ĐÔI DÒNG CẢM NGHĨ VỀ VIỆC ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI TỪ CHỨC

ĐÔI DÒNG CẢM NGHĨ VỀ VIỆC ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI TỪ  CHỨC

Tác giả: Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

nguồn:conggiaovietnam.net

Tin Đức Thánh Cha Benedict 16 đột nhiên tuyên bố từ chức sáng thứ hai 11-2 vừa qua đã làm chấn động thế giới và kinh hoàng mọi người trong toàn Giáo Hội Công Giáo.

Thật vậy, đây quả là biến cố trọng đại nhất trong Giáo Hội từ 600 năm qua sau ngày  cố Đức Giáo Hoàng Gregorio 12 tự ý thoái vị năm 1415 để giúp  chấm dứt tình trạng Đại ly giáo phương Tây ( Great Western Schism) xảy ra trong Giáo Hội từ năm 1378 và dọn đường cho Đức Giáo Hoàng Martin V lên cai trị Giáo Hội

Trong lịch sử Giáo Hội thì đã có 3  lần các Đức Giáo Hoàng tự ý thoái vị hay từ chức như sau:.

1-    Đầu tiên là Thánh Giáo Hoàng Pontian lên ngôi ngày 21-7-230 ( 230-235 ) Ngài   từ chức trong đợt Hoàng đế Maximinus Thrax bách hại các Kitô hữu và  các thủ
lãnh Giáo hội năm 235. Ngài bị  lưu đầy qua Sardinia cùng với Hippolitus
và ở đây,  Ngài tuyên bố thoái vị ngày 26-9-235 và được phúc tử Đạo cùng
với Hippolitus. Sau đó Ngài được phong hiển thánh với ngày lễ kinh là 19 tháng
11 hàng năm.

2-    Kế đến là Đức Thánh Cha Celestine V, một tu sĩ Biển Đức,  lên ngôi Giáo Hoàng ngày  tháng 7 năm 1294 ở tuổi 84. .Nhưng đến ngày 13  tháng 12 năm đó,
ngài xin từ chức vì không am hiểu nhiệm vụ được trao phó, và không muốn bị chi
phối bởi  Vua Charles V của lãnh địa Naples muốn khuynh đảo Giáo Hội. Ngài
mất năm 1296 và được phong thánh năm 1313 tại Avignon ( Pháp Quốc) nơi Tòa
Thánh còn đóng đô ở đây.

3-    Tiếp theo là Đức Giáo Hoàng Gregory XII lên kế vị Giáo Hoàng Innocent VII ngày 30-11-1406  với hy vọng chấm dứt cuộc Đại ly giáo  Tây phương  đã kéo dài từ năm 1378 mà  hậu quả là có hai Giáo Hoàng  nữa là Alexander V và Gioan XXIII cũng tranh Tòa Phêrô với ngài.

Để chấp dứt tình trạng này và cũng để chữa vết thương ly giáo,  ĐứcGiáo Hoàng  Gregory XII. đã xin thoái vị ngày 4-7-1414, dọn đường cho  Công Đồng Constance đang họp để truất phế ngụy giáo Hoàng Gioan XXIII ( ngụy Giáo Hoàng  Alexander V đã chết cách  bí ẩn ngày 3-5-1410 sau 10 tháng tại chức) và  bầu Đức  Martin V lên làm Giáo Hoàng  thống nhất của Giáo Hội. Đức Gregory XII  qua đời ngày 18-19-1417.Vì Joan XXIII không được công nhận là Giáo Hoàng , nên năm 1958 khi Hồng Y Angelo Giuseppe Roncalli đắc cử Giáo Hoàng, ngài đã chọn lại tước hiệu Gioan XXIII.

Như vậy, trước Đức Thánh Cha Biển Đức XVI , đã có ba Giáo Hoàng từ nhiệm vì những hoàn cảnh và lý do khác nhau. Tuy nhiên, vì đã sáu thế kỷ qua chưa có thêm Giáo Hoàng nào từ nhiệm,  nên quyết định rời bỏ ngai tòa Phêrô  của Đức đương kim Giáo Hoàng đã là một tiếng sét vang động  khắp Giáo Hội và thế giới ngày thứ hai 11-2
vừa qua.

Lý do mà ngài tự ý xin từ nhiệm là vì “tuổi tác và sức khỏe” không còn đủ để cho phép Ngài tiếp tục Sứ Vụ cai quản Giáo Hội nữa. Thật là một biến cố ngoài sức tưởng tượng của toàn thể Giáo Hội khiến mọi người đều đang còn bàng hoàng về tin quá bất ngờ này. Tuy nhiên ai cũng phải nhìn nhận rằng đây là một quyết định rất can đảm và đầy khiêm nhu của Đức Thánh Cha Biển Đức  XVI, người Cha chung rất đáng kính
yêu của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, đã khôn ngoan, sáng suốt chèo lái Con
Thuyền Phêrô trong suốt gần 8 năm  qua.

Ngài được bầu lên ngôi Giáo Hoàng rất nhanh chóng ngày 19-4-2005, để kế tục sứ mạng chăn dắt Giáo Hội do Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II để lại. Trong gần 8 năm qua, ngài đã chứng tỏ là một Thầy dạy Đức tin rất vững vàng, một  thần học gia  uyên thâm, một mục tử tha thiết với đoàn chiên và một sứ giả của hòa bình và  đại kết ( ecumenism).

Theo gương mục vụ của Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, Ngài đã thăm viếng mục vụ các Giáo Hội địa phương ở nhiều quốc gia trên thế giới. trong đó có Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, Đức. ÚC Châu, Ba Lan, Tây ban Nha., Ba Tây,  Do Thái, Palestine …

Chắc chắn sự từ nhiệm của ngài đang gây luyến tiếc cho mọi người trong Giáo Hội hiện nay.

Tuy nhiên ,sự sừ nhiệm này đã diễn ra đúng với  điều Giáo Luật số 332, triệt 2 đã dự liệu như sau:

“ Nếu xảy ra trường hợp Đức Thánh Cha từ chức,  thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận.”

Trong tuyên bố từ chức sáng thứ hai vừa qua, Đức Thánh Cha đã nói rõ lý do như sau:

“ ..để lèo lái Con Thuyền Phêrô và để công bố Tin Mừng, sức mạnh thể xác và tinh thần đều cần thiết. Nhưng trong vài tháng qua sức mạnh đó trong tôi  đã suy giảm đến mức tôi phải nhìn nhận là tôi không còn đủ  năng lực  để chu toàn sứ vụ đã được trao phó cho tôi. Vì thế, ý thức rõ về tầm mức quan trọng của quyết định này và  với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám  mục Rôma, Người kế vị Thánh Phêrô mà các vị Hồng Y đã trao cho tôi ngày 19-4-2005.”

Như thế, lý do vững chắc mà Đức Thánh Cha nêu ra đã phù hợp với tinh thần giáo luật nêu trên, và sự từ nhiệm của ngài là hợp thức, có hiệu lực  vì không cần ai chấp nhận.

Ngài sẽ chính thức rời bỏ nhiệm vụ Giáo Hoàng vào lúc 20 giờ địa phương ngày 28 tháng 2 này và các Hông Y dưới 80 tuổi sẽ họp Mật Nghi ( Conclave ) để chọn Giáo Hoàng mới cho Giáo Hội.

Là đoàn chiên trong Giáo Hội, chúng ta tha  thiết cầu xin cho ĐứcThánh Cha  Biển Đức XVI để ngài được an vui, mạnh khỏe sau khi rời Tòa Phêrô,  cũng như cầu xin cho Giáo Hội sớm có Chủ Chiên mới để chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô trong giai đoạn mới này.

Sau hết, một điều phải  tránh là hãy bỏ ngoài tai những lời đồn đoán và “tiên tri giả” đang loan truyền những điều huyền hoặc vô căn cứ về Giáo Hoàng mới sắp được bầu lên. Chúng ta hãy tin tưởng  và phó thác Giáo Hội cho Chúa Thánh Thần để Người soi sáng các Hồng Y trong việc chọn Tân Giáo Hoàng trong những ngày sắp tới. Chắc chắn Chúa sẽ hướng dẫn Giáo Hội trong mọi quyết định quan trọng và chúng ta sẽ có Chủ Chăn mới đúng  theo ý muốn của Người.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay