“Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng”
Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê.
Non nước ơi! Hồn thiêng của núi song.
Kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa.”
(Nguyễn Văn Đông – Mấy Dặm Sơn Khê)
(Cách Ngôn 31: 10-31)
Trần Ngọc Mười Hai
Thế đó, một tưởng tượng! Khi bọn đàn em bé nhỏ là chúng tôi, cuối cùng lại cũng được tin Đức Giáo Tông nhà mình lập ban nhiên-cứu cho phép phụ-nữ làm Phó Tế.
Ấy đấy, một hiện-thực! Khi đám con cháu trong nhà bọn tôi, nhân chuyến “hành-hương đô-thị” sà vào quán sách nhỏ có bầy bán một số “cảo chỉ” về thần-học. Và, cháu “tóm” được cuốn “Mary Magdalene, her story and myths revealed”
Này đây, một thao-thức! Bỗng nảy-sinh trong đầu của bầy tôi đây là bần-đạo cứ mải suy về thân-phận và vai-trò của bậc nữ-lưu lâu nay cứ là “thấp cổ bé họng” về tư-tưởng.
Nhưng thật ra, các vị này mới là người sâu-sắc nhưng ít nói, chỉ mỗi làm và làm. Và, khi các vị đã làm là làm cho ra nhẽ. Rất thật tình. Đâu ra đó.
Và đây, một ý-lực! Vốn dĩ hiển-hiện từ câu hát tưởng chừng như vẩn vơ, chinh-chiến, chóng qua. Nhưng, đích-thực là tâm-huyết của giới văn-chương, văn-nghệ chỉ thích hát và hát. Hát, nhưng lời “vẩn vơ”/”vớ-vẩn”! Ai hiểu được thì tốt. Ai chậm hiểu hay không không hiểu, cũng không sao. Ý-lực ấy, nay như thế này:
“Bao giấc mơ giữa khung trời phiêu lãng,
Chờ mùa Xuân tươi sang,
những mùa thắm chưa sang
Anh đến đây, rồi anh như bóng mây,
Chốn phương trời ấm lạnh
hòa chung mái nhà tranh.
Anh như ngàn gió,
hát ngược xuôi, theo đường mây,
Tóc tơi bời lộng gió bốn phương,
Nước non còn đó một tấc lòng,
không mờ xóa cùng năm tháng,
nhớ ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên,
Khoác lên vòng hoa trắng,
cầm tay nhau đi anh
Tơ trời quá mong manh
Anh hỡi anh, đường xa vui đấu tranh,
giữa khung trời gió lộng,
nghìn sau tiếc nghìn xưa.”
(Nguyễn Văn Đông – bđd)
Vâng. Đúng thế. “Anh như làn gió, hát ngược xuôi, theo đường mây…” Ôi! Toàn là những lời nhè nhẹ, bay bổng theo làn gió, “giữa khung trời phiêu-lãng…” Và những là: “Cầm tay nhau đi anh! Tơ trời quá mong-manh!”, “Vui đấu tranh”, “Nghìn sau tiếc nghìn xưa!”
Quả có thế. Nghìn sau/hôm nay, sẽ lại có người tiếc nghìn xưa sao không hát “Chị hỡi chị!” , “Chờ mùa Xuân tươi sáng”, “Những mùa thắm chưa sang!..” Ấy đấy, có hát hoặc có nêu lên những ý-lực đầy “phiếm” hôm nay, cũng chỉ để “phiếm” chuyện đời rồi sẽ “phiếm” cả chuyện Đạo, về những điều “lạo-xạo” đáng phiếm, rất hôm nay. Như chuyện nữ-phụ nhà Đạo nay được nâng nhấc lên bậc “Nữ-phó-tế”, như thông-tin vừa hé mở.
Thế nhưng, ở Đạo mình, vẫn thường có những đấng bậc rất-ư-là “Kỳ-đà cản mũi” cũng tiêu-cực không kém ai, qua luận-điệu sau đây:
“Ở thời đầu, Giáo-hội ta có nhiều phụ-nữ làm phó-tế, hoặc nói đúng hơn, nhiều Nữ thừa-tác-viên năng-nổ. Thế nhưng, các bà đây lại không là phó-tế theo nghĩa thời hiện-đại, tức quyền-năng hoặc chức thánh như Phó-tế đích-thực. Các bà vẫn chỉ mang tư-cách giáo-dân, mà thôi. Cũng nên biết rằng: theo tiếng Hy-Lạp, thì danh-xưng Phó-tế hoặc “diakonos” là ngôn-từ nói chung mang ý-nghĩa của người nâng-dỡ/giùm giúp hoặc tôi-tớ, chứ không nhất thiết bao-hàm việc nhận-lãnh chức thánh, nào hết.
Thánh Phaolô cũng nhắc đến các nữ thừa-tác-viên trong thư ông gửi giáo-đoàn Rôma, vào thời đó, như sau:
“Tôi xin giới thiệu với anh chị em đây, chị Phêbê, người chị em của chúng ta, là nữ-trợ-tá Hội-Thánh Kenkhơrê. Mong anh chị em tiếp đón chị trong Chúa cách xứng-đáng, như dân thánh đối-xử với nhau. Chị có việc gì cần đến anh chị em, xin anh chị em giúp đỡ, vì chính chị cũng đã bảo-trợ nhiều người, kể cả tôi nữa.”
Xem thế thì, cụm-từ “Nữ trợ-tá” dịch ở đây, vào thời đó, chỉ có nghĩa như người nữ chuyên phụ-giúp công-việc này khác, theo nghĩa rộng, mà thôi.
Kịp đến thế-kỷ thứ 3, nhiều xứ/nhiều vùng ở trời Đông, cũng thiết-lập hoặc ủy-thác chức Nữ-Phó-tế như thế để trợ-giúp các công việc như: bảo-ban/dạy dỗ hoặc thanh-tẩy phụ-nữ, thăm kẻ liệt là nữ-phụ cần tắm gội/chùi rửa thân mình hoặc trao ban Mình Thánh Chúa cho những người như thế. Vậy nên, các vị náy bèn thiết-lập một nhóm-hội/đoàn thể trong Giáo-hội như Hội Phụ-nữ chuyên-trách lo cho các bà góa. Ở một số chốn miền, các nữ-phụ gia-nhập nhóm/hội này đều trải qua nghi-thức có dính-dự động-tác đặt tay lên thân mình người cần đặt.
Các nữ-phó-tế như thế, không lĩnh-nhận chức thánh nào hết và hoàn toàn khác với linh-mục hoặc phó-tế thực-thụ theo nghĩa đã định ở tông-sắc Apostolic Constitutions ban hành vào năm 400 sau Công-nguyên…
Chức-năng, vai-trò và ý-nghĩa của nữ-phó-tế lại rất cao được tạo cho vai trò khác nhau tùy nơi tùy vùng. Riêng Hội thánh Ai Cập, Maronite và Slav khi trước tuyệt nhiên không thấy có vai-trò và sự hiện-hữu của chức sắc nào như thế. Và Hội thánh La-tinh ở 5 thế-kỷ đầu đời, cũng không thấy có chức-vị nữ-phó-tế nào như thế hết. Các khác-biệt này, cho thấy: ở các phần đất Giáo hội La-tinh không thấy có chức-năng nữ-phó-tế nào giống thế. Về ý-nghĩa cũng như vai-trò của chức này này, rõ ràng còn chứng-tỏ rằng không có bí-tích nào tạo cho vai-trò của các vị này, do bởi thần-học và kỷ-luật cần-thiết của các thánh-tích đều mang tính phổ-cập trên khắp miền đất của Giáo-hội Đạo Chúa.” (X. Lm John Flader, Why women won’t be deacons”, The Catholic Weekly Question Time 22/5/2016, tr. 8).
Giả như ngài là đấng bậc thanh-thoát, phóng-thoáng như tác-giả cuốn “Mary Magdalene, her history and myths revealed” , rày đã bộc-lộ những điều như: “Vốn dĩ từng bị Giáo-hội Công-giáo La-Mã đẽo/gọt và tạo chân-dung như người tội-lỗi, Maria Magđalêna nay được hồi-phục chức-năng về vị-thế đáng kính-trọng tước-vị và năng-lực của Chị suốt thời Cổ Sử rất trang-trọng. Thậm chí, ngày hôm nay, rất nhiều đấng/bậc công-nhận Chị, là: vào buổi Đức Chúa sinh-thời, Chị từng là môn-đệ gần cần Đức Giêsu nhất hạng và là người được chỉ-định công-việc chuyển-tải thông-điệp của Ngài vào với thế-giới, cách đặc-biệt.” (X. Karen Ralls, Mary Magdalene, her history and myths revealed, Shelter Harbor Press 2013, bìa 4)
Và, đúng như nhận-định của vị Tổng Giám mục nọ khi bàn về tính-chất “tiêu-cực” mà nhiều đấng bậc trong Đạo vẫn coi người nữ-phụ là “nguồn-cội” của ác-thần/sự dữ, như sau:
“Ngang qua truyện ở vườn Địa-Đàng, hình-phạt đã được định rõ cho con người. Với Ađam, hình-phạt dành cho ông là phải “cạp đất: để kiếm sống. Qua nhân-vật Evà, từ nay mọi nữ-phụ sẽ phải kéo dài sự đau-khổ khi sinh đẻ. Riêng loài rắn, sẽ phải bò sát bụng trên mặt đất đến muôn đời. Và, mọi loài phải rời bỏ chốn Địa Đàng, không còn sống ở hoa vườn nữa.
Và cuối cùng, mọi loài cùng giòng dõi/cháu con của chúng được lập-trình đi vào cõi chết. Từ nay, sự chết trở-thành phận hèn của mọi loài. Tính phổ-cập của sự chết rày sẽ chứng-thực cho tính phổ-cập của lỗi/tội đầu thời nguyên-tổ đem chết chóc đến với thế-giới của Thiên-Chúa. Lỗi/tội ban đầu ấy được coi như bản-chất con người làm sa-đoạ mọi nhân-thân khiến cuộc sống con người không còn khả-năng tái-lập quan-hệ mật-thiết với Thiên-Chúa, được nữa.
Câu truyện về “Địa-đàng Trần-gian” này, đã đi vào lịch-sử nguyên-thủy từng làm, tức bảo rằng: lý do khiến ác-thần/sự dữ và cái chết là những dấu-hiệu hằn in lên nhân-loại là sự bất-tuân của phụ nữ. Tông-đồ Phaolô chắc-chắn đã đóng góp vào định-nghĩa nói ở trên.
Cả đến bậc hiền-nhân quân-tử tử như đấng thánh Âu-Tinh vốn dĩ từng là Giám-mục thành Hippo cũng làm thế vào thế-kỷ thứ 5. Ngài làm thế, đến độ trở-thành “đá tảng” cho tư-duy của mình. Và qua ngài, lại được trù-định để thống-trị tư-tưởng của mọi Kitô-hữu suốt ngàn năm có lẻ. Mãi đến hôm nay, lối đối-xử một cách tiêu-cực với phụ-nữ và giới-tính đã trở-thành đặc-trưng lớn, nếu không muốn gọi là hùng-vĩ, trong cuộc sống đạo-đức của con người.
Cả một hệ-thống rộng lớn về thần-học vẫn dựng-xây trên cốt truyện được kể lại như thế. Ta vẫn có thói-quen qui-chiếu phụ-nữ với cái-gọi-là con quỉ dữ cám-dỗ đám đàn ông thanh-tao, lịch-lãm. Phụ-nữ vẫn được gọi là “trái cấm không nên đụng tới”, là thứ mà thân-xác đàn ông vẫn thèm thuồng. Nữ-phụ lâu nay vẫn được định-nghĩa như con người đồi-bại, như kẻ gây ô-uế phá-hủy sự lành-thánh của nhân-loại. Các bà còn bị phiền-trách như người làm cho phái nam ra bất-lực.
Do bởi câu truyện lỗi/tội đầu đời này mà tính lành-thánh nơi văn-minh Âu-Tây bị liên-lụy, luôn tìm cách tránh né phụ-nữ, và đi đến tình-trạng vô-giới-tính. Lòng trung-trinh nơi phụ-nữ và tình-trạng độc thân/sống một mình nơi nam-nhân được coi như cung-cách cao-sang hơn. Ngay đến hôn-nhân, cũng được coi là một nhượng-bộ tội/lỗi, như ta thấy trước đây, như chọn-lựa ban đầu dành cho người yếu kém, mềm dịu.
Thánh Giêrônimô khi xưa là người dịch Kinh thánh khá xuyên-suốt, nhưng ông sẽ được nhớ nhiều do bởi trường-hợp ông cũng đã rơi vào tình-trạng bế-tắc trong lúc dịch-thuật, nhất thứ là khi ông nhận thấy rằng hôn-nhân chỉ mang tính cứu-độ là khi “sản-sinh ra quá nhiều trinh-nữ”. Tuyên-bố này đã khiến tôi phải nhắm mắt làm ngơ đâm nghi-ngờ tài dịch kinh-thánh của nhiều học-giả.
Xem như thế, thì phụ-nữ quả thật từng là sự dữ/ác thần đến tận xương-tủy. Và, đó cũng là thông-điệp của Đạo Chúa và điều đặc-biệt là sự/việc ấy lại xây-dựng trên câu truyện của Evà.” (X. TGm John Shelby Spong, The Sins of Scripture, HarperCollinsPublishers, 2005 tr. 91)
Nói gì thì nói, chừng như nhiều vị đi Đạo quên rằng Kinh-thánh Cựu-Ước cũng từng tuyên-dương đặc-tính khôn ngoan/tốt-đẹp của phụ nữ trong câu nói nổi bật ở sách Châm-ngôn sau đây:
“Tìm đâu ra một người vợ đảm đang?
Nàng quý giá vượt xa châu ngọc.
Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng,
chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc.
Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc
chứ không gây tai hoạ cho chồng.
Nàng tìm kiếm len và vải gai,
rồi vui vẻ ra tay làm việc.
Giống như những thương thuyền,
nàng đem lương thực về từ tận phương xa.
Nàng thức dậy khi trời còn tối,
cung cấp phần ăn cho cả nhà,
và sai bảo con ăn đứa ở.
Nàng để mắt đến một thửa ruộng và tậu lấy;
nàng dùng huê-lợi đôi tay mình làm ra
mà canh tác một vườn nho.
Nàng thắt lưng cho chặt,
luyện cánh tay cho mạnh-mẽ dẻo-dai.
Nàng thấy công việc sinh nhiều lợi nhuận,
đèn trong nhà thắp sáng thâu đêm.
Nàng tra tay vào guồng kéo sợi,
và cầm chắc suốt chỉ trong tay.
Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ
và đưa tay cứu kẻ khốn cùng.
Nàng không sợ người nhà bị lạnh vì tuyết sương,
bởi cả nhà đều được mặc hai áo.
Nàng tự tay làm lấy chăn mền,
nàng mặc toàn vải gai, vải tía.
Chồng nàng được tiếng thơm nơi cổng thành
khi ngồi chung với hàng kỳ-mục trong dân.
Nàng dệt vải đem bán,
cung cấp dây lưng cho nhà buôn.
Trang-phục của nàng là quyền-uy danh-giá,
nàng mỉm cười khi nghĩ đến tương-lai.
Nàng khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói
và dịu-hiền khi dạy-dỗ bảo-ban.
Nàng để mắt trông nom mọi việc trong nhà,
bánh nàng ăn là do mồ hôi nước mắt nàng làm ra,
con nàng đứng lên ca-tụng nàng có phúc,
chồng nàng cũng tấm-tắc ngợi-khen :
“Có nhiều cô đảm-đang,
nhưng em còn trổi-trang gấp bội.”
Duyên-dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân.
Người phụ nữ kính sợ Đức Chúa
mới đáng cho người đời ca tụng.
Hãy để cho nàng hưởng những thành-quả tay nàng làm ra.
Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng
do những việc nàng làm.”
(Châm ngôn 31: 10-31)
Nhận-định của nhà Đạo từ ngàn xưa là như thế. Như thế, cũng không có nghĩa là sự thể vẫn cứ thế đối với mọi người ở Đạo Chúa đến bây giờ. Chí ít, là các đấng bậc vị vọng trong Giáo Hội Công-giáo La Mã.
Thế nên, Đức Phanxicô nay ngỏ ý muốn thiết-lập một Ủy-ban Giáo-hoàng chuyên nghiên-cứu tái-lập chức-năng/vai-trò của Nữ Phó-Tế xưa, chửa biết chừng. Có thể, là: các vị ấy sẽ là Thừa-tác-viên nữ năng-nổ như Thánh-Nữ Maria Magđalêna, là cộng-sự-viên thân-cận với Đức Giêsu. Cũng có thể, các vị đây sẽ được phong-chức Phó-tế vĩnh-viễn, cũng rất hay. Dưới ánh mặt trời này, chẳng có gì là không-thể-và-có-thể, hết.
Hãy cứ đợi chờ, để rồi sẽ xem sự việc diễn-tiến theo cách nào. Trong khi chờ và đợi việc Giáo-hội mình trả lại chức-năng/danh-dự lẽ đáng phải có từ hệ-cấp thần-quyền Vatican, tưởng cũng nên quay về với vườn hoa truyện kể, để xem người ngoài Đạo nghĩ gì và nói gì các nữ-phụ ở trần-gian lan-man, đôi lời rằng:
“Trong một chiều đi dạo quanh công-viên, ông Jones tình cờ gặp gỡ và có cuộc trò chuyện vô cùng ăn ý với một bà lão.
Chỉ sau 15 phút, cả hai phát hiện ra họ có rất nhiều điểm chung về tuổi tác, khu vực sinh sống, sở thích, và đều đang độc thân. Đến khi trời sụp tối, ông Jones nhìn bà lão thật lâu và nhẹ nhàng nói:
-Marcia, thú thật từ trước đến nay tôi chưa bao giờ gặp được người nào hợp với mình như bà vậy. Tôi có thể mạo muội hỏi bà hai câu hỏi rất quan trọng này không?
Bà lão nghe thế cảm-động đáp:
-Dĩ nhiên là được rồi! Ông đã cho tôi một khoảng thời gian thật sự rất thoải mái.
-Tôi thấy chúng ta vô cùng hợp nhau, vậy liệu bà có đồng ý dọn về sống chung với tôi suốt quãng đời còn lại không? – Ông Jones khẽ cầm tay Marcia khẩn thiết nói.
Bà lão thẹn thùng gật đầu rồi hỏi:
-Thế còn câu hỏi quan trọng thứ hai là gì?
Ông Jones liền thở phào nhẹ nhõm, từ tốn nói tiếp:
-À, chẳng qua là bây giờ bà đỡ tôi đứng dậy được không? Tôi ngồi lâu quá không đứng dậy được nữa rồi!” (Truyện kể gặp thấy tràn lan trên trang mạng, rất vi-tính)
Nói gì thì nói, khi đến lúc và đã đến thời, người người, nhất thứ là nam-nhân, lại sẽ tâm-sự rất thật với nữ-phụ nọ, dù chưa quen biết nhiều, để đòi một sự hỗ-trợ cần-thiết như bao giờ, trong đời.
Quyết thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta lại sẽ hiên-ngang hát lên những ca-từ dù rất buồn để thấy rằng: khi có người đến thăm, dù là chiến-hữu hoặc thần dân thôi, ai cũng vẫn nhận ra rằng:
“Bao giấc mơ giữa khung trời phiêu lãng,
Chờ mùa Xuân tươi sang,
những mùa thắm chưa sang
Anh đến đây, rồi anh như bóng mây,
Chốn phương trời ấm lạnh
hòa chung mái nhà tranh.
Anh như ngàn gió,
hát ngược xuôi, theo đường mây,
Tóc tơi bời lộng gió bốn phương,
Nước non còn đó một tấc lòng,
không mờ xóa cùng năm tháng,
nhớ ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên,
Khoác lên vòng hoa trắng,
cầm tay nhau đi anh
Tơ trời quá mong manh
Anh hỡi anh, đường xa vui đấu tranh,
giữa khung trời gió lộng,
nghìn sau tiếc nghìn xưa.”
(Nguyễn Văn Đông – bđd)
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn hát lên
Những lời nhẹ nhàng như thế,
Rất triền-miên
ở đời người.