SA MẠC – NƠI GIÚP KHÁM PHÁ SỰ THẬT

SA MẠC – NƠI GIÚP KHÁM PHÁ SỰ THẬT

Lm. Phêrô Trần Minh Đức

Trong cuộc đời làm người ai ai cũng phải trải qua những giây phút khủng hoảng.  Trong những lúc đó tất cả mọi chuyện to nhỏ đều trở thành một vấn nạn.  Kẻ đó tìm một câu trả lời trước khi lựa chọn, quyết định cho tương lai đời mình.  Giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang tuổi thành niên là một giai đoạn quan trọng trong đời người.  Tuổi dậy thì chứa đầy hỗn loạn.  Thân xác bỗng dưng biến đổi và phát triển khác thường.  Con người bị ép buộc tham dự vào một cuộc phiêu lưu để khám phá ra mình là ai.  Nhiều chuyện thần thoại đã mô tả về giai đoạn này.  Dĩ nhiên, nhân vật chính luôn là một chàng trai.  Anh phải từ giã mái ấm gia đình, chấp nhận mạo hiểm một mình tiến vào rừng sâu nước độc, nơi chứa đầy cạm bẫy của yêu tinh quỷ nữ!  Anh ta phải vượt qua mọi thử thách từ bên trong lẫn bên ngoài.  Anh ta được tôi luyện.  Khi trở về, anh giống như được đầu thai làm một con người hoàn toàn mới, đủ tài trí và khả năng gánh vác những trọng trách được giao phó.

Bài Phúc âm hôm nay cũng nói về thời gian thử thách tương tự của Đức Giêsu.  Ngài được Thánh Thần dẫn đưa vào hoang địa, giang sơn của quỷ dữ.  Ngài ăn chay hãm mình, sống trong cô tịch, hoàn toàn không có gì để đề phòng âm mưu của kẻ xấu luôn bám sát, chờ cơ hội thuận lợi để thu thập.  Thử thách làm nảy sinh một hoài nghi cơ bản: Những gì từ trước tới nay tôi cho là tốt đẹp bây giờ có vẻ vô nghĩa.  Những gì tôi cho là tội lỗi xấu xa giờ đây hình như chứa đầy hứa hẹn.  Khi đối diện đương đầu với dụ dỗ Đức Giêsu dần dần khám phá ra mình là ai, đâu là sứ mạng của mình.  Thời gian sống trong sa mạc là giai đoạn quan trọng trong đời của Đức Giêsu.  Trong thời gian này Ngài cảm nhận một cách sâu xa sự mỏng dòn trong thân phận con người.  Mặc khác, Ngài đã sống mật thiết thân tình với Chúa Cha, giúp Ngài ý thức về trọng trách được Chúa Cha giao phó.  Ngài trở nên chín chắn trưởng thành, có thể bước vào cuộc đời công khai, công bố Tin mừng cứu độ.  Bởi vậy, sa mạc không phải chỉ là nơi chết chóc, tăm tối mà còn là nơi gặp gỡ chính Thiên Chúa.

Trong sa mạc Đức Giêsu hiểu thấu những yếu đuối cơ bản của con người.  Cám dỗ đầu tiên nhắm vào sự đói khát.  Có đầy đủ của ăn là một nhu cầu căn bản của cuộc sống con người.  Thân xác đòi hỏi quyền lợi của nó, và sẽ trở nên kiệt quệ nếu như nhu cầu này bị cự tuyệt, không được đáp ứng.  Dĩ nhiên chúng ta ăn để sống, nhưng chúng ta sống không phải chỉ để ăn, để uống.  Do đó, con người giống như bị bà nhập khi nghĩ rằng, ý nghĩa của cuộc sống con người chỉ đặt trên cơ bản của vật chất và sự hưởng thụ.  Con người chia sẻ những nhu cầu thuộc thân xác với tất cả mọi sinh vật khác, nhưng khát vọng của con người còn trổi vượt hơn, đi ra ngoài giới hạn này.  Chính vì thế chúng ta có thể nói rằng, nhu cầu lớn nhất của con người thuộc về đời sống tâm linh: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”  Đời sống con người không phải là một cuộc sống no say nhưng là một cuộc đời sung mãn về mọi mặt.

Thử thách thứ hai nhắm vào khát vọng quyền lực.  Bởi vì muốn chứng tỏ quyền lực của mình, bảo đảm chỗ đứng của mình, kẻ ấy ra sức tìm cách hạ bệ kẻ khác, ra sức chèn ép, trèo lên đầu lên cổ người khác và nếu cần sẵn sàng bước qua xác chết!  Tranh đấu quyền lực là chuyện xảy ra như cơm bữa từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đặc biệt trong môi trường chính trị và kinh doanh…  Đức Giêsu không đầu hàng dụ dỗ.  Ngài sẵn sàng từ bỏ quyền thế và bạo lực.  Ngài chọn con đường yêu thương vô vị lợi.

Dụ dỗ thứ ba nhằm chối bỏ Thiên Chúa là Đấng sáng tạo càn khôn.  Đặc biệt con người ngày nay nghĩ rằng, mình có thể đạt được tất cả mà không cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa.  Tất cả đều dựa vào khả năng của bản thân.  Ngày Chúa nhật không đi lễ nhà thờ chẳng thấy mình mất mát gì!  Nhìn nhận giới hạn của mình, nhìn nhận thân phận thụ tạo của mình là một điều không dễ dàng.  Thiên Chúa đòi hỏi con người tin vào Ngài, mặc dầu không ai có thể chứng minh và nhìn thấy Thiên Chúa.

Mùa chay chính là một lời mời gọi sáng tạo một mảnh sa mạc trong cuộc đời mình, mời gọi xa rời cảnh huyên náo, bon chen, xô bồ để có thể gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Ngài trong cô tịch.  Bởi vì sa mạc, đối với Đức Giêsu cũng như mỗi người chúng ta, là nơi giúp khám phá sự thật, nơi chúng ta có thể đối diện với chính mình để nhận biết mình là ai và Thiên Chúa muốn gì nơi tôi. 

Lm. Phêrô Trần Minh Đức

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay