NHỮNG EM BÉ BÁN DIÊM THỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

NHỮNG EM BÉ BÁN DIÊM THỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Tri’ch EPHATA 670

Mùa Giáng Sinh sắp về, cái lạnh giá của mùa Đông cũng đang phủ dần mặt đất. Đâu đó giữa gió mùa lạnh lẽo, có những em bé không mẹ, không cha, không người thân lang thang giữa cuộc đời để tìm hơi ấm của sự sống.

Những em bé bán vé số, đi đánh giày, đi làm thuê trong bến xe, quán nước… Có thể các em còn cha mẹ nhưng đời sống quá kham khổ đã dần đẩy các em xa tuổi thơ, bươn bả với cuộc đời. Ngày Giáng Sinh, những em bé may mắn có cha mẹ dắt đi chơi Lễ, đi Nhà Thờ, ăn những món ngon. Với những em bé lang thang cơ nhỡ, một ổ bánh mì nóng đã là thiên đường. Chúng tôi gọi các em là những em bé bán diêm thời xã hội chủ nghĩa với đầy đủ nỗi thống khổ trong khái niệm này.

Món quà Noel…

EM BE BAN DIEM

Một em bé bán vé số trong thành phố Sàigòn, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, tên Hùng, chia sẻ: “Con nít làm việc ở các quán nhậu á, với lại bán hàng rong, bán vé số thì tội lắm. Buổi tối đi bán phụ với gia đình, ban ngày đi học hoặc cũng đi bán luôn. Không có tuổi thơ gì đâu, cũng không có sân chơi cho tuổi thơ đâu. Chỉ biết làm kiếm tiền, lây lất ngày qua ngày vậy thôi !”

Theo Hùng tâm sự, cuộc đời em buồn nhiều hơn vui. Em có đầy đủ cha mẹ và các em nhưng gia cảnh nghèo khổ quá thể, không còn cách nào khác, em phải bỏ học từ năm lớp ba để đi bán vé số phụ giúp cha mẹ. Em theo cha mẹ rời bỏ quê hương, vào thành phố Sàigòn lây lất qua ngày. Cha của Hùng đi phụ hồ, mẹ em đi bán trái cây dạo, còn em thì đi bán vé số. Hằng tháng, cả nhà gom tiền lại gởi về quê để ông bà nộp tiền học cho hai đứa em. Hùng bảo: “Không có tuổi thơ gì đâu, cũng không có sân chơi cho tuổi thơ đâu. Chỉ biết làm kiếm tiền, lây lất ngày qua ngày vậy thôi !”

Hùng nói rằng ở quê nhà, đất đai chật chội, không có ruộng vì thời người ta chia ruộng đất thì cha mẹ em vẫn còn ở Tây Nguyên nên không có tiêu chuẩn ở Quảng Ngãi, sau khi rời bỏ đất Tây Nguyên bởi không có cơ hội nào cho gia đình em, cả nhà kéo về Quảng Ngãi sống với ông bà. Công việc bữa được bữa mất ở đất Quảng Ngãi không bao giờ giúp gia đình em đủ sống, cả nhà lại kéo vào Sài Gòn để làm thuê làm mướn, buôn thúng bán mẹt với hy vọng đổi đời.

Nhưng suốt gần mười năm nay, gia đình em vẫn cứ âm u và chưa bao giờ dư được một số tiền đáng kể để mà đổi đời. Hùng nói rằng nếu kiếm được một số tiền kha khá thì em sẽ cùng cha mẹ về quê để chăn nuôi. Vì cuộc sống ở thành phố đất chật người đông, tiền thuê phòng trọ đắt đỏ, mọi thứ nguy hiểm rình rập. Đó là chưa nói đến những ngày mưa ngập, em và mẹ phải lội nước cả ngày với hy vọng bán được đồng nào mừng đồng đó. Hùng chưa bao giờ thấy được một ngày vui vẻ và không còn lo toan. Nỗi lo của em sâu thẳm mỗi khi nghe âm thanh của gạo rơi vào chiếc nồi rỗng. Âm thanh đó như một thứ gì đó vừa thân thiết lại vừa ai oán của số phận.

Với tuổi đời chưa tròn mười lăm mà phải luôn căng trán suy nghĩ về bữa cơm của gia đình, về những ngày nếu lỡ đau ốm, về hai đứa em học hành thiếu thốn ở quê và về ông bà nội. Đôi khi Hùng tự hỏi nếu lỡ không may, ông hay bà qua đời, gia đình Hùng lấy gì để về xe, mua áo quan cho ông và bà, rồi tiền lo đám… Thời đại coi nặng đồng tiền, nếu không có tiền thì sẽ không làm được gì. Em biết hy vọng vào phép màu gì đây ?

Mùa Noel đến, cũng như mọi năm, em lại đi bán vé số buổi tối, cùng bạn bè có số phận như em tụm năm tụm ba để ngắm đèn màu, ngắm những bạn cùng lứa được cha mẹ đưa đi chơi trong bộ áo quần mới thơm tho và sạch bóng. Đôi khi em ước mơ có một ông già Noel xuất hiện và tặng cho em một món quà, duy nhất chỉ một món quà này thôi. Đó là em được đi học, em rất muốn tới trường. Nhưng rồi em lại thấy buồn bởi vì bây giờ nếu tới trường để học trở lại lớp ba thì em không tài nào học được cùng các em nhỏ. Nếu học đúng độ tuổi thì em không thể học nổi bởi đầu óc em hoàn toàn trống rỗng, ngay cả những cái chữ thời học lớp ba cũng rơi dần trên đường đi bán vé số.

Những em bé tuổi mười lăm

Nói về đội tuổi mười lăm, người ta ví đó là độ tuổi trăng rằm, trong sáng, vô tư và đẹp nhất trong cuộc đời. Đây cũng là độ tuổi mà trang ký ức mở rộng hết mức để đón nhận mọi tín hiệu của đời sống. Nhưng, trong đất nước xã hội chủ nghĩa này, độ tuổi mười lăm hình như không phải là độ tuổi trăng rằm của bất kỳ ai, đó có thể là độ tuổi trăng rằm của những em bé may mắn. Có những em bé ở tuổi trăng rằm phải lây lất ngoài đời, thậm chí phải theo cha mẹ ăn nắng ngủ sương giữa thành phố lạ để đấu tranh giành lại quyền lợi chính đáng về chỗ ở, chỗ học tập.

Câu chuyện về Nguyễn Mai Trung Tuấn qua nhận xét của bé Nga, một em bé đang bán vé số ở thành phố Sàigòn nhau nhiều năm cùng cha mẹ ra Hà Nội chờ kêu oan trên công viên Lý Tự Trọng và vườn hoa Mai Xuân Thưởng nhưng không được: “Em thấy người ta đối xử với bạn Mai Trung Tuấn như vậy là không đúng đâu vì bạn còn nhỏ. Những người như tụi em bị đối xử bất công nhiều lắm, thậm chí em bán vé số mà có khi người ta không muốn trả tiền, quát tháo em nữa kia. Trẻ em ở Việt Nam bị đối xử bất công nhiều lắm, em không tin vào nhà nước Việt Nam và pháp luật Việt Nam đâu. Toàn là bất công thôi. Kinh nghiệm gia đình em là một vết thương làm cho em hết tin vào nhà nước này !”

Theo bé Nga, nếu Chúa rủ lòng yêu thương và cho em một điều ước, em sẽ ước mình không phải sống ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bởi cuộc sống đã cho em một kinh nghiệm quá đau buồn. Từ chỗ có nhà cửa đàng hoàng, được đến trường học hành cùng bạn bè, nhà nước qui hoạch đất, nhà em bị tịch thu nhà với mức tiền đền bù rẻ mạt, ba mẹ em không đồng ý nhưng người ta vẫn cứ giải tỏa, cưỡng chế di dời và đập bỏ căn nhà của em.

Cuối cùng, em theo cha mẹ ra tận Hà Nội để nộp đơn kêu oan nhưng chờ mãi vẫn không được giải quyết, khoản tiền đền bù nhỏ nhoi chỉ đủ để sống trong thời gian đầu, sau đó cả nhà lây lất, sống nhờ vào tiền nhặt ve chai, giấy hộp bỏ và thi thoảng có người nào thương tình lại cho gia đình em vài chục ngàn đồng, vài ký gạo để cầm hơi. Cuối cùng, oan vẫn cứ oan, tiền thì khô túi, cả nhà phải ra bến xe Nước Ngầm để khuân vác thuê gần hai tháng trời mới đủ tiền mua vé vào Sàigòn.

Em tâm sự: “Những người như tụi em bị đối xử bất công nhiều lắm, thậm chí em bán vé số mà có khi người ta không muốn trả tiền, quát tháo em nữa kia…”

Và cuộc đời làm thuê làm mướn của gia đình em bắt đầu từ đó. Nga nói rằng cuộc đời đã cho em quá nhiều nỗi buồn để em đủ trưởng thành mà nhìn thấy mình may mắn hơn nhiều bạn khác bởi mình còn có cha mẹ bên cạnh và không đến nỗi phải vào tù như bạn Nguyễn Mai Trung Tuấn. Nga lắc đầu ngán ngẩm và sợ hãi khi nói về bốn năm rưỡi ngồi tù của một bạn nhỏ có tuổi đời ngang với em.

Em nói rằng mặc dù không quen biết, chưa hề gặp nhau lần nào nhưng nhân danh những đứa bé không may mắn trong xã hội, nhân danh những đứa trẻ kêu oan giữa xã hội, em tha thiết cầu mong Đức Chúa Trời hãy nhìn thấy bạn Nguyễn Mai Trung Tuấn và chìa bàn tay yêu thương của Ngài để cứu lấy bạn ấy. Bởi bạn Tuấn không làm nên tội tình gì và còn quá nhỏ để chịu sự đày đọa kinh khủng như vậy.

Mùa Noel sắp đến, chúng tôi xin cầu nguyện cho các em bé không may mắn trong xã hội có được một mùa Noel ấm áp trong tình yêu thương của Chúa! Xin Ngài đừng để những que diêm tuổi thơ cuối cùng phải cháy hết mà vẫn không đủ để sưởi ấm giá lạnh của cuộc đời !

Nhóm Phóng Viên của RFA

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay