NIỀM VUI VÀ AN BÌNH

NIỀM VUI VÀ AN BÌNH

 Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Lời Chúa trong ba thánh lễ: thánh lễ Đêm, thánh lễ Rạng đông và thánh lễ Ban ngày đều nhấn mạnh tới chủ đề Niềm vui và an bình.  Biến cố Thiên Chúa làm người không chỉ là niềm vui của một nhóm nhỏ những người được chứng kiến, cũng không chỉ là niềm vui của dân tộc Do Thái, mà là niềm vui của toàn dân (Lc 2,10).  Vì thế mà ngôn sứ Isaia muốn hét to lên để loan truyền cho tới tận cùng trái đất rằng ơn cứu độ đang tới.  Cảnh hoang tàn sầu khổ và thân đơn goá bụa đã chấm dứt.  Không còn nước mắt nữa, bù vào đó sẽ là niềm vui.  Niềm vui này lan toả đến mọi tâm hồn, nhất là với những ai thành tâm thiện chí.  Không vui sao được, khi được chứng kiến Chúa can thiệp và lật đổ những kẻ quyền thế hùng mạnh, những chiếc áo choàng đẫm máu đào sẽ bị đốt đi (Bài đọc I).  Chiến tranh sẽ không còn và thay vào đó là vương quyền của Vua Hoà bình, từ nay sẽ lãnh đạo thế giới bằng tình thương và lòng nhân hậu.
 
Ngày Chúa đến là ngày hân hoan vui mừng, cũng là ngày khai mở kỷ nguyên hoà bình.  Ý tưởng an bình được nhắc tới rải rác trong các bài đọc Thánh Kinh.  Trước hết bình an đến từ trời cao, vì Đấng Cứu thế từ trời xuống thế để đem bình an cho nhân loại.  Bình an còn đến từ trần thế, nơi những tấm lòng chân thành rộng mở để đón Chúa.  Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng ở Belem, họ là những người trước hết đã góp phần tạo nên đêm bình an kỳ diệu ấy.  Hài Nhi mới sinh say sưa trong giấc điệp, Bà Maria và Ông Giuse chiêm ngắm tôn thờ, các mục đồng cung kính suy tôn.  Đó là khung cảnh bình an tuyệt diệu, như thiên đàng nơi trần thế.  Đất với trời “xe chữ đồng”, cùng gặp gỡ nhau để rồi không bao giờ xa nhau nữa, vì Con Thiên Chúa là trung gian nối kết giữa trời với đất, như chiếc cầu nối hai bờ của một dòng sông để nhờ cây cầu ấy mà mọi người qua lại trong tình thân thiện.
 
Trong niềm vui và an bình ấy, Phụng vụ mời gọi chúng ta suy tư: Đấng Cứu thế là ai vậy?  Thánh Gioan trả lời: Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa (Tin Mừng lễ Ban ngày).  Đức Giêsu không chỉ là con người, mà còn là Thiên Chúa.  Thánh Gioan đã tìm đến tận nguồn gốc thiên linh của Người.  Người là Ngôi Lời hằng hữu, hiện diện bên Chúa Cha từ thời sáng tạo.  Người không phải là một tạo vật, nhưng là Thiên Chúa và đồng bản thể với Chúa Cha.  Người có từ trước muôn đời.  Phụng vụ muốn chúng ta xác tín giáo huấn này, để khi đến chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng tại hang đá máng cỏ, chúng ta vượt lên những dấu chỉ khả giác bề ngoài để tôn thờ Thiên Chúa, Đấng đã xuống đời để cứu chuộc chúng ta.
 
Con Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người và đến trần gian cách đây hơn hai ngàn năm.  Có rất nhiều người đã mở rộng tâm hồn đón Chúa, và họ được ánh sáng của Người chiếu soi.  Tuy vậy, suốt bề dày lịch sử, cũng có những người khước từ lời mời gọi đón Chúa, thậm chí phủ nhận sự hiện diện của Người.  Thánh Gioan đã nhắc lại một sự thật nghiệt ngã: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).  Để đón Chúa, mỗi chúng ta phải can đảm vượt lên chính mình, phải để cho ánh sáng của Chúa chiếu soi những góc khuất trong tâm hồn.  Đón Chúa đến trong đời cũng như người can đảm chấp nhận uống những liều thuốc đắng, nhưng có thể chữa khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền.  Những ai đón nhận Chúa, Người sẽ ban cho họ niềm vui, nhất là được quyền trở nên con Thiên Chúa.  Họ sẽ tìm được sự bình an đích thực, từ trong nội tâm và tồn tại vững bền.
 
Hơn hai ngàn năm đã qua, biến cố Giáng Sinh vẫn được long trọng cử hành, như điểm mốc khởi đầu của kỷ nguyên mới.  Chính Chúa Giêsu là trung gian của lịch sử.  Người đến để đem cho con người niềm vui và an bình.  Ai đón nhận người sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời.  Nhờ giáo huấn của Người mà con người sẽ trở nên “người” hơn trong mối tương quan với đồng loại.  Chúa Giêsu dạy chúng ta: người với người không phải là thù địch hay lang sói, nhưng là anh chị em với nhau và có cùng một Chúa là Cha.
 
Niềm vui và an bình khởi đi từ Hang Đá Máng Cỏ Belem năm xưa và nay đang được tỏa lan đến mọi miền thế giới, đến với mọi người, mọi nhà.  Ước mong mỗi Kitô hữu, khi mừng lễ Giáng Sinh, đều cảm nhận được niềm vui và an bình, như quà tặng mà Con Thiên Chúa mang đến cho trần gian.  Không chỉ thế, người tin Chúa còn được mời gọi trở nên những sứ giả đem niềm vui và an bình đến mọi nẻo đường của cuộc sống, để rồi qua lời nói và những nghĩa cử tốt lành, họ làm toả hương thơm của tình Chúa tình người.  Đó là những chứng từ mạnh mẽ và hiệu quả về sự hiện diện của Con Thiên Chúa giữa trần gian.

Xin Chúa cho chúng ta được hưởng trọn vẹn niềm vui và an bình của ngày lễ Giáng Sinh.  Amen!
 

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim

31 - Christmas 20.jpg

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay