Gia đình tị nạn gốc Việt hội ngộ ân nhân sau 41 năm

Gia đình tị nạn gốc Việt hội ngộ ân nhân sau 41 năm
Nguoi-viet.com

HOUSTON, Texas (NV) –  Biến cố lịch sử 30 Tháng Tư đã thay đổi cuộc đời của hàng trăm, hàng người Việt Nam. Họ trở thành dân tị nạn, và bắt đầu một cuộc sống mới gian truân nơi xứ người. Nhân dịp 41 năm sau ngày 30 Tháng Tư 1975, đài truyền hình Fox26 ở Houston thực hiện một bài phóng sự kể về sự hội ngộ của một gia đình gốc Việt tị nạn với người từng bảo trợ mà qua đó còn thể hiện cái nhìn của thế hệ trẻ đối với những đớn đau và hy sinh mà cha mẹ của mình trải qua.

 
Gia đình bà Lan, từ trái qua, bao gồm bà Lan Nguyễn, Thomas Nguyễn và ông Lộc Nguyễn. (Hình qua màn hình TV)

Tháng Tư về không chỉ là dấu hiệu của mùa xuân mà còn là lời nhắc nhớ những mất mát, đau thương của hàng ngàn người Việt. Ngày 30 Tháng Tư năm 1975 đã trở thành một ngày đánh dấu sự biến động, gia đình rạn nứt, nhà cửa ly tán và mất mát. Đó là ngày Sài Gòn sụp đổ.

Bà Lan Nguyễn đang sinh sống ở Sài Gòn lúc cộng sản tràn vào niềm Nam. Lính Mỹ rút quân, và thành phố rơi vào biến động. Bà Lan trốn thoát cùng với chồng trên một ghe cũ kỹ mà không kịp nói lời chia tay bố mẹ.

“Chúng tôi phải trốn trong các thùng hàng và nằm sát xuống sàn. Rất nhiều người trên ghe, và ở trên đó không có nhà vệ sinh, không có một thứ gì hết,” bà Lan nhớ lại. “Lúc đó, tôi nghĩ trong đầu rằng, ‘mình chỉ đang gặp ác mộng thôi. Khi thức dậy, mình sẽ đang ở nhà’, chỉ vì tôi nhớ bố mẹ tôi lắm.”

“Đó là nỗi đau đứt từng khúc ruột,” ông Robert Buzzanco, giáo sư lịch sử của trường đại học University of Houston bày tỏ. “Những người tị nạn Việt Nam mất hết mọi thứ. Họ mất đi gia đình, người thân và bạn bè. Một số người thì chết trong chiến tranh. Một số người khác thì bị bắt lại đi tù cải tạo. Họ phải để tất cả mọi thứ lại đằng sau.”

Bà Lan và chồng của bà, ông Lộc Nguyễn, đặt chân đến tiểu bang Arkansas khi người bảo trợ lúc đó là bà Mary Ellen Dixon, đồng ý giúp đỡ vợ chồng bà. Bà Dixon dạy tiếng Anh và cho vợ chồng bà Lan ở nhờ. Thậm chí bà còn chở ông Lộc đi làm hằng ngày.

“Chúng tôi không có xe, nên bà Dixon chở chồng tôi đi làm hằng ngày cho đến khi chúng tôi có đủ tiền mua một chiếc xe cũ,” bà Lan nói.

“Khi bố mẹ tôi đến Mỹ, họ gặp một người mà họ chưa bao giờ quen biết là bà Mary Dixon. Bà ấy cho bố mẹ tôi và hai cặp vợ chồng khác ở trong một khu chung cư mà bà ấy tự móc hầu bao của mình trả và từ tiền quỹ của nhà thờ nơi bà sinh hoạt. Rất khó để tôi có thể tin chuyện này vì tôi không nghĩ đây là chuyện xảy ra trong thời đại hiện nay,” Thomas Nguyễn, con của ông Lộc và bà Lan chia sẻ.

Nhờ bà Dixon, gia đình của bà Lan bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng nỗi đau xa cách gia đình, bỏ lại quê hương không bao giờ nguôi trong lòng bà Lan.

“Mẹ tôi sống ở Việt Nam hơn 30 năm,” Thomas nói. “Nhưng đột nhiên mọi thứ thay đổi, và mọi thứ đột ngột biến mất. Mẹ tôi trở thành một người xa lạ nơi đất khách, và có nhiều đêm bà lang thang ở  ngoài đường không muốn về nhà, vì nó có phải là nhà đâu.”

“Thỉnh thoảng khi đi tàu điện ngầm, tôi cứ ngồi lì ở trên đó mà không xuống. Vì tôi nghĩ, mỗi lần tàu dừng lại, tôi sẽ thấy được một gương mặt thân quen nào đó,” bà Lan nói. Nhưng bà không bao giờ gặp.

Sau đó, gia đình bà Lan chuyển về Houston, Texas sinh sống, nơi người con trai Thomas được nuôi nấng ở thành phố Katy. Tại đây, Thomas chứng kiến sự kỳ thị của người khác dành cho bố mẹ anh chỉ vì họ không thể phát âm tiếng Anh chuẩn.

“Bạn có thể hình dung là một đứa trẻ 6, 7 tuổi như tôi cảm thấy như thế nào khi thấy bố của mình tức giận khi thấy bản thân bất lực không thể làm gì để nuôi gia đình không? Ông ấy không thể làm gì hết và đó là những gì mà tuổi thơ tôi trải qua,” Thomas nói.

Gia đình bà Lan không phải là ngoại lệ.

Trong những năm cuối thập niên 70, khi hàng ngàn người Việt Nam tị nạn đến Houston và chọn nghề bắt tôm làm kế sinh nhai, một cuộc căng thẳng sắc tộc bùng nổ.

“Ở Kemah, tình hình trở nên hỗn loạn khi những người đi biển da trắng bắt đầu thấy người Việt Nam có thể giành mất công việc đánh tôm đánh cá của họ. Xung đột xảy ra, thậm chí có cả vụ nổ súng,” giáo sư Buzzanco nói.

Đó là sự khởi đầu đầy biến động của cộng đồng gốc Việt tại Houston. 40 năm sau, cộng đồng nơi đây phát triển mạnh mẽ với hơn 100,000 người, tập trung đông nhất ở vùng Bellaire. Người Việt tại đây còn xây dựng một đài tưởng niệm, với hình ảnh một người lính Mỹ và một người lính Việt Nam Cộng Hòa cùng nhau chiến đấu, để tôn vinh sự hy sinh của những người Mỹ hy sinh trên chính quê hương của họ. Đó là biểu tượng của lòng biết ơn của nhóm người từng bị tẩy chay, nhưng giờ đây họ thành công trên mảnh đất cờ hoa.

Sinh sống trong cộng đồng này, người con trai của gia đình tị nạn cố gắng học hành và cuối cùng, anh tốt nghiệp với bằng Luật trên tay ở Austin. Hiện tại, Thomas đang là chủ một nhà hàng đắt khách ở Galleria.

Nhưng con cái của những người nhập cư thường quên mất đi nỗi đau khổ của bố mẹ mình trải qua. Họ cũng có khó khăn của mình; đó là làm cách nào để hòa nhập và khẳng định giá trị của mình.

“Mãi cho đến bây giờ tôi mới hiểu ra rằng tôi nên xấu hổ với sự thờ ơ của mình đối với người lớn, về những gì họ trải qua, về một ngày tháng Tư tang thương của lịch sử. Hầu hết những người Việt đến Houston sau năm 1975 chỉ với mục đích là thoát khỏi Việt Nam và đi tìm một cuộc đời khác,” Thomas bày tỏ.

Cơ hội đổi đời này có thể xảy ra là vào sự tử tế và tình thương của một người xa lạ, mà sau này gia đình bà Lan bị mất liên lạc.

Phóng viên Angela Chen ở đài Fox 26 đã tìm ra được bà Mary Ellen Dixon ở Arkansas, và sau 41 năm, bà Dixon và gia đình bà cưu mang có dịp hội ngộ.

Bà Dixon cho biết, bà không bao giờ quên được văn hóa của người Việt khi gia đình bà Lan sinh sống ở nhà bà.

“Lúc đó, hai đứa con của tôi, một đứa 6 tuổi và một đứa 3 tuổi. Chúng nó nói với tôi rằng, chúng nó không bao giờ quên được hình ảnh của ông Lộc, người đàn ông hiền lành luôn dành thời gian để nấu ăn. Nụ cười của ông ấy như sưởi ấm cả căn nhà. Các con tôi cho rằng, món khoai tây chiên ông ấy làm là ngon nhất thế giới,” bà Dixon chia sẻ.

Nếu như gia đình bà Lan thay đổi các đứa con của bà Dixon, thì bà Dixon cũng là người mà Thomas không bao giờ quên.

Nhờ vào bà Dixon mà gia đình Thomas mới có cơ hội bắt đầu một cuộc sống mới trên đất khách. Và cho đến hôm nay, khi đã thành công, Thomas lại giúp đỡ những người khác, như cái cách mà bà Dixon đã giúp gia đình anh. Thomas đóng góp cho nhiều hội khác nhau như Sunshine Kid, MD Anderson và Star of Hope.

Và mỗi năm khi ngày 30 Tháng Tư đến, gia đình anh lại cầu nguyện cho những người Việt tị nạn xấu số và cầu sự bình an cho cộng đồng.

“Tôi muốn mọi người nhớ rằng ngày Tháng Tư Đen đó là ngày tồi tệ nhất của người Việt Nam,” bà Lan nói.

“Tôi không muốn các đứa trẻ gốc Việt lớn lên và đợi cho đến khi 39 tuổi thì mới hiểu được nỗi đau và sự hy sinh của ông bà, cha mẹ mình. Nỗi đau này không phải chỉ của người lớn, mà là của cả chúng ta,” Thomas cho biết. (N.A)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay