Chuyện phiếm đọc trong tuần sau lễ Giáng Sinh năm B 25/12/2017-31/12/2017
“Ngày xưa ngày xửa ngày xưa”
Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe mầu tơ
Hai đứa mình còn trẻ thơ
Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ.”
(Phạm Duy – Quán Bên Đường)
(Gioan 6: 45-46)
Quán xá bên đường, đâu kể gì ngày xửa ngày xưa. Quán xá hôm nay, ở nhiều nơi/nhiều chốn, rất bên đường. Chỉ câu hát “mái tóc bánh bèo” hoặc “da mét vì nghèo” được cất thành tiếng vào buổi Hát Cho Nhau Nghe hôm 18/11/2017 ở Sydney, mới thành chuyện. Chuyện hôm nay, hay ngày xưa cũng đều có những tình-tự như sau:
“À a a nhớ nhớ em còn mái tóc bánh bèo
À a a nhớ má chưa hồng da mét vì em nghèo
Đầu anh còn húi trọc, còn húi trọc
Khét nắng hôi trâu thèm đi học, thèm đi học
Thèm đi học…
Em cầm một củ khoai
Ghé răng cạp vỏ rơi
Xong rồi mình chia đôi
Khoai sùng này lượm mót
Sao ngọt lại ngọt ghê
Giờ đây kỷ niệm ngày xưa
Giờ đây cảnh cũ chìm xa mù khơi
Gặp nhau một chiều lạnh mưa
Nhìn nhau quần áo bảnh bao mừng sao.
Nhìn em còn xinh còn tươi
Đời em tưởng đâu là vui
Nhà em phải chăng là đây
Dè đâu chẳng may là quán
Em bẹo hình hài đem bán
Rồi em hỏi anh: làm chi
Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì
Đời thối phải nói là thơm
Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm.”
(Phạm Duy – bđd)
Ngày xưa hay hôm nay, vẫn còn những câu những kéo rất mê hồn, như con người vào mọi thời. Và, con người hôm nay lại sẽ hỏi những câu hơi ngớ ngẩn để rồi câu trả lời cũng không ngẩn ngơ/ngơ ngẩn, rằng:
“Em hỏi nghệ thuật là chi.
Là đui, là điếc, là câm mà đi.
Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau.
Nào có ai đánh mà sao lòng đau.
Bánh ngọt cùng mời ăn.
Nhớ chăng củ khoai ngon.
Bánh tươm vàng như nắng.
Bánh này mình chưa cắn.
Sao mà miệng cay đắng.
Rồi xin một nụ cười thôi.
Cười ư?
Anh đã vùi quên nụ cười.
Thì xin vài giọt lệ rơi.
Lệ em cạn đã từ lâu, người ơi.
Trước khi từ giã hỏi nhau
buồn hay là vui.
Thì cứ hỏi ngay cuộc đời…
(Phạm Duy – bđd)
Đó là chuyện xảy ra ở ngoài đời. Một đời rất thơ, văn, nghệ thuật, rất đẹp. Còn, chuyện xảy đến với nhà Đạo, lại cũng có những điều khá lơ mơ, vẩn vờ như câu hỏi/đáp với đấng bậc ở Sydney, rằng:
“Thưa Cha,
Nhìn vào giáo-huấn của Đạo mình, con thấy rằng bất cứ ai thuộc bất kỳ tôn-giáo nào cũng đều được cứu vớt hết. Vậy thì, làm người Công giáo có gì lợi lộc hơn những người thuộc các Đạo khác, không? Phải chăng làm Phật tử, tín-đồ Ấn-giáo hoặc người Thệ Phản có dễ hơn không là bởi vì niềm tin trong Đạo của chúng ta đòi hỏi nhiều thứ hơn các Đạo khác chứ, phải không thưa Cha?” (Lại vẫn là câu hỏi nghe khá quen của một người)
Bảo rằng đây là “câu hỏi nghe khá quen của một người” hay nhiều người, thiết tưởng đó vẫn là những câu nhiều người hỏi, cần có giải đáp trung thực, và sâu sắc. Đấng bậc trả lời câu hỏi này, hôm nay, dù có sâu sắc/chắc nịch hay không, vẫn là đấng bậc ở Sydney vị vọng không ngại ngùng một vương-vấn hoặc khúc-mắc nào hết. Và, đấng bậc hôm nay, lại đã đáp trả như thế này:
“Vấn-đề không phải là làm sao tìm cho ra một đạo-giáo nào khả dĩ có ít đòi hỏi gửi đến thành-viên đạo-hữu của mình, mà thôi đâu. Các đạo-giáo tương-tự vẫn ở đây đó, rất không xa.
Vấn-đề ở đây, là bảo rằng: ta cũng nên tìm cho ra một đạo-giáo đến từ chính Thiên-Chúa và đạo-giáo này phải răn dạy qua tư-cách và thẩm-quyền thánh-thiêng con đường dẫn đến thiên-quốc. Thật ra, ta chỉ có duy nhất một đạo như thế mà thôi; và đây là thứ Đạo được chính Đức Giêsu tặng ba cho ta, là Hội thánh rất Công giáo.
Vâng. Chính thế. Hội thánh ta cũng từng đưa ra các đòi hỏi tương-tự gửi đến với chúng ta, nhưng đồng thời các đấng cũng tặng ban cho ta mọi giùm giúp/hỗ trợ ta cần đến ngõ hầu sống thực các đòi hỏi ấy. Hội thánh kỳ-vọng là ta tham-dự thánh lễ ngày Chúa Nhật và lễ các đấng thánh này khác hầu tuân-giữ ngày/mùa sám-hối mà thương-yêu người đồng-loại như chính mình; tôn-kính sự sống của hài nhi chưa sinh không bằng hành-xử phá thai, nhưng trung-thành trong hành-xử cho phải lẽ với người phối-ngẫu của mình, đến hơi thở cuối cùng.
Đành rằng, điều này càng làm cho cuộc sống của ta thêm bận-rộn. Thế nhưng, đó chính là con đường, là sự thật và là sự sống dẫn dắt ta đến hạnh-phúc ở nơi đây, trong hiện tại và mai ngày.
Hơn nữa, giáo-huấn của Hội-thánh ta còn dạy về các vấn-đề, như: phá thai, an-tử và tính keo sơn, trường-tồn của hôn-nhân không là những gì được các Giáo hoàng hoặc Công đồng thời Trung-cổ kỳ vọng, và rồi áp-đặt lên ta, từ đó đến thiên-thu. Đó là giáo-huấn đặt nền-tảng trên luật tự-nhiên, trên bản-chất rất nguyên-thuỷ của con người. Và, bằng vào tư-cách rất như thế, nên toàn thể nhân loại bất luận ta có là người Công-giáo hay không cũng đều áp-dụng cho mọi người.
Vốn dĩ mang bản-chất nền-tảng cho việc triển nở của con người, chúng giúp ta sống thực như người đoan-trang hợp khuôn phép biết tôn-trọng lẫn nhau, và khiến cho xã hội trong đó người người cùng sống lại sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Chính vì lý-do này, mà ta tỏ lòng biết ơn Đức Giêsu đã mang đến cho ta một Giáo-hội tốt đẹp có được sự trợ-giúp của Thánh Thần Chúa dạy ta biết sống trung-thành qua nhiều thời-kỳ con đường dẫn đến hạnh-phúc ở đây và mai ngày, vào đời sau.
Quả thật là, các đạo-giáo khác không rõ ràng đưa ra giáo huấn nào đòi người đi theo phải có hành-xử này khác, nhưng đòi hỏi này càng làm cho đạo-hữu của thấy khó lòng giúp họ thực-hiện cuộc sống theo cách tốt đẹp như bao giờ.
Thêm vào đó, Hội thánh không chỉ răn dạy ta đường-lối đúng đắn hầu đạt phúc hạnh mà thôi, nhưng còn tặng ban cho ta các Bí tích tràn đầy nhiều ý-nghĩa mà ta cần để có thể sống thực các giáo huấn này. Bí tích Thanh-tẩy tặng ban cho ta sự san sẻ đi vào cuộc sống của chính Thiên-Chúa bằng việc trú ngụ trong Ba Ngôi Thiên Chúa nơi linh hồn và bằng ơn thánh-hoá để rồi khiến ta nên thánh mà làm đẹp lòng Chúa.
Bí tích Thêm sức, lại cũng xác-nhận với ta huệ lộc Thanh Tẩy và ban cho ta thêm sức mạnh hầu sống xứng đáng như người Công-giáo thực-thụ. Thân Mình Chúa ta có thể nhận được mỗi ngày nếu muốn, vẫn kết-hợp ta một cách trọn vẹn với Đức Kitô và khiến ta dễ dàng trở nên giống Đức Kitô hơn, qua hành-xử. Thêm nữa, Bí tích Xá giải lại thứ tha các lầm lỡ, tội phạm của ta rồi sẽ gửi ta đi vào con đường sạch sẽ có bổ dưỡng hầu khởi sự cuộc chiến đấu linh-thiêng nhiều hơn nữa.
Bí tích xức dầu Kẻ liệt, làm cho ta mạnh hơn lên mỗi khi ta gặp nguy hiểm có thể chết. Đời sống vợ chồng trong hôn-nhân chính đáng tặng ta ân-huệ thỷ chung với quyết-tâm của mình trong hôn-nhân. Và, Bí tích truyền chức thánh tặng ban cho ta các thừa-tác-viên lành thánh có khả-năng thực-hành bí tích, cử-hành thánh-lễ và hướng-dẫn ta trong công-cuộc thánh-hoá bản thân, của mỗi người.
Không có được sự trợ-giúp như thế, tín-hữu chúng ta sẽ đi về đâu? Cũng nên nhớ, rằng: tất cả mọi người trên thế-giới, dù có là người Công-giáo hay không, đều phải chiến-đấu tránh phạm tội. Không một ai là miễn-nhiễm trước các cơn cám dỗ hoặc phạm lỗi trước mặt Chúa.
Thế nhưng, còn gì dễ hơn là chiến thắng khi ta có được giáo-huấn rõ ràng của Hội thánh về những chuyện tốt/xấu và ta có được các Bí tích giúp ta mạnh mẽ thêm và tẩy sạch khi ta ngã quỵ. Tất cả mọi sự sẽ phán xét cung-cách ta sống các lời răn căn-bản về luân-lý/đạo-đức và khi ta có được sự trợ giúp của Hội thánh rồi, mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn với ta.
Lại nữa, tham-dự thánh lễ các ngày Chúa nhật không phải là gánh nặng ta phải chịu mà là trợ giúp rất lớn để ta sống cuộc sống tốt đẹp. Trong Tiệc Thánh, ta có cả cộng-đoàn xung quanh luôn cầu nguyện với ta và cho ta trong chiến đấu. Ta được nghe Lời của Chúa vốn nhắc nhớ ta các sự thật căn bản về Thiên-Chúa, về sự sống và nỗi chết, và về cuộc sống ở đây, dưới thế-trần này.
Tham-dự thánh lễ, ta còn được nghe các bài giảng khuyến-khích ta cung cách tích-cực mà thực-thi những gì ta đã nghe được trong các bài đọc hầu giúp ta chiến đấu sống xứng-đáng bậc thánh-hiền.
Ta cùng nhau nguyện cầu với vị linh-mục và cộng-đoàn giáo-dân đưa nhau đến gần Chúa là Đấng ta phụng thờ hầu cảm tạ mọi ơn lành Ngài tặng ban, lâu nay. Trên hết mọi sự, ta còn được rước Mình Máu Chúa để trở nên một trong Đức Kitô.
Nói tóm lại, làm người Công-giáo tức là ta có đủ mọi lợi lộc trong đời mình. Mỗi năm có cả trăm ngàn người gia-nhập Hội-thánh vào lễ Phục Sinh không phải để chơi giỡn, và nhiều người trong họ đến từ các đạo-giáo đòi hỏi nơi thành-viên ít thứ, ít chuyện hơn Đạo ta.
Nay, ta hãy cảm tạ Chúa vì Ngài đã ban cho ta Hội thánh của Ngài rất lành thánh, rất tốt đẹp. (X. Lm John Flader, Is there any advantage in being Catholic, given the demands on us, the Catholic Weekly 19/4/2015, tr. 18)
Người đi Đạo nào cũng thế, kể cả Công giáo, Phật Giáo lẫn Đạo Hồi đều có một tâm-điểm rất giống nhau, là cứ men theo cuộc đời người. Điểm going giống ở đây, còn là mẫu sỗ chung giống hệt câu truyện kể ở bên dưới:
“Đàn ông luôn tỏ ra bất mãn với “Tật nói nhiều” của Phụ nữ, thậm chí coi đó là một giấc mộng kinh hoàng nhất trong cuộc đời! Trong khi đó, hầu hết Phụ nữ lại cho rằng: Họ buộc phải nói nhiều để “chiến đấu” với tật xấu của bạn đời.
Theo các Chuyên gia về gia đình, thì không có gì hoang tưởng hơn, là chỉ dùng lời nói mà có thể cải tạo được một người Đàn ông. Trái lại, không ít cuộc ly hôn đã là hậu quả trực tiếp, hay gián tiếp, của những cuộc tra tấn bằng ngôn ngữ triền miên ….
Người ta kể rằng:
Có một người Đàn ông bị đi tù 2 năm vì tội đánh vợ. Sau khi mãn hạn được tha về đoàn tụ với gia đình mới có một tuần lễ, anh ta lại khăn gói đến xin Ban quản lý nhà tù cho được tiếp tục cải tạo đến hết đời. Hỏi vì sao anh không thích ở nhà mà lại muốn vào tù? Anh ta thú thật rằng: Tuy ở trong tù mất tự do thật, nhưng còn sướng hơn ở nhà, vì không bị vợ nói ra rả suốt ngày đêm!
Một cuộc điều tra 3.000 người đàn ông ở Thượng Hải với câu hỏi:
– “Tính xấu của vợ mà anh ngán nhất?” thì 86% người trả lời:
-Nói nhiều!
Các nhà Tâm lý học cho rằng: Hầu hết đàn ông đều sợ cái tính nói dai của các bà vợ. Nỗi sợ này có nguồn gốc sâu xa từ hồi nhỏ khi anh ta bị mẹ mắng mỏ. Đàn ông lẩn tránh các lời khuyên của vợ cũng giống như khi còn bé họ lẫn tránh lời dạy bảo của mẹ.
Hóa ra, Đàn ông rất hay bị Đàn bà rầy la:
Lúc bé thì mẹ mắng.
Lớn lên một tí bị chị mắng.
Lớn tí nữa, bị người yêu chê trách.
Lấy vợ bị vợ đay nghiến.
Về già lại bị con gái kêu ca ….
Có phải Đàn ông bị vợ nói nhiều là đáng đời vì họ lắm tội? Tiếc rằng thực tế cho thấy: Khó mà có ông chồng nào thoát khỏi những “tội lỗi” ấy:
-Người làm việc trí óc bị rầy la về đóng cái đinh không nên hồn!
-Người khéo léo chân tay lại bị chê là viết cái đơn không xong!
-Người giỏi cả chân tay lẫn trí óc lại bị tra tấn, vì không bao giờ biết mua vé đưa vợ đi xem một bộ phim …
Giải thích tại sao Phụ nữ nói nhiều, có nhà Khoa học cho rằng: Vì khả năng sử dụng ngôn ngữ của họ mạnh hơn Nam giới. Lại có người cho rằng là từ thời tiền sử, Phụ nữ trồng trọt hái lượm nên tha hồ nói chuyện, trong khi đàn ông đi săn bắt phải ẩn nấp không nói được. Thật ra, Đàn bà cũng chẳng thích lắm điều, nhưng vì đa số việc nhà vẫn rơi vào tay Phụ nữ mà những việc đó thì không mấy khi được vừa lòng, do chồng con gây ra, vì vậy Phụ nữ không nói cũng không được.
Tuy nhiên, các nhà Tâm lý cho rằng: Người vợ khôn ngoan nói cái gì chỉ nói một lần thôi. Nếu điều đó không theo ý mình, thì cũng không nói đi nói lại, mà hãy làm thay anh ta. Bởi vì, cũng theo các Chuyên gia về gia đình, thì không có gì hoang tưởng hơn chỉ là dùng lời nói mà có thể “cải tạo” được một người Đàn ông đâu!
Bây giờ ta hãy đi ngược thời gian xem khi mới quen hơi bén tiếng nhau, Phụ nữ có thói quen ấy không. Nếu có, có lẽ số cuộc kết hôn phải giảm đi 90%. Vậy khi mới yêu nhau, phụ nữ cư xử với đàn ông thế nào? Thường lúc đó họ khen không ngớt. Nào là: “Anh giỏi quá!”; Anh tài quá!”; “Anh thông minh quá!”…
Thì ra, mọi chuyện chỉ bắt đầu từ khi kết hôn. Hãy thử nghe một đoạn băng ghi âm xem một cuộc xung đột vợ chồng thường diễn ra như thế nào? Ăn xong, người vợ nhẹ nhàng bảo:
-Bữa nay, anh rửa bát nhá!
Chồng vừa dán mắt vào tivi vừa trả lời:
-Được rồi, cứ để đấy!
Mươi phút sau vợ hỏi;
-Anh có rửa bát không nào?
Anh ta vẫn không dời mắt khỏi ti-vi, miệng trả lời:
-Có!
Nhưng đa số Phụ nữ không chấp nhận như thế! Họ muốn chồng phải làm ngay, nếu không thì hoặc họ sẽ tự làm, hoặc họ sẽ “trình diễn” một bộ mặt hình sự, mà những người đàn ông yếu bóng vía có thể bị chấn thương tâm lý, đến mức thấy mình đúng là một tên tội phạm. Bộ mặt ấy sẽ tiêu diệt hết cả mọi thú vui của anh ta trong ngày hôm đó.
Suy cho cùng, ai chả muốn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, nhưng nếu vì thế mà đánh đổi cả bầu không khí gia đình êm ấm có nên không? Không ít cuộc ly hôn đã là hậu quả trực tiếp, hay gián tiếp, của những cuộc tra tấn bằng ngôn ngữ triền miên này. Để kết thúc bài viết, xin kể một câu chuyện có thật về một đôi vợ chồng người Nga.
Sergei Ivanovich kết hôn với Lena Xeramova và chỉ còn mấy hôm nữa là đến ngày kỷ niệm đám cưới vàng. Bỗng nhiên bữa nọ đang ăn thì bà vợ phát hiện chồng đánh rơi miếng thịt ra sân nhà, bà ta nghiến răng gầm lên:
-Ông ăn uống cái kiểu gì thế?
Sergei sửng sốt rồi ánh mắt từ từ lạnh lùng nhìn vợ, không nói một lời đứng dậy thu xếp khăn gói ra đi.
Về sau có người bạn thân của ông kể lại lần gặp cuối cùng, ông ta nói:
-Lúc nào bà ấy cũng đay nghiến tôi! Bà ấy nói tôi suốt đời không làm được một việc gì ra hồn! Lần này, ít nhất tôi cũng làm được một việc ra hồn, là … ra đi vĩnh viễn! (Truyện kể trích từ trên mạng)
Trích đâu thì trích, chỉ cần bạn trích câu chuyện đời người đúng thực-tế để người nghe còn nể phục và cho rằng mình nói đúng và kể cũng không sai. Còn, cung-cách kể lể có nể-phục hay không, đều tuỳ mỗi người và mọi người.
Thế đấy, câu chuyện phiếm Đạo/đời cần kể nhiều, kể mãi không thôi. Nhưng, hôm nay đây, kể như thế cũng đã nhiều. Nay, xin bạn và tôi, ta kết thúc câu chuyện những kể lể, để tạm ngơi nghỉ, hầu kéo dài cuộc sống cần nghe chứ không cần kể nhiều như các cụ vẫn khuyên mọi người, trong đời.
Cần nghe nhiều, và chỉ nên nghe lời vàng của bậc thánh hiền lâu nay, vẫn dạy rằng:
“Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ:
Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ.
Vậy phàm ai nghe
và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha,
thì sẽ đến với tôi.
Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu,
nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến,
chính Đấng ấy
đã thấy Chúa Cha.”
(Gioan 6: 45-46)
Trần Ngọc Mười Hai
Xưa nay vẫn thích nói nhiều hơn nghe kể
Nên mới gọi đó là Chuyện Phiếm Đạo Đời
Rất buồn cười.