45, người dân miền Nam ai cũng mang một vết thương chưa lành. Bao nhiêu năm qua, chúng ta đã quá hiểu nhau tính cách của nhau. Đây không phải là lúc dùng những luận điệu tuyên truyền trẻ con và xảo trá ấy nữa! 45 năm trôi qua, thời buổi này mà kẻ côn đồ, dao búa còn nói chuyện trịch thượng tha thứ hay cho rằng mình là kẻ khoan dung, nhân ái, thì đây đúng là thứ khoan dung, nhân ái loại “bà Tú Để,” loại “chó đẻ” mà chẳng ai muốn nghe.

Một lần nữa, xin bạn đọc tha thứ nếu chúng tôi đã làm bẩn mắt quý vị, nhưng với loại người ấy, chúng ta không thể dùng một loại từ ngữ nào đúng hơn! Hồn ông Bùi Bảo Trúc có linh thiêng xin về chứng giám!

 
*** 

HÌNH:Các Thương Phế Binh VNCH, những người bị phân biệt đối xử sau 30 Tháng Tư, 1975, đang chờ đợi nhận quà từ thiện tại Chùa Liên Trì, thành phố Sài Gòn ngày 9 Tháng Tư, 2015. Hơn 40 năm sau cuộc chiến Việt Nam, CSVN vẫn cai trị đất nước bằng bàn tay sắt. Nhưng với chủ nghĩa tư bản hoang dã, tham nhũng và bất bình đẳng xã hội, lời tuyên bố “chiến thắng” chỉ là sự trống rỗng. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images).

Image may contain: 1 person, sitting and indoor

Sinh ra để chia rẽ!

Sinh ra để chia rẽ!

Tết Canh Tý 2020, lần đầu tiên ở Little Saigon có hai diễn hành Tết. Trong hình là diễn hành Tết trong ngày Mùng Một do Little Saigon Westminster Tết Parade tổ chức. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Huy Phương

Tôi xin mượn thành ngữ “Born to…” để nói về chuyện người ta sinh ra đã có tài năng thiên bẩm ở một điều gì đó, và sinh ra chỉ để làm điều đó như “Born to Kill,” “Born to Rap,” “Born To Die…” thì người Việt vốn sinh ra để… chia rẽ (Born to Divide) cũng không lấy gì làm lạ.

Khi lần giở lại trang sử 4,000 năm văn hiến, chưa có một dân tộc nào có cái quá khứ phân ly chia rẽ “hào hùng” như dân tộc Việt. Dù là truyền thuyết đi nữa, thì cũng có cái căn nguyên “Born to Divide…” của nó!

Khởi đầu như thế, định mệnh dân tộc làm sao tránh khỏi cảnh phân ly. Đây chỉ là một sự chia rẽ trong thời kỳ phôi thai, lịch sử dân tộc về sau vì quyền lợi lãnh thổ, sự tranh giành quyền lực, ngai vàng, cho nên kẻ phù Vua, người theo Chúa, gây ra cảnh nồi da xáo thịt, không phải kẻ dưới châu thổ, người ở thượng du, mà phân tranh theo phương hướng Nam Bắc trong suốt những thời gian dài.

Trong lịch sử, sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình là ranh giới phân chia Đàng Trong với Đàng Ngoài, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 200 năm (1570-1786).

Thời chiến tranh Quốc – Cộng, Hiệp Định Geneve năm 1954, đã lấy sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị, nằm ở vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia đôi giữa miền Nam Việt Nam và miền Bắc Việt Nam.

Trở lại thời Pháp thuộc, Việt Nam chia ra thành ba Kỳ. Nam Kỳ là thuộc địa do người Pháp trực tiếp cai trị với một hệ thống luật pháp khác hệ thống được áp dụng tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Tại Nam Kỳ không tồn tại bộ máy hành chính của Triều Đình Huế như ở Bắc và Trung Kỳ. Giao thông đang còn khó khăn, sự đi lại, cảm thông, hiểu biết ngay giữa người Việt với nhau còn hạn chế. Chế độ chia để trị đã để trong đầu óc người dân Việt những thành kiến khó gột rửa.

Bản thân tôi cũng không thể tưởng tượng nỗi, đến năm 1956 khi bản Hiến Pháp Đệ Nhất Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam đã được thành hình, mà khi vào đến Sài Gòn, tôi đã được bà bác dâu người Nam, giới thiệu với bạn bè “đây là thằng cháu của ổng, mới ở nước Huế vô đây, đi học!” Thì ra, Sài Gòn là một nước khác.

Di tích cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 chia hai miền Nam – Bắc trong chiến tranh Việt Nam. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Phải chăng vì “Sài Gòn là một nước khác,” mà cuộc di cư vĩ đại của người Bắc sau Hiệp Định Geneve, với hơn một triệu người, không phải ở đâu cũng được đón tiếp bằng đôi mắt thân thiện. Trong thời gian trường Petrus Ký chia sẻ trường ốc và ban giảng huấn cho Chu Văn An, người học sáng, kẻ học chiều, thỉnh thoảng vẫn xẩy ra những vụ đánh lộn giữ học sinh hai trường.

Một trong những chiến lược để đánh thắng kẻ thù là làm cho kẻ thù suy yếu, bằng cách gây chia rẽ trong lòng địch. Miền Nam từ vụ đảo chánh ngày 1 Tháng Mười Một năm 1963, cuộc thảm sát Thanh Bồ – Đức Lợi, Đà Nẵng năm 1964, rồi vụ bàn thờ xuống đường năm 1966 đã chia rẽ trầm trọng miền Nam trong bao nhiêu năm. Trong khi đó ở phía Bắc, phe thân Trung Cộng và phe thân Liên Xô cũng tranh giành, thanh trừng, xâu xé nhau.

Bắc Việt thường hô hào đoàn kết dân tộc, nhưng sau Tháng Tư, 1975, hận thù, chia rẽ càng ngày càng trầm trọng, dân chúng thì có “gia đình cách mạng” rồi “kẻ nợ máu với nhân dân,” quân thì có quân “cách mạng,” và “ngụy quân-ngụy quyền.” Đồng bào ruột thịt thì xếp hạng, kỳ thị, truy sát tận cùng tới ba đời cha, ông trong tất cả các sinh hoạt xã hội, công ăn việc làm làm, thi cử, học hành.

Những người Cộng Sản thường lên án thực dân Pháp ngày trước đã chia rẽ Bắc Nam, nhưng chính Nguyễn Phú Trọng cũng đã cho dân Bắc là “thành phần thượng đẳng” khi phát ngôn: “Tổng bí thư phải là người miền Bắc, phải là người có lý luận! ” Và Nguyễn Thiện Nhân năm 2018, cũng đã thuyết phục người dân mất đất tại Thủ Thiêm: “Tôi nói tiếng Bắc nhưng tôi là người Nam. Tôi không gạt bà con đâu!” Như vậy là nghĩa làm sao? Đó là những người Cộng Sản không cần che giấu sự kỳ thị địa phương kinh khủng như vậy!

Bây giờ thật sự trong hay ngoài nước đều có sự chia rẽ, phân biệt giữa một người “Bắc-54” và một người “Bắc-75,” không chỉ giọng nói thay đổi, khó nghe mà còn cách cư xử, nói chuyện, cách đi đứng, thẩm mỹ bao gồm trong chuyện trang điểm, ăn mặc, kể cả chuyện ăn uống dù trong các nhà hàng sang trọng hay trên những bàn nhậu ngoài vỉa hè…

Tất cả chuyện chia rẽ trên đây, tôi đều chấp nhận là chuyện bình thường, nhưng khi nói đến hoàn cảnh những người tị nạn, trước một kẻ thù chung là Cộng Sản, đã trăm nghìn gian khổ, hiểm nguy, liều chết đến đây mà còn chia năm xẻ bảy, đấm đá nhau thì thật không hiểu nỗi!

Bạn đọc thử nhìn đi. Ở đâu trong cái cộng đồng tị nạn này mà không thấy chia rẽ? Ai thành công mà không chịu sự chửi rủa, mạ lỵ? Chắc các bạn chưa quên chuyện ngụ ngôn “Giỏ Cua Cộng Đồng” cách đây khá lâu, không có nắp đậy, mà không sợ cua bò ra ngoài, vì trong giỏ cua này, con nào mới bò lên miệng giỏ, đã có những con cua khác kẹp càng kéo xuống! Nghe mà rớt nước mắt.

Đoàn thể, hội ái hữu, đồng hương, tổ chức cộng đồng tị nạn Việt Nam trên khắp nước Mỹ đều chia hai, chưa nói đến chuyện chia ba, chia bảy. Cứ nhìn hai nơi Nam và Bắc California là hai thủ phủ chống Cộng nhất của hải ngoại, thì đủ hiểu chuyện chia rẽ tệ hại tới mức nào!

Vui chia đã đành, tang tóc cũng chia.

Cách đây nhiều năm, nhân ngày 30 Tháng Tư, người ta đã có đến những hai, ba lễ tưởng niệm, giành giật nhau từ thời gian đến địa điểm tổ chức, ai cũng cho mình là chính thống, đầy đủ chính nghĩa.

Bây giờ vui, thì cũng “trăm hoa đua nở,” gọi là Xuân Đoàn Kết, nhưng có khi tới ba hội chợ, hai diễn hành.

Năm nay, thiên hạ nhăn mặt vì vùng Little Saigon có tới hai cuộc diễn hành, tổ chức tại hai thành phố, liên tiếp trong hai ngày, vì Mồng Một, Mồng Hai đều là ngày nghỉ cuối tuần của Dương Lịch. Tôi không biết và không có ý kiến về chuyện chính tà, phải trái, ai xứng đáng hơn ai. Không có ai có quyền lực đứng ra phân giải, – một ví dụ như là Hội Đồng Liên Tôn- mà cũng không ai muốn hòa giải, chuyện dã tràng xe cát.

Đáng lẽ ra, những người lâu nay được gọi là tổ chức cộng đồng hay những người có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức các cuộc diễn hành, sau kinh nghiệm xót xa năm nay (2029), nên ngồi lại để tìm phương hướng giải quyết cho năm sau, tránh một trường hợp chia rẽ trùng lặp trong cộng đồng người Việt tị nạn.

Nhưng không?

Vì vào Tết năm tới (2021) ngày Mồng Một Tết nhằm ngày Thứ Sáu (12 Tháng Hai, 2021) nên chỉ còn một ngày tổ chức được diễn hành là ngày Mồng Hai Tết nhằm ngày Thứ Bảy, 13 Tháng Hai, 2021, nên cả “hai phe diễn hành” năm nay đều dự liệu “lấy tài,”cho cuộc diễn hành của mình vào một ngày duy nhất sang năm.

Quả là chuyện lo xa! Không biết thiên thể nào sẽ va vào trái đất năm nay hay dịch bệnh COVID-19 sẽ đi về đâu, nhưng cứ lấy ngày đi cho nó chắc, không ai vào giành giật!

Hội Đồng Thành Phố Garden Grove chuẩn thuận tối Thứ Ba, 11 Tháng Hai, 2020, với số phiếu 7-0 cho cuộc diễn hành Tết 2021 do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia, Nam California, tổ chức sẽ diễn ra lúc 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa Thứ Bảy, 13 Tháng Hai, 2021, nhằm ngày Mùng Hai Tết Tân Sửu, trên đường Westminster, Garden Grove.

Trong khi đó, sau hai ngày, Little Saigon Westminster Tet Parade, nhóm tổ chức diễn hành Tết tại Westminster năm nay, vừa gởi ra thông báo cho biết họ sẽ xin Hội Đồng Thành Phố cho tổ chức diễn hành Tết trên đại lộ Bolsa Trần Hưng Đạo, từ 8 giờ sáng đến 11 giờ 15 sáng cùng ngày với cuộc diễn hành bên Garden Grove.

Như vậy là Úm Ba La hai ta cùng vui: Tết 2021 tại Little Saigon: sẽ “chắc chắn có,” chứ không phải “có thể có” hai cuộc diễn hành cùng ngày.

Năm nay 2020, chia rẽ nhưng là hai ngày, nên hôm nay ta tham dự cuộc diễn hành này, ngày mai ta đi dự cuộc diễn hành bên kia, nhưng sang năm, cả hai cuộc diễn hành đều diễn ra một thời gian, ở trên hai con đường song song, cách nhau chỉ hơn hai dặm, đồng bào khó có thể phân thân như Tôn Ngộ Không để tham dự hai bên cho đỡ mất lòng.

Thoạt đầu tôi muốn dấn thân “phục vụ cộng đồng,” đưa một đề nghị rất đoàn kết, là chúng ta liên kết hai cuộc diễn hành làm một, bắt đầu đi từ thành phố này sang thành phố nọ (tôi không nói tên thành phố nào trước, sợ bị kết án là thiên vị!) Nhưng cuối cùng tôi xin rút lui ý kiến, vì nghĩ lại chưa chắc ai đã chịu ai, ai đã hy sinh vì ai, ai cũng cho mình đàng hoàng, có chính nghĩa hơn phe kia!

Tôi chỉ xin có một đề nghị, năm nay (2020), cộng đồng tị nạn Cộng Sản Việt Nam có hai cuộc diễn hành trong hai ngày liền nhau, tạm đặt là Xuân Đoàn Kết. Sang năm (2021), có hai cuộc diễn hành chung một ngày, nghĩa là đã xích lại gần nhau, xin đặt là Xuân Đại Đoàn Kết!

Quý vị nào không vừa tai, xin cho biết ý kiến! (Huy Phương)

‘Cố lên, Vũ Hán!’

‘Cố lên, Vũ Hán!’

 Huy Phương

“Dù đêm có dài đến đâu, thì bóng tối cũng sẽ phải kết thúc!”

Phát ngôn viên Hua Chunying của chính phủ Trung Quốc hôm 4 Tháng Hai, 2020, đưa ra nhận xét tại một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, là Trung Quốc đánh giá cao sự thông cảm, hiểu biết và hỗ trợ của Nhật Bản trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 mới của Trung Quốc.

Ông Hua cho biết chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố rất sớm sau khi dịch bệnh bùng phát rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp Trung Quốc chống lại dịch bệnh. Các tổ chức và doanh nghiệp của chính phủ Nhật Bản đã quyên góp một lượng lớn khẩu trang, kính mắt và bộ quần áo bảo hộ, để giúp phòng chống dịch bệnh ở Trung Quốc.

Ngọn tháp Skytree Tokyo ở thủ đô nước Nhật đã được thắp đèn sáng màu đỏ và màu xanh để cổ vũ và cầu nguyện cho Trung Quốc.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ Nhật Bản và người dân từ mọi tầng lớp đã bày tỏ sự thông cảm, hiểu biết và hỗ trợ cả hai mặt tinh thần và vật chất cho Trung Quốc.

Trong các kiện hàng viện trợ giúp đỡ cho Trung Quốc, Nhật đã kèm theo những câu khẩu hiệu động viên các nạn nhân: “Though miles apart, we are under the same sky!” (Dù cách xa nhìn dặm, chúng ta cùng ở chung dưới một bầu trời, hay “Hãy mạnh mẽ lên, Trung Quốc!”, “Cố lên, Vũ Hán!” Một số hàng viện trợ từ Nhật Bản gửi tặng đến Hồ Bắc, còn ghi những dòng chữ: “Sơn xuyên dị vực, phong nguyệt đồng thiên” (Sông núi khác vực, nhưng trăng gió cùng trời!)

Trái ngược với những lời phát biểu đầy ác ý, kỳ thị của một số quốc gia, Nhật Bản đã phản bác tại cuộc họp báo rằng lỗi ở đây là virus, chứ không phải là từ con người.

Phát ngôn viên của Bắc Kinh tin rằng nhiều dân chúng Trung Quốc cũng đã chú ý đến những chi tiết ấm lòng này, và Trung Quốc cảm ơn các quốc gia đã hết sức thông cảm, hiểu biết và hỗ trợ trong thời gian khó khăn này, sẽ giữ những điều này trong trái tim mình.

Trên đời này, mấy ai là chính nhân quân tử, “thấy người hoạn nạn thì thương,” thường thấy người có thù oán, hiềm khích với mình gặp lúc đau khổ thì hả hê, đắc chí, hớn hở ra mặt. Văn hóa Trung Quốc thường ca tụng những gương quân tử, nhưng con người của đất nước này đã thường có thái độ cư xử như kẻ tiểu nhân.

Chúng ta nhớ lại, Tháng Tư năm 2016, Nhật Bản đã lâm chịu hai trận động đất kinh hoàng, trong khi cả thế giới cùng chia sẻ nỗi đau, thì trên toàn đại lục, người dân Trung Cộng hết sức hân hoan với thảm họa trên. Các trang mạng của Trung Quốc đã đầy những lời chúc mừng, quảng cáo cho các trang bán hàng online, các nhà hàng, siêu thị tràn ngập những trò khuyến khích dân chúng ăn mừng có thưởng, trước tai họa của Nhật Bản, như “Nhiệt liệt chúc mừng động đất Nhật Bản, đến dùng bữa tối tại nhà hàng được tặng một thùng bia!” hay “Nhiệt liệt chúc mừng động đất Nhật Bản, mua đồ gia dụng được tặng thêm quà giá trị!”

Phải chăng người Trung Quốc chưa quên mối thù Nam Kinh xảy ra năm 1937, trong đó, phát xít Nhật đã hiếp và giết chết khoảng 300,000 người.

Thái độ “tiểu nhân đắc chí” này, cũng đã xảy ra gần hai mươi năm về trước, thời gian nước Mỹ bị thảm họa 9/11 khi Al-Qaeda tấn công vào New York, làm chết 2,977 người.

Trung Tướng Lưu Á Châu, 58 tuổi, chính ủy Học Viện Quân Sự của “Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc,” đã kể lại rằng sáng ngày 12 Tháng Chín, 2001, nơi ông ở tại Bắc Kinh bỗng nghe thấy tiếng kèn trống, la ó rất ồn ào trong vùng, thoạt đầu, ông ngờ rằng đám trẻ đang ăn mừng kết quả thắng lợi của đội túc cầu quốc gia đêm qua, nhưng không, đám thanh niên này đang hò reo, “vui mừng khi nghe tin hai tòa nhà thương mại lớn tại Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế của Mỹ ở New York đã bị không tặc đánh sập.”

Khi giở tờ báo buổi sáng ra xem, ở trang nhất đưa tin các trường học ở Bắc Kinh làm lễ khai giảng cho năm học mới, không có một dòng tin nào về chuyện không tặc ở New York.

Cũng sau đó, ông nghe tin, một đoàn nhà báo Trung Quốc đang ở thăm Hoa Kỳ đúng ngày 11 Tháng Chín (9/11). Khi nghe tin và chứng kiến trên TV máy bay của bọn khủng bố đâm Tháp Đôi, khói lửa đầy trời New York, bọn người này hớn hở, vui mừng ôm nhau, nhảy cỡn lên, trước con mắt sửng sốt và phẫn nộ của người bản xứ.

Tướng Lưu Á Châu cũng cho biết, sau đó cả đoàn báo chí Trung Quốc bị trục xuất về nước và bị liệt vào danh sách không bao giờ có thể trở lại Mỹ nữa. Vị tướng này đã phê phán thái độ độc ác, vô ý thức của đồng bào ông, reo hò, vui mừng trước tai họa khủng khiếp của đồng loại đến mức tồi tệ như thế. Đây là một loại văn hóa thiếu đạo đức, xấu xa của nền văn hóa lâu đời của Trung Quốc hay sao?

Hiện nay số người lây bệnh và chết vì virus COVID-19 tăng quá nhanh, mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng vì thiếu nhân sự, thuốc men và phương tiện, Trung Quốc phải cách ly khoảng 50 triệu dân chúng trong những vùng nghi có bệnh. Mặt khác những bệnh viên dã chiến mới lập, chỉ có thể cô lập những người mắc bệnh để chờ chết, chứ không đủ thuốc men để điều trị và cứu sống các nạn nhân.

Trung Quốc trở thành một địa ngục trần gian, bị cô lập từ mỗi thành phố, chưa thấy có cơ hội sẽ chấm dứt trong một tương lai gần. Điều đó quả là đáng thương cho một dân tộc đang lâm nạn như Trung Quốc hôm nay.

Đối với thế giới lâu nay, đảng Cộng Sản Trung Quốc quả là đáng ghét, nhất là với một dân tộc đã có nhiều kinh nghiệm lịch sử với Trung Quốc như dân tộc Việt Nam, trước một thảm họa như COVID-19 đang gieo xuống nước này, hẳn là chúng ta không thể tránh những thành kiến thương ghét.

Gần đây, trên Internet, có phần mỉa mai và đầy ác ý, người ta đã đem luật nhân quả ra để giải thích những điều mà Trung Quốc phải gánh chịu hôm nay! Đảng Cộng Sản Tàu cũng như đảng Cộng Sản Việt hiện nay đã có những chủ trương đi ngược lại quyền làm người và tự do của nhân loại, nhưng liệu những người dân hiền lành, vô tội đang chịu sự thống trị của đảng, trước một tai họa tày trời như nạn dịch viêm phổi có đáng cho chúng ta cười cợt, dè bỉu hay không?

Dù là kẻ thù đi chăng nữa, lúc lâm nguy cũng đáng cho chúng ta thương xót.

Trong quá khứ, nhiều trận đại dịch trên thế giới đã lấy đi sinh mạng của hàng triệu người. Dịch COVID-19, hiện nay chưa có dấu hiệu gì là có thể chấm dứt, vì con số nhiễm bệnh và chết mỗi ngày một tăng nhanh, không kiểm soát được. Đây là chúng ta chỉ nhìn những con số chính thức do Trung Quốc đưa ra, còn những con số dưới phần tảng băng chìm, chưa ai có thể biết được.

Giáo Sư Derek Gatherer từ Đại học Lancaster cảnh báo số ca mắc bệnh ở Trung Quốc có thể cao gấp 10 đến 25 lần so với số liệu thống kê chính thức.

Chính tổ chức Y Tế Thế Giới cũng thú nhận “còn quá sớm để dự đoán khi nào virus corona sẽ bị ngăn chặn và tổ chức này cũng không biết trận dịch này sẽ đi đến đâu?”

Bây giờ tại Trung Quốc mỗi này có thêm hàng trăm người chết và dịch COVID-19 đã lây tràn ra trên thế giới. Không còn ai, dù với bất cứ căn nguyên nào, còn có thể vui trên nỗi đau của đồng loại.

Xin mượn lời của một cô bé viết cho mẹ là một bác sĩ đang ở trong vòng cấm của Vũ Hán để kết thúc bài viết này: “Những ngày qua con biết mẹ rất mệt mỏi và căng thẳng. Nhưng mẹ ơi, dù đêm có dài đến đâu thì bóng tối cũng sẽ phải kết thúc. Mẹ hãy cố lên, Vũ Hán cố lên. Con rất yêu và nhớ mẹ!”

“Dù cách xa nghìn dặm, chúng ta cùng ở chung dưới một bầu trời.” Đó chính là tiếng nói của tình đồng loại! (Huy Phương)

‘Bến Không Chồng,’ ‘Làng Không Vợ’

 

‘Bến Không Chồng,’ ‘Làng Không Vợ’

Huy Phương

Những người đàn ông làm công việc vá lưới tại một ngôi làng ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. (Hình: Getty Images)

Những ngôi làng vắng tiếng cười,
mà chỉ nghe tiếng khóc trẻ thơ!

Vào cuối năm 1975, khi những người tù miền Nam được Cộng Sản chuyển ra Bắc, từ bến tàu Hải Phòng vào đêm, cho đến lúc trời sáng rõ khi con tàu cổ lỗ, cọc cạch dừng lại sân ga Yên Bái, chúng tôi quan sát thấy rất ít bóng dáng đàn ông. Trên cánh đồng, qua những công trình xây dựng ven đường, và ngay cả trên sân ga chỉ thấy toàn đàn bà, lác đác mới thấy vài nam công an mặc áo vàng. Hầu như tất cả đàn ông, dù là sau ngày chấm dứt chiến tranh năm ấy, đã biến mất. Họ đã đi xa chưa về, hoặc đã chết vì bom đạn, để lại trên miền đất này những người phụ nữ đảm đang hay bắt buộc phải đảm đang, cáng đáng nhiều công việc trước kia là của đàn ông.

Theo thống kê của Bắc Việt, kể từ sau năm 1945 đến năm 2012, toàn quốc có 1,146,250 binh sĩ tử trận, khoảng 600,000 thương binh, trong đó có 849,018 người lính chết trong giai đoạn “chống Mỹ.” Con số người mất tích, bị vùi dập vì bom đạn không sao kể xiết.

Chủ trương của Bắc Việt là tận dụng hết nhân lực, tài nguyên cho mục đích thôn tính miền Nam, có khi đóng nguyên cả trường đại học, lùa tất cả sinh viên, giảng viên và công nhân cầm súng vào Nam, mà không cần qua giai đoạn huấn luyện!

Điển hình trong trận Cổ Thành, Quảng Trị 1972, một tiểu đoàn Bắc Việt vào cổ thành với quân số đầy đủ, 67 đảng viên và nhiều vũ khí tối tân; đã chết trên 100 người, bị thương trên 700 (tính cả số bổ sung từng ngày) và lúc rút ra chỉ còn 12 người! Mỗi ngày có một đại đội vượt sông Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót.” Do mật độ bom đạn rất cao và kéo dài nên hầu hết bộ đội Bắc Việt tử trận trong cổ thành đều bị vùi lấp. (QĐND 9/8/1972)

Thời gian chiến tranh, miền Bắc trở thành một miền đất vắng bóng đàn ông. Hình ảnh này được thể hiện trong “bến không chồng,” tiểu thuyết của tác giả Dương Hướng xuất bản lần đầu tiên năm 1990 tại Hà Nội, được giải thưởng của Hội Nhà Văn năm 1991.

Tập truyện được coi là một câu chuyện “hòn vọng phu” thời hiện đại. Toàn xã đã sống qua những ngày buồn thảm với những tờ giấy báo tử vô hồn, một vùng đất không có súng đạn nhưng chứa đựng nhiều mảnh đời cô phụ, đầy nước mắt. “Bến không chồng” là một bức tranh mô tả một làng quê quạnh quẽ thiếu bóng dáng đàn ông, chỉ còn lại những thiếu nữ lỡ làng, những chinh phụ mòn mỏi.

Cuộc chiến nào cũng để lại những điều đau xót, bất hạnh cho con người, nhưng sao thời bình, trong một xã hội hiện nay như làng xóm Việt Nam, lại xẩy ra những điều, mới nghe qua, quả là khó tin. Đó là ngày nay, cũng ở Bắc Việt, nhiều ngôi làng được mệnh danh là “những ngôi làng không vợ,” vắng hẳn bóng đàn bà, ở đó chỉ có những người đàn ông, sống cảnh “gà trống nuôi con.

Ngày xưa, những “bến không chồng,” dân làng giật gấu, vá vai, nhà cửa dột nát, nghèo nàn, cơm không đủ no, trái lại ngày này “làng không chồng” được gọi là những ngôi làng tỷ phú vì nhà cửa nguy nga, phương tiện của đời sống không những đầy đủ mà còn được coi là giàu có.

Theo thống kê của xã Hồng Long, huyện Nam Đàn (Nghệ An) cứ ba gia đình, thì có hai gia đình có người đi xuất khẩu lao động. Cả ba xóm có tới 165 phụ nữ đi làm việc ở Đài Loan, Mã Lai. Nhiều gia đình có vợ đi “xuất khẩu” từ hơn 10 năm qua, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, từ chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa đến việc đồng áng đều do giới đàn ông đảm nhận.

Những người đàn ông có vợ vắng nhà đều có những công việc “tần tảo” như nhau. Trời chưa hừng sáng, khi các con còn ngon giấc, đàn ông trong làng dậy lọ mọ nhen lửa, nấu cơm, nấu cám lợn, giặt giũ đống quần áo. Đến sáng, khi các con ngủ dậy, đàn ông lại chăm cho con ăn sáng, để còn đến trường, còn mình ở nhà thì thái rau, bưng cám cho đàn lợn đang kêu. Xong xuôi mọi việc trâu bò, lợn gà, có người còn phải lo cho cha mẹ già. Những ngày mùa, trong khi ngày xưa, đàn ông tuốt lúa, đàn bà rủ rơm, phơi rạ thì bây giờ ở đây, chỉ toàn là đàn ông, các ông bà già và trẻ nhỏ lo việc đồng áng.

Cho vợ đi làm lao động ngoại quốc như là một cơn sốt, hay nói đúng là một cơn dịch nhanh chóng lan rộng trong làng trên xóm dưới. Vì đồng tiền, người ta bỏ cả hạnh phúc gia đình, dứt bỏ tình cảm để ra đi.

Không thiếu những phụ nữ đành đoạn từ giã mái ấm gia đình, khi đứa con mới sinh đầy năm, chưa dứt sữa mẹ và hai đứa con khác chỉ mới lên năm và lên ba! Đó là trường hợp của nông dân tên Cách, tâm sự ngày vợ lên đường sang Đài Loan, ngày đầu tiên xa mẹ, bé út khóc suốt ngày vì thèm sữa mẹ, những đứa khác cũng bỏ ăn vì vắng mẹ. Những ngày đầu tiên vợ vắng nhà là những ngày hết sức khổ sở, con khóc đòi mẹ, thì phải nói với con “là sáng mai mẹ sẽ về, đến sáng không thấy mẹ đâu, con lại khóc, cha lại loanh quanh rằng mẹ đã về rồi, nhưng thấy con đang ngủ say nên lại đi rồi!”

Mãnh lực đồng tiền thời bình đã làm cho vợ chồng chia cách, ruột thịt chia lìa.

Câu chuyện bắt đầu từ những năm 1990, xã Đông Tân có người làm nhân viên cho một công ty xuất cảng lao động về làng tuyển người. Ban đầu, chỉ 4-5 người đi nhưng sau đó đồng tiền do họ gửi về đã làm “thay da, đổi thịt” cho gia đình, những ngôi nhà gạch bạc tỷ khang trang được dựng lên, nhà nào cũng có TV, dàn nhạc, xe gắn máy, có khi còn cả xe hơi. Cả làng đổi đời nhờ cuộc sống ly hương. Phong trào phụ nữ sang Đài Loan nở rộ, sau này còn cả số phụ nữ đi làm việc trong các sòng bài ở Macau.

Năm 2019, xã Đông Tân có 570 người xuất ngoại, trong đó 74% là phụ nữ. Xã hiện nay có tới gần 500 gia đình cùng cảnh ngộ vắng bóng đàn bà. Nhiều người đã đi Đài Loan, sau ba năm trở về với chồng, có thêm đứa con thứ hai mới ba tuổi, nhưng quê nhà chỉ có đồng ruộng khô cằn, vợ lại trao con cho chồng, ra đi lần nữa.

Một xã khác, có đến 800 phụ nữ đi làm nghề “ôsin” nước ngoài nên cánh đàn ông rơi vào thế thúc thủ.

Đàn ông phát biểu: “Nghề nông cấy được cây lúa cho trổ bông thì gạo rẻ. Sáu tháng nghề nông giỏi lắm chỉ làm được 3 triệu đồng. Đi ôsin mỗi tháng kiếm được 10 triệu đồng, nông dân nằm mơ cũng không thấy. Vì vậy, dù chẳng hay ho gì khi để vợ đi ôsin nhưng có lẽ nhờ thế mà đại đa số gia đình ở làng này các ông chồng có vợ đi ôsin đều thành công, giàu có!”

Một người khác cho biết: “Bố mẹ tôi có sáu người con trai thì năm anh em đều có vợ đi làm ôsin ở nước ngoài, chỉ trừ vợ anh cả do ốm yếu nên ở nhà! Ngoài năm chị em dâu, chị gái ruột của tôi cũng đi làm ôsin.” Ôsin vạn tuế! Thế thì thôi, còn gì để nói nữa!

Ở đây, có những cảnh người đàn ông, sống như cây tầm gửi, sáng sáng, đến nhà chị dâu lãnh thực phẩm cho hai cha con ăn đủ trong ngày, vì vợ đi Đài Loan, Macau làm ăn từ hơn 15 năm trước, không tin chồng, người đàn bà phải nhờ chị dâu mình rót thức ăn mỗi ngày. Có ông, lúc con khóc nhớ mẹ, không biết nhờ ai, lại bồng bế đi dỗ khắp làng, cười ra nước mắt khi gặp những người đàn ông cùng cảnh ngộ. Về nhà, lại lo chuyện bếp núc, tắm rửa cho con thơ. Bây giờ, trong những ngôi làng này, “đàn ông mặc váy” đã thành câu chuyện bình thường, do cái xã hội đặc biệt này tạo ra!

Nói về câu chuyện cho đàn bà đi “xuất khẩu,” để đàn ông ở lại nhà lo chuyện nội trợ, bếp núc, may vá và cả chuyện ruộng đồng, nhiều bậc cao niên trong làng có ý kiến, rằng tuy đồng tiền quý thật, nhà cao cửa rộng, ai mà không thích, nhưng đời sống quê nhà vẫn thiếu một cái gì đó. Thương nhất là những đứa trẻ có mẹ mà cũng như côi cút. Nhiều phụ nữ sau nhiều năm trở về, con không nhận ra mẹ nữa. Đêm nào cũng nghe tiếng trẻ khóc vì thiếu mẹ, quê làng vắng tiếng ru hời.

Việt Nam hiện nay, có hàng vạn khu phố văn hóa, những ngôi làng không vợ, có được gọi là những ngôi làng văn hóa không? Dù ở những nơi này, mỗi ngày mỗi thịnh vượng, giàu có, nhà lầu san sát mọc lên, nhưng ở đây, phải nói là có điều bất bình thường. Điều này, có còn để được ca tụng đây là một chế độ đầy “nhân văn” không? Nơi đây, nhìn qua, quả là có một bộ mặt thịnh vượng, cán bộ cầm quyền đang giàu lên mỗi ngày nhờ đất, con người thì đẩy vợ đi ra khỏi nước để kiếm tiền, ngẩng mặt với làng xóm, anh em.

Nhiều quốc gia trên trái đất này, chịu những nỗi đau trong chiến tranh giống nhau, nhưng vào thời bình, không biết có quốc gia nào, chịu những nỗi buồn giống như những “ngôi làng không vợ” ở miền Bắc Việt Nam hiện nay hay không? (Huy Phương)

‘Mạ Thủ,’ những tay chửi mướn chuyên nghiệp

‘Mạ Thủ,’ những tay chửi mướn chuyên nghiệp

Huy Phương

Số đông dư luận viên làm việc ẩn danh và giấu mặt. (Hình minh họa: Getty Images)

Đọc truyện Tàu, Tam Quốc Chí hay Hán Sở Tranh Hùng, người đọc không thể không biết tới một thứ quân đặc biệt luôn luôn có trong bất cứ một đội quân nào của những phe phái khác nhau. Người xưa khi đem quân vây thành địch, mà địch quân trong thế yếu không dám mở cửa thành xung trận, thì họ chọn ra những sĩ tốt có buồng phổi to, tiếng nói khỏe và đặc biệt là có sở trường về những chuyện chửi bới, bẩn thỉu, tục tĩu nhất ra trận.

Cánh quân này có khi trần truồng, đứng trước cửa thành địch mà chửi rủa. Đám quân này được gọi là “mạ thủ” (những tay chửi,) ra trận không dùng đao thương, chỉ dùng mồm to mà chửi bới, thóa mạ kẻ địch, gọi ông cha tổ tiên của các tướng lãnh phe địch ra mà réo; một thứ chiến tranh tâm lý, chọc giận quân địch, khiêu khích… khiến cho địch hoang mang, mất khôn mà mở cửa thành trong khi hoàn cảnh chưa hẳn là thuận lợi. Lẽ cố nhiên, quân “mạ thủ” luôn đứng ở trận tiền, sát thành địch, trong tay lại không có vũ khí, nên khi xung trận, là những quân sĩ chết đầu tiên.

Mạ thủ ngày nay không ra mặt và mang một cái tên khác: “dư luận viên!”

Đây là nhóm người phục vụ cho đảng, gọi là chuyên nghề định hướng dư luận trong nhân dân theo chiều có lợi cho đảng, nhưng nói nôm na là xung trận chửi không tiếc lời những ý kiến, bài vở biên tập trên mạng không có lợi cho đảng và chính phủ của họ. Chúng không lèo lái được dư luận, nhưng dùng kỹ thuật “cả vú lấp miệng em” đánh phá địch thủ, nấp sau nhưng tên tuổi giả, tràn đầy, dày đặc để tạo cho quần chúng cái ý nghĩ là dư luận này nghiêng về đa số.

Theo một tài liệu của nhà văn Trần Trung Đạo mới đưa ra đây, ông đã nói về một lực lượng “dư luận viên” có tổ chức quy mô ở Trung Cộng: “Tại Trung Cộng, dư luận viên không chỉ chịu sự kiểm soát của Ban Tuyên Truyền Trung Ương (Việt Nam gọi là Ban Tuyên Giáo Trung Ương) về các chính sách chung của đảng Cộng Sản mà mỗi bộ trong chính phủ Trung Cộng cũng có các dư luận viên riêng để phục vụ cho chính sách riêng của bộ có trách nhiệm trả lương cho dư luận viên này.

Tháng Giêng, 2007, Hồ Cẩm Đào chỉ thị “tăng cường việc xây dựng mặt trận dư luận và tư tưởng” trong hội nghị Bộ Chính Trị lần thứ 38. Đáp lại chỉ thị của họ Hồ, một đội ngũ các “cán bộ có phẩm chất chính trị cao” tức đội ngũ dư luận viên được chính thức thành lập theo quyết định của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng và Hội Đồng Nhà Nước.

Sở Giáo Dục Trường Sa, tỉnh Hồ Nam được biết như là cơ quan sớm nhất tuyển dụng dư luận viên vào năm 2004.

Theo Zhang Lei viết trên Global Times Tháng Hai năm 2004, cơ quan giáo dục tỉnh Cam Túc tuyển dụng bình luận viên một cách công khai. Lực lượng 650 dư luận viên tỉnh Cam Túc chỉ có một việc phải làm là ngồi đọc hết các bình luận của độc giả dưới các bài viết hay trong các diễn đàn Internet và phản biện lại đúng với đường lối của đảng, làm lạc đề hay nếu cần viết các nhận xét tiêu cực, chụp mũ, bêu xấu để chấm dứt dòng bình luận được độc giả trước đó đưa ra.

Năm 2011, trong một bài báo trên The Sydney Morning Herald, nhà báo Pascale Trouillaud tố cáo Trung Cộng tuyển dụng gần nửa triệu dư luận viên làm việc một cách xảo quyệt nhưng hữu hiệu để bảo vệ đảng Cộng Sản. (Trần Trung Đạo- Đảng 50 xu -Dư Luận Viên tại Trung Cộng.)

Hiện nay, CSVN Việt Nam đã theo gương Bắc Hàn và Trung Cộng thành lập đơn vị 47 mở cuộc chiến tranh trên Mạng với 10,000 dư luận viên. Những bài viết của người Việt hải ngoại trên youtube thường bị tràn ngập bởi hàng ngàn lời bình phẩm chửi bới. Những đài truyền hình có tinh thần quốc gia, tổ chức thiện nguyện gây quỹ cho thương binh VNCH, các tổ chức xiển dương ưu điểm của chế độ VNCH đều bị đánh phá, vùi dập, gây ra những cái nhìn lệch lạc trong cộng đồng tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại. Chủ trương của loại tuyên truyền này là “nói mãi cũng phải tin, nhiều người nói đáng tin hơn một vài người.”

Hiện nay, trên Internet, cứ sau một youtube hay một bài báo được đưa lên có chiều hướng bất lợi cho chính thể trong nước, thì hầu như có hàng trăm “comment” bâu lại, như đàn cá tra trong cầu cá, chửi rủa không tiếc lời. Chúng vào comment với những cái tên thay đổi, lạ lẫm, nặc danh, nhưng chỉ đọc qua, chúng ta đã biết ngay chúng là ai?

Nhìn chung là lớp dư luận viên này phần lớn là vô học, không hiểu biết, thiếu lý luận, nên chỉ biết chửi rủa một chiều, không có sức thuyết phục, không có khả năng tranh luận, phân tích điều đúng, sai. Thay vì ôn tồn với chữ nghĩa, bàn luận thiệt hơn, thì dám dư luận viên trong và ngoài nước này, chỉ muốn đánh phủ đầu người khác với ngón đòn hạ tiện. Những danh từ quen thuộc chúng hay dùng để mạ lỵ, xỏ xiên người khác, nghe đến nhàm chán như “ba que,” “đu càng,” “tụt quần,” “bám đít Mỹ…”

Chỉ tiếc là những thứ chúng mạt sát như “ba que,” “đu càng,” “tụt quần,” “bám đít Mỹ…” là những thứ hiện nay, trong nước đang muốn phục hồi, vì nó là những thứ tinh hoa mà hơn 40 năm nay, chế độ trong nước đã đánh mất không tìm lại được, trong khi người dân thì tiếc đã đi qua một thời đại vàng son, không bao giờ tìm lại được, nếu bất hạnh, Cộng Sản còn thống trị đất nước như hôm nay!

Là người làm truyền thông, nguyên là một người lính của miền Nam Việt Nam, đã từng ở trong trại tập trung của Cộng Sản, từng sống dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, có kinh nghiệm sống và thấy hết những sự dã man hay gian trá của chế độ và con người Cộng Sản, tôi vẫn tâm nguyện dùng ngòi bút để viết hay nói lên những điều tồi tệ của chế độ này và nỗi thống khổ và mất quyền con người trong chế độ.

Thay vì, nhận được những ý kiến phân tích hay thậm chí, nếu là biện bạch của những dư luận viên phe Cộng, thì chúng tôi thường trực nhận những lời chửi rủa không liên quan gì đến những ý kiến chúng tôi đã nêu ra, mà chỉ là những lời rủa vu vơ nhắm vào cá nhân tác giả như “thằng già gần đất xa trời,” “mắc dịch,” “tâm lý chiến hết thời!” và không quên thêm những tiếng “ba que,” “tụt quần” như thường lệ!

Nhưng xét cho cùng, những bài viết, những câu chuyện, ý kiến bị các dư luận viên bâu vào, chửi bới nhiều nhất, thì đó là những tài liệu xác đáng, có khả năng đánh thẳng vào chế độ, khiến cho chúng phải sợ hãi. Vậy thì khi một bài báo được đưa lên net, bị các dư luận viên xúm vào đánh phá hung hãn nhất, thì bài tham luận đó coi như đã thành công.

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, là một nhà đấu tranh về môi trường, tham gia vào các hoạt động biểu tình phản đối Formosa, đòi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam, đã bị bắt giam từ Tháng  Mười, 2016 vì tội tuyên truyền chống Nhà Nước CHXHCN Việt Nam và bị kết án 10 năm tù, theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.

Năm 2010, bà được trao giải Hellman/Hammett của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền.

Năm 2015, bà được trao giải Người Bảo Vệ Quyền Dân Sự của Tổ Chức Civil Rights Defenders.

Năm 2017, bà được trao giải Phụ Nữ Dũng Cảm Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Tháng 6/2018, blogger Mẹ Nấm đoạt giải Tự Do Báo Chí Quốc Tế của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả và được đề cử giải Nobel Hòa Bình.

Được sự can thiệp của Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ, Mẹ Nấm đã được phóng thích khỏi nhà tù ở Thanh Hóa và rời khỏi Việt Nam vào trưa ngày 17 Tháng Mười, 2018.

Ngày 7 Tháng Mười Một, 2019, với tư cách là nhân chứng sống của tội ác Cộng Sản Việt Nam, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã được mời vào Tòa Bạch Ốc, cùng với 4 chứng nhân khác từ các quốc gia Ba Lan, Cuba, Venezuela, và Bắc Hàn, để trình bày trực tiếp với TT Trump về những kinh nghiệm hãi hùng mà họ đã từng trải qua dưới sự thống trị dã man của xã hội chủ nghĩa. Tại đây, Mẹ Nấm đã có một bài phát biểu bằng Anh Ngữ lưu loát và và hùng hồn lên án chế độ Cộng Sản.

Tất cả những vinh dự và hoạt động của Mẹ Nấm đều làm bỉ mặt Hà Nội, và tất nhiên bị Bộ Ngoại Giao CSVN lên án, nhất là sau khi bà được tổng thống Hoa Kỳ tiếp kiến và sau bài phát biểu nhân ngày Tưởng Niệm Các Nạn Nhân Cộng Sản Trên Toàn Thế Giới, bà bắt đầu bị bọn “mạ thủ” chụp mũ và bêu rếu.

Mới đây thôi, trên Internet loan truyền một bài viết lên án Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là loài “nấm đỏ, nấm độc,” “hình mẫu của loài nhộng đỏ được cài cắm vào Việt Tân.”

Không ai lạ gì với lối đánh “chiến thuật biển người” của sư đoàn dư luận viên, nghĩa là chúng ta sẽ thấy Cộng Sản dốc toàn lực đánh, chửi những nhân vật đối kháng và những gì đang làm chúng sợ hãi.

Như vậy, chúng ta nên phải tiếp tục lên tiếng hay hành động những gì mà Cộng Sản đang lo sợ! (Huy Phương)

‘Con người là vốn quý!’

‘Con người là vốn quý!’

Huy Phương

Bộ phim đầy nhân bản “Saving Private Ryan” thu hút hàng triệu khán giả trên toàn cầu. (Hình: Getty Images)

Saving Private Ryan (Giải cứu Binh Nhì Ryan) là một bộ phim chiến tranh sản xuất năm 1998, lấy bối cảnh của cuộc Đệ II Thế Chiến, tác giả là Robert Rodat và đạo diễn là Steven Spielberg, dựa theo một chuyện có thực ngoài đời.

Câu chuyện bắt đầu khi Tham mưu trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, Tướng George C. Marshall, được thông báo việc ba người con trai trong một gia đình tử trận ngoài chiến trường, và người mẹ đã nhận được tin buồn này của Bộ Quốc Phòng trong cùng một ngày.

Khi biết rằng người mẹ này đang còn một đứa con trai thứ tư là Binh Nhì Ryan vẫn đang chiến đấu ngoài mặt trận, Tướng George C. Marshall quyết định cử một toán quân nhân có nhiệm vụ đặc biệt là vào trận chiến, đi tìm người lính này và đưa anh ta về với một gia đình đã bị mất mát quá nhiều trong chiến tranh. Khu vực tìm kiếm rất nguy hiểm vì trận chiến khốc liệt, và các đơn vị thì liên tục di chuyển, cũng không biết binh II Ryan còn sống hay đã tử trận, vì quân đội Hoa Kỳ không biết chính xác Ryan đang ở đâu.

Đơn vị đặc biệt này gồm có 8 người được cử đi tìm Ryan trong bom đạn, cuối cùng đã mang anh ta về được với gia đình, nhưng toán binh sĩ đặc nhiệm này đã bị mất mát, không còn nguyên vẹn.

Chúng ta bỏ qua việc “Saving Private Ryan” được Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ Mỹ xếp là bộ phim Mỹ vĩ đại thứ 71 trong vòng 100 năm và sự thành công vượt bực tại các phòng vé, cũng như, bộ phim đã được đề cử 11 giải Oscar trong lễ trao giải Oscar lần thứ 71 (1999), mà nói đến nội dung của cuốn phim.

Đi tìm một người lính trong 174,000 người lính đang hành quân chiến đấu trong vùng trời lửa đạn không phải là một công việc dễ dàng, nhưng chỉ vì những cấp chỉ huy quân đội muốn “giải cứu” một người con trai cuối cùng trong một gia đình đã hy sinh quá nhiều, đem về cho gia đình họ. Sinh mạng nào cũng đáng quý, và nỗi khổ đau tuyệt vọng của gia đình nào cũng được đất nước quan tâm. Chuyện này không phải ai cũng làm được và ở chế độ nào cũng có.

Trong hoàn cảnh của miền Nam Việt Nam, ngay trong thời điểm có chiến tranh khốc liệt là lúc Cộng Sản Bắc Việt dốc toàn lực để thôn tính miền Nam, trong “Sắc Lệnh Động Viên mới” (1968,) vẫn có điều khoản ấn định rõ ràng về chuyện hoãn dịch gia cảnh.

Có 3 trường hợp được hoãn dịch về gia cảnh:

1- Con độc nhất trong gia đình.

2- Đương sự có 5 con phải nuôi dưỡng.

3- Gia đình có cha mẹ già từ 60 tuổi trở lên, có 2 con trai, nhưng một người đang tại ngũ, người còn lại được hoãn dịch.

Quốc gia nào cũng quý mạng sống con người và thấu hiểu đến từng hoàn cảnh gia đình của từng công dân.

Nhưng đối với người Cộng Sản thì không! “Cứu cánh biện minh cho phương tiện,” là câu giải thích, miễn sao hoàn thành được mục đích, còn phương tiện không đáng kể!

“Non! Pas du tout!” Đó là câu trả lời lạnh lùng của Võ Nguyên Giáp nói với báo chí quốc tế khi người ta hỏi viên tướng này là ông có hối tiếc gì về chuyện 4 triệu người Việt chết vì chủ nghĩa Cộng Sản hay không?

Nhà báo Nick Turse trên New York Times viết: “Với người Mỹ, mạng sống ở Việt Nam từng quá đỗi rẻ mạt,” và Tướng Westmoreland, cựu tham mưu trưởng Lục Quân Mỹ, cho rằng Tướng Võ Nguyên Giáp đã “không tiếc tính mạng binh lính để đổi lấy chiến thắng.”

Câu nói thường nghe trong chế độ Cộng Sản là “cứu cánh biện minh cho phương tiện,” nên “dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn,” “đánh Mỹ đến cái lai quần,” để thôn tính miền Nam, người ta vẫn làm!”

Có người phê bình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khi ông nói: “Nếu Mỹ viện trợ 1.4 tỷ đô la Sài Gòn sẽ kiểm soát được toàn miền Nam; 1.1 tỷ đô la, Sài Gòn sẽ mất một nửa Quân Khu I về phía Bắc; nếu chỉ còn 900 triệu đô la, sẽ mất toàn bộ Quân Khu I và Quân Khu II.”

Nhưng Lê Duẫn lại nói về sinh mạng con người: “Nếu Trung Quốc nhiệt tâm giúp đỡ thì miền Bắc đỡ hy sinh 2-3 triệu người,” có nghĩa là đàn anh không giúp đỡ thì Bắc Việt sẽ hy sinh 2-3 triệu người đó, sẵn sàng nhuộm đỏ miền Nam, giữ vững tinh thần quốc tế vô sản!

Trong cuộc tiến công miền Nam, khi chiến trường miền Nam hao hụt nhân mạng, Lê Duẫn vét cả 10,000 người gồm cả sinh viên và giảng viên trẻ từ cả 30 trường đại học và cao đẳng Hà Nội, mặc áo trận, qua sông Bến Hải để quyết thắng.

Trong câu chuyện “Saving Private Ryan,” chỉ thị từ Bộ Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ là phải vào trận chiến khốc liệt để tìm cho ra Binh Nhì Ryan, người lính đã có ba người anh hy sinh trong cuộc chiến để mang về cho gia đình anh, một câu chuyện đầy tính nhân bản trong một quân đội của các nước dân chủ, tự do. Đối với ý thức cộng sản, vét tận nhân lực được chừng nào hay chừng đó, cho mục đích cuối cùng, không cần thương tiếc.

Báo chí Việt Nam đã từng ca tụng những “Bà Mẹ Anh Hùng” cống hiến hết cho đảng đến giọt máu cuối cùng.

Đến tháng 12 năm 2008 có gần 50,000 phụ nữ được tặng, hoặc truy tặng danh hiệu này. Một “Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng,” được ca tụng là Nguyễn Thị Thứ (1904 – 2010), quê Điện Bàn, Quảng Nam, đã vét hết sinh mạng của gia đình gồm có chồng, chín người con trai, một con rể và hai cháu ngoại dâng hiến cho sự nghiệp “giải phóng miền Nam của đảng.” Bà Phạm Thị Ngư ở Bình Thuận và bà Nguyễn Thị Rành ở Sài Gòn, mỗi nhà có 8 người con liệt sĩ.

Sinh mạng con người ở trong chế độ nào là đáng quý? (Huy Phương)

Tâm Thức Sợ Hãi Của Đảng Cầm Quyền – Huy Phương

Tâm Thức Sợ Hãi Của Đảng Cầm Quyền – Huy Phương

Phiên tòa xử ông Michael Phương Minh Nguyễn 12 năm tù hôm 24 Tháng Sáu, 2019. (Hình: Getty Images)

Nói thẳng đảng này là đảng Cộng Sản đang đè đầu cưỡi cổ dân tộc Việt Nam, một chế độ được thành hình sau một cuộc thắng trận, chiếm được đất đai, lãnh thổ nhưng không chiếm được nhân tâm.

Khi không chiếm được nhân tâm, không thu phục được lòng người thì chế độ này luôn luôn đề cao, cảnh giác với ngay những người thua cuộc, đầu hàng và cả đám đông thầm lặng, chịu đựng nghịch cảnh không thay đổi được. Nỗi sợ hãi xuất hiện vì những mối đe dọa vô hình và hữu hình.

Đảng CSVN có dám đối xử công minh, không giam giữ nửa triệu người lính miền Nam, cho sĩ quan thua trận được giữ vũ khí cá nhân của mình, cho tất cả quân lính miền Nam được trở về quê quán làm ăn như văn kiện Appomattox của tướng miền Bắc Ulysses S. Grant dành cho quân thất trận miền Nam sau khi kết thúc trận nội chiến tại Hoa Kỳ hay không?

Cộng Sản Bắc Việt làm sao có được thái độ quân tử ấy!

Người ta sợ hãi vì người ta không có chính nghĩa. Người ta sợ hãi vì không thu phục được nhân tâm. Hàng nghìn trại tù với thép gai, trạm gác được dựng nên khắp nước, nơi thâm sơn cùng cốc, để đầy đọa, trả thù hằng trăm nghìn người lính, đảng phái và trí thức miền Nam. Họ sợ hãi gì với một người lính già, ốm yếu bệnh tật, thiếu ăn… để cầm tù, giam hãm họ đến 17 năm ròng rã, mà ngày ra tù, còn theo dõi, kiểm soát họ ngày đêm.

Vì sợ hãi nên chính quyền mới không dám dùng những nhân tài, đã được đào tạo qui mô trong nhiều năm tại miền Nam và từ các nước tự do, văn minh khác. Cộng Sản đã phế bỏ, xô đẩy bao nhiêu trí thức, chuyên viên ra chợ trời hay với các nghề tay chân lao lực bần cùng khác, xô đẩy họ ra biển cả, dìm họ xuống đại dương, vì xuất thân họ không có gốc gác ba đời bần cố nông hay vì số mệnh, sinh ra, lớn lên và được đào tạo tại miền Nam.

Sợ người sống còn là điều dễ hiểu, nhưng cộng sản còn sợ cả những người đã chết! Hàng chục nghìn tử sĩ VNCH trong nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa ngày trước, không còn khả năng đội mồ đứng dậy để cầm súng, mà vẫn bị bao vây với kẽm gai, bót gác như một nhà tù vĩ đại thực sự, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Một vị danh tướng miền Nam, Nguyễn Khoa Nam, sau khi thất trận đã tự sát, những gì còn để lại chỉ là nắm tro tràn còn lại trong một chiếc hũ sành, để trong ngôi chùa Già Lam, cũng bị công an làm áp lực phải mang đi chỗ khác. Một quân đội cuồng tín, khoe khoang trang bị vũ khí tận răng, với xe tăng, hỏa tiễn, thì sợ gì với một nắm tro tàn của một người lính thất trận?

Cộng sản dị ứng, lo sợ với cả một lá cờ, một chiếc áo, xem như là những bóng ma ám ảnh, làm mất ăn mất ngủ.

Người ta nói những người yếu bóng vía, nhất là những kẻ thủ ác, thường sợ những “hồn ma bóng quế!” Đó là những gì được đặt tên là “thế lực thù địch,” “gián điệp quốc tế,” “âm mưu lật đổ chính quyền…”

Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị kết án là “hàng ngũ phản động,” bị quy kết là “gián điệp quốc tế.”

Mới đây, ông Nguyễn Phương Minh, người Mỹ gốc Việt, bị tuyên 12 năm tù vì bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” ông bị bắt ở tỉnh Đồng Nai hồi tháng 7 năm ngoái, khi từ Đà Nẵng về Sài Gòn, “có mang theo trong người $1,200 và 1 triệu đồng VN, cùng một số quần áo.” Ông Trương Hữu Lộc thuê 2 taxi để chở bánh mì và nước uống đến hỗ trợ cho đồng bào biểu tình chống Dự luật Đặc khu đã bị bắt vào ngày 10 Tháng Sáu, 2018 và bị đảng CSVN kết án 8 năm tù.

Vì sợ hãi, Cộng Sản luôn luôn cảnh giác với “thù trong – giặc ngoài.” Lịch sử sông nước của chúng ta là một lịch sử trường kỳ chống ngoại xâm Tàu phương Bắc, do vậy thời VNCH các chiến hạm Hải Quân đều được đặt tên các danh tướng, địa danh hay trận chiến như Bạch Đằng, Chi Lăng, Vạn Kiếp hay Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải… những cái tên có thể gây dị ứng hay làm mếch lòng “ông chủ” lớn.

Đảng Cộng Sản Việt Nam không có được cái dũng khí ấy!

Cộng Sản Hà Nội sợ hãi ân nhân là Cộng Sản Bắc Kinh, nên ngày nay những ai chống Trung Cộng đều được liệt vào thành phần chống đảng, chống chính phủ, chống nhân dân.

Câu chuyện sợ làm cho chúng ta nhớ đến Việt Khang. Không giăng biểu ngữ, không súng đạn, không xuống đường, không hô hào, chỉ với một bài hát, đã làm cho nhà cầm quyền Việt Nam phải kiêng nể.

Có một thời đại nào trong lịch sử Việt Nam, tồi tệ và hèn hạ như hôm nay, khi mà một câu hát chống Tàu xâm lược, lại làm cho chính quyền lo sợ, bắt bớ, trù dập tác giả như trường hợp của Việt Khang?

Đảng Cộng Sản Việt Nam sợ hãi cả khi gọi tên một quốc gia.

Trên thế giới ai cũng gọi hai nước Đại Hàn là Bắc và Nam Hàn, như trước đây thế giới đã từng gọi Bắc và Nam Việt Nam, hay Đông Đức và Tây Đức, nhưng vì sao đảng CSVN lại đồng loạt trên báo chí, truyền thanh và các văn bản ngoại giao, đã đổi tên hai nước, Bắc Hàn thành Triều Tiên, và Nam Hàn là Hàn Quốc? Thực ra thì Nam và Bắc đều là Hàn Quốc, Bắc và Nam đều là Triều Tiên, đó là một cái tên gọi chung.

Đảng CSVN đổi tên hai nước Nam và Bắc Hàn hay Nam và Bắc Triều Tiên là vì chúng sợ khi nói đến hai tiếng Bắc Nam. Đặt lên bàn cân các thể chế Nam-Bắc Triều Tiên, Nam-Bắc Việt Nam, hay cả Đông-Tây Đức, người ta ai cũng thấy một bên là Cộng Sản độc tài, nghèo đói, lạc hậu, một bên là tư bản tự do, no ấm và thịnh vượng, nhất hoàn cảnh ngày nay của hai nước Bắc, Nam Triều Tiên. Nếu gọi tên nước là Nam hay Bắc Hàn, dân chúng sẽ liên tưởng đến hai miền Nam và Bắc Việt Nam ngày trước.

Từ Đông sang Tây, chế độ độc tài nào cũng sợ dân nổi dậy, chế độ độc tài nào cũng có nhiều nhà tù và lực lượng công an, cảnh sát hùng hậu để bảo vệ chế độ và trấn áp quần chúng. Vậy chúng ta cần làm những gì mà chế độ trong nước đang lo sợ.

Huy Phương

‘Con nhà nghèo!’

‘Con nhà nghèo!’

Huy Phương

Chi phí chữa bệnh tại Mỹ cao hơn nhiều quốc gia ở Âu Châu và Nhật Bản. (Hình minh họa: Getty Images)

Nhắc đến chuyện nghèo, chúng ta nhớ lại hình ảnh của một nhân vật “con nhà nghèo” trong tập truyện cùng tên, xuất bản năm 1930 của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Cuốn tiểu thuyết này mô tả hoàn cảnh của một nông dân Nam Bộ là Cai tuần Bưởi, một anh nông dân hiền lành chất phác, cần cù lao động, thuộc loại “con nhà nghèo.”

Vợ chồng quanh năm “dang nắng cầm cày, dầm mưa nhổ mạ” vẫn nghèo, cơm không đủ no. “Năm nào lúa thất, đong lúa rồi không còn dư hột nào, thì phải lo làm mướn đặng lấy số tiền mà độ nhựt.” Trong câu chuyện này, không nghe Ông Hồ Biểu Chánh nói chuyện gia đình Cai tuần Bưởi gặp lúc đau ốm, thì ra làm sao?

Con nhà nghèo ở Mỹ thì có trợ cấp tiền mặt, phiếu thực phẩm, trợ cấp gia cư, vào bệnh viện chữa bệnh không mất tiền, đi bác sĩ và mua thuốc tốn phí đã có chính phủ lo. Không có phương tiện đi khám bệnh hay giải trí, đã có xe “nhà nước,” ở nhà ốm đau, già yếu, không vào bếp được cũng có người “chính phủ” đến phụ việc nấu nướng.

Cái câu nói mà chúng ta vẫn thường nghe hoài, nghe mãi, là: “Ở Mỹ, một là thật giàu, hai là thật nghèo, chứ dở dở ương ương là chết!”

Mới đây trên một tờ báo Việt ở Orange County có kể câu chuyện gia đình một đại gia thành đạt ở Sài Gòn, có dịp đi du lịch, ghé thăm vợ chồng một người bạn cũ thời niên thiếu ở Mỹ. Ông bà đại gia này ở Việt Nam có xe hơi sang, nhà nhiều phòng, có tiền tích lũy trong ngân hàng, nhà có hai người giúp việc, có tài xế túc trực lái xe mỗi ngày. Nhưng khi đến thăm người bạn cũ, họ thất kinh, khi được rõ thế nào là gia đình một người “con nhà nghèo” ở Mỹ.

Hai vợ chồng “con nhà nghèo” đang chạy một chiếc xe Toyotya Camry 2012, ở một căn apartment 2 phòng, tiền thuê theo giá thị trường hiện nay khoảng $1,600, nhưng có trợ cấp housing, đôi vợ chồng này chỉ trả cho chủ nhân $420 mỗi tháng. Mỗi tháng họ có tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ, đủ lo việc ăn uống, trả tiền thuê nhà, thêm một ít phiếu lương thực (foodstamp) để đi chợ mua thức ăn. Thỉnh thoảng họ cũng có đủ tiền đi thăm con cái ở một vài tiểu bang khác. Vợ chồng “con nhà nghèo” ở Mỹ này, đau ốm đi bác sĩ, mua thuốc khỏi tốn tiền. Ngạc nhiên quá đỗi là trong khi bà bạn ngồi đánh bài tứ sắc với mấy bà lối xóm, thì có “người giúp việc” đến nấu, dọn ăn và quét dọn nhà cửa. Nếu có hẹn phải đi bác sĩ thì cũng có người đưa rước!

Lúc ngặt nghèo, vào bệnh viện, họ cũng được đối đãi như những đại gia khác (tầng lớp có lương cao, hay bác sĩ kỹ sư…) Họ được một phòng riêng, hưởng tiêu chuẩn thuốc men, săn sóc như mọi người khác nằm trong bệnh viện.

Số tiền mà chính phủ trả ra hằng năm cho chuyện y tế của “con nhà nghèo” này không phải là một số tiền nhỏ. Chúng ta cũng nên biết rằng chi phí thuốc men hiện nay ở Hoa Kỳ rất đắt, gấp đôi so với những quốc gia tiên tiến khác. Vì giới hạn của trang báo chúng tôi chỉ nêu lên ở đây một vài quốc gia.

Ví dụ như chi phí y tế mỗi năm cho mỗi người ở Mỹ là $10,224 thì chi phí này đắt gần gấp đôi nước Đức ($5.728) Áo ($5,440) Pháp ($4,902) và gấp đôi đối với Nhật ($4,543) Úc ($4,717) và Anh ($4,246.)

Xin nêu một vài con số trong bài báo nêu trên và một ít tài liệu tra cứu.

Vào phòng cấp cứu có bốn giờ, xét nghiệm: $17,000. (Arizona)

Nằm bệnh viện 15 ngày: $285,000. (Rosemead, California)

Giải phẫu thay một quả thận: $120,000. Nằm bệnh viện sau giải phẫu thận: $40,000 một tuần – Sinh mổ: $17,542- Chăm sóc em bé trong ba ngày: $9,350 (Illinois)

Một ca sinh mổ và nằm bệnh viện ba ngày: $16,280. (Westminster, California)

Sinh con, nằm bệnh viện một tuần: $106,000. (Florida)

Sinh đôi, con phải nằm lồng kính trong ba tháng. Phần con: 5 triệu- Phần chi phí cho mẹ: $65,000 (Avocate Illinois Masonic Medical Center.)

Chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh dưới 28 ngày tuổi (mỗi ngày): $4,825

Chăm sóc trẻ sơ sinh thông thường (mỗi ngày): $2,943 (FAIR Health, Hoa Kỳ)

Chụp MRI: $6,000 một lần- 5 tiếng nằm trong bệnh viện: $24,066. (Chicago, Illinois)

Lọc thận (mỗi năm): $89,000 cho một người. (USA).

Cũng nên biết qua những tốn phí khi bệnh nhân phải vào bệnh viện để giải phẩu, đó là chi phí phải trả cho bác sĩ phẫu thuật, chi phí hóa trị, tiền thuốc, chi phí xạ trị, chi phí gây mê. Tổng cộng chi phí cho một lần phẩu thuật như vậy không phải là nhỏ.

Một ca mổ tim- làm bypass: $70,000- $200,000. (California)

Một ca mổ ruột thừa (appendix): $33.000 (có bệnh viện lên đến $200.000.)

Một ca mổ ruột sa (hernia): $4,000 đến $11,000.

Chỉ tính chi phí riêng cho bác sĩ gây mê: $3,985.

Khi phải vào bệnh viện để giải phẩu, tiền nằm bệnh viện khá cao. Ở Orange County, California, giá của:

-Fountain Valley Regional Hospital & Medical Center: $989.

-Hoag Memorial Hospital Presbyterian: $1,037 cho mỗi ngày. (Chưa bao gồm thuốc thang hay bác sĩ, y tá chăm sóc.)

Nằm trong nursing home: $225 mỗi ngày – $6,844 cho mỗi tháng (phòng hai người), $253 mỗi ngày hay $7,698 mỗi tháng cho phòng một người.

Thử nhìn lại, giới con nhà nghèo chúng ta, từ ngày đặt chân lên đất Mỹ đến nay, đã tiêu xài của nước Mỹ bao nhiêu tiền, trong đó phải nói là chi phí y tế của mỗi người coi như tốn kém nhất. $500,000; $1,000,000 hay hơn thế nữa?

Chúng ta đang sinh sống ở Mỹ, nếu không có bảo hiểm sức khỏe hay không thuộc giới “con nhà nghèo,” và với tốn phí y tế cao như vậy, không tiền chắc phải chịu chết, mà có tiền cũng “thà chết còn hơn,” không dám gọi xe cấp cứu 9-1-1 để được đưa vào bệnh viện!

Nhưng ở Hoa Kỳ, tất cả những chi phí y tế của “con nhà nghèo” đều do quỹ Medicare của Liên Bang và Medicaid của tiểu bang trả, mà các bệnh nhân này không phải bỏ ra một đồng nào.

Trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, đây là một vấn đề khá tế nhị, chúng tôi chỉ xin trích lời của Bác Sĩ Nguyễn Hùng, hiện nay đang hành nghề tại Quận Cam, đã nói với phóng viên Người Việt.

“Điều tôi trăn trở nhất, là hệ thống bảo hiểm y tế Mỹ tồn tại nhiều bất công cho những người “tax payer.” Họ đi làm đóng thuế cả đời, tới khi về già 65 tuổi, được hưởng Medicare. Nhưng Medicare lại chỉ chi trả khoảng 80% tiền thuốc mà thôi. Trong khi đó, có những người không đi làm gì, hoặc làm rất ít để giữ cho ‘low income,’ không đóng thuế gì hết, thì lại được chính phủ cho MediCal, loại bảo hiểm này rất mạnh, chi trả gần như toàn bộ tiền thuốc.”

Vậy mà cũng chưa thỏa mãn. Nhiều vị cao niên còn mạnh khỏe, đi đứng, lái xe được, còn hưởng thêm khoản day-care, đến tập luyện, vui chơi, ăn uống tại những địa điểm của các nhà thầu tư nhân thiết lập.

Vụ này quỹ Medicare còn phải chi thêm cho quý vị, một ngày $70. Trung bình mỗi năm những người này tiêu thêm của chính phủ $20,000. Có những dịch vụ xoa bóp (massage) nếu được các bác sĩ chứng nhận là trị liệu (theraphy) cũng được medicare thanh toán.

Phụ nữ nuôi con bằng sữa được cấp máy hút sữa: $200. Chúng ta xin cấp xe lăn điện (power wheelchair) nhưng không dùng đến, giá mỗi xe chính phủ phải trả ra từ $12,000 cho đến $21,000.

Trong khi đó giá xe cao nhất ở RehabMart là $3,000 và ở Walmart có loại rẻ nhất chỉ có $600.

Chúng ta xin cấp tã lót vô hạn định, dùng không hết. Giá tã $12/bịch x 2 = $24 nhưng medicare phải trả $42.50. Một bác sĩ cho biết, bị bệnh cao huyết áp, phải dùng thuốc Telmisartan 40 mg, giá Medicare phải trả là $80 một vỉ. Trong khi đó, nếu mua ở hiệu thuốc bên ngoài, giá chỉ còn $30!”

Tục ngữ Việt Nam có câu “Con nhà lính, tính nhà quan!”

Chúng ta là “con nhà nghèo” ở Mỹ, nhưng số phận “Trời cho” được xài sang, đến đỗi đại gia ở Việt Nam, lắm tiền nhiều bạc, qua đây, trông thấy còn phải “thất kinh, rụng rời!”

Vậy, tu mấy kiếp mới được xếp loại “con nhà nghèo” ở Mỹ? (Huy Phương)

‘Ngày Mai Đã Muộn Rồi!’

‘Ngày Mai Đã Muộn Rồi!’

Huy Phương

Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy hôm 15 Tháng Tư, 2019 trong sự tiếc nuối của hàng triệu người, nhất là những ai đang có dự định đến thăm nơi này. (Hình minh họa: Getty Images)

Ở thời niên thiếu, chúng tôi đã được xem một cuốn phim tình cảm đen trắng do Ý sản xuất trong một rạp chiếu bóng ở một tỉnh nhỏ miền Trung. Cuốn phim mang tên “Ngày Mai Đã Muộn Rồi,” (Demain c’est trop tard!) liên quan đến việc giáo dục giới tính phù hợp cho giới trẻ. Cuốn phim nêu ra chuyện nếu hôm nay không được chỉnh sửa hay là được làm đúng, ngày mai đã quá trễ, muộn màng.

Tuổi ấy, chúng tôi không hiểu nhiều về tình tiết của câu chuyện, và luận đề cuốn phim đưa ra, nhưng sau này, rất thích lập lại tên của cuốn phim trong nhiều tình huống của cuộc sống. Phải chăng, đừng để đến ngày mai mà muộn màng, những gì làm được hôm nay thì hãy làm.

Thời gian cứ trôi đi và chẳng bao giờ dừng lại để chờ đợi ai, cũng chẳng chờ cho chúng ta làm xong việc này hay kết thúc một việc khác. Một ngày qua đi và một ngày không trở lại, và công việc ấy chúng ta không làm hôm nay, sẽ không bao giờ chúng ta có cơ hội thực hiện nữa. Không phải là cứ một đời người, hay một năm, mà một ngày cũng đã là quá muộn!

Bạn tôi đang nằm trong bệnh viện, vừa qua một cuộc giải phẫu khá quan trọng. Tôi có dự định đi thăm người bạn ấy hôm nay, nhưng quen thói lần lữa, giải đãi, lòng hẹn lòng đợi một này nào đó, thật rỗi rảnh sẽ đi thăm bạn. Nhưng cái ngày đó không bao giờ đến, vì chỉ vài ngày sau đó, bạn tôi đã từ giã cuộc đời này, mà tôi thì vẫn chưa thực hiện được cuộc viếng thăm đơn giản ấy, nên lòng ân hận mãi.

Thân bằng quyến thuộc của chúng ta không thiếu gì những người già, đang nằm trong bệnh viện, nhà dưỡng lão, như ngọn đèn cạn dầu trước gió, cần một lần thăm viếng, một cái cầm tay hay một lời nói thân tình. Những người này không còn thời gian để đợi chúng ta, mà chúng ta thì cứ mãi “lòng hẹn lòng!”

Có bao nhiêu bậc cha mẹ già, trên ngưỡng cửa ngôi nhà xưa, ngóng chờ những đứa con trở về một lần thăm viếng. Nhưng rồi thì vì thời gian bận rộn vì công việc làm ăn, cuối tuần còn đưa con đi chơi thể thao, học đàn, học võ; kẹt một chuyến du lịch xa, hay bận rộn vì con chó con mèo, con cá lia thia trong chậu, sợ bỏ đói, không ai chăm sóc.

Thật lòng không biết có ai hối hận không, nhưng đừng để bao giờ phải hối hận.

Giá mà ta làm việc ấy hôm nay, hay tự đặt cho mình một mệnh lệnh: “Hãy làm việc ấy hôm nay!” Ngày không thể không đi và đêm không đến vì việc ấy ta làm chưa xong!

Suốt đời, chúng ta đã bỏ bao nhiêu cơ hội, để làm một việc hay để nói một lời.

Không phải đến bây giờ người ta mới nhắc nhở “Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ. Đừng để ngày mai đến lúc tôi xa người… (*) mà ngày xưa, tình duyên đôi lứa đã một lần muộn màng, vì người con trai đã bỏ đi cơ hội nghìn vàng, để ngậm ngùi suốt đời.

“Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết bao giờ gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

Có người hối hận để mất một cuộc tình, nhưng cũng có người đánh lỡ mất cả cuộc đời, để rồi than thở:

“Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!” (TTKh.)

Richard Templar là một tác giả người Anh, người đã viết nhiều cuốn sách về con đường thành công trong cuộc sống. Ông chia sẻ “con đường dẫn đến thành công” của mình trong một loạt sách, trong đó 100 quy tắc đơn giản được trình bày để đạt được thành công, trong kinh doanh, tiền bạc hoặc cuộc sống nói chung. Và “quy tắc của cuộc sống” của Richard Templar là “đừng để qua ngày mai!”

Người ta thường hẹn trong ngày mai sẽ làm công việc dự định hôm nay, nhưng đối với nhà thơ Norma Cornett Marek lại khác: “Ngày Mai Không Bao Giờ Đến!” đó cũng là tựa đề bài thơ của bà. “Nếu ta đang chờ ngày mai đến thì tại sao lại không làm điều đó ngày hôm nay? Vì nếu ngày mai không bao giờ đến, thì chắc chắn ta sẽ hối tiếc suốt phần đời còn lại của mình!”

Không ai biết đây là lần gặp gỡ cuối cùng, một lời nói giã biệt, vì không một ai, trong chúng ta, trẻ hay già, đoan chắc rằng, họ sẽ sống qua hôm nay, để ngày mai thấy mặt trời lên! Trên trái đất này, đêm nay có những người cũng lên giường như chúng ta, nhưng ngày mai, họ không còn thức trở dậy!

Đó chính là ân huệ của cuộc đời chứ không phải là một chuyện đương nhiên: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương!

Xin đừng để quá trễ, hãy nói với ai đó một lời yêu thương hôm nay. Hãy nói một lời xin lỗi. Hãy nói một lời cám ơn. Nếu ai cũng nghĩ rằng hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc sống để hành động, để yêu thương, để dịu dàng với nhau…thì cuộc đời này đẹp biết bao nhiêu!

Xin hãy làm điều đó hôm nay. Ngày mai đã muộn rồi! (Huy Phương)

(*) Trần Duy Đức- Ngô Tịnh Yên

Nhân tính

Nhân tính

Huy Phương

Kẻ ấu dâm Nguyễn Hữu Linh bị truyền thông bủa vây trong ngày ra tòa ở Sài Gòn hôm 25 Tháng Sáu 2019. (Hình: Thanh Niên)

Nói ngắn gọn, nhân tính là bản tính tốt đẹp của con người, tương phản với thú tính là tính của súc vật hay là bản năng của loài thú.

Con người cũng có hai mặt tương phản, một phần tốt hướng thượng thanh cao, một phần kia xấu xa, thấp hèn, nhưng con người bị ràng buộc bởi xã hội, tập thể, kỷ luật, luân lý hay đạo đức nên phải tự hạn chế những thèm muốn, đói khát của mình. Con thú khát thì uống, đói thì kiếm ăn, lên cơn dục vọng thì làm tình như loài chó mà người ta dùng chữ “cẩu hợp” để nói về trường hợp này.

Với con người phàm tục, thế gian thường dùng chữ “lợn lòng” hay “máu dê” để nói đến tính dâm của con người. Dê hay lợn đều là những con thú. Những ai nổi cơn lợn lòng hay nổi máu dê đều là những người không đè nén nỗi thú tính, dâm dục, tức là phần xấu xa thấp hèn của mình.

Ở Hà Nội, Đỗ Mạnh Hùng, trong một lần trong thang máy đã dồn một cô gái vào góc thang máy và hôn cô này nhưng bị chống trả quyết liệt. Con thú này chỉ bị nộp phạt 200,000 đồng.

Tại Sài Gòn, Nguyễn Hữu Linh tấn công một em bé vị thành niên, 9 tuổi cũng ở trong thang máy. Y ép em bé vào tường, sờ soạng và hôn em bé hai lần, hành động này kéo dài 27 giây. Y sắp bị đưa ra tòa.

Hồ Xuân Mãn, ủy viên Trung Ương Đảng, bí thư Tỉnh Ủy Thừa Thiên Huế, trong khi “du hành” ở một quán ăn trong thành phố, đã không cầm lòng được trước nhan sắc của một cô tiếp viên chỉ đáng tuổi con cháu mình, đã ôm hôn cô này trước mặt mọi người. Hậu quả là tên bí thư tỉnh ủy này bị cô tiếp viên thẳng tay, tát vào mặt giữa quán đông người.

Cả ba nhân vật trên đều là loại có máu dê và tư cách hạ tiện, không đè nén nỗi “con lợn lòng” hành xử theo bản năng của loài thú.

Con thú này là một Ủy Viên Trung Ương đảng Cộng Sản, đã được phong “Anh hùng lực lượng vũ trang,” được tuyên dương là “Cá nhân tiêu biểu” trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”! Y chỉ bị rời chức vụ không lâu sau đó, nhưng không phải vì lý do trên.

Phải chi như ngày xưa ở bên Tàu thì những con thú chức quyền này đã sai lâu la bắt phụ nữ đem về dinh hay vây màn giữa chợ mà hành lạc ngay cho thỏa cơn dục vọng.

Con thú đói thì sục sạo tìm mồi, máu dâm nổi lên thì đi tìm giống cái, thấy của thì nổi lòng tham, tranh đoạt về cho mình.

Ở Quảng Nam, Nguyễn Quý, đánh gãy tay một em bé bán vé số chỉ để lấy hết tiền bán vé 1.2 triệu đồng của em này.

Ở Hóc Môn, Nguyễn Hoàng Nam, dùng dao sát hại mẹ, tìm giết cả bà nội và cha rồi bỏ trốn mà không phải ở trong tình trang say rượu hay phê thuốc.

Ở Bạc Liêu, Nguyễn Văn Bé Sáu và Huỳnh Văn Định qua đường thấy một người bị tai nạn giao thông nằm bất tỉnh bên đường, quay lại lấy xe máy của nạn nhân đem đi bán.

Cả bọn thanh niên ở Điện Biên bắt cóc, giam cầm, hiếp dâm rồi giết chết một cô gái bán gà trong buổi chiều 30 Tết.

Cái ác hiện hình khắp nơi, báo Công An Nhân Dân ở các tỉnh, thành bán đắt như tôm tươi vì đăng toàn tin giết người, hiếp dâm, lường gạt, mò mẫm trẻ em, gợi sự hiếu kỳ của dân chúng, thét rồi tội ác mất nhân tính, nghe lâu thành quen, lâu ngày đã trở thành “chuyện thường ngày ở… Huyện!”

Tính người không có trong xã hội này khi một tài xế cán người, vứt lại bên lề đường rồi bỏ chạy hay cán người trọng thương, rồi lui xe cán nạn nhân cho đến chết, vì bồi thường cho người chết rẻ hơn lo thuốc thang, đền bù thương tật cho người sống.

Chương trình giáo khoa trong học đường có được một bài học nào có tính cách “luân lý giáo khoa thư?”

Muốn phát triển tính nhân bản, con người hay pháp chế quốc gia phải có hai biện pháp song hành là giáo dục và trừng phạt. Giáo dục cho quần chúng biết hướng thiện, tôn trọng giá trị đạo đức của xã hội loài người và trừng phạt những con người vi phạm những nguyên tắc đạo đức chung.

Không có sách vở nào cổ vũ nhân tính và đề cao nhân tính, ngoài vài chuyện dân nhặt được tiền đem trả lại cho khổ chủ và một hai anh công an chở thí sinh đi thi cho kịp giờ. Trái lại vi phạm nguyên tắc đạo lý như thủ phạm ôm hôn một phụ nữ cùng đi thang máy chỉ bị phạt 2 triệu đồng Việt Nam, hay có dính líu gì đến pháp luật thì cứ bình tĩnh giương cao thẻ đảng!

Biện minh cho việc nhẹ tay trong bản án này, một Luật Sư (?) của chế độ này đã nói: “với hành vi cưỡng ép hôn trong thang máy, pháp luật Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho loại vi phạm này!”

Pháp luật Việt Nam chưa có luật nào ngăn cấm việc xúc phạm đến xác thịt và thân thể người khác, vậy thì cứ… tự nhiên cho thú tính phát triển.

Chỉ nội hơn 100 mẩu chuyện nhỏ trong Luân Lý Giáo Khoa Thư Lớp Đồng Ấu (lớp I) và Sơ Đẳng (lớp 2) mà chúng ta, học cho xong cũng đủ hết một đời.

Vậy cũng chẳng nên than trách: “Sao thời này người ta sống với nhau súc vật đến thế!” (Huy Phương)

Từ cái lon đến cái lu

Từ cái lon đến cái lu

Huy Phương

Cả nước đang cười ầm lên vì chuyện cái lu của Tiến Sĩ Phan Thị Hồng Xuân vì bà đưa ra ý kiến, mỗi nhà dân ở Sài Gòn nên có một cái lu chứa nước để chống ngập mỗi khi có trời mưa. (Hình minh họa: Q.D./Người Việt)

Cuộc đời quá khổ và quá buồn, nên đôi khi chúng ta cần một vài phút “thư giãn,” để giãn ra cái gì đang căng và thư thả lại cái gì đang gấp. Muốn được như vậy cứ mở vào những trang báo Việt Nam là đủ. “Tuổi già hạt lệ như sương,” khóc thì khó có nước mắt, nhưng cười thì hỉ hả, miễn là giữ lại hàm răng giả thật chặt. “Cười ra nước mắt!” Ai than là tuổi già khô nước mắt để khóc, nhưng lúc cười nước mắt lại tuôn, vậy cười hay khóc cũng giống nghĩa như nhau.

Tôi nghĩ chưa lúc nào đất nước Việt Nam lại có những đầu óc siêu phàm như hôm nay, đúng như thành ngữ người ta đã hoang tưởng dùng nó để tự ca tụng mình là “đỉnh cao trí tuệ!” Không những đã được mang danh trí thức mà còn đầy những thứ khoa bảng. Việt Nam hiện nay có hơn 24,000 tiến sĩ và mỗi năm có chỉ tiêu đào tạo thêm khoảng 350 tiến sĩ, thống kê ra thì cứ hơn một ngày thì đất nước có thêm một tiến sĩ? Trong hơn 72,000 giảng viên đại học Việt Nam, số thạc sĩ là 43,000, tiến sĩ là 16,500. Tin hay không tin là quyền của mỗi người.

Những giới chức như đại biểu nhân dân, giám đốc, khoa trưởng khi đã kiếm được chỗ ngồi yên ấm, thì tốt hơn là nên “ngậm miệng ăn tiền” cho qua buổi, đàng này như sợ người ta quên, hay không biết tới mình, nên đã cố gắng kiếm cơ hội để phát biểu đôi câu “để đời,” không phải lưu danh muôn thuở mà tiếc thay lại “lưu xú vạn niên!”

Bà Phan Thị Hồng Xuân

Gần đây, cái thứ “anh hoa” này lại có phong trào “phát tiết” ra từ phe phụ nữ, mà sao thời nay đàn bà lắm miệng nhiều đến thế? Hãy nghe một giáo sư-tiến sĩ là Vũ Thị Nhung, chủ tịch Hội Phụ Sản TP.HCM, khuyến khích các bậc cha mẹ: “Để giúp đời sống tình dục của con cái mình trong tương lai, cha mẹ hãy thể hiện                                     cách làm tình với nhau trước mặt bọn trẻ.”

Có lẽ vì đang ám ảnh cái ấy và chuyện ấy, khi hãng Coca-Cola Việt Nam quảng cáo sản phẩm của mình bằng slogan “Mở lon Việt Nam” thì bà khác là cục trưởng Cục Văn Hóa Cơ Sở thuộc Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch, la toáng lên rằng: “Từ ‘lon’ đứng một mình, không gắn với từ Coca-Cola hay bia, có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa; nếu bị thêm dấu, thêm mũ trong các quảng cáo ngoài trời sẽ rất phản cảm!”

Cục trưởng Cục Văn Hóa Cơ Sở cũng nói rõ: “Việc gắn chữ ‘lon’ như cách của Coca-Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như ‘ở Việt Nam,’ ‘tại Việt Nam’… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ… Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó… Từ ‘lon Việt Nam’ có rất nhiều vấn đề!”

Hãng nước ngọt này bị phạt tiền và bảng quảng cáo phải hạ xuống, bỗng chốc mà cái tên Ninh Thị Thu Hương nổi lên như cồn. Quần chúng một mặt buồn cười cái ngớ ngẩn, có quyền lực đang áp đặt một biện pháp lên một dòng chữ quảng cáo bình thường không có gì phải lo sợ vì sự xỏ xiên, xuyên tạc của nó. Chỉ sợ rồi đây, những đầu óc ngu và… ngoan (cố) thế này sẽ đi vào chỗ tăng trưởng quyền lực và cấm đoán thêm cách dùng chữ nghĩa, bằng lối tư duy sợ… bỏ dấu nữa. Sẽ không còn ai dám nói đến cái thứ mà Việt Nam chưa sản xuất nỗi là con “bu-lon,” Hồng Kông nằm bên hông “Cho Lon,” và một loạt sinh hoạt “mung lon,” “gan lon,” “len lon,” “rua lon” của các ông lính…

Nỗi lo sợ của bà Cục Trưởng Ninh Thị Thu Hương là sợ thói quen “chụp mũ” của thiên hạ, trong đó có cả chính quyền. Thiên hạ thì thích “chụp mũ,” “đội ô” lên những chữ không có mũ, chính quyền công an thì thích chụp mũ lên những cá nhân không có mũ, bằng những cái mũ “âm mưu lật đổ chính quyền,” “làm gián điệp ngoại quốc,” “tổ chức Việt Tân…” được kèm theo với vài chục năm tù tội.

Dư luận chưa hết bàn tán chuyện cái lon, thì tiếp đến là chuyện cái lu.

Chúng ta đã biết, đối với người dân thành phố Sài Gòn thì chuyện ngập lụt mỗi khi trời mưa là chuyện vô phương cứu chữa, bao nhiêu kế hoạch, công trình đề ra rồi cũng không đi đến đâu, dân nghe chính quyền nói nhiều mà không thấy tình trạng thay đổi. Nhà nước biện bạch: thứ nhất là thiếu tiền, thứ hai là nhân lực, thứ ba là thời gian, với khối lượng như thế không thể làm trong thời gian ngắn được.

Câu chuyện cái lu bắt đầu từ chiều 12 Tháng Tư, 2019, tại phiên họp của Hội Đồng Nhân Dân TP.HCM, đại biểu Phó Giáo Sư-Tiến Sĩ Phan Thị Hồng Xuân, kiêm một lố chức tước, chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam-Đông Nam Á, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dân Tộc Học-Nhân Học TP.HCM, giảng viên tại Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP.HCM, đã đưa ra ý kiến, mỗi nhà dân ở Sài Gòn nên có một cái lu chứa nước để chống ngập mỗi khi có trời mưa.

Cả nước đang cười ầm lên vì chuyện cái lu của Tiến Sĩ Hồng Xuân, thì bà phân bua với báo chí: “Đây là giải pháp tôi rất tâm huyết, nghiên cứu kỹ lưỡng nên mới đề xuất. Đây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa (?).” Bà cũng nói chuyện này bên Nhật, bên Phi người ta đã làm và không thấy bị ngập. Bà cũng chê người dân “không đủ trình độ,” nghĩa là còn ngu, để hiểu giải pháp “trí tuệ” dùng lu chống ngập của bà!

Người dân phản bác rằng, dù có hàng triệu cái lu cũng không thể chống được úng ngập khi nền xây dựng đô thị thấp, khi có nước sông dâng cao không thể chảy thoát  ra ngoài được. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là kỹ thuật thoát nước và chống ngập úng không theo kịp với tốc độ phát triển đô thị. Hệ thống thoát nước cũ, nhỏ dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu, trong khi người dân vẫn đốn rừng, lấn chiếm, san lấp ao hồ, xả rác ra kênh rạch, làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước. Và nước mưa chảy xuống mỗi nhà đã có lu đựng, nước mưa chảy ngoài đường, trên sông hồ, ngoài đồng ruộng, lu đâu đủ mà hứng và nước ấy chảy đi đâu?

Có người đùa cho rằng họ hàng nhà bà phó tiến sĩ, chắc quê quán ở Lái Thiêu, đang có nghề sản xuất lu đựng nước! Báo Sài Gòn Giải Phóng còn bênh vực tối đa phát minh của bà, so sánh bà với nhà khoa học thông thái là Galileo Galilei, vào thế kỷ thứ XVI, đã tìm ra những định lý về khoa học, nhưng vào thời điểm đó, quan điểm của ông không được chấp nhận và bị quản thúc tại gia cho đến chết.

Giải pháp lấy lu chống ngập của Phan Thị Hồng Xuân không khác gì suy nghĩ phát xuất từ đầu óc ngây ngô của một học sinh lớp Ba trường làng. Nhưng bà này hiện nay là cấp cao của nhiều hội hè và lại là giáo sư Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ở Sài Gòn, làm tôi đâm ra nghi ngờ, phải chăng đây một trong những giáo sư, tiến sĩ, đặc trưng của loại khoa bảng “học giả-bằng mua?” và tiến thân nhờ đảng?

Sau chuyện cười “cái lon,” tiếp đến “cái lu,” rồi ra nay mai, sẽ là cái gì nữa đây, xin vui lòng cho biết tiếp, thưa quý bà? (Huy Phương)

Chết vì rượu

Chết vì rượu

Huy Phương

Việt Nam đang được xem là một “cường quốc” về bia rượu. (Hình: Getty Images)

Tôi không biết uống rượu nhưng khi ai có lòng đem cho mình một chai rượu quý, tôi vẫn dành để biếu lại cho một người bạn thân uống được rượu, mà uống một cách thông minh.

Người xưa phong lưu thì có cầm, kỳ, thi, tửu. Nhà thơ Tú Xương cũng không qua cảnh “một trà, một rượu, một đàn bà.” Rượu luôn luôn đi với thơ, dễ chừng không có rượu, cõi đời không có thơ, (bầu rượu, túi thơ.) Có bạn bè thì phải có rượu “chén chú, chén anh.” (Rượu ngon phải có bạn hiền!)

Một trong những cái “chẳng cũng sướng sao” của Kim Thánh Thán là gặp lúc bạn đến nhà mà đủ tiền mua rượu đãi bạn: “…Người bạn xa mười năm, thình lình đến vào chiều hôm. Mở cửa chào xong, chẳng kịp hỏi đi thuyền hay đi bộ, cũng chẳng kịp mời ngồi ghế hay ngồi giường… Hàn huyên qua loa, liền chạy mau vào nhà trong, sẽ hỏi vợ: “Mình có được như bà vợ Tô Đông Pha, sẵn có rượu để dành không?” Vợ cười, rút cành trâm vàng đưa cho. Tính ra có thể đãi khách được ba ngày… Chẳng cũng sướng sao!”

Trong tình yêu cũng thế: “Em ơi! Lửa tắt, bình khô rượu, Đời vắng em rồi, say với ai?”(VHC).

Trong lễ cưới hỏi của người Việt thì có khay rượu đi đầu, “giúp em một thúng xôi vò, hai con lợn béo, một vò rượu tăm!” Đôi tân lang và tân giai nhân cùng nhau uống rượu làm lễ giao bôi, họ hàng thì nâng ly rượu mừng cho đôi trẻ. Khi vui uống ly rượu mừng, lúc buồn mượn ly rượu giải sầu. Có ly rượu mừng và cũng có ly rượu phạt. Trong Tam Quốc Chí thì “Quan Vũ lên ngựa ra chém Hoa Hùng, chạy về chén rượu uống dở vẫn còn nóng!”

Người Trung Hoa, người Việt thì đám cưới cũng rượu, đám tang cũng rượu. Không có rượu, coi như lễ nghĩa không thành (Vô tửu bất thành lễ). Trong nhiều nghi lễ khác cũng cần có rượu, đặc biệt là trong các nghi lễ cưới hỏi. Trong phong tục cưới hỏi của người Việt, khay trầu rượu luôn được đi hàng đầu. Như vậy thì chúng ta cũng có thể nói: rượu là một nét văn hóa của người Việt.

Tai hại của rượu thì ai cũng đã thấy. Ngay ở Hoa Kỳ, tệ nạn nghiện rượu từng là thảm kịch trong gia đình của Tổng Thống Donald Trump. Người anh của ông là Fred Jr. đã qua đời vào năm 1981, vì nghiện rượu. Gia đình Ông Trump không ai uống rượu, năm ngoái (2018), ông đã tặng $100,000 trích từ tiền lương của ông trong quý thứ ba của năm cho cơ quan “National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism.”

Và ngày nay, thế giới đang báo động vì tai nạn uống rượu lái xe gây chết người.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO nói rượu là thủ phạm đứng hạng 3 gây ra số người chết và thương tật nhiều nhất trên thế giới, ước chừng có 2.5 triệu người chết mỗi năm.

Ở Hoa Kỳ, nghiên cứu cũng cho thấy rằng 5 thành phố tại California, như Vista, Hemet, Delano, Murrieta, và Pittsburg, việc tử vong do DUI (Driving under the influence – Lái xe dưới sự ảnh hưởng của rượu hay ma túy), gia tăng từ 140 tới 700% từ năm 2012 tới 2017. Trong thời gian 5 năm, hơn 5,500 người chết từ tai nạn do say rượu lái xe tại California.

Nhưng ở Mỹ có luật lệ nghiêm minh, cơ quan cảnh sát cũng làm việc đứng đắn, dân trí cao nên rượu không phải chuyện “quốc nạn” như ở đất nước Việt Nam.

Ở Việt Nam, chỉ tính trong một năm 2016, ước tính có 79,000 người chết vì uống rượu bia, và hàng trăm ngàn người khác phải vào bệnh viện vì các bệnh liên quan đến rượu như gan, tim mạch, ung thư, đột quỵ.

Việt Nam được xem là một “cường quốc” về rượu. WHO cho biết người Việt tiêu thụ trung bình một người trên 15 tuổi tiêu thụ 8.3 lít cồn nguyên chất trong năm 2016, trong khi các quốc gia trong khu vực sử dụng ít hơn nhiều như ở Mông Cổ là 7.4 lít, Trung Quốc là 7.2 lít, Campuchia là 6.7 lít, Philippine là 6.6 lít và Singapore chỉ có 2 lít.

Đàn ông Việt Nam sử dụng rượu bia càng ngày càng tăng, cứ 100 người đàn ông thì có 77% người uống rượu bia, gia tăng từ năm 2015 so với năm 2010 là 15%.

Rượu “góp mặt” trong 70% số vụ phạm pháp hình sự ở nhóm dưới 30 tuổi (giết người, hiếp dâm…)

Mỗi năm có, 4,800 người tử vong do tai nạn giao thông vì say rượu. Dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua có 60% trong số 500 ca cấp cứu nhập viện liên quan đến rượu bia. Ước tính thiệt hại kinh tế do rượu bia, mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 65,000 tỉ đồng (khoảng $2.8 tỷ).

Bây giờ rượu không còn “nhấp” hay “nhâm nhi” mà phải “nhậu,” “nốc,” “dzô!” Uống rượu ngày nay không còn là cái thú tao nhã, phong lưu nữa mà đã trở thành một tệ nạn, lan tràn khắp đất nước. Đám cưới phải nhậu, đám ma cũng nhậu, mừng nhà mới, con tốt nghiệp cũng nhậu, lên lương, lên chức cũng nhậu, thảo luận làm ăn, ký khế ước cũng nhậu, mừng vô đảng viên cũng nhậu. Ngày thường nhậu, cuối tuần nhậu nhiều hơn. Rượu vào lời ra, nôn mửa, la lối, đánh giết nhau, vật vã trên vỉa hè, chẳng còn một chút gì gọi là nhân cách.

Và theo quan niệm từ xưa, đàn ông, nam nhi thì phải biết uống rượu. “Nam vô tửu, như kỳ vô phong.” (Đàn ông không rượu, như lá cờ không có gió.) Nhậu mới là đàn ông, nhậu mới là chịu chơi. Xã hội ngày nay, thằng đàn ông không rượu là đồ hèn. (Cởi quần mặc váy đi anh,Về cho con bú, cơm canh lau nhà..) Buổi chiều tan sở, ra thẳng quán nhậu. Không nhậu với thủ trưởng, đồng nghiệp thì đừng hòng có phe cánh hay sống còn.

Chuyện xưa kể, ngày xưa có một chàng trai bị quỷ đòi mạng. Anh chàng van xin tha tội. Quỉ ra điều kiện, phải làm ba việc, uống rượu, đốt nhà hay giết mẹ! Đốt nhà, giết mẹ thì không nỡ, chàng trai chọn điều kiện uống rượu. Nhưng khi rượu vào mất trí khôn, chàng trai đốt nhà rồi giết luôn mẹ. Ngày nay cứ mở Google ra, đánh mấy chữ “Say rượu, giết Mẹ,” sẽ thấy hiện lên hàng trăm trường hợp đi nhậu say rượu về, con trai cầm dao giết mẹ, hay cha giết cả nhà, bạn bè đâm nhau lòi ruột.

Trong chuyện Tam Quốc, có chuyện Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi, ba người tâm đầu ý hợp, cùng nhau uống mấy vò rượu mà kết bái huynh đệ tại vườn đào. Ngày nay ở Việt Nam có chuyện hai anh em kết nghĩa, sau bữa nhậu say túy lúy, ông anh nham nhở sờ vào vùng kín của ông em, khiến người này tức giận vác dao chém chết ông anh kết nghĩa.

Trong văn chương thấy người xưa uống rượu có phong cách, chừng mực, uống rượu như là một thứ nghệ thuật, đắp bồi cho giá trị cuộc sống. Ngày nay, Việt Nam là một nước nghèo, lại mang tiếng là đứng đầu vì rượu chè, tai nạn giao thông, ung thư, án mạng, hiếp dâm, phá thai…con người mất nhân cách, lâm cảnh tù đày…

Nói đến chuyện say rượu, phải nói đến nhân vật Chí Phèo. Nhà văn Nam Cao đã kết án đanh thép cái xã hội phong kiến, thực dân tàn bạo, tàn phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, vùi dập cả đạo đức, nhân tính.

Trong “Bản án chế độ thực dân Pháp,” viết bằng tiếng Pháp và được in năm 1925-1926 trên một tờ báo của Quốc Tế Cộng Sản, Nguyễn Ái Quốc cho rằng Pháp đầu độc dân Việt Nam, bằng cách bắt họ uống rượu theo tiêu chuẩn đầu người (?) Nhưng cứ nhìn con số người chết vì rượu, và những tệ nạn xã hội do rượu gây ra dưới thế hệ Hồ Chí Minh, cái thời mà Tổng Bí Thư đã ca tụng “đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay,” thì cái chế độ này còn độc ác và gây tội lỗi cho dân tộc Việt Nam gấp trăm lần thời nô lệ!

Quốc Hội CSVN hiện nay đang dùng dằng chưa muốn đem việc hạn chế rượu thành luật, vì rượu là “nền văn hóa thế giới,” thậm chí dẫn cả thơ của Hồ Chí Minh, cho rằng “chỉ khi bị tước đoạt tự do mới không được uống rượu!” (Trong tù không rượu cũng không hoa)!

Để giữ gìn sức khỏe, Lãn Ông đã khuyên: “bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà…”(Nửa đêm ba chén rượu, sáng sớm một tuần trà, mỗi ngày cứ như thế, thầy thuốc không đến nhà). Chuyện này không chắc lắm, nhưng “nốc” rượu như Việt Nam ngày nay, bác sĩ cũng chạy xa, xe cứu thương đến nhà, và cuối cùng, đạo tì khiêng xác ra… 

(Huy Phương)