Phẫu thuật tim với sự trợ giúp của Rô bô

KHOU11 TV và Dưỡng đường Cleveland

https://www.youtube.com/watch?v=vRsbZh5DbYQ

Phẫu thuật gia có thể là người quyết định và điều khiên, nhưng trong một phòng phẫu thuật ở Houston, một người máy có bốn cánh tay chính là nhà phẫu thuật trực tiếp mổ tim cho bệnh nhân.

Chi tiết cuộc mổ được phóng đại trên màn hình TV trong phòng mổ

Người đàn ông trên bàn mổ có tên là Joseph Christopherson, ông bị tức ngực và được đưa đến phòng cấp cứu, nơi ông được chẩn đoán và cho biết rằng mình đã mắc một chứng bệnh gọi là cầu nối cơ tim – myocardial bridge.

“Mỗi lần làm thử nghiệm thì kết quả xem ra lại tăng độ nghiêm trọng hơn một chút. Khi bác sĩ nói phẫu thuật là cách để chữa, lúc đầu tôi không thực sự tin vào điều đó”, ông nói.

Bệnh nhân đã chọn một quy trình phẫu thuật điều trị có sự hỗ trợ của rô bô, là phương cách đang càng ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Tiến sĩ Danny Ramzy của UTHealth Houston và Memorial Hermann cho biết: “Cách mổ này  rất ít xâm lấn vào cơ thể, với những vết rạch nhỏ hơn. Chúng tôi không còn mở rộng xương sườn hoặc xương (như cách mổ điều trị trước đây).”

4 tay mổ của rô bô

Bác sĩ điều khiển rô bô phẩu thuật từ một bàn riêng

Ramzy là một bác sĩ phẫu thuật tim chuyên dùng công cụ robot. Ông cho biết trong khi sử dụng hệ thống này giúp ông nhìn rõ hơn, vượt qua những hạn chế (của mắt thường không thấy rõ các cơ phận quá nhỏ bé).
Một ca phẫu thuật xâm lấn cơ địa tối thiểu, như của Christopherson, có thể được thực hiện theo cách truyền thống, trong khi phẫu thuật có sự hỗ trợ của rô bô yêu cầu bác sĩ phẫu thuật phải được đào tạo để sử dụng công nghệ đúng cách.

Bác sĩ điều khiển 4 tay rô bô mổ tim qua ống kính phóng đại 3 chiều (3D)

“Những ca đầu tiên bác sĩ phẫu thuật lâu hơn. Nguy cơ biến chứng cao hơn một chút. Nhưng sau vài ca đầu tiên, mọi thứ trở lại bình thường”, Ramzy nói. “Với thời gian, trải qua 50 ca mổ, chúng tôi thấy các biến chứng nói chung thấp hơn nhiều.”

Christopherson đã trở về nhà với gia đình chưa đầy một tuần sau ca phẫu thuật.

“Tiến bộ vượt bậc có thể trở thành một phần của nghành phẩu thuật…và dựa vào rô-bốt phẫu thuật. Điều đó thật tuyệt vời,” anh nói.
Một số bác sĩ tin rằng robot cuối cùng sẽ là một phần của quá trình đào tạo cho thế hệ bác sĩ phẫu thuật tim tiếp theo.

Phan Sinh Trần

Bệnh tiểu đường và người nổi tiếng!

Báo Tiếng Dân

15/02/2023

Nguyễn Hồng Vũ

15-2-2023

Ảnh trên mạng

Mấy hôm nay Facebook của mình liên tục hiện lên những quảng cáo về một loại thực phẩm chức năng có tên là “Blood D” dùng để “chữa tận gốc tiểu đường”! Sản phẩm được quảng cáo với một gương mặt khá quen thuộc với nhiều người, đó là Quyền Linh. Với bài quảng cáo được trả tiền (có chữ “sponsored”) tự động hiện lên Facebook của người dùng như thế này thì mình chắc rằng thông tin này cũng đã đến không ít người đang sử dụng FB như mình.

Mình có nghe thử Quyền Linh nói và đọc các dòng quảng cáo trong bài thì mình thấy rằng những thông tin này thật sự là nguy hiểm vì nó không đúng sự thật, không dựa trên bất kỳ kết quả nghiên cứu khoa học nào cả. Hơn nữa, Blood D là một thực phẩm chức năng, không có bất cứ chứng nhận của bất kỳ tổ chức Y tế nào bảo đảm tác dụng điều trị bệnh tiểu đường của nó.

Để biết tại sao những nội dung mà Quyền Linh đang quảng cáo là nguy hiểm như thế nào thì chúng ta nên biết rằng bệnh tiểu đường là một căn bệnh mãn tính do rối loạn khả năng kiểm soát việc chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Cơ thể của bạn phân hủy hầu hết thức ăn bạn ăn thành đường (glucose) và giải phóng nó vào máu của bạn. Khi lượng đường trong máu của bạn tăng lên, cơ thể bạn sẽ báo hiệu cho tuyến tụy của giải phóng “insulin”.

Insulin hoạt động giống như “nhân viên giao hàng” giúp đưa các phân tử đường trong máu vào các tế bào để sử dụng làm năng lượng. Người có bệnh tiểu đường “không tạo ra đủ insulin” hoặc “không thể sử dụng insulin hiệu quả” như người bình thường. Do vậy, đường trong máu sẽ không được chuyển vào tế bào để sử dụng, hoặc không được chuyển vào gan (như một cái kho hàng) để cất trữ. Lượng đường cao trong máu sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu trong cơ thể như bệnh tim mạch, thần kinh, bệnh thận, bệnh về da, mờ mắt, hoại tử chi, v.v… Hiện nay người ta phân loại bệnh tiểu đường theo hai dạng chính:

– Dạng 1 (type 1) chiếm khoảng 5-10% trong tổng số người bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do người bệnh không tạo ra được insulin, vì tế bào sinh ra insulin trong tuyến tụy đã bị chết. Khoa học hiện nay cho thấy bệnh tiểu đường dạng 1 là do sự rối loạn của hệ miễn dịch, dẫn đến hiện tượng tự miễn, tế bào miễn dịch của cơ thể tự tấn công tế bào lành, trong trường hợp này tế bào tụy sản sinh ra insulin bị tấn công và tiêu diệt. Do không còn tế bào tạo insulin, như mất nhà máy sản xuất, nên cơ thể không đủ insulin để “vận chuyển” lượng đường trong máu đến tế bào và gan. Hiện nay, không có thuốc để điều trị tận gốc và người bệnh dạng này phải phụ thuộc vào việc cung cấp insulin từ bên ngoài liên tục để bù đắp lại lượng thiếu hụt insulin.

– Dạng 2 (type 2) là dạng phổ biến nhất của người bệnh tiểu đường (90-95%). Có thể xem tiểu đường loại 2 nhẹ hơn loại 1 và có khả năng kiểm soát hơn. Với tiểu đường loại 2 người bệnh vẫn tạo được insulin, tuy nhiên insulin hoạt động không hiệu quả như người bình thường. Việc này cũng giống như bạn vẫn có đầy đủ các nhân viên giao hàng, nhưng những người này “lười” nên không hoạt động hiệu quả, vẫn chuyển hàng nhưng chậm trễ và tốn nhiều thời gian hơn bình thường.

Tiểu đường dạng này thường có thể phòng tránh hoặc kiểm soát được khi thực hiện các lối sống lành mạnh như ăn các loại thức ăn healthy (thực phẩm ít chất béo, ít calories và nhiều chất xơ, tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc); tập thể dục và giữ mức cân nặng hợp lý (một số nghiên cứu cho thấy mỡ dư trong cơ thể có thể là nguyên nhân gây insulin hoạt động kém hiệu quả).

Ngoài ra, còn các nhóm nhỏ như “tiểu đường thai kỳ”, Gestational Diabetes, (thai phụ bị tiểu đường trong giai đoạn mang thai) hoặc “tiền tiểu đường”, Prediabetes, (tiểu đường dạng nhẹ, lượng đường trong máu vẫn thấp nên chưa được cho vào nhóm 2).

Nếu các bạn đã đọc và hiểu những nội dung khoa học về bệnh tiểu đường mà mình đã trình bày phía trên và quay lại nghe bài quảng cáo của Quyền Linh về thực phẩm chức năng Blood D, cũng như những câu chữ viết trong những bài quảng cáo này thì các bạn sẽ cảm nhận được nó nguy hiểm như thế nào khi “họ” khẳng định rằng “thực phẩm chức năng” này có thể kiểm soát được lượng đường trong máu! Chữa tận gốc bệnh tiểu đường dạng 1, dạng 2! Hay thậm chí không cần dùng insulin, ăn uống thoải mái!!

Các diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng,… có thể kiếm tiền bằng nhiều cách nhưng chọn cách này thì mình thấy thật sự không hay! Hãy thử hình dung nếu những bệnh nhân tiểu đường nghe theo những lời quảng cáo này mà bỏ uống thuốc (như insulin cho tiểu đường dạng 1), bỏ lối sống lành mạnh để uống những viên thực phẩm chức năng này rồi thì hậu quả sẽ tới đâu!

Mong bà con tiếp nhận thông tin cẩn thận, gạn đục khơi trong và bớt nghe lời người nổi tiếng, nhất là khi họ “quảng cáo”!

Bảo trọng nhe bà con,

_____

Thông tin tham khảo:

– https://www.cdc.gov/diabetes/basics/diabetes.html

– https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/symptoms-causes/syc-20371444

BỊNH TRẦM CẢM – Bs Lê Ánh

Bs Lê Ánh

       

III-Cách phòng ngừa và trị liệu bịnh trầm cảm

Những nghiên cứu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization) tiên đoán rằng tới năm 2020 thì bịnh trầm cảm (major depression) sẽ trở thành căn bịnh thứ nhì dẫn đến tàn tật (disability) trên toàn thế giới và căn bịnh thứ nhứt dẫn đến tàn tật ở những nước đang phát triển.

Bịnh trầm cảm là một bịnh rất phổ biến. Cứ 100 người có đến 10 người bị bịnh này và xác suất bị bịnh này trong đời người (lifetime prevalence) có thể đến 15%. Hiện thời chưa có những thống kê về bịnh trầm cảm ở người Việt Nam. Có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cuộc sống gây căng thẳng tinh thần hay những biến cố tạo khủng hoảng trong cuộc sống là nguyên nhân gây bịnh trầm cảm.

Theo kinh nghiệm của người viết thì bịnh trầm cảm xảy ra ở người Việt Nam có xác suất cao hơn người Mỹ bản xứ. Lý do là đa số người Việt Nam sống ở hải ngoại là người tị nạn và họ đã trải qua rất nhiều biến cố, khủng hoảng trong đời sống. Những khủng hoảng đó là chiến tranh Việt Nam, tù cải tạo, thuyền nhân vượt biển, nhiều khó khăn đáp ứng với văn hóa nước ngoài và đời sống kinh tế không tốt đẹp.

Ta có thể ước lượng rằng xác suất của thế hệ thứ nhứt, sanh trưởng tại Việt Nam và di tản định cư ở hải ngoại, bị trầm cảm có thể gấp 2 hay 3 lần người bản xứ. Đây là thế hệ đã trải qua rất nhiều biến cố, khủng hoảng như đã kể trên. Một số người vì mưu sinh, sống còn đã vượt qua được những triệu chứng trầm cảm lần đầu tiên. Nhưng vài năm sau đó, hệ thống thần kinh bị suy nhược sẵn, chỉ có một biến cố nhẹ hơn trong cuộc sống (thí dụ như xích mích vợ chồng hoặc con cái rời nhà sống riêng) cũng có thể gây ra bịnh trầm cảm nặng (major depression).

Thế hệ thứ 1.5, sinh tại Việt Nam di tản và định cư theo cha mẹ ở nước ngoài lúc còn nhỏ, cũng có những căng thẳng riêng của họ. Đó là những mâu thuẫn về nguồn gốc của mình. Họ không hẳn là người Việt cũng không hẳn là người bản xứ hoàn toàn nên có nhiều khó khăn trong việc đáp ứng kết hợp văn hóa bản xứ với văn hóa của gia đình. Nếu theo phong tục của bạn thì về nhà phụ huynh không vừa lòng, còn theo phong tục gia đình thì khó đáp ứng được với bạn bè cùng trang lứa.

I-Những dấu hiệu của bịnh trầm cảm

Người Á châu ít chịu công nhận những triệu chứng của bịnh trầm cảm vì những lý do văn hóa. Hiện thời có rất nhiều sự hiểu lầm về bịnh trầm cảm. Xã hội tin rằng những người bị trầm cảm là những người lười biếng với ý chí bị suy kém. Người ta còn tin rằng bịnh trầm cảm là một bịnh tưởng tượng vì bác sĩ gia đình không tìm được nguyên do thể chất của những triệu chứng đau nhức của bịnh trầm cảm. Một số khác nghĩ rằng bịnh nhân trầm cảm có “tánh xấu” vì họ hay bực bội cau có gây gổ với mọi người.

Bịnh trầm cảm không giống như bịnh cảm, ta ngủ một đêm sáng thức dậy thấy mệt mỏi và nghẹt mũi. Bịnh trầm cảm xảy ra rất chậm cho nên đôi lúc bịnh nhân không nhìn ra được những dấu hiệu của nó vì những triệu chứng trầm cảm tăng từ từ. Đến lúc bịnh trầm cảm trở thành nặng, người bịnh không đi làm được hay không sinh hoạt bình thường trong gia đình thì mới tìm bác sĩ để trị bịnh.

Vì những lý do trên mà những bịnh nhân Á châu khi khai những triệu chứng trầm cảm, họ ít khi chịu khai những triệu chứng tâm lý mà liệt khai những triệu chứng thể xác đánh lạc hướng chẩn đoán của bác sĩ gia đình. Theo cách chẩn đoán của khoa tâm thần thì hai triệu chứng chính để chẩn đoán trầm cảm là: buồn sầu (depression) và mất sự hứng thú trong đời sống (anhedonia). Những triệu chứng này ít thấy những người bịnh nhân Á châu than phiền. Nếu có than phiền về sự mất hứng thú thì họ hay ghép vào đó một nguyên nhân chính đáng như cơ thể bị đau nhức kinh niên chẳng hạn. Vì thế một số đông bịnh nhân Á châu không được chẩn đoán và trị liệu đúng mức.

Những triệu chứng trầm cảm thường được thấy ở những bịnh nhân Á châu là những cơn đau nhức bất thường, giấc ngủ bị thay đổi (mất ngủ hay ngủ li bì), người hay mệt kinh niên, xáo trộn trong khẩu vị (ít ăn, xuống cân), hay quên, không tập trung tư tưởng được, người hay “tự ái”, dễ bực bội (irritability). Ngay cả triệu chứng bực bội cũng được che đậy qua những lý do như những căng thẳng ở sở làm, con cái không vâng lời, người hôn phối không đối xử tốt với mình. Chính vì thế mà khi mới nghe bịnh nhân kể lể, bác sĩ gia đình ít khi nghĩ đến bịnh trầm cảm. Thật ra những căng thẳng trong cuộc sống ai cũng có, nhưng đối với người bị trầm cảm căng thẳng được cảm nhận nhiều hơn bình thường.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng khoảng 60% bịnh nhân trầm cảm bị đau nhức trong người. Gần 1/3 (30%) bịnh nhân đau kinh niên bị bịnh trầm cảm. Ở nước Mỹ, hàng năm có khoảng 400 triệu chuyến khám bác sĩ (clinic visits) thì gần phân nửa là vì đau nhức. 90% những bịnh nhân có những triệu chứng tâm lý được chẩn đoán đúng mức. Nhưng chỉ có 50% bịnh nhân trầm cảm có triệu chứng thể xác được bác sĩ gia đình chẩn đoán và nhận ra bịnh trầm cảm. Nếu những bịnh nhân này có kèm theo những bịnh về thể xác thì xác suất nhận ra bịnh bịnh trầm cảm chỉ có 20% mà thôi.

Theo cách chẩn đoán của khoa Tâm Thần thì chỉ cần 2 tuần lễ có những triệu chứng trầm cảm kể trên thường xuyên ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và xã hội là hội đủ điều kiện của bịnh trầm cảm. Tuy nhiên trên thực tế, bịnh nhân chờ đợi rất lâu, cả tháng đến cả năm trời mới chịu đi khám bác sĩ. Thời gian chần chờ chữa trị lâu hơn ở bịnh nhân Á châu vì họ rất sợ bị gán cho cái bịnh tâm thần (mental illness). Khi chần chờ lâu thì hệ thống thần kinh bị suy thoái nhiều gây rắc rối cho việc chữa trị. Ngoài ra khi bịnh trầm cảm trở nên nặng thì bịnh nhân thường có những ý nghĩ chán đời, không muốn sống và thậm chí có ý định tự tử.

II-Bịnh trầm cảm có cơ sở thần kinh học (neurology)

Những nghiên cứu chụp hình não mới nhất cho thấy rằng bịnh trầm cảm không phải là một bịnh “tưởng tượng” vì nó gây ra rất nhiều biến đổi trong sự hoạt động của não bộ. Những cơ cấu thần kinh (brain structures) và mạch thần kinh (neural circuits) điều hòa những triệu chứng căng thẳng thể xác được dùng chung với bịnh trầm cảm. Chính vì thế mà khi bị trầm cảm, bịnh nhân có nhiều triệu chứng tâm lý lẫn thể xác. Cái khác biệt là bịnh nhân Á châu lọc ra những triệu chứng tâm lý, chỉ khai với bác sĩ những triệu chứng thể xác.

Những nghiên cứu chụp hình não bằng PET scan hay fMRI cho thấy rằng khi bị trầm cảm, hệ thống limbic (limbic system) hoạt động quá độ từ đó sinh ra những triệu chứng căng thẳng tinh thần như cau có, lo âu phiền não, mất ngủ,… Hệ thống cortex (cortical system) hoạt động yếu, sinh ra những triệu chứng như thiếu sự chăm chú, mất khả năng suy xét, mất sự nhậy bén lanh lẹ,… Khi bịnh trầm cảm được điều trị thì những mất quân bình kể trên đổi chiều và bình thường trở lại.

Khi bị trầm cảm lâu ngày, sự căng thẳng thường xuyên sẽ tạo ra những kích thích tố xấu (glucocorticoids) làm giảm những chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh (Brain derived nerve growth factor, viết tắt BDNF). Khi glucocorticoids tăng và BDNF giảm thì sẽ làm hư hỏng một số tế bào thần kinh. Nhóm tế bào thần kinh kết cấu tạo thành vùng hippocampus rất nhậy cảm với glucocorticoids. Khi những tế bào thần kinh chết dần, cấu trúc này bị thoái hóa (atrophy). Vùng hippocampus của óc rất quan trọng trong việc giúp ta có trí nhớ ngắn hạn. Vì thế khi bị căng thẳng hay trầm cảm lâu ngày không trị liệu thì trí nhớ sẽ bị ảnh hưởng xấu. Lạm dụng xì ke ma túy cũng có tác động tương tự lên vùng hippocampus.

Có rất nhiều nguy cơ xảy ra khi bịnh trầm cảm không được điều trị đúng mức. Nguy cơ ở cá nhân thì như đã kể ở bài trước, khi bị căng thẳng (stress) lâu ngày thì sẽ làm hư hỏng nhiều phần của não bộ. Mới đầu ta chỉ thấy sự xáo trộn trong sự phân phối hoạt động của các vùng trong não bộ, như vùng limbic hoạt động quá độ còn vùng cortex hoạt động kém hơn. Khi để lâu sự mất quân bình này dẫn đến sự xáo trộn về chất thần kinh giao nối (neurotransmitter imbalance) và sau đó dẫn đến sự xáo trộn về nội tiết (endocrine imbalance). Khi nội tiết bị xáo trộn thì hiện nay chưa có cách trị hữu hiệu vì khoa học chưa phát minh ra thuốc trị nội tiết mất quân bình.

Bịnh trầm cảm ảnh hưởng xấu đến các bịnh thể xác khác một cách gián tiếp và trực tiếp. Căng thẳng của chứng trầm cảm làm bịnh nhân cảm thấy đau nhức nhiều hơn người không bị trầm cảm. Khi uống thuốc thì họ bị phản ứng phụ nhiều hơn vì sự căng thẳng làm giảm sự chịu đựng của cơ thể họ, do đó mà các bịnh khác không được trị đúng mức. Khi bị trầm cảm nặng, bịnh nhân chán chường nên bỏ bê việc uống thuốc thường xuyên, không tập thể dục và ăn uống bất thường làm các bịnh như tiểu dường hay cao máu nặng hơn. Ngoài ra trầm cảm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn nhiễm (immune system), các bịnh tim mạch, đường ruột, hô hấp làm triệu chứng của các bịnh này nặng hơn.

Ở nam giới bịnh trầm cảm không được chữa trị dễ dẫn đến lạm dụng rượu, hút thuốc và xì ke ma túy. Sự nghiện ngập hút xách sẽ làm bịnh trầm cảm nặng hơn. Nó sẽ dẫn đến sự sụp đổ gia đình rất nhanh. Những nghiên cứu cho thấy sự bạo hành gia đình tăng lên với người bị trầm cảm. Nguy cơ tử vong khi tự tử rất cao ở nam giới bị trầm cảm. Nguy cơ này cao hơn nữa nếu bịnh nhân trầm cảm hút xách và mất tự chủ. Ngoài ra còn có nguy cơ làm hại sinh mạng kẻ khác khi trong lúc say rượu và tuyệt vọng, bịnh nhân giết con cái hay hôn phối của mình.

Về gia đình thì người bịnh trầm cảm bỏ bê sinh hoạt gia đình, thích ở trong phòng một mình, hay gây gỗ với người thân, họ bị tự ái quá độ, tình cảm mất quân bình, dễ la lối khóc lóc vì thế mà quan hệ gia đình rất căng thẳng. Một số người mất sự thích thú tình dục, không thích chưng diện, không chăm sóc người phối ngẫu, làm quan hệ hôn nhân bị lung lay. Nếu là phụ huynh thì sự chăm sóc con cái bị suy giảm, khiến người phối ngẫu phải làm việc nhiều hơn, đó cũng là một nguyên nhân đưa đến sự xung đột trong gia đình. Phụ huynh bị trầm cảm không dằn được cơn bực bội hay la mắng, thậm chí đánh đập con cái rồi sau đó họ bị mặc cảm tội lỗi dày vò. Nguy cơ ly dị ở người bị trầm cảm cao hơn bình thường.

Người bịnh trầm cảm không đáp ứng được với những nhu cầu của công việc. Họ dễ bị căng thẳng khi bị đồng nghiệp hay chủ sở phê bình. Họ làm việc chậm hơn người thường vì thiếu chăm chú và hay quên. Họ hay mất ngủ và sáng vào sở uống cà phê thật nhiều. Lạm dụng cà phê sẽ làm cơ thể căng thẳng hơn và sau đó họ sẽ lâm vào trường hợp mệt mỏi và hay bị lo âu quá độ. Lâu ngày tinh thần sẽ sa sút càng nhiều và những căng bịnh thể xác như nhức mỏi, nhức đầu sẽ ngày càng nhiều. Đến mức độ nào đó họ sẽ mất khả năng làm việc hữu hiệu và bị đuổi sở. Khi mất việc làm thì bịnh trầm cảm sẽ qua giai đoạn nặng, có nguy cơ tự tử.

Nói tóm lại những cảnh địa ngục trần gian sẽ tránh được khi bịnh trầm cảm được chẩn đoán và điều trị đúng mức.

Bịnh trầm cảm không phải lúc nào cũng phải được trị bằng thuốc men. Ta có thể thay đổi cuộc sống và lối suy suy nghĩ để tránh bịnh trầm cảm trở thành nặng. Một số người khi thay đổi cách suy nghĩ và lối sống thì căng thẳng (stress) giảm đáng kể, từ đó mà các triệu chứng trầm cảm bớt đi và có thể hết. Thí dụ như giảm công việc lại, làm ít giờ hơn, có nhiều thời gian sinh hoạt với gia đình, dành nhiều thời giờ đối thoại với người phối ngẫu để san bằng cái hố hiểu lầm. Nếu là sinh viên thì giảm số giờ học (units) lại, tăng thời gian nghỉ ngơi và ăn ngủ điều độ. Tránh lạm dụng cà phê hay rượu chè. Tập thể dục thể thao cũng có khả năng làm giảm trầm cảm. Tập thể thao thường xuyên sẽ làm tăng chất BDNF (Brain Derived Neutrophic Factor), giúp những tế bào thần kinh sống lâu hơn.

Tìm hiểu tôn giáo để học hỏi những cách sống cho tâm hồn thư thản cũng là một cách phòng ngừa trầm cảm. Những nghiên cứu cho thấy tâm tĩnh lặng (mindfulness) rất hữu hiệu trị lo âu và trầm cảm. Khi suy nghĩ lo âu nhiều quá thì ta tạo căng thẳng cho hệ thống thần kinh. Khi hệ thần kinh làm việc quá độ thì sẽ gây ra những triệu chứng lo ra và mất trí nhớ. Tâm tĩnh lặng tạo những thay đổi tốt cho não bộ và được thể hiện qua sơ đồ điện não (EEG) và chụp hình PET scan. Căng thẳng kinh niên sẽ gây ra bịnh trầm cảm. Tinh thần cạnh tranh, hơn thua tạo ra rất nhiều căng thẳng và không thích hợp với bịnh trầm cảm. Nếu người có di truyền trầm cảm, căng thẳng sẽ làm trầm cảm phát triển sớm hơn. Những pháp môn tôn giáo như niệm Phật, cầu nguyện Chúa, hay thiền là những cách giáng tiếp hay trực tiếp dẫn đến tâm tĩnh lặng.

Tâm lý học có những phương pháp tâm lý trị liệu như tâm lý trị liệu nâng đỡ (supportive therapy), tâm lý trị liệu nhận thức và hành động (cognitive behavioral therapy) để giúp người bị trầm cảm đi qua những cơn khủng hoảng tinh thần và giúp họ hội nhập vào gia đình và xã hội. Tâm lý trị liệu dùng tâm tĩnh lặng (mindful therapy) rất thành công ở những bịnh nhân bị ung thư và trầm cảm đi đôi. Ở những bịnh trầm cảm nặng, tâm lý trị liệu phối hợp với thuốc men công hiệu hơn là trị thuốc men một mình.

Nói về cách trị liệu bằng thuốc thì hiện nay nhóm thuốc làm tăng Serotonin (Selective Serotonin Reuptake Inhibitor-SSRI) rất phổ biến trong việc dùng trị bịnh trầm cảm. Nhóm thuốc này gồm có Fluoxetine (Prozac), Paroxetine (Paxil), Sertraline (Zoloft), Citalopram (Celexa) và Escitalopram (Lexapro). Những loại thuốc trên có thể đều có công dụng bằng nhau nhưng khác về phản ứng phụ. Bác sĩ tùy triệu chứng của bịnh nhân mà chọn thuốc. Ngoài ra còn có nhóm thuốc ảnh hưởng Serotonin và Norepinephrine (Serotonin-Norepinephrine reuptake inhibitor- SNRI). Nhóm thuốc này gồm có Venlafaxine (Effexor) và Duloxetine (Cymbalta). Còn nhiều thuốc nữa không tiện liệt kê ra hết. Càng ngày càng có nhiều loại thuốc mới ra nên việc trị liệu bịnh trầm cảm tương đối hữu hiệu hơn lúc trước.

IV-Những điều cần quan tâm khi trị bịnh trầm cảm bằng thuốc men

Những nghiên cứu thuốc trầm cảm ở trẻ em cho thấy rằng loại thuốc này có thể tăng những ý muốn tự vận. Không có trường hợp hoàn tất tự tử (suicide completion). Con số này rất nhỏ tuy nhiên FDA vẫn ra thông báo để cho các bác sĩ đề phòng. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng một số những đứa trẻ có ý muốn tự vận bị chẩn đoán lầm. Những em này có thể bị bịnh tình cảm lưỡng cực (bipolar affective disorder), khi uống thuốc trầm cảm, trong người thấy bứt rứt khó chịu hay bực bội nhiều hơn mà không tự chủ được.

Những giai đoạn bác sĩ cần theo dõi bịnh nhân kỹ là giai đoạn khởi đầu uống thuốc và giai đoạn điều chỉnh thuốc liều cao hơn. Nếu bịnh nhân uống thuốc trầm cảm cảm thấy khó chịu, có những cơn vui quá độ (mania), cảm thấy năng lực tăng thật nhiều mà không cần ăn và ngủ, thì nên dừng thuốc và thông báo bác sĩ tức thời. Nói chung, thuốc trị trầm cảm rất an toàn.

V-Tóm lại

Bịnh trầm cảm không phải là một bịnh tưởng tượng như người ta thường nghĩ. Người bịnh trầm cảm không thể dùng ý chí để vượt qua căn bịnh này mà cần phải được trị liệu đúng cách. Bịnh này cũng không hẳn chỉ là bịnh tâm thần vì nó có nhiều triệu chứng về thể xác, và nó có cơ sở thần kinh sinh lý học (neurobiology). Nếu không trị đúng mức bịnh này sẽ gây tai hại cho cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Bác sĩ LÊ ÁNH

From: Do Tan Hung & Kim Bang Nguyen

Lợi ích của việc đi bộ với đôi chân trần

Phan Sinh Trần

Theo boldsky.com

Tác giả Neha Ghosh

Lần cuối cùng bạn đi chân trần trên cỏ là khi nào? Có lẽ khi bạn còn là một đứa trẻ phải không? Khi trẻ tập đi, chúng đi chân trần và điều này giúp cải thiện khả năng nhận thức (nhận thức về chuyển động của cơ thể) khi chúng tiếp xúc trực tiếp với môi trường .

Đi chân trần hay còn gọi là đi tiếp đất (tiếp đất) có nghĩa là đi chân trần trên cỏ, đất hoặc cát. Nó có những lợi ích sức khỏe đáng chú ý, chẳng hạn như cải thiện giấc ngủ, giảm viêm và tăng chất chống oxy hóa.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng, việc tiếp xúc vật lý với nguồn cung cấp điện âm electron khổng lồ trên bề mặt Trái đất có tác động tích cực đến sức khỏe. Tuy nhiên, nghiên cứu cho biết những thay đổi trong lối sống hiện đại đã khiến cơ thể con người bị ngăn cách chạm tiếp xúc với mặt đất, dẫn đến rối loạn chức năng thể chất và bệnh tật .

Lợi ích sức khỏe của việc đi chân trần

  1. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim 

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thay thế và Bổ sung, việc tiếp đất làm giảm độ nhớt của máu, một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch. Nghiên cứu cho thấy rằng đi chân trần làm tăng điện tích bề mặt trên các tế bào hồng cầu, điều này làm giảm độ nhớt và vón cục của máu. Đi chân trần là một trong những cách đơn giản nhất để ngăn ngừa bệnh tim . Sự gia tăng độ nhớt của máu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đe dọa tính mạng, bao gồm bệnh tim mạch và mạch máu não.

  1. Cải thiện giấc ngủ

Tiếp đất cho cơ thể con người trong khi ngủ làm giảm mức cortisol, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thay thế và Bổ sung. Nghiên cứu được thực hiện trên 12 cá nhân phàn nàn về đau đớn, rối loạn giấc ngủ và căng thẳng. Họ đã tiếp đất với Trái đất trong khi ngủ trong 8 tuần trên giường của chính họ bằng cách sử dụng một tấm nệm dẫn điện. Kết quả cho thấy việc tiếp đất cho cơ thể trong khi ngủ làm giảm nồng độ cortisol vào ban đêm, giảm đau và căng thẳng [4] . Người ta nói rằng nhịp điện ngày đêm của Trái đất duy trì nhịp sinh học điều chỉnh giấc ngủ.

  1. Giảm viêm mãn tính

Bề mặt Trái đất sở hữu nhịp điệu điện và các electron tự do chảy từ Trái đất đến cơ thể, mang lại lợi ích về sinh lý và lâm sàng. Các electron tự do của Trái đất trung hòa các gốc tự do tích điện dương gây viêm mãn tính. Những điện tử tự do này hoạt động như chất chống oxy hóa tự nhiên giúp giảm viêm mãn tính [5] . Viêm mãn tính là nguyên nhân gốc rễ của nhiều bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, ung thư, bệnh tim, v.v. 7 cách kết hợp thực phẩm tốt nhất để mang lại lợi ích tối đa cho sức khỏe thay đổi hoạt động, điện và hóa học trong các hệ thống thần kinh ngoại vi, trung ương và tự trị. Đi chân trần có vai trò điều chỉnh hệ thống nội tiết và thần kinh bằng cách khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống thần kinh

  1. Trì hoãn lão hóa da

Một nhà nghiên cứu tên là Gaétan Chevalier thuộc Khoa Sinh học Tế bào và Phát triển tại Đại học California, đã phát hiện ra rằng đi chân trần có lợi ích chống lão hóa. Một nghiên cứu đã được thực hiện trên 40 đối tượng và kết quả cho thấy việc tiếp đất giúp cải thiện lưu lượng máu và tuần hoàn máu trên mặt. Ông nói rằng thậm chí 1 giờ tiếp xúc vật lý với Trái đất sẽ khôi phục sự điều hòa lưu lượng máu trên khuôn mặt, khuyến khích quá trình sửa chữa mô da, tối ưu hóa diện mạo khuôn mặt, đồng thời tăng cường sức khỏe và sức sống.

  1. Những lợi ích khác của việc đi chân trần như sau
  • Khả năng giữ thăng bằng cho cơ thể và kiểm soát tốt hơn vị trí bàn chân khi đi chân trần trên mặt đất.
  • Cơ học bàn chân tốt hơn, giúp cải thiện cơ học của đầu gối, hông và lõi.
  • Tăng sức mạnh và sự ổn định trong các cơ và dây chằng của chân.
  • Cơ chân khỏe hơn hỗ trợ vùng lưng dưới.

Cách Bắt đầu Đi bộ Chân trần Bắt đầu từ từ bằng cách đi bộ chân trần trong 15 phút vì nó sẽ giúp bàn chân và mắt cá chân của bạn có thời gian thích nghi với môi trường mới. Nếu bạn đã đi giày và cố gắng bắt đầu đi chân trần, bạn có thể cảm thấy đau ở bàn chân.

Để giảm nguy cơ bị thương ở chân, hãy bắt đầu đi bộ trên bãi cỏ hoặc gần khuôn viên nhà và sau đó bước ra ngoài. Hãy thử đi bộ trên các bề mặt an toàn hơn như bãi cát, cỏ hoặc đất trong vườn của bạn.

Tránh đi trên đá cuội, đá nhỏ và bề mặt gồ ghề không bằng phẳng.

Sau khi đi chân trần, hãy kiểm tra bàn chân của bạn xem có vết thương nào không.

Rủi Ro Khi Đi Chân Trần

Bàn chân của bạn dễ bị thương hơn nếu tiếp xúc với bề mặt gồ ghề hoặc ẩm ướt, gai, thủy tinh hoặc các vật khác.

Phan Sinh Trần

Sự trợt té – Bác sĩ Bùi-Văn-Rậu

Người lớn tuổi nên đọc bài này.Có lẽ một số các anh chị đã thắc mắc chuyện gì đã xảy đến cho tôi vậy?

Tôi xin tóm lược diễn tiến sau đây.

Số là vợ chồng chúng tôi đã cùng một số bạn rủ nhau đi du lịch Nhật-Bản bằng tàu. Vào ngày thứ hai của chuyến đi, chúng tôi đến cư ngụ tại một khách sạn nằm dưới chân núi Phú-Sĩ, chờ sáng hôm sau lên thăm núi.

Tối hôm đó từ phòng tắm đi ra, vì phải bước qua cái ngạch cửa hơi cao tôi bị trượt chân nên ngã bật ngửa ra sau, đầu đập vào ngạch cửa! Tôi nằm im cố kiểm soát ngũ quan, tứ chi xem có bị gì không thì bà xã tôi vào nâng tôi dậy!

Thấy máu chảy lênh láng trên sàn, vội dùng khăn băng đầu tôi lại để cầm máu rồi nhờ một anh bạn cùng đoàn sang khám cho tôi!
Anh bạn này là chuyên khoa cấp cứu của các nhà thương ở California.

Sau khi khám xong thấy tôi không có triệu chứng gì, chỉ bị nứt da sau ót thôi, nên anh an ủi bà xã tôi và dặn chỉ canh chừng tôi mà thôi, sau đó tôi hoạt động như thường, vẫn theo đoàn đi tiếp!

Sáng hôm sau, chúng tôi lên núi Phú-Sĩ… Sau đó chúng tôi lên tàu đi Osaka và Kobe… Rời Kobe tàu ghé Nagasaki… Rời Nagasaki tàu chúng tôi ghé Shanghai…Chúng tôi rời Okinawa để đến Taipei… Sau hai ngày ở Taipei tàu ghé Hong-Kong là trạm chót của chuyến hải hành. Tại Hong-Kong… Chúng tôi rời Hong- Kong bay tới Tokyo đổi máy bay để về thẳng Mỹ!

Về đến San Jose, tôi đã trở lại công việc thường ngày, đi làm như thường, vẫn không có triệu chứng gì, không thấy nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa!!! Cho đến chủ nhật 23 tháng 11, tức là 4 tuần sau ngày xảy ra tai nạn:

– Tôi bắt đầu thấy hơi bị chúi về phía trước mỗi khi di chuyển

– Qua thứ hai tôi gọi cho bác sĩ gia đình xin đi chụp CT scan đầu. Tuy nhiên cơ quan Xrays hẹn vào chiều hôm sau, vì không có chỗ! Buổi chiều hôm ấy trên đường về nhà thấy tôi đi hơi loạng quạng, bà xã tôi đã nhất định chở tôi đến phòng cấp cứu mặc cho tôi nói rằng hãy chờ đến ngay mai chụp hình xong mới tính!

Tại phòng cấp cứu sau khi khám và chụp hình bác sĩ cho biết :

– Có máu trong đầu, bác sĩ liền cho nhập viện và sắp xếp cho giải phẫu vào sáng hôm sau.

Cuộc giải phẫu kéo dài khoảng hơn hai tiếng đồng hồ, lúc tỉnh dậy bác sĩ giải phẫu cho biết:

– Ông đã khoan hai lỗ trên đầu của tôi và đã hút được hơn 200 ml máu!
– Ông đã đặt hai ống để rút máu bầm ra..!

Haemorrhagic stroke. Illustration of a ruptured blood vessel in the brain causing a stroke.

Sau khi mổ, tôi cả thấy nhẹ nhõm, không còn thấy chóng mặt, nhức đầu gì cả! Nói tóm lại là cuộc mổ thành công! Sau 3 đêm nằm bệnh viện, hai ống hút trên đầu được tháo ra và tôi đã được cho xuất viện vào ngày lễ tạ ơn!

Tới đây thì có lẽ nhiều bạn đã thắc mắc tại sao tôi không đi chụp hình ngay sau khi bị tai nạn! Xin thưa với các bạn là trong cơ thể học
– Não bộ chúng ta được bao bọc bởi màng óc và được bảo bọc bằng hộp xương sọ!
– Khi lớn tuổi thì não bộ của chúng ta bị teo nhỏ lại, do đó được treo lơ lửng bằng những mạch máu nhỏ.  Khi bị chấn động mạnh như bị đánh vào đầu, hay té ngã :


– Não bộ bị giao động và vì thế có thể một hay vài mạch máu bị đứt
– Máu bị chảy ra tuy nhiên vì mạch quá nhỏ!

Nên MÁU CHẢY RẤT CHẬM RẤT ÍT, chỉ vào khoảng gần 1 /12 tới 2 ml mỗi giờ, lúc này nếu làm CT scan CŨNG KHÔNG THẤY GÌ CẢ.

– Chỉ khi nào lượng máu đủ để ép vào não bộ, thì lúc đó TRIỆU CHỨNG MỚI XÃY RA.

– Chuyện này thường xảy ra khỏang từ 4 -12 TUẦN, sau khi bị chấn động như trong trường hợp của tôi.

Bác sĩ cho biết với số lượng máu nhiều như thế, người trẻ tuổi có lẽ đã bị hôn mê, não bộ đã bị thương tổn rồi!

 

Thật là may mắn cho tôi, vì đã được bình phục hoàn toàn, không hề có dư chứng gì cả!

Qua kinh nghiệm bản thân, tôi khuyên các bạn là ở vào tuổi của chúng ta, nên cố gắng tránh tối đa các tai nạn!

Tuy nhiên, nếu có tai nạn xảy ra nên cho người thân biết để theo dõi, người có khả năng nhất là người bạn đời của ta, không ai săn sóc ta, hiểu ta hơn chính ta bằng bà xã của ta!

Câu này rất đúng với trường hợp của tôi!

Xin được cám ơn em, người bạn đời! Nếu không có em, chưa chắc tôi có thể viết ra, được những dòng chữ này!

From: Phi Phuong Nguyen

CÁC LOẠI THUỐC KHÔNG CÓ TRONG NHÀ THUỐC.

1. Tập thể dục là thuốc.
2. Cầu nguyện là thuốc.
3. Một chế độ ăn uống cân bằng là thuốc
4. Tiếng cười là thuốc.
5. Thái độ tích cực là thuốc
6. Giấc ngủ là thuốc.
7. Thiền là thuốc.
8. Tình yêu là thuốc.
9. Bình an là thuốc
10. Lòng biết ơn là  thuốc.
11. Từ bỏ oán giận, thù hận là thuốc.
13. Đọc sách và nuôi dưỡng tâm hồn bằng tâm linh là thuốc.
14. Nói chuyện với những người thân yêu là thuốc
15. Suy nghĩ tích cực và suy nghĩ đúng đắn là thuốc.
16. Du ngoạn và đi bộ trong tự nhiên là thuốc.
17. Tha thứ cho bản thân và người khác là thuốc.
18. Tôn trọng bản thân là thuốc.
19. Tử tế, thiện lương là thuốc
20. Từ bỏ lòng tham, sự vô minh và những dục vọng thấp hèn là thuốc.
Chúc mọi người luôn đủ đầy những liều thuốc tốt trong nhà nhé.

From: Dương Phong

Điều xảy ra nếu bạn ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm

Điều xảy ra nếu bạn ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm

Nếu bạn có một đêm tồi tệ, đó không phải là vấn đề lớn, nhưng liên tục trằn trọc khó ngủ, bạn có thể phải đối mặt với hậu quả.

Lo lắng gia tăng

Tiến sĩ Sue Peacock, chuyên gia về giấc ngủ cho biết, giấc ngủ và sự lo lắng tác động lẫn nhau. Thiếu ngủ gây lo lắng, nhưng lo lắng cũng có thể gây thiếu ngủ.

Lo lắng có thể có tác động tiêu cực đến khả năng đi vào giấc ngủ của cơ thể, vì não đang ở chế độ “chiến đấu hoặc bỏ chạy”, nghĩ về tất cả các kết quả có thể xảy ra đối với bất cứ điều gì gây ra lo lắng. Hơn nữa, lo lắng chờ đợi (lo trước khi sự việc xảy ra), lo lắng cụ thể về giấc ngủ có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ và mất ngủ, sau đó tạo ra một vòng phản hồi khiến cả hai tình trạng tồi tệ hơn.

Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng thiếu ngủ có thể khiến chúng ta cảm thấy thấp thỏm. “Nó làm giảm khả năng duy trì sự tích cực khi đối mặt với các sự kiện đầy thử thách về cảm xúc”, Sue nói.

Ảnh minh họa: Freepik

Hệ thống miễn dịch suy yếu

Theo tiến sĩ Sue, có nghiên cứu cho thấy có một mối liên hệ phức tạp giữa chu kỳ đánh thức giấc ngủ và hệ thống miễn dịch.

“Khi bạn ngủ, hệ thống miễn dịch tạo ra các chất bảo vệ, chống nhiễm trùng như cytokine. Nó sử dụng các chất này để chống lại những kẻ xâm lược như vi khuẩn và virus”, chuyên gia nói.

Những cytokine này cũng giúp bạn ngủ ngon, cung cấp cho hệ thống miễn dịch nhiều năng lượng hơn để bảo vệ cơ thể bạn chống lại bệnh tật.

Vì vậy, nếu không ngủ đủ giấc, bạn sẽ không sản xuất được nhiều các cytokine kỳ diệu. Điều này làm giảm phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng. Nó làm tăng tính dễ bị bệnh và bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để khỏi bệnhAds by

Kinh nguyệt không đều

Thiếu ngủ cũng có thể tàn phá hormone tuyến giáp, gây ra các vấn đề cho phụ nữ.

Tiến sĩ Katharina Lederle, chuyên gia về giấc ngủ và đồng hồ cơ thể, cho biết, mức độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) tăng lên khi thiếu ngủ. “Mức TSH cao gây ra kinh nguyệt không đều, không phóng noãn (khi trứng không được giải phóng), vô kinh (không có kinh) và sẩy thai tái phát”, Lederle cảnh báo.

Tăng cân

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao mình lại đói cồn cào sau một đêm ngủ không ngon chưa?

Đó là vì khi chúng ta đang ngủ, các hormone như cortisol, leptin và ghrelin được điều hòa, đây là những hormone quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng. Thiếu ngủ làm giảm mức độ của các hormone này trong máu.

“Mất ngủ trong thời gian dài làm tăng cảm giác thèm ăn, ăn quá nhiều và tăng cân”, tiến sĩ Sue nói.

Người ngủ không ngon có khả năng béo phí cao hơn người bình thường.

Mất năng suất

Tiến sĩ Katharina cho biết, một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy những nhân viên ngủ trung bình 5 tiếng mỗi đêm mất 2,22 ngày làm việc mỗi năm, so với 1,48 ngày làm việc của những người ngủ 8 tiếng.

“Thiếu ngủ tác động tiêu cực đến tất cả những thứ chúng ta cần để làm tốt công việc của mình: hiệu suất nhận thức, khả năng ra quyết định, trí nhớ và khoảng chú ý”, Katharine nói.

Các vấn đề sức khỏe khác

Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cách khác nhau.

Tiến sĩ Sue cho biết, người ngủ ít có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (như tăng huyết áp, đột quỵ và đau tim), bệnh tiểu đường và các bệnh mãn tính khác cao hơn.

Thiếu ngủ còn liên quan đến suy giảm trí nhớ và nhận thức, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Nhật Minh (theo Metro)

Bệnh Đứt Mạch Máu Đầu – BS. Nguyễn Đình Phùng

 

Người Phương Nam

HỎI:

Tôi có người nhà bị bệnh đứt mạch máu đầu, gần đây phải đưa vào nhà thương để chữa trị. Hiện đã đỡ nhiều nhưng hiện bị liệt nửa người và nói năng rất khó khăn, xin bác sĩ cho biết nguyên nhân nào bị bệnh đứt mạch máu đầu và hy vọng hồi phục được khoảng bao nhiêu? có cách nào để ngừa được bệnh này không? Cũng xin bác sĩ cho biết có triệu chứng nào báo trước là sắp bị đứt mạch máu đầu không? Và phải làm những gì khi nghi là có thể bị bệnh này?

Nguyễn Văn H.

Đứt mạch máu đầu là một trong những nguyên nhân chính gây ra chết hoặc bị liệt ở người lớn tuổi tuy một số người tuổi còn trẻ cũng có thể bị bệnh này. Đây là một bệnh nguy hiểm, nên hiểu biết về bệnh này, đặc biệt là biết những dấu hiệu báo trước việc đứt mạch máu đầu sắp sửa xảy ra là điều cần thiết cho những người lớn tuổi để có thể ngăn chận kịp thời và làm giảm thiểu những hậu quả tai hại của nó. Thực sự dùng chữ đứt mạch máu đầu không đúng hẳn, phải nói là bệnh tổn thương mạch máu não vì đứt mạch máu chỉ là một trong những cơ chế của bệnh tổn thương mạch máu não, ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác nữa.

Bệnh này gây ra chết chỉ đứng hàng thứ ba sau bệnh tim và bệnh ung thư. Cứ 100,000 người sẽ có 794 người bị bệnh mạch máu não. Mỗi năm có khoảng 400,000 người phải vào bệnh viện vì bệnh này, tính ra 5% người già trên 65 tuổi sẽ bị bệnh mạch máu não. Vì thế bệnh này là một bệnh rất quan trọng, đặc biệt cho người lớn tuổi, và vấn đề phòng ngừa là điều chính.

Sau đây chúng ta sẽ xem về các loại của bệnh mạch máu não, các triệu chứng và cách ngừa bệnh này.

Các bệnh của mạch máu não có thể chia làm bốn loại chính:

  1. – Nghẹt mạch máu não do cứng thành động mạch gây nên.
  2. – Cục máu chạy làm tắc mạch máu não, cục máu có thể từ một động mạch não bị lở loét và làm đông máu hoặc có thể chạy từ tim lên.
  3. – Xuất huyết trong não do áp huyết cao gây ra.
  4. – Mạch máu não bị phình và bị bể làm chảy máu dưới màng não gọi là màng nhện.

Các tổn thương của mạch máu não có thể xảy đến một cách từ từ với triệu chứng báo trước hoặc có thể xảy ra một cách đột ngột, bất ngờ và không có gì báo trước cả. Điều này tùy thuộc vào loại nào trong các loại kể trên; như nếu bị nghẹt mạch máu não, các triệu chứng có thể báo trước đôi khi nhiều ngày hoặc cả một thời gian thật lâu trước khi bị stroke hẳn; trường hợp bị cục máu chạy làm tắc mạch máu não hay bị xuất huyết trong não do áp huyết cao hay do mạch máu bị phình và bể, stroke xảy ra đột ngột, bất ngờ.

Trước hết, điều nên biết là có thể có những triệu chứng nào báo trước. Những triệu chứng này thường xảy ra ngắn, trong vòng vài phút đến một giờ, và thường biến đi không để lại dấu vết nào rồi trở lại sau đó, nhiều khi vài ngày hay cả tháng sau hoặc có thể nhiều như năm hoặc mười lần trong một ngày. Những triệu chứng thường thấy là tự nhiên thấy yếu hẳn đi một bàn tay hay một cánh tay trong vài phút rồi trả lại bình thường, hoặc thấy liệt đi một nửa bên người trong chốc lát rồi lại cử động được.

Nhiều người có triệu chứng nói không được hay nói năng rất khó khăn trong vài phút đồng hồ. Một triệu chứng cũng thường hay xảy ra là tự nhiên mắt không còn thấy gì hoặc bị mất hẳn thị giác một nửa bên hoặc ở giữa thấy đen ngòm, trong vòng vài phút đồng hồ rồi lại thấy được như thường. Một số các triệu chứng khác có thể xảy ra là thấy chóng mặt, quay cuồng, đi đứng không vững, mắt nhìn một thành hai, nói năng ngọng nghịu chỉ trong chóc lát rồi trở lại bình thường.

Những triệu chứng này ngắn hạn, gọi là transient ischemic attacks, không để lại dấu vét gì, nhiều người có những triệu chứng này một thời gian khá lâu nhưng thường đây là những dẫn dắt đưa đến đứt mạch máu đầu trong tương lai, vì thế nhận biết những triệu chứng này và tầm quan trọng của nó để đi khám nghiệm ngay có thể tránh được những hậu quả tai hại của bệnh đứt mạch máu đầu hay stroke gây ra.

 Những người nào dễ bị bệnh đứt mạch máu đầu? 

Như đã nói trên, bệnh này hay xảy ra ở người lớn tuổi nhưng không nhất thiết phải như vậy. Bệnh cứng thành mạch máu (atherosclerosis) là nguyên nhân chính gây ra đứt mạch máu đầu cũng như bệnh nghẹt động mạch tim, và liên quan đến bệnh cholesterol cao. Bệnh áp huyết cao cũng là một nguyên nhân chính gây ra đứt mạch máu đầu hay xuất huyết trong não, vì thế đi khám nghiệm để biết áp huyết mình có cao hay không và nếu cao phải chữa trị cẩn thận là điều chính yếu. Hiện tại ở Hoa Kỳ, mức độ người bị stroke tương đối đã giảm khá nhiều cũng nhờ người dân đã biết nhiều hơn về sự nguy hiểm của bệnh áp huyết cao và đi chữa trị cẩn thận. Người Việt Nam tỵ nạn hiện còn ơ hờ nhiều về bệnh áp huyết cao nên số người bị đứt mạch máu đầu vì không chữa trị áp huyết cao xảy ra khá nhiều và nhiều người còn trẻ cũng đã bị biến chứng tai hại này.

Ngoài hai bệnh chính kể trên, các bệnh về nhịp tim đập không đều, bệnh nghẹt van tim hay nghẹt động mạch tim hay nhiễm trùng tim cũng dễ làm đọng thành cục máu ở trong tim và làm chạy lên não bộ gây ra tổn thương mạch máu não bộ và gây ra stroke. Hút thuốc lá nhiều gây ra nhiều chứng bệnh khác nhau và là một trong những yếu tố để đưa đến stroke. Vì thế muốn tránh bệnh này phải giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy hiểm và ngưng hút thuốc là điều cần thiết.

Đứt mạch máu đầu hay stroke có thể xảy ra theo nhiều cách. Nếu bị nặng như xuất huyết nhiều trong não bộ hay bị hư hỏng vùng não bộ quan trọng và cần thiết cho sự sống còn như trung tâm điều khiển sự hô hấp, người bệnh có thể chết ngay trong vòng vài phút hay nửa tiếng đồng hồ. Phần lớn các trường hợp diễn biến xảy ra từ từ hơn và nặng hay nhẹ sẽ tùy thuộc vào mạch máu não nào bị ảnh hưởng.

Trong não có ba mạch máu chính: mạch máu não giữa, mạch máu não trước và mạch máu não sau. Nếu bị nghẹt hay bị cục máu tắc ở mạch máu não giữa, sẽ bị liệt và tê mất cảm giác nửa người ở phia bên đối diện của bên mạch máu bị nghẹt. Có nghĩa là bị nghẹt mạch máu bên trái sẽ bị liệt nửa người bên phải và ngược lại. Đồng thời trung tâm điều khiển nói hay phát âm bị thương tổn sẽ làm cho nói không được hay nói ngọng nghịu khó khăn. Tùy theo vùng nào của trung tâm điều khiến tiếng nói bị ảnh hưởng, có rất nhiều triệu chứng khác nhau như nghe hiểu mà muốn nói nói không được, nghe cũng không hiểu mà nói cũng không được, nhìn sách hiểu nhưng đọc ra không được, hoặc đọc không hiểu gì cả, hoặc viết ra không được hay làm tình không được…

Mỗi người có nửa bán cầu não mạnh hơn bên kia, thường người thuận tay phải có bán cầu não bên trái mạnh hơn, người thuận tay trái có bán cầu não phải mạnh hơn; nếu bị nghẹt mạch máu não giữa của bán cầu não chính yếu sẽ bị liệt nửa người của phía bên kia nặng hơn nhiều và trung tâm điều khiển nói năng ở phia bán cầu não chính nên cũng sẽ bị nói không được. Ngược lại, nghẹt mạch máu não giữa của bán cầu não phụ sẽ bị nhẹ hơn và thường vẫn nói được.

Nghẹt mạch máu não trước tương đói bị ít hơn làm đi đứng khó khăn tuy không đến nỗi bị liệt hẳn, làm đi tiều không kiêm soát được, ảnh hưởng đến trỉ thông minh v…v… Nghẹt mạch máu não sau cũng gây bị liệt, ngoài ra trên mặt cũng bị làm mắt sụp, nuốt không được, nửa mặt mất cảm giác, bị chóng mặt, ói mửa v.v..

Như vậy khi người bệnh bị những triệu chứng kể trên có thể định bệnh là bị bệnh của mạch máu đầu hay stroke và cần phải đưa vào bệnh viện để điều trị. Việc định bệnh chính xác và phân loại ra bị xuất huyết trong não hay bị nghẹt và làm chết phần nào của não bộ phải dựa vào cách chụp hình CAT scan hay phương pháp mới hơn gọi là MRI (magnetic resonance imaging). Nếu nghi bị bể mạch máu bị phình gọi là aneurysm làm xuất huyết dưới màng não gọi là màng nhện, có thể phải lấy nước tủy xương sống sau khi đã chụp hình CAT scan xong.

Việc chữa trị stroke cũng tùy thuộc vào loại nào. Nếu bị nghẹt mạch máu não, có thể dùng những thuốc làm chống đông máu như Heparin và để phòng ngừa có thể bị stroke trở lại, một số bệnh nhân có thể phải uống thuốc làm loãng máu như Coumadin, phần lớn thường dùng Aspirin cũng có tác dụng loãng máu và ít bị biến chứng làm chảy máu hơn. Một số bệnh nhân bị nghẹt quá nhiều ở mạch máu có làm thành những cục máu chạy lên làm tắc mạch máu não có thể phải mỗ để thông mạch máu ở cổ gọi là carotid endarterectomy. Thường phải chụp hình hệ thống mạch máu não gọi là cerebral angiography để biết đích xác chỗ nào bị nghẹt và nghẹt nhiều bao nhiêu truớc khi mổ. Chụp hình bằng phương pháp này cũng có nhiều nguy hiểm và mổ để thông động mạch cổ cũng có thể gây mức độ tử vong thay đổi từ 1 đến 20% tùy bác sĩ và nhà thương có kinh nghiệm nhiều hay không. Điều này cho thấy sự quan trọng trong việc nên đến một trung tâm y khoa lớn, kinh nghiệm nhiều về việc chữa bệnh đứt mạch máu đầu hay stroke để có thế có nhiều hy vọng nhất trong việc chữa trị.

Điều thiết yếu nhất trong việc chữa trị và phòng ngừa là nhận biết các triệu chứng báo trước transient ischemic attacks như đã nói ở phần trên. Khi bị các triệu chứng liệt một phần tay chân rồi trở lại bình thường ngay hay nói ngọng nghịu một vài phút ngắn v.v… phải đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Các thử nghiệm đầu tiên thường được làm là thử nghiệm siêu âm ở mạch máu cổ và đo độ nghẹt bằng phương pháp gọi là Doppler, nếu bị nghẹt nhiều có thể cần chụp hình angiography như đã nói ở trên và mổ endarterectomy nếu cần. Trong trường hợp không mổ được, thường sẽ phải uống Aspirin để ngừa bị stroke.

Tóm lại, đứt mạch máu đầu là một bệnh nguy hiểm, rất nhiều trường hợp có triệu chứng báo trước, nên nhận biết các triệu chứng này là điều rất quan trọng đề phòng ngừa và chữa trị kịp thời. Một khi stroke đã xảy ra, việc chữa trị khó khăn hơn nhiều và thường chỉ giữ để cho không bị nặng hơn nữa hay có thể chết ngay. Những điều có thể làm được để ngừa bệnh nguy hiểm này là chữa trị áp huyết cao nếu có bệnh này, hạ Cholesterol, bỏ thuốc lá. Aspirin với lượng nhỏ cũng có thể dùng để ngừa nếu không bị phản ứng với Aspirin. Vitamin E có thể có hiệu quả phòng ngừa với bệnh tim nhưng chưa được chứng minh với trường hợp bệnh đứt mạch máu đầu. Các phương pháp khác không có hiệu quả gì và ngoài các cách ngăn ngừa như đã nói ở trên, điều cốt yếu vẫn là sự nhận biết các triệu chứng báo trước của bệnh này./.

 Bs Nguyễn Đình Phùng

Tổng hợp truyền thông các nước về dịch COVID ở Trung Hoa hiện nay (Bài 4)

Tiếp theo Bài 1, Bài 2Bài 3

Không thấy pháo bông và lễ hội đếm lùi thời gian để mừng năm mới 2023 ở Trung Quốc nơi dịch COVID bùng phát.Tại Trung Quốc, các hạn chế nghiêm ngặt về COVID đã được dỡ bỏ chỉ trong tháng này khi chính phủ đảo ngược chính sách “không có COVID”, một sự thay đổi đã dẫn đến số ca nhiễm tăng vọt và đồng nghĩa với việc một số người không có tâm trạng để ăn mừng.

“Con virus này sẽ chết đi, không thể tin được năm nay tôi thậm chí không thể tìm được một người bạn khỏe mạnh nào có thể đi chơi với tôi và đón năm mới”, một người dùng mạng xã hội ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc viết.

Những người khác bày tỏ hy vọng năm mới sẽ báo trước sự trở lại của Trung Quốc với cuộc sống trước đại dịch.

“Tôi đã sống và làm việc dưới thời COVID trong suốt năm 2022… Tôi hy vọng năm 2023 là khi mọi thứ có thể quay trở lại như trước năm 2020”, một người dùng ở tỉnh Giang Tô lân cận cho biết.

SỰ HIỆN DIỆN CỦA AN NINH

Tại thành phố Vũ Hán, nơi đại dịch bắt đầu cách đây 3 năm, hàng chục nghình người đã tụ tập một cách tự phát để ăn mừng năm mới 2023 trong sự hiện diện nghiêm ngặt của an ninh.

Rào chắn được dựng lên và hàng trăm cảnh sát cùng nhân viên an ninh khác đứng gác trong đêm diễn ra cuộc tụ tập tự phát quy mô lớn đầu tiên ở thành phố Vũ Hán kể từ các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào cuối tháng 11

Các quan chức đã đưa mọi người ra khỏi ít nhất một điểm tụ tập nổi tiếng trong đêm Giao thừa và sử dụng loa phóng thanh ở nhiều địa điểm khác nhau để phát ra một thông điệp ngắn trên một vòng lặp khuyến cáo mọi người không nên tụ tập.

“Vì lợi ích sức khỏe và sự an toàn của bạn, đừng tụ tập hay dừng lại”, thông điệp khuyên đám đông những người vui chơi, tuy rằng đám đông đã bỏ ngoài tai các thông báo trực tiếp đang lập đi lập lại.

CDC Trung Quốc báo cáo chỉ có một người chết vì COVID trong ngày 31 tháng 12, 2022

Trung Quốc đã báo cáo một trường hợp tử vong do COVID-19 mới ở đại lục vào ngày 31 tháng 12, giống như một ngày trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết hôm Chủ nhật.  CDC của Trung Quốc đã báo cáo 5.138 trường hợp được xác nhận chính thức vào thứ Bảy, nhưng do xét nghiệm hàng loạt không còn hoạt động, các chuyên gia cho biết số ca nhiễm thực tế cao hơn đáng kể.

Số người chết chính thức tích lũy ở Trung Quốc hiện ở mức 5.249, thấp hơn nhiều so với các quốc gia lớn khác. Chính phủ đã bác bỏ tuyên bố rằng họ đã cố tình báo cáo thiếu tổng số người thiệt mạng. Tuy nhiên, tại nhà tang lễ Hankou ở ngoại ô Vũ Hán, một dòng người liên tục đưa tang và những người lái xe tang đã đến vào Chủ nhật.

Các nhà tang lễ ở các thành phố khác ở Trung Quốc – bao gồm cả Thành Đô và Bắc Kinh – cho biết họ bận rộn hơn bao giờ hết kể từ khi Trung Quốc đột ngột bỏ các biện pháp hạn chế COVID vào tháng trước.

Các nhà chức trách đã cố gắng trấn an công chúng rằng họ đã kiểm soát được tình hình và hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã đăng một bài xã luận vào Chủ nhật nói rằng chiến lược hiện tại là “một cách tiếp cận có kế hoạch, dựa trên cơ sở khoa học” phản ánh bản chất đang thay đổi của virus.

Tân Hoa Xã cho biết riêng việc sản xuất thuốc đã tăng tốc trong tháng trước, với sản lượng thuốc giảm đau ibuprofen và paracetamol hiện ở mức 190 triệu viên mỗi ngày, cao gấp 5 lần so với đầu tháng 12. Cơ quan này cho biết việc sản xuất bộ xét nghiệm kháng nguyên đã tăng gần gấp đôi lên 110 triệu mỗi ngày trong một tháng.

Thêm quốc gia đòi xét nghiệm khách du lịch Trung Quốc

Vào Chủ nhật, Úc và Canada đã cùng với Hoa Kỳ và các nước khác yêu cầu khách du lịch từ Trung Quốc cung cấp kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính khi họ đến. Bộ Ngoại giao Maroc cho biết sẽ áp đặt lệnh cấm đối với những người đến từ Trung Quốc.

Tập Cận Bình trấn an dân trong thông điệp đầu năm

Chủ tịch Tập Cận Bình trong bài phát biểu năm mới đã kêu gọi nỗ lực và đoàn kết hơn nữa khi Trung Quốc bước vào một “giai đoạn mới”… “Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh đang tiến vào một giai đoạn mới… Mọi người đều quyết tâm và ánh sáng hy vọng đang ở ngay phía trước”. Thông điệp được đưa ra ngay trong lúc dịch COVID bùng phát bắt đầu từ vài tuần qua.

Khi Trung Quốc, quốc gia có 1,4 tỷ dân, đột ngột quyết định chấm dứt chính sách không có Covid sau ba năm xảy ra đại dịch, đã có một sự bùng nổ về số ca mắc Covid. Nguyên nhân chính vì vắc-xin trong nước không hiệu quả và khả năng miễn dịch tự nhiên yếu đã gia tốc cho sự bội nhiễm khi chính quyền Trung Quốc tiếp tục dỡ bỏ các hạn chế, bao gồm cả hạn chế đi lại. Kể từ đó, các bệnh viện Trung Quốc tràn ngập bệnh nhân chủ yếu là người già, các lò hỏa táng đã quá tải và nhiều hiệu thuốc hết thuốc hạ sốt.

Phan Sinh Trần

VIỆN DƯỠNG LÃO -Tác giả: BS Trần Công Bảo

VIỆN DƯỠNG LÃO  

Một tài liệu tốt cho người lớn tuổi (nói chung), và cho người Việt sống trên đất Mỹ…
***
Tác giả: BS Trần Công Bảo đã từng là giám đc y tế của nhiều viện dưỡng lão với bài viết dưới đây. Ông trình bày ngọn nguồn rất thực tế , cơ quan mà người già hay người tàn tật đã có lần nghĩ thoáng qua ,nhưng dĩ nhiên lờ mờ chua rõ … 
Người già ở hải ngoại: sự am hiểu về VDL là nên! vì không ai biết đươc tương lai ..!?

Nếu còn có thể ở nhà được mà vẫn an toàn thì ở nhà tốt hơn. Nếu tài chánh cho phép, thì dù mình không đủ khả năng lo cho mình, mình vẫn có thể mướn người “bán thời gian” (part time) đến lo cho mình vài giờ mỗi ngày, giúp ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp trong nhà, thuốc men, chở đi bác sĩ…

Nursing Home – Viện Dưỡng Lão 

Bs Trần Công Bảo 

Cổ nhân có câu: “sinh, bệnh, lão, tử”. Bốn giai đoạn này không ai có thể tránh khỏi. Chuẩn bị ứng phó với bệnh tật và tuổi già của mình và của thân nhân mình là điều ai cũng có dịp nghĩ tới, kể cả chính kẻ viết bài này là tôi cũng đang sắp sửa bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”.
Anh bạn thân của tôi, Bs. TNT từ lâu có đề nghị tôi viết một bài về “Viện Dưỡng Lão” (VDL) để giúp bà con mình có thêm một chút khái niệm về VDL vì anh biết trong suốt 27 năm qua tôi đã liên tục săn sóc cho các cụ già tại các viện dưỡng lão, và cũng đã là “Giám Đốc Y Tế” (Medical Director) của nhiều VDL trong vùng. Nay tôi muốn chia sẻ cùng qúy bạn một số kinh nghiệm và hiểu biết về VDL.

Trong Việt ngữ chúng ta thường dùng từ Viện Dưỡng Lão, nhưng trong Anh ngữ thì có nhiều từ khác nhau như Nursing home, Convalescent home, Rehabilitation and Nursing center, Skilled nursing facility (SNF), Rest home… Nói chung, VDL là một nơi cho những người bị yếu kém về thể xác không thể tự săn sóc cho mình được trong cuộc sống hàng ngày. Thí dụ như không thể nấu nướng, giặt giũ, đi chợ…  nặng hơn nữa như không đủ sức để làm những việc tối cần thiết cho cuộc sống như ăn uống, đi tiêu, đi tiểu… hoặc cần phải có thuốc men đúng lúc mà không thể tự làm được.

Khi nói tới VDL người ta thường chỉ nghĩ tới những người già mà thôi. Thật ra có nhiều người “trẻ” nhưng vì tật bệnh không thể tự lo cho mình được cần phải có sự giúp đỡ của SNF (skilled nursing facility). Vậy thế nào là VDL?

VDL là nơi cung cấp những dịch vụ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày cho những người không đủ khả năng lo cho chính mình. Tùy theo mức độ trầm trọng của bệnh tật mà có những VDL khác nhau:

1- Skilled Nursing Facility (SKF): là nơi cung cấp những dịch vụ cho những người bị khuyết tật nặng như tai biến mạch máu não gây nên bán thân bất toại, hôn mê lâu dài, hoàn toàn không còn khả năng ngay cả trong việc ăn, nuốt, tiêu, tiểu… Thường thường tại SNF có hai phần: phục hồi (rehabilitation) và săn sóc sức khỏe (nursing care). Có những người sau khi được giải phẫu thay xương khớp háng (hip replacement), thay đầu gối (knee replacement), hay mổ tim (bypass, thay valve tim) … cần thời gian tập dượt để phục hồi (rehabilitation). Sau đó họ có thể về nhà sinh hoạt bình thường cùng gia đình.

2- Intermediate care facility (ICF) : cung cấp dịch vụ cho những người bệnh như tật nguyền, già cả nhưng không cần săn sóc cao cấp (intensive care). Thường thường những người này không có thân nhân để lo cho mình nên phải vào đây ở cho đến ngày cuối cùng (custody care).

3- Assisted living facility (ALF): Thường thường những người vào ALF vẫn còn khả năng tự lo những nhu cầu căn bản như tắm rửa, thay quần áo, đi tiêu, đi tiểu một mình được. Họ chỉ cần giúp đỡ trong việc bếp núc, theo dõi thuốc men và chuyên chở đi thăm bác sĩ, nhà thờ, chùa chiền hay mua sắm lặt vặt. Họ vẫn còn phần nào “độc lập”.

4-  VDL cho những người quá lú lẫn (Alzheimer facility): có những bệnh nhân bị lú lẫn nặng, đến nỗi không nhận ra người thân như vợ, chồng, con cháu nữa. Không biết tự đi vào buồng tắm, phòng vệ sinh để làm những công việc tối thiểu. Họ không biết họ ở đâu, dễ đi lang thang và lạc đường. Nếu ở nhà thì phải có người lo cho 24/24. Những VDL dành riêng cho những bệnh nhân này, thường là “locked facilty”, cửa ra vào được khóa lại để bệnh nhân không thể đi lạc ra ngoài… Cách đây khá lâu đã có trường hợp một bệnh nhân đi ra khỏi viện, lạc đường, bị xe lửa cán chết! Từ đó có locked facilty. Đôi khi cũng có những viện bệnh nhân được gắn alarm vào cổ chân. Nếu bệnh nhân đi qua cửa thì alarm sẽ báo động và nhân viên sẽ kịp thời mang về lại.

NHỮNG DỊCH VỤ ĐƯỢC CUNG CẤP TẠI VDL :

Điều này tùy theo từng viện. Tuy nhiên những dịch vụ sau đây là cần thiết:

1- Phòng ngủ.
2- Ăn uống
3 – Theo dõi thuốc men
4- Những điều tối thiểu hàng ngày như tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân…
5- 24/24 lo cho những trường hợp bệnh khẩn cấp.
6- Sinh hoạt hàng ngày như giải trí, tôn giáo…
7- Vật lý trị liệu. Dịch vụ này rất quan trọng để giúp người bệnh có thể phục hồi càng nhiều càng tốt. Trong vật lý trị liệu có nhiều dịch vụ khác nhau:
a- Tập dượt (physical therapy): như tập đi, tập lên xuống cầu thang, tập tự vào giường ngủ hay ra khỏi giường một cách an toàn, không vấp ngã…
b- Speech therapy: tập nói, tập nuốt khi ăn uống… Có những bệnh nhân bị stroke, không thể nói hay ăn được, cần được tập để phục hồi chức năng này.
c- Occupational therapy: Tập mang giầy, bí tất (vớ)… Tập sử dụng bếp gaz, bếp điện cho an toàn để tránh bị tai nạn.

AI TRẢ TIỀN CHO VDL?
Có nhiều nguồn tài trợ khác nhau:

1- Medicare
2- Medicaid (ở California là Medi-Cal).
3- Bảo hiểm tư, có nhiều người mua sẵn bảo hiểm cho VDL.
4- Tiền để dành của người bệnh (personal funds).

MEDICARE là do qũy liên bang, chỉ trả tối đa 100 ngày cho những bệnh nhân cần tập dượt để phục hồi chức năng tại một skilled nursing facility (SNF). Thường những bệnh nhân bị stroke, gãy xương…  cần dịch vụ này. Medicare KHÔNG TRẢ cho custody care.

MEDICAID là do quỹ liên bang và tiểu bang. Qũy này trả nhiều hay ít là tùy từng tiểu bang.  Medicaid trả cho dịch vụ y tế và custody care.

BẢO HIỂM TƯ  thì tuy theo từng trường hợp sẽ có những quyền lợi khác nhau, nhưng thường rất hạn chế.

Hiện nay người ta ước lượng trên nước Mỹ có khoảng 1.4 triệu người sống trong 15,800 VDL.  Các VDL này đặt dưới sự kiểm soát của bộ y tế, đặc biệt là do Centers for Medicare & Medicaid Services (CMS) giám sát. Hàng năm các VDL đều phải trải qua một cuộc kiểm tra rất gắt gao (survey) của CMS. VDL nào không đúng tiêu chuẩn thì có thể bị đóng cửa! Mục đích kiểm tra của CMS là để bảo đảm cho các bệnh nhân tại VDL được săn sóc an toàn, đầy đủ với chất lượng cao. Đồng thời tránh những trường hợp bị bỏ bê (negligence) hay bạo hành (abuse) về thể xác lẫn tinh thần. Tại mỗi VDL đều có lưu trữ hồ sơ kiểm tra cho công chúng xem. Bất cứ ai cũng có thể xem kết quả của các cuộc kiểm tra này. Tất cả các VDL đều phải có các biện pháp để bảo đảm sự săn sóc cho bệnh nhân theo đúng tiêu chuẩn. Nếu không sẽ bị phạt tiền, và có những trường hợp bị đóng cửa.

Trên đây tôi đã trình bày sơ qua về những điểm chính của VDL. Tuy nhiên, như quý bạn đã từng nghe và biết, có nhiều khác biệt giữa những VDL… Theo tôi nhận xét thì quan niệm chung của mọi người là “không muốn vào VDL”. Chúng ta từng nghe những chuyện không tốt thì nhiều, mà những chuyện tốt thì ít. “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, là câu ngạn ngữ người mình vẫn nói từ xa xưa đến nay. Tôi đã đọc không biết bao nhiêu là bài viết về việc con cái “bất hiếu”, bỏ bố mẹ, ông bà vào VDL rồi không đoái hoài tới. Tôi cũng thấy nhiều trường hợp các cụ vào VDL một thời gian rồi không muốn về nhà với con cháu nữa!  Trên đời này không có gì là tuyệt đối cả, trong cái hay có cái dở, và trong cái dở lại có thể tìm ra cái hay. Vậy chúng ta rút tỉa được kinh nghiệm gì trong vấn đề này? Tôi chỉ xin nêu lên những nhận xét chủ quan của riêng tôi mà thôi. Có thể quý vị không đồng ý hết, nhưng nếu rút tỉa được ít nhiều ý kiến xây dựng thì “cũng tốt thôi”.

NHỮNG “BỆNH” CÓ THỂ DO VDL GÂY RA:

1- Lo lắng (anxiety): Trong tháng 9/2011 những nhà nghiên cứu hỏi ý kiến của 378 bệnh nhân trên 60 tuổi nằm VDL tại thành phố Rochester, New York. Kết qủa là có trên 27.3% trả lời là họ bị bệnh lo lắng, từ vừa đến nặng. Nếu không được chữa trị sẽ đưa đến bệnh trầm cảm (depression). Nên nhớ là 378 bệnh nhân này là người Mỹ chính cống, sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Chúng ta hãy tưởng tượng người Việt mình không biết rành tiếng Anh, không hợp phong tục, tập quán thì sự khó khăn sẽ nhiều như thế nào! Còn một vấn đề nữa là thức ăn, chúng ta quen “nước mắm, thịt kho”…, làm sao mà có thể nuốt hamburger, sandwich… ngày này qua ngày khác! Các vấn đề này càng làm bệnh lo lắng, trầm cảm nặng thêm!

2- Phản ứng của thuốc (adverse drug reactions): Trong tháng 1/2012 ngưòi ta theo dõi các bệnh nhân tại VDL, kết qủa là ít nhất 40% các bệnh nhân dùng trên 9 loại thuốc khác nhau. Uống càng nhiều thuốc thì phản ứng càng nhiều. Có ba loại phản ứng khác nhau:

a- Phản ứng phụ (side effects): thí dụ như uống aspirin làm bao tử khó chịu, thuốc cao máu làm táo bón… Loại này thường xảy ra, không cần phải ngưng thuốc.

b- Drug interference: (tạm dịch là thuốc đối tác với nhau): có nhiều loại thuốc uống chung với nhau sẽ làm tăng hoặc giảm sức tác dụng. Thí dụ thuốc loãng máu coumadin mà uống chung với thuốc tim như amiodarone sẽ làm dễ chảy máu. Có những thức ăn hay nước uống dùng chung với thuốc cũng ảnh hưởng đến thuốc. Thí dụ uống nước bưởi hay nho với một vài loại thuốc cũng sẽ tăng sức tác dụng của thuốc, dễ gây ngộ độc.

c- Dị ứng với thuốc (allergic reaction): Loại này nguy hiểm hơn, thường làm da nổi mề đay, đỏ, ngứa. Nếu nặng thì có thể chết được như phản ứng với penicillin chẳng hạn. Nếu bị dị ứng thì phải ngưng thuốc ngay.

3- Ngã té (fall):Người già rất dễ bị té ngã gây nên nhiều biến chứng quan trọng như chảy máu trong đầu (intracranial bleeding), gãy xương (như gãy cổ xương đùi, tay…). Khi già quá hoặc có những bệnh ảnh hưởng đến sự di chuyển, không còn đi lại vững vàng, nhanh nhẹn như lúc trẻ nên dễ vấp, té ngã.

4- Da bị lở loét (decubitus ulcers): Những người bị liệt giường, không đủ sức để tự mình xoay trở trên giường, rất dễ bị lở loét da gây nên nhiều biến chứng tai hại.

5- Nhiễm trùng (infection)như sưng phổi, nhiễm trùng đường tiểu…nhất là những người cần phải dùng máy móc như máy thở (respirator), ống thông tiểu (Folley catheter)…

6- Thiếu dinh dưỡng, thiếu nước (malnutrition, dehydration):Ở các cụ già thì trung tâm khát (thirst center) trong não không còn nhạy cảm nữa, nên nhiều khi cơ thể cần nước mà không thấy khát không uống nên bị thiếu nước. Cái cảm giác “ngon miệng (appetite) cũng giảm đi nên không muốn ăn nhiều gây nên tình trạng thiếu dinh dưỡng.

VẬY CÓ NÊN VÀO VDL KHÔNG?

Việc này thì tùy trường hợp. Theo tôi:

1- Nếu còn có thể ở nhà được mà vẫn an toàn thì ở nhà tốt hơn. Nếu tài chánh cho phép, thì dù mình không đủ khả năng lo cho mình, mình vẫn có thể mướn người “bán thời gian” (part time) đến lo cho mình vài giờ mỗi ngày, giúp ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp trong nhà, thuốc men, chở đi bác sĩ…
2- Nếu không thể ở nhà được, mà tài chánh cho phép thì có thể ở những assisted living facilities. Ở đây thường họ chỉ nhận tiền (personal funds) chứ không nhận medicare & medicaid. Tại đây thì sự săn sóc sẽ tốt hơn.

3- Group homes (nhà tư): Có những người nhận săn sóc cho chừng 4-6 người mỗi nhà. Họ cũng lo việc ăn uống, chỗ ở, thuốc men, chở đi bác sĩ…Thường thì rẻ hơn tùy từng group.

4- Nếu “chẳng đặng đừng” phải vào VDL thì phải làm sao để có được sự săn sóc “tốt nhất”?

                a- Làm sao để lựa chọn VDL:
 
* Vào internet để xem ranking của VDL (tương tự như các tiệm ăn có xếp loại A, B, C….)

* Mỗi VDL đều phải có cuốn sổ phúc trình về các cuộc kiểm tra (survey) do bộ y tế làm hàng năm. Trong đó bộ y tế sẽ nêu lên những khuyết điểm mà họ đã tìm thấy. Cuốn sổ này được để ở khu công cộng (public area) trong khuôn viên của VDL. Hỏi receptionist thì họ sẽ chỉ cho.

* Hỏi ý kiến thân nhân những người có thân nhân đang nằm tại đó.

* Quan sát bên trong và ngoài của VDL: xem có sạch sẽ, không mùi hôi, nước tiểu. Theo dõi cách đối xử, săn sóc của nhân viên với bệnh nhân.

* Nếu có thể thì tìm một VDL có nhiều người Việt đang ở để có nhân viên nói tiếng Việt, có thức ăn Việt, có chương trình giải trí theo kiểu Việt.

                b- Nếu đã quyết định chọn VDL cho người thân rồi thì phải làm gì sau đó?
 
* Chuẩn bị tư tưởng không những cho bệnh nhân mà con cho cả chính mình và mọi người trong gia đình để có được sự chấp nhận (acceptance) càng nhiều càng tốt.

* Thăm viếng thường xuyên: Nếu nhà đông con cháu thì không nên đến thật đông một lần rồi sau đó nhiều ngày không có ai đến. Nếu được, nhất là trong vài tháng đầu, luân phiên nhau tới, mỗi ngày một lần một vài người. Làm lịch trình ai đi thăm ngày nào, giờ nào…

* Nên làm một cuốn sổ “thông tin” (communication book) để cạnh giường. Trong cuốn sổ này mỗi khi ai đến thăm thì viết ngày giờ, tên người đến thăm, và nhận xét xem bệnh nhân có vấn đề gì cần lưu ý, giải quyết. Nếu không có vấn đề gì thì cũng nên viết vào là không có hoặc cho nhận xét về vui, buồn, than thở của bệnh nhân…
* Cuối tuần hay ngày lễ: nên có người vào hoặc mang bệnh nhân về nhà nửa buổi để được sống với không khí gia đình dù ngắn ngủi, hay đưa ra khỏi VDL để làm đầu, tóc hoặc tới tiệm ăn cho khuây khỏa…

* Nên sắp xếp để bệnh nhân có sách báo, băng nhạc bằng tiếng Việt cho bệnh nhân giải trí.

* Cho dù có những bệnh nhân bị hôn mê bất tỉnh lâu dài, nhưng khi đến thăm hãy cứ thì thầm bên tai họ những lời yêu thương, những kỷ niệm cũ. Nắm tay, xoa dầu để tỏ tình thương yêu. Tuy họ không có thể cảm thấy được 100% nhưng chắc chắn họ vẫn còn một chút nhận thức, làm họ hạnh phúc hơn, mặc dù mình không nhận thấy. Để bên đầu giường những băng nhạc, câu kinh mà khi còn khỏe họ đã thích nghe.

* Một điều chót mà theo kinh nghiệm của tôi, rất có hiệu quả: đối xử tốt nhưng nghiêm túc với nhân viên của VDL:

– Đối xử tốt: lịch sự, nhẹ nhàng, không thiếu những lời cám ơn cho những nhân viên phục vụ tốt. Thỉnh thoảng mua một vài món quà nhỏ cho họ (tôi xin nhấn mạnh “nhỏ thôi”– đừng nên coi đây là hối lộ) như đồ ăn, thức uống …  để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Mình tốt với họ thì họ sẽ quan tâm đến mình nhiều hơn. Người mình vẫn nói: “Có qua có lại mới toại lòng nhau”).

– Tuy nhiên đối xử tốt không có nghĩa là mình chấp nhận những sai trái của họ. Thí dụ mình đã báo cáo những thay đổi về sức khỏe của bệnh nhân cho họ mà không ai quan tâm giải quyết thì mình phải lịch sự nêu ra liền. Nếu cần thì gặp ngay những người có trách nhiệm như charge nurse, nursing director và ngay cả giám đốc của VDL để được giải quyết. Nên nhớ là phải lịch sự, nhã nhặn nhưng cương quyết thì họ sẽ nể phục mình. Tôi đã thấy nhiều trường hợp đạt yêu cầu một cách rất khả quan.

Trên đây là những kinh nghiệm của tôi xin chia sẻ với quý bạn. Dĩ nhiên là không hoàn toàn đầy đủ tất cả những gì quý bạn mong muốn, nhưng hy vọng cũng đáp ứng được phần nào những ưu tư, lo lắng cho người thân của quý bạn.

From: thanhlamle.le & NguyenNThu

Tách Cà Phê Và Tuổi Thọ – BS. Phạm Hiếu Liêm

Lời giới thiệu: 

Thưa các anh chị

Xin chuyển lại các anh chị bài viết vô cùng quan trọng của Bs. Liêm, giáo sư Y Khoa về bệnh Lão.

Bs. Liêm bàn luận và cắt nghĩa cho chúng ta liên hệ trực tiếp uống cà phê và sống lâu theo như tài liệu Y Khoa đăng trên tờ bao The New York Times.

Bài viết này rất quan quan trọng cho các người trên 50 tuổi.

Bài này không bàn về ảnh hưởng của Trà với tuổi Thọ

Ảnh hưởng tốt đẹp này không tuỳ thuộc chất caffeine cho ta hiểu là cà phê có nhiều chất khác (mà ta chưa biết) rất tốt cho sống lâu

Liêm ơi, bài viết rất hay, cám ơn Liêm rất nhiều.

Nguyen Thuong Vu

CAFFEINE CHỈ LÀ CHẤT KÍCH THÍCH 

TÁCH CÀ PHÊ MỚI LÀ THUỐC TRƯỜNG SINH

Nếu bạn ở tuổi trên trung niên,khoảng trên dưới 50 tuổi và biết có một viên thuốc mà bạn có thể dùng mỗi ngày không phải để trị bệnh gì cả, nhưng sẽ làm giảm nguy cơ tử vong đến 30% trong bảy năm tới so với những người không uống viên thuốc “trường sinh“ đó, tôi nghĩ bạn sẽ uống viên thuốc ấy ngay.

Bản tin từ báo New York Times về một khảo cứu công bố trên báo Y học Annals of Internal Medicine cho thấy uống từ 1.5 đến 3 tách cà phê mỗi ngày là viên thuốc trường sinh nói trên. Bất kể là bạn uống cà phê có 1 muỗng đường hay cà phê đen và kể cả cà phê decaf (gần như không có caffeine, là loại cà phê được loại bỏ ít nhất 97% caffeine),bạn đều giảm được tử vong so với người cùng tuổi không uống cà phê.

www.nytimes.com/2022/06/01/well/eat/coffee-study-lower-dying-risk.html

Trong Y học hiện nay, chưa có một thuốc nào không dùng để chữa bệnh mà có thể giúp người tiêu thụ sống lâu hơn như vậy. Do đó, chúng ta có thể gọi cà phê là một thuốc “trường sinh” vì cà phê không phải là một chất dinh dưỡng.

Theo lịch sử thì cà phê có nguồn từ Trung Đông khoảng Thế Kỷ thứ 15, được đưa vào Âu Châu thời Đế Quốc Ottoman và trở thành phổ thông vì có vị đậm đà với mùi thơm dể chịu và giúp hưng phấn làm tỉnh táo tinh thần người tiêu thụ. Người Pháp mang cà phê vào Việt Nam thời thuộc địa. Họ còn khởi xướng việc trồng cây cà phê ở Ban Mê Thuột vẫn còn tồn tại đến hôm nay.

Caffeine là một hóa chất trích ra từ cà phê và có đặc tính kích thích não bộ khiến thần trí tỉnh táo và bớt buồn ngủ. Caffeine cũng khiến áp huyết tăng tạm thời làm tăng lượng máu lọc qua thận nên gây lợi tiểu. Nhịp tim cũng tăng nhanh tạm thời trong lúc ấy. Caffeine được bỏ vào các thức uống, hay chewing gum (kẹo cao su, kẹo nhai) để giúp hưng phấn và tỉnh ngủ. Người có chứng nhịp tim nhanh rối loạn nên tránh dùng caffeine. Caffeine không có màu, không có mùi, vị đắng và không có bằng chứng để tin rằng caffeine làm tăng tuổi thọ.

Những hóa chất khác, đa số là chất kháng oxy trong tách cà phê, kể cả cà phê decaf, với màu nâu sậm, hương thơm ngào ngạt giúp giảm tử vong nên tăng tuổi thọ như đã nói ở trên mà cơ chế vẫn chưa được biết rõ.

Mỗi tách hay ly cà phê có khoảng 180-200 mg caffeine. Cà phê decaf chỉ có khoảng 5-10 mg trong mỗi tách. Muốn khỏi mất ngủ thì chỉ nên uống cà phê decaf sau 2 giờ chiều. Tách cà phê buổi sáng và buổi trưa giúp hưng phấn tỉnh táo và cũng là thuốc trường sinh kể cả tách cà phê decaf vào buổi chiều tối. Nếu bị chứng nhịp tim rối loạn nhanh thì chỉ uống decaf mà thôi thì cũng tốt vậy. Xin nâng tách cà phê và chúc sức khỏe thật dồi dào.

Bs. Phạm Hiếu Liêm