HIỂU RÕ HY SINH

HIỂU RÕ HY SINH

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Chúng ta nghĩ gì khi nói mình hy sinh?  Tôi hy sinh nghề nghiệp vì con cái!  Tôi hy sinh rất nhiều cho công việc!  Tình yêu đòi hỏi chúng ta rất nhiều hy sinh!  Đôi khi chúng ta phải hy sinh chính đời sống để giữ chính trực!  Chúa Ki-tô hy sinh chính mình vì tội lỗi chúng ta!  Bí tích Thánh Thể là một hy sinh!

Từ các thành ngữ chung này, chúng ta xem thêm định nghĩa của hy sinh trong tự điển Webster: Từ bỏ một cái gì có giá trị để mưu ích cho một cái khác.

Đây là một định nghĩa đúng, nhưng nội dung còn hàm chứa nhiều điều hơn là mới nhìn lướt qua, rõ rệt hơn khi chúng ta xem lại khái niệm về hy sinh trong Sách Thánh của Do Thái và Kitô giáo.  Lấy ví dụ câu chuyện hy sinh I-xa-ác của tổ phụ Áp-ra-ham.  Đâu là lời lời kêu gọi tối hậu của Chúa khi Chúa đòi hỏi ông Áp-ra-ham hy sinh I-xa-ác.

Đây là các yếu tố bên ngoài của câu chuyện: Đã từ lâu Áp-ra-ham không có con trai.  Cuối cùng, khi mọi hy vọng của loài người không còn, bà Xa-ra thụ thai và sinh cho ông một đứa con trai, I-xa-ác, người Áp-ra-ham mô tả là “độc nhất”, “quý nhất” của ông.  Nhưng Chúa xin ông dùng I-xa-ác làm vật hiến tế.  Với tấm lòng nặng trĩu, Áp-ra-ham đồng ý và cùng I-xa-ác, hai cha con mang củi, lửa lên đường.  Trên đường đi, ông phải trả lời các câu hỏi hiếu kỳ của con vì sao họ không mang vật hiến tế đi theo.

Khi đến nơi, Áp-ra-ham nhóm củi, đốt lửa, trói I-xa-ác, rồi đưa dao lên cổ để giết.  Nhưng Chúa can thiệp.  Cuộc hiến tế ngưng lại, Chúa cho Áp-ra-ham con cừu đực làm vật hiến tế.  Câu chuyện kết thúc, ông Áp-ra-ham cùng I-xa-ác đi về trên vùng đất riêng của mình.  Đâu là bài học sâu xa trong chuyện này?

Ở một mức độ, bài học là Chúa không muốn con người hy sinh, nhưng ở một mức sâu thẳm hơn, mật thiết hơn, bài học tự trong lòng dạy chúng ta một cái gì về một nhu cầu sâu thẳm bên trong tâm hồn chúng ta, nhu cầu được tỏ tấm lòng muốn hy sinh.  Nói cách khác, bài học như sau: Để một cái gì đó được nhận như quà tặng, nó phải được nhận hai lần.  Điều này ngụ ý gì?

Theo định nghĩa, món quà là vật được tặng, tự nguyện cho, không buộc phải xứng đáng mới được nhận.  Phản ứng đầu tiên khi chúng ta nhận quà là gì?  Là câu trả lời bộc phát: “Tôi không thể nhận!  Tôi không xứng đáng nhận!”  Phản ứng bộc phát lành mạnh này là ngụ ý trả lui lại món quà.  Nhưng đương nhiên, người cho từ chối, họ trao lại món quà với lời trấn an: “Nhưng tôi muốn bạn nhận món quà này!”  Khi nhận lần thứ nhì, bây giờ món quà mới thật của mình, vì, khi muốn trả lại món quà, chúng ta nhận ra đây đúng là món quà không xứng đáng mà được hưởng.

Đây đúng là năng động trong câu chuyện hiến tế I-xa-ác.  I-xa-ác là món quà lớn nhất trong cuộc đời Áp-ra-ham, món quà ông không xứng đáng được hưởng.  Ý chí muốn hy sinh của ông đi đôi với hành vi bộc phát: “Tôi không xứng đáng được!  Tôi không thể nào nhận món quà này!”  Ông trả lại món quà.  Nhưng người cho, chính là Tình Yêu, chận đứng hành vi hy sinh và trả lại món quà.  Bây giờ Ap-ra-ham mới dám nhận I-xa-ác như một món quà, không mặc cảm có tội.  Khi họ cùng nhau đi về nhà, bây giờ I-xa-ác là đứa con theo một cách khác đứa con trước đây của ông.  Áp-ra-ham đã nhận món quà hai lần khi hy sinh món quà lần đầu.

Đó là cốt tủy của hy sinh: Để nhận cho đúng một cái gì, ngay cả chính cuộc đời chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải biết nhận thức đó là món quà, một cái gì không xứng đáng mà được hưởng.  Và đã nhận món quà thì phải hy sinh, vui lòng cho lại một phần hay trọn món quà cho người đã cho.

Đây là năng động ngụ ý trong tục lệ hiến tế ngày xưa.  Ví dụ: Nhà nông gặt hái vụ mùa.  Nhưng trước khi ông và gia đình ăn no, ông phải lấy một ít (hoa quả đầu mùa) dâng lên Chúa dưới hình thức hiến tế, thường thường đốt để khói bay lên trời, xem như một ít hoa quả dâng trả lại Chúa vì họ xem hoa quả này là món quà Chúa cho họ.  Sau khi hy sinh theo kiểu này, người nông dân và gia đình mới thoải mái ăn no mà không có mặc cảm mang tội vì, qua hành vi trả lại người cho, họ ý thức đó là món quà.  Bây giờ họ mới thưởng thức mà không mang mặc cảm tội, vì họ đã hy sinh, họ đã biết đây là món quà.

Đó là cốt tủy bên trong của mọi hy sinh, dù hy sinh nghề nghiệp vì con cái hay hy sinh của Chúa Giê-su trên thập giá.  Hy sinh là nhận biết món quà là món quà.  Giống như ông Áp-ra-ham, cố gắng trả lại món quà cho người cho, nhưng người cho chận lại sự hy sinh và cho ông lại một cách sâu xa hơn. 

Chúng ta sẽ tận hưởng cuộc sống sâu đậm hơn nếu chúng ta hiểu được điều này.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From:Langthangchieutim

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay