LẠI HOANG TƯỞNG
Cách đây khá lâu, trong một phái đoàn từ Việt Nam sang Úc thăm trường đại học Victoria University nơi tôi giảng dạy, có một nhà báo. Nói chuyện, anh khoe là anh có đọc một số cuốn sách của tôi xuất bản ở hải ngoại, trong đó có cuốn “Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản, 1945-1990”. Tôi hỏi anh thấy nó thế nào. Anh đáp: “Hầu hết các chi tiết đều chính xác.” Nhưng anh phàn nàn: “Tại sao anh lại gọi ‘dưới chế độ cộng sản’ nhỉ? Nghe nó mất cảm tình quá.” Tôi ngạc nhiên: “Nhưng ‘cộng sản’ là tên chính thức của đảng mà!” Anh cười: “Thì biết vậy, nhưng chữ ‘cộng sản’ vẫn có âm hưởng xấu. Nó kinh kinh. Nếu anh dùng chữ ‘dưới chế độ xã hội chủ nghĩa’ thì sẽ nhẹ nhàng hơn.”
À, lúc ấy tôi mới hiểu, té ra, ngay cả các đảng viên Cộng sản cũng thừa nhận chữ ‘cộng sản’ có âm hưởng xấu. Không ai muốn nhận mình là cộng sản cả. Bị gọi là cộng sản, người ta thấy xấu hổ.
Vậy mà bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng lại khoác lác về niềm tự hào cộng sản.
Lại thêm một kẻ hoang tưởng nữa!
Tôi biết nhà cầm quyền Việt Nam hay quan tâm đến dân tình. Khoảng năm 1980, tôi nghe nhà thơ Chế Lan Viên kể chuyện: Công an thường giả dạng hành khách trên các tuyến đường xe lửa từ Sài Gòn ra Hà Nội và ngược lại để nghe ngóng và ghi chép các câu chuyện tiếu lâm chế giễu chế độ. Và họ nhận thấy: Họ thường nghe các câu chuyện tiếu lâm ấy trên chuyến tàu từ Hà Nội vào Sài Gòn hơn là theo chiều ngược lại. Từ đó, họ rút ra kết luận: sự bất mãn ở miền Bắc trầm trọng hơn ở miền Nam.
Bây giờ, để biết dân tình, không cần phải làm cái việc nhiêu khê như vậy nữa. Chỉ vào facebook là đủ biết. Đủ thấy dân chúng chửi không từ ai cả. Nhất là giới lãnh đạo, kể cả người đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, người có biệt danh là “Lú”.
– Nguyễn Hưng Quốc