Cách Mạng Mùa Thu: Oán thù chồng chất!

Cách Mạng Mùa Thu: Oán thù chồng chất!

Ghi nhận của Đoàn Thanh Liêm

Năm 2015 này đánh dấu 70 năm kể từ Việt nam dành lại được nền tự chủ độc lập thóat khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp sau biến cố đảo chính vào ngày 9 Tháng Ba, 1945 (1945 – 2015). Nhưng đến ngày 19 Tháng Tám năm đó, thì người Việt Minh Cộng Sản lại tổ chức một “cuộc cướp chính quyền” và tuyên bố ngày đó là khởi sự cho “Cách Mạng Mùa Thu” ở nước ta – theo khuôn khổ “Cách Mạng Tháng Mười” của Liên Xô bắt đầu vào năm 1917.

Sau 70 năm, thời gian đã đủ nguôi ngoai lắng đọng để cho người Việt chúng ta có thể bình tâm luận định về biến cố lịch sử đày dãy những tang thương thống khổ – với biết bao nhiêu máu và nước mắt của hàng triệu người lương dân vô tội đã đổ ra tại khắp nơi trên quê hương đất nước mình.

Nói chung, thì cũng chỉ vì cái chủ trương cuồng tín quá khích gọi là “bạo lực cách mạng”, “chuyên chính vô sản” mà người cộng sản du nhập từ Liên Xô và Trung Cộng vào đất nước ta ngay từ năm 1945, nên mới xảy ra bao nhiêu cuộc thảm sát hàng lọat những người quốc gia yêu nước mà người cộng sản gán cho đủ các thứ nhãn hiệu xấu xa như : “ quân ngụy”, “việt gian”, “phản quốc”, “phản động”, “lưu manh”,“tay sai ngọai bang” v.v… Để rồi họ ra tay truy lùng, trừ diệt khủng bố cực kỳ dã man tàn bạo, không mảy may xót xa thương tiếc đối với người anh em cùng một nòi giống da vàng máu đỏ như chính mình.

Bài viết này nhằm ghi lại những cuộc thảm sát rùng rợn đó và tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của những hành vi cực kỳ tàn ác man rợ do người cộng sản cố tình gây ra ngay kể từ lúc họ mới nắm được chính quyền trong tay kể từ năm 1945 cho đến ngày nay. Xin trình bày một số vụ thảm sát điển hình theo thứ tự thời gian xảy ra lần lượt tại khắp các miền Trung, Nam, Bắc.

I-Những cuộc khủng bố tàn sát man rợ do người cộng sản gây ra tại khắp các nơi trong nước.

1-Vụ thảm sát tín đồ Cao Đài tại Quảng Ngãi Tháng Tám và Tháng Chín, 1945.

Ngay sau khi Việt Minh Cộng Sản chiếm được chính quyền trong tay vào Tháng Tám, 1945, thì tại nhiều làng xã thuộc các huyện Bình Sơn, Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành trong tỉnh Quảng Ngãi đã đồng lọat xảy ra các cuộc tàn sát tập thể (mass killing) tổng cộng lên đến gần 3,000 tín đồ Cao Đài. Có vùng người dân “bị giết hết cả già trẻ lớn bé mà mồ chôn tập thể cùng khắp các miền quê…” Sự việc này đã được Giáo Hữu Ngọc Sách Thanh tại Hoa Kỳ trình bày chi tiết trước Ủy Hội Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc gần đây vào Tháng Tư, 1999.

Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài có bảng liệt kê danh tánh các nạn nhân lên đến con số 2,791 người. Và trong tài liệu nghiên cứu có nhan đề là “Colonial Caodaists” do sử gia Janet Hoskins biên sọan, thì cũng ghi nhận con số 2,791 nạn nhân này. Danh sách này cũng được ghi nơi Đài Tưởng Niệm thiết lập từ năm 1956 tại Quảng Ngãi – mà sau năm 1975 chính quyền cộng sản đã cho triệt hạ phá bỏ hết tất cả mọi dấu tích đi.

Người đồ tể khét tiếng trong vụ thảm sát này có tên là Đặng Bửu sau này giữ chức vụ hiệu trưởng Trường Chính Trị Nguyễn Ái Quốc ở Hà nội.

So với cuộc thảm sát tại Huế hồi Tết Mậu Thân 1968, thì cuộc tàn sát này tại Quảng Ngãi năm 1945 cũng thật là khủng khiếp ghê rợn không kém – nhưng mà nó lại ít được công chúng ở miền Nam trước năm 1975 biết đến. Nhưng có dấu hiệu lạc quan là gần đây giới học giả quốc tế cũng đã có điều kiện tìm hiểu nhiều về vụ thảm sát năm 1945 này.

Nhân tiện, cũng xin ghi thêm là nhà ái quốc Tạ Thu Thâu cũng đã bị Cộng Sản giết hại tại Quảng Ngãi hồi mùa thu năm 1945, vào lúc ông trên đường trở lại miền Nam sau cuộc viếng thăm miền Bắc vài tháng trước đó.

2-Những vụ khủng bố tiêu diệt người quốc gia yêu nước tại miền Nam trong thời gian từ 1945 đến 1947.

Tại miền Nam vào năm 1945, thì tuy không có vụ tàn sáp tập thể có quy mô lớn như tại Quảng Ngãi, nhưng lại có vô số những cuộc ám sát khủng bố giết hại những người quốc gia yêu nước do cán bộ cộng sản theo khunh hướng Đệ Tam Quốc Tế gây ra. Và tổng số các nạn nhân bị giết hại trong các năm 1945, 1946 và 1947 có thể lên đến hàng nhiều ngàn người.

Cụ thể là những nhân vật trí thức có tên tuổi thuộc khuynh hướng Đệ Tứ Quốc Tế (thường được gọi là Trotskystes) thì đều bị giết hại như: Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Hùm v.v… Còn phải kể đến những vị lãnh đạo chính trị nổi tiếng cũng đều bị Cộng Sản chém giết, điển hình như nhân sĩ Bùi Quang Chiêu, vợ chồng bác sĩ Hồ Vĩnh Ký và Nguyễn Thị Sương, luật sư Dương Văn Giáo. v.v…

Tệ hại nhất là vụ sát hại Giáo Chủ Hùynh Phú Sổ người sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo ở miền đồng băng sông Mekong – do người Cộng Sản thực hiện vào Tháng Tư, 1947. Sự việc động trời này đã gây ra mối hận thù dai dẳng kinh khiếp cho hàng triệu tín đồ Hòa Hảo tại khắp miền Nam.

Đối với các tín đồ Cao Đài tại miền Đông Nam Bộ cũng vậy, cán bộ Cộng Sản cũng ra tay tàn sát đến cả hàng ngàn nạn nhân nữa.

Chỉ riêng có một ngày 13 Tháng Mười, 1947, thì đã có đến con số 300 nạn nhân bị Việt Minh Cộng Sản ra tay sát hại tại khu vực Hóc Môn, Thủ Đức chỉ cách thành phố Sài Gòn có chừng vài chục cây số mà thôi.

Người chủ chốt phát động các cuộc tàn sát này chính là Tướng Nguyễn Bình (tên thật là Nguyễn Phương Thảo) do Trung Ương ở Hà Nội phái vào miền Nam để phụ trách điều hành guồng máy chính trị và quân sự tại đây.

3-Những vụ sát hại các thành viên ưu tú của các đảng Đại Việt, Duy Dân và Quốc Dân Đảng ở miền Bắc.

Tại miền Bắc, thì các đảng phái quốc gia như Đại Việt, Duy Dân, Quốc Dân Đảng đều lần lượt bị người Cộng Sản dùng mọi thủ đọan tàn bạo thâm độc mà tiêu diệt cho bằng hết. Điển hình là các lãnh tụ nổi danh như Trương Tử Anh của Đại Việt, Lý Đông A của Duy Dân và vô số những đảng viên ưu tú khác của Quốc Dân Đảng cũng đều bị ám hại bằng cách thủ tiêu hay giam giữ ngặt nghèo trong các trại tù đến nỗi phải bỏ xác nơi xa xôi hẻo lánh – mà thân nhân không hề được thông báo để lo việc ma chay chôn cất và cúng giỗ. Có thể nói tổng số nạn nhân bị sát hại như vậy ở miền Bắc trong thời gian từ năm 1945 đến 1954 phải lên đến con số nhiều ngàn người.

Xin ghi lại vài trường hợp bị bắt giam rồi bị sát hại rất thương tâm của mấy nhân vật rất nổi tiếng như sau:

A-Nhà văn Khái Hưng.

Khái Hưng là một nhà văn nổi tiếng từ thập niên 1930 trong Nhóm Tự Lực Văn Đòan do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khởi xướng. Vào năm 1940, Khái Hưng và họa sĩ Nguyễn Gia Trí bị thực dân Pháp bắt đi an trí tại vùng quê xa Hà nội. Năm 1947, ông đang ở nhà nhạc phụ trong huyện Trực Ninh, Nam Định, thì bị công an Việt Minh đến bắt đi và sát hại rồi vất xác xuống dòng sông Ninh Cơ chỗ gần bến đò Cựa Gà.

B-Bộ trưởng Chu Bá Phượng.

Ông Chu Bá Phượng sinh năm 1908 tại Bắc Giang là một kỹ sư đã từng tham gia vào công trình thiết lập đường xe lửa Đông Dương vào hồi thập niên 1930. Ông còn là một người trong thành phần lãnh đạo nòng cốt của Quốc Dân Đảng. Năm 1946, ông Chu Bá Phượng giữ chức bộ trưởng Kinh Tế trong Chính Phủ Liên Hiệp trong đó có ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch, ông Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch, ông Nguyễn Tường Tam làm bộ trưởng Ngọai Giao. Cuối năm 1946, vì các nhân vật quốc gia như Bảo Đại, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam đều đào thóat ra nước ngòai, nên chỉ còn có một mình ông Chu Bá Phượng bị kẹt lại và phải đi theo văn phòng chính phủ di tản lên chiến khu ở Việt Bắc.

Không bao lâu sau, ông Phượng bị đem đi quản chế ngặt nghèo tại vùng Hà Giang, Sơn La. Và từ cuối năm 1960, thì gia đình ông ở Hà Nội không hề nhận được bất kỳ tin tức nào của ông nữa. Mấy chục năm sau vào đầu thập niên 1990, con cháu mới nhờ người sử dụng ngọai cảm mà tìm được hài cốt của ông tại nơi rừng núi hoang vắng vùng Việt Bắc giáp giới với Trung Quốc và cải táng đem về quê nhà ở miền xuôi.

Giám đốc công an ở miền Bắc thời đó chính là ông Lê Giản, ông này phải chịu trách nhiệm nghiêm trọng về các cuộc đàn áp và giết chóc này.

II-Tìm hiểu nguyên do tại sao người cộng sản lại gây ra những vụ tàn sát với quy mô rộng lớn khủng khiếp như thế?

Trước khi đi sâu vào vấn đề, ta cần phải tĩnh trí để nhận định tình hình xã hội chính trị thực tế ở nước ta vào thời kỳ trước năm 1945 đại khái như thế này:

1-Không hề có sự ân óan thù hận nào giữa người cộng sản với người không Cộng Sản cả. Bởi lẽ vào lúc đó, tất cả hai nhóm đều là những người yêu nước và cùng hành động giống nhau là chống thực dân Pháp. Như vậy là tất cả đều ở cùng chung một phe để đối nghịch chống lại cái ách đô hộ của người Pháp để cùng dành lại nền độc lập tự chủ cho người Việt Nam. Và cả hai nhóm đều bị chính quyền Pháp đàn áp, bị bắt giam chung với nhau trong cùng một nhà tù nữa. Vì cùng có tinh thần yêu nước như nhau, lại cùng là nạn nhân khốn khổ vì sự tàn ác của đế quốc thực dân, cho nên giữa người cộng sản và không cộng sản lúc đó lại có sự thương yêu đùm bọc liên đới gắn bó chặt chẽ với nhau nữa.

Điều này khác hẳn với hai phe Quốc Gia và Cộng Sản ở bên Trung Quốc, vì hai phe đánh phá giành giật, giết chóc lẫn nhau suốt trong mấy chục năm kể từ cuối thập niên 1920 cho đến năm 1949, thì phe Cộng Sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo mới tòan thắng và buộc phe Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu phải rút lui qua đảo Đài Loan. Từ đó mà phe Cộng Sản thắng trận phát động chiến dịch trả thù những người thua trận nào mà còn bị kẹt lại ở nội địa Trung Quốc. Tình trạng này chỉ xảy ra tại Việt Nam năm 1975 sau khi quân đội Cộng Sản từ miền Bắc xâm chiếm được tòan thể lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa.

2-Ấy thế mà tại sao vào năm 1945, khi có chính quyền nắm trong tay được rồi, thì người Cộng Sản lại ra tay tận diệt người quốc gia một cách tàn bạo man rợ đến thế?

Câu trả lời cho vấn nạn này có thể thật ngắn gọn như sau: Đó là do họ áp dụng triệt để cái chủ trương “Bạo Lực Cách Mạng” (the Revolutionary Violence) mà họ học tập được từ Trung Ương Đệ Tam Quốc Tế Comintern do Liên Xô lãnh đạo.

Ngay từ thập niên 1920 cho đến năm 1945, thì đã có đến hàng trăm cán bộ cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam được đào tạo rất bài bản tại Trường Đông Phương tại Moscow do Comintern điều hành. Tại đây, họ được học rất kỹ về kỹ thuật gọi là “agitprop = agitation – propaganda” – tức là tổ chức vận động quần chúng, tuyên truyền và đặc biệt về phương thức gây bạo lọan để tạo thời cơ cướp chính quyền. Họ cũng học được kỹ thuật xây dựng guồng máy công an mật vụ theo mô hình của Liên Xô để kềm kẹp dân chúng một khi họ đã nắm giữ được chính quyền.

Nói vắn tắt là Cộng Sản Việt Nam được Comintern đào tạo hương dẫn rất kỹ về mọi thủ đọan tinh vi để thiết lập được một chế độ độc tài chuyên chính vô sản (proletarian dictatorship). Do đó mà họ đã không từ bỏ bất kỳ một thủ đọan tàn ác vô nhân đạo nào – miễn sao đạt được mục đích tối hậu của đảng Cộng Sản là nắm vững được chính quyền trong gọng kềm sắt thép của mình.

Trái lại, các đảng phái quốc gia khác, thì không hề có được sự huấn luyện đào tạo hay sự yểm trợ vật chất tinh thần nào từ phía ngọai quốc tương tự như của Comintern cấp phát dồi dào cho đảng cộng sản Việt Nam.

Do đó mà từ năm 1945, Cộng Sản đã mặc sức tung hòanh ở Việt Nam với đủ mọi thứ đòn phép thâm độc và quỷ quyệt để vô hiệu hóa và tiêu diệt được mọi sức đối kháng của các đảng phái quốc gia hay của các tổ chức tôn giáo.

III-Tóm lược

Ta có thể tóm lược bài viết này bằng mấy nét chính yếu như sau:

1-Trước năm 1945, những người yêu nước dù là Cộng Sản hay không Cộng Sản, thì đều cùng theo đuổi một mục tiêu là đánh đổ chế độ thực dân Pháp để giành lại nền độc lập cho Việt Nam.

Thế nhưng, từ khi người Cộng Sản nắm giữ được quyền hành trong tay, thì ngay tức khắc họ ra tay tiêu diệt những người yêu nước khác để dành độc quyền riêng cho mình trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế cũng như văn hóa tinh thần. Đó là một thứ độc tài chuyên chế tòan trị (totalitarian dictatorship).

Hâu quả tai hại trầm trọng nhất của chủ trương này là đã phá hoại tận gốc rễ cái nền nếp nhân bản, nhân ái truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta.

2-Dĩ nhiên là trong cái xã hội do thực dân, phong kiến tạo lập ra, thì có đầy rẫy những bất công áp bức. Nhưng vì người Cộng Sản đã cuồng tín du nhập cái chủ trương “hận thù giai cấp”, “bạo lực cách mạng” của Liên Xô và Trung Quốc vào đất nước ta, cho nên mới gây ra không biết bao nhiêu tang thương khổ nhục chết chóc cho tòan thể dân tộc ròng rã suốt 70 năm qua.

Như cha ông chúng ta từ xưa vẫn cảnh báo rằng “Lấy óan báo óan, óan ấy chập chùng”. Thì rõ ràng từ năm 1945 đến nay, đảng Cộng Sản đã liên tiếp gây ra biết bao nhiêu điều oan trái, khốn khổ cho cả hàng mấy chục triêu gia đình lương dân vô tội. Đó là một cái tội tày đình mà “Trời không dung, Đất không tha” cho người Cộng Sản vẫn còn cực kỳ ngoan cố mãi được.

3-Bài viết này là một lời nhắc nhở cho giới lãnh đạo chóp bu Cộng Sản ở Hà Nội phải biết phục thiện và thành khẩn công khai nhận lỗi của mình trước tòan thể dân tộc và dám có can đảm nói lên sự xám hối ăn năn về các tội ác man rợ kinh khủng như thế.

Có làm được như vậy, thì họ mới xứng đáng đón nhận được sự khoan dung tha thứ của đại khối dân tộc Việt Nam vậy./

Westminster California, Tháng Sáu 2015

Tài liệu tham khảo

Bài viết này được xây dựng trên những chứng từ của một số gia đình nạn nhân bị cộng sản sát hại với sự tham khảo từ một số bài nghiên cứu nghiêm túc mới đây của các chuyên gia sử học quốc tế. Cụ thể xin được trưng dẫn ra như sau đây :

1-Nhiều thư của ông Chu Bá Phượng viết về cho con vào cuối thập niên 1950 lúc ông bị quản chế tại Việt bắc. Búc thư sau cùng viết vào cuối năm 1960, sau đó thì biệt tăm luôn.

2-Thông tin do gia đình cụ Lê Quang Sách cung cấp. Cụ Sách năm nay đã 88 tuổi, cụ là người thóat chết trong vụ thảm sát gần 3,000 tín đồ Cao Đài tại Quảng Ngãi vào Tháng Tám và Tháng Chín, 1945.

3-Về các tư liệu lấy từ Internet, thì đặc biệt có các tài liệu sau đây:

A-Vụ tàn sát tín đồ Cao Đài tại Quảng Ngãi vào Tháng Tám và Tháng Chín, 1945 (tiếng Việt). Do tổ chức của Giáo Hội Cao Đài phổ biến trên Trang Nhà “Hành Trình về Chân Lí Đạo” vào ngày 21/3/2015.

B-“Caught between Propaganda and History” by Shawn McHale, 2014. Tài liệu dài 10 trang là bài Điểm sách về cuốn “Lịch sử Nam bộ Kháng chiến” được đăng trong Tủ sách “Cold War International History Project”

C-“Autopsy of a Massacre” – “On a Political Purge in the Early Days of the Indochina War” (Nam Bộ 1947)  by Francois Guillemot, 2010. Tài liệu này dài 40 trang là một bài nghiên cứu rất công phu về sự khủng bố và tàn sát vì lí do chính trị ở miền Nam được đăng trong European Journal of Asian Studies.

D-“The Viet Minh Elimination of National Parties and Groups (1945-47)” by Human Rights Watch, April 23, 2013. Tài liệu dài 17 trang viết chi tiết về việc Việt minh tiêu diệt các đảng phái chính trị tại miền Nam trong giai đọan 1945 – 1947./

Đoàn Thanh Liêm

Giới thiệu sách: Hồng phúc nước Mỹ

Giới thiệu sách: Hồng   phúc   nước   Mỹ

Nguyên tác tiếng Anh  :  American Grace

Tác giả : Robert D. Putnam & David E. Campbell

Nhà xuất bản : Simon & Schuster ấn hành năm 2010

Người giới thiệu : Đòan Thanh Liêm

Đây là một cuốn sách biên sọan rất công phu của hai nhà nghiên cứu xã hội học nổi danh hiện nay tại Mỹ. Cuốn sách trình bày những nhận định thật sâu sắc về sự biến chuyển trong đời sống tâm linh và văn hóa của người dân Mỹ, đặc biệt trong vòng 50 năm vào cuối thế kỷ XX gần đây.  Các tác giả đã dựa trên những thống kê, điều tra (survey), phỏng vấn gần đây nhất, và đã tham khảo đủ thứ tư liệu có giá trị trong suốt quá trình tìm hiểu cân nhắc, để rồi đi tới được những nhận định tổng hợp rành mạch về một trong những vấn đề rất quan trọng và phong phú của khu vực xã hội dân sự hiện nay tại nước Mỹ.

Tác giả thứ nhất, Robert Putnam là giáo sư kỳ cựu tại đại học Harvard, từng là khoa trưởng của Kennedy School of Government và là chủ tịch Hiệp hội Khoa học Chính trị Hoa kỳ. Ông cũng là tác giả của khá nhiều cuốn sách, trong đó cuốn “Bowling Alone : The Collapse and Revival of American Community” xuất bản năm 2000 thuộc lọai sách bán chạy nhất (bestseller). Trong cuốn này, tác giả cảnh báo về sự giảm sút nghiêm trọng về nguồn vốn xã hội (social capital) trong xã hội nước Mỹ vào cuối thế kỷ XX.

Tác giả khác, David Campbell cũng là một giáo sư tại đại học Notre Dame danh tiếng ở Indiana và là một chuyên gia về tôn giáo, chính trị và chính sách công cộng. Ông này cũng là tác giả của một số cuốn sách, trong đó có cuốn được nhiều người chú ý : “Why we vote : How Schools and Communities Shape Our Civic Life ?”

Ngay nhan đề tòan bộ của cuốn sách dài tổng cộng trên 680 trang cũng đã cho người đọc hình dung được giá trị của công trình nghiên cứu khoa học rất công phu, đồ sộ và nghiêm túc của hai tác giả lừng danh này, nhan đề đó ghi chi tiết như sau :

American Grace

How Religion Divides and Unites Us

(Hồng phúc nước Mỹ : Tôn giáo chia rẽ và kết hợp giữa chúng ta như thế nào).

Cuốn sách được phân bố chủ yếu trong 15 chương dài 550 trang, kèm theo 2 phần phụ lục và phần ghi chú xuất xứ dài khỏang 100 trang. Xin ghi tiêu đề của một số chương đáng chú ý như sau :

*Chương 1 : Sự Phân cực và Đa nguyên tôn giáo ở Mỹ (Religious Polarization and Pluralism).

*Chương 6 : Những sáng kiến đổi mới trong Tôn giáo  (Innovations in Religion).

*Chương 7 & 10 : Những đỏan văn minh họa : Sắc tộc, Giới tính và Tôn giáo  –  Tôn giáo và Chính trị đan kẽ với nhau ra sao? (Vignettes)

*Chương 11 : Tôn giáo trong Đời sống Chính trị nước Mỹ (Religion in American Politics).

*Chương 15 cuối cùng : Hồng phúc nước Mỹ : Một dân tộc bao dung nối kết những chia cách tôn giáo như thế nào (America ‘s Grace : How a Tolerant Nation Bridges Its Religious Divides)

A – Mấy nét chính yếu trong cuốn sách.

Nhìn qua cuốn sách, ta có thể ghi nhận một số điểm như sau :

–          Từ lâu, người Mỹ vẫn có niềm tin tôn giáo sâu sắc, nhưng cũng rất khác nhau trong cách hành đạo. Mà họ lại có tinh thần bao dung đặc biệt về tôn giáo. Trong mấy thập niên gần đây, bối cảnh sinh họat tôn giáo đã thay đổi rõ rệt.

–          Từ đầu thập niên 1960, nước Mỹ đã trải qua 3 cuộc chấn động thật mạnh mẽ về mặt tôn giáo. Trước hết, trong thập niên 1960 việc hành đạo bắt đầu giảm sút nhiều. Rồi vào thập niên 1970 và 1980, đã xảy ra phong trào phản ứng bảo thủ với sự phát triển mạnh mẽ của phái hữu, thường được gọi là truyền thống “ Tin Lành Evangelical”. Và từ thập niên 1990, thì giới trẻ bắt đầu tách khỏi sự liên kết giữa tôn giáo với chủ trương chính trị bảo thủ, họ xa rời các giáo hội, nhưng lại không nhất thiết từ bỏ niềm tin tôn giáo.

–           Hậu quả là đang có sự phân cực mỗi ngày một lớn rộng – hàng ngũ bảo thủ và thế tục phóng khóang mỗi bên đều có sự gia tăng về số lượng người theo, cùng lúc với số người ôn hòa ở vào phía giữa hai bên. Số người tự xếp mình không sinh họat với một nhà thờ nào – được tác giả gọi là “nones”- đã gia tăng trong vài chục năm gần đây từ 5% lên đến trên 25%, nhất là trong lớp người trẻ.

–          Với nhiều hôn nhân kết hợp giữa người theo tôn giáo khác nhau (Interfaith marriage), trong các gia đình đã có sự chấp thuận dễ dàng về sự khác biệt trong nếp sống tôn giáo. Tác giả nêu ra mô hình “Nguyên lý Dì Susan” (Aunt Susan Principle) để diễn tả hiện tượng trong nhà có một bà dì đạo đức, thánh thiện, nhưng mà lại có niềm tin tôn giáo khác biệt với đa số trong gia đình.

–          Trong suốt cuốn sách, người đọc có thể dễ dàng nhận ra những khám phá thật lý thú đến ngạc nhiên của các tác giả, điển hình như : * Có đến khỏang 40% các gia đình kết hôn giữa người thuộc tôn giáo khác nhau – * Có đến một phần ba dân Mỹ đã thay đổi tôn giáo cách này hay cách khác – * Cả những người sùng đạo cũng tin tưởng rằng người theo tôn giáo khác vẫn được lên thiên đàng – * Người theo đạo thường cũng là người láng giềng tốt và tham gia nhiều hơn vào các việc từ thiện nhân đạo…

–          Trong nhiều thập niên sắp tới, đây có thể coi như là cuốn sách quan trọng nhất trình bày về đời sống tôn giáo ở nước Mỹ, và cũng là một tài liệu thiết yếu cho sự tìm hiểu về văn hóa trong xã hội Mỹ hiện nay vậy.

B – Giới thiệu một vài chương điển hình.

Chương 9 : Tính Đa dạng, Sắc tộc và Tôn giáo (trang 260-319)

(Diversity, Ethnicity, and Religion)

Là một dân tộc gồm nhiều thế hệ người di dân từ các địa phương khác nhau trên thế giới tới lập nghiệp tại nước Mỹ, nên quốc gia này có tính chất đa dạng nổi bật về mặt chủng tộc, cũng như về truyền thống tôn giáo và văn hóa. Nói chung, thì người Mỹ có tinh thần tôn giáo cao độ (high religiosity) kết hợp với sự đa dạng về sắc tộc và chủng tộc (ethno-racial diversity). Người Tin Lành Da đen và người Do Thái đều có sự liên kết chặt chẽ về mặt chủng tộc và tôn giáo; mà hơn nữa, họ cũng thường có sự đồng nhất trong họat động chính trị.

Người Mỹ gốc Latinh hiện đang góp phần làm gia tăng ảnh hưởng của đạo Công giáo La mã trong xã hội Mỹ. Người di dân gốc từ miền Bắc Âu châu và nước Đức vẫn giữ được truyền thống của Tin Lành theo giáo phái Lutheran.

Và trong số người da trắng, thì từ ba chục năm nay, tỉ lệ chống hôn nhân dị chủng, cũng như nạn kỳ thị đánh giá thấp đối với người da đen đã giảm bớt đáng kể, hiện chỉ còn chừng 5% vẫn giữ thành kiến kỳ thị này.

Chương 13 – Tôn giáo và tính cách Láng giềng tốt (trang 442-492)

(Religion and Good Neighborliness)

Cuộc điều tra rất quy mô lấy tên là “Faith Matters Survey” thực hiện năm 2006 cho ta thấy rằng : người sùng đạo thì tham gia công việc thiện nguyện nhiều hơn và lại đóng góp vào các dự án từ thiện nhân đạo hơn là người không có niềm tin tôn giáo. Người ngoan đạo lại còn tham gia tích cực vào công tác phục vụ cộng đồng tại lối xóm địa phương nơi họ sinh sống.

Bằng nhiều biểu đồ thiết lập rất công phu, tác giả chứng minh sự đóng góp cho xã hội dưới nhiều hình thức như tiền bạc, thời gian công tác thiện nguyện do lớp người sùng đạo thực hiện thường xuyên. Tác giả còn nêu ra sự tín nhiệm của quần chúng thì thường ở mức cao đối với những người có lòng sùng đạo.

Các tác giả cũng xác nhận sự quan sát của nhà nghiên cứu thời danh Alexis de Tocqueville thực hiện vào hồi đầu thế kỷ XIX tại Mỹ rằng : “Tôn giáo đóng góp nhiều cho nền dân chủ ở nước Mỹ”. Bởi vì thông thường người Mỹ ngoan đạo nào thì cũng là một láng giềng tốt và là người công dân tích cực nữa. Lý do chính yếu là do sự gắn bó mật thiết với sinh họat trong cộng đòan tín hữu, nên người sùng đạo dễ dàng hưởng ứng với họat động từ thiện xã hội, thêm vào với công tác thuần túy tôn giáo.

Chương 15 –Nhận định tổng kết : Hồng phúc nước Mỹ (trang 516 -550)

(America’s Grace: How a Tolerant Nation Bridges Its Religious Divides)

Nước Mỹ chia rẽ về phương diện tôn giáo, nhưng so với các lãnh vực khác như chủng tộc, giai cấp hay chính trị, thì sự chia rẽ này cũng lại nhỏ hơn nhiều. Đa số người Mỹ vẫn coi Tôn giáo là một chất keo (glue) gắn liền các thành phần dân tộc lại với nhau. Và các nhà lãnh đạo quốc gia từ Tổng thống Jefferson hồi xưa cho đến Obama ngày nay, thì đều nói tới Thiên chúa, mỗi khi phải lên tiếng kêu gọi sự đòan kết của dân tộc trước những biến cố nghiêm trọng nào. Tu chính án số 1 vẫn được tôn trọng để bảo đảm tính chất đa nguyên về tôn giáo trong xã hội Mỹ. Thống kê mới nhất năm 2006 cho ta thấy có đến 80% người Mỹ coi trọng sự đa dạng về tôn giáo (religious diversity).

Trong nội bộ mỗi gia đình, thì đang có những người có niềm tin tôn giáo khác nhau, mà vẫn thuận thảo chấp nhận sự khác biệt đó. Mà trong số mấy bạn bè thân thiết nhất, thì cũng luôn có người bạn lại có niềm tin khác với mình. Tác giả còn nêu ra mô hình “Nguyên lý Bạn Al của tôi” (My Friend Al Principle) – cũng tương tự như “Nguyên lý Dì Susan” đã ghi ở trên – để làm nổi bật sự thân thiết trong mối quan hệ giữa bạn hữu, mặc dầu họ có niềm tin tôn giáo khác nhau.

Rõ ràng là Tôn giáo được coi như lãnh vực riêng tư của mỗi cá nhân (privacy), mà mọi người khác đều phải tôn trọng. Và đa số người Mỹ ngày nay đều công nhận rằng : “ Cũng có những chân lý căn bản ở trong nhiều tôn giáo khác ”,  chứ không phải chỉ duy nhất trong tôn giáo riêng của mình, thì mới có chân lý mà thôi.

Nói vắn tắt lại, các tác giả lạc quan trước sự kiện là nhờ mạng lưới các mối liên hệ thân thiết giữa các cá nhân đan kết chặt chẽ dày đặc với nhau, mà xã hội nước Mỹ ngày nay đang bảo đảm được tình trạng đa nguyên về tôn giáo. Các mối liên hệ thân thiết trong gia đình, cũng như giữa bạn hữu ngòai xã hội đã giúp cho sự kết hợp được tính cách đa dạng tôn giáo với lòng sùng đạo của các tín đồ theo đuổi các niềm tin tôn giáo khác nhau. Và đó mới chính là “Hồng phúc của nước Mỹ” ở vào đầu thế kỷ XXI vậy.

C – Một công trình nghiên cứu được đánh giá cao.

Cuốn sách American Grace vừa mới ra mắt công chúng chưa đày một năm, mà đã được nhiều thức giả và giới phê bình đánh giá rất cao.  Cụ thể như sử gia Doris Kearns Goodwin, thì bà ghi rằng : “Đây là một công trình vĩ đại, một mô tả dựa trên nền móng của sự nghiên cứu đồ sộ… Rõ rệt, đó là một chiến thắng.”

Học giả Cornel West thuộc Trung tâm Nghiên cứu  người Mỹ gốc Phi châu, Đại học Princeton, thì viết : “ American Grace tức thời đã trở thành một văn bản đúng tiêu chuẩn. Cuốn sách rất cần thiết cho sự tìm hiểu về nền văn hóa tôn giáo đa nguyên của chúng ta. Và sách này cũng gợi hứng cho chúng ta phải đào sâu thêm nữa nền dân chủ đại kết của chúng ta” (our ecumenical democracy).

Giáo sư Jim Cullen dậy tại Trường Fieldston, New York, thì viết : “ Bức thông điệp chính yếu của American Grace  là :” Những chia rẽ xã hội vì lý do tôn giáo trong lối sống ở Mỹ thì rõ rệt là không quan trọng bằng vai trò của Tôn giáo như là một thứ chất keo dính có khả năng gắn chặt trong xã hội “.

Vào đầu năm 2011, trong một cuộc phỏng vấn khá dài với chương trình “Faith and Leadership” (Niềm Tin và Lãnh đạo), tác giả Robert Putnam đã có dịp nhấn mạnh thêm rằng : “ Tác giả David Campbell và tôi đều có ấn tượng sâu sắc về mức độ các tôn giáo ở Mỹ đã luôn cố gắng thích nghi và rất sáng tạo từ nhiều thế kỷ nay. Đó là khía cạnh độc đáo gần như duy nhất của nước Mỹ, nếu so sánh với những nơi khác trên thế giới…” Giáo sư Putnam cũng lại cảnh giác rằng : “ Những tôn giáo mà không chịu thích nghi đổi mới, những tôn giáo mà quá dính líu với chính trị, thì nhất định là không thể tồn tại lâu bền được”.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, giáo sư Putnam còn giải thích rõ ràng thêm :  “Người Thiên chúa giáo da đen (Black Christians) có thái độ khá là khoan dung, hơn là người Thiên chúa giáo da trắng, đối với người Muslim. Tại sao vậy? Đó là do có người Muslim da đen ở Mỹ. Nhiều người da đen có Dì Susan theo đạo Muslim (Muslim Aunt Susan). Và tại nhiều nơi trong nước Mỹ mà vẫn còn sót lại nạn bất khoan dung về tôn giáo, cụ thể như đối với người theo đạo Mormon hay đạo Phật. Đó là vì chúng ta chưa có nhiều những Dì Susan theo đạo Mormon hay theo đạo Phật…” (Mormon Aunt Susan, Buddhist Aunt Susan).

Để tóm tắt lại, người viết xin nhắc thêm một lần nữa rằng : Đây là một cuốn sách nghiên cứu rất có giá trị về sinh họat tôn giáo trong xã hội Mỹ ngày nay ở vào đầu thế kỷ XXI. Các tác giả đã dày công sưu tầm nghiên cứu, và nghiêm túc phân tích nhận định tòan diện vấn đề theo đúng với phương pháp khoa học, khách quan và vô tư.

Và xin trân trọng giới thiệu cuốn sách quý báu này đến với quý bạn đọc muốn tìm hiểu sâu xa hơn về sinh họat của dòng chính trong xã hội nước Mỹ hiện nay vậy./

California, tháng Bảy năm 2011

Đòan Thanh Liêm

NIỀM VUI TUỔI GIÀ

NIỀM VUI TUỔI GIÀ

ĐOÀN THANH LIÊM

Thế hệ chúng tôi đang ở vào lứa tuổi 70 – 80, đã về nghỉ hưu để mà an tâm dưỡng trí được rồi. Cuộc đồi quả thật đã nhiều phen lận đận nổi trôi theo vận nước – vốn từng bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh liên tục suốt 30 năm (1945 – 1975). Và rồi sau đó là chế độ độc tài chuyên chế cộng sản – và bây giờ là cuộc sống định cư ở nước ngòai.

Nhiều người được cái may mắn có con cháu thành đạt, lại có lòng hiếu thảo – nên được các cháu chăm lo săn sóc cho thật là chu đáo từ việc ăn uống, áo quần đến chuyện nhà ở, và gia đình cả ba bốn thế hệ con cháu lại thường có dịp xum họp quây quần bên nhau v.v… Nhờ vậy mà gia đạo có phần được an vui, yên ấm. Đó là niềm an ủi thật lớn lao quý báu cho tuổi già sinh sống xa quê hương bản quán của mình vậy.

Không còn bị vướng mắc với chuyện phải chật vật bươn chải lo toan kiếm sống cho bản thân và cho gia đình với các món “cơm áo gạo tiền” gì gì nữa, nên chúng tôi có thật nhiều thời gian rảnh rỗi – mà có một vài người lại còn than phiền, đại khái như “không biết phải làm cái gì cho hết ngày hết giờ”…Lại nữa, người lớn tuổi thường ít ngủ, hay nằm trằn trọc trên giường, hoặc thức giấc nhiều lần trong đêm để mà lo chuyện “xả cái bàu tâm sự mau bị đày ứ” ấy đi.

Nhưng cũng có người biết chấp nhận cái quy luật muôn thuở của cuộc sống trên cõi đời này, đó là chuyện “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” – tức là cái tiến trình lão hóa do tính chất sinh học khách quan – mà không một sinh vật nào, kể cả bất kỳ con người nào mà lại có thể vượt thóat khỏi được. Nhờ vậy mà họ an tâm vui vẻ tìm cách thích nghi êm thắm với cái quá trình khuôn thước đó.

Trong vòng vài chục năm gần đây, nhờ sự phổ biến rộng rãi của Internet, nên các bạn lớn tuổi của tôi đã có thêm được một nguồn vui mới – khiến làm tăng thêm phẩm chất của cuộc sống – và như vậy là có thêm điều kiện để thực hiện được cái lý tưởng “Sống lâu và Sống có ích” như nhiều người đã tâm niệm từ bấy lâu nay.

Bài viết này nhằm ghi lại cái kinh nghiệm bản thân của một số huynh trưởng và bạn bè thân thiết – mà tôi thường gặp gỡ hay trao đổi qua mạng lưới điện tóan tòan cầu trong thời gian gần đây.

Nói chung, thì môi trường sinh họat ở nước ngòai có tính cách thông thóang hơn – cả về mặt vật chất như thực phẩm, dịch vụ chăm sóc y tế, vệ sinh môi trường thiên nhiên … được bảo đảm trong lành hơn – và cả về mặt văn hóa tinh thần cũng thỏai mái hơn vì không bị công an mật vụ nhòm ngó, kiểm sóat hạn chế mặt này mặt khác. Do đó, mà cuộc sống có được phẩm chất cao hơn (high quality of life) – bà con được tự do sinh họat thỏai mái dễ chịu hơn, thơ thới vô tư hơn.

1 – Trước hết là trường hợp của nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh và của Giáo sư Phó Bá Long.

Cả hai vị này đều đã từ giã cõi đời cách đây không lâu. Nhưng họ đã sống rất thọ và ở tuổi 85 – 87, các vị vẫn còn hăng say nghiên cứu viết lách – mà đặc biệt là sử dụng internet khá thường xuyên trong việc giao tiếp với bà con bạn hữu hay tra cứu tham khảo tài liệu để viết báo viết sách. Nhà báo Sơn Điền còn tham gia viết báo thường xuyên khi đã tới tuổi thượng thọ 90 – ông chỉ ngưng viết vào hơn một tháng trước khi qua đời vào tháng 8 năm 2012 vì tuổi già kiệt sức. Mỗi lần tôi đến San Jose, thì đều ghé thăm ông tại khu cư xá bên cạnh thương xá Lion trên đường King với Tully. Ông luôn giữ được sự bình tĩnh sáng suốt tinh tường của một nhà báo kỳ cựu – mà có tay nghề dễ đến trên 60 năm.

Còn Giáo sư Long, thì vào cuối đời ông vẫn hăng say với nhiều công chuyện về giáo dục và văn hóa. Cụ thể là ông lo việc phổ biến cho công chúng tại Mỹ bản dịch tiếng Anh từ cuốn Hồi ký của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nguyên tác bằng tiếng Pháp “ L’excommunié “ (Kẻ bị khai trừ). Ông Long là môn sinh của Luật sư Tường tại trường Bưởi Hanoi hồi trước năm 1945, và rất mến phục sự uyên bác của vị giáo sư dậy môn văn chương này. Trước khi mất vào năm 2009, ông Long vẫn liên lạc qua e-mail với tôi và ông thúc giục tôi phải chú ý thực hiện rất nhiều việc này chuyện nọ.

2 – Hai nhà văn Uyên Thao và Trần Phong Vũ với Tủ sách Tiếng Quê Hương.

Hai nhà văn kỳ cựu này đã bước vào tuổi bát tuần, nhưng từ nhiều năm nay các anh đã miệt mài làm việc để cống hiến cho độc giả đến trên 50 đầu sách trong Tủ sách Tiếng Quê Hương được ấn hành tại hải ngọai. Nhà văn Uyên Thao bị bệnh thật ngặt nghèo – phải cắt đi đến quá nửa cái bao tử – ấy thế mà suốt ngày đêm vẫn bám sát máy computer – để lo viết bài giới thiệu cũng như biên tập, nhuận sắc cho những cuốn sách do các tác giả trao phó cho việc xuất bản. Anh được bà con trong vùng thủ đô Washington mến mộ vì sức làm việc dẻo dai kiên trì liên tục từ trên cả chục năm nay.

Nhà văn Trần Phong Vũ là bạn học với tôi từ tuổi niên thiếu hồi trước năm 1945  tại thị xã Thái Bình – đến nay tình bạn giữa chúng tôi tính ra đã tới trên 70 năm rồi. Anh là người được bà con ở California đánh giá cao vì rất tháo vát năng nổ trên lãnh vực truyền thông báo chí, đài phát thanh, truyền hình… Và đặc biệt là anh sát cánh với Uyên Thao – người bạn đồng nghiêp lâu năm trong ngành phát thanh và báo chí trước đây ở miền Nam Việt nam – để cùng điều hành Tủ sách Tiếng Quê Hương.

Cả hai anh đều sử dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật hiện đại của Internet, nhờ vậy mà công việc nghiên cứu, biên tập và sáng tác của các anh luôn có năng suất rất cao. Rõ ràng là hai anh đã có niềm say mê với sách vở chữ nghĩa và hiện đang sống thật sung mãn trọn vẹn cái tuổi của lớp người cao niên vậy.

3 – Các bạn đồng môn tại Trường Bưởi & Chu Văn An .

Các bạn cùng học chung với tôi lớp Đệ Nhất Ban Tóan tại Trung học Chu Văn An ở Hanoi niên khóa 1953 – 54, thì nay đều đã bước vào cái tuổi 80 cả rồi. Hiện nay, còn có tới trên 20 bạn vẫn giữ liên lạc được với nhau qua thư từ, điện thọai hay e-mail. Mùa hè năm 2012 vừa qua, tôi ghé qua Paris, thì gặp lại khá nhiều các bạn vốn đã sinh sống tại đó từ trên 50 năm nay – cụ thể là các bạn Phạm Xuân Yêm, Vũ Dương Tuyền, Bạch Lý Từ (em thày Bạch Văn Ngà). Và mấy bạn mới qua đây sau năm 1975 như Đỗ Đăng Di, Võ Thế Hào.

Trong buổi gặp nhau đông đủ tại nhà bạn Yêm ở thị trấn Bourg-la Reine, chúng tôi đã thỏa chí với đủ thứ chuyện hàn huyên tâm sự – nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm của tuổi trẻ thơ mộng từ cái thời 60 năm trước trên đất Bắc. Và đặc biệt, chúng tôi lại còn nói chuyện qua điện thọai với nhiều bạn khác như Bùi Thiệu Tường ở Montréal Canada, Vũ Ngọc Óanh ở San Jose California, Vũ Tiến Thông, Vũ Hữu Bao ở Texas, Ngô Đình Thuấn ở Washington DC v.v… Bạn Di là trưởng lớp vẫn giữ được cái tác phong của con chim đầu đàn nhằm giữ vững cái mối tình keo sơn gắn bó giữa anh em chúng tôi – nhất là bạn lại rất siêng năng với chuyện thông tin liên lạc của các thành viên trong Nhóm qua Internet.

Nhân tiện, cũng xin ghi thêm về sinh họat của các Phân Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trường Bưởi – Chu Văn An tại nhiều địa phương như ở Nam và Bắc California, ở Texas, ở Washington DC, ở Canada, ở Paris v.v… Mỗi năm, hầu hết các Phân Hội này đều tổ chức các buổi Hội Ngộ Mùa Xuân, Mùa Hè và còn ấn hành các cuốn Đặc san hoặc Kỷ yếu để ghi lại những kỷ niệm thân thương trìu mến về Trường Xưa, Bạn Cũ nữa. Và nhờ qua Internet, mà việc thông tin liên lạc được mau lẹ và phổ biến rộng rãi cùng khắp nơi trên thế giới nữa. Quả thật Internet là một phương tiện thật đắc lực để giúp củng cố và tăng cường cái tình bạn từ thuở thiếu thời giữa các bạn đồng môn chúng tôi mà đều xuất thân từ trường Bưởi – Chu Văn An vậy đó.

4 – Sinh họat của các Hội đòan khác.

Tôi tham gia sinh họat với nhiều hội đòan như Hội Ái Hữu Hành chánh Tài chánh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Hội Ái Hữu Luật khoa VN, Mạng Lưới Nhân Quyền VN … Và nhất là tôi còn hay viết bài gửi đăng trên nhiều báo giấy cũng như báo điện tử on-line tại nhiều nơi trên thế giới.

Trong khi sinh họat với các tập thể như vậy, lớp người lớn tuổi như chúng tôi lại được các bạn trẻ tiếp sức – mà các bạn trẻ thì thường là rất thành thạo về kỹ thuật điện tóan – nhờ vậy mà họat động của tập thể chúng tôi đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, có khi còn vượt quá sự mong ước của các thành viên nữa. Kết cục là anh chị em được tăng thêm niềm lạc quan phấn khởi sau những thành tựu thật tốt đẹp như thế.

Mà còn hơn thế nữa, lớp con cháu thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 trong gia đình thì lại còn nhuần nhuyễn gấp bội trong việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về điện tóan – nên các cháu thường ra sức tiếp trợ về chuyên môn cũng như mua sắm máy móc hiện đại giúp nâng cao năng suất công việc của chúng tôi rất nhiều. Thành ra, tòan bộ gia đình gồm cả hai ba thế hệ đều cùng tập trung vào công chuyện xã hội nhân đạo cũng như tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt nam nữa.

Qua việc hỗ trợ kỹ thuật cũng như tài chánh như thế, các cháu có thêm cơ hội để hiểu biết thấu đáo hơn về tâm sự cùng ước vọng của thế hệ người lớn tuổi – và từ đó mà có thêm sự thông cảm và quan tâm sâu sắc hơn đối với những vấn đề sinh tử của bà con ruột thịt của mình ở bên quê nhà. Và hệ quả là cái hố cách biệt giữa hai thế hệ già và trẻ trong cùng một gia đình (Generation Gap) cũng có cơ may được giảm bớt đi rất nhiều nữa.

5 – Kinh nghiệm cá nhân về sự tìm kiếm tài liệu trên Internet.

Nhân tiện, tôi cũng xin ghi vắn tắt về chuyện truy cập tìm kiếm thông tin tài liệu trên Internet. Phải nói rằng nhờ có Internet mà chúng ta có thể tìm được bất kỳ tài liệu nào liên hệ đến chủ đề mình đang theo đuổi nghiền ngẫm – nguồn thông tin đó lắm khi quá phong phú dồi dào đến nỗi có khi mình đâm ra nghi ngờ lúng túng không còn biết đúng sai ở chỗ nào nữa. Tuy nhiên, nếu mà giữ được sự bình tĩnh kiên nhẫn cần thiết, thì ta vẫn có thể tìm cách sàng lọc từ cái khối lượng thông tin hỗn độn đó để rút ra được những tài liệu khả tín, chính xác – khả dĩ có thể khai thác và sử dụng được cho bài viết của mình.

Việc này thường được gọi là “sự tiếp nhận có chọn lọc” (the selective reception) – đó là phương cách hiệu quả nhất cho bất kỳ cuộc truy tầm nghiên cứu nghiêm túc nào vậy.

Nói vắn tắt lại, nhờ khôn khéo áp dụng những tiến bộ mới trong thời đại Internet ngày nay ở vào đầu thế kỷ XXI, mà lớp người cao niên đang có triển vọng đạt tới được năng suất cao hơn ở mọi lãnh vực sinh họat cũng như tranh đấu góp phần với bà con tại quê nhà – trong công cuộc xây dựng một xã hội thật sự tiến bộ, nhân bản và nhân ái theo trào lưu phổ biến của thế giới hiện đại.

– Vấn đề là chúng ta phải thực sự có quyết tâm bền chí để cùng kết hợp với thế hệ trẻ là lớp con cháu nơi mỗi gia đình – trong việc hội nhập êm thắm với dòng chính của xã hội nơi chúng ta đã chọn lựa để mà định cư sinh sống lâu dài – sau khi thóat khỏi chế độ độc tài chuyên chế tòan trị do người cộng sản áp đặt trên quê hương bản quán là nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

– Nhờ có việc hội nhập tốt đẹp như vậy, mà chúng ta còn kêu gọi thêm được sự hỗ trợ thật quý báu và hiệu quả từ phía nhân dân các quốc gia văn minh dân chủ trên thế giới – trong ý hướng cùng góp phần vào công cuộc tranh đấu trường kỳ cho chính nghĩa tự do, dân chủ và phẩm giá con người của đồng bào ruột thịt Việt Nam chúng ta hiện đang sinh sống trên quê hương đất nước mình nữa.

-Và đó mới đích thực là niềm vui lý tưởng trọn vẹn – với ý nghĩa cao quý trong cuộc sống của thế hệ người lớn tuổi như chúng ta hiện đang định cư tại những quốc gia văn minh trên khắp thế giới ngày nay vậy.

Westminster, California Hạ tuần tháng Bảy năm 2013

Đoàn Thanh Liêm

Dịch thuật là Phản bội ?

Dịch  thuật  là  Phản  bội ?

Bài của : Đoàn Thanh Liêm

Từ lâu lắm rồi, lúc tôi còn đang theo học cấp trung học ở Hanoi, thì đã đọc được một câu tiếng Pháp : “ Traduire, c’est trahir”, nghĩa là “ Dịch thuật là Phản bội”.

Đại khái, tôi hiểu rằng đây là lời cảnh giác cho những dịch giả cần phải rất thận trọng mỗi khi chuyển dịch một bản văn, hay một cuốn sách nào từ nguyên tác sang một ngôn ngữ khác, để mà tránh được những sai sót khiến gây ra sự biến dạng trái ngược hẳn với chủ ý của tác giả nguyên thủy. Và do đó, về phần cá nhân mình, thì tôi luôn cố gắng làm việc hết sức chuyên cần nghiêm túc, mỗi khi phải đứng ra dịch thuật một bản văn nào từ tiếng Pháp, tiếng Anh ra Việt ngữ, hay ngược lại từ Việt ngữ sang Anh ngữ, Pháp ngữ. Nhất là đối các văn bản luật pháp, thì lại càng cần phải được dịch một cách chính xác trôi chảy, rõ nghĩa hơn.

Nhưng gần đây, thì tôi được biết đến một số bản dịch được xuất bản trong nước, mà vì lý do luôn có sự “nhậy cảm chính trị” sao đó, nên dịch giả và nhà xuất bản đã cố tình tự ý sửa đổi, cắt xén bớt đi nhiều đoạn văn trong bản nguyên tác, khiến gây cho người đọc hiểu lầm quan điểm đích thực và chính xác của tác giả.

Điển hình là bản dịch cuốn Hồi ký của ông Lý Quang Diệu, vị nguyên thủ tướng rất nổi tiếng của Singapore. Để bạn đọc có thể dễ dàng theo dõi câu chuyện, tôi xin đưa ra phóng ảnh mấy trang sách của cả hai cuốn nguyên tác bằng Anh ngữ và bản dịch Việt ngữ như sau đây : Xin xem hình 1, 2 .

blank

Hình 1

blank

Hình 2

Nguyên tác của cuốn Hồi ký viết bằng tiếng Anh có nhan đề là : “From Third World to First – The Singapore Story : 1965 – 2000” – Lee Kuan Yew”, dài 729 trang, khổ chữ nhỏ được nhà xuất bản Harper Collins ở New York ấn hành năm 2000.

Và bản dịch sang Việt ngữ do hai tác giả Phạm Viêm Phương và Hùynh Văn Thanh thực hiện, do nhà Xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành vào năm 2001. Bản dịch này có nhan đề tiếng Việt là : Hồi ký Lý Quang Diệu (1965-2000), dài 936 trang, cũng khổ chữ nhỏ. Bản dịch này không hề có ghi chú đó là “bản lược dịch” hay “bản phỏng dịch”, nên người đọc có thể coi như đây là “bản dịch tòan văn” (texte intégral như người Pháp thường nói).

Và sau đây là chuyện “ tùy tiện cắt bỏ” trong bản dịch Việt ngữ :

1/ Chương 19 nhan đề : “Vietnam, Myanmar, and Cambodia : Coming to Terms with the Modern World” từ trang 309 đến trang 328 trong nguyên tác.

Thì như bạn đọc đã thấy trong hình 1 và 2, bản dịch đã cắt bỏ hẳn trên 3 trang đầu dài tới 2000 chữ của chương 19 này. Phần bị cắt bỏ khá dài này có thể tóm lược vào mấy ý chính như sau :

“ Năm 1977, một máy bay Dakota của Việt nam bị đánh cướp bay sang Singapore. Chúng tôi để cho bên Việt nam đem chiếc máy bay này về nước. Và chúng tôi đã truy tố kẻ cướp và xử phạt anh ta 14 năm tù. Nhưng chánh quyền Việt nam lại liên tục đe dọa, buộc chúng tôi phải trả người cướp về cho họ. Chúng tôi nhất quyết không thể nhượng bộ về chuyện này. Nói chung, thì sau khi chiến thắng  vào năm 1975, người cộng sản Việt nam đã tỏ ra kênh kiệu, ngoan cố. Họ cho mình là quan trọng, chẳng coi chúng tôi ra cái gì cả. Rõ ràng họ như là “một lọai người Phổ của Đông Nam Á” (Prussians of Southeast Asia)…

Năm 1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua thăm Singapore. Ông này vẫn tỏ ra vẻ “cứng rắn như đinh sắt” (tough as nails). Ông đưa lý do là Singapore đã được lợi nhiều từ cuộc chiến tranh Việt nam, do đó mà bây giờ Singapore có nghĩa vụ phải đóng góp vào việc tái thiết Việt nam… Làm sao mà chúng tôi lại có thể chấp nhận được cái lối lập luận như thế của người lãnh đạo Việt nam cơ chứ? Tôi phải trả lời ông Đồng rằng chúng tôi sẵn sàng buôn bán giao thương với Việt nam, chứ không có chuyện viện trợ chi cả. Ông Đồng tỏ vẻ không bằng lòng. Và chúng tôi chia tay, lịch sự nhưng lạnh nhạt (We parted civil but cold).”

2 / Như thế đấy, bản dịch ra Việt ngữ đã tùy tiện cắt hết cả một phần đầu của chương 19 này dài đến trên 2000 chữ. Việc làm này của các dịch giả và nhà xuất bản, không những đã tỏ ra bất chấp coi thường công chúng độc giả người Việt nam chúng ta, mà còn là một sự phản bội đối với tác giả Lý Quang Diệu, nhân vật được giới lãnh đạo Việt nam trân trọng mời làm cố vấn cho chánh quyền, sau khi ông đã về nghỉ hưu, không còn giữ chức vụ thủ tướng của Singapore nữa.

3/ Mặt khác, để cho được công bằng, người viết cũng xin đưa ra một chứng từ đáng tin cậy của nhà văn Phạm Xuân Đài như sau. Nhà văn thuật lại đại khái rằng : Hồi ông bị giam giữ trong trại tù cải tạo ở ngoài Bắc, thì do tai nạn mà bị trẹo xương đầu gối, phải chống nạng mới di chuyển được. Vì thế, mà ông không phải đi lao động bên ngoài trại, chỉ ở quanh quẩn trong trại. Vào thời gian này, ông có dịp đọc rất nhiều bản dịch các tác phẩm văn học quốc tế từ nhiều ngôn ngữ khác nhau, như tiếng Anh, Pháp, Trung hoa, Tây ban nha, Nga, Đức v.v… Ông nhận thấy tất cả các bản dịch này được thực hiện một cách rất trung thực, chu đáo, phơi bày hết sức rõ ràng được tinh hoa của tác phẩm nguyên gốc.

4/ Ấy thế, mà như đã ghi ra ở trên, khi động đến loại sách về chính trị thời sự, thì giới chức phụ trách về văn hóa ở Hanoi đã tỏ ra hết sức “dị ứng” (allergic) đối với các đề tài mà họ cho là “nhậy cảm” này (sensitive issues). Cho nên họ mới tự cho mình cái quyền cắt bỏ các đoạn văn trong Hồi ký của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu như thế.

** Là một dân tộc vốn tự hào đã có trên “4000 năm văn hiến”, mà lại để cho xảy ra cái tệ nạn bừa bãi, đến độ trâng tráo, vô liêm sỉ trong lãnh vực văn hóa như thế này, thì thật là không thể nào mà bày tỏ hết được nỗi xót xa tủi hổ của tầng lớp sĩ phu trí thức Việt nam được nữa vậy./

California, Tháng Ba 2011

Đoàn Thanh Liêm

Paulo Freire và chủ trương “Giáo Dục Giải phóng Con người” (Bài 2)

II – Giáo Dục Giải Phóng Con Người : Nội dung & Ảnh hưởng

Đoàn Thanh Liêm

Trước khi đề cập đến nội dung của chủ trương “Giáo dục Giải phóng Con người” của Paulo Freire, người viết xin được kể sơ lược về cái duyên hạnh ngộ với nhà tư tưởng nổi danh này, xuất thân từ xứ Brazil là quốc gia đông dân nhất của Châu Mỹ La Tinh. Đó là vào cuối năm 1970, trong dịp tham dự một hội nghị quốc tế tại Paris, nhằm thành lập Institut Oecuménique au service du Développement des Peuples ( INODEP = Viện Đại kết Phát triển các Dân tộc), tôi đã được gặp đích thân Paulo Freire là một thuyết trình viên chính của Hội nghị, mà ông cũng còn được bàu là vị chủ tịch của INODEP nữa. Người tầm thước với bộ râu tóc dài đã điểm muối tiêu của người đã bước vào tuổi ngũ tuần, Paulo Freire có lối nói thật say mê sôi nổi, lôi cuốn như là một thi sĩ, mà lại diễn giải quan điểm lý luận của mình với niềm xác tín sâu sắc của một triết gia. Cử tọa gồm nhiều nhân vật đại diện từ khắp năm châu đều chăm chú theo dõi bài nói chuyện quan trọng, mà đày nhiệt tình của ông. Rồi qua năm 1972, lúc tôi đến Geneva để trao đổi gặp gỡ với một số vị tại văn phòng trung ương của Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới (WCC World Council of Churches), thì tôi cũng gặp lại Paulo Freire đang phụ trách về vấn đề giáo dục của tổ chức này.

Mùa hè năm 1971, vào dịp đến tham dự một cuộc hội thảo khác nữa tại Mindanao Philippines, thì tôi thấy sinh viên ở đây chuyền tay bán cho nhau cuốn sách “The Pedagogy of the Oppressed”, ấn bản địa phương đơn giản, chỉ có ruột sách, chứ không có bìa riêng theo kiểu tự làm lấy, cho nên giá rất rẻ, có 2 US$ một cuốn thôi. Và dĩ nhiên là tôi cũng đã mua vài cuốn để đem về cho các bạn ở Việt nam. Chuyện nhỏ này lại càng khiến tôi chăm chú theo dõi tư tưởng và đường lối giáo dục của Paulo Freire suốt từ hồi năm 1970 cho đến nay.

A – Nét chính yếu của tư tưởng và hành động của Paulo Freire.

Có thể nói Paulo Freire luôn nhất quán về cả phần lý thuyết, cũng như thực hành trong đường lối Giáo dục, nhằm giúp khối quần chúng bị áp bức tìm ra cho mình một phương cách cụ thể, hữu hiệu để tự giải thóat khỏi thân phận của người bị áp bức, bị tha hóa do các điều kiện khách quan của môi trường xã hội, cũng như chủ quan nội tại của bản thân mình. Quan điểm của ông có tính chất triệt để, dứt khóat là : Xã hội đương thời ở châu Mỹ La tinh, cũng như ở nhiều nơi khác đều do bao nhiêu bất công, áp bức bóc lột tạo ra nỗi lầm than cơ cực triền miên cho đa số quần chúng nhân dân. Và không khi nào mà giới thống trị lại chịu tự nguyện đứng ra chủ động việc cải thiện các định chế xã hội vốn bảo vệ các đặc quyền đăc lợi cho riêng họ.

Như vậy, chỉ khi nào chính cái đại khối quần chúng là nạn nhân của sự áp bức thống trị tệ hại đó, mà nhất quyết dấn thân vào công cuộc giải phóng kiên trì để tự cứu thóat lấy mình, thì xã hội mới có cơ may được xây dựng tốt đẹp, và con người mới phục hồi được nhân phẩm cao quý cho từng cá nhân được. Nói khác đi, chỉ khi nào chính quần chúng nhân dân mà được thức tỉnh giác ngộ về vai trò làm chủ nhân đích thực của xã hội, và cùng đồng lòng lăn xả vào cuộc tranh đấu giải phóng đó, thì họ mới có được một tương lai tươi sáng viên mãn, như từng mơ ước từ bao nhiêu thế hệ xưa nay.

Với niềm xác tín như thế, Paulo Freire đã nhập cuộc với xã hội quê hương mình, bằng cách phát triển phương thức giáo dục tráng niên, thúc bách cho các học viên cần phải có sự suy nghĩ với thái độ phê phán (critical thinking = conscientization) về hiện trạng xã hội, mà họ là nạn nhân của bao nhiêu áp bức bất công. Và rồi từ đó, chính họ sẽ ra tay hành động, nhằm biến đổi xã hội hủ lậu đó đi (transformative action). Do lối suy nghĩ và hành động cụ thể, cấp tiến như vây, mà ông đã bị phe quân nhân cầm quyền ở Brazil bắt giữ, rồi trục xuất đi ra khỏi nước vào năm 1964.

Trong thời gian sống lưu vong, ông có dịp đúc kết các suy nghĩ và hoạt động của mình, để rồi trình bày trong 2 cuốn sách xuất bản hồi cuối thập niên 1960, và được nhiều người đánh giá rất cao. Đó là cuốn sách đầu tiên có nhan đề  “ Education, the Practice of Freedom”, và đặc biệt là cuốn “The Pedagogy of the Oppressed”. Ta sẽ phân tích chi tiết rành mạch hơn về tác phẩm quan trọng này trong một đoạn sau. Và ông đã kiên trì tiếp tục tìm kiếm trong suốt cuộc đời còn lại, nhất là kể từ ngày được trở về lại quê hương vào năm 1980, để khai triển cho thêm phong phú hơn nữa cái chủ trương giáo dục có tính cách khai phóng và nhân bản cao độ này.

Tác giả Henry A Giroux nhận định về Freire rằng : “ Thực ra, ông là người đã kết hợp được điều mà tôi gọi là cả hai thứ ngôn ngữ phê phán với thứ ngôn ngữ khả thể” (In effect, Freire has combined what I call the language of critique with the language of possibility).

B – Giới thiệu tác phẩm “ Giáo dục của Người bị Áp bức”.

Trong cuốn sách 160 trang ngắn gọn, xúc tích với chỉ có 4 chương này, Paulo đã phân tích khá rành mạch, dứt khoát về chủ trương kiên quyết không thỏa hiệp với nền thống trị đàn áp, vẫn ngự trị lâu đời trong xã hội đương thời, đặc biệt là tại châu Mỹ La tinh là quê hương bản quán của ông. Và sau khi cuốn sách ấn bản tiếng Anh ra đời vào năm 1970, tác giả lại còn có nhiều dịp trao đổi với các thức giả khắp thế giới, và từ đó ông đã hoàn chỉnh hơn quan điểm và lý luận của mình, như được trình bày trong nhiều cuốn sách và bài báo xuất bản vào thập niên 1980-1990 nữa. Ta có thể tóm gọn tư tưởng của ông trong mấy khía cạnh chính yếu sau đây :

1 / Giáo dục đại chúng cốt yếu là một cuộc đối thoại giữa” người dậy” và “người đi học” ( a dialogue between the educator and the learner), trong đó phải có sự tương kính lẫn nhau giữa hai phía (mutual respect). Paulo Freire đặc biệt phê phán cái lối dậy học “nhồi nhét”, mà ông gọi là “banking concept”, tức là chỉ có người dậy chủ động chuyển mớ kiến thức vào đầu óc của học viên, y hệt như việc ký gửi các số tiền vào nơi chương mục tại ngân hàng (making deposits). Như vậy, thì người học viên hoàn toàn đóng vai trò “thụ động” của một đối tượng, chứ không hề được khuyến khích để chủ động phát huy óc sáng tạo và sự suy nghĩ có tính cách phê phán (critical thinking), để mà có thể tự mình khám phá ra hoàn cảnh bị áp bức của mình và rồi đưa đến một hành động thích đáng.

Thay vào đó, tác giả đề ra cái khái niệm “Giáo dục đặt vấn đề” (problem-posing concept of Education), trong đó cả hai phía người dậy và người học đều cùng hợp tác với nhau trong một quá trình hỗ tương (a mutual process), nhằm cùng nhau khám phá thế giới, và chung với nhau cố gắng vươn tới một mức độ nhân bản viên mãn hơn (their attempt to be more fully human).

2 / Cuộc đối thoại này không phải chỉ nhằm đào sâu sự hiểu biết, mà còn là một phần làm thay đổi nơi thế giới. Tự bản thân, sự đối thoại là một loại hoạt động có tính hợp tác bao gồm sự tôn kính (a co-operative activity involving respect). Quá trình này quan trọng, vì nó giúp tăng thêm sức mạnh cho cộng đồng và đồng thời lại xây dựng nên nguồn vốn xã hội  (enhancing community and building social capital), mà lại đưa dẫn chúng ta đến hành động cho công lý và phát triển nở rộ về phương diện nhân bản (human flourishing) nữa.

Cơ sở cụ thể cho hệ thống giáo dục căn cứ vào sự đối thoại này chính là nơi các“câu lạc bộ văn hóa” (culture circle), trong đó các học viên và người phối trí hợp cùng nhau bàn thảo về những” chủ đề khởi sinh” (generative themes), mà có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc sống thực tiễn của người học viên. Các chủ đề này liên hệ tới thiên nhiên, văn hóa, công việc làm và các tương quan xã hội, thì đều được khám phá ra qua sự tìm kiếm chung nhau giữa nhà giáo dục với học viên. Rồi các chủ đề đó được sử dụng làm căn bản cho cuộc đối thoại trong phạm vi sinh họat nội bộ của câu lạc bộ. Từ đó, mà dần dần diễn ra quá trình cấu tạo được ý thức phê phán (critical consciousness) nơi các học viên tham gia, với tư cách là chủ thể của xã hội, mà chính họ đang cùng nhau ra sức xây dựng với quyết tâm của cả tập thể của mình.

3 / Tính chất độc đáo trong tư tưởng của Paulo Freire chính là việc ông đã khôn khéo tổng hợp đến độ nhuần nhuyễn được kinh nghiệm của những nhà tư tưởng tiền bối, và đem áp dụng vào đường lối giáo dục của ông. Điển hình là phép biện chứng của triết gia Hegel giữa “ông chủ và đày tớ”, thì đã được Freire áp dụng trong lối “giải thóat khỏi các hình thức độc đóan trong giáo dục”(liberation from authoritarian forms of education). Chủ thuyết hiện sinh của Jean Paul Sartre và của Martin Buber, triết gia Do Thái đã giúp Freire đưa ra khái niệm về “ sự tự biến đổi của người bị áp bức để tiến vào trong lãnh vực của tình trạng liên chủ thể tiến bộ” (the self-transformation of the oppressed into a space of radical intersubjectivity). Kể cả thuyết duy vật lịch sử của Karl Marx cũng ảnh hưởng tới quan niệm của Freire về lịch sử tính của các mối quan hệ xã hội (historicity of social relations).

Và chủ trương “Thần học giải phóng” cũng ảnh hưởng rõ rệt đến quan điểm của Freire, khi ông cho là “Tình yêu thương là điều kiện thiết yếu cho một nền giáo dục đích thực”. Rồi quan điểm cách mạng chống đế quốc của Ernest Che Guevara và Frantz Fanon, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Les Damnés de la Terre”, cũng ảnh hưởng đến sự phân tích của Freire về tình trạng trầm đọng (sedimentation) của tư tưởng của giới áp bức thống trị, mà vẫn còn hằn sâu nơi não trạng của chính bản thân lớp người nạn nhân bị áp bức. Và rồi từ đó, ông đã dấn thân hết mình vào công cuộc tranh đấu chống lại chế độ thực dân đế quốc ở khắp mọi nơi.

C – Ảnh hưởng của tư tưởng Paulo Freire trên thế giới.

Có thể nói Paulo Freire là mẫu “con người tri hành hợp nhất” theo lối nói của Vương Dương Minh là nhà tư tưởng nổi danh của Trung quốc ngày xưa. Ông không chỉ đơn thuần là một lý thuyết gia, mà còn là một con người dấn thân hoạt động hết mình cho lý tưởng giải phóng con người. Chủ trương Giáo dục của ông tuy rất cương quyết dứt khoát, triệt để tiến bộ, nhưng đày tính nhân bản ôn hòa, khác hẳn với khuynh hướng quá khích, bạo hành của lớp người cộng sản Marxist tại châu Mỹ La tinh, cụ thể như Che Guevara, Fidel Castro. Vì thế mà đại bộ phận quần chúng nhân dân tại khu vực quê hương ông, vốn theo Thiên chúa giáo, thì đã tiếp nhận tư tưởng của Freire một cách nồng nhiệt, phấn khởi.

Tại Phi châu cũng vậy, trong nhiều dịp đến làm việc tại châu lục này, nhất là tại mấy nước trước đây cũng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, như Angola, Mozambique, Guinea Bissau, Paulo Freire đã được đón tiếp một cách rất thân tình trân trọng, bởi lẽ ông cùng chia sẻ cái thân phận của người dân đã từng phải sống dưới sự thống trị hà khắc của các chánh quyền thực dân đế quốc trước kia, cũng như của các chế độ độc tài bản xứ trong giai đoạn độc lập tự chủ hiện nay.

Tại Á châu, ông cũng được đón tiếp tại nhiều nơi như Ấn độ, Papua New Guinea, và có nhiều dịp trao đổi với các giới chức hoạt động trong lãnh vực giáo dục, cũng như hoạt động cộng đồng.

Đã có nhiều quốc gia thiết lập các Viện Nghiên cứu Paulo Freire (Paulo Freire Institute = PFI) nhằm cổ võ và quảng bá tư tưởng của ông về lãnh vực cải cách giáo dục tráng niên, cũng như thúc đảy công cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội trên phạm vi toàn cầu. Điển hình như PFI tại Nam Phi, tại Tây Ban Nha, tại Phần Lan, tại đảo quốc Malta, và dĩ nhiên tại Brazil là quê hương của ông.

Riêng tại Mỹ, thì có FPI đặt tại đại học UCLA ở thành phố Los Angeles California. Viện nghiên cứu này được thiết lập năm 2002 và rất hoạt động với việc xây dựng những mạng lưới liên kết giới học giả, nhà giáo,  nhà họat động xã hội, nghệ sĩ và các thành viên của cộng đồng. Thông qua các cuộc gặp gỡ trao đổi thường xuyên, tất cả các thành viên và các thân hữu của Viện FPI đều dồn nỗ lực vào việc xây dựng công bằng xã hội, và sử dụng giáo dục như là một phương tiện để tạo sức mạnh cho khối quần chúng bị áp bức, bị khuất phục tại khắp nơi trên trái đất.

Ngòai ra, cũng còn phải kể đến các Diễn Đàn Paulo Freire ( bi-annual PF Forums) được tổ chức mỗi năm 2 lần, nhằm mở rộng và nâng cao sự nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm của những thức giả vốn theo đuổi đường lối giáo dục tiến bộ do Paulo Freire đã dày công khai phá từ trên nửa thế kỷ nay.

D – Thay lời kết luận.

Có thể nói Paulo Freire là một con người tòan diện, vừa có trình độ suy tư lý luận rất thâm hậu, mà cũng vừa là con người dấn thân họat động suốt đời, không bao giờ mệt mỏi. Ông được quần chúng mến phục, không những do các tác phẩm sâu sắc về triết lý giáo dục, về phương pháp vận động khích lệ cho tầng lớp người bị áp bức bóc lột, mà còn vì cái nhân cách sáng ngời, cái tinh thần khiêm cung hòa ái, và nhất là vì tấm lòng tha thiết yêu mến tột cùng đối với nhân quần xã hội nữa.

Quả thật, Paulo Freire là một tiêu biểu rất xứng đáng, là niềm tự hào cho tầng lớp sĩ phu trí thức của xứ Brazil, cũng như của tòan thể châu Mỹ La tinh vậy./

California, Tiết Trung Thu Canh Dần 2010

Đoàn Thanh Liêm

Paulo Freire và chủ trương “Giáo Dục Giải phóng Con người”

Paulo Freire và chủ trương “Giáo Dục Giải phóng Con người”

( Paulo Freire : 1921 – 1997)

Paulo Freire sinh năm 1921 tại Brazil. Ông học Luật và Triết học, nhưng lại dấn thân vào công cuộc giáo dục đặc biệt cho giới tráng niên, nhằm gây ý thức cho đại chúng phải mạnh dạn tự giải thoát  mình ra khỏi tình trạng áp bức nặng nề, tàn bạo của xã hội đương thời. Vì có tư tưởng và hành động cấp tiến như vậy, nên ông bị giới quân nhân cầm quyền bắt buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài, từ năm 1964, mãi cho đến năm 1980, ông mới có thể trở về quê hương mình được.

Tại nước Chi lê, ông đã làm việc cho tổ chức văn hóa Unesco của Liên Hiệp Quốc, và Viện Cải cách Ruộng đất của chánh phủ Chi lê. Ông còn được mời tới làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu về Phát triển và Biến đổi xã hôi thuộc đại học Harvard ở Mỹ (Center for Studies in Development and Social Change). Rồi sau này làm giám đốc chương trình giáo dục của Hội đồng Tôn giáo thế giới (World Council of Churches) tại Geneva, Thụy sĩ.

Năm 1970, ấn bản tiếng Anh “The Pedagogy of the Oppressed” (Giáo dục của Người bị Áp bức) của Paulo Freire đã gây một tiếng vang lớn trong giới giáo dục và hoạt động xã hôi khắp thế giới. Sau trên 40 năm, thì đã có hàng triệu cuốn được phổ biến rộng rãi qua nhiều lần tái bản, và hàng mấy chục bản dịch ra các thứ tiếng khác nữa. Ông là người đã cổ võ cho ý niệm “ Conscientizacao’ nguyên văn tiếng Bồ đào nha, mà bây giờ đã trở thành thông dụng khắp thế giới với tiếng Anh là “Conscientisation” (= Consciousness Raising, Critical Conciousness). Ta có thể diễn tả ý niệm này là :  Sự thức tỉnh Ý thức và Suy nghĩ có tính cách phê phán.

Quả thật, chủ trương giáo dục có tính chất cách mạng triệt để của ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các phong trào giáo dục và xã hội cùng khắp thế giới. Và tư tưởng triết học của ông cũng ảnh hưởng đến nhiều ngành học thuật như thần học, xã hội học, nhân chủng học, sư phạm, ngữ học thực hành và nghiên cứu văn hóa (applied linguistics & cultural studies).

Có thể nói : Paulo Freire là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất về bộ môn giáo dục vào cuối thế kỷ XX ( the most influential thinker about education).

Bài viết này nhằm giới thiệu tư tưởng độc đáo và dứt khoát của ông. Đồng thời cũng lược qua về ảnh hưởng của tư tưởng này trong thế giới hiện đại, đặc biệt là tại các quốc gia vốn xưa kia là thuộc địa của thực dân Tây phương ở Châu Mỹ La tinh, Châu Phi và Châu Á. Để bạn đọc có thể dễ dàng theo dõi quá trình hình thành và phát triển tư tưởng của Paulo Freire, là một nhân vật tiêu biểu của trào lưu thức tỉnh và vận động xã hội tại Châu Mỹ La tinh là quê hương của ông, người viết xin được dàn trải việc trình bày trong 2 bài như sau :

Bài 1 / – Bối cảnh văn hóa xã hội của Châu Mỹ La tinh vào cuối thế kỷ XX.

Bài 2 / – Cốt lõi chủ trương “Giáo dục giải phóng” & Ảnh hưởng trong thế giới hiện đại.

I – Bối cảnh văn hóa xã hội của Châu Mỹ La tinh.

Châu Mỹ La tinh (Latin America) là khu vực nằm ở phía nam của nước Mỹ, mà xưa kia hầu hết đều là các lãnh thổ nằm dưới sự cai trị của hai nước Tây ban nha và Bồ đào nha. Hiện nay khu vực này có chừng 30 nước với tổng số dân là trên 560 triệu. Chỉ có Brazil với dân số trên 190 triệu là nói tiếng Bồ đào nha. Còn lại, thì tất cả đều nói tiếng Tây ban nha. Trừ một số rất nhỏ xưa kia là thuộc địa của Pháp, Anh, Hòa lan, thì vẫn còn nói tiếng như tại “mẫu quốc” cũ của họ.

Có tới 70% dân chúng trong khu vực theo đạo Thiên chúa giáo La mã (Roman Catholic). Và chừng 15% theo đạo Tin lành.

A – Tình trạng bất ổn trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Kể từ thập niên 1960 trở đi, khu vực này đã trải qua nhiều biến động về chính trị kinh tế, cũng như về mặt văn hóa xã hội thật sôi động, nhiều khi đưa đến những tranh chấp tàn bạo đẫm máu, do các chế độ độc tài thiên hữu, quân phiệt hay thiên tả gây ra. Nhiều cuộc đảo chính đã liên tục xảy ra, khiến cho xã hội luôn bất ổn định, và chế độ độc tài quân phiệt dễ có cơ hội được củng cố, và người dân bị dồn vào thế bị động, không thể hợp nhau góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển quốc gia được.

Lại nữa, vào giữa thời chiến tranh lạnh, nên phía Liên Xô đã tìm nhiều cách để gây ảnh hưởng của chủ thuyết cộng sản tại đây; điển hình là tại Cuba từ khi Fidel lên nắm chánh quyền năm 1959 và đã ngả hẳn về phía Liên Xô. Chúng ta hẳn đều còn nhớ việc Liên Xô cho đem thiết trí lọai hỏa tiễn tại Cuba nhằm hướng vào nước Mỹ, khiến xúyt gây nên cảnh chiến tranh giữa hai siêu cường Nga-Mỹ vào năm 1962, trước sự đối đầu nẩy lửa của hai lãnh tụ Kruschev và Kennedy.

Mà phía Mỹ, thì cũng tìm mọi cách can thiệp nhiều khi rất nặng tay tàn bạo, để bảo vệ toàn thể khu vực được gọi là“cái sân sau” (backyard) của riêng nước Mỹ; điển hình như có bàn tay của CIA trong việc lật đổ chế độ thiên tả của Tổng thống Salvador Allende tại Chi lê năm 1973. Rồi sau này vào thập niên 1980, thì phe Sandinista khuynh tả đã lên nắm được chánh quyền ở Nicaragua, với sự trợ giúp đắc lực của Cuba cộng sản cũng như của Liên Xô. Và chánh quyền Mỹ dười thời Tổng thống Reagan đã ra tay can thiệp mạnh bạo, để giúp phe đối lập Contras lập lại thế cờ tại đây. Đại khái đó là vài nét đại cương về ảnh hưởng của chiến tranh lạnh tại khu vực Châu Mỹ La tinh, từ hồi thập niên 1960 cho đến khi khối Liên Xô bị tan rã kể từ 1990.

B –  Sự nhập cuộc của Giáo hội công giáo La mã.

Về phía Thiên chúa giáo, thì do ảnh hưởng của tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican 2, trong giới tu sĩ và giáo dân tại khu vực đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong sự nhận thức, cũng như trong hành động của Giáo hội công giáo. Điển hình như trường hợp của Tổng giám mục Helder Camara của Brazil; ông là người rát năng động trong việc phục vụ và tranh đấu cho khối đa số nghèo túng, đến nỗi bị chụp mủ là “vị giám mục đỏ” (the red bishop). Ông nói chua chát như sau : “Khi tôi cho người nghèo ăn, thì người ta gọi tôi là một ông thánh. Khi tôi hỏi tại sao người nghèo lại không có thực phẩm, thì người ta gọi tôi là một người cộng sản!” Giám mục Camara và cầu thủ Pele’ là hai người xứ Brazil mà được biết đến nhiều nhất trên thế giới.

Lại có trường hợp vị Giám mục cấp tiến Oscar Romero ở nước El Salvador, ông còn bị chánh quyền cho dùng tay chân ám sát, ngay giữa lúc ông  đang cử hành thánh lễ an táng cho bà mẹ của một người bạn vào năm 1980. Và đã có đến 250,000 người đến tham dự lễ an táng của vị mục tử kiên cường này, mà họ coi như là một vị thánh tử đạo (Martyr).

Cũng tại El Salvador, vào cuối năm 1980 đã xảy ra việc sát hại 4 nữ tu người Mỹ, do bàn tay của nhân viên công lực nhà nước. Sự kiện này đã gây sự phẫn nộ tột cùng của báo chí và công luận nước Mỹ, đến độ tạo thành áp lực buộc chánh phủ Mỹ phải có biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với chánh quyền tàn bạo của El Salvador.

Cũng phải kể thêm về trường hợp của vị linh mục Camilo Torres ở nước Colombia, ông là một tu sĩ cấp tiến, được đào tạo tại đại học công giáo nổi tiếng Louvain bên nước Belgium ở Âu châu. Vì áp lực nặng nề từ phía chánh quyền Colombia, ông phải thóat ly theo hẳn phe du kích chống chánh phủ, và đã bị hạ sát vào năm 1966 trong một cuộc đụng độ với quân đội. Tên tuổi của Camilo Torres, cũng như của Che Guerava bị hạ sát năm 1967 tại Bolivia, thì đã trở thành một huyền thoại lôi cuốn giới trẻ trong toàn thể khu vực Châu Mỹ La tinh từ trên 40 năm nay.

Nhân tiện, cũng cần phải ghi lại cái thủ đọan cực kỳ độc ác là “làm mất tích” (disappearance), bằng cách thủ tiêu những người chống đối, mà cơ quan an ninh tại nhiều nước trong khu vực sử dụng, để đàn áp phong trào tranh đấu cho dân chủ tự do tại các nước này. Điển hình là tổ chức Các Bà Mẹ có con bị mất tích ở Argentina, đã liên tục trong nhiều năm tháng đến tụ hợp với nhau tại một quảng trường Plaza de Mayo trong thành phố thủ đô, để đòi hỏi chánh quyền phải cho công bố về các vụ mất tích này. Các tổ chức tranh đấu bảo vệ nhân quyền quốc tế như Hội Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng đã thâu thập được khá nhiều chứng từ về các trường hợp “ người bị mất tích” (disappeared persons) tại nhiều quốc gia trong vùng, mà có nơi con số này lên tới nhiều ngàn người. Rõ ràng chế độ độc tài nào dù theo phe tả như cộng sản, hay theo phe hữu như chế độ quân phiệt, thì cũng đều tàn bạo độc ác như thế cả.

C – Nền Thần học Giải phóng.

Châu Mỹ La tinh này lại còn là nơi phát sinh một trào lưu tư tưởng đặc biệt sôi nổi sinh động, đó là nền “Thần học giải phóng”          ( Liberation Theology). Đó là cả một phong trào của các giáo sĩ và giáo dân phản ứng không khoan nhượng trước thực trạng xã hội đày rẫy bất công áp bức, bóc lột trong xã hội các quốc gia trong khu vực. Họ lục tìm trong Kinh thánh và trong Giáo huấn chân truyền của Giáo hội công giáo từ xưa nay, để xây dựng được một nhận thức đứng đắn, trung thực về vai trò dấn thân nhập cuộc của Giáo hội trong công trình giải thoát con người và xã hội khỏi các định chế chính trị xã hội hủ lậu, phản động và vô luân trong xã hội đương thời. Trừ một số nhỏ thiên về phía marxit cộng sản quá khích, còn đa số giáo sĩ và giáo dân đều giữ vững lập trường tranh đấu ôn hòa, bất bạo động của tôn giáo. Hệ thống tư tưởng tiến bộ này luôn được sự hưởng ứng của quần chúng giáo dân và giới chức sắc của giáo hội, mà tiêu biểu sáng ngời nhất là “Hội Đồng Giám mục Châu Mỹ La tinh (CELAM = the Latin American Episcopal Conference). Dưới sự thôi thúc của những vị lãnh đạo năng nổ, nhiệt tình như Helder Camara, Hội Đồng này đã biểu quyết thông qua chủ trương rất tiến bộ là : “ Giáo hội phải dứt khoát chọn lựa đứng về phía người nghèo” ( Church’s Option for the Poor).

D – Vai trò của giới trí thức và văn nghệ sĩ.

Trong khi đó, thì giới hàn lâm đại học (Academia), cũng như giới văn nghệ sĩ, đều sôi nổi góp phần vào công cuộc dấn thân phục vụ xã hội, mà điển hình là sự đóng góp thật là vĩ đại của Paulo Freire với chủ trương “Giáo dục Giải phóng Con người” như đã được trình bày rất khúc chiết trong cuốn “Pedagogy of the Oppressed”. Ta sẽ đề cập chi tiết vế tư tưởng này trong một bài sau.

Cũng cần phải ghi thêm về ảnh hưởng của phong trào trí thức tả phái phát xuất từ Âu châu, đặc biệt là từ thập niên 1950, đối với tư tưởng và hành động của học giới và văn nghệ sĩ tại Châu Mỹ La tinh. Khuynh hướng “Bài Mỹ” (Anti-Americanism) từ Âu châu đã làm tăng thêm sự hậm hực, ân óan vốn có sẵn từ lâu đời đối với sự thống trị và khuynh lóat của chánh sách bá quyền (hegemony) của nước Mỹ đối với tòan thể các quốc gia và lãnh thổ yếu thế, mà lại bị chia rẽ, phân tán ở phía Nam bán cầu (hemisphere). Lâu lâu, người ta vẫn nghe thấy dân chúng tại đây hô thật to cái khẩu hiệu “Yankees, Go Home” (Người Mỹ, Hãy Cút Đi!) mỗi khi có phái đòan cao cấp của Mỹ đi qua một số thành phố lớn. Điển hình là vụ phản đối rầm rộ, đến độ xô xát bạo hành đối với Phó Tổng thống Nixon của Mỹ trong chuyến viếng thăm Nam Mỹ vào năm 1958.

Lại nữa, chánh phủ Mỹ vì luôn bênh vực che chở cho giới tài phiệt Mỹ làm ăn buôn bán khai thác tại các nước trong khu vực, nên đã cho thiết lập và ủng hộ các chánh quyền cực hữu, độc tài mà được đặt tên một cách mỉa mai là “Banana Republics”, vì chuyên làm tay sai cho các đại gia chuyên môn khai thác trồng chuối để xuất cảng về Mỹ, hoặc khai thác các nguồn lợi thiên nhiên khác, để thu về được một số lợi nhuận khổng lồ cho các tập đòan kinh tế có độc quyền khai thác, mà điển hình là United Fruit.

Trước tình trạng bất ổn căng thẳng như thế, ta không lạ gì với sự chống đối quyết liệt như của những lãnh tụ mới đây như Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela đối với nước Mỹ. Và qua đó, chúng ta có thể hiểu rõ thêm về phản ứng dứt khóat và triệt để của giới trí thức như Paulo Freire trong bối cảnh chung của khu vực Châu Mỹ La tinh vậy./

( Bài 2 :  Giáo dục Giải phóng : Nội dung và Ảnh hưởng)

Xây Dựng Xã Hội Từng Mảnh Một (Piecemeal Social Engineering)

Xây Dựng Xã Hội Từng Mảnh Một (Piecemeal Social Engineering)

Tác Giả: Đoàn Thanh Liêm |

Câu chuyện của sư phụ Karl Popper và môn đệ George Soros

Năm 1996, tôi đến định cư tại California, thì được anh bạn Đỗ Quý Toàn tức là nhà báo Ngô Nhân Dụng mách bảo cho biết là : “Anh cần tìm đọc về tư tưởng của Karl Popper là một vị đại sư vốn từng dậy học tại trường Kinh tế Luân Đôn, mà ở Việt nam trước năm 1975 ít người được biết đến, kể cả các giáo sư về môn triết học tại các đại học ở Saigon”. Nghe theo lời khuyên của anh bạn, tôi đã đi tìm cuốn sách nổi danh “ The Open Society and its enemies” xuất bản lần đầu tiên tại Anh quốc năm 1945 của tác giả này. Và sau đó tìm đọc thêm nhiều tài liệu khác liên hệ đến đề tài do giáo sư Popper nêu ra, nhất là về nhà tài chánh khét tiếng George Soros là một môn sinh của sư phụ K Popper. Các tài liệu này đã soi sáng rất nhiều cho tôi trong quá trình nghiên cứu về Xã hội Dân sự trong nhiều năm gần đây. Sau trên 10 năm theo dõi và nghiền ngẫm, tôi xin trình bày một số điều tôi đã học hỏi được từ nơi hai nhân vật nổi danh này.

Để cho bài viết được sáng sủa gọn gàng, tôi xin giới thiêu về thân thế và sự nghiệp của mỗi vị trước (bài 1). Và tiếp theo sẽ thảo luận về chủ trương đường lối của hai nhân vật này (bài 2- 3).

Bài 1 – Karl Popper & George Soros

Thân thế và Sự nghiệp

A / Karl Raimund Popper (1902- 1994)

Karl Popper sinh trưởng tại Vienna thủ đô của Áo quốc. Vào tuổi 30, ông thường sinh hoạt với các nhà tư tưởng theo trường phái Vienna về triết học và xã hội học. Nhưng vào năm 1937, vì bất đồng với chế độ độc tài Đức quốc xã, ông đã phải rời quê hương để sang dậy về môn triết học tại trường Đại học Tân Tây Lan. Và sau đó, khi chiến tranh chấm dứt ông lại qua Anh quốc dậy học tại trường đại học nổi danh thế giới “ London School of Economics “ (LSE) trong một thời gian khá dài trước khi về nghỉ hưu.

Giáo sư là người đương thời với nhiều nhân vật nổi danh trong giới học thuật và tư tưởng của thế giới như Andre Malraux, Jean Paul Sartre, Raymond Aron ở Pháp, Gunnar Myrdal ở Thụy Điển, Friedrick Hayek ở Áo quốc. Và đặc biệt ông sống rất thọ, tới tuổi 92. Các sách của ông viết về triết học, đặc biệt là cuốn “ The Open Society and its enemies” đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi trong học giới. Năm 1982, vào lúc ông bước vào tuổi bát tuần, các học giả đã hợp với nhau để cùng viết chung một cuốn sách nhan đề là : “In pursuit of Truth” do Paul Levinson biên tập gồm những bài tiểu luận về “Triết học của K. Popper (Essays on the Philosophy of K. Popper on the occasion of his 80th Birthday).

Vào năm 1965, vị giáo sư còn được Nữ hoàng Anh quốc phong tước hiệu “Hiệp sĩ nước Anh” (Knight of England), nên người ta thường xưng tụng gọi ông là Sir Karl Raimund Popper. Ông còn được một môn sinh cũng rất nổi danh là nhà tài chánh George Soros vinh danh là sư phụ của mình bằng cách đặt tên cho cơ sở hoạt động xã hội của ông là “Open Society Institute” có trụ sở chính tại New York. Từ ngữ “Open Society” này nhằm ứng dụng chủ trương của K Popper như được trình bày trong cuốn sách thời danh nói trên. Ta sẽ bàn về nội dung cuốn sách này trong một bài tiếp theo.

Nhân tiện, xin liệt kê một số đầu sách quan trọng của giáo sư Karl Popper như dưới đây theo thứ tự thời gian xuất bản :

The Logic of Scientific Discovery (1934), bản dịch tiếng Anh 1959

The Open Society and its enemies (1945)

Utopia and Violence (1947)

On Freedom (1958)

Conjectures and Refutations : The Growth of Scientific Knowledge (1963)

Unended Quest : An Intellectual Autobiography (1976)

In Search of a Better World (1994)

Hình như chưa có mấy cuốn trong số sách trên đây mà đã được dịch sang tiếng Việt.

B/ George Soros (1930)

George Soros sinh trưởng trong một gia đình Do thái tại Budapest thủ phủ của nước Hungary, vào năm 1930. Trong thời kỳ Đức quốc xã xâm chiếm nước Đông Âu này và tiến hành cuộc tàn sát người Do Thái từ năm 1943, thì George thoát nạn vì nhờ được một gia đình người Hung chính hiệu nhận làm con nuôi. Sau chiến tranh, ông tìm cách đào thoát khỏi khu vực do Hồng quân Liên Xô chiếm đóng để sang phương Tây và đến được nước Anh vào năm 1947. Tại đây, George theo học và tốt nghiệp vào năm 1952 ở trường London School of Economics. George rất tâm đắc với chủ trương về “Xã hội Mở” (Open Society) của giáo sư Karl Popper. Và sau này khi đã rất thành công về tài chánh rồi, thì G Soros đã công khai tôn vinh giáo sư Karl Popper là vị sư phụ đáng kính của mình, bằng cách đặt tên cho Quỹ Từ Thiện cũng như cơ sở hoạt động xã hội của mình là “Open Society Foundation” và “Open Society Institute” (OSI).

Theo sự xếp hạng của tạp chí tài chánh Forbes, thì G Soros được coi là người giàu có thứ 80 trên thế giới với tài sản vào khoảng 8.5 tỷ mỹ kim (8,500 triệu). Ông chuyên môn kinh doanh trên thị trường tài chánh và chứng khoán và bằng những thủ thuật mạnh dạn khôn khéo đến độ phiêu lưu liều lĩnh nên có năm ông kiếm được một số lời khổng lồ hàng ngàn triệu dollar. Tính ra ông đã kiếm được đến 11 tỷ dollar (11,000 triệu) trong thời gian có mười mấy năm hoạt động sôi nổi trên thị trường tài chánh. Báo chí đặt cho ông cái danh hiệu “người bẻ gẫy Ngân hàng Anh quốc” (the man who broke the Bank of England) trong Ngày thứ Tư đen tối năm 1992 (Black Wednesday, September 16, 1992). Và riêng trong mỗi một vụ mạo hiểm này thôi, thì Soros đã kiếm được một số lời lên đến 1.1 tỷ dollar!

Hồi năm 1997, nhân cuộc khủng hoảng tài chánh ở Á châu, G Soros bị Thủ tướng Mahathir của Mã lai tố cáo đích danh là một thủ phạm đã gây ra sự việc tồi tệ đó thông qua những vụ “sử dụng tài sản của mình để trừng phạt khối ASEAN vì đã nhận nước Myanmar vào làm thành viên”. Ông Thủ tướng này còn gọi Soros là một người đần độn(moron). Người Thái lan còn gọi Soros là “ tên tội phạm trong cuộc chiến tranh kinh tế, chuyên hút máu người dân (an economic war criminal who sucks the blood from the people).

Nhưng Soros lại rất nổi danh khắp thế giới, đặc biệt là tại nước Nga và cả khu vực Đông Âu, vì đã góp một phần rất quan trọng vào sự phục hồi chế độ dân chủ ở các nước “cựu cộng sản “ này. Cụ thể như ngay từ đầu thập niên 1980, ông đã yểm trợ rất mạnh cho phong trào “Đoàn kết” ở Ba lan, cho Nhóm “Hiến chương 77” ở Tiệp khắc, cho nhà bác học đối lập thời danh ở Liên Xô là Andrei Sakharov v.v…Chi tiết về các hoạt động này rất nhiều, sẽ được trình bày đày đủ hơn trong một bài sau. Mỗi năm quỹ của Soros đã chi ra đến 500 triệu dollar cho các dự án trên khắp thế giới, đặc biệt tại Đông Âu

G Soros lại còn gây sôi nổi trong dư luận vào năm 2004, khi ông bỏ ra một số tiền khá lớn đến trên 15,000,000 dollar để nhằm hạ bệ Tổng Thống George W Bush trong cuộc bàu cử năm đó.

Ngoài ra ông còn viết nhiều bài báo và cả mấy cuốn sách về kinh tế tài chánh trên quy mô toàn cầu. Thật là con người đa tài, đa dạng, nhiều tiền lắm bạc mà cũng thật là đa đoan nữa.

Trong bài tiếp theo, người viết sẽ trình bày chi tiết hơn về chủ trương “Xây dựng xã hội từng mảnh một” về cả hai phương diện lý thuyết và thực hành của cặp sư phụ Karl Popper và môn sinh G eorge Soros này. Xin độc giả đón đọc nhé.

Bài 2 – Luận điểm của Karl Popper

Công trình nghiên cứu về triết học của giáo sư Karl Popper trong suốt cuộc đời lâu dài vừa miệt mài nghiên cứu giảng dậy, vừa bền bỉ biên soạn sáng tác của ông thật là phong phú vĩ đại. Chuyên môn của ông là lãnh vực triết lý của khoa học (philosophy of science). Và ông đã dậy học tại trường Kinh tế Luân Đôn (LSE) suốt 23 năm với chức danh chính thức là vị Giáo sư về môn Luận lý và Phương pháp Khoa học (Professor of Logic and Scientific Method). Việc giới thiệu cho đày đủ công trình triết học đồ sộ đó rõ ràng là vượt ra ngoài khả năng rất hạn hẹp của người viết bài này. Do đó, như trong nhan đề của bài viết, tôi chỉ xin giới hạn việc giới thiệu về cái chủ trương “Xây dựng xã hội từng mảnh một”, mà vị đại sư đã trình bày rất khúc chiết tại nhiều trang rải rác trong cuốn sách thời danh “The Open Society and its enemies” (Xã hội Mở và những kẻ thù của nó) được xuất bản lần đầu tiên năm 1945 tại Anh quốc, rồi sau đó lại được tái bản nhiều lần và phổ biến rộng rãi tại Hoa kỳ, cũng như tại khắp nơi trên thế giới qua các bản dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nữa.

Và trong một bài tiếp theo (bài 3), người viết sẽ trình bày chi tiết hơn về sự ứng dụng chủ trương này, thông qua chương trình hoạt động văn hóa xã hội và từ thiện nhân đạo có tầm vóc toàn cầu của George Soros là một môn đệ kiệt xuất của giáo sư.

1 – Giới thiệu sơ lược về cuốn sách “ Xã hội Mở và những kẻ thù của nó”

Cuốn sách này được nhiều học giả đánh giá là một công trình quan trọng nhất nghiên cứu về môn xã hội học đương đại, một thứ tác phẩm “kinh điển” (a classic). Vị đại sư Bertrand Russell thì ca ngợi tác phẩm như là một bênh đỡ vững mạnh và sâu sắc cho nền Dân chủ (a vigorous and profound defence of Democracy). Quả thật, Popper đã vận dụng triệt để cái vốn kiến thức uyên bác, vững vàng trong lãnh vực triết lý khoa học cuả mình để tìm cho ra được một lối thoát về chính trị xã hội cho thế giới lúc đó đang bị kềm kẹp khốn khổ dưới chế độ độc tài tàn bạo Đức quốc xã. Và rồi qua cuốn sách thời danh này, Popper đã được đánh giá cao là một triết gia về chính trị và xã hội nưã (political and social philosopher).

Sách dài tổng cộng trên 700 trang được phân bố trong 2 tập, với tổng cộng 25 chương, mà 10 chương đầu được dành để phân tích và bác bỏ các luận điểm của đại triết gia Plato là một thứ ‘núi Thái sơn” của nền triết học Tây phương và cả của kho tàng triết học của nhân loại nữa. Còn các chương tiếp theo, thì tác giả dành để phê phán Marx và Hegel. Mặc dầu rất kính phục vị đại sư Plato, Karl Popper vẫn thẳng thừng phê phán quan điểm của triết gia này đến nơi đến chốn, đặc biệt về quan điểm có tính chất “ không tưởng” (utopian social engineering) của Plato trong việc điều hành và lãnh đạo xã hội. Popper rất kiên quyết, triệt để chống lại cái lý luận của Plato khi chủ trương rằng “ quyền lợi cuả nhà nước được đặt trên quyền lợi cuả cá nhân “ và “cần phải dành quyền cai trị cho nhà độc tài sáng suốt, một thứ “vua kiêm triết gia” (philosopher-king).

Dĩ nhiên là Popper cũng nặng nề phê phán chê trách quan điểm của Hegel đặc biệt là thuyết “định mệnh lịch sử” (historical determinism). Nói vắn tắt là : Popper hoàn toàn bác bỏ cái chủ trương “kế hoạch hóa toàn diện” (Total Planning) của Plato và Hegel, Marx, mà thay vào đó bằng chủ trương “Xây dựng Xã hội từng mảnh một” (Piecemeal Social Engineering). Chủ trương này sẽ được bàn thảo phân tích chi tiết rành rọt hơn trong phần sau của bài viết này.

Ta nên chú ý đến thời gian và bối cảnh lúc tác giả viết cuốn sách này. Đó là từ năm 1938 đến 1943, lúc chế độ phát xít Hitler đang chiến thắng ròn rã ở khắp Âu châu, kể cả tại nước Nga. Tình hình bi thảm này trên khắp Âu châu đã khiến cho Popper phải ngày đêm lăn xả vào việc truy tìm tận gốc rễ đã phát sinh ra chế độ độc tài chuyên chế toàn trị. Vì thế mà ông đã “rất nặng lời trong việc phê phán Plato, Hegel” là những bậc thức giả được tác giả coi như chủ xướng cổ võ cho hệ thống “xã hội khép kín” (closed society) do chế độ độc tài gây dựng và duy trì. Vào thời đó, chưa có cuộc chiến tranh lạnh như trong giai đoạn sau này, kể từ khi thế chiến thứ hai chấm dứt. Nên trong cuốn sách này, Popper đã” rất nhẹ tay ” đối với Karl Marx, và cũng lại không hề đả động gì đến chế độ độc tài cộng sản sắt máu cuả Stalin.

Ngày nay vào đầu thế kỷ XXI, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở nước Nga và Đông Âu để nhường chỗ cho một thể chế dân chủ thông thoáng cởi mở hơn, cùng với sự thăng tiến về nhân phẩm và nhân quyền thông qua sự phục hồi và phát triển cuả xã hội dân sự, thì lời kêu gọi “xây dựng một xã hội cởi mở”, mà Popper đã mạnh dạn gióng lên từ 60-70 năm trước, lại càng có tính cách thực tiễn thời sự và được sự hưởng ứng cuả số đông quần chúng cũng như tầng lớp trí thức khắp nơi trên thế giới.

Tóm tắt lại, cuốn sách “The Open Society” cuả Karl Popper đã góp phần gây ra được một nguồn cảm hứng nồng nhiệt, phấn khởi cho công cuộc tìm kiếm một thể chế chính trị xã hội nhân bản, văn minh tiến bộ xứng hợp với điạ vị cao quý cuả con người trong một thế giới đang mỗi ngày càng phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng toàn diện và toàn cầu hiện nay vậy.

2 – Thảo luận về vấn đề “ Xây dựng xã hội từng mảnh một”.

Luận điểm cốt lõi của Popper có thể tóm gọn lại như sau : Công việc chính yếu của bất kỳ một xã hội con người nào thì cũng chỉ là phải “giải quyết vấn đề” xảy đến cho xã hội đó (problem solving). Mà phương pháp khoa học có hiệu quả nhất là sử dụng “ giải pháp thử nghiệm” (trial solution). Giải pháp thử nghiệm như vậy đòi hỏi một sự “phê phán, kiểm tra thường xuyên” và tìm cách” loại bỏ những sai lầm” (error elimination). Nhờ quá trình hoạt động nghiêm túc như vậy, mà lần hồi con người tìm ra được giải pháp tối ưu cho các vấn đề nhân sinh (optima solution).

Popper xác định : “Trong thực tế chưa hề có một mô hình mẫu mực nào cho việc “xây dựng xã hội đại quy mô” (large-scale engineering). Đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của những nghệ sĩ, của loại người “không tưởng” (utopian). Mà cũng không hề có một thứ “ lý thuyết định mệnh lịch sử “ nào đã được chứng minh có giá trị chính xác tuyệt đối, như mấy nhà “tiên tri” thường rêu rao…” Lời phát biểu chắc nịch của ông được nhiều người nhắc đến, đó là : “ Thay vì đứng ra như là vị tiên tri, chúng ta phải là người tạo ra số phận cho chính mình” (Instead of posing as prophets, we must become makers of our fate).

Popper đi đến một kết luận dứt khoát là : “Chỉ có một xã hội dân chủ, cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận những phê phán, chỉ trích những sai lầm và có tinh thần phục thiện để mà điều chỉnh sửa chữa những bất cập đó, thì xã hội mới có cơ được lần hồi cải thiện. Ông nêu rõ là không thể có một “mẫu thiết kế” (blueprint) có sẵn cho bất kỳ một quốc gia nào, như các nhà độc tài thường hay áp đặt bắt buộc thần dân trong nước phải răm rắp tuân theo, mà không hề được nêu lên ý kiến phê phán thế này, thế nọ. Ông còn nói rõ hơn : Vì chúng ta không có cách nào đem lại hạnh phúc tối đa cho người dân được ( maximize happiness), nên chúng ta chỉ còn có mỗi một cách là “giảm đến mức tối thiểu sự đau khổ của quần chúng” (minimize suffering). Phương thức “ Xây dựng Xã hội từng mảnh một” chính là giải pháp tối ưu mà chúng ta có thể thực hiện được, hầu giải quyết thỏa đáng cho những vấn đề mỗi ngày một thêm phức tạp khó khăn của xã hội ngày nay vậy.

Chủ trương “Piecemeal Social Engineering “ này làm chúng ta nhớ đến quan điểm của kinh tế gia E F Schumacher trong cuốn sách nổi danh “Small is Beautiful” xuất bản hồi thập niên 1970, cũng bắt đầu tại nước Anh. Người viết đã có dịp giới thiệu tư tưởng của Schumacher từ hồi đầu năm 2009 vừa qua. Rõ ràng là quan điểm của triết gia Karl Popper có nhiều điểm tương đồng với chủ trương của kinh tế gia Fritz Schumacher, dù hai người theo đuổi hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau, với phương pháp lý luận cũng khác nhau.

Ta hãy nghe thêm lời biện giải chi tiết hơn của Popper : “ Phương pháp “từng mảnh một cho phép ta thực hiện liên tiếp nhiều thực nghiệm và những điều chỉnh liên tục (repeated experiments and continuous adjustments). Điều này có nghĩa là ta đem phương pháp khoa học vào trong lãnh vực chính trị, bởi vì toàn thể bí quyết của phương pháp khoa học thì chính là sự sẵn sàng học hỏi được từ những sai lầm” (a readiness to learn from mistakes).Thí dụ cụ thể như mô hình của từng định chế như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hay tòa án hòa giải, cải cách giáo dục, cải tổ thuế khóa… thì cũng đơn giản thôi. Nếu những cái đó có sai sót, thì sự thiệt hại gây ra cũng chẳng có gì trầm trọng lắm, mà việc điều chỉnh sửa sai lại cũng sẽ chẳng quá khó khăn. Bởi lẽ những thử nghiệm “từng mảnh một” như vậy, thì không làm đảo lộn tòan thể trật tự của tất cả xã hội, như trong một thứ “cách mạng đai quy mô và triệt để” mà nhà lãnh đạo độc tài chuyên chế thường gây ra.

Có thể nói lập trường” công kích chống lại độc tài chuyên chế toàn trị” (anti-totalitarian thrust) như thế của Popper rất ăn khớp với tư tưởng của các tác giả nổi danh đương thời sau thế chiến thứ hai, điển hình như Friedrick Hayek với tác phẩm “The Road to Serfdom” (Con đường dẫn tới Nô lệ), như Ludwig von Mises với tác phẩm “ Omnipotent Government “ (Chính quyền Vạn năng). Trào lưu tư tưởng này đã ngăn cản, kềm bớt chủ trương của trường phái phát sinh từ vị đại sư John Maynard Keynes cũng của nước Anh, vốn cổ võ sự can thiệp mạnh mẽ quá trớn của chánh quyền trong việc điều hành nền kinh tế tại các quốc gia vốn đã có truyền thống dân chủ vững chắc lâu năm như ở Âu Mỹ.

Trước tình trạng sôi động, cuồng tín quá khích về tôn giáo ngày nay tại nhiều nơi trên thế giới, cũng như chủ trương hạn chế quyền tự do và tiếng nói của các cá nhân do chính quyền Tổng thống George W Bush theo đuổi gần đây ngay tại chính nước Mỹ, thì chủ trương kêu gọi “liên tục cải thiện xã hội từng mảnh một”, do Karl Popper khởi xướng từ trên 60 năm nay, càng có tác dụng thúc đảy mọi công dân trong khu vực xã hội dân sự phải tích cực năng động và sáng tạo hơn nữa, để tự cứu lấy mình và cứu vãn toàn thể xã hội đang có nguy cơ khủng hoảng suy thoái rất ư là trầm trọng hiện nay vậy./

Bài 3 – George Soros và công cuộc Xây dựng Xã hội Mở Toàn cầu

(The Global Open Society)

Năm 2010 này George Soros đã bước vào tuổi 80. Ông quả là một con người ngoại hạng, đa tài, đa năng, lại nhiều tiền lắm bạc, mà lại cũng rất ư là đa đoan năng nổ. Đã có rất nhiều sách báo viết về ông, khen ngợi ca tụng cũng có, mà chê bai chỉ trích cũng nhiều. Ngay cái chuyện làm ăn kinh doanh kiếm tiền của ông trên thị trường tài chánh và chứng khoán với món tiền kếch xù thu nhập được đến cả hàng chục ngàn triệu dollar qua mấy chục năm kinh doanh của ông, thì đã là đề tài cho báo chí và công luận khắp thế giới bàn tán từ bao nhiêu năm tháng nay rồi. Ông lại còn xông xáo tham gia vào bao nhiêu chuyện chính trị, ngoại giao này nọ, mặc dầu không hề giữ một chức vụ gì trong chính quyền nước Mỹ. Ông còn hay viết báo, viết sách bàn luận về chuyện kinh tế tài chánh có tầm quan trọng toàn cầu. Cũng như ưa thích nghiên cứu đàm đạo về chuyện triết lý cao siêu nữa.

Nhưng bài viết này lại không bàn về những chuyện rất hấp dẫn đó, mà chủ tâm của người viết là muốn giới thiệu với bạn đọc các hoạt động của George Soros để nhằm xây dựng một Xã hội Mở trên phạm vi toàn cầu, theo đường hướng của vị sư phụ nổi danh Karl Popper, mà ông có dịp được thụ giáo với trong thời gian theo học tại trường Kinh tế Luân đôn hồi cuối thâp niên 1940 qua đầu thập niên 1950, lúc vào tuổi 20.

Soros khởi sự tham gia công tác thúc đảy sự phát triển “các xã hội mở” ngay từ cuối thập niên 1970. Điển hình là từ năm 1979, ông đã cấp ngân khỏan để giúp các sinh viên da đen theo học tại đại học Cape Town ở Nam Phi, vì hồi đó người dân ở nước này vẫn còn bị nạn kỳ thị chủng tộc (Apartheid) hoành hành.Tiếp theo ông lập một sáng hội (foundation) tại Hungary nhằm yểm trợ về văn hóa, giáo dục và thúc đảy tiến trình chuyển biến dân chủ cho quốc gia là quê hương bản quán của mình. Tại đây, một trong những dự án độc đáo nhất là ông đã nhập cảng vào trong nước rất nhiều máy photocopy, để giúp giới tranh đấu dân chủ phổ biến tin tức và in ấn những tài liệu bị chánh quyền cộng sản cấm đoán. Soros cũng tìm cách khôn khéo gửi khá nhiều tiền giúp phong trào Đòan kết đang hoạt động bí mật ở Balan, cũng như cho Nhóm Hiến chương 77 ở Tiệp khắc. Và đặc biệt là yểm trợ nhà bác học – đối kháng hàng đầu ở Liên Xô là Andrei Sakharov.

Năm 1982, nhân dịp mừng sinh nhật thứ 80 của giáo sư Karl Popper, Soros đã đặt tên cho tổ chức từ thiện của mình là “Open Society Foundation” để vinh danh vị sư phụ quý mến của ông. Và ông bắt đầu cấp học bổng cho các sinh viên du học từ Đông Âu. Phấn khởi trước sự thành công của các dự án này, Soros thành lập thêm nhiều dự án khác nhằm giúp đỡ việc tự do phổ biến thông tin tại những quốc gia trong khối cộng sản. Ông còn yểm trợ những chương trình giáo dục qua radio tại Mông cổ. Và sau này đóng góp đến cả 100 triệu dollar để cung cấp dịch vụ internet cho các đại học cấp miền ở nước Nga.

Nói chung những hoạt động nhân đạo từ thiện của Soros thì đều kết hợp với nguyên tắc cốt lõi của sự cổ võ xây dựng cho xã hội mở. Như vậy, nên ông đã không chịu để cho các loại hoạt động này lại bị ràng buộc hay bị hạn chế bởi một chánh quyền nào, hoặc một định chế quốc tế nào. Trong thập niên 1980,Soros tài trợ cho các nhà kinh tế trẻ tuổi tại một “think tank” ở Trung quốc qua trao đổi với một đại học chuyên về môn kinh doanh tại Budapest. Soros còn giúp thiết lập quỹ trợ cấp việc cổ võ cho xã hội dân sự và tính minh bạch tại Trung quốc. Năm 1991, Soros góp phần thành lập Đại học Trung Âu tại Budapest (Central European University), chuyên dậy bậc cao học trong lãnh vực phát triển xã hội và chính trị. Tính ra ông đã dành riêng cho đại học này đến số tiền tổng cộng lên đến trên 500 triệu dollar. Ông cũng đã bỏ ra 50 triệu dollar để cứu trợ các nạn nhân trong cuộc chiến ở Bosnia. Và cũng chi ra 50 triệu dollar khác để yểm trợ dự án Millenium Villages cho các làng nghèo túng hẻo lánh ở Phi châu nữa. Thật không thể nào kê khai cho hết được những ngân khoản do G Soros cấp phát cho các dự án xã hội- văn hoá- giáo dục rải rác khắp nơi trên thế giới được, nhất là tại các quốc gia cưụ cộng sản ở Đông Âu và cả nước Nga.Tính gộp lại, trong mấy chục năm liên tục tham gia công việc từ thiện nhân đạo và xây dựng “Xã hội Mở”, George Soros đã chi ra đến 6 tỷ dollar cho các dự án khắp thế giới.

Sau này, kể từ ngày thiết lập OSI tức là Viện Xã hội Mở vào năm 1993 (Open Society Institute), thì Soros đã lần hồi hệ thống hoá các chương trình hoạt động cho có quy củ lớp lang nhịp nhàng ăn khớp với nhau. Dưới đây, ta sẽ tìm hiểu chi tiết về sinh hoạt cuả tổ chức OSI này.

Viện Xã hội Mở (The Open Society Institute = OSI)

Là con người thực dụng, Soros không bao giờ chấp nhận cái lối điều hành theo kiểu hành chánh quan liêu thư lại nơi các cơ quan nhà nước, mà người Âu Mỹ gọi là “bureaucracy” (guồng máy thư lại). Vì thế ban đầu văn phòng do ông điều khiển để phụ trách công việc từ thiện nhân đạo, thì gần như rất “tuỳ hứng, không hề có sự kỷ cương gò bó” gì cả. Nhưng sau này, lúc công việc quá nhiều với sự cộng tác cuả những nhân vật kiệt xuất từ khắp các nơi trên thế giới, thì bó buộc Soros phải thay đổi cái lề lối quản lý và điều hành “tuỳ hứng, lỏng lẻo” này. Đó là vào đầu thập niên 1990, khi ông đã thiết lập được nhiều cơ sở gọi là “sáng hội tại từng quốc gia” (national foundation) với nhân viên phụ trách điều hành hoàn toàn là người điạ phương với thẩm quyền và sáng kiến riêng cuả họ, kể cả với danh xưng khác với tổ chức “Open Society” cuả ông, thì tại cơ quan trung ương đầu não cuả OSI đặt tại New York đã bắt đầu phát triển thành một bộ phận “ phối hợp các hoạt động cuả các national foundation” này. Hoạt động của OSI mỗi ngày một mở rộng, mà hiện nay đã gồm các “đối tác” (partner) ở trên 30 quốc gia, phần lớn là trong các nước Đông Âu và các nước tách ra từ Liên Xô kể từ đầu thập niên 1990, khi hệ thống cộng sản sụp đổ tan rã.

Hoạt động của OSI rất là đa dạng, phong phú vì được phát xuất từ sáng kiến rất cụ thể và độc đáo của bao nhiêu nhân vật xuất chúng của các quốc gia sở tại, mà lại rất ư là khác biệt nhau về truyền thống văn hóa lịch sử, cũng như tôn giáo. Tất cả chỉ có chung một mẫu số, đó là : Cùng nhắm vào công cuộc xây dựng và phát triển “Xã hội mở” dựa trên cơ sở dân chủ, khai phóng và nhân bản theo tinh thần tiến bộ, bất bạo động đã được giáo sư Karl Popper khai mở cổ võ mạnh mẽ từ 70 năm trước như được ghi trong tác phẩm “The Open Society and its enemies”, cuốn sách này vừa mới được giới thiệu trong bài 2 trước bài viết này. Vì thế, ta có thể nói : George Soros là một nhân vật tiên phong của phong trào kiến tạo “một Xã hội Mở trên quy mô toàn cầu” (the pioneer of the Global Open Society). Hay nói khác đi, Soros là tiêu biểu của một thứ “kiến trúc sư của Xã hội Dân sự Toàn cầu” (an architect of the Global Civil Society), mà đang nỗ lực cổ võ phát động cho “Phong trào Xã hội mới” của thế kỷ XXI hiện nay vậy (The New Social Movement).

Quý bạn đọc có thể mở website của “Open Society Institute”, thì sẽ tìm được vô vàn thông tin chi tiết và cập nhật hóa thường ngày về sinh hoạt của cả một hệ thống các foundation tại tất cả các quốc gia liên hệ. Điển hình như vừa đây, sau trận động đất kinh hoàng ở Haiti vào đầu năm 2010 này, thì OSI đã khẩn cấp chi ra ngay 4 triệu US dollar, phân phối cho 4 tổ chức nhân đạo như Medecins Sans Frontieres, Save The Children, Catholic Relief Services, CARE đẻ tham gia cứu trợ giúp đỡ các nạn nhân. Và trước đây Soros cũng đã chi ra 50 triệu để giúp riêng cho dân chúng tại thành phố thủ đô Port-au Prince của Haiti nữa.

Người viết bài này đã có dịp đến viếng thăm trụ sở cuả OSI tại trung tâm khu Manhattan ở New York vào muà hè năm 2008. Nhờ sự giới thiệu cuả chị luật sư Dinah Pokempner thuộc tổ chức Human Rights Watch, nên tôi đã được hai chuyên viên cuả OSI phụ trách về Đông Âu và Nga tiếp đón rất thân tình chu đáo. Đó là vì tôi cần tham khảo kinh nghiệm thực tiễn cuả OSI hoạt động tại Đông Âu, để bổ túc cho sự nghiên cứu cuả tôi về “Sự phục hồi Xã hội Dân sự tại Đông Âu sau khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989”. Tôi cần kinh nghiệm chuyên môn cuả OSI (technical expertise), chứ không phải đến trụ sở này để xin ngân khoản trợ cấp cuả họ (grant) cho việc nghiên cưú dài ngày này nói trên. Và họ tỏ ra thật hoan hỉ, phấn khởi khi nghe tôi trình bày rằng : Người Việt nam cũng như người Trung hoa, người Triều tiên chúng tôi ở Á châu hiện còn đang phải sống dưới ách độc tài chuyên chế cộng sản, thì rất mong rút được bài học hưũ ich cuả các quốc gia cựu cộng sản như ở Nga và Đông Âu, để còn chuẩn bị cho giai đoản “hậu cộng sản” (post-communist) sắp tới trong tương lai không bao xa cho đất nước chúng tôi nưã đấy.

Niềm say mê khác nữa của George Soros.

Như đã trình bày trước đây, Soros là người đa tài, đa dạng đa đoan, nên ông tham gia vào nhiều loại công việc trong những lãnh vực rất khác biệt nhau. Là người có trí thông minh vượt trội, lại trải qua nhiều nỗi truân chuyên của gia đình gốc Do thái dưới thời tàn bạo của phát xit Đức quốc xã, và sau này của chế độ cộng sản, nên Soros có được cái tầm nhìn và suy nghĩ toàn cầu (global vision /thinking). Nhưng Soros lại có cả tham vọng về thứ “ hoạt động tòan cầu “ (global action) nữa, chứ không như người ta thường tình chỉ có thể hành động hạn chế tại địa phương nhỏ bé “trong tầm tay” của mỗi cá nhân mà thôi (Act locally). Cái chí lớn “muốn xẻ núi lấp song” như thế đã thôi thúc ông lăn xả vào trong nhiều loại hoạt động, mà vì nhờ có phương tiện tài chánh dồi dào Soros dễ tạo được môi trường, để cùng chung với các bạn hữu thân thiết đưa ra thực hiện các sáng kiến độc đáo và mạnh dạn của mình. Có lần ông tâm sự với bạn : “Tôi không hề muốn thiên hạ chỉ coi tôi như là một nhà tỷ phú nhiều tiền lắm bạc, mà rộng tay ban phát ân huệ cho người này người khác như là một vị ân nhân theo cái ‘lối cha chú” (paternalism). Vì thế, tôi miệt mài tìm kiếm học hỏi thêm về triết học, về kinh tế tài chánh, về xã hội học v.v…” Chính cái tinh thần “cầu tiến” này đã khiến cho Soros thâu lượm được một số vốn kiến thức rất vững chắc, để theo kịp được với nhịp độ văn minh tiến bộ của thời đại.

Các ký giả quen biết theo dõi đường đi nước bước của Soros trong nhiều năm, thì đều nhận ra cái sự biến chuyển trong nhận thức mỗi ngày một thêm phong phú, sung mãn và vững chãi hơn. Trước đây, giới chính trị ngoại giao cấp cao các nước văn minh thường đánh giá thấp mấy nhà tài phiệt, mà họ coi như là loại “trọc phú” với trình độ văn hóa thấp kém. Nhưng từ ngày Soros được gán cho cái danh hiệu “ con người đã bẻ gãy Ngân hàng Anh quốc” vào ngày Thứ tư Đen 16 September 1992, thì người ta không thể xem thường con người này được nữa. Do vậy mà lần hồi Soros đã có thể tiếp cận được với các nhân vật quan trọng cuả thế giới trong mọi lãnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn hoá, tôn giáo để trao đổi kinh nghiệm và bàn thảo về đường lối hoạt động có tầm vóc toàn cầu. Cứ như vậy, cái vòng quen biết thân tình cuả George Soros mỗi ngày càng mở rộng, bành trướng mãi ra, và tầm vóc hoạt động mỗi ngày một phát triển rất ư là hiệu quả và bao quát.

Nhân tiện, tôi cũng xin ghi ra đây một số sách có tính cách tiêu biểu do chính Soros biên soạn và phổ biến cho công chúng trong thời gian gần đây :

*The Crisis of Global Capitalism : Open Society Endangered (1998)

*Open Society : Reforming Global Capitalism (2000)

*The Buble of American Supremacy : Correcting the Misuse of American Power (2003)

*The Age of Fallibility : Consequences of the War on Terror (2006)

*The New Paradigm for Financial Markets : The Credit Crisis of 2008 and What It Means (2008).

Ngoài ra Soros còn thường xuyên viết rất nhiều bài báo phổ biến trên diễn đàn các tờ báo lớn ở Mỹ và cả ở Âu châu nưã. Điển hình như 2 bài báo này :

*Europe as a Prototype for a Global Open Society (Nov. 20, 2006),

*Op-Ed : A New Bargain for UN Reform (May 4, 2006).

George Soros còn nhận được nhiều cấp bằng danh dự từ các đại học danh tiếng trên thế giới, cụ thể như Oxford, Yale, Budapest University. Đặc biệt vào năm 1995, đại học Bologna ở Ý Đại Lợi đã cấp cho Soros bằng danh dự cao nhất “the Laurea Honoris Causa” vinh danh những nỗ lục cuả G Soros nhằm cổ võ các “Xã hội Mở” trên toàn thế giới.

Về cuộc sống gia đình riêng tư, thì báo chí ghi nhận : Soros có hai đời vợ và có tất cả 5 người con nay đều đã trưởng thành. Cả hai bà vợ đều đã ly dị, và hiện nay không còn người đàn bà nào mà còn sống chung với ông nưã./

California, Tháng Giêng 2010

Đoàn Thanh Liêm

Mục sư Rick Warren và sự Nhập cuộc của tín đồ tôn giáo.

Mục sư Rick Warren và sự Nhập cuộc của tín đồ tôn giáo.

Bài của  :  Đoàn Thanh Liêm

Tại nước Mỹ kể từ sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, thì có nhiều vị mục sư nổi danh với ảnh hưởng rất lớn lôi cuốn được số đông quần chúng khắp nước Mỹ và cả ở ngoại quốc nữa. Trong số này, phải kể đến mục sư Billy Graham, mục sư Martin Luther King và mục sư Rick Warren.

Billy Graham sinh năm 1918 là một vị giảng thuyết lôi cuốn đến hàng trăm triệu người khắp nước Mỹ và cả trên thế giới. Luther King là vị lãnh đạo kiệt xuất của phong trào tranh đấu dân quyền  (civil rights movement) của người Mỹ gốc Phi châu trong các thập niên 1950-60. Rick Warren là một tác giả cuốn sách “The Purpose Driven Life” (Cuộc sống có mục đích) bán chạy nhất, đến trên 30 triệu cuốn trong vòng có 6-7 năm.

Trong bài này, tôi xin viết về mục sư Rick Warren là người trẻ tuổi nhất, sinh năm 1954 tại San Jose và là người sáng lập nhà thờ Saddleback Valley Community Church tọa lạc tại thành phố Lake Forest trong Quận Cam, miền Nam California liền sát với khu Little Saigon của người Việt chúng ta. Trong bài sau, tôi sẽ viết riêng về mục sư Billy Graham. Còn về mục sư Luther King, thì đã có quá nhiều người biết đến rồi, nên tôi thiết nghĩ khỏi cần viết gì thêm về ông nữa.

1 / Tóm lược tiểu sử của Rick Warren.

Rick Warren là con của một vị mục sư và chính bản thân ông cũng đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Cứu thế theo truyền thống của phái Tin Lành Southern Baptist. Ông tốt nghiệp bậc cử nhân tại California Baptist University ở Riverside, bậc cao học về Thần học tại Southwestern Baptist Theological Seminary ở Fort Worth, Texas và bậc tiến sĩ về mục vụ tại Fuller Theological Seminary ở Pasadena, California.

Ông thừa nhận mục sư Billy Graham, giáo sư Peter Drucker và mục sư Jimmy Warren người cha của ông là những vị trong số những cố vấn đáng tin cậy nhất của mình (mentor).

Năm 1975, sau khi được truyền chức mục sư, Rick Warren làm lễ thành hôn với Kay Lewis sinh trưởng ở San Diego trong một gia đình có người cha cũng là một vị mục sư. Hai ông bà có 3 người con hiện đều đã trưởng thành và 4 cháu nội ngoại. Cả hai người cùng hợp tác trong việc truyền đạo và phát triển cộng đoàn tín hữu từ con số vài trăm người lúc mới thành lập tại Saddeback trong thành phố Lake Forest vào năm 1980 lên đến con số trên 20,000 tín hữu vào năm 2005. Với số tín đồ thường xuyên tham dự thánh lễ và các sinh họat rất đa dạng hàng tuần đông đảo như vậy, Saddleback Valley Community Church đã trở thành một “Megachurch” đứng hàng thứ 8 trong số trên 1,200 “đại giáo đoàn” của toàn nước Mỹ hiện nay. Megachurch là một hiện tượng tiêu biểu cho phong trào phát triển tôn giáo rất mạnh mẽ, lôi cuốn được hàng triệu tín đồ của các giáo hội Tin lành trong vòng 50 năm qua tại nước Mỹ và cả tại Đại Hàn.

Song song với việc phát triển cơ sở mục vụ này, Rick còn đóng góp rất tích cực vào việc đào tạo, hướng dẫn cho trên 400,000 mục sư và giới chức lãnh đạo hội thánh trên toàn thế giới, dựa theo tinh thần đã được phác họa trong cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1995, được bán rất chạy, với nhan đề là “The Purpose Driven Church”.

Rick Warren lại còn nổi danh hơn nữa với cuốn sách được xếp vào loại bán chạy nhất (bestseller), mà hiện đã lên đến 30 triệu cuốn, đó là cuốn sách có nhan đề “The Purpose Driven Life”. Người viết sẽ giới thiệu chi tiết hơn về hai cuốn sách này trong một dịp khác.

Với số lợi tức thu nhập thật lớn lao do việc bán sách, vào năm 2005 Rick Warren đã hoàn lại cho nhà thờ toàn bộ số lương bổng  ông nhận được trong 25 năm với cương vị một mục sư. Và còn hơn thế nữa, ông tiếp tục đóng góp cho nhà thờ 90% số lợi tức thâu nhập của mình, thay vì số 10% mà người tín đồ thường đóng góp vào công quỹ của hội thánh, được gọi là “tithe” (thập phân).Và ông bà tiếp tục sống thanh đạm trong căn nhà nhỏ bé, với cái xe cũ kỹ, chứ không hề có một biểu hiện xa hoa nào của một gia đình triệu phú thường tình.

Nhưng điều đáng ghi nhận hơn cả về vị mục sư danh tiếng này, chính là việc ông đã tổ chức cho các tín đồ và các bạn hữu thân tín của mình tham gia dấn thân nhập cuộc với các dự án hết sức lớn lao về xã hội, y tế, giáo dục và phát triển có tầm vóc toàn cầu. Ta sẽ xem xét công việc này trong các mục tiếp theo đây.

2 / Sự gắn bó với Phi châu : Khởi sự ở Rwanda.

Sau mấy năm chuẩn bị, Rick Warren đã bắt đầu một loạt chương trình hành động của “đại giáo đoàn Saddenback” được mệnh danh là PEACE plan tại nước Rwanda là nơi có cuộc diệt chủng kinh hoàng vào năm 1994, tàn sát đến gấn một triệu sinh mạng trong một quốc gia với dân số chỉ có 9 triệu người. Chữ PEACE này ngoài ý nghĩa là Hòa bình, lại chính là chữ viết tắt của khẩu hiệu gồm 5 mục : Promote Reconciliation, Equip servant-leaders, Assist the poor, Care for the sick, Educate the next generation (Phát triển công cuộc Hòa giải, Trang bị cho người lãnh đạo-phục vụ, Giúp đỡ người nghèo khó, Chăm sóc người bệnh tật, Giáo dục thế hệ tương lai).

Vào năm 2005, tức là 11 năm sau vụ diệt chủng, Rwanda vẫn còn là một quốc gia vào loại nghèo nhất trên thế giới với 90% dân chúng có thu nhập chưa tới 2 dollars mỗi ngày. Ngay từ lúc đặt chân tới đây, Warren liền phát động ngay một chương trình hành động cấp thời gồm nhiều phương diện y tế, xã hội, giáo dục và nhất là cả kinh tế. Ông dẫn các giám đốc xí nghiệp, các doanh gia từ trong số các thành viên của cộng đoàn Saddenback đến tiếp súc và làm việc với giới doanh nghiệp và nhân viên chánh phủ Rwanda để tìm cách xây dựng nền kinh tế của xứ sở này. Họ chú trọng vào công việc đào tạo huấn luyện cho các nhà doanh nghiệp nhỏ tại các làng quê hẻo lánh, cho đến cả việc yểm trợ các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở rất lớn lên đến nhiều triệu dollar. Điển hình như  dự án xây dựng đường sắt dài 720 miles nối liền Rwanda với Tanzania và Burundi, chi phí lên đến 2.5 tỷ mỹ kim vừa do 3 nước đó ký kết vào tháng Tư năm 2009.

Rick Warren rõ ràng là có tầm nhìn xa và có uy tín để kết hợp được cả giới lãnh đạo chánh quyền, giới doanh nghiệp tư nhân, cũng như giới lãnh đạo tôn giáo ở hạ tầng cơ sở tại những xóm làng hẻo lành, để cùng nhau thực hiện được rất nhiều dự án cụ thể về y tế đại chúng, từ việc lo chăm sóc cho hàng vạn người mắc bệnh HIV/AIDS, cho bao nhiêu trẻ mồ côi cha mẹ đã chết vì căn bệnh hiểm nghèo này, cho đến việc cấp vốn cho các gia đình nghèo túng để giúp họ phương tiện tự lực mưu sinh, để khỏi phải lệ thuộc mãi vào sự bố thí của người khác.

Phái đòan do Rick Warren hướng dẫn đã được chính Tổng thống Rwanda là Paul Kagame và tòan thể chánh phủ tín nhiệm và hợp tác rất chặt chẽ; nhờ vậy mà sau mấy năm làm việc chung với nhau, thì quốc gia này đã gặt hái được những thành quả rất đáng khích lệ về nhiều mặt kinh tế, xã hội cũng như văn hóa, ngọai giao.

3 / Quần chúng tín đồ các tôn giáo là một nguồn tiềm năng vô biên.

Trong nhiều dịp được mời tham gia các diễn đàn quốc tế như ở New York, Washington DC, ở Davos Thụy sĩ v.v…, Rick Warren đã luôn luôn trình bày rất thẳng thắn đại để như thế này :  “Trên thế giới ngày nay, chúng ta có đến trên 2 tỷ người tín đồ Thiên chúa giáo gồm Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo, trên 1.5 tỷ người tín đồ Ấn độ giáo và Phật giáo và trên 1 tỷ người tín đồ Hồi giáo. Khối quần chúng tín đồ lớn lao như thế đó là một nguồn tài nguyên vô biên, mà cho đến nay chưa được mấy ai trong các tổ chức quốc tế chú trọng đúng mức để động viên thuyết phục họ cùng bắt tay dấn thân vào việc giải quyết những khó khăn bế tắc trầm trọng có tầm vóc tòan cầu. Riêng cá nhân tôi là một mục sư Thiên chúa giáo, thì với khả năng hạn hẹp của mình, tôi đã cùng với các tín đồ của nhà thờ Saddenback phát động kế hoạch PEACE để góp phần vào công cuộc phục vụ bà con đang gặp khó khăn ở nhiều nơi, cụ thể như ở Rwanda. Và tôi cũng ước mong quý vị tất cả nên chú ý đến cái khối tiềm năng vĩ đại này, hầu đề ra được những giải pháp tốt đẹp cho thế giới chúng ta đang gặp bao nhiêu bế tắc khủng hỏang ngày nay…”

Dịp khác, ông còn gợi ra hình ảnh tôn giáo là cái chân thứ ba để cùng hợp với khu vực nhà nước và khu vực tư nhân để tạo được thế đứng vững chắc cho tòan bộ chiếc ghế của thế giới ngày nay. Với uy tín sẵn có, Warren có dịp thường xuyên trao đổi và hợp tác với các nhân vật có tầm vóc họat động rộng rãi tòan cầu, điển hình như cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Thủ tướng Tony Blair …

Trong mùa tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008, Warren đã mời được cả hai ứng cử viên John McCain và Barak Obama cùng đến Saddenback để trình bày với cử tri về lập trường của mỗi người trước những vấn đề hệ trọng của đất nước. Và mục sư Warren lại còn được mời đọc lời kinh cầu nguyện trong buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Obama tại thủ đô Washington vào đầu năm 2009.

Tạp chí US News and World Report xếp hạng Rick Warren là một trong “25 vị lãnh đạo hàng đầu của nước Mỹ” vào năm 2005. Tạp chí Time thì gọi ông là một trong “15 nhà lãnh đạo thế giới đáng kể nhất trong năm 2004” và cũng là một trong “100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới” vào năm 2005. Còn báo Newsweek trong năm 2006, thì gọi ông là một trong “15 nhân vật đã làm cho nước Mỹ trở thành vĩ đại”.

Tuy được tung hô khen tặng như vậy, Warren vẫn luôn giữ được sự khiêm cung đạo hạnh của một tu sĩ. Ông thường xuyên cầu nguyện và bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào sự dẫn dắt của Thiên chúa trên bước đường phục vụ tha nhân. Niềm xác tín và lòng nhiệt thành của ông đối với sứ mệnh rao giảng lời Chúa như vậy đã lôi cuốn, thuyết phục được hàng triệu tín đồ cũng như các mục sư khác cùng nhau dấn thân nhập cuộc vào những chương trình cụ thể, thiết thực nhằm chống lại nạn nghèo đói và bệnh tật, mở mang về giáo dục cho lớp người bị gạt ra ngòai lề xã hội và bảo vệ môi sinh trên phạm vi tòan cầu.

Tư tưởng cũng như hành động của mục sư Rick Warren quả thật là rất gần gũi với lập trường của Hội đồng Giám mục Công giáo Châu Mỹ La tinh (CELAM) đã được xác định từ lâu, đó là “Sự Chọn lựa của Giáo hội đối với Người Nghèo khổ” ( Church’s Option for the Poor) vậy./

California đầu tháng Mười 2010

Đòan Thanh Liêm

Giới thiệu sách mới : Hành trình của người trí thức dấn thân nhập cuộc

Giới  thiệu  sách  mới : Hành  trình  của  người  trí  thức  dấn  thân  nhập  cuộc

Bài của Đoàn Thanh Liêm

Nguyên tác bản tiếng Anh   :  Thinking the Twentieth Century.

by :   Tony Judt with  Timothy   Snyder

Nhà xuất bản The Penguin Press, New York ấn hành năm 2012

Sách dày trên 400 trang với bìa cừng.

www. Penguin.com

*     *     *

Tony Judt (1948 – 2010) sinh trưởng tại London Anh quốc, là một giáo sư về môn lịch sử và chính trị tại nhiều Đại học danh tiếng ở Âu châu và ở Mỹ. Ông cũng là tác giả hay biên tập của 14 cuốn sách, trong đó có cuốn “Postwar : A History of Europe Since 1945” xuất bản năm 2005 là được giới thức giả quốc tế chú ý và đánh giá cao. Ông còn đóng góp nhiều bài vở cho các tạp chí nổi tiếng như The New York Review of Books, The Times Literary Supplement, The New Republic… Do bị bệnh liệt não, ông đã sớm từ giã cõi đời tại New York vào năm 2010 lúc mới ở vào tuổi 62.

Nhận thấy bậc đàn anh lâm bệnh ngặt nghèo, nên Timothy Snyder – cũng là một giáo sư trẻ tuổi người Mỹ về môn lịch sử – trong các năm 2009 – 2010 đã đến tư gia của Tony Judt tại New York để trao đổi thảo luận trong nhiều buổi nói chuyện thân mật tay đôi với ông. Và qua việc khai thác các băng ghi âm từ những cuộc đối thọai đó, Timothy đã hòan thành được cuốn sách có nhan đề thật bao quát là : “Thinking the Twentieth Century” –  sách này vừa mới cho ra mắt công chúng trong năm 2012. Có thể nói đây vừa là cuốn sách tự truyện của Tony Judt, vừa là một nhận định tổng hợp về sự dấn thân nhập cuộc của giới trí thức tại Âu châu suốt trong thế kỷ XX.

Để thuận tiện cho độc giả theo dõi câu chuyện đối đáp giữa hai vị chuyên gia về sử học tại Âu châu trong thế kỷ XX, người viết xin lần lượt trình bày về tiểu sử các tác giả trước khi đề cập đến những mục đáng chú ý nhất trong cuốn sách.

I – Tiểu sử các tác giả.

1 – Tony Judt (1948 – 2010)

Xuất thân từ một gia đình có cả cha mẹ đều là di dân người Do Thái gốc gác từ Đông Âu, nên Tony Judt dễ có điều kiện tìm hiểu về những biến chuyển lớn lao tại miền đất xưa kia là quê hương của dòng họ bên nội cũng như bên ngọai của mình. Tony được học ở trường Đại học nổi danh bậc nhất của Anh quốc, đó là trường Cambridge – rồi lại còn được học thêm ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm ở Paris (École Normale Supérieure) là cái nôi sản sinh ra những tinh hoa của nước Pháp. Ông thông thạo nhiều ngọai ngữ như tiếng Pháp, Đức,Tiệp khắc… và được coi là một chuyên gia có thẩm quyền về Lịch sử Giới Trí thức của Pháp thời hiện đại.

Luận văn để thi bằng Tiến sĩ của ông tại Cambridge được xuất bản thành cuốn sách trước tiên bằng tiếng Pháp vào năm 1976  – với nhan đề là “La Reconstruction du Parti Socialiste 1921 – 1926” (Sự Tái Xây dựng Đảng Xã hội (Pháp) 1921 – 1926).

Ông đã giảng dậy nhiều năm về Lịch sử và Chính trị tại các Đại học danh tiếng như Cambridge, Oxford và Berkeley và làm Giám đốc Sáng lập của Viện Erich Maria Remarque tại Đại học New York, Viện này chuyên chú vào công cuộc Trao đổi và Đối thọai giữa Âu châu và Mỹ châu.

Tony Judt cũng là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng, điển hình như :” Past Imperfect : French Intellectuals, 1944 – 1956” (xuất bản năm 1992), “Marxism and the French Left : Studies on Labor and Politics in France 1930 – 1982” (xb 1990), “The Burden of Responsibility : Blum, Camus, Aron and the French Twentieth Century (xb 1998)”, “A Grand Illusion? : An Essay on Europe” (xb 1996). Và đặc biệt cuốn “Postwar : A History of Europe Since 1945” (xb 2005), thì được tạp chí New York Times Book Review xếp lọai là “một trong 10 cuốn sách hay nhất trong năm 2005”.

Ở vào tuổi 16 – 20, Tony đã nhiều lần về Do Thái để tham gia xây dựng kibbutz ở nông thôn và làm cả việc phiên dịch cho các đòan thiện nguyện viên trong cuộc chiến tranh 7 ngày năm 1967. Nhưng sau đó, Tony đã có lập trường khác biệt với chính quyền Do Thái và trở về đi học lại để hòan tất học trình thi Tiến sĩ và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu và giảng dậy chuyên môn về lịch sử và chính trị cho đến khi lìa đời vào tháng 8 năm 2010 tại New York.

Năm 2003, Tony Judt đưa ra chủ trương “Một quốc gia – hai dân tộc” (A bi-national State) như là giải pháp cho cuộc tranh chấp Do Thái & Palestine – thì gặp phải sự phản ứng gay gắt trong công luận – khiến cho một vài tạp chí phải từ chối sự cộng tác của ông.

Về đời tư của gia đình, thì Tony Judt có hai người vợ trước đều đã ly dị. Sau cùng, ông sống đến cuối đời với bà vợ thứ ba tên là Jennifer Homans và có hai người con trai với bà này được đặt tên là Daniel và Nicolas.

2 – Timothy Snyder (sinh năm 1969)

Sinh trưởng tại Mỹ, Timothy Snyder theo học tại Đại học Brown ở Mỹ và tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ từ Đại học Oxford Anh quốc. Ông còn tham gia nghiên cứu tại Paris, Warsaw, Vienna và Đại học Harvard. Ông chuyên giảng dậy tại Đại học Yale về môn Lịch sử chính trị của Đông Âu hiện đại.

Ông cũng là tác giả của 5 cuốn sách đều được giải thưởng – trong đó cuốn sách nhan đề “Bloodlands : Europe between Hitler and Stalin” (Miền Đất Đẫm Máu) đã trở thành sách bán chạy nhất tại 4 quốc gia và được 10 nhà xuất bản xếp vào lọai sách hay nhất trong năm.

Timothy Snyder là người thông thạo rất nhiều ngôn ngữ Đông Âu, cụ thể như tiếng Nga, Ba Lan, Ukraine, Belorussian, Tiệp khắc và cả tiếng Yiddish của người Do Thái ở Đức và Trung Âu – đó là chưa kể tiếng Pháp và Đức. Sách của ông đã được dịch ra đến 20 ngôn ngữ khác. Chính Tony Judt đã xác nhận trong Lời cuối sách rằng :  Với sự thông suốt về lịch sử và văn hóa Đông Âu, thì Timothy Snyder là phần bổ túc thật quý báu cho mình, mặc dầu Timothy trẻ hơn 21 tuổi so với Tony.

Tuy vậy, do sự khiêm tốn, trong cuốn sách này Timothy Snyder đã lọai bỏ bớt đi phần nói về tiểu sử của bản thân mình – cốt ý để cho Tony Judt đóng vai trò chính yếu trong việc hòan thành cuốn sách. Độc giả có thể nhận ra chi tiết đó ngay trên trang bìa sách, thì chữ Tony Judt cũng lớn hơn hẳn chữ Timothy Snyder – ông này tự coi như mình chỉ là ‘một tác giả phụ” của cuốn sách mà thôi.

II – Mấy nét chính yếu của tác phẩm.

1 – Có thể xếp lọai cuốn sách này là Lịch sử Tư tưởng Chính trị và giới Trí thức trong sinh họat chính trị của thế kỷ XX ở Âu châu – đó là một lãnh vực mà cả hai tác giả đều đã dày công nghiên cứu trong nhiều năm. Vì thế mà có ấn bản lại ghi thêm một nhan đề phụ nữa là : “ Giới Trí thức và Chính trị” (Intellectuals and Politics) để bạn đọc chú ý hơn đến nội dung của sách. Phần Tự thuật của riêng Tony Judt có tác dụng minh họa cho những nghiên cứu cũng như về sự gặp gỡ trao đổi của ông với nhiều vị thức giả có tên tuổi trong giới học thuật đặc biệt xuất thân từ Đông Âu.

Cuốn sách được thành hình qua nhiều cuộc trao đổi đối thọai giữa hai vị giáo sư chuyên về môn lịch sử ở Âu châu thời cận đại – nên có tính chất linh họat của lối văn nói hơn là văn viết.

2 – Về mặt bố cục, sách được chia thành 9 chương với Lời Nói đầu của Timothy Snyder và Lời Nói cuối của Tony Judt do ông này viết tại New York vào ngày 5 tháng Bảy năm 2010 – chỉ mấy tuần trước ngày ông từ giã cõi đời vào tháng 8 năm 2010. Mỗi chương đều có nhan đề riêng biệt, điển hình như sau :

ñ  Chương 3 : Familial Socialism : Political Marxist

ñ  Chương 5 : Paris, California : French Intellectual.

ñ  Chương 6 : Generation of Understanding : East European Liberal

ñ  Chương 7 : Unities and Fragments : European Historian

ñ  Chương 9 : The Banality of Good : Social Democrat.

Phần cuối sách còn có 6 trang kê khai rất nhiều tác phẩm được hai tác giả đề cập thảo luận tới trong các cuộc đối thọai. Cuốn sách thật hấp dẫn lôi cuốn đối với người đọc – vì trong nội dung mỗi đề tài thảo luận giữa hai tác giả, thì đều ghi xen lẫn cả nhiều chi tiết về quá trình sinh sống, gặp gỡ quen biết với các chuyên gia đày tài năng khác và cả sự miệt mài say sưa trong công việc nghiên cứu không biết mệt mỏi – đó là tính chất đặc trưng của Tony Judt.

3 – Vì chủ đề của những cuộc trao đổi thảo luận quá rộng rãi – bao quát nhiều khía cạnh của lịch sử tư tưởng và sinh họat chính trị tại Âu châu suốt trong thế kỷ XX, nên việc tóm lược cho thỏa đáng về những điểm cốt lõi của cuốn sách là một công việc hết sức khó khăn – nhất là lại phải gói gọn trong một bài giới thiệu không thể kéo dài quá 3,000 chữ như thường lệ. Do vậy, tôi chỉ xin nêu ra vài ba khía cạnh đặc trưng đáng chú ý nhất trong tác phẩm – đặc biệt đối với số người Việt vốn từng quen theo dõi tình hình sinh họat chính trị tại nước Pháp. Đó là nội dung được trình bày trong phần III sau đây.

III – Những khía cạnh đáng chú ý nhất trong cuốn sách.

1 – Cách tiếp cận của người vừa ở trong cuộc, vừa ở ngòai cuộc.  (Insiders/Outsiders Approach)

Như tác giả Timothy Snyder đã ghi trong Lời nói đầu, Tony Judt vừa là người trong cuộc, vì ông dấn thân họat động cụ thể trong một số lãnh vực như một người trí thức nhập cuộc (intellectuel engagé) – mà ông cũng còn là người ngọai cuộc, vì ông chủ trương theo đuổi cái viễn kiến rộng rãi hơn, thông thóang hơn của một nhà nghiên cứu lịch sử vốn đòi hỏi một tinh thần bao quát khách quan hơn. Điều này khác biệt với phong cách của một nhà viết tiểu luận (essayist) vì ông này cần bày tỏ lập trường nhận định của mình với sự xác tín và nhiệt huyết của cá nhân mình trong bài viết – mà không bó buộc phải cân nhắc đắn đo với những đối chiếu thận trong của một nhà viết sử.

Cụ thể là Tony lúc ở tuổi 16 – 20, thì đã từng về bên nước Do Thái để tham gia xây dựng tại các kibbutz. Nhưng sau này Tony lại có ý kiến khác hẳn với chủ trương của nhà đương quyền ở xứ này. Cũng vậy, Tony theo truyền thống Marxist trong gia đình, nhưng khi trưởng thành chín chắn, thì lại theo đường hướng Xã hội Dân chủ mà ông coi là nhân bản tốt đẹp hơn hẳn chế độ tàn bạo sắt máu trong hệ thống cộng sản do Liên Xô đứng đầu. Và nhờ tiếp cận thân thiết với giới trí thức lưu vong từ Đông Âu sau năm 1968, mà Tony có cơ hội thấu hiểu cặn kẽ hơn về cái bối cảnh tòan diện chính trị xã hội và văn hóa của cả hai phía Đông Âu và Tây Âu – điều mà ít có người thức giả thực hiện được.

2 – Nhận định phê phán về Giới Trí thức của nước Pháp.

Là một nhà nghiên cứu lâu năm về tình hình chính trị cận đại của nước Pháp, Tony Judt đã trình bày những nhận xét hết sức rõ rệt sắc nét về giới Trí thức của Pháp trong thế kỷ XX. Tony thẳng thừng phê phán những trí thức thiên tả hàng đầu của Pháp như Jean Paul Sartre, Maurice Merleau-Ponty, Simone de Beauvoir … là những người cố chấp, thiên vị đến độ mù lòa (blindfully) đồng lõa với chủ trương tàn ác của Staline. Họ coi cách mạng ở Nga năm 1917 là sự tiếp nối của cách mạng Pháp năm 1789. Tony coi họ có tinh thần điạ phương cục bộ, khư khư bám víu vào cái hư danh của truyền thống cũ kỹ cổ xưa của mình (parochial). (Xin đọc chi tiết nơi cuốn “Past Imperfect : French Intellectuals, 1944 – 1956 – xuất bản năm 1992)

Trái lại, Tony Judt lại đề cao những trí thức như Léon Blum, Albert Camus và Raymond Aron là những người đã có sự dũng cảm đi ngược lại cái khuynh hướng thiên tả cố chấp của đa số trí thức đương thời – để nói lên sự cảnh báo trước nguy cơ bành trướng của khối cộng sản Liên Xô kể từ sau năm 1945. Ông đã viết cả một cuốn sách nhỏ xuất bản năm 1998 dưới nhan đề là “The Burden of Responsibility…” đề cập chi tiết hơn về ba nhân vật này.

Trong cuộc đàm đạo với Timothy, thì Tony còn thuật lại vào tháng 2 năm 1948, cựu lãnh đạo Mặt trận Bình Dân ở Pháp năm 1936 (Front Populaire) là chính Léon Blum đã phải viết trong bài xã luận của tờ báo Le Populaire của Đảng Xã hội rằng : Ông nhận sự sai lầm của mình khi tin rằng phe Xã hội có thể hợp tác với phe Cộng sản” (trang 214) .

3 –  Về chính sách kinh tế, Tony Judt bênh vực John Maynard Keynes.

Giữa hai quan điểm đối nghịch của John Maynard Keynes là kinh tế gia người Anh giữa thế kỷ XX và của Friedrick Hayek người gốc Áo quốc gần đây, thì Tony Judt có vẻ thiên về tác giả Keynes là người cổ võ cho chính sáchTòan dụng trong nền Kinh tế Vĩ mô (Full Employment in Macro-economics) – mà ông coi là bổ túc cho khuynh hướng của chủ trương kế họach hóa do Sir William Beveridge đề xuất ở nước Anh. Tony biện minh rằng chủ trương của Keynes có tính cách mềm dẻo linh động, chứ không có sự khe khắt khắc nghiệt làm tê liệt sáng kiến của giới doanh nhân –  như Hayek đã nặng nề phê phán, đặc biệt trong tác phẩm nổi danh “The Road to Serfdom” của ông (Con Đường dẫn đến Sự Nô dịch).

Tony coi trọng thành quả của Tây Âu là đã xây dựng vững chắc được các định chế dân chủ và đặt nền móng sâu rộng cho một số quốc gia có nền phúc lợi xã hội khả quan (The Social Welfare State). Đặc biệt là sự thành công của chế độ Dân chủ Xã hội tại các quốc gia ở Bắc Âu châu (Social Democracy).

IV – Để tóm lược lại.

1 – Tuy chủ đề của cuốn sách quá rộng lớn bao quát, nhưng vì nội dung của các buổi thảo luận được trình bày xen kẽ với nhiều chi tiết sinh động về tiểu sử có tính cách tự thuật của Tony Judt, nên người đọc dễ theo dõi câu chuyện với sự thích thú kỳ diệu mà lại nhẹ nhàng. Cả hai tác giả đều là những nhà giáo – nhà nghiên cứu uyên bác và đã từng có những tác phẩm được đánh giá cao trong học giới cũng như trong công chúng độc giả. Vì thế, sự trình bày của họ trong cuốn sách thì rất là phong phú khúc chiết – nó giúp chúng ta có được một cái nhìn tổng hợp về tư tưởng và hành động của giới trì thức tiêu biểu tại Âu châu trong thế kỷ XX. Có thể nói các tác giả đã cung cấp cho người đọc một thứ lộ đồ (a road map) để khám phá cái không gian tư tưởng cực kỳ bao la đa dạng và phức tạp của thế kỷ XX.

2 – Đúng như nhan đề của bài viết, cuốn sách này là một thứ tự thuật của Tony Judt về quá trình nhập cuộc của bản thân mình trong sự tìm kiếm một giải pháp thỏa đáng cho xã hội đương thời. Mà đồng thời các tác giả cũng trình bày những nét chính yếu về vai trò của tòan thể giới trí thức ở Âu châu trong sinh họat chính trị văn hóa suốt thế kỷ XX. Các tác giả cũng bày tỏ sự lạc quan và xác tín của mình trước viễn tượng của một nền Dân chủ Xã hội mà các thế hệ trẻ của thế kỷ XXI có thể xây dựng được – sau khi rút kinh nghiệm từ những thất bại của các thế hệ đàn anh của thế kỷ XX.

Người viết xin hân hạnh được giới thiệu với quý bạn đọc cuốn sách rất hấp dẫn lôi cuốn và cũng thật có giá trị vững chắc này vậy./

Costa Mesa California, Tháng 12 năm 2012

Đoàn Thanh Liêm

Không quốc giáo, không giáo điều

Không  quốc giáo,  không giáo điều

( No State Religion, No State Dogma)

Đoàn Thanh Liêm

Năm 1975, sau khi chiến thắng được miền Nam rồi, thì giới lãnh đạo cộng sản tại Hanoi bèn công khai đổi tên “Đảng Lao Động” thành ra “Đảng Cộng sản”, tờ tạp chí “Học Tập” là cơ quan nghiên cứu và lý luận cuả Đảng Lao Động cũng đổi tên thành tạp chí “Cộng sản” luôn. Và cả đến cái “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” (National Liberation Front NLF) cũng được cho giải tán, dẹp bỏ mất tiêu luôn. Đó là chuyện nội bộ cuả đảng cộng sản, họ có quyền quyết định thay đổi tên tuổi cuả riêng họ, chúng ta không phải là người trong đảng cộng sản, thì cũng chẳng nên thắc mắc  gì về cái chuyện riêng tư đó trong tổ chức cuả riêng họ.

Nhưng mà, vẫn theo chuyện “thưà thắng xông lên”, họ đã cả gan đổi cả cái tên, cái danh xưng cuả quốc gia thành ra nhà nước “Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã Việt nam” (Socialist Republic of Vietnam SRV), thì đó là điều mọi người công dân Việt nam chúng ta đều có quyền bất đồng, có quyền dị nghị. Vì rõ ràng là đảng cộng sản đã quá ư lộng quyền. Họ vẫn xưng mình là “đày tớ cuả nhân dân”, ấy thế mà họ dám ngang nhiên qua mặt “các chủ nhân ông, tức là toàn thể nhân dân”, mà thay đổi cả cái danh xưng cuả đất nước Việt nam thành ra là một quốc gia nằm dưới trướng cuả cái giáo điều “xã hội chủ nghiã”, với nền” độc tài chuyên chính vô sản”, với chủ trương “đấu tranh giai cấp, hận thù giai cấp”, “dân chủ tập trung” v.v…Đó là cái điều mà không bao giờ chúng ta lại có thể chấp nhận được.

Ở bên Pháp vào năm 1981, lần đầu tiên có lãnh tụ Đảng Xã hội là Francois Mitterand được bàu làm Tổng Thống, thì Giáo sư Raymond Aron có viết một bài báo gây chấn động trên báo Figaro, ông vìết thật đanh thép rằng  : “ Nước Pháp là nước Pháp, hay là Cộng Hoà Pháp quốc, chứ không có thêm một tĩnh từ nào khác” (Nguyên văn : La France, c’est la France ou la République Francaise, sans adjectifs! ) Tức là vị giáo sư lừng danh này muốn cảnh cáo cả phe tả phái và đảng Xã hội rằng : “Không được đem bất kỳ cái chủ thuyết nào mà gán vào danh xưng nước Pháp.” Lập trường này cũng có thể đem áp dụng cho nước Việt nam chúng ta, mà cho tới năm 2010 này vẫn còn bị đảng cộng sản gắn cho “cái đuôi con chồn xã hội chủ nghiã”!

Đầu năm 1990, sau khi chế độ cộng sản xụp đổ ở Đông Âu, thì tôi có viết một bản văn nhan đề là : “Năm Điểm Thoả Thuận Căn Bản” được coi như cái “guideline” cho việc soạn thảo bản Hiến pháp sau này. Bản văn được bắt đầu như sau :

Điểm 1 – Quốc gia Việt nam không công nhận một tôn giáo nào làm quốc giáo.

Quốc gia cũng không áp đặt một chủ thuyết nào làm giáo điều chính thức cuả Dân tộc.

Nhằm tôn trọng và bảo vệ Tự do Tín ngưỡng, Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ cuả các tổ chức tôn giáo.

(Toàn văn Bản “Năm Điểm” này sẽ được ghi trong Phần Phụ Lục đính kèm bài viết này).

Vì bản văn này, mà tôi bị công an bắt giam giữ vào tháng Tư 1990 và trong phiên xử vào ngày 14 Tháng Năm 1992, Toà án tại Saigon đã xử phạt tôi 12 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống chủ nghiã xã hội”. Và sau đó, họ đưa tôi đi “thi hành án” tại trại giam Z30D ở Rừng Lá thuộc huyện Hàm Tân Phan Thiết.

Năm 1996, nhờ sự vận động can thiệp cuả nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Amnesty International, Human Rights Watch, cũng như cuả nhiều Dân biểu, Nghị sĩ và các nhân vật văn hoá xã hội, và nhất là cuả chánh quyền Mỹ, mà tôi đã được trả tự do bằng cách công an chở tôi từ nhà tù Hàm Tân ra thẳng phi trường Tân Sơn Nhất, để cùng với gia đình qua định cư bên nước Mỹ. Đại khái vắn tắt cuả vụ án cuả tôi là như vậy.

Trong 10 năm nay, tôi để thời giờ nghiên cứu tìm hiểu về sự “Chuyển hoá Dân chủ” (Democratic Transition) tại các nước cựu cộng sản ở Đông Âu và cả ở nước Nga. Và tôi đã tìm ra được nhiều điều lý thú, khả dĩ có thể rút kinh nghiệm cho việc xây dựng tương lai đất nước và dân tộc Việt nam chúng ta. Để cho ngắn gọn, tôi chỉ xin trích dẫn một số điều khoản căn bản trong bản Hiến pháp, mới được ban hành trong thập niên 1990 và sau này, cuả một số nước cựu công sản, mà có liên hệ trực tiếp đến quan điểm cuả tôi như đã ghi nơi điều 1 Bản văn “Năm Điểm” đã trưng dẫn ở trên.

A/ Không có Quốc giáo (No State Church).

1-      Điều 40 khoản 2 Hiến Pháp nước Estonia : “Không có quốc giáo” (There is no State Church).

2-      Điều 14 khoản 1 Hiến Pháp nước Nga : “Không một Tôn giáo nào được thiết lập như một quốc giáo, hay như một tôn giáo bắt buộc (No Religion shall be established as a State or Obligatory One).

B/ Không có Ý thức hệ Nhà nước (No State Ideology)

1-      Điều 13 khoản 2 Hiến Pháp nước Nga : “ Không có một Ý thức hệ nào được thiết lập như là Ý thức hệ Nhà nước, hoặc như môt ý thức hệ bắt buộc (No Ideology may be established as a State or Obligatory One).

2-      Điều 5 khoản 2 Hiến Pháp nước Moldova : “Không có Ý thức hệ nào được công bố là Ý thức hệ chính thức cuả Nhà nước (No Ideology may be pronounced as an official ideology of the State).

3-      Điều 12 khoản b Hiến Pháp nước Uzbekistan : “ Không một Ý thức hệ nào mà được ban cấp quy chế cuả Ý thức hệ Nhà nước” (No Ideology shall be granted the status of State Ideology).

4-       Điều 11 khoản 2 Hiến Pháp nước Bulgaria : “Không có Ý thức hệ nào mà được công bố hay xác nhận là Ý thức hệ của Nhà nước”-  (No Ideology shall be proclaimed or affirmed as an Ideology of the State).

Mấy trích dẫn ghi trên thiết nghĩ cũng đã đủ để đánh giá được sự đồng lòng dứt khoát của người dân tại những quốc gia cựu cộng sản ở Âu châu trong việc loại bỏ căn bệnh giáo điều do đảng cộng sản trước đây đã áp đặt tại khu vực này.

Người viết xin để bạn đọc tuỳ nghi phân tích và lượng định về sự thay đổi này trong các quốc gia cựu cộng sản ở Đông Âu và nhất là ở nước Nga. Và rồi đối chiếu với tình trạng ở Việt nam hiện nay./

Baltimore Maryland, Tháng Năm 2010

Đoàn Thanh Liêm

Phụ   Lục

Năm Điểm Thoả Thuận Căn Bản

Điểm 1 – Quốc gia Việt nam không công nhận một Tôn giáo nào làm Quốc giáo.

Quốc gia cũng không áp đặt một chủ thuyết nào làm giáo điều chính thức cuả dân tộc.

Nhằm tôn trọng và bảo vệ Tự do Tín ngưỡng, Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ cuả các tổ chức tôn giáo.

Điểm 2 – Dân tộc Việt nam gồm nhiều sắc tộc có truyền thống văn hoá lịch sử khác nhau. Như vậy nền tảng cuả xã hội Việt nam phải được đặt trên cơ sở đa chủng tộc, đa văn hoá.

Điểm 3 – Phát huy truyền thống nhân bản và nhân ái cuả dân tộc, hệ thống chính trị và luật pháp Việt nam phải được xây dựng theo những nguyên tắc đã được ghi rõ trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Điểm 4 – Về phương diện kinh tế, vai trò cuả nhà nước là làm trọng tài để bảo đảm công bằng xã hội và trật tự xã hội. Như vậy, nhà nước không thể vừa đứng làm trọng tài, mà lại vưà là một bên đương sự trong các hoạt động kinh doanh làm ăn được (vưà thổi còi, lại vưà đá bóng).

Hệ luận cuả nguyên tắc này là : Hệ thống quốc doanh hiện nay sẽ được giảm bớt tới mức tối thiểu.

Điểm 5 – Thể hiện tinh thần hoà giải hoà hợp dân tộc, quốc gia sẽ ban hành lệnh khoan hồng đại xá đối với mọi vi phạm do cá nhân hay do tập thể gây ra.Nghiêm cấm mọi sự tuỳ tiện báo ân, báo oán.

Mọi khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại sẽ được xử lý theo đúng thủ tục luật pháp./

Làm tại Saigon Tháng Hai 1990.

Đoàn Thanh Liêm

Ý hướng Xây Đời Mới

Ý  hướng  Xây  Đời  Mới

Trong Chương Trình Phát Triển Quận 6, 7, 8 Saigon (1965 – 1971)

Hồi tưởng của Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Vào khỏang tháng 6 năm 1965, một số thanh niên chúng tôi đang ở lứa tuổi 25 – 30 cùng hội họp bàn thảo với nhau liên tục trong nhiều ngày và cuối cùng chúng tôi đã đúc kết cuộc thảo luận thành một tài liệu lấy tên là Dự Án về một chương trình họat động xã hội, tài liệu này dài chừng 30 trang có nhan đề là :

“Phong Trào Xây Đời Mới

Chương Trình Phát triển Quận 8 Saigon”

Bản Dự Án này liền được đệ trình lên văn phòng của vị Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung ương (tức là Thủ tướng Chính phủ) lúc đó do Tướng Nguyễn Cao Kỳ đảm trách.

Sau khi xem xét ít lâu, Tướng Kỳ đồng ý chấp thuận trên nguyên tắc mấy đề nghị của chúng tôi và chỉ thị cho Bô Thanh niên và Tòa Đô chính Saigon cùng đứng ra bảo trợ cho công việc thực hiện Chương Trình Phát Triển này.

Thế là vào khỏang trung tuần tháng 8 năm 1965 đó, anh em thiện nguyện chúng tôi bắt đầu cùng “xuất quân” xuống quận 8 là một địa phương tương đối nghèo túng và kém mở mang nhất tại Saigon thời ấy.

Sau một năm họat động, chương trình này đã mở rộng phạm vị họat động sang hai quận lân cận là quận 6 và quận 7. Và trong suốt 6 năm hăng say họat động (1965 – 1971), chương trình đã thực hiện được một số công trình xây dựng cụ thể đem lại sự thay đổi cải tiến rõ rệt trong nếp sống vật chất và tinh thần của người dân trong cả ba quận ở về phía Tây Nam thành phố Saigon.

Trong mấy năm gần đây, tôi đã có dịp tường thuật chi tiết về chương trình xây dựng này trong nhiều bài viết, nên trong bài này tôi khỏi cần nhắc lại những điều đã ghi ra trước đây nữa. Mà tôi chỉ xin nhắc lại cho rõ hơn về cái ý hướng tích cực góp phần vào công cuộc xây dựng Đời Sống Mới của lớp thanh niên thiện nguyện chúng tôi vào cái thời kỳ đất nước mình còn đang sôi động với cuộc chiến tranh tàn khốc cách nay đã gần 50 năm. Xin thật ngắn gọn trong vài mục như sau :

I – Không phải “Phong trào Xây Đời Mới” – mà là “Kế Hoạch Xây Đời Mới”

Mặc dầu như đã ghi ở trên, bản Dự Án đệ trình lên văn phòng Thủ tướng có viết rõ là “Phong trào Xây Đời Mới” như là một tổ chức thực hiện “Chương trình Phát triển Quận 8” – thì đến khi tra tay vào giai đọan hành động cụ thể tại địa phương, anh em chúng tôi lại không bao giờ nhắc đến danh xưng “Phong trào Xây Đời Mới” nữa.

Lý do là vì các anh em trong ban điều hành cho rằng danh xưng “Phong trào Xây Đời Mới” này dễ gây hiểu lầm nơi nhiều người coi như đây là một thứ tổ chức chính trị – chứ không phải là một chương trình thuần túy họat động xã hội nữa. Vì thế mà mọi họat động của nhóm anh em thiện nguyện chúng tôi – ngay kể từ lúc khởi đầu vào tháng 8 năm 1965 – thì đều được đặt trong khuôn khổ của một chương trình phát triển cộng đồng tại địa phương quận 8 mà thôi. Và chỉ sau một thời gian ngắn, qua những việc làm cụ thể có ích lợi rõ rệt cho đồng bào địa phương, thì chương trình đã bắt đầu tạo ra được sự tin tưởng của số đông người dân – để rồi từ đó mà tiến lên thêm bước nữa với những công tác có quy mô lớn lao rộng rãi hơn mãi.

Vì thế mà qua năm 1966, khi được phép mở rộng phạm vi họat động sang các quận 6 và 7, thì cơ cấu tổ chức cũng phải được nới rộng ra. Cụ thể là, ngòai Chương trình Phát triển Quận 8 rồi, thì lại có thêm hai đơn vị nữa, đó là : Chương trình Phát triển Quận 6 và Chương trình Phát triển Quận 7. Và ở trên cả ba Chương trình này là một cơ quan để phối hợp điều khiển – được anh em cho khai sinh dưới cái tên chính thức là: “Kế Hoạch Xây Đời Mới”.

Qua danh hiệu Kế hoạch Xây Đời Mới này, ta có thể thấy ngay được cái ý hướng Xây Đời Mới vẫn được duy trì như từ lúc ban đầu. Tức là mọi họat động nhằm cải thiện về gia cư, chỉnh trang các ngõ hẻm, đặt hệ thống thóat nước cho đến việc mở mang thêm trường học, tổ chức các lớp dậy nghề, chăm sóc về y tế vệ sinh công cộng v.v…- thì tất cả những công tác đó đều nhằm mục tiêu duy nhất là : Góp phần xây dựng cuộc sống mới tại địa phương sao cho mỗi ngày một thêm tốt đẹp, thoải mái tươi vui hơn mà thôi.

II – Vai trò làm “chất men, chất xúc tác” nhằm khơi động quần chúng tham gia vào công cuộc xây dựng ở địa phương.

Vì chủ trương theo đuổi công cuộc phát triển lâu bền tại hạ tầng cơ sở ở địa phương (at the grassroots), nên anh em chúng tôi phải kiên trì bám sát địa bàn họat động qua những cuộc tiếp súc tham khảo thường ngày với các vị thân hào nhân sĩ là những nhân vật có uy tín đối với đồng bào trong khu vực. Các vị này thường là giới giáo chức, giới tu sĩ của các tôn giáo, giới công tư chức đã về hưu và cả giới tiểu thương tiểu chủ của các cơ sở kinh doanh nhỏ v.v… Qua những cuộc tham khảo bàn luận với quý vị tôn trưởng như vậy, chúng tôi lần hồi mới đề ra được những công tác có ích lợi cụ thể thiết thực  để mời gọi bà con trong cộng đồng cùng ra tay chung sức với nhau – người góp công, kẻ góp của – mà thực hiện cho có kết quả tốt đẹp, đem lại sự cải tiến cho môi trường sinh họat của địa phương sở tại.

Làm việc sát cánh với bà con trong các xóm hẻm trong thời gian lâu dài, chúng tôi nhận ra được là nơi đâu, lúc nào thì cũng đều có những người có tấm lòng tốt luôn quan tâm đến việc giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình – cũng như lưu tâm đến sự an vui của tập thể dân chúng ở địa phương nơi gia đình mình cùng sinh sống. Những người có thiện chí như thế chính là những nhân tố thiết yếu cho sự thay đổi của xã hội (essential agent for social change). Họ khôn ngoan tìm cách khuyến dụ lôi kéo thêm những bà con khác cùng tham gia vào công việc đem lại ích lợi chung cho cả tập thể cộng đồng. Và chỉ khi nào mà số đông bà con ở địa phương cảm nhận được cái nhu cầu cần phải cải thiện xã hội như thế nào đó (felt need), thì chính khối quần chúng nhân dân đông đảo đó họ mới hăng hái đem hết công sức ra mà thực hiện những công việc có ích lợi chung cho tòan thể cộng đồng.

Như vậy, vai trò chính yếu của mỗi thanh niên thiện nguyện chúng tôi là làm chất men, chất xúc tác (catalyst) được vùi trong môi trường quần chúng nhân dân – nhằm khơi động mọi người ý thức được cái nhu cầu cải tiến xã hội – và rồi tiếp theo là họ sẽ nhập cuộc tham gia vào công việc xây dựng cộng đồng cho thêm phần tốt đẹp hơn. Một anh bạn khi đến thăm và thấy công chuyện chúng tôi làm ở quận 8, thì anh đã phát biểu như thế này: “Các bạn đích thực là những người đang khơi động công trình phát triển cộng đồng ở địa phương này đấy” (nguyên văn tiếng Pháp :  Animateurs de développement communautaire).

Nói khác đi, điều chúng tôi thực hiện lúc đó, thì chính là khai mở ra cái quá trình gây lên men, gây ý thức và vận động quần chúng dấn thân tham gia vào công cuộc phát triển tòan diện ngay tại địa phương sở tại (mass fermentation, mass conscientisation, mass mobilization).

Linh mục Bernard Pineau có lần nói với tôi như sau : “ Luật sư Trần Văn Tuyên trong dịp gặp gỡ gần đây, có trao đổi với tôi về chuyện công tác xã hội các em đang làm ở Quận 8 – thì cả hai chúng tôi đều coi đó là một việc làm thật sự có ích. Rõ ràng đây là một thứ “micro-réalisation” (nguyên văn) rất thích hợp trong hòan cảnh chiến tranh hiện nay…”

III – Một số công trình xây dựng điển hình với giá trị lâu bền.

Trong những năm tháng họat động hăng say nhiệt thành sát cánh với bà con tại địa phương các quận 6,7 và 8 Saigon thời ấy, chương trình đã thực hiện được hàng mấy trăm những công trình xây dựng lớn nhỏ trong các lãnh vực chỉnh trang tái thiết gia cư, cải thiện hạ tầng cơ sở nơi các khu ổ chuột (slum areas), mở mang thêm trường học, tổ chức các lớp dậy nghề v.v… Anh chị em thiện nguyện viên phải chia nhau đến tham dự các phiên họp của ủy ban công tác nơi các xóm hẻm – hầu hết là hội họp vào ban đêm hay các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật – vì chỉ lúc đó bà con mới có thời gian rảnh rỗi để tham gia sinh họat cộng đồng, sau khi đã làm xong công việc buôn bán hay ở sở làm.

Xin đơn cử một số công trình xây dựng điển hình mà hiện vẫn còn có giá trị thiết thực ở địa phương như sau.

1 – Trường Trung học Lương Văn Can khởi sự từ năm 1966 tại Quận 8.

Trường này được thành lập do sự vận động của số đông thân hào nhân sĩ trong quận 8 và được Bộ Giáo dục chấp thuận cho họat động với điều kiện địa phương phải lo xây dựng sao cho đày đủ cơ sở vật chất và trang bị bàn ghế cho các lớp học – trong khi Bộ cử giáo sư về lo việc giảng dậy. Như thế, đây là một thứ trường công lập để học sinh khỏi phải đóng học phí – nhờ vậy mà con em các gia đình nghèo túng ở địa phương mới có cơ hội học tiếp lên bậc trung học.

Vì thế mà ban đầu, trường có tên là “Trung học Cộng đồng Quận 8” – đây là lọai trường trung học đầu tiên ở miền Nam mà do người dân địa phương đứng ra xây dựng và thành lập, rồi được Bộ Giáo dục chấp thuận và cử thày giáo đến chăm lo phụ trách việc dậy dỗ. Sau này, trường đổi tên là “Trung học Lương Văn Can” và hiện vẫn còn họat động cho đến ngày nay. Và sau 47 năm họat động, thì tính ra đã có đến hàng vạn học sinh đã hòan tất chương trình học tập tại cơ sở này, và nhiều cựu học sinh Lương Văn Can nay đã trở thành ông nội, bà ngọai với tuổi đời trên dưới 60 nữa rồi.

2 – Cây cầu “Phát Triển” ngang qua rạch Ụ Cây, sau chợ Xóm Củi.

Rạch Ụ Cây là một con rạch nhỏ bề ngang chừng 40 mét, ngăn cách khu vực Xóm Đầm thuộc phường Hưng Phú với phường Xóm Củi là nơi thị tứ sầm uất nhất ở quận 8. Hằng ngày, có đến hàng ngàn người dân ở Xóm Đầm phải băng qua con rạch này để đến mua bán ở chợ Xóm Củi và học sinh thì qua học tại trường Tiểu học Xóm Củi. Mà họ phải trả tiền cho người chủ con đò nổi trên con rạch – chủ đò mỗi năm phải đấu thầu nơi Sở Tài chính của đô thành Saigon để được độc quyền khai thác dịch vụ chuyên chở ngang qua con rạch. Có gia đình vì nhu cầu mua bán ở chợ và con cái đi học, thì phải trả rất nhiều tiền cho việc đi qua con đò nổi này. Vì thế mà bà con bày tỏ sự mong ước có được một cây cầu bác ngang qua con rạch để vừa đi lại cho an tòan, thuận tiện, mà cũng vừa đỡ tốn tiền nữa.

Về phương diện kỹ thuật, việc xây cất một cây cầu nho nhỏ với bề rộng cỡ 2 mét và chiều dài chừng 50 – 60 mét, thì tương đối không phải là chuyện quá khó khăn. Nhưng cái khó là làm sao vận động để chánh quyền tại Tòa Đô chánh chấp thuận cho xây dựng cây cầu đó – và như vậy thì phải bãi bỏ chuyện đấu thầu – khiến cho ngân sách hàng năm của nhà nước mất đi một khỏan thu nhập đáng kể. Đó là chưa kể sự chống đối rất mạnh mẽ quyết liệt của người chủ con đò – vì họ không muốn mất đi một số lợi khá lớn cho cả gia đình, nói gì đến quyền lợi của giới có chức có quyền mà vẫn được người chủ con đò mua chuộc lấy lòng bằng đủ thứ lọai quà cáp này nọ.

Nhưng vì cần phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của số đông bà con lao động như vậy, nên chương trình chúng tôi đã phát động một chiến dịch vận động rất mạnh mẽ rộng lớn để giới chức chính quyền thể theo nguyện vọng của đồng bào mà chấp thuận việc xây dựng cây cầu này. Và kết cục chính quyền đã đồng ý và dự án xây dựng cây cầu được thực hiện trong một thời gian thật ngắn. Và đó là căn nguyên của công trình được mang tên là Cầu Phát Triển như nhiều bà con tại khu Xóm Đầm ngày nay vẫn còn nhớ đến vậy.

3 – Khu tái thiết 1,200 căn nhà tại phường Cầu Tre Bình Thới, quận 6.

Trong vụ tấn công xâm nhập vào thành phố của quân đội cộng sản hồi Tết Mậu Thân năm 1968, thì có đến mấy chục ngàn căn nhà tại 3 quận 6,7, 8 bị phá hủy. Vì thế mà chương trình phát triển chúng tôi phải ưu tiên dồn mọi cố gắng vào công cuộc tái thiết thật quy mô mà được dàn trải ra đến trên 20 khu chỉnh trang tái thiết – do các gia đình nạn nhân cùng hợp nhau thành lập thành các Ban Tái thiết cho từng khu vực để điều hành công việc xây dựng thật khó khăn mệt nhọc này.

Khu tái thiết lớn nhất nằm trong địa hạt phường Cầu Tre thuộc quận 6, giáp ranh với quận Tân Bình Gia Định, phía sau ngôi chùa cổ Giác Viên, thì có đến trên 1,200 đơn vị gia cư. Cái khó trong việc này là khu vực đó không bị tàn phá bình địa, mà vẫn còn lại nhiều căn nhà còn nguyên vẹn hay chị bị hư hại nhẹ – thế nhưng vì cần phải mở rộng đường xá cho ngay ngắn tại khu tái thiết rộng lớn này, thì cần phải hy sinh đập bỏ hết số căn nhà đó đi, để mà xây dựng lại thành những lô nhà theo họa đồ chỉnh trang hòan tòan mới. Việc này, nếu chính các chủ nhân không tự nguyện cho đập bỏ, thì chương trình chúng tôi cũng không có phương cách nào mà bó buộc cưỡng ép họ được. Do đó mà chúng tôi chỉ có thể gợi ý cho Ban Tái thiết trong khu ráng tìm cách thuyết phục các vị chủ nhân đó thỏa thuận cho phá bỏ căn nhà của mình đi – với điều kiện họ được quyền ưu tiên chọn căn nhà ở lô mặt tiền hay căn bìa.

Và kết cục, sau chừng vài năm khu tái thiết Cầu Tre Bình Thới này đã được hòan tất tốt đẹp như ta còn có thể thấy ngày nay vậy.

*     *     *

Bài viết đã dài rồi, tôi chỉ xin ghi tóm tắt thêm một vài chi tiết thật ngắn gọn như sau :

*  Trong lòng khối quần chúng nhân dân, thì bất kỳ ở đâu, lúc nào cũng đều có sẵn một tiềm năng thật quý báu dồi dào phong phú – để có thể sử dụng vào công cuộc xây dựng và cải tiến xã hội về mọi mặt tại mỗi địa phương. Như vậy, vấn đề là người cán bộ xây dựng xã hội phải tìm ra đúng cái phương pháp để khơi động khai thác được cái kho tàng năng lựợng vô biên đó. Có làm được như vậy, thì mới mong phát huy được cái sức mạnh tổng hợp của quần chúng hầu thực hiện được những công trình có quy mô rộng lớn.

*  Chương trình phát triển ở các quận 6,7,8 Saigon mới chỉ là một thí điểm trong thời gian ngắn ngủi có 6 năm đó (1965 – 1971) – mà lại giữa cái thời chiến tranh ác liệt – thì cũng chỉ mới gặt hái được một số thành quả tương đối còn khiêm tốn hạn chế mà thôi.

* Tuy nhiên, chương trình này cũng đã có thể coi như là một chứng minh cho cái phương thức vận động quần chúng phấn khởi hăng hái tham gia nhập cuộc vào những dự án phát triển cụ thể thiết thực ở mỗi địa phương. Điểm đáng ghi nhớ tại đây là ở chỗ chương trình đã tìm cách đáp ứng đúng với nguyện vọng sâu xa cuả quần chúng là được sống an vui trong một xã hội trong đó phẩm giá của mỗi con người đều được tôn trọng đúng mức.

*  Cụ thể là cái ý hướng “Xây dựng Đời Sống Mới” đã được thể hiện thông qua nhiều công trình xây dựng cải tiến thiết thực – ngay tại nơi những xóm hẻm khuất nẻo nghèo túng, trong các khu nhà ổ chuột của tầng lớp người dân lao động cần cù lương hảo.

Và đây cũng là một minh họa cho vai trò của các đơn vị thuộc khu vực Xã hội Dân sự trong công cuộc xây dựng một cuộc sống tươi vui tốt đẹp cho chính khối quần chúng nơi những khu vực kém may mắn trong xã hội chúng ta vậy (the most underpriviledged areas)./

Costa Mesa California, trung tuần tháng Bảy năm 2013

Đoàn Thanh Liêm

Phụ   Lục

Vào giữa năm 1990, lúc tôi bị giam giữ tại trại B34 trong khu Tổng Nha Cảnh Sát cũ ở Saigon, thì nhân kỷ niệm năm thứ 25 ngày khởi sự của Chương trình Phát triển Quận 8 (1965 – 1990), tôi có làm mấy câu thơ để tặng các bạn cùng làm việc chung với nhau tại Chương trình này trong khuôn khổ của Kế Hoạch Xây Đời Mới (1965 – 1971).

Bài thơ gồm có 4 câu như sau đây. Xin được ghi lại để đính kèm bài viết có nhan đề “Ý hướng Xây Đời Mới trong Chương trình Phát triển Quận 6,7,8 Saigon (1965 – 1971)

Tặng các bạn Xây Đời Mới

Quận Tám năm xưa cùng Phát Triển

Ngày đêm lặn lội – vai sánh vai

Đời Mới ước mơ thời trai trẻ

Vẫn còn tươi nét – chẳng phôi phai.

Trại B34 Saigon

Tháng 8 năm 1990

Đoàn Thanh liêm