“Từng bước từng bước thầm”
Hoa vòng rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm
Em yêu gì xa vắng
Cho trời mây ướp buồn.”
(Y Vân – Những Bước Chân Âm Thầm)
(Thư Rôma 5: 5-8)
Trần Ngọc Mười Hai
Ấy chết! “Những Bước Chân Âm Thầm” ở đây, phải chăng là những bước rất “chập-chững” đi vào giòng đời, của người vừa mới lớn, chứ?
Ơ kìa! Đã âm-thầm bước những bước chập chững rồi, sao lại có “Mưa giữa mùa tháng Năm”, và “Gió rét về lạnh căm” như câu tiếp:
“Từng bước từng bước thầm
Mưa giữa mùa tháng năm
Tay đan sầu kỷ niệm
Gió rét về lạnh căm
Từng bước chân âm thầm.
Anh yêu tình nở muộn
Chiều tím màu mến thương
Mắt biếc sầu lắng đọng
Đèn thắp mờ bóng đêm.
Từng bước từng bước thầm
Khi người yêu không đến
Tuổi xuân buồn lặng căm
Đi trong chiều mưa hoang
Đời biết ai thương mình.”
(Y Vân – bđd)
À thì ra! Sở dĩ anh có “những bước chân âm thầm”, là bởi vì “khi người yêu không đến”, thế nên “tuổi xuân buồn lặng căm” và “đời biết ai thương mình”!
Vâng. Thế đó, còn là tâm tình ở buổi “Hát Cho Nhau Nghe” đêm mồng 5 tháng 11 năm 2016 ở Sydney hôm ấy, đã thấy 4 chàng “hát sĩ” với tuổi đời “không còn trẻ” là: Uông Thế Công, Vũ Hùng, Quang Thắng, Vũ Nhuận nhưng vẫn hiên ngang bước vào lằn sáng sân khấu, mở đầu Chương Trình Nhạc chủ-đề “Nhạc Thơ Tràn Muôn Lối”. Thế đó, còn là tình-tự luẩn quẩn bên người nghe khiến mọi người quên cả ngủ/nghỉ dù trời đêm Sydney hôm ấy không mấy nóng đến quá độ.
À thì ra! Cứ vui chơi ca hát suốt đêm dài dầy đặc, bạn sẽ nghiệm ra rằng: có nhiều bước âm thầm, lặng câm, êm ấm đang đi vào giòng đời, để rồi người người lại sẽ nhận ra là “đời biết ai thương mình…”
À thì ra! Có bước những bước chân “âm thầm” như thế cũng đã đi vào nhà Đạo, để rồi bạn và tôi ta lại thấy: đời người đi Đạo cũng xôn xao, chộn rộn vì những thắc mắc của người em nho nhỏ ở miền quê xa vắng, chạy đến hỏi han các đấng bậc những câu sau đây:
“Thưa Cha,
Con đây giống hệt mọi người từng được học Giáo lý/Sách Phần dạy rằng: Đạo-lý Chúa dạy, tóm lại chỉ gồm hai điều thôi: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Đương nhiên là như thế. Nhưng đôi lúc, con đây lại thấy rằng: trên thực-tế, con thường vẫn yêu chồng thương con còn nhiều hơn cả Chúa Trời, thế mới chết! Vậy nên, câu hỏi con đưa ra hôm nay, là: Điều-răn tóm gọn ở câu kinh: Trước: kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, nghĩa là gì? Xin Cha giải-thích giúp con qua cơn trầm-thống rất ưu tư này nhé. Được thế, con cảm ơn cha nhiều vô kể. Ký tên: Một nữ giáo-dân họ đạo nhỏ, hiểu biết lẽ Đạo cũng rất ít.”
Không cần biết nữ giáo-dân ở xứ đạo lớn/nhỏ hiểu biết nhiều nhặn ra sao, nhưng nếu chị hỏi điều gì là có ngay đấng bậc ở toà báo sẵn sàng chỉ chờ cho có người hỏi, là Đức thày John Flader của tờ The Catholic Weekly có ngay một lời bàn như sau:
“Có nhiều cách để thấy được là ta thường thương-yêu mến-mộ người này nhiều hơn kẻ khác. Một, là: do cường-độ tình-cảm ta đặt nơi người này, hơn hẳn người kia. Theo cách như thế, ta thường trải-nghiệm tình-cảm thương-yêu gia-đình hoặc bạn-bè cả Chúa.
Cuối cùng ra, thì: trong đời mình, những người như thế là người ta sờ chạm được. Và, những người này bày-tỏ tình họ thương ta cách hiển nhiên theo đó đã đánh động ta để có được tình thương mạnh mẽ đối với họ. Trong khi đó, Thiên-Chúa là Đấng ta không thấy được bằng mắt thịt hoặc không nghe được bằng đôi tai nhỏ bé của ta và như thế cũng là chuyện tự-nhiên giúp ta thấy được là mình không thể cảm-nghiệm cùng một cường-độ yêu thương Ngài như ta vẫn làm cho một số người.
Cả đến các thánh cũng không hề cảm-nghiệm cùng một tình-tự thương-yêu đối với Chúa, vào mọi lúc. Mọi người chúng ta đều biết là thánh Têrêsa thành Calcutta cũng từng một thời cảm-nghiệm lòng đạo khô-khan rất nhiều lúc, tức có nghĩa: cứ thấy Thiên-Chúa vắng mặt, thấy bóng tối dầy đặc bao trùm hồn ngài trong suốt 50 năm cuộc đời ngài.
Tình thương-yêu đích-thực đối với Chúa không là kinh-nghiệm ta có qua cảm-xúc mà qua hành-động. Thánh Gioan Tin Mừng có viết trong thư thứ nhất đoạn 3 câu 18 vẫn nhắc nhở: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.”
Chính Đức Giêsu vẫn mời gọi ta yêu-thương Ngài theo cách này: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” (Ga 14: 15) Giả như các thánh không lại thấy mình không yêu-thương Chúa, thì các ngài cũng luôn luôn tỏ-bày tình thương-yêu của các ngài qua hành-xử, bằng việc thực hiện ý-định của Thiên-Chúa, thôi.
Con người lại có lúc thấy mình yêu-thương người này hơn người khác, là cung-cách mà ta gọi là yêu-thích thứ này hơn thứ kia. Đây, không là cường-độ cảm-xúc nhưng đúng hơn, là: sự yêu-thích người này thương yêu một người khác, trong ý-chí. Cả vào khi ta có thể yêu-thương con người với nhiều cường-độ xúc-cảm hơn là ta cảm-nghiệm trong tình thương ta có đối với Chúa; khi đó, ta lại ưa để mất tình thương-yêu của người ấy hơn là mất đi lòng thương Chúa và cùng với lòng thương này là sự sống vĩnh-cửu đối với Ngài.
Chính Đức Giêsu cũng từng nói đến sự yêu-thương chọn lựa ở Tin Mừng thánh Mát-thêu đoạn 10 câu 37 sau đây: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.”
Rõ ràng là, điều mà Đức Giêsu qui-chiếu ở đây là về sự yêu-thích, chứ không phải cảm-giác thương-yêu. Nói cho rõ, Ngài muốn ta thương-yêu các thành-viên gia-đình của ta cũng hệt như ta yêu Chúa, như Tin Mừng thánh Luca đoạn 10 câu 27 còn nói rõ: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”
Và sách Đệ Nhị Luật đoạn 6 câu 5 lại cũng nói: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên-Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em.” Thế nhưng, rõ ràng là Ngài những muốn ta yêu-thương Ngài hơn người lân cận, và cả các thành-viên trong gia-đình mình nữa…
Nói tóm lại, ta càng chứng-tỏ rằng ta yêu Chúa bằng cách kiên-trì nguyện-cầu sám-hối, bằng việc đón-nhận các phép bí-tích và làm theo ý Chúa trong mọi việc, tức là ta cũng sẽ chuẩn-bị hy-sinh tất cả mọi sự còn hơn để mất tình thương-yêu Thiên-Chúa.” (X. Lm John Flader, Is it OK if I love my kids and husband more than God, The Catholic Weekly, 25/9/2016, tr. 22)
Lời giải-đáp của đấng bậc ở nhà Đạo, nghe rất quen. Quen, đến độ mọi người đều thuộc lòng vì tuần nào cũng đọc kinh kệ có những lời như thế. Đọc hết “10 điều răn Đức Chúa Trời”, lại đến “6 điều răn Hội thánh”, và còn “8 mối phúc thật”, rồi đến “Thương người có mười bốn mối”, ôi thôi cộng lại cũng rất nhiều. Nhiều đến độ người đọc thuộc như cháo, nhưng chẳng biết rằng mình sẽ thực hiện được bao nhiêu? Bằng chứng, là kẻ “ăn xin” ngồi ở cửa nhà hờ vẫn xếp hàng dài ngồi ở đó, đến quen mặt.
Trước cửa nhà thờ, thì như thế. Còn, trước cổng chùa thì sao? Câu trả lời, nay mời bạn và mời tôi, ta nghe truyện kể nhẹ ở dưới, sẽ biết ngay:
“Truyện rằng:
Có một ông lão kéo một xe gạo nặng nề đang lê bước trên đường vừa đi vừa thở hổn hển… Trong có vẻ rất mệt, bánh xe chao đảo va vào một cục đá bên đường, làm cả xe gạo đổ nhào xuống hết… Ông lão cố hết sức nâng xe gạo lên, nhưng trong tình thế bất lực và mệt mỏi mồ hôi nhễ nhại, trời thì nắng chang chang…Thế là ông ngồi bệch xuống đất luôn…
Trong khi nhìn xung quanh, ông thấy một ngôi chùa, bên ngoài ngôi chùa là những chiếc xe hơi đang dựng san sát nhau, trước cảnh tượng nhìn thấy như vậy, vẻ mặt ông có vẻ đăm chiêu và phiền não. Ông suy nghĩ và nói thầm: “Người vừa sinh ra thì đã giàu… có kẻ làm lụng vất vả cả đời lại chẳng có gì!?”
Một Phật tử nghe thấy và nói:
-Ông đã đến cửa Phật sao không vào thành tâm cầu nguyện, lại ngồi đây than thân trách phận! Ông có thấy chùa Phúc Lai bên kia đường không?
Cô gái chỉ, ông lão dõi mắt nhìn theo …
-Tôi nghe bảo Chùa đó rất thiêng, chả thế mà khách thập-phương cứ kéo đến ùn ùn … Ông xem kìa, những chiếc xe hơi đậu san sát trước cổng Chùa!
Theo lời chị dẫn tận lòng của cô gái, ông Lão nhờ cô gái trông giúp mình xe gạo và bước từ từ vào bên trong Chùa theo tiếng chuông ngân… Trước mắt ông, là cảnh tượng một số người khác cứ chấp tay và miệng lẩm nhẩm điều gì đó trong miệng không biết? Còn khói nhang thì lan tỏa nhiều nơi.
Đứng từ xa nhìn Ông có vẻ ngơ ngác, một Vị tăng bước tới và nói:
-Thí chủ lần đầu tiên đến đây phải không?”
-Vâng! thưa Thầy lần đầu con đến nơi cửa Phật nên chẳng biết cầu nguyện ra làm sao? Mong Thầy chỉ dạy”
-Thí chủ thỉnh cầu điều gì?
Ông Lão quay nhìn những người kia và nói:
-Con cầu xin đức Phật ban phát sự Công bằng !?”
-Công Bằng ư?
-Vâng, thưa Thầy. Con sinh ra trong một Gia đình nghèo khổ, bần hàn không được học hành tử tế, từ bé đã phải tự mưu sinh, lớn lên lấy một người vợ nghèo và nai lưng làm lụng như trâu bò, để nuôi bầy con nheo nhóc. Cuộc đời khốn khổ cơ hàn cứ thế bám theo con dai dẵng. Trong khi có biết bao nhiêu người khác sinh ra trong một Gia đình giàu sang, chẳng cần cố gắng mà vẫn sống suốt đời trong nhung lụa. Như vậy, không Công Bằng! Nếu Đức Phật linh thiêng xin Ngài hãy ban cho con một ít may mắn của những người kia!
-Như người kia ư?
-Chỉ cần nhìn họ là đủ biết họ giàu sang Quý phái cỡ nào rồi! Nhưng người nghèo khổ như con không thể hiểu nỗi họ làm gì mà giàu sang lắm vậy?
-Cái đó tôi không biết? nhưng khi tới đây họ cũng chỉ là Ăn xin cả thôi!
-Ăn xin ư? thưa Thầy!
-Đúng … Ăn xin Cửa Phật!
-Nhưng nhìn họ giàu sang Quý phái có thiếu gì mà phải đi ăn xin?
– Sống trên cõi đời này mấy ai thỏa mãn những gì mình đang có. Không tin thí chủ cứ lại gần họ xem!
Ông Lão tò mò đến gần mọi người, ép sát tai nghe thử xem họ đang nói những gi? Một anh chàng thanh niên khá trọng tuổi mặc áo “suite”, thắt cà vạt trong rất chỉnh-tề, lịch sự nói:
-Cầu xin đức Phật cứu giúp công ty con khỏi bị phá sản, hàng trăm Gia đình công nhân đang trong chờ vào Công ty. Đang trông chờ vào sự chèo lái của con Mô Phật!
Một người Phụ nữ lớn tuổi ở bên cạnh khóc thút thít nói:
-Xin người rủ lòng từ bi cho con sức mạnh để chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. Xin người đừng để con phải chịu những cơn đâu hành hạ, dày vò.”
Có cô Gái trẻ tuổi nọ đứng gần đó khuôn mặt có vẻ buồn rầu ủ rủ cũng nói nhỏ:
-Năm nay con đã ngoài 30 tuổi, mà vẫn chưa có người yêu thương. Con vô cùng buồn tủi, con chỉ xin Ngài linh thiêng cho con chút duyên số để con tìm được một tấm chồng, xin Người ban phước, Mô Phật!
Ông Lão nghe những lời ấy mà lòng cảm động rơi nước mắt. Ông nói lên một tiếng:
-Tội nghiệp quá! Và đứng dậy bỏ đi tới chổ Vị tăng ngồi.
-Thưa Thầy họ cầu xin rất nhiều điều, hóa ra họ toàn là ăn xin thật! Con cứ nghĩ trên đời này ai cũng Hạnh phúc hơn con, chứ ai biết được họ cũng có nhiều nỗi Khổ đến thế! Ngẫm ra Con còn có nhiều điều hơn họ như: bình an, sức khỏe, sự vô tư chẳng hạn và hạnh phúc!
-Đúng vậy! Cuộc đời công bằng với tất cả mọi người. An phận với thực tại và cố gắng hết sức mình để Tự Mình Hóa Giải những khó khăn trong cuộc sống .Đó mới chính là một Cuộc Đời Hoàn Hảo.
Ông Lão nghe xong Tỉnh ngộ. Tiếng chuông vẫn vang trong không gian… xa dần … xa dần… (Truyện kể đọc trên mạng vi-tính)
Truyện kể ở trên mạng, hay trên bục giảng nhà Chúa hay nhà Chùa, cũng đều thế. Nghĩa là: có đôi chút gì đó răn-dạy người nghe hãy tìm cho mình một nhân-sinh-quanlành thánh để còn sống. Nhân-sinh-quan, hay còn gọi là quan-niệm nhân-sinh/cuộc đời, của con người. Mỗi thế thôi.
Nhân-sinh quan, hoặc lời đề-nghị của đáng thánh nhân-hiền Đạo Chúa đôi khi cũng na ná như thế. Đấng thánh khuyên mọi người, những lời tưởng chừng dễ quên như sau:
“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta,
nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta.
Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì
vì còn là hạng người vô đạo,
thì theo đúng kỳ hạn,
Đức Kitô đã chết vì chúng ta.
Hầu như không ai chết vì người công chính,
hoạ may có ai dám chết
vì một người lương thiện chăng.
Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta,
ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi;
đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.”
(Rm 5: 5-8)
Đấng thánh-hiền nhà Đạo, giải thích ý-nghĩa sự chết của Đức Kitô làm bằng cho tình Chúa thương ta. Quả thật, Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu đã sử-dụng tình-Ngài-thương-ta để giải quyết tất cả mọi thứ và mọi sự. Những thứ và những sự, mà tâm-can con người không hiểu trọn vẹn nhưng chỉ cảm-nghiệm thôi.
Quả thật, thương-yêu là tất cả mọi sự. Thế nên, tình thương mới giải-quyết được mọi sự trong đời. Chí ít, là tình thương-yêu từng khoả-lấp âu-sầu/thù-hận giữa người với người, nữa. Giải-quyết, cả những lơ-là/quên-lãng từ phía con người, thật không khó.
Quả thật là: mọi sự việc trong đời, không do tự ta mà có cũng không tự ta mà ra. Nhưng đã có bàn tay định-vị mọi thứ mà người nhà Đạo chúng ta quen gọi là “Ân-huệ Chúa ban”. Ân-huệ ấy, Ngài ban cho ta cách “nhưng-không”, tức: không do tài cán hoặc công-lênh nào của ta hết.
Tình-yêu Thiên-Chúa cũng thế. Trong yêu-thương nhau, thương-yêu mọi người, Ngài luôn đi bước trước. Ngài thương-yêu con người và mọi loài trước cả khi con người biết đối-đáp tình Ngài ban ra, nữa.
Nói theo ngôn ngữ người trần-tục qua thi-ca và âm nhạc, là nói trong tiếng hát vẫn cừ bảo:
“Anh yêu tình nở muộn
Chiều tím màu mến thương
Mắt biếc sầu lắng đọng
Đèn thắp mờ bóng đêm.
Từng bước từng bước thầm
Khi người yêu không đến
Tuổi xuân buồn lặng căm
Đi trong chiều mưa hoang
Đời biết ai thương mình.”
(Y Vân – bđd)
Nói và hát như thế vẫn chưa đủ. Có lẽ cũng nên nói bằng truyện kể để minh-hoạ điều mình vừa nói, rất như sau:
“Phú ông nọ, sau khi bỏ thời-gian gần trọn cuộc đời mình rồi, nay mới nghĩ chuyện tìm một người để thương-yêu thành gia-thất. Sau thời-gian dài tuyển chọn, ông tìm ra được 3 người tương-đối rất vừa ý. Vào vòng cuối, ông đưa cho 3 người vợ tương-lai mỗi người một nghìn quan tiền và đề-nghị các nàng hãy ra đi mua thứ gì khiến nó tràn ngập căn phòng tân-gia cũng là tân-hôn của ông.
Cô vợ tương-lai thứ nhất mua rất nhiều bông hoa đẹp khiến phân nửa căn phòng đầy hương-hoa thơm đẹp. Người thứ hai lại khác. Cô mua rất nhiều bóng bay và làm ngập ba phần tư căn phòng toàn những bóng cứ bay bay. Người thứ ba, quyết-định mua chỉ một ngọn nến nhỏ nhưng lại khiến căn phòng của hai vợ chồng sẽ tràn đầy nhiều ánh-sáng, rất thương-yêu.
Cuối cùng, phú ông bèn chọn người vợ tương-lai có ý-tưởng nhiều sáng-tạo nhất, đó là người thứ ba, đã được chọn.”
Câu truyện kể trên tuy không có gì độc-đáo sắc nét, nhưng hy vọng sẽ để lại cho người đọc là bạn và tôi, ta sẽ có nhiều quyết-tâm độc đáo hơn nữa.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn luôn tìm
ý-tưởng độc-đáo
và độc-chiêu
để giới thiệu với mọi người
và với mình.