Chúa ở trên thuyền

 No photo description available.

Chúa ở trên thuyền

“Đời là bể khổ” – Tôi rất thường trích dẫn câu này của Đức Phật, bởi vì tôi thấy nó đúng. Liệu rằng tôi có tiêu cực quá chăng? Nhưng chẳng phải là ai trong chúng ta cũng đều có cảm nghiệm rằng những niềm vui trong đời thì ít, lại còn chóng qua; còn sầu đau thì vô số mà lại kéo dài dường như bất tận hay sao? Điều này có lẽ đến từ kinh nghiệm chủ quan khi tâm trí con người thường chú tâm và khái quát hoá vào những tiêu cực hơn là những tích cực.

Tuy vậy, đau khổ là có thật. Tôi khẳng định điều đó. Những đau khổ trên bình diện cá nhân như: mất mát, bệnh tật, nghèo khổ, bất hoà, thất tình, thất nghiệp, tai nạn, cái chết… Và những đau khổ trên bình diện nhân loại như: thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, đói nghèo, bất công… Rõ ràng tất cả vẫn đang tiếp tục diễn ra trên đời này. Và trong thời kỳ lan tràn của dịch bệnh chết người, chúng ta càng dành nhiều thời gian hơn để suy ngẫm về cái gọi là đau khổ.

Ai tránh được đau khổ? Chẳng một ai! Đau khổ dường như là số mệnh của con người rồi. Ngay từ khi Adam và Eva đưa tay hái Trái Cấm, con người đã tự định đoạt cho mình đau khổ và cái chết. Ngay cả chính Chúa Giêsu, trong thân phận làm người, Ngài cũng không tránh khỏi việc “uống chén đắng”.

“Đời là bể khổ”. Từ “bể” ở đây không phải là bể nước nhỏ, mà nó có nghĩa là biển. Người Công giáo hay ví cuộc đời giống như một cuộc lữ hành trần thế để về với quê Trời (Thiên Đàng). Nếu là như vậy, thì ta hoàn toàn có thể tưởng tượng rằng mình đang “lữ hành” trên một chiếc thuyền giữa biển đời bao la – “biển khổ”. Biển thì cũng có lúc dịu dàng, yên ả; nhưng khi giông bão nổi lên, biển dường như muốn nuốt chửng ta trong muôn vàn những con sóng dữ. Để làm rõ hình ảnh này, chúng ta cùng đến với một sự kiện mang tính biểu tượng rất cao trong Tân Ước: Một chuyến đi của Chúa Giêsu và các môn đệ.

Ngày hôm đó, Chúa Giêsu cùng các môn đệ xuống thuyền để vượt Biển Hồ. Trên đường, Chúa gối đầu ở đàng lái và ngủ thiếp đi. Một trận cuồng phong bất ngờ ập xuống, nước tràn vào thuyền, mọi thứ chao đảo và toàn bộ những người trên thuyền rơi vào cảnh lâm nguy tính mạng. Tuy vậy, Chúa vẫn ngủ, và dường như là ngủ rất ngon. Thật lạ! Khó có thể tưởng tượng ra người nào đó lại ngủ được giữa trời giông bão. Các môn đệ hoảng sợ cực độ và gọi Chúa dậy: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Ngài tỉnh giấc, ngăm đe gió và truyền cho biển phải lặng. Ngay lập tức, mọi sự yên ổn trở lại và Chúa bảo các môn đệ: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (x Mc 4, 35 – 41).

Rõ ràng Chúa Giêsu muốn tận dụng tình huống này để dạy các môn đệ nhiều điều. Tuy nhiên, tạm gác lại những suy tư quá sâu về Thần học vượt sức chúng ta, tôi chỉ muốn các bạn để ý một điều: Chúa ở trên thuyền.

Cũng như các môn đệ chèo chống trong cơn giông bão, chúng ta đang đi qua biển đời mình với đầy những điều không như ý và đau khổ. Và cũng lại thật giống các môn đệ khi nhiều người trong chúng ta, vì quá thất vọng mà thốt lên: “Chúa ở đâu? Chúa bỏ mặc con sao?”; trong khi Chúa đang đồng hành với ta, ngay trên thuyền đời của ta.

Chúa ở trên thuyền – điều này có nghĩa là Ngài luôn bên cạnh và cùng chịu mọi rủi ro với các môn đệ. Thử tưởng tượng rằng giả như thuyền bị lật, thì chắc chắn Chúa cũng sẽ phải cùng các học trò của mình rơi xuống biển. Nhưng Ngài vẫn bình thản, vẫn ngon giấc giữa giông bão. Cũng vì lẽ đó, chúng ta lại được dịp oán trách khi nghĩ rằng Ngài dửng dưng hay vô tâm trước tình cảnh ngặt nghèo mà ta phải đối diện. Không phải như vậy! Khi ngăm đe gió và bắt biển phải lặng im, Chúa muốn ta hiểu rằng mọi việc vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát của Ngài và Ngài luôn làm chủ mọi sự. Còn khi Chúa hỏi: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”; Ngài muốn tìm nơi ta sự phó thác nơi Ngài, dù hoàn cảnh có ra sao. Chỉ là, trí khôn ta giới hạn và tinh thần ta nhát đảm; thật khó để ta hiểu thấu, chấp nhận và tin tưởng.

Có những giông bão sẽ bị Chúa đẩy lùi, như cách Chúa làm để bảo vệ con thuyền trong sự kiện kể trên. Nhưng cũng sẽ có những giông bão mà Chúa muốn ta đón nhận vì những ích lợi vĩnh cửu, như cách Chúa đã làm gương khi tự nguyện hiến mạng sống mình trên Đường Thập Giá. Thật khó để biết được rằng Chúa sẽ chọn cách thức nào cho đau khổ mà ta đang phải đối diện. Tuy nhiên, điểm chung của cả hai cách thức, đó là, Chúa đều muốn ta đặt cuộc đời trong tay Ngài và cộng tác vào kế hoạch của Ngài. Vậy ra bổn phận của ta là phải phó thác mọi sự cho Thánh Ý Chúa: Dù có ra sao, ta cũng vâng phục Ngài, như thái độ của ông Gióp khi thốt lên một cách đầy minh triết: “Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng Danh Đức Chúa!”

Chúa đã hứa rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Đừng bao giờ nghĩ là Chúa dửng dưng hay bỏ mặc ta bơ vơ giữa đau khổ. Ngài luôn bên cạnh ta mọi lúc. Ngài ở cùng người lính trên chiến trường; Ngài ngồi trên giường bệnh của người đau ốm; Ngài theo chân của những y bác sĩ, những người tình nguyện chống dịch bệnh; Ngài khóc cùng ta trong những mất mát…

Người Việt Nam hay dùng cụm từ “chung một thuyền” để chỉ những người sẵn sàng cùng nhau chia sẻ hoạn nạn. Chúa đang “chung một thuyền” với ta, điều này có ý nghĩa thật lớn lao.

Một ngày nào đó, khi thuyền đang lướt trên biển đời; nếu giông bão có nổi lên, gió biển có đe doạ, sấm chớp có gầm gừ hay sóng dữ có đòi nuốt chửng ta; thì mong các bạn đừng quên một điều: Chúa ở trên thuyền.

=Lỡ Hữu Trọng=

———-

Ảnh: Bức tranh “Cơn bão trên Biển hồ Galilee”, của họa sĩ nổi tiếng thế giới Rembrandt. Vẽ năm 1633.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay