Cách chống tham nhũng và cách chống người lên tiếng

Cách chống tham nhũng và cách chống người lên tiếng

Cát Linh, phóng viên RFA
2016-11-18
Cựu Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng trong một lần trao đổi với báo chí khi còn đương chức. (Ảnh minh họa)

Cựu Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng trong một lần trao đổi với báo chí khi còn đương chức. (Ảnh minh họa)

Courtesy NLD

Trong thời gian gần đây, hàng loạt những vụ việc liên quan đến hình thức xử lý sai phạm đối với các cán bộ cấp cao của nhà nước liên tục được cho là ‘khó khăn’ và ‘chưa có tiền lệ’. Lý do là những người đó đã không còn tại chức hoặc đã xuất cảnh sang nước ngoài với lý do chữa bệnh.

Bên cạnh đó thì hàng loạt những nhà đấu tranh dân chủ và hoạt động xã hội bị bắt giam với tội danh “chống phá nhà nước”.

Điều này được những nhà quan tâm theo dõi tình hình trong nước nhìn nhận như thế nào?

Những phiêp họp và phát ngôn

Chỉ trong vòng ba tháng gần đây, chính phủ Việt Nam, và cả bộ máy truyền thông nhà nước đã có rất nhiều cuộc họp, bài viết liên quan đến hàng loạt những sai phạm của cán bộ cấp cao khi còn tại chức, khi không còn trong nước và hình thức xử lý những sai phạm đó.

Tại phiên họp chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 16 tháng 11, rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến hình thức xử lý kỷ luật đối với sai phạm của các cán bộ quản lý cấp cao trong bộ máy nhà nước, cụ thể là ông Vũ Huy Hoàng, nguyên bộ trưởng Bộ Công thương.

Trong những ngày vừa thì dư luận bàn tán rôm rả sôi nổi về việc này và đúng là phải thấy nó buồn cười. buồn cười vì Đảng tìm cách lấy đi những gì người ta không còn có nữa.
-TS Phạm Chí Dũng

Trước đó vào ngày 2 tháng 11, cuộc họp do chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Quyết định này được ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phiên họp chất vấn đại biểu sau đó thừa nhận rằng có rất nhiều khó khăn.

Cũng tương tự với nhận định trên, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá trả lời báo trong nước rằng “đây là lần đầu tiên” xảy ra việc cách chức một cán bộ quản lý cấp cao, đứng đầu mộ bộ khi không còn đương vụ.

Theo ông Cuông thì ông cho rằng cách xử lý như thế đối với ông Vũ Huy Hoàng là “nhằm thực hiện ý nguyện của nhân dân, là xử lý nghiêm những sai phạm không có vùng cấm, không từ ai, khi có vi phạm phải bị xử lý, cả khi đương chức cũng như khi đã về hưu.”

Tuy nhiên, Tiến sĩ kinh tế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng thì có suy luận khác. Ông nhìn sự việc này và bình luận theo cách mà ông gọi là “con mắt khôi hài của nhân gian”:

“Tức là lấy đi một cái mà người ta không có. Và điều này trở nên 1 cái khôi hài trong con mắt của nhân gian. Trong những ngày vừa thì dư luận bàn tán rôm rả sôi nổi về việc này và đúng là phải thấy nó buồn cười. buồn cười vì Đảng tìm cách lấy đi những gì người ta không còn có nữa.”

Ông bộ trưởng nội vụ Lê Vĩnh Tân trong lần trả lời báo chí trong nước đã dùng từ ‘không thể có chuyện hạ cánh an toàn’ được cho để thể hiện quyết tâm chính trị và cảnh báo những quan chức đương thời.

Cho dù vậy, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương cũng có vẻ như không có niềm tin về những động thái được cho là cảnh báo này:

“Bây giờ cách chức người đã về hưu, cách chức thời gian nó đang làm. Vấn đề là hiện nay nếu có luật pháp thì đưa ra đàng hoàng tội nó đến đâu xử đến đấy. Nó xà xẻo bao nhiêu tiền của, tước đoạt lấy lại nộp cho công quỹ. Cái trò người ta làm hiện nay tào lao cho vui vậy thôi chứ không ăn thua gì đâu.”

Sự lúng túng

vu-dinh-duy-622.jpg
Ông Vũ Đình Duy khi còn là Tổng giám đốc Công ty cổ phần và xơ sợi Dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). File photo

Hình thức xử lý đối với ông Vũ Huy Hoàng khi không còn tại chức vẫn còn đang gây tranh cãi thì Bộ Công thương ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam kể từ ngày 15 tháng 11.

Quyết định này được Bộ Công thương đưa ra khi Cục quản lý xuất nhập cảnh cho biết ông Vũ Đình Duy đã xuất cảnh ngày 22 tháng 10, 2016.

Nhà bất đồng chính kiến Vũ Thanh Giang, trong lần trả lời Đài Á châu tự do chúng tôi có rằng cách xử lý của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những vụ việc trên đã thể hiện rõ sự lúng túng:

“Tôi thấy ông Nguyễn Phú Trọng ông ấy xử lý cái vụ này nó lúng túng như thế nào ấy. Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh thì sai trái quá rõ ràng lắm chịu trách nhiệm chính trong việc thua lỗ 3300 tỷ. Rồi bây giờ Vũ Huy Hoàng cũng như vậy nếu có thể quy kết liên đới trách nhiệm đối với Trịnh Xuân Thanh.”

Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng cho biết sẽ xử lý “tương xứng về mặt chính quyền” đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Cách xử lý này được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhìn nhận:

“Tôi có thể hiểu là ông Trần Quốc Vượng muốn ông Vũ Huy Hoàng bị xử lý trách nhiệm hình sự về hàng loạt những vụ việc được cho là sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Công thương.”

Trước khi khai trừ Đảng đối với Trịnh Xuân Thanh thì Trịnh Xuân Thanh đã biến mất, và sau đó thì một Tổng bí thư phải đứng ra chủ trì một cuộc họp để khai trừ một Đảng viên rất bình thường và không thể xử lý bất kỳ một trách nhiệm nào về chính quyền.
-TS Phạm Chí Dũng

Tuy nhiên ông có nhấn mạnh thêm:

“Trước đây chính ở Uỷ ban kiểm tra đảng và trung ương của Việt Nam cũng đã nói tương tự về vấn đề có hình thức xử lý chính quyền tương xứng với Trịnh Xuân Thanh sau khi khai trừ Đảng, nhưng mà có điều trước khi khai trừ Đảng đối với Trịnh Xuân Thanh thì Trịnh Xuân Thanh đã biến mất, và sau đó thì một Tổng bí thư phải đứng ra chủ trì một cuộc họp để khai trừ một Đảng viên rất bình thường và không thể xử lý bất kỳ một trách nhiệm nào về chính quyền.”

Thẳng tay với người lên tiếng

Vụ việc của các bộ cấp cao như Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ  Đình Duy đã tốn khá nhiều thời gian và bút mực của chính phủ Việt Nam cũng như báo chí trong nước. Điều đó làm cho những nhà quan sát đều đặt câu hỏi cho sự lúng túng, bối rối của bộ máy quản lý nhà nước, trong đó phải kể đến Ban bí thư mà đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, cũng cùng thời gian với những vụ việc của các nhân vật trên thì hàng loạt vụ  đàn áp, bắt bớ xảy ra với những nhà hoạt động dân sự, xã hội, những người bày tỏ chính kiến. Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giam ngày 10 tháng 10, cho đến nay gia đình vẫn không liên lạc được.

Một tháng sau đó, ngày 6 tháng 11, hai nhà hoạt động xã hội là Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ bị giam giữ và theo tin nhận được từ người nhà, hai người này đã bị tra tấn.

Trả lời chúng tôi, Nhi Hoàng, người nhà của anh Nguyễn Văn Đức Độ hiện đang bị giam giữ cho biết phản ứng của chính phủ Việt Nam đối với những điều được cho là sai phạm của các cán bộ cấp cao và đối với những blogger, người hoạt động xã hội là rất mâu thuẫn nếu ai cũng bình đẳng trước pháp luật.

Cơ quan chức năng Việt Nam ra quyết định Lệnh truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh là vô thời hạn. Ban Bí thư quyết định cách chức nguyên bộ trưởng bộ công thương Vũ Huy Hoàng khi ông này đã về hưu. Bộ công thương Việt Nam quyết định đình chỉ công tác ông Vũ Đình Duy sau khi Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh Bộ Công An xác nhận ông Duy đã xuất cảnh từ ngày 22 tháng 10 và chưa quay lại. Và những blogger, những nhà hoạt động xã hội vẫn bị bắt giam, cũng như phiên toà phúc thẩm người phụ nữ đấu tranh cho dân oan Cấn Thị Thêu vẫn tiếp tục diễn ra ngày 30 tháng 11 này.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay