Cha mẹ làm gì khi ‘tuổi teen’ gặp khủng hoảng thời đại dịch

Cha mẹ làm gì khi ‘tuổi teen’ gặp khủng hoảng thời đại dịch

May 25, 2021  

LOS ANGELES, California (NV) – Ở tuổi dậy thì, cơ thể có những thay đổi không chỉ về sinh lý mà còn cả tâm lý, khiến các em rơi vào tình trạng không làm chủ được bản thân và dễ mắc phải các hội chứng tiêu cực. Tệ hại hơn khi các em trải qua giai đoạn này trong thời đại dịch COVID-19.

Từ Tháng Ba, 2020, cô Tiffany Lee, 43 tuổi, bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Cô yêu cầu cậu con trai 15 tuổi của mình, Bowen Deal – ở nhà gọi là Bo – tập tránh xa đám đông, đeo khẩu trang. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng với cậu bé tuổi teen này.

Lứa tuổi thanh thiếu niên không muốn gần gũi cha mẹ. Nhưng ngặt một điều, khi đại dịch xảy ra, các em không còn lựa chọn nào khác là… ở nhà. (Hình minh họa: Talib Abdulla/Pixabay)

“Bo nói với tôi là mấy đứa bạn của nó, nào là tổ chức tiệc bể bơi, rồi chơi bowling, trong khi nó thì bị mẹ cấm đoán đủ điều,” cô Lee kể trên The New York Times. “Mới tí tuổi đầu mà nó gọi tôi là ‘bà mẹ độc ác,’ chia rẽ nó, không cho nó chơi với bạn bè.”

Gia đình cô Lee sống ở ngoại ô Savannah, Georgia, nơi có nhiều người không tuân theo các quy tắc trong thời dịch bệnh.

Xung đột giữa cô và con trai đã lên đến đỉnh điểm vào Tháng Giêng vừa rồi. Mới đây, cô Lee phải nghỉ mấy ngày để tránh những lời tục tĩu tuôn ra, khi cô yêu cầu khách hàng trong cửa hàng bán quần áo của mình phải mang khẩu trang. Trong khi đó, Bo một mực đòi đi học lại. Cô Lee nói, nỗi tức giận của cô đã ở tột đỉnh. Cô nói với con: “Mẹ không muốn tranh cãi với con nữa. Nếu đi học, nhiều khả năng con sẽ đem virus về cho cả nhà. Hiểu chưa!”

Thông thường, lứa tuổi thanh thiếu niên (tuổi teen) không muốn gần gũi cha mẹ. Nhưng ngặt một điều, khi đại dịch xảy ra, các em không còn lựa chọn nào khác là… ở nhà. Bị gò bó suốt ngày trong phòng ngủ, dán mắt vào màn hình tivi hoặc điện thoại mãi cũng chán, các em khao khát được nhào ra bên ngoài, gặp bạn bè, giao lưu với người này người nọ.

Tiến Sĩ Harold S. Koplewicz, giám đốc y tế Child Mind Institute ở thành phố New York, cho biết: “Nhóm phải chịu đựng nhiều nhất khi bị cô lập là những thanh thiếu niên tuổi từ 13 đến 24. Họ cảm thấy mất dần sự tự do, họ gặp khó khăn trong học tập. Nhiều thứ bị đình đốn, họ chẳng làm được gì.” Trong tình cảnh như vậy, thật khó cho các em, và cả phụ huynh.

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​của các bậc cha mẹ có con trong độ “tuổi teen” trên phạm vi toàn quốc, do bệnh viện C.S. Mott Children’s Hospital thực hiện hồi Tháng Ba, cho thấy các bậc cha mẹ đã và đang phải cố gắng duy trì sức khỏe tâm thần của con mình.

Khoảng một nửa trong số những người được khảo sát cho biết tinh thần của con họ đã thay đổi hoặc trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch. Một phần ba trong số người được hỏi cho biết họ phải tìm gặp và nói chuyện với giáo viên hoặc cố vấn học đường về con cái mình. Một phần ba khác tìm kiếm sự trợ giúp chính thức về sức khỏe tâm thần.

Trong bối cảnh nạn phân biệt chủng tộc và tội ác thù hận ngày càng gia tăng, bao gồm cả làn sóng bạo lực chống người Châu Á từ mùa Xuân, nhiều bậc cha mẹ da màu cố gắng giúp con cái của họ giải quyết khi có bất trắc xảy ra.

Cô Thea Monyeé, một nhà trị liệu da màu ở Los Angeles, người chứng kiến ​​ba cô con gái tuổi teen của mình tham gia vào các “cuộc chiến” trên mạng xã hội. “Vợ chồng tôi không muốn cảnh sát ‘dính’ vào chuyện này,” cô Monyeé nói. “Mấy đứa nhỏ hết sức giận dữ, sau đó thì buồn tủi, thậm chí bị tổn thương. Chúng tôi lại phải ngồi xuống nói chuyện với các con.”

Có con bình thường bị phân biệt đối xử đã khổ, đằng này, cô Ragin Johnson còn kinh khủng hơn khi cậu con trai 17 tuổi của mình, một thanh niên da đen cao lớn, mắc chứng tự kỷ. “Nó là một đứa rất thân thiện,” cô Johnson, 43 tuổi, giáo viên lớp 5 ở Columbia, South Carolina, nói. “Tôi không muốn ai đó có ấn tượng xấu khi gặp con tôi, khi thấy nó trở nên hung dữ.”

Cô giáo Johnson rất lo lắng cho con. Không cho con đi đâu một mình, nhưng cô thừa nhận rằng không phải lúc nào cũng có thể đi tò tò theo để bảo vệ cho con được. Như cô Johnson và các bậc phụ huynh đã trải qua hơn một năm đại dịch, rằng sẽ không có giải pháp hoàn hảo nào cho tất cả các thách thức. Ngay cả câu hỏi đơn giản như “khi nào chuyện này kết thúc?” đã có câu trả lời đâu! Nhưng các chuyên gia cho rằng có nhiều cách để làm cho khoảng thời gian căng thẳng này trở nên dễ kiểm soát hơn.

Nếu mọi cuộc trò chuyện kết thúc bằng một cuộc chiến – hoặc nếu đứa trẻ ủ rũ, thậm chí không thèm nói chuyện với bạn nữa, hãy thử một chiến thuật khác. Ví dụ, hãy rủ và đưa con đi chơi đâu đó. Nhưng đừng giảng giải đạo đức cho con lúc này, mà hãy để con nói. “Bạn cố gắng lắng nghe, và chăm chỉ lắng nghe,” Tiến Sĩ Koplewicz nói. Nếu con bạn bị suy sụp về tinh thần hoặc gặp vấn đề về cảm xúc, hãy tìm sự giúp đỡ từ người khác, để giúp con vượt qua.

Cậu bé là một trong số rất ít học sinh đeo khẩu trang đi học. (Hình minh họa: Kelly Sikkema/Unsplash)

Ông Patrick Possel, giám đốc chương trình Cardinal Success, nơi cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm thần miễn phí cho những người không có bảo hiểm ở Louisville, cho biết: “Khi một thiếu niên trong nhà bắt đầu gặp khó khăn, cha mẹ các em chắc cũng không còn đủ sức để giải quyết.” Nhưng ông Possel nói đừng thất vọng, buông tay, mà hãy tìm hiểu ở đâu đó, chắc chắn sẽ có một mạng lưới, một người bạn, một chuyên gia, hoặc ai đó giúp bạn.

Cô Liz Lindholm, ở Federal Way, ngoại ô Seattle của tiểu bang Washington, người vừa phải giám sát việc học từ xa của hai cô con gái sinh đôi 12 tuổi, cậu con trai 18 tuổi tại nhà, vừa làm việc trong bộ phận quản lý chăm sóc sức khỏe, nói: “Điều thách thức nhất với tôi trong năm nay là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.”

Cô Lindholm, bà mẹ đơn thân 41 tuổi, không có nhiều thời gian để chăm sóc bản thân mình. Cuộc sống quá căng thẳng, lâu thật lâu cô mới có được ít giây để tự rót cho mình một ly nước ngọt. Nhưng hiện tại, các chuyên gia nói rằng cô ấy không đơn độc.

Với Lee, cô đã tìm được một nhà trị liệu trực tuyến tại BetterHelp.com, người giúp cô và Bo vượt qua thời điểm khó khăn này. Bo thay đổi hẳn trước sự ngạc nhiên vui sướng của người mẹ. Cậu bé là một trong số rất ít học sinh đeo khẩu trang đi học.

Một ngày nọ, trên đường về nhà, Bo nói với cô: “Mẹ, vaccine ngừa dịch bệnh cần thiết là thế, vậy mà mấy đứa bạn con, có đứa chẳng hiểu gì cả.” Cô Lee mừng muốn khóc. “Mối quan hệ của mẹ con tôi bây giờ tốt đẹp hơn rất nhiều,” cô Lee nói. “Tôi tin tưởng con và cho con được một vài quyền quyết định. Dưới mắt con, bây giờ tôi không phải là người mẹ độc ác nữa.” (Đ.Trang) [qd]

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay