Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ Nhất mùa Vọng năm A 27/11/2016
Tin Mừng (Mt 24: 37-44)
Hôm ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại;hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.
“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
+ + + +
“Huyền Diệu về, tuyệt vời trong âm sắc”
Tôi đứng nơi đây mỗi chiều nắng tắt
Hát bản tình ca không tiếng không lời
Đêm về xanh xanh màu xanh đáy mắt
Giốc cạn tình em trong âm sắc tuyệt vời.”
(Dẫn từ thơ Vĩnh Hảo)
Mt 24: 37-44
Mai Tá lược dịch.
Nhà thơ ngoài đời, đứng đợi nơi đây chiều nắng tắt. Dân con trong Đạo chờ Huyền diệu về, Đấng Yêu Thương. Đấng Diệu Huyền đến, trong ánh sáng ban mai, theo tư thế rất thương yêu và nhung nhớ.
Trình thuật đầu năm phụng vụ hôm nay, mang dáng dấp của mầu xanh Hy vọng mà Đấng Huyền Diệu hẹn với đàn con. Với dân con, Ngài vẫn thương mến và hứa hẹn. Vua Vũ trụ huy hoàng đến, như đã hứa với dân Ngài bằng tiếng gọi của Vương Quốc, đang chờ mong. Tiếng gọi của Mùa Vọng rất thân thương và bức bách.
Bài đọc đầu, phụng vụ đưa ra thị kiến non cao, chốn Zi-on rực sáng ấy. Ở nơiđó, có Đền thờ Chúa dựng xây. Ở nơi đó, có trung tâm của địa cầu. Và nơi đó, còn là điểm tập trung của nhân loại, và vũ trụ. Cựu Ước khi xưa từng khẳng định: “Núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.” (Is 2: 2) Chốn non cao Zi-on, còn thu hút mọi người tràn về. Về, mà ca tụng và phụng thờ Giavê, Đấng Huyền Diệu nơi Đền thờ Đức Chúa.
Đền thờ Chúa nơi đây, chính là Thân Mình Huyền Diệu Đức Kitô. Đền thánh nơi đây, là chính Con Chúa đã hạ mình nhập cuộc, sống với ta. Ngài nhập cuộc, để trở nên người phàm giống như ta. Thân Mình Ngài nhập cuộc ở Bét-lê-hem, chính là Đền Chúa ngự, là Thân Mình Đấng Huyền Diệu, rất Hài Nhi.
Huyền diệu Hài Nhi, nằm nơi vòng tay nghèo của Mẹ Chúa, nơi hang lừa. Và, Huyền Diệu Hài Nhi được mục đồng Chúa đến lạy thờ. Huyền diệu Hài Nhi – chốn Đền đài bằng xương thịt, vẫn là mẫu mực để ta học hỏi sống với Chúa. Sống cuộc sống nghèo và quyết bước theo Ngài.
Phúc Âm hôm nay, chưa nói nhiều về Nhiệm Tích Nhập Thể. Nhưng, Đấng Huyền Diệu Quang Lâm được cảnh báo như một thời có nhiều xáo trộn. Xáo trộn ngày Đức Chúa Quang lâm, được mô tả giống thời Nô-ê. Một thời cần cảnh giác và tỉnh thức. Tỉnh thức, vì Ngài đến bất chợt, rất đột xuất.
Đấng Huyền Diệu đến, sẽ không như buổi xử phạt, vào ngày cuối. Ngày Chúa đến, sẽ nhắc nhở con dân của Ngài đừng vì cảnh ly biệt tách lìa, mà hãi sợ. Cảnh giác và tỉnh thức để mọi người nhận ra Chúa luôn hiện diện, trong huyền diệu.
Việc đề cao tỉnh thức, còn được thánh Phao-lô tông đồ nhắn nhủ, qua thư gửi giáo đoàn Rôma lành thánh, rằng:
“Đã đến lúc anh chị em phải tỉnh giấc …
Đêm hầu tàn, ngày sắp đến.
Hãy vất bỏ những việc tối tăm và mặc lấy khí giới của sự sáng”.
(Rm 13: 12)
Đi vào đời sống, người người cần nhận ra, rằng: đã đến lúc ta nên cảnh tỉnh. Cần giác ngộ về các hành động mình đã và đang làm. Cảnh tỉnh/giác ngộ, để không còn gì phải sợ sệt hoặc che giấu. Giấu Chúa và giấu người phàm. Và khi đã cảnh tỉnh rồi, ta sẽ không tủi hổ vì đã có hành vi bất chính. Không còn hãi sợ vì đã hành xử phản lại tâm trạng người đón chờ ngày Chúa Quang Lâm.
Đón chờ ngày Đấng Huyền Diệu Quang Lâm, là biết sẵn sàng trong tư thế của người con bình thuờng. Người con bình thường, là người không sợ phải quay về với thời ông Nô-ê, khi trước. Người con ở tư thế bình thường, là người không còn sợ ngày xét xử, vào lần cuối.
Tâm trạng của người con chờ ngày Chúa đến, còn là tâm trạng phó thác để Chúa hiện diện với chính mình. Ngài hiện diện qua tương quan rất hiện tại. Tương quan mang hình thái của một “nhiệm tích hiện tại”. Nhiệm tích xảy đến vào mọi lúc, với mọi người. Nhiệm tích thể hiện qua hành vi, và qua công việc thường nhật. Ngài sẽ đến bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu.
Sống trong tương quan “nhiệm tích hiện tại”, ta nhận ra Ngài đang hiện diện nơi mọi người trong cuộc sống. Và, nhận ra bàn tay thân thương Ngài đặt nơi sự kiện đang xảy đến. Khi ấy, không còn hãi sợ. Không còn e dè ngần ngại về mọi cảnh báo. Nhưng, sẽ phấn khởi sống tình thương của Chúa. Phấn khởi, nhận ra Ngài đang gần gũi chính mình. Gần hơn cả nhịp đập rộn rã, của con tim. Nhịp tình yêu. Nhịp của “nhiệm tích hiện tại”.
Trong trông chờ “nhiệm tích hiện tại” quang lâm hiện diện, ta cứ hát lên lời ca đầy khích lệ. Rất vui, như nhà nghệ sĩ khi xưa, từng hát:
Tay nâng nâng cao, nâng hòn núi sông Hòa bình
Chân đi đi mau, đi đến con đường sáng ngời
Cùng nhau múa, cùng nhau nắm tay thân tình
Tôi với anh, một lòng Đoàn kết từ đây
Tay vươn vươn lên, như bờ núi cao cao vời
Chân khoan khoan thai, như bước theo nhịp oai hùng
Bài thơ mới, và câu hát vui yêu đời
Vui với bao niềm tin đời là bài ca.
(Xuân Lôi – Y Vân –- Bài hát của người tự do)
Vui với bao niềm tin. Vui, vì đời là bài ca. Bài ca, mọi người đều hát. Hát cho đời. Hát cho người. Những người chợt thấy Đấng Huyền Diệu về, tuyệt vời trong âm sắc.
Lm Frank Doyle sj biên-soạn
Mai Tá lược dịch.