TÊRÊSA AVILA, TÂM HỒN NHẠY CẢM
Vũ Duy Thống, Gm
Trong kho tàng truyện kể về đời thánh nữ Têrêsa Avila, có một truyện được nhiều tác giả nhắc đến, vừa như một điển hình đời sống thiêng liêng, vừa như một tính cách rất riêng của thánh nữ. Đó là truyện “Hèn chi Chúa có ít bạn.” Chắc nhiều người đã biết? Truyện kể: Trong lần xuất thần, thánh nữ nhìn thấy tình trạng tội lỗi con người xúc phạm đến Chúa ghê gớm quá, nặng nề quá. Thế là thánh nữ buồn bã vật vã ba ngày liên tiếp không ăn uống gì. Cuối ngày thứ ba, Chúa Giêsu hiện ra, dáng vẻ dịu hiền, an ủi bằng cách trao cho thánh nữ một miếng bánh và một ly nước. Nhưng thánh nữ làm mặt giận chối từ. Chúa Giêsu dỗ dành: “Con không biết rằng Cha thường đối xử với bạn bè bằng cách gửi cho họ Thánh giá sao?” Và thánh nữ trả lời: “Hèn chi Chúa có ít bạn.” Vâng, chỉ với mẩu truyện đó thôi, có lẽ người ta cũng nhận ra tính cách của Têrêsa Avila. Đó là sự nhạy cảm.
- Nhạy cảm trước tình yêu bao la của Thiên Chúa.
Đọc Phúc Âm, ai trong chúng ta cũng biết định nghĩa nổi tiếng của thánh Gioan “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8), nhưng để cảm nghiệm thế nào là sức nặng của định nghĩa vắn gọn và tầm cỡ này, đó lại là chuyện không chỉ dừng lại trong ngôn từ sách vở một thời, mà còn cần đến cả một đời dấn bước kiếm tìm, thậm chí vào sinh ra tử nữa kìa. Thánh Gioan Tông đồ được Chúa Giêsu yêu dấu, nên từ cảm nhận tới cảm nghiệm có thể là vắn gọn như chính định nghĩa về Thiên Chúa của ông, nhưng với Têrêsa Avila lại là cả một sự vật lộn giữa sóng gió cuộc đời vừa hoạt động để kiếm tìm, vừa chiêm niệm để chiêm ngưỡng.
Trên bức tượng “Ecce Homo – Này là Người” (Ga 19,5) trình bày Chúa Giêsu vì yêu thương loài người mà chịu khổ nạn, để nên tình yêu lớn nhất của người dám chết vì người mình yêu, Têrêsa đã gặp được “tiếng sét ái tình” vào năm 1545, để nghiệm ra rằng: nếu Chúa vì yêu con người mà phải chịu khổ, thì con người cũng phải làm sao đáp lại cho cân xứng, với tình yêu của Chúa dành cho mình. Và thế là khởi đi từ sự nhạy cảm trong nhận thức ấy, thánh nữ đã tìm ra nẻo đi của riêng mình là “lấy tình yêu đáp trả tình yêu,” và cứ thế, như ngọn lửa một khi đã bừng lên thì không gì có thể dập tắt được nữa, thánh nữ làm tất cả mọi sự do tình yêu thúc đẩy và dâng hiến tất cả cho tình yêu.
Chả thế mà người ta vẫn bảo: đường nên thánh của Têrêsa là con đường “bốc lửa”: lửa chiêm niệm tìm ra ý Chúa mãnh liệt đến độ thường xuyên xuất thần mỗi khi cầu nguyện, và lửa yêu thương tìm gặp gỡ Chúa khít khao như lòng với lòng, đến nỗi có cảm tưởng rằng cuộc đối thoại giữa thánh nữ với Chúa không khác chi những lời gần gũi giữa cánh bạn bè, của người bạn dành cho bạn mình.
- Nhạy cảm trước tội lỗi của con người.
Một khi đã coi “phải làm sao cho xứng với tình yêu của Chúa” như một hướng sống, một hướng nên thánh, một hướng cải cách đời tu, thì tâm hồn Têrêsa Avila bỗng trở nên nhạy cảm vô cùng trước những gì được xem là không xứng với tình yêu ấy, trong đó tội lỗi là điều đáng buồn nhất, không phải vì nó xúc phạm tới Thiên Chúa tối cao cho bằng nó phản bội lại Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã làm tất cả vì con người và cho con người.
Phản bội trong chính trường được xem là mưu mô, phản bội trong thương trường được coi là mánh mung, nhưng phản bội trong tình trường, dù là tình Chúa hay tình người đi nữa, cũng vẫn là điều đáng buồn nhất. Chính Chúa Giêsu đã buồn rầu hỏi Giuđa trong vườn Cây Dầu là “anh lấy cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48) vì Giuđa là kẻ phản bội. Và trong truyện “Hèn chi Chúa có ít bạn” kể trên, Têrêsa buồn bã những ba ngày liền, không phải vì tội mình mà vì tội tình của người khác, đã cho thấy một con tim nhạy cảm, không rỗi hơi thương vay khóc mướn, mà chỉ vì tê tái quặn đau thấy người ta phản bội tình yêu của Chúa, còn mình trong tư cách là bạn tâm giao lại chẳng có cách nào mà can ngăn.
Rõ ràng, Têrêsa là một tâm hồn nhạy cảm. Từ nhạy cảm ngây ngất trước tình thương xót khôn cùng của Chúa, một tình yêu dám từ bỏ “lá ngọc cành vàng” để đành đoạn ôm lấy “phận cỏ mình rơm” cho rặm bụng một đời cứu thế, Têrêsa tự nhiên nhạy cảm khổ đau trước sự khốn cùng của tội lỗi nhân sinh, tội bạc tình, một thứ tội làm tê dại cõi lòng. Hoá ra, ai càng nhạy cảm với tình thương xót của tấm lòng Thiên Chúa, càng nhạy cảm hơn với sự khốn cùng của tội lỗi con người.
- Nhạy cảm trước đường nên thánh là đường Thánh giá.
Đã có lần Chúa Giêsu bảo “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13), để rồi từ đó trở thành quy luật của muôn đời cho những ai dám gán đời mình cho tình yêu Thiên Chúa hoặc mon men muốn nên bạn hữu của Ngài. Vâng, “yêu ai yêu cả đường đi”, yêu Chúa cũng yêu cả con đường Chúa đi năm xưa là đường Thánh giá, không phải là “mười bốn chặng đường” ngắn ngủi êm ả dễ chịu trong giáo đường, mà là những cảnh đời thường lặp đi lặp lại mỗi ngày, ở đó ý Chúa như búa đập trên ý mình và ý mình như kình chống lại ý Chúa.
Nếu “yêu là chết ở trong lòng một ít”, thì yêu Chúa cũng là phải chết đi ít một trong ý riêng để ý Chúa được thể hiện từng ngày. Như lương thực hằng ngày của “Kinh Lạy Cha” mà người theo Chúa phải làm quen dần dần từ những bước chập chững đầu tiên cho đến khi thuần thục nhuần nhị để có thể hiên ngang tiến tới trên đường trọn hảo. Đó là đường tình yêu. Mênh mông tình Chúa, mong manh tình người, nên cũng là đường Thánh giá, đường Thương khó.
Đó, “yêu Chúa” nói và hát thì dễ, nhưng khi dấn bước vào, người ta mới thấy những nỗi đa đoan vất vả không bao giờ hết, mà chỉ có những tâm hồn nhạy cảm mới có thể dự đoán và an tâm bước đều. Chúa chúng ta kỳ lắm. Người yêu những kẻ đóng đinh Người và tha thứ cho họ dễ dàng, nhưng Người lại đóng đinh những kẻ Người yêu và tặng những kẻ yêu Người Thánh giá, không chỉ một lần mà xem ra còn dai dẳng hoài hoài trong đời. Bằng một tâm hồn nhạy cảm thánh đức, Têrêsa đã hiểu đó là lộ trình nên thánh cho bất cứ ai chọn đi theo Chúa.
Tóm lại, ba nét nhạy cảm: với tình yêu vô biên của Thiên Chúa, với tội lỗi thấp hèn của nhân loại và với bước đường Thánh giá, với tội lỗi thấp hèn của nhân loại và với bước đường Thánh giá, hy vọng đã một phần nào phác vẽ lên cách đơn giản chân dung của một vị thánh lớn, thánh Têrêsa mẹ, vị anh thư cải cách dòng Cát Minh thế kỷ XVI tại Tây Ban Nha, vị tiến sĩ đã để lại cho Hội Thánh bí quyết chinh phục đỉnh cao tình yêu Thiên Chúa, và cũng còn là vị thánh thân thương có một tâm hồn nhạy cảm phi thường muốn đem tình yêu Thiên Chúa nhân rộng đến hết mọi người.
Xin nhờ lời chuyển cầu của ngài, cho cộng đoàn Cát Minh và cho những ai chân thành yêu mến thánh nữ, được luôn nhạy cảm bền bỉ khơi lên ánh lửa yêu mến trước tình yêu Chúa, để đến khi Chúa muốn, Người sẽ cho biến thành những đám cháy kỳ diệu có khả năng thiêu huỷ tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn và lôi cuốn người ta đến với tình yêu thánh hoá, cho dẫu trước mắt vẫn còn là ngổn ngang những Thánh giá của mùa xây dựng, nhưng trong lòng đã nóng bừng hy vọng. Mong rằng câu nói “Hèn chi Chúa có ít bạn” không phải là một chân lý bất biến, nhưng là một câu nói đang chờ sự đáp ứng, để một khi mọi người đều nhạy cảm quan tâm trở nên bạn hữu của Chúa, thì thay vì ba ngày buồn bã, có lẽ Têrêsa Avila sẽ có nhiều lần ba ngày vui vẻ vì ngỡ ngàng thấy Chúa luôn có nhiều bạn mới.
Vũ Duy Thống, Gm
Langthangchieutim gởi