NHÌN LÊN THẬP GIÁ

NHÌN LÊN THẬP GIÁ

Bất cứ ai đã đọc sách Xuất Hành trong Cựu Ước, kể lại cuộc hành trình về đất hứa của dân Do thái, đều nhớ câu truyện con rắn đồng.  Đó là khi gần đến đất hứa, dân Do thái lại kêu trách Chúa và trách ông Mô-sê.  Chúa liền cho rắn bò ra khắp nơi cắn chết nhiều người.  Thấy vậy, dân chúng lại ăn năn hối hận, chạy đến kêu ông Mô-sê cứu giúp.  Ông Mô-sê cầu xin Chúa.  Chúa bảo ông hãy làm một con rắn bằng đồng treo lên cao, để hễ ai bị rắn lửa cắn, nhìn lên rắn đồng thì được khỏi.  Rắn đồng đó, như bài Tin Mừng kể lại, Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để chỉ về Ngài: cũng như xưa, rắn đồng bị treo lên, Ngài cũng phải bị treo lên như vậy.  Và cũng thế, rắn đồng chữa cho bất cứ ai nhìn lên nó, thì Chúa cũng chữa bất cứ ai tin cậy ở Ngài.  Vì thế, sau khi dùng hình ảnh để so sánh, Chúa quả quyết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời.”

Quả thật, thập giá của Chúa đem lại sự sống đích thực, sự sống đời đời cho những ai tin tưởng, cậy trông vào Chúa.  Bằng chứng cụ thể để bảo đảm điều này là người trộm lành trong Tin Mừng: khi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá trên núi Sọ, thì có hai phạm nhân khác là hai tên trộm cướp, cũng bị đóng đinh như thế ở hai bên Chúa: Đít-ma bên phải và Ghét-ta bên trái.  Khi ba thập giá được dựng lên, treo ba thân xác chơ vơ giữa nền trời, người ta nghe tiếng tên trộm Ghét-ta chửi bới, nguyền rủa, nói những lời xúc phạm và đòi xuống khỏi thập giá.  Trái lại, tên trộm Đít-ma, như được ánh sáng từ thập giá ở giữa chiếu soi, anh buồn rầu, hối hận tội lỗi tầy trời của mình và quay sang Chúa Giêsu, anh tha thiết thưa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của Ông, xin nhớ đến tôi.”  Trước lời khẩn nài đầy tin tưởng ấy, Chúa nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.”

Trước khi thưa với Chúa Giêsu như trên, người trộm này đã nhìn nhận tội lỗi của mình khi anh đối chất với người bạn tù cùng bị đóng đinh với anh.  Anh nói: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!  Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm.”  Như vậy, dầu sao trong tâm hồn người đạo chích này cũng đã dậy lên những tâm tình thống hối nồng nàn.  Dĩ vãng của anh thật tồi tệ, có lẽ tệ hơn cả Ba-ra-ba, vì Ba-ra-ba thì được tha, còn anh lại bị đóng đinh.  Đời anh xấu xa quá.  Anh biết và thành thật cảm nhận điều đó; đồng thời anh cũng tin nhận Đấng cùng chịu án với anh thật vô tội và qua cung cách của Ngài, anh tin phải là Đấng Thánh.  Nên chỉ một tia sáng từ thập giá Chúa chiếu ra đã làm rực sáng đức tin của anh.  Anh đã thấy thập giá, anh đã tin vào giá trị của thập giá, và biết Đấng bị đóng đinh là ai, nên anh mới xin Ngài nhớ đến anh khi Ngài về nơi vương quốc của Ngài.

Như vậy, trên núi Sọ, đám đông dân chúng đòi Chúa xuống khỏi thập giá, thì người trộm lại đòi được đưa lên.  Quần chúng cầu mong Chúa thuyết giảng một thứ tôn giáo không thập giá, còn người trộm lại tìm được niềm tin khi bị treo trên thập giá.  Phải chăng sự hối cải của người trộm là chìa khóa, là gương mẫu cho sự hối cải của chúng ta ngày nay?

Kể từ khi thập hình của người Rô ma được áp đặt cho Chúa Giêsu, thì thập giá đã trở thành Thánh giá, và bóng Thánh giá của Ngài đã bao trùm cả trái đất.  Không ai có thể đứng ngoài bóng mát của Thánh giá.  Không ai có thể ở ngoài vòng lôi kéo của Chúa Giêsu.  Không bao giờ con người có thể loại bỏ Chúa ra khỏi lịch sử của mình nữa.

Thánh giá không chỉ được dựng lên trên nóc nhà thờ, trong cung thánh hay trong nhà của người tín hữu mà còn phải được tôn vinh giữa phố chợ, ở khắp mọi nơi.  Chúa Giêsu đã không bị đóng đinh trong một thánh đường, giữa hai hàng nến cháy, nhưng trên thập giá giữa hai người trộm cướp.  Ngài đã bị treo lên giữa ngã ba đường để cho mọi người qua lại đều nhìn thấy.  Ngài đã chết trước sự chứng kiến của mọi người.  Ngài đã chết cho mọi người.  Ngài đã chết cho từng người trong nhân loại.  Ngài đã chết nhân danh chúng ta để chúng ta được qui tụ vào gia đình con cái của Thiên Chúa.

Khi chiêm ngắm thập giá của Đấng Phục Sinh, chúng ta không ngừng nghe vang dội từ thập giá ấy lời nhắc nhở về một tình yêu thương cao cả dành cho tất cả chúng ta, cũng như nhắc nhở về những tội lỗi chúng ta đã phạm để thúc giục chúng ta ăn năn sám hối. Do đó, sự hối cải của người trộm lành là gương mẫu cho sự hối cải của chúng ta.

Đúng thế, ở trần gian chỉ có một điều xấu xa hơn tội lỗi, đó là không nhìn nhận tình trạng tội lỗi của mình.  Không có bệnh, chẳng ai tìm đến bác sĩ.  Cũng vậy, không nhận mình tội lỗi, chẳng ai đi tìm Chúa Cứu Thế.  Chỉ khi nào cho mình là dại dột hay chỉ khi nào bắt đầu công nhận mình là người tội lỗi, đó là lúc khởi sự bước vào con đường của người trộm lành đưa đến hối cải.  Biết mình tội lỗi, đó là điều kiện để hối cải, cũng như biết mình bệnh hoạn là điều kiện để chữa trị.

Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy đến với Chúa và hạ mình xuống như người trộm lành, nhìn nhận mình là người tội lỗi và tin tưởng vào lòng khoan dung của Chúa, thì kể cả trong tình trạng xấu xa nhất, chúng ta vẫn được Chúa thương yêu tha thứ.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay