NHỮNG DẠNG VI TẾCỦA VIỆC TÔN THỜ NGẪU TƯỢNG

NHỮNG DẠNG VI TẾCỦA VIỆC TÔN THỜ NGẪU TƯỢNG

 Đôi khi trong những giây phút trầm tư hơn, tôi buộc phải tự hỏi: Có phải tôi thật sự mong muốn Chúa không, hay chỉ quan tâm đến những chuyện thuộc về Chúa?Có phải tôi muốn giảng dạy, diễn thuyết và viết về Chúa nhiều hơn là tiếp xúc đích thực với Chúa – chỉ Chúa và tôi, trong cầu nguyện và thinh lặng? Có phải tôi thích làm những chuyện về Chúa và tôn giáo hơn là ẩn mình và thinh lặng trong sự hiện diện của Chúa?

Những câu trả lời cho các câu hỏi này cần phải dễ dàng và rõ ràng. Nhìn bề mặt, rõ ràng có vẻ tôi mong muốn Chúa: Tôi cố gắng cầu nguyện huyện này, không nhất thiết Chúa phải là trọng tâm chú ý thật sự của những hoạt động này. Trọn trọng tâm chú ý có thể dễ dàng ở chỗ khác.

Có thể tất cả chúng ta đều nên tự hỏi câu này: Trong những hoạt động rõ ràng là tôn giáo của chúng ta, có phải chúng ta thật sự muốn có mối quan hệ với Thiên Chúa và với Giê-su không, hay, nếu trung thực nhìn nhận, có phải chúng ta quan tâm làm sao để có nghi thức phụng vụ tốt, thần học tốt, linh hướng hay, trải nghiệm tôn giáo hay, kiếm tìm cầu nguyện giỏi, hoạt động mục vụ, các dự án thành công ở nhà thờ, bảo vệ luân lý tốt, có hướng giải quyết tốt cho các vấn đề công chính, làm dễ dàng việc giữ đạo, hay không? Không phải những điều đó không tốt, những điều đó thật sự tốt, nhưng nghịch lý thay, chúng có thể chính là cách để chúng ta tránh khỏi phải đối diện với tiếng gọi sâu thẳm, đòi hỏi chúng ta có mối quan hệ mật thiết với Chúa. 

C.S. Lewis thích mô tả cuộc vật lộn của chúng ta trong vấn đề này và ông gọi nó bằng chính bản chất thường gặp của nó:tôn thờ ngẫu tượng, hiến dâng cả bản thân mình cho một điều gì đó chỉ là như Chúa, trái với việc hiến dâng bản thân mình cho chính Chúa. Ông mô tả như sau:

Trong quyển sách Cuộc ly dị vĩ đại (The great divorce), Lewis tưởng tượng mười cảnh trong đó người chết được một “thiên thần” gặp ở thế giới bên kia, thiên thần này cố gắng dỗ dành người mới qua đời đồng ý để thiên thần nắm tay dẫn vào thiên đường. Để vào được thiên đường, trong mọi trường hợp, chỉ có một điều kiện duy nhất và đơn giản: Bạn chỉ việc tin tưởng vị thiên thần và để bản thân mình được đưa đi!

Một trong những cảnh này, Lewis hình dung cuộc đối thoại giữa một trong các vị thiên thần này với một họa sĩ danh tiếng vừa mới qua đời.  Vị thiên thần cố gắng thuyết phục ông vào thiên đường, bằng cách tả các cảnh đẹp tuyệt vời của thiên đường.  Ban đầu ông họa sĩ phấn khích và háo hức lắm, nghĩ tới mình sẽ vẽ được các kiệt tác,nhưng ông đâm ra kháng cự và nổi giận khi biết một khi lên thiên đường, chẳng còn ai cần đến ông để vẽ vời và ông cũng chẳng có nhu cầu vẽ vời gì nữa. Thay vào đó, ông chỉ việc đơn giản ở trong lòng thiên đường và tận hưởng thiên đường. Vì thế ông từ chối không vào thiên đường, thà chọn ở lại nơi ông có thể vẽ thiên đường hơn là ở trong thiên đường. Ông phản đối vị thiên thần, lý lẽ là, với tư cách nghệ sĩ, hội họa tự nó là cứu cánh, “vẽ là để vẽ.”

Vị thiên thần đáp: Mực, dây cat-gút và màu ở dưới thế là cần thiết, nhưng chúng cũng chính là chất kích thích nguy hiểm. Trừ phi có ân huệ của Thiên Chúa, mỗi nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đều bị kéo ra xa khỏi tình yêu của những điều mà quý vị đó sáng tác, mà chỉ yêu thích cái việc kể, cho đến khi, chìm sâu trong Địa Ngục sâu thẳm, họ không thể quan tâm mong muốn Chúa mà chỉ để ý đến những gì họ nói về Người.  Và…, như ông biết đó, họ không dừng lại ở việc quan tâm đến màu vẽ.  Họ chìm sâu hơn – trở nên quan tâm tới cá tính của mình, và rồi chẳng quan tâm tới cái gì khác ngoài tiếng tăm của mình.

Điều mà vị thiên thần này nói về các nghệ sĩ thì cũng cần nên nói với các nhà thần học, tác giả linh đạo, linh mục, giám mục, mục sư, trợ tế, thầy sáu, nhân viên mục vụ, người cổ xúy công bằng xã hội, tất cả mọi dạng người chống đối về luân lý, những vị chủ trì các khóa tu, những vị hướng dẫn linh thao, những nhà lãnh đạo nhóm cầu nguyện, và kể cả những ai đang tích cực và sẵn lòng kiếm tìm chiều sâu trải nghiệm trong cầu nguyện. Mối nguy hiểm luôn luôn là, giống như ông họa sĩ kia thích và cần vẽ cái đẹp hơn là đơn thuần thể nhập với cái đẹp, chúng ta cũng sẽ biến hoạt động tôn giáo mà chúng ta đang làm trở thành cứu cánh trong chính nó hơn là giữ mối quan tâm thật sự và trọng tâm chú ý của chúng ta vào Chúa.

Và điều trớ trêu là các hoạt động tôn giáo, giống như nghệ thuật, có thể là một trong những mối nguy hiểm còn lớn hơn thuộc loại tôn thờ ngẫu tượng này.Chính những vị đi giảng tài năng, nhà thần học vĩ đại, vị tư tế xuất sắc, vị mục sư được công chúng cực kỳ yêu mến, vị giám mục hoặc người quản lý có năng lực tuyệt vời mới là những người sẽ phải gắng gỏi khó khăn nhất để tránh mối nguy hiểm này. Như Lewis nói: Anh biến thành quỷ dữ không phải từ chuột bọ hay chí rận dơ bẩn, mà từ những vị tổng lãnh thiên thần xấu xa.Ngụy tôn giáo của thèm khát thì đê tiện hơn là ngụy tôn giáo đối với tình mẫu tử, lòng ái quốc hay yêu nghệ thuật; nhưng thèm khát thì khó trở thành một tôn giáo.

 Mỗi khi chúng ta cầu nguyện, làm mục vụ, hay làm bất cứ điều gì mang tính cách tôn giáo, chúng ta nên tự hỏi: Việc này thật sự là về ai và về điều gì?

From Đỗ Tân Hưng & Nguyễn Kim Bằng

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay