Đức Thánh Cha tôn phong 7 hiển thánh

Đức Thánh Cha tôn phong 7 hiển thánh

G. Trần Đức Anh OP

VATICAN. Sáng chúa nhật 21-10-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã tôn phong 7 vị chân phước lên bậc hiển thánh, trước sự hiện diện của gần 90 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô.

Từ 9 giờ sáng, trong khi chờ đợi buổi lễ bắt đầu, ca đoàn hát thánh ca, rồi cộng
đoàn đọc kinh Mân Côi, xen lẫn những bài hát do ca đoàn gồm 200 ca viên đảm
trách.

Bên trái bàn thờ trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô được dành cho các phái đoàn
chính phủ và các nhà ngoại giao và nhiều tín hữu khác; bên phải dành cho 50 HY
và đông đảo các nghị phụ và giáo sĩ, tu sĩ. Trên mặt tiền đền thờ có treo chân
dung khổng lồ của 7 vị thánh mới.

Khác với những lần phong thánh trước đây, lần này theo quyết định của ĐTC, lễ nghi
phong thánh được cử hành trước khi thánh lễ bắt đầu. Đúng 9 giờ 20 chuông Đền
thờ được đánh lên rồi 50 vị đồng tế gồm 6 HY, 18 GM và 26 LM có liên hệ đặc biệt
với 7 tiến chức hiển thánh, cùng với ĐTC đi rước từ bên trong Đền thờ ra lễ
đài, trong khi ca đoàn hát kinh cầu các thánh.

Sau khi ĐTC hôn và xông hương bàn thờ, rồi an tọa trên toà của ngài, ĐHY Angelo
Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với 7 vị thỉnh nguyện viên tiến lên trước
ĐTC thực hiện nghi thức 3 lần thỉnh cầu ngài ghi tên 7 vị chân phước vào sổ bộ
các thánh.

Đáp lại lời thỉnh cầu thứ I, ĐTC mời gọi các tín hữu hiệp với ngài qua lời nguyện
khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa, của Mẹ Maria và các thánh cho việc làm hệ trọng
chúng ta sắp thực hiện.

Rồi ĐHY Amato lại thỉnh cầu ĐTC lần thứ hai. Ngài đáp lại bằng lời mời gọi toàn
thể cộng đoàn cầu xin ơn Chúa Thánh Thần phù trợ. Sau bài thánh ca Veni
Creator, ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh lại xin ĐTC lần thứ ba và đáp lại, lần
ngày ngài long trọng đọc công thức:

Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng cường đời
sống Kitô, với quyền bính của Chúa Kitô, của hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và
của Chúng Tôi, sau khi đã cầu nguyện lâu và suy nghĩ chín chắn, với ơn phù trợ
của Chúa, sau khi lắng nghe ý kiến của nhiều anh em trong hàng GM, Chúng Tôi
tuyên bố và xác định các chân phước: Jacques Berthieu, Phêrô Calungsod,
Giovanni Battista Piamarta, Maria Carmen Sallés y Barangueras, Marianne Cope,
Kateri Takakwitha và Anna Schaeffer là thánh và ghi tên các vị vào sổ bộ các
thánh và truyền phải sốt sắng tôn kính các vị trong toàn thể Giáo Hội”.

Cộng đoàn tung hô Amen ba lần, trước khi thánh tích của các vị được rước lên đặt
cạnh bàn thờ và được xông hương tôn kính, rồi ca đoàn và mọi người hát kinh Te
Deum, tạ ơn Thiên Chúa:

ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh tiến lên ngỏ lời cám ơn ĐTC và thánh lễ được
chính thức bắt đầu với bài ca nhập lễ, và diễn tiến như trong các thánh lễ chúa
nhật.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Giảng sau bài Tin Mừng về sự tích hai anh em ông Gioan và Giacôbê xin Chúa
Giêsu cho ngồi bên hữu và bên tả Người khi Người được vinh quang, ĐTC nhấn mạnh
lời Chúa Giêsu:

”Con người đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Xc
Mc 10,45). Những lời này trở thành chương trình sống của 7 vị Chân Phước mà hôm
nay Giáo Hội long trọng ghi tên vào hàng ngũ vinh hiển của các thánh. Các ngài
đã anh dũng dâng mạng sống mình, tận hiến cho Thiên Chúa và quảng đại phục vụ
anh chị em đồng loại. Các vị là con cái của Giáo Hội, đã chọn con đường phục vụ
noi gương Chúa. Sự thánh thiện trong Giáo Hội luôn có nguồn mạch từ mầu nhiệm cứu
chuộc, được ngôn sứ Isaia báo trước trong bài đọc thứ I: Vị Tôi Tớ Chúa là người
Công Chính ”làm cho nhiều người nên công chính, Người mang lấy tội lỗi của họ”
(Is 53, 11), Đó chính là Chúa Giêsu Kitô, chịu đanh, sống lại và đang sống
trong vinh quang. Lễ phong thánh hôm nay là lời khẳng định hùng hồn về thực tại
cứu độ huyền nhiệm ấy. Sự kiên trì của 7 môn đệ Chúa Kitô trong việc tuyên xưng
đức tin, sự trở nên đồng hình dạng của các Vị với Con Người ngày hôm nay đang
chiếu tỏa rạng ngời trong toàn Giáo Hội.

Đến đây, ĐTC lần lượt tóm lượt tiểu sử và sứ điệp nổi bật của 7 vị thánh mới:

1. Trước tiên là cha Jacques Berthieu, sinh năm 1838 tại Pháp, sớm được
Chúa Kitô chinh phục. Trong khi làm việc mục vụ giáo xứ, cha nồng nhiệt mong ước
cứu vớt các linh hồn. Trở thành tu sĩ dòng Tên, cha muốn rong ruổi trên thế giới
để làm vinh danh Chúa. Là mục tử không biết mệt mỏi tại đảo Santa Maria rồi tại
Madagascar, cha tranh đấu chống lại bất công, nâng đỡ người nghèo và bệnh nhân.
Người dân Madagascar coi cha như một LM đến từ trời, họ nói: Cha là ”cha mẹ của
chúng con!”. Cha trở nên mọi sự cho mọi người, kín múc trong kinh nguyện và
trong lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu sức mạnh nhân bản và linh mục để đạt tới
cuộc tử đạo vào năm 1896. Khi trút hơi thở cuối cùng, cha nói: ”Tôi thà chết
còn hơn từ bỏ đức tin của tôi”. Các bạn thân mến, ước gì cuộc sống của nhà truyền
giáo này khích lệ và nêu gương cho các linh mục, để các vị trở thành những người
của Thiên Chúa như thánh Berthieu! Ước gì tấm gương của thánh nhân trợ giúp các
tín hữu Kitô đang bị bách hại ngày nay vì đức tin! Ước chi sự chuyển cầu của
thánh nhân trong Năm Đức Tin này mang lại thành quả cho Madagascar và Phi châu!
Xin Chúa chúc lành cho dân tộc Madagascar!

2. Pedro Calungsod sinh khoảng năm 1654, tại vùng Visayas bên
Philippines. Tình yêu của thánh nhân đối với Chúa Kitô thúc đẩy Người trở thành
giáo lý viên cùng với các thừa sai dòng Tên tại nơi ấy. Năm 1668, cùng với các
giáo lý viên trẻ khác, Pedro tháp tùng cha Diego Luis de San Vitores tới quần đảo
Marianas để rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Chamorro. Cuộc sống tại đó rất vất vả
cam go và các thừa sai bị bách hại vì ghen tương và vu khống. Nhưng Pedro đã chứng
tỏ niềm tin và đức ái sâu xa, và tiếp tục dạy giáo lý cho nhiều tân tòng, làm
chứng về Chúa Kitô qua cuộc sống khiết tịnh và tận tụy đối với Tin Mừng. Thánh
nhân nồng nhiệt mong ước đưa các linh hồn về cùng Chúa Kitô, và điều này càng
làm cho Người kiên quyết trong việc chấp nhận tử đạo. Pedro Calungsod qua đời
ngày 2-4-1672. Các chứng nhân kể lại rằng Pedro tuy có thể thoát thân nhưng đã
quyết định ở lại cạnh cha Diego. Vị linh mục đã ban phép xá giải cho Pedro trước
khi bị giết. Ước gì tấm gương và chứng tá can đảm của thánh Pedro Calungsod gợi
hứng cho các dân tộc yêu quí tại Philippines mạnh mẽ rao giảng Nước Chúa và đưa
nhiều linh hồn về cùng Chúa.

3. Giovanni Battista Piamarta, linh mục giáo phận Brescia là đại tông đồ
bác ái và của giới trẻ. Cha cảm thấy đạo Công Giáo cần phải hiện diện về văn
hóa và xã hội trong thế giới tân tiến, vì thế cha tận tụy nâng cao đời sống
Kitô, luân lý và nghề nghiệp cho các thế hệ trẻ với tấm gương rạng ngời của cha
về tình người và lòng từ nhân. Được linh hoạt nhờ niềm tín thác không lay chuyển
nơi Chúa Quan Phòng và với tinh thần hy sinh sâu xa, cha đương đầu với những
khó khăn và vất vả để thành lập nhiều tổ chức tông đồ, trong đó có Học viện
Artigianelli, nhà xuất bản Queriniana, Dòng nam Thánh Gia Nazareth, và dòng các
nữ tỳ khiêm hạ của Chúa. Bí quyết cuộc sống khẩn trương và cần cù của cha chính
là những giờ cầu nguyện lâu giờ. Khi bị tràn ngập công việc, cha gia tăng thời
gian gặp gỡ, tâm sự với Chúa. Cha thích dừng lại trước Mình Thánh Chúa, suy niệm
về cuộc khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa Kitô, để kín mục sức mạnh tinh thần
và tái ra đi chinh phục tâm hồn tha nhân, đặc biệt là những người trẻ, để đưa họ
trở lại nguồn sống với những sáng kiến mục vụ luôn mới mẻ”.

4. ”Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu Chúa: chúng con hy vọng nơi Chúa”.
Với những lời này, phụng vụ mời chúng ta hãy nhận thánh ca này dâng lên Thiên
Chúa Tạo Hóa và Quan phòng như của chúng ta, chấp nhận dự phóng của Chúa dành
cho đời sống chúng ta. Thánh nữ Maria del Carmelo Sallés y Barangueras,
đã làm như vậy. Người là nữ tu, sinh trưởng tại Vic bên Tây Ban Nha năm 1848.
Khi thấy hy vọng của mình được thành tựu sau nhiều thăng trầm khi chiêm ngắm sự
phát triển của Dòng các nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm chuyên về giáo dục, mà Mẹ đã
thành lập năm 1892, Mẹ đã có thể hát lên cùng với Mẹ Thiên Chúa: ”Từ đời này đến
đời kia, lượng từ bi của Chúa trải dài trên những người kính sợ Chúa”. Công
trình giáo dục của Mẹ, được phó thác cho Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, tiếp tục mang lại
những hoa trái dồi dào nơi giới trẻ nhờ sự dấn thân quảng đại của các con cái của
Mẹ, những người như Mẹ đã phó thác trong tay Chúa là Đấng có thể làm mọi sự.

5. Giờ đây chúng ta hãy hướng nhìn về thánh nữ Marianne Cope, sinh năm
1838 tại Heppenheim bên Đức. Khi mới được 1 tuổi, Marianne được đưa sang Hoa Kỳ
và năm 1862 gia nhập dòng Ba Phanxicô tại viện ở Syracure New York. Sau đó với
tư cách là Bề trên (tổng quyền) của dòng, Mẹ Marianna tự nguyện đón nhận ơn gọi
chăm sóc những người cùi trong quần đảo Hawaii, sau khi nhiều người khác khước
từ. Cùng với 6 chị em, Mẹ đến đó để điều khiển một nhà thương ở đảo Oahu, rồi
sau đó lập nhà thương ở Malulani trên đảo Maui, mở một nhà cho các thiếu nữ con
của những người cùi. 5 năm sau, Mẹ nhận lời mời mở một nhà cho các phụ nữ và
thiếu nữ tại chính đảo Molokai, can đảm đích thân đến đó và chấm dứt liên lạc với
thế giới bên ngoài. Tại đó Mẹ chăm sóc cha Damien, vốn nổi tiếng vì hạt động
anh dũng nơi những người cùi, chăm sóc cha cho đến chết và tiếp nối cha nơi những
người cùi nam giới. Khi còn có thể làm chút ít cho những người đau khổ vì căn bệnh
kinh khủng này, Mẹ Marianne Cope chúng tỏ tình yêu, lòng can đảm và hăng say
cao cả nhất. Mẹ là mẫu gương sáng ngời và mạnh mẽ về truyền thống Công Giáo tốt
đẹp nhất trong việc săn sóc những chị em và theo tinh thần của thánh Phanxicô
yêu quí.

6. Kateri Tekakwitha sinh năm 1656 tại nơi nay thuộc bang New York, thân
phụ là người bộ lạc Mohak và mẹ mà tín hữu Công Giáo thuộc bộ lạc Algonchina,
người đã thông truyền cho Kateri cảm thức về Thiên Chúa hăng sống. Kateri được
rửa tội năm 20 tuổi, và tránh các cuộc bách hại, tị nạn đến cứ điểm truyền giáo
thánh Phanxicô Xavie gần Montréal. Tại đó, Kateri làm việc, trung thành với
truyền thống của dân tộc mình, và cũng từ bỏ những xác tín tôn giáo của bộ tộc,
cho đến khi qua đời lúc 24 tuổi. Với cuộc sống đơn sơ, Kateri trung thành với
tình yêu Chúa Giêsu, kinh nguyện và thánh lễ h;ăng ngày. Ước mong lớn nhất của
Kateri là được biết Chúa và làm những gì đẹp lòng Chúa.

Kateri mang lại cho chúng ta ấn tượng mạnh về hoạt động của ơn thánh trong cuộc
sống của thánh nữ, – vốn không được những nâng đỡ từ bên ngoài,- và về lòng can
đảm trong ơn gọi rất đặc biệt trong nền văn hóa của thánh nữ. Nơi Kateri, đức
tin và văn hóa làm cho nhau được phong phú. Ước gì tấm gương của thánh nữ giúp
chúng ta sống tại nơi chúng ta đang sở, mà không từ bỏ thực chất của chúng ta,
yêu mến Chúa Giêsu! Lạy Thánh Nữ Kateri, bổn mạng của Canada và là vị thánh đầu
tiên thuộc thổ dân bắc Mỹ, chúng con phó thác cho thánh nữ sự canh tân đức tin
của các thổ dân trên toàn Bắc Mỹ! Xin Chúa chúc lành cho các thổ dân!

7. Anna Schaeffer người làng Mindelstetten, khi còn trẻ đã muốn gia nhập
một dòng thừa sai. Vốn xuất thân từ gia đình khiêm hạ, Anna làm công trong một
gia đình với ý định kiếm đủ tiền hồi môn để được đón nhận vào một tu viện.
Trong công việc ấy, Anna bị tai nạn, bị phỏng nặng ở hai chân không thể lành được,
khiến cô bị liệt giường suốt đời. Và thế là chiếc giường đau khổ trở thành căn
phòng tu viện đối với Anna, và đau khổ trở thành hoạt động truyền giáo của thánh
nữ. Thoạt đầu Anna than thân trách phận, nhưng rồi Anna tiến đến mức biết giải
thích tình trạng của mình như tiếng gọi yêu thương của Đấng Chịu Đóng Đanh, mời
gọi Anna bước theo Ngài. Được an ủi hằng ngày nhờ việc rước lễ, Anna trở thành
một dụng cụ không biết mệt mỏi chuyển cầu bằng kinh nguyện và phản ánh tình
thương của Thiên Chúa cho nhiều người đến xin Anna lời khuyên bảo. Ước gì hoạt
động tông đồ bằng lời cầu nguyện và bằng đau khổ, hy sinh và đền tạ của thánh nữ
là tấm gương rạng ngời cho các tín hữu tại quê hương, và ước gì lời chuyển cầu
của thánh nữ củng cố phong trong Công Giáo Hospice, gồm những trung tâm săn sóc
chống đau cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời, trong công tác phục vụ tốt
lành.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Anh chị em thân mến, các vị thánh mới, tuy có nguồn gốc, ngôn ngữ, quốc tịch
và hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng đều liên kết với toàn thể Dân Chúa trong mầu
nhiệm cứu độ của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc. Cùng với các ngài, cả chúng ta nơi
đây, hiệp với các nghị phụ Thượng HĐGM đến từ các nơi trên thế giới, liên kết với
những lời của Thánh Vịnh tung hô Chúa là ”ơn phù trợ và là khiên thuẫn của
chúng ta”, và chúng ta cầu xin Chúa: ”Lạy Chúa, ước gì tình thương Chúa đổ trên
chúng con, như chúng con hy vọng nơi Chúa’ (Tv 32,20-22). Ước gì chứng tá của
các vị thánh mới, cuộc sống các ngài quảng đại dâng hiến vì tình thương Chúa
Kitô, nói với toàn thể Giáo Hội ngày nay, và lời chuyển cầu của các ngài củng cố
và nâng đỡ Giáo Hội, trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới.

Trong phần rước lễ, 280 linh mục và phó tế đã tản ra các nơi ở quảng trường để
mang Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. Và chính ĐTC đã cho hàng chục tín hữu rước
lễ.

Cuối thánh lễ, vào lúc 11 giờ 40, ĐTC chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin. Trong lời
nhắn nhủ trước khi đọc kinh, ngài mời gọi các tín hữu hướng về Mẹ Maria, Nữ
Vương các thánh, và đặc biệt nghĩ đến Lộ Đức, bị lụt vì mưa lũ làm nước sông
Gave dâng cao, ngập cả Hang Đá Đức Mẹ hiện ra. ĐTC nói: ”Đặc biệt hôm nay,
chúng ta hãy phó thác cho sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ Maria các thừa sai nam nữ,
các LM, tu sĩ và giáo dân, đang gieo hãi hạt giống tốt lành của Tin Mừng. Chúng
ta cũng hãy cầu nguyện cho Thượng HĐGM, trong những tuần lễ này đang đương đầu
với thách đố tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin.

Bằng nhiều thứ tiếng, ĐTC cũng chào thăm các phái đoàn chính quyền và các tín hữu
đến tham dự lễ phong thánh. Sau kinh truyền tin, ĐTC đã ban phép lành cho các
tín hữu như mọi khi.

Các phái đoàn

Sau thánh lễ, tại nhà nguyện Đức Mẹ Sầu Bi trong đền thờ thánh Phêrô, các phái
đoàn chính phủ đã được ĐTC đặc biệt chào thăm:

Phái đoàn Philippines gồm 7 người do Phó Tổng thống Jejomar Binay hướng dẫn;
phái đoàn Tây Ban Nha gồm 22 người do Bộ trưởng nội vụ Jorge Fernandez Díaz làm
trưởng đoàn; Phái đoàn Pháp có 22 người do Bộ trưởng nội vụ Manuel Valls; phái
đoàn Canada gồm 10 người do chủ tịch Hạ viện liên bang Ông Andrew Sheer; phái
đoàn Italia có 10 người do bộ trưởng y tế Renato Balduzzi, phái đoàn Đức có 6
người cho Chủ tịch nghị viện bang Bavaria bà Barbara Stam hướng dẫn; phái đoàn
Hoa Kỳ gồm 5 người do Đại sứ Miguel Diaz cạnh Tòa Thánh đại diện, và phái đoàn
Madagascar có 6 người do bà Annick Rajaona, trưởng Văn phòng ngoại giao, cầm đầu.

Trong gần 8 năm làm Giáo Hoàng, ĐTC Biển Đức 16 đích thân tôn phong 43 vị hiển
thánh, kể cả 7 vị sáng 21-10-2012, và ngoài ra có hơn 600 vị chân phước được
tôn phong, do Tông Thư của ngài, và thường là một vị Hồng Y, nhất là ĐHY Tổng
trưởng Bộ Phong thánh, chủ sự các lễ phong chân phước. Đa số các vị chân phước
được tôn phong trong thời gian qua là các vị tử đạo trong thời nội chiến tại
Tây Ban Nha từ 1936 đến 1939.

G. Trần Đức Anh OP

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay