Mỹ : Tệ kỳ thị cộng đồng người gốc Á lây lan cùng Covid-19 (RFI)

Mỹ : Tệ kỳ thị cộng đồng người gốc Á lây lan cùng Covid-19 (RFI)

Đăng ngày: 15/03/2021

Douglas Kim (giữa), người Mỹ gốc Triều Tiên, chủ một quán ăn tại New York. Cửa hàng của anh đã bị phá hôm 13/02/2021 trong trào lưu kỳ thị cộng đồng châu Á ở Mỹ.

Douglas Kim (giữa), người Mỹ gốc Triều Tiên, chủ một quán ăn tại New York. Cửa hàng của anh đã bị phá hôm 13/02/2021 trong trào lưu kỳ thị cộng đồng châu Á ở Mỹ. AP – Bebeto Matthews

Anh Vũ

Cộng đồng người Mỹ gốc Á đang rất lo sợ vì từ nhiều tháng qua trở thành mục tiêu của những vụ tấn công kỳ thị bằng cả lời nói cũng như hành động bạo lực cứ như họ là nguồn làm lây lan Covid-19.

 Một ông già bị đẩy ngã ở San Francisco, một bà mẹ bị xô đẩy thô bạo ở New York, một phụ nữ khác bị tấn công ở Oakland (California)…Những sự việc như vậy thời gian gần đây xảy ra liên tục ở Hoa Kỳ và không còn là những chuyện vặt thường ngày. Danh tính các nạn nhân đều là những người gốc Á sống ở Mỹ khiến người ta không thể thờ ơ với những vụ việc xảy ra.

Theo nhiều người có trách nhiệm của các hiệp hội cộng đồng, hiện tượng này có liên hệ với đại dịch Covid-19 vẫn được cho là xuất xứ từ Trung Quốc. Ngay từ tháng 03/2020, khi đại dịch Covid-19 tràn vào Mỹ, tâm lý thù hằn với người châu Á đã xuất hiện ở nước này và  một hiệp hội có tên gọi  Stop AAPI Hate, đấu tranh chống bài xích người gốc Á Mỹ đã ra đời. Hiện trên khắp Hoa Kỳ, có khoảng 21 triệu người gốc Á châu sinh sống (chiếm 5,5% dân số Mỹ). Họ đến từ khoảng hai chục nước.

Không hẳn tất cả các vụ tấn công vào người gốc Á ở Mỹ đều mang động cơ kỳ thị chủng tộc. Nhưng rõ ràng là cộng đồng người Á cảm thấy không khí hận thù với họ ngày càng gia tăng cùng với đà lây lan của Covid-19. Trước thực tế đó, cộng đồng người Mỹ gốc Á nhận thấy bằng cách này hay cách khác phải hành động để tự bảo vệ.

Hãng tin Pháp AFP trong một phóng sự đã  nêu ra trường hợp điển hình của một phụ nữ trẻ người Mỹ gốc Triều Tiên, cô Esther Lim, sống tại California. Cô không chỉ lo sợ cho sự an toàn của chính mình mà còn cả của cha mẹ cô, từ khi những vụ tấn công nhằm vào người gốc Á đang có xu hướng lây lan ở nhiều thành phố lớn của Mỹ.

Sau khi một trong số người bạn cô bị một kẻ đâm xe vào người mà theo cô là vì lý do kỳ thị chủng tộc, người phụ nữ ba chục tuổi này quyết định phải hành động. Cô đi mua bình xịt hơi cay cho mẹ, đi học judo với sự giúp đỡ của bố và soạn các chỉ dẫn thông tin có tên gọi : « Làm sao để tố cáo tội phạm mang tính thù hận ». Esther Lim giải thích với AFP : « Tôi muốn làm việc gì đó có hiệu quả hơn là để mặc cho mình bị cuốn chìm trong nỗi sợ ».

Một cuốn sách nhỏ được in đầu năm nay, có thể gọi là cẩm nang bằng sáu ngôn ngữ, Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên, Tây Ban Nha, Thái và tiếng Việt, đưa ra những lời khuyên, cách thức tốt nhất để phối hợp hành động với cảnh sát và những câu bằng tiếng Anh để hô hoán với người qua đường nhờ giúp đỡ khi bị tấn công.

Cô đi phân phát cho bạn bè và cả trong các hiệp hội cộng đồng châu Á ở Los Angeles (California) cuốn cẩm nang hành động.

Những vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á được thống kê chủ yếu là người cao tuổi, tăng đột biết trong những tháng qua. Theo nhiều nhà hoạt động, những vụ việc đó dấy lên bởi cựu tổng thống Donald Trump thường xuyên có các phát ngôn gọi virus corona là « virus Trung Quốc ».

Những hành vi đi từ việc cướp phá các cửa hiệu của người gốc châu Á cho đến việc đập phá nhà cửa, xe cộ và tấn công thô bạo nhằm vào các cá nhân trên đường phố, đôi khi dẫn đến tử vong.

Trong một diễn văn với giọng nghiêm trọng, nhân đúng 1 năm sau khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới thông báo Covid-19 là đại dịch, tổng thống Joe Biden hôm 11/03 đã lên án các vụ bạo lực không thể chấp nhận được nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á. Ông mô tả những người gốc Á « đã bị tấn công, sách nhiễu, phỉ báng và bị coi như cây bung xung » để trút nỗi tức giận về dịch bệnh.

Những mục tiêu chính bị tấn công là những người Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, Lào và Trung Quốc. Mặc dù khó có thể xác định được động cơ phân biệt chủng tộc trong một vụ tấn công, những hành vi phạm tội mang tinh thù hận nhằm vào người châu Á đã tăng gần gấp 3 lần, từ 49 vụ lên 122 vụ trong năm qua tại 16 thành phố lớn của Mỹ, theo một nghiên cứu của Center for the Study of Hate and Extremism, tổ chức đóng trụ sở  tại San Bernadino (California).

Tự bảo vệ cộng đồng

Ngay sau khi lên nắm quyền, tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh lên án hành vi kỳ thị chủng tộc đối với cộng đồng những người Mỹ gốc Á châu và các đảo trong Thái Bình Dương (AAPI).

Một số bang như California hay New York, cũng đã hưởng ứng với tổng thống, chi thêm ngân sách cho đấu tranh chống tệ phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Á cùng với việc đưa ra thảo luận các dự luật liên quan.

Nhưng « tôi không nghĩ việc này sẽ diễn ra nhanh chóng », cô Esther Lim bày tỏ. Cũng giống như cô, những người Mỹ gốc Á khác đã quyết định phải tự nắm lấy vận mệnh của mình bằng các chiến dịch tuyên truyền trên mạng, gây quỹ và thành lập các nhóm hỗ trợ nhau.

Jimmy Bounphensy đã tập hợp được những người tình nguyện để đưa những người gốc Á cao tuổi về nhà họ và đi tuần trong khu Chinatow ở Oakland, California, sau những đợt tấn công và trộm cướp rộ lên vừa rồi. « Nếu có thể cứu được một người, tôi rất vui », anh thổ lộ với AFP. « Sự hiện diện của chúng tôi là để cho mọi người thấy chúng tôi thực sự muốn bảo vệ cộng đồng bằng mọi giá, để bảo đảm mọi người được trở về nhà an toàn », anh cho biết thêm.

Hơn 2800 hành vi phân biệt kỳ thị chủng tộc ở khắp Hoa Kỳ trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 12, nhằm vào người Mỹ gốc Á theo ghi nhận của hiệp hội Stop AAPI Hate. Tại một số thành phố, trong khi các trường học đang dần mở cửa trở lại sau nhiều tháng phải dạy học từ xa, các cơ quan giáo dục Mỹ ghi nhận rất đông các gia đình người gốc Á ngần ngại không muốn ghi tên cho con mình đến trường trở lại. Họ đưa ra các lý do như sợ con mình bị nhiễm bệnh ở trường rồi về làm lây sang gia đình, nhưng nhiều người không giấu lý do sợ con cái bị lăng mạ kỳ thị vào lúc dịch Covid-19 vẫn còn đó.

Nhật báo Washington Post cho biết, tại New York, con em của cộng đồng những người gốc châu Á chỉ chiếm 12% học sinh đến lớp học vào lúc này, trong khi mà 18% học sinh của cả bang là người gốc Á.

Ngoài những phát ngôn chống người châu Á liên quan đến đại dịch việc gia tăng các vụ tấn công mang tính kỳ thị chủng tộc đã làm gợi nhắc lại vấn đề hận thù cộng đồng châu Á có gốc rễ ăn sâu trong lịch sử của nước Mỹ.

Trong quá khứ đã không thiếu những ví dụ như vậy. Đó là các vụ truy sát hàng loạt các công nhân Trung Quốc cuối thế kỷ 19, rồi đến luật loại trừ những người Trung Quốc được thông qua năm 1882, đây là bộ luật di trú duy nhất của Mỹ để loại trừ toàn bộ một nhóm sắc dân hay như sắc lệnh chỉ định cư trú đối với người Mỹ gốc Nhật trong Đệ nhị Thế chiến…

Thời gian trôi qua, người gốc Á sống ở Mỹ vẫn được đánh giá là hình mẫu của một cộng đồng thuần nhất, hội nhập tốt trong xã hội Mỹ đa sắc tộc. Nhưng giờ đây họ lại thành mục tiêu của tệ kỳ thị chủng tộc chỉ vì trận đại dịch mà chính họ cũng là nạn nhân như các cộng đồng sắc dân khác ở Mỹ.

(Theo AFP và le Monde)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay