NỘI TÌNH ĐẢNG CỘNG HÒA NƯỚC MỸ HẬU TRUMP?

NỘI TÌNH ĐẢNG CỘNG HÒA NƯỚC MỸ HẬU TRUMP?

***

Áp lực bủa vây lãnh đạo đảng Cộng hòa và cuộc ‘Nội chiến’ nhấn chìm đảng Cộng hòa thời hậu Trump…

Giữa lúc phe Cộng hòa mất quyền kiểm soát Thượng viện, Mitch McConnell vừa phải đấu tranh vì đảng phái, vừa chịu áp lực xử lý vụ luận tội Trump.

Nhắc tới Mitch McConnell, người dẫn dắt đảng Cộng hòa tại Thượng viện hơn 10 năm qua, phe Dân chủ thường nhớ đến tuyên bố biến Barack Obama thành “tổng thống một nhiệm kỳ” của ông, như một minh chứng cho nỗ lực đối đầu đáng gờm. Trong khi đó, phe Cộng hòa chỉ ra rằng McConnell đã đưa hơn 230 thẩm phán bảo thủ vào hệ thống tư pháp liên bang, cho thấy tầm ảnh hưởng quan trọng của ông.

Tuy nhiên, “bộ não chiến lược” của đảng Cộng hòa giờ đây phải đối mặt với tình huống đặc biệt khó khăn mà ông chưa từng gặp trong sự nghiệp chính trị. Sau lễ tuyên thệ nhậm chức của ba thượng nghị sĩ mới thuộc đảng Dân chủ tuần trước, McConnell trở thành lãnh đạo phe thiểu số, khiến ông buộc phải tìm cách duy trì quyền lực thông qua các cuộc đàm phán về quy tắc hoạt động của Thượng viện hai năm tới với lãnh đạo phe Dân chủ Chuck Schumer.

Thượng viện Mỹ giờ đây phân chia 50-50 ghế giữa hai đảng, nhưng phe Dân chủ chiếm ưu thế nhờ lá phiếu quyết định của Phó tổng thống Kamala Harris, người giữ chức Chủ tịch Thượng viện.

Đánh mất quyền lực của phe đa số, McConnell đang nỗ lực bảo vệ luật “filibuster”, một trong những công cụ có giá trị mạnh mẽ nhất đối với phe thiểu số tại Thượng viện. “Filibuster” là cơ chế lập pháp cho phép các thượng nghị sĩ trì hoãn, thậm chí ngăn cản thông qua dự luật, bằng cách tranh luận không ngừng. Thế bế tắc chỉ bị phá bỏ khi ít nhất 60 thượng nghị sĩ chấp thuận dự luật.

Trong bối cảnh số ghế giữa hai đảng tại Thượng viện gần như không chênh lệch, ngưỡng 60 phiếu thuận dường như quá lớn để các dự luật có thể được thông qua nhanh chóng. Do đó, nhiều đảng viên Dân chủ muốn bãi bỏ luật “filibuster”, khiến McConnell trở nên lo lắng và phải tìm cách đảm bảo phe Dân chủ không thay đổi các quy tắc lập pháp.

Bên cạnh đó, McConnell dường như còn “đau đầu” vì những chính trị gia “nổi loạn” trong đảng Cộng hòa, như thượng nghị sĩ Ted Cruz và Josh Hawley. Hai nghị sĩ này từng thách thức việc xác nhận chiến thắng cho tân Tổng thống Joe Biden, góp sức vào nỗ lực lật ngược kết quả của Donald Trump.

Việc Trump vẫn có sức ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa được cho là khiến McConnell lúng túng về cách xử lý phiên tòa luận tội ông tại Thượng viện, dự kiến khởi động vào ngày 9/2, sau khi Hạ viện nộp điều khoản cáo buộc cựu tổng thống “kích động bạo loạn” hôm 25/1.

McConnell và các lãnh đạo Cộng hòa khác được cho là vô cùng tức giận trước nỗ lực thách thức kết quả bầu cử và vụ bạo loạn chưa từng có trong lịch sử. Những diễn biến này khiến quan hệ vốn không êm ấm giữa McConnell và Trump càng thêm căng thẳng.

Các nguồn tin cho biết McConnell ít nhất đã cởi mở hơn đối với việc luận tội Trump, nhằm ngăn ông trở lại chính quyền một lần nữa.

“Đám đông bạo loạn đã tiếp thu những lời dối trá. Họ bị Trump và những người quyền lực khác kích động”, McConnell phát biểu gần đây.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu phe Dân chủ có tập hợp được ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa để đạt đủ 2/3 số phiếu Thượng viện nhằm kết tội Trump hay không. Bên cạnh đó, những thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ luận tội cựu tổng thống còn có nguy cơ gánh hậu quả khôn lường.

Một số người được cho là đang vận động McConnell cứng rắn với Trump bất chấp loạt thách thức. Tuy nhiên, theo bình luận viên Daniel Strauss của Guardian, ưu tiên của McConnell vẫn là bảo vệ thể chế tại Thượng viện, đảm bảo “filibuster” không bị bãi bỏ.

Quan điểm này được lãnh đạo Cộng hòa thể hiện công khai, cũng như trong các cuộc đàm phán nội bộ với Schumer.

“Cơ chế lập pháp filibuster là một phần quan trọng của Thượng viện. Các lãnh đạo, như chính Tổng thống Biden, từ lâu vẫn luôn bảo vệ nó”, McConnell phát biểu trước Thượng viện hôm 21/1.

Dù trở thành lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, McConnell lại có mối quan hệ tương đối thân thiết với Biden. Hai người từng là đồng nghiệp lâu năm khi Biden còn giữ chức thượng nghị sĩ. Nhiều dấu hiệu cho thấy mối liên hệ giữa họ dường như gần gũi hơn so với bề ngoài.

Hơn nữa, Scott Reed, cựu chiến lược gia cấp cao của Phòng Thương mại Mỹ, cho rằng McConnell có lẽ đang tập trung hơn vào hai vòng bầu cử quốc hội tiếp theo thay vì những vấn đề trước mắt.

“Ông ấy tính đường dài, không phải chỉ trong vài tháng tới”, Reed nhận định.

– Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell phát biểu trước báo giới tại tòa nhà quốc hội Mỹ ở Washington hôm 26/1. Ảnh: Reuters.

https://www.streamnews.net/…/Pressure-surrounded-the… 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay