Cho ngày tháng ấy lụi tàn

Cho ngày tháng ấy lụi tàn

Tạp ghi Huy Phương

Nguoi-viet.com

Bây giờ những gói quà đã được mở ra, ánh đèn trên cây Giáng Sinh đã tắt, trẻ em không còn nô nức chờ đợi và chúng ta đã trở lại với những ngày bình thường tất bật.

Các ông già Noel đi xe gắn máy trên xa lộ ở Belgrade, Serbia, hôm 26 Tháng Mười Hai, một ngày sau Giáng Sinh. (Hình minh họa: AP Photo/Darko Vojinovic)

Hai mươi lăm năm trôi qua trên đất Mỹ, tôi cảm nhận Giáng Sinh mỗi ngày mỗi buồn, không biết lý do có phải vì mỗi năm càng thấy mình mỗi già, thân không còn nhanh nhẹn, ý không còn lăng xăng. Đối với tất cả người già, như tuổi đời mệt mỏi, đứng lại bên lề đường hay lề đời, nhìn dòng xe hay dòng đời trôi qua.

Hai mươi lăm năm trước, khi tôi mới đặt chân đến Mỹ, dù chỉ với một gia đình gói gọn trong vòng năm bảy người, tuy không phải là người theo đạo Chúa, cũng như nhiều gia đình khác trong xóm, cả người ở lâu hay người mới đến, năm nào nhà cũng dựng cây Giáng Sinh, dưới gốc cây sáng ánh đèn, năm nào cũng đầy những gói quà cho nhau, được gói kỹ lưỡng với những tờ giấy gói trang trí đầy màu sắc.

Những ngày đó mỗi năm, tôi còn cắm cúi viết những lời chúc tụng trên những tấm thiếp mừng Giáng Sinh và năm mới, trình bày nghệ thuật, lúc nào cũng lấp lánh ánh ngân nhũ, mô tả những nóc nhà thờ đầy tuyết trắng, nhưng ông già Noel râu tóc bạc phơ trên chiếc xe tuyết do đàn tuần lộc, kéo chạy băng băng, từ trên bầu trời sáng đầy ánh sao.

Gần ngày Giáng Sinh, trên đường phố, tôi thường bắt gặp những chiếc xe chở những cây thông tươi nặng trĩu, và tôi có cảm tưởng rằng tất cả mọi nhà, đều có cây Giáng Sinh, có chăng đèn, kết hoa, có những gói quà cho người lớn và lũ trẻ, có bữa ăn “reveillon dinner” theo phong cách Âu Châu.

Những thương xá luôn đầy người mua sắm, không ngại tốn tiền mà ngại phải xếp hàng rồng rắn để đợi đến phiên mình trả tiền. Và những ngày cuối Tháng Mười Hai, đường về hình như kẹt xe nhiều hơn, trời thường tối sớm, cho chúng ta có cảm tưởng như bữa ăn tối thường dọn trễ hơn mọi ngày.

Có lẽ đối với trẻ em Giáng Sinh là một giấc mơ, một cơ hội tuyệt vời, nhưng đối với cả người lớn, chúng ta thử tưởng tưởng ra, một năm không có ngày Giáng Sinh, như con đường không có trạm nghỉ, dòng sông dài miên man không có một bến đỗ. Khéo cho ai đã đặt ra tuần, ra tháng, ra năm, để cho con người trên thế gian, có được cơ hội đếm thời gian, có chờ đợi, hẹn hò và cũng có hồi tưởng, để nhớ lại những ngày, những tháng, những năm…

Mãi lực mua sắm hàng năm của người Mỹ quả là có lên có xuống, nhưng là những món mua sắm cho bản thân mình. Những món quà Giáng Sinh mỗi năm cho bạn bè và người thân mỗi năm mỗi vắng. Trên đường đi, ít thấy cảnh những chiếc xe chở cây thông tươi về nhà. Trong thùng thư bưu điện họa hoằn lắm mới có tấm thiệp của người ở xa với những nét chữ quen thuộc, nhưng trong e-mail, có quá nhiều tấm thiệp vô hồn của một người gửi cho cả trăm người. Mấy năm rồi không hang đá, mà cũng chẳng buồn cây thông, con cháu lớn rồi, mỗi người một ngả, còn đâu phút sum họp mà mở quà.

Mấy năm nay không còn cái thú đi xem nhà thiên hạ giăng đèn rực rỡ đêm Noel, mà cũng chẳng còn mấy nơi chịu khó giăng đèn, chỉ còn những cây Giáng Sinh ở những khu thương mãi. Sở Vệ Sinh nước Mỹ càng ngày càng nhẹ gánh đỡ nhọc công đi đổ rác sau ngày Giáng Sinh khi thùng rác đầy giấy gói quà, thùng carton và những cây thông bắt đầu héo lá.

Cách đây 10 năm trong khu phố này, mỗi đêm Halloween có hàng chục em gõ cửa “trick and treat” năm nay chỉ có một lần với hai em, tôi bật đèn ngoài đến khuya, và rổ kẹo vẫn còn đầy. Phải chăng em không còn tuổi thơ hay ngoài đường không còn là nơi yên ổn cho em? Và phong tục, lễ tết càng ngày càng tàn lụi theo thời gian.

Rồi đây, các em sẽ biết rõ không có ông già Noel, không bao giờ có những chiếc xe tuần lộc chở nặng những gói quà, và tuổi thơ sẽ không còn mơ đến những câu chuyện huyền thoại của một thời như lúc chúng ta còn nhỏ. Nếu đời sống trần trụi, đơn điệu và mỗi đời người không có một giai đoạn gọi là tuổi thơ thì quả địa cầu này buồn biết mấy!

Thế giới hôm nay không còn “bình an dưới thế cho người thiện tâm,” thiên tai và nhân tai luôn luôn đe dọa rình rập loài người, không mang súng đạn cũng chết vì súng đạn, không là người ác cũng chịu chết như kẻ ác. Hãng thông tấn Sputnik cho biết, ở Mỹ hiện nay, súng là một món quà Giáng Sinh phổ biến và những khẩu súng làm quà tặng thì không cần kiểm tra lý lịch.

Chỉ nội cái ý nghĩ năm nay nhận được một khẩu súng lục trong gói quà Noel không biết chúng ta vui thích hay cảm thấy lạnh người, khi trên đất Mỹ, số người chết vì súng đã cao hơn số người chết vì tai nạn giao thông.

Trường học nhiều nơi, nhân viên và giáo viên đã được mang súng đến trường. Dù chưa có phép, ông già Noel cũng đã bắt đầu giấu súng trong chiếc áo bông dày cộm của ông, vì đám đông, dù là đám đông trẻ thơ tụ tập nhận quà, vẫn là mục tiêu tàn sát của bọn khủng bố.

Con người không mơ giàu có, không ước tiếng tăm, nếu được một ngày không phải lo âu, một đêm có giấc ngủ bình an, vui cứ cười, buồn cứ khóc, và mau quên những điều phiền muộn như trẻ thơ, thì thế giới hạnh phúc biết bao nhiêu!

Đó là lời cầu bình an!

Bình an dưới thế cho người thiện tâm!

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay