LÀM VIỆC QUÁ MỨC, MỚI ĐẦU LÀ TỐT LÀNH, KẾT CUỘC LÀ CHẠY TRỐN 

LÀM VIỆC QUÁ MỨC, MỚI ĐẦU LÀ TỐT LÀNH, KẾT CUỘC LÀ CHẠY TRỐN 

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

Có những mối nguy hại khi làm việc quá mức, dù việc làm hay động cơ của nó có cao đẹp thế nào đi chăng nữa.  Các hướng dẫn thiêng liêng, bắt đầu từ Chúa Giêsu, đã luôn luôn cảnh báo về những nguy hại của thói tham công tiếc việc.  Biết bao nhiêu bà vợ, trẻ con trong gia đình, biết bao nhiêu bạn bè, biết bao nhiêu người trong cộng đồng mong muốn người họ yêu thương chú tâm đến họ nhiều hơn thay vì cứ mải vùi đầu vào công việc.

Nhưng thật khó để tránh cho mình không rơi vào cảnh bận bịu quá mức và lao tâm khổ trí vì công việc, đặc biệt trong những năm tháng chúng ta dồi dào sinh lực, có những trách nhiệm nuôi nấng con cái, trả các khoản vay, điều hành giáo hội cũng như các tổ chức, đang ngày càng đè nặng hơn trên đôi vai chúng ta.  Nếu bạn là một người nhạy cảm, bạn sẽ đấu tranh không ngừng để những áp lực này không đè nặng trên bạn.  Về điểm này, Henry Nouwen mô tả đời sống của chúng ta như cái vali bị nhồi nhét quá nhiều.  Luôn luôn có việc phải làm, luôn luôn phải gọi điện thoại, phải gặp một ai đó, phải trả biên lai, phải kiểm tra một cái gì đó trên internet, phải đi khóa vòi nước bị hở, phải tuân theo thêm một đòi hỏi từ giáo hội hay xã hội, phải đi mua thêm thứ đồ gì đó.  Các đòi hỏi của đời sống cứ triền miên không dứt và chúng ta luôn nhận thấy vẫn còn có môt trách nhiệm gì đó mà chúng ta cần phải thực hiện.  Một ngày của chúng ta quá ngắn để làm cho hết những việc đó.

Và rồi chúng ta lao vào công việc.  Khởi đầu là một ý muốn tốt đẹp và vô hại, nhưng rồi nó biến qua thành một thứ khác.  Đầu tiên, chúng ta làm hết mình vì những đòi hỏi của cuộc sống buộc chúng ta phải làm như vậy, nhưng dần dần chúng ta gắn chặt với chúng, phục vụ tha nhân ngày càng ít mà thỏa mãn cá nhân ngày càng nhiều.

Đầu tiên, chúng ta thường thường mù quáng về điểm này, công việc sớm trở thành như một lối thoát.  Chúng ta luôn bận tâm bận trí, chúng ta có đủ lời để bào chữa và lý luận cố hữu sao cho khỏi đối diện với các mối mối quan hệ trong gia đình, giáo hội hay với Thiên Chúa.  Áp lực liên tục của công việc và trách nhiệm là gánh nặng nhưng lại là tấm chắn tối hậu của chúng ta.  Chúng ta không thấy được hương hoa cuộc sống nhưng cũng không đối diện với những điều sâu sắc nơi phần chìm của bề mặt cuộc sống.  Chúng ta có thể tránh né những vấn đề chưa giải quyết trong các mối quan hệ và trong tâm hệ mình.  Chúng ta có một lời bào chữa hoàn hảo!  Đó là chúng ta quá bận rộn.

Thường thì xã hội lại cổ võ cho xu hướng thoát ly này của chúng ta.  Với những thói nghiện khác, hẳn chúng ta đã phải đi gặp bác sĩ rồi, nhưng với thói nghiện công việc, thường thường chúng ta lại được ngưỡng mộ nếu nghiện nặng và được tuyên dương vì chính sự ích kỷ này: Nếu tôi ăn uống quá độ, nghiện chất kích thích, tôi bị người ta khó chịu và thương hại, nhưng nếu tôi làm việc quá độ đến đỗi thờ ơ với những cấp bách lớn lao và quan trọng của cuộc sống, người ta lại nói với tôi: “Hẳn bạn thật tuyệt vời!  Bạn tận tụy quá mức!”  Hội chứng nghiện công việc là một thói nghiện mà nhờ nó chúng ta được tuyên dương.

Ngoài việc nó cho chúng ta một lối không lành mạnh để thoát khỏi những vấn đề quan trọng mà đáng ra chúng ta phải giải quyết, thói làm việc quá mức còn gây nên một mối nguy lớn khác.  Chúng ta càng vùi đầu vào công việc thì càng dấn sâu vào mối nguy xem ý nghĩa đời sống dựa trên công việc hơn là dựa trên các quan hệ của mình.  Khi càng chìm đắm trong công việc, thì các mối quan hệ của chúng ta càng sứt mẻ nhiều hơn, và rồi ý nghĩa đời sống ngày càng phụ thuộc vào công việc hơn là quan hệ.  Vô số cây bút thiêng liêng đã nêu lên các mối nguy trong thói tham công tiếc việc, một điểm không nhỏ trong số đó là càng ngày chúng ta càng khó tìm ra ý nghĩa đời sống ở bất cứ nơi nào khác ngoài công việc.  Những thói quen cũ rất khó bị phá vỡ.  Nếu chúng ta đã dành nhiều năm để xây dựng bản sắc của mình qua cách làm việc cật lực và được yêu mến do tính cách nhà nghề hay lòng tận tụy của mình, thì thật khó để chúng ta thay đổi và tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời từ bất cứ điều gì khác. 

Các ngòi bút thiêng liêng kinh điển đều nhất loạt lưu ý về mối nguy trong sự làm việc quá mức và thói tham công tiếc việc.  Thật vậy, Chúa Giêsu đã lưu ý Martha khi cô mải mê với những việc cần làm để dọn bữa ăn rồi phàn nàn Maria không chịu giúp cô.  Câu trả lời của Chúa thật bất ngờ, thay vì trách Maria lười biếng và khen Martha tận tụy, Chúa Giêsu lại nói Maria đã chọn phần tốt hơn, và rồi trong lúc đó và trong bối cảnh đó, tính lười biếng của Maria lại thắng sự bận rộn của Martha.  Tại sao vậy?  Bởi đôi khi trong đời sống có những điều quan trọng hơn cả công việc, cho dù đó là công việc cao quý và cần thiết để thể hiện lòng hiếu khách và để chuẩn bị bữa ăn cho mọi người.

Thói lười biếng hẳn là do ma quỷ, nhưng bận rộn không phải lúc nào cũng là một đức tính tốt. 

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay