HỎA NGỤC

Hoả ngục khủng khiếp làm sao???

Trầm luân vĩnh viễn…. tự… vào…không…. ra

…………..

Giờ đây thống hối tội qua

Sống sao xứng đáng con CHA trên Trời

Mai sau hưởng phúc cao vời

   Vì nay mến CHÚA, yêu người không thôi .

Thập điều giữ trọn chẳng rời

Lời CHÚA ghi khắc, tâm thời vui liên

Bình minh…Thánh lễ trước tiên

Sau viếng Thánh Thể tiếp liền …bên CHA

Tu thân, tích đức…. trổ hoa

Đơn sơ, phó thác, hiền hoà, yêu thương

Thứ tha, từ bỏ, khiêm nhường

Nguyện cầu, kiên nhẫn, thiện lương hơn người

Thanh tẩy, Thánh hóa CHÚA ơi!

Cho con cảm tạ muôn đời Hồng Ân.

hnkimnga

 

HỎA NGỤC

Lm. Đoàn Quang, CMC

1- Lời Kinh Thánh:

*”Chúa Giêsu thường nói đến “hoả ngục” (Gehenna), đến “lửa không bao giờ tắt” ( xem Mt 5,22.29;13, 42.50; Mc 9,43-48), dành cho những ai, cho đến lúc chết, vẫn từ chối tin và trở lại, và đó là nơi cả hồn lẫn xác có thể bị hư  mất” ( xem Mt 10,28).

*Chúa Giêsu đã dùng những lời nghiêm khắc, rằng “Ngài sẽ sai các thiên thần tới để lượm tất cả những kẻ làm điều gian ác  (…), và quẳng chúng vào lò lửa bừng bừng”  (Mt 13,4142).

*Ngài sẽ tuyên án: “Hỡi những kẻ vô phúc, hãy đi khỏi mặt Ta vào nơi lửa muôn đời”  (Mt 25,41).

*Mt 5,29  Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.

*Mt 5,30  Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.

*Mc 9,45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi;

thà cụt một chân mà được vào cõi sống

còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.

*Mc 9,48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.

*Mt 16,26  Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

2- Giáo lý Giáo hội Công giáo:

“Chết trong tội trọng mà không sám hối và không đón nhận tình thương đầy từ bi của Thiên Chúa, thì sẽ mãi mãi lìa xa Chúa do sự tự do lựa chọn của mình. Danh từ “Hoả ngục” được dùng để chỉ tình trạng ly khai mãi mãi khỏi mối hiệp thông với Thiên Chúa và với các thánh trên trời. (số 1033)

“Giáo huấn của Giáo Hội khẳng định có địa ngục và tính vĩnh viễn của địa ngục. Linh hồn của những người chết trong tình trạng mang tội trọng, sẽ lập tức phải xuống hoả ngục, “lửa vĩnh viễn” ( xem DS 76; 409; 411; 801; 858; 1002; 1351; 1575; SPF 12). Hình phạt chính của hoả ngục là bị muôn đời xa cách Thiên Chúa, chỉ nơi Ngài, con người mới có thể có sự sống và hạnh phúc: đó là những mục tiêu của con người khi được tạo thành và con người hằng khát vọng. (số 1035)

“Những khẳng định của Thánh Kinh và những giáo huấn của Giáo Hội về hoả ngục là  một lời kêu gọi tới trách nhiệm của con người trong việc sử dụng tự do của mình, hướng về số phận muôn đời của mình. Đó cũng là  lời kêu gọi khẩn thiết hãy hối cải: “Các người hãy vào qua cửa hẹp. Vì rộng rãi thênh thang là đường đưa tới hư mất, và nhiều người đi con đường này. Còn cửa hẹp và đường hẹp thì dẫn tới sự sống, nhưng ít người tìm ra nó  (Mt 7,1314):

Không biết ngày giờ nào, chúng ta phải luôn tỉnh thức như lời khuyến cáo của Chúa, để khi chấm dứt dòng đời độc nhất của cuộc sống trần gian, chúng ta đáng được nhận vào dự tiệc cưới với Ngài và được kể vào số những người được Thiên Chúa chúc phúc, thay vì bị gạt ra do lệnh của Thiên Chúa để xuống chỗ lửa muôn đời, như những đầy tớ xấu nết và lười biếng, đó là chốn tối tăm bên ngoài, nơi có những tiếng khóc lóc và nghiến răng  ( LG 48). (số 1036)

“Thiên Chúa không tiền định cho một người nào phải xuống hoả ngục  (xem DS 397; 1567); điều này cần phải có một sự chủ ý xoay lưng lại với Thiên Chúa (một tội trọng) và cố chấp ở trong tình trạng này tới cùng.

Trong phụng vụ Thánh Thể và trong các lời cầu nguyện hằng ngày của các tín hữu, Giáo Hội khẩn xin lòng từ bi của Thiên Chúa, Đấng muốn “không một ai phải diệt vong, nhưng muốn mọi người đi tới sám hối”  (2 Pr 3,9):

Đây là lễ vật mà chúng con, những đày tớ Cha và tất cả gia đình Cha dâng lên Cha: xin Cha nhận lễ vật này theo lòng nhân hậu của Cha. Cúi xin Cha bảo đảm cho đời sống chúng con được bình an! Xin cứu vớt chúng con khỏi bị án phạt, và xin nhận chúng con vào số các kẻ được chọn của Cha ( MR, Lễ quy Rôma 88).(số 1037).

3- Lời Các Thánh

(1001 Danh Ngôn Các Thánh, Y Phan, CMC)

  1. Ôi, có phải vì Chúa yêu con mà Chúa đã dựng

nên Hỏa ngục không, đề ép con bám lấy Chúa.

Thánh Augustinô

  1. Tất cả mọi đau đớn khốn khổ ở thế gian này chỉ

là hình ảnh mờ nhạt của án phạt Hỏa ngục mà thôi.

Thánh Gioan Kim Khẩu

  1. Trong Hỏa ngục, kẻ tội lỗi dầu có chịu gấp đôi

tất cả những hình phạt khác nhưng vẫn còn nhẹ nếu so

với hình phạt không được thấy Mặt Chúa.

Thánh Brunô

  1. Nếu những kẻ trong Hỏa ngục được diện kiến

Nhan Thánh Chúa, thì Hỏa ngục không còn là Hỏa ngục

nữa, mà sẽ trở thành thiên đàng ngay lập tức.

Thánh Augustinô

  1. Linh hồn người ta vừa ra khỏi xác sẽ nhận ra

ngay Chúa là Đấng Tạo Thành, nên nó nong nả đến trình

diện trước mặt Chúa. Khi ấy, khốn thay cho những linh

hồn nào đang mang trọng tội. Nó sẽ nhận lấy án phạt là

lời quở trách của Chúa, mà vào chốn Hỏa ngục đời đời.

Thánh Antôniô

  1. Hình phạt của các tội nhân trong Hỏa ngục rất

kinh khủng, rất nhiều và rất gay gắt, lại không hề được

một chút an ủi và nỗi đau khổ càng cứ tăng mãi cho

đến đời đời.

Thánh Rôbertô Bellarminô

  1. Ôi, nếu kẻ có tội biết Hỏa ngục là gì như chúng

tôi đã được xem thấy, hẳn họ không còn dám phạm tội

nữa kẻo phải sa xuống chốn khốn nạn ấy.

Chân phước Giaxinta

*Thánh nữ Faustina, người được THIÊN CHÚA cho thiên thần dẫn đi xem hỏa ngục, đã nói:

“Các linh hồn phải vào hỏa ngục, hầu hết là những kẻ không tin có hỏa ngục”.

Trong sách Nhật Ký Lòng Thương xót Chúa, số 741, Thánh nữ viết: Hôm nay, tôi được một thiên thần dẫn xuống các hang hốc trong hỏa ngục. Đó là nơi cực hình ghê rợn; rộng toang hoác và rùng rợn biết bao! Tôi đã thấy các thứ khổ hình: khổ hình thứ nhất tạo nên hỏa ngục chính là việc mất Thiên Chúa; khổ hình thứ hai là lương tâm cắn rứt triền miên; khổ hình thứ ba là thảm cảnh ấy không bao giờ thay đổi; khổ hình thứ bốn là lửa nung xuyên thấu nhưng không hủy diệt linh hồn – đây là một cực hình kinh khủng, một thứ lửa hoàn toàn thiêng liêng, do cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa đốt lên; khổ hình thứ năm là cảnh tăm tối triền miên và mùi ngột ngạt hãi hùng, và mặc dù giữa tối tăm, nhưng ma quỉ và các kẻ dữ lại nhìn thấy nhau và mọi thứ độc dữ của kẻ khác cũng như của chính mình; khổ hình thứ sáu là cứ phải ở chung với Satan; khổ hình thứ bảy là nỗi tuyệt vọng cùng cực; căm hận Thiên Chúa, những lời tà độc, nguyền rủa và lộng ngôn.

Mọi kẻ bị trầm luân đều phải chịu những cực hình trên, nhưng chưa phải là hết. Còn có những hình khổ đặc biệt dành riêng cho từng linh hồn. Đây là những hình khổ về giác quan. Từng linh hồn phải chịu những hình khổ kinh khủng không sao tả được, liên quan đến cách họ đã phạm tội. Có những hang hốc và hố sâu cực hình, ở đó hình thức đau khổ này khác với hình thức đau khổ kia.

Đáng lẽ tôi đã chết ngay lập tức khi vừa thấy những cực hình ấy nếu như quyền toàn năng Thiên Chúa không nâng đỡ tôi. Các tội nhân biết họ sẽ bị gia hình mãi mãi muôn kiếp, tại những giác quan họ đã dùng để phạm tội.

Tôi viết điều này theo lệnh truyền của Thiên Chúa để không còn linh hồn nào có thể viện cớ rằng hỏa ngục không hiện hữu, hoặc chưa có ai đã từng vào trong ấy, và do đó, không ai có thể tả ra như thế nào.

          Tôi, nữ tu Faustina, theo lệnh của Thiên Chúa, đã xuống vực thẳm hỏa ngục để có thể nói cho các linh hồn biết về hỏa ngục và chứng minh sự hiện hữu của nó. Tôi không thể nói về hỏa ngục hiện giờ; nhưng tôi đã nhận được lệnh truyền từ nơi Chúa để ghi lại về hỏa ngục. Các ma quỉ hết sức căm hận, nhưng chúng phải lụy phục tôi theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Những điều tôi đã viết ra chỉ là một bóng mờ nhạt nhòa so với những gì tôi đã nhìn thấy.

Nhưng tôi xin lưu ý một điều: hầu hết các linh hồn trong hỏa ngục là những linh hồn đã không tin có hỏa ngục.

Khi tôi đến đó, tôi hầu như không thể trở lại bình thường sau khi thấy cảnh hãi hùng. Trong đó, các linh hồn chịu đau khổ kinh khủng biết bao! Vì vậy, tôi càng cầu nguyện tha thiết xin cho các tội nhân hoán cải. Tôi không ngừng khẩn nài Lòng Thương Xót Chúa cho họ. Lạy Chúa Giêsu của con, con thà chịu khổ cực khốn khó cho đến tận thế giữa những đau khổ ghê rợn nhất còn hơn là xúc phạm đến Chúa, dù chỉ một tội nhỏ mọn nhất”.

*Trong sách Tiếng Gọi Tình yêu kể về Sơ Josepha Menendez, nữ tu Dòng Thánh Tâm Chúa, đã được đưa xuống Hỏa ngục. Sơ đã tả lại theo lệnh Bề trên rằng” không lời lẽ nào tả hết được cảnh kinh hoàng, mùi hôi thối, khổ sở muôn đời”.

Một linh hồn thú nhận: Khổ cực nhất của chúng tôi là “không còn khả năng yêu thương, nếu còn yêu thương thì không còn hỏa ngục. Chỉ có hận thù, giận ghét, ganh tị, tuyệt vọng. Trễ quá rồi. Muôn đời đền tội, mãi mãi trong ngục tù. Chúng tôi khát mong cho các linh hồn bị hư mất.

Quỉ có cách cám dỗ, gây chiến ngày đêm: – kích thích dục vọng, – kích thích kiêu ngạo, – làm cho thờ ơ phần rỗi, – không để cho bình an. Quỉ tướng nói: “Đừng để chúng bình an một giây phút nào”.

Đứa trẻ 15 tuổi phải sa hỏa ngục, nó nguyền rủa cha mẹ, vì đã không dạy nó đường lành, dạy tránh hỏa ngục. Nó đã đọc sách báo xấu, phạm tội xác thịt…

Có tu sĩ nguyền rủa mình vì đã coi thường ơn gọi tu trì.

Có giáo dân nguyền rủa mình vì đã xưng tội chẳng nên…chẳng ăn năn dốc lòng chừa…

*Sơ Josepha còn viết: Bệnh hoạn là ơn trọng đại Chúa ban để tẩy luyện linh hồn.

4- Lời quỉ thú nhận:

*Một linh mục ? trong lúc trừ quỷ đã hỏi quỷ: “Mày ở trong hỏa ngục bao lâu rồi?” Thằng quỷ trong thân xác người bị quỷ ám, đập tay xuống bàn, nổi giận la lớn: “Lúc nào cũng là lúc bắt đầu”.

5- Chứng tích:

  1. Ông Gaston de Segur, nhà trí thức đạo đức Công Giáo người Nga, , đã viết cuốn sách nói về Hỏa Ngục. Ông viết chuyện xảy ra tại Moscou vào năm 1812: Cậu tôi, Rostopchine, lúc ấy là thống đốc quân sự tại Moscou. Cậu thân với tướng Orloff, một người tài giỏi, nhưng lại khô đạo.

Một buổi tối, Orloff và Victor nói chuyện về tôn giáo và Hỏa Ngục. Orloff khiêu khích trước:

– “Không rõ bên kia nấm mồ, có cái gì khác hiện hữu không?”. Tướng Victor đáp liền:

– “Được rồi. Nếu quả thực có cái gì đó, thì một người trong hai ta, ai chết trước, sẽ hiện về báo cho người kia biết. Anh đồng ý không?”. Tử tước Orloff gật đầu “Đồng ý”. Rồi ông giơ tay bắt tay bạn, như cử chỉ giao kèo: phải trung tín giữ lời đã hứa.

Sau đó một tháng, tướng Victor ra trận chiến với quân của Napoléon nước Pháp, vừa tuyên chiến với nước Nga. 3 tuần sau, vào sáng sớm tinh sương, tướng Victor đi  do thám địa điểm của địch. Bỗng ông bị một viên đạn bắn xuyên bụng. Ông gục ngã và chết ngay tại chỗ. Chính lúc đó, linh hồn ông ra trước tòa Chúa.

Orloff đang ở Moscou, không hay biết gì về thảm họa xảy đến cho bạn mình. Vậy mà, cùng ngay buổi sáng hôm ấy, mặc dầu đã thức giấc, nhưng tử tước Orloff vẫn còn nằm rán lại trong giường. Bỗng chốc, ông trông thấy chiếc màn che giường động đậy, rồi, chỉ cách đó hai bước, xuất hiện rõ ràng gương mặt tái mét của người quá cố. Tướng Victor, một tay đặt trên ngực, dõng dạc tuyên bố: “Quả thật có Hỏa Ngục và tôi đang bị trầm luân trong ấy!”.

Nói xong, người quá cố biến mất. Tử tước Orloff nhảy ra khỏi giường, mình mặc nguyên bộ đồ ngủ, chân mang dép ngủ, đầu tóc bù xù, đôi mắt thất thần, gương mặt nhợt nhạt. Ông đâm đầu chạy một mạch đến nhà cậu tôi, kể lại cho cậu nghe câu chuyện vừa xảy ra.

10 ngày sau, quân lực Nga hoàng gởi điện cho cậu tôi, báo tin tướng Victor đã tử nạn, vào đúng y buổi sáng mà Orloff đã trông thấy ông hiện về.

2- Câu chuyện thứ hai được ghi trong sử liệu của thánh Francesco De Gieronimo (1642-1716), một linh mục dòng Tên, sinh tại Taranto, nhưng hoạt động tông đồ và qua đời tại Napoli, miền Nam nước Ý.

Ngài thường giảng các tuần đại phúc. Mục đích của thánh nhân là mời gọi mọi người hồi tâm thống hối, trở về cùng Thiên Chúa và sống ngay chính.

Một hôm, thánh Gieronimo giảng trước đám đông, kéo đến nghe ngài nơi quảng trường thành phố Napoli. Gần đó, trong căn nhà có cửa sổ nhìn xuống quảng trường, có một phụ nữ trắc nết sinh sống. Với chủ đích quấy phá và lấn át tiếng nói của vị thánh, bà cất tiếng la hét ầm ĩ và múa máy lung tung. Mọi lời khuyến cáo bà im đi, đều vô hiệu. Thánh Geronimo đành bỏ dở buổi giảng thuyết hôm ấy.

Ngày hôm sau, thánh nhân trở lại chỗ cũ. Ngạc nhiên vì thấy cửa sổ phòng bà kia đóng kín mít, thánh nhân hỏi lý do tại sao. Người ta cho ngài biết, bà ta đã bất ngờ qua đời trong đêm. Thánh nhân liền nói: “Chúng ta hãy đi xem bà”. Một số đông đi theo ngài và trông thấy xác bà còn nằm sóng soài dưới đất .. Như được linh hứng, thánh nhân cất tiếng hỏi:

– “Hỡi Catarina, nhân danh Chúa, hãy nói cho mọi người đang có mặt đây biết, bà đang ở đâu”. Tức khắc, đôi mắt người quá cố hé mở, đôi môi động đậy. Rồi bằng một giọng khàn khàn, khủng khiếp, bà trả lời:

– “Ở trong Hỏa Ngục .. Tôi bị trầm luân trong Hỏa Ngục đời đời kiếp kiếp!”.

Mọi người hiện diện toát mồ hôi lạnh, dựng tóc gáy!. Lúc xuống cầu thang, thánh Geronimo lẩm nhẩm lập lại:

– “Trong Hỏa Ngục mãi mãi .. Ôi Thiên Chúa công minh, đáng sợ biết là chừng nào!”.

Đa số những người chứng kiến cảnh tượng hãi hùng đó, không muốn trở về nhà, trước khi xét mình kỹ lưỡng, thành tâm thống hối và sốt sắng lãnh nhận bí tích Giải Tội.

(Dom Giuseppe Tomaselli, ”Y A-T-IL UN ENFER?”, Tequi, 1965, trang 24-28).

KẺ SA HỎA NGỤC, KHÔNG TẠI NHIỀU TỘI, NHƯNG TẠI KHÔNG ĂN NĂN, KHÔNG TIN CẬY VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA GIÊSU.

(Trích sách Jesus Appeals to The World, Alba House xb)

*Ngày 15-12-1935, Chúa Giêsu dạy Sơ Consolata Betrone viết những điều này cho các linh hồn :

“Consolata , điều rất thường xảy ra là các linh hồn tốt lành, đạo đức  và cả những linh hồn đã tận hiến cho Cha cũng thường làm khổ Trái Tim Cha tới cùng  vì những câu nói hờ hững như:  “Ai biết tôi có được rỗi linh hồn hay không?

Hãy mớ sách Phúc âm ra và đọc những lời hứa này. Cha hứa cho chiên Cha: “Cha sẽ cho chúng được sống đời đời. Chúng sẽ không bị hư mất đời đời. Không ai có thể giựt chúng khỏi tay Cha” (Ga 10, 28).

Consolata con có hiểu không? Không ai có thể cướp các linh hồn khỏi tay Cha.  Đọc thêm nữa:

“Những ai Cha Cha đã ban cho Cha thì quí hơn tất cả, và không ai có thể giựt chúng khỏi tay Cha Cha “(Ga 10, 29).

Consolata con có hiểu không? Không ai có thể cướp các linh hồn khỏi tay Cha.

Trong cõi đời đời, chúng không hư mất…vì Cha ban cho chúng sự sống đời đời. Cha nói những lời này cho ai? Cho tất cả các con chiên, cho tất cả các linh hồn. (1 Tm 2, 4: Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lí).

Vậy tại sao còn có lời nhục mạ:   “Ai biết tôi có được rỗi linh hồn hay không?

Cha đã ban lời bảo đảm trong Phúc âm  rằng “Không ai có thể cướp các linh hồn khỏi tay Cha, và rằng “Cha ban cho chúng sự sống đời đời. Vì vậy các linh hồn không thể hư mất. Hãy tin Cha đi, Consolata.

Các linh hồn phải sa Hỏa ngục chỉ là những linh hồn thực sự muốn vào đó mà thôi (into hell go only those who really wish to go there). Vì Không ai có thể cướp các linh hồn khỏi tay Cha.

Vì có tự do, linh hồn có thể chạy thoát khỏi Cha, có thể phản bội Cha, có thể từ chối Cha, bằng ý muốn riêng của mình, để chạy đến với Satan.

Ôi, thay vì đả thương Trái Tim Cha bằng những bất tín, con có thể nói thêm ít tư tưởng về Thiên đàng đang chờ con.

Cha đã không dựng nên con để vào Hỏa ngục , nhưng dựng nên con để hưởng Thiên đàng, không là bạn với quỉ dữ, nhưng là an hưởng với Cha đời đời trong Tình yêu.

Consolata , con thấy đó:  Các linh hồn phải sa Hỏa ngục chỉ là những linh hồn thực sự muốn vào đó mà thôi.

Điên khùng chừng nào sự sợ hãi bị luận phạt.

Sau khi đổ hết Máu mình ra để cứu chuộc các linh hồn, sau khi bao bọc các linh hồn bằng hết ơn này tới ơn khác trong suốt cuộc sống của các con, thử hỏi Cha có cho phép Satan, kẻ thù xấu xa nhất của Cha, cướp giựt các linh hồn khỏi tay Cha vào phút cuối cùng cuộc đời nó không, ngay vào lúc Cha sắp lượm kết quả của công ơn Cứu chuộc, và do đó, vào lúc linh hồn này sắp được hưởng Tình yêu Cha muôn đời? Cha có thể làm như thế sao? Khi trong Phúc âm Cha đã hứa ban cho linh hồn sự sống đời đời và “không ai có thể giựt chúng khỏi tay Cha”.

Consolata, làm sao có thể tin rằng sự quái gở ấy sẽ xảy ra được? 

Con biết đó, hình phạt cuối cùng chỉ có thể tìm thấy nơi những linh hồn cố ý muốn đi vào Hỏa ngục , và đó là tại gan lì cố chấp từ chối lòng Thiên Chúa, vì không bao giờ Cha từ chối ban ơn tha thứ cho bất cứ linh hồn nào (anyone).

Cha ban ơn thông cảm vô cùng cho mọi người, vì Máu Cha đổ ra cho mọi người, cho mọi người.

Không, không phải vì vô số tội mà linh hồn bị kết án, vì Cha ban ơn tha thứ cho mọi kẻ có lòng ăn năn, nhưng bởi vì sự gan lì, cố chấp không muốn được tha thứ, nó muốn bị hư mất.

Trên thập giá, tên trộm Dismas, chỉ với một cử chỉ đức tin vào Cha, mà nhiều, nhiều tội lỗi của hắn, trong chốc lát đã được xóa bỏ, và quả thực, ngay hôm được tha thứ đó, hắn được vào Nước Thiên đàng và nên một vị Thánh.  Đó là sự chiến thắng của lòng Thương xót và lòng Tin cậy vào Cha .

Consolata, không đâu, Cha Cha đã ban cho Cha các linh hồn thì cao trọng hơn, quyền thế hơn tất cá các quỉ dữ. Không ai có thể cướp giựt chúng khỏi tay Cha Cha.

Ô, Consolata, hãy trông cậy nơi Cha, hãy tin tưởng nơi Cha.  Con phải tin tưởng mù quáng rằng: Cha sẽ hoàn tất những lời hứa trọng đại Cha đã hứa với con.  Cha nhân lành, nhân lành và Thương xót vô biên, vô lượng. ” Cha không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn hối cải và được sống” (Ez 33,11).

*“Hãy tôn vinh Thiên Chúa với lòng trông cậy của con, hãy thề hứa với Cha rằng:  nếu con luôn luôn tin cậy, thì dù linh hồn con có gặp bất cứ tình cảnh nào, Thiên đàng sẽ được mở ra cho con.

Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào có lợi gì? Lấy gì đổi lại cho cân bằng? (Mt 16,26)

Lm. Đoàn Quang, CMC

Anh chi Thu & Mai goi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay