Biden 100 ngày: Điều mà tất cả chúng ta nghĩ sai về Biden

Biden 100 ngày: Điều mà tất cả chúng ta nghĩ sai về Biden

Jon Sopel

North America editor

Đối với đội ngũ báo chí của Nhà Trắng, những người đã gắn bó suốt 4 năm với chương trình truyền hình mà Trump thủ vai chính, ba tháng qua là một thử thách.

Như tôi đã nhận xét, có lẽ không khôn ngoan, đối với khán giả quá trình chuyển đổi từ Trump sang Joe Biden giống như đang hút tẩu hàng ngày, chuyển sang uống một chai bia nhỏ nồng độ cồn thấp, mỗi tuần một lần.

Các cuộc họp giao ban hàng ngày của Nhà Trắng giờ đây vô cùng tẻ nhạt. Không có đánh nhau, không thóa mạ nhau.

Không có cơn bão Twitter lúc nửa đêm, không có tin về việc trả tiền cho các ngôi sao khiêu dâm, không có các cuộc biểu tình Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại (Make American Great Again).

Vì vậy, tất cả những điều này có nghĩa đây là một nhiệm kỳ tổng thống nhàm chán? Tuyệt đối không. Đây là một nhiệm kỳ tổng thống thú vị hơn rất nhiều – cho đến nay – hơn tôi nghĩ bất kỳ ai trong chúng ta đã tưởng tượng. Tôi muốn nói rằng nó rất rất hấp dẫn.

Điều đáng buồn, từ một quan điểm hoàn toàn ích kỷ, đây không phải là một chương trình trình diễn dành cho TV – thứ mà tôi đã xem trong suốt bốn năm qua.

Donald Trump luôn yêu chuộng hình ảnh và sự thái quá. Ông biết cách biến mình trở thành trung tâm của sự chú ý; Biden dường như lại thích thú với việc thiếu những màn kịch, và dường như ông nghĩ rằng điều quan trọng là mọi người tập trung vào những điều ông làm được, hơn là những gì ông nói. Thật lạ lùng.

Chúng tôi đã đưa ra nhận định rằng Joe Biden – với 78 tuổi đời – sẽ là một tổng thống chuyển tiếp. Ông nhậm chức chỉ để hạ độ nóng chính trị; tìm cách hàn gắn một quốc gia bị chia rẽ.

Loại bỏ việc chính trị hóa vô lý ra khỏi các cách phản ứng với dịch Covid. Cải thiện việc triển khai vaccine. Giải độc cho chính trị. Nhưng chỉ những điều này, không mang lại gì nhiều.

Ông đã bổ nhiệm một nội các chủ yếu là kỹ trị, có lẽ để thực hiện các chức năng quản lý. Có thể làm cho các con tàu chạy đúng giờ hơn một chút, nhưng không thể thay đổi toàn bộ đầu máy, chứ chưa nói đến việc thay năng lực vận hành của cả tuyến đường sắt.

Một tham vọng phù hợp cho Amtrak Joe.

Nhưng có lẽ tất cả chúng ta đã sai. Có thể nào còn hơn cả chuyển tiếp, ông Biden là một người mang lại sự ‘chuyển đổi’?

Và từ ‘chuyển đổi’ không mang hàm ý tích cực hay tiêu cực – nó chỉ đơn thuần là một tuyên bố dựa trên tham vọng về những gì chúng ta đã thấy cho đến nay. Những người bỏ phiếu sẽ sớm quyết định xem những chuyển đổi này tốt hơn hay tệ hại.

iểm nhấn của việc thông qua đạo luật khổng lồ này là gần như tất cả người Mỹ trưởng thành sẽ nhận được tấm séc trị giá 1.400 đôla để giúp họ đối phó với những khó khăn do đại dịch mang lại. Tấm séc này là tiền tiêu cần thiết cho rất nhiều người Mỹ và giành được sự tán thành lớn – từ các cử tri Đảng Dân chủ và Cộng hòa – mặc dù không một nhà lập pháp Đảng Cộng hòa nào ủng hộ đề xuất này.

Nhưng hãy nhìn xa hơn tựa những bài báo và nhìn vào bên trong chính sách này một chút. Có rất nhiều thứ cho ta thấy. Có lẽ quan trọng nhất là việc gia hạn các khoản tín dụng thuế trẻ em. Các gia đình nghèo có thể sớm nhận được tới 3.000 đôla mỗi trẻ em hàng năm. Người ta ước tính rằng biện pháp này sẽ giúp hàng triệu thanh niên thoát nghèo theo đúng nghĩa đen. Hiện giờ, biện pháp này chỉ áp dụng cho năm 2021 – nhưng trong nội bộ Nhà Trắng, rõ ràng Joe Biden muốn chính sách này trở nên vĩnh viễn.

Nó là một phần chính của chính sách xã hội. Nó là một điểm quan trọng.

Với việc thông qua gói kích thích kinh tế – hay còn gọi là Gói giải cứu Mỹ – Biden muốn sửa chữa điều gì đó mà ông cảm thấy Barack Obama đã hiểu sai khi lên nắm quyền và thừa hưởng hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Đúng, Obama đã thông qua nhiều biện pháp khác nhau – nhưng suy xét lại, những biện pháp này bị coi là quá thận trọng; không đủ tham vọng.

Kinh nghiệm sâu sắc mà Biden có được từ thời làm phó tổng thống cho vị tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Mỹ, là đừng để một cuộc khủng hoảng trở nên lãng phí. Sự cấp bách của đại dịch đã tạo cho Biden cái cớ mà ông cần để thúc đẩy một kế hoạch lớn. Và ông ấy đã thực hiện được kế hoạch đó.

Bây giờ hãy xem những dự định xây dựng lại cơ sở hạ tầng của Biden. Một lần nữa, chi phí sẽ là hàng nghìn tỷ. Một lần nữa, tham vọng sẽ rất lớn – đây không chỉ thuần túy là việc sửa chữa cầu và đường (dù đó là điều quan trọng và sống còn); đó là việc làm cho truy cập kỹ thuật số trở nên công bằng hơn. Nhưng tham vọng này còn rộng lớn hơn thế nữa. Lớn hơn nhiều.

“Nó không phải là một kế hoạch mày mò sửa chữa thử nghiệm,” tổng thống nói với người ủng hộ bên ngoài Pittsburgh. “Đó là khoản đầu tư vào nước Mỹ mỗi thế hệ chỉ có một lần.”

Với những người theo Đảng Cộng hòa, đó là kiểu quá tay điển hình của chính phủ và nó nhắm vào việc thay đổi cấu trúc xã hội hơn là động thái chữa dân sự thông thường như sửa đường sửa cống.

Những điều mong ước mà Biden hy vọng đạt được từ kế hoạch cơ sở hạ tầng này dài lê thê. Danh sách này thể hiện mong muốn tạo ra hàng triệu công ăn việc làm trong ngắn hạn và tăng năng lực cạnh tranh của Mỹ trong dài hạn. Nó hướng tới việc đạt thêm được bình đẳng chủng tộc. Việc tập trung vào các nguồn năng lượng mới, sạch hơn, hứa hẹn sẽ giúp quốc gia chống lại biến đổi khí hậu.

Về chủ đề này, hãy nhìn lại cả những mục tiêu đầy tham vọng liên quan đến biến đổi khí hậu mà ông đã đặt ra trong hội nghị thượng đỉnh qua mạng được tổ chức vào tuần trước ở Washington. Đây không phải là hành động của một tổng thống không muốn tạo sóng gió. Việc cắt giảm 52% lượng khí thải vào cuối thập kỷ là UYỆN LỚN.

Ai biết liệu ông ta có đạt được điều đó hay không – nó sẽ đòi hỏi người Mỹ thay đổi cách lái xe; cách sưởi ấm và làm mát ngôi nhà họ. Cách thức mà nền công nghiệp vận hành. Nhưng nếu tham vọng này nhằm tới sự phô trương tham vọng của Mỹ, thì quả thực là rất tham vọng.

Đương nhiên, rõ ràng là có yếu tố đáp ứng nhu cầu căn bản người dân nào cũng thích trong danh sách những cải tổ này. Và đề xuất này cần phải thông qua Quốc hội, và điều đó chưa xảy ra.

Và trong khi tôi đang nói dài dòng, hãy để tôi bổ sung thêm điều này…. và có điều gì đó hơi nực cười về trọng tâm của 100 ngày đầu tiên.

100 ngày đầu tiên thường là một tuyên bố về ý định, một khoản đặt cọc làm tin trước cho những gì bạn có thể làm với phần còn lại của nhiệm kỳ. Nhưng thiệt tình mà nói, ai thèm quan tâm nếu bạn có 100 ngày đầu tiên lấp lánh trong khi 1.360 ngày tiếp theo bốc mùi và chìm nghỉm?

Tất cả đều cho thấy, chương trình nghị sự đầy tham vọng, và đây là điều khiến Joe Biden già nua nhàm chán trở nên thú vị.

Đây là một chuyên mục blog chứ không phải một cuốn sách, nhưng ý tưởng chủ đạo trong chính trị Mỹ suốt 40 năm qua được cho là đánh thuế thấp, giảm bớt quy định về kinh tế, cân đối ngân sách, khuyến khích cạnh tranh, hạn chế công đoàn theo đường lối chính phủ nhỏ của Ronald Reagan.

Điều này cũng đúng với sức ảnh hưởng của chủ nghĩa Thatcher ở Anh – vâng, đã có 13 năm chính phủ đảng Lao động nắm quyền kể từ khi Maggie về vườn, cũng như ở đây đã có các nhiệm kỳ của Clinton và Obama kể từ thời Reagan. Nhưng có thể cho rằng chúng hoạt động trong khuôn khổ, và được xác định bởi, tính chính thống của các kinh tế gia theo chủ nghĩa tiền tệ, những người thống trị tri thức ở cả hai bờ Đại Tây Dương: Milton Friedman, trường phái Chicago, đường cong Laffer, Huân tước Alan Walters.

Reagan and Thatcher

Nếu gói giải cứu của Obama không đi xa được (như nhận định của Biden), thì rõ ràng là do Obama quan tâm tới sức mạnh gây đỗ vỡ và ngày càng trỗi dậy của phong trào bảo thủ mang tên Đảng Trà. Cả Clinton và Blair đều thấy con đường đưa tới thắng lợi của họ thông qua “cách thứ ba” mơ hồ: chủ nghĩa tự do kinh tế cấp tiến với nhiều quan tâm đến giới ít khá giả nhất.

Sau những thất bại gây mất tinh thần vào thập niên 1980 – với cả Đảng Lao động ở Anh và Đảng Dân chủ ở Mỹ – người ta càng đau đầu về những gì cần làm để đạt được thắng lợi. Cả Bill Clinton và Tony Blair đều tin chắc rằng việc tăng thuế và các cam kết về chính phủ lớn sẽ không đảo ngược xu hướng đó.

Nhưng Biden – dù tốt hơn hay tệ hơn – có vẻ đang dùng đại dịch và tình trạng tồi tệ của cơ sở hạ tầng nước Mỹ để sỗ sàng nói với dân Mỹ rằng “vâng, chính phủ lớn đã trở lại”. Đó là lãnh địa mà các đối thủ từ Đảng Cộng hòa – vẫn đang cố gắng xác định danh tính của mình thời hậu Trump – sẽ luôn sẵn sàng chống trả.

Cựu chuyên gia thăm dò dư luận của Joe Biden thậm chí còn quyết liệt hơn khi cho rằng tổng thống nên thẳng thắn hơn về sự cần thiết phải tăng thuế với những người giàu có nhất để chi trả cho tham vọng này.

Xin đừng nhầm lẫn: đây là một cú đột phá lớn và là một canh bạc lớn. Cho đến nay, tỉ lệ ủng hộ Biden xét trên các mặt trận mà ông chọn để chiến đấu – đối phó đại dịch corona, kích thích kinh tế, các kế hoạch về hạ tầng – đang thực sự khả quan.

Với những hỗn loạn ở biên giới miền nam thì không được như vậy; điều mà bây giờ tổng thống thừa nhận là một cuộc khủng hoảng. Và vấn đề kinh niên về kiểm soát súng đang dẫn đến rất nhiều tranh cãi, nhưng thật khó để đoán được những gì ông sẽ có thể đạt được thông qua lập pháp, xét trên cán cân đang ngang ngửa tại Thượng viện.

Joe Biden luôn bám chặt vào các quy tắc giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, đánh dấu một sự khác biệt lớn so với tình trạng bừa bãi và siêu lây lan ở Nhà Trắng của người tiền nhiệm. Các cuộc họp của tổng thống đều theo tinh thần giãn cách xã hội; các quy định được tuân thủ nghiêm ngặt.

Nhưng giờ này tháng trước, một buổi họp thú vị đã diễn ra ở Phòng Đông.

Jon Meacham, sử gia chuyên nghiên cứu về tổng thống, đã mời một số đồng nghiệp nổi tiếng đến tham gia cuộc đối thoại mà Joe Biden rất nóng lòng tổ chức. Ngay trong giai đoạn này, mới chỉ khoảng 60 ngày sau khi nhậm chức, mà Biden đã suy nghĩ về di sản của mình và những gì ông cần phải làm; giới hạn về thẩm quyền của tổng thống là gì; những bài học mà ông có thể học được từ những người đi trước.

Một lần, ông ta đã quay sang Doris Kearns Goodwin, người có lẽ được tôn kính nhất trong số các học giả nghiên cứu về tổng thống, và nói “Tôi không phải FD, nhưng…”

Có lẽ Joe Biden đang coi đây là thời điểm để đưa ra Chính sách Kinh tế mới kiểu như Franklin Delano Roosevelt đã thực hiện sau Đại Suy thoái, hoặc cuộc chiến chống đói nghèo và chống bất bình đẳng chủng tộc được Lyndon B Johnson thúc đẩy vào thập niên 1960.

Điều mà Donald Trump chế nhạo trong chiến dịch tranh cử là Biden có thể đã tham gia chính trị hơn bốn thập niên, nhưng nào đã có được thành tựu nào để mà tự hào.

Có vẻ như khi lên nắm quyền, Biden đang tìm cách đưa ra câu trả lời hùng hồn và rõ ràng cho câu hỏi đó – ngay cả khi nó không là một màn biểu diễn đầy kịch tích.

– Joe Biden trên đường trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ

– Cầu đường ở Mỹ đang trong tình trạng thiếu thốn

– Biden gợi lại ký ức về FDR

https://www.bbc.com/news/world-us-canada-56903805

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay