“LUNG LINH, LUNG LINH, HAI TIẾNG GIA ĐÌNH…”

“LUNG LINH, LUNG LINH, HAI TIẾNG GIA ĐÌNH…”

 Lm. VĨNH SANG, DCCT,

Trích EPHATA 669

 Giáo Hội Việt Nam cử hành lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào ngày 24 tháng 11

hàng năm, sở dĩ ngày 24 tháng 11 được chọn vì đó là ngày thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, tuy nhiên những ngày này trùng vào những ngày cuối cùng của Năm Phụng Vụ nên việc

kính nhớ các Thánh Tử Đạo Việt Nam mang sắc thái Việt Nam một cách đặc biệt.

Người Việt Nam trong những ngày cuối năm là những ngày lo thu vén, tổng kết những

công việc cả năm để chuẩn bị mừng năm mới. Trong các việc không bao giờ được bỏ qua đó

là kính nhớ ông bà tổ tiên, những người cuối năm người ta sẽ ra mộ thắp những nén nhang

tưởng nhớ ông bà cha mẹ, dọn dẹp mộ phần sạch sẽ gọn ghẽ như sẽ dọn nhà cửa đón mừng năm mới, dọn bàn thờ tổ tiên, thay hoa, bày biện them hoa trái, xin lễ cầu nguyện cho ông bà, thậm chí còn tổ chức họp mặt gia đình để làm giỗ kỵ, chưa kể ngày mồng hai Tết sẽ là ngày đặc biệt cho việc thiêng liêng này.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được xem là tổ tiên của các Kitô hữu Việt Nam, chính các ngài đã làm khai sinh ra Giáo Hội Việt Nam bằng chính những giọt máu đào làm chứng cho Đức Tin của các ngài. Những ngày cuối Năm Phụng Vụ là cơ hội tốt để chúng ta tưởng nhớ, cầu nguyện, tạ ơn Chúa và vinh danh các ngài.

Khi chúng ta kính nhớ ông bà tổ tiên, chúng ta không chỉ thực hành một hành vi thiêng liêng,

nhưng còn thi hành một công việc mang tính xã hội và giáo dục. Ngày kính nhớ ông bà là ngày con cháu quy tụ, hội họp và chia sẻ với nhau, ngày kính nhớ ông bà tổ tiên cũng là ngày chúng ta nhắc nhau về công ơn và gương lành của các vị, từ đó chúng ta soi rọi đời sống của từng thành viên trong gia đình cũng như toàn gia đình và điều chỉnh cách sống sao cho xứng đáng với công ơn và gương sáng của các vị để lại.

Ngày lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam không nằm ngoài những suy tư và sinh hoạt như một ngày kính nhớ tổ tiên của người Việt, nhưng còn hơn thế nữa vì được Lời Chúa chiếu sáng và dẫn đường cho chúng ta điều chỉnh cuộc sống của chúng ta. Bài đọc 1 trích trong sách Macabê quyển thứ hai ( 2Mcb 7, 1.20-23.27b-29 ) kể lại câu chuyện một bà mẹ và 7 người con trai chịu chết vì đạo trong cùng một ngày.

Sách Macabê chỉ cho chúng ta nghe câu chuyện nhưng không nói rõ bà mẹ tên gì và những con trai của bà tên gì, phải chăng Kinh Thánh muốn đưa ra cho chúng ta một chứng tá điển hình của một cuộc làm chứng, mà gia đình là nền tảng của Đức Tin và sự hy sinh.

Trước hết chúng ta thấy thật là khủng khiếp khi trong môt gia đình, tai họa ấp đến trong vòng

một ngày cho cả mẹ và 7 con trai, chắc chắn họ phải dựa vào sức mạnh thần linh để chấp nhận và sẵn sàng chết một cách can đảm, sức con người không thể vượt qua. Vì thế ơn chịu chết vì đạo là một ơn mà chúng ta phải khẩn cầu, nếu không có ơn chịu chết vì đạo, con người mỏng dòn của chúng ta không thể đảm đương.

Từ suy nghĩ này có lẽ chúng ta cần có cái nhìn cảm thông hơn cho sợ nhát hèn của những con

người khi đứng trước thử thách đã không thể bước qua. Cuộc tàn sát đạo ở Việt Nam trải dài ba thế kỷ danh sách của Giáo Hội có bao nhiêu Kitô hữu nhưng chỉ có hơn 300.000 người chịu chết và chỉ có 117 vị được tuyên phong !

Đó là con số nhỏ, rất nhỏ so với dân số Công Giáo, vì không phải ai cũng được gọi, và khi gọi rồi không phải ai cũng được chọn. Con số nhỏ bé này trong Kinh Thánh đã từng được nhắc đi nhắc lại với danh xưng “số sót của Israel”. Đã là số nhỏ thì chắc chắn là không đươc ủng hộ rồi, thậm chí còn bị bỏ rơi và kết án nữa, càng làm cho thêm giống Thầy Chí Thánh.

Trong chuyến công du đang thực hiện ở Phi Châu, Đức Thánh Cha có nói với các Linh Mục rằng

đừng đi tìm công danh, giàu sang, phú quý. Chọn Chúa sẽ mất tất cả, có chấp nhận đánh đổi không ?

Điều khác chúng ta dễ nhận ra đó là vai trò của người mẹ trong câu chuyện xưa của sách

Macabê. Là phụ nữ, đứng trước mất mát lớn lao như vậy bà đã không hoảng loạn, đã không xử sự theo cảm tính, nhưng rất bình tĩnh, bản lĩnh và khôn ngoan trong ngôn ngữ của mình để dẫn cuộc chịu chết vì đạo của cả gia đình mình đến nơi đến chốn.

Một chi tiết thú vị trong câu chuyện đó là bà dùng tiếng mẹ đẻ mà nói chuyện với các con của

mình. Đức Tin của Thiên Chúa ban cho mọi dân tộc, không cho riêng một dân tộc nào, Thiên Chúa làm người để Đức Tin Ngài ban nẩy nở sinh hoa kết trái trong từng dân tộc. “Ngôn ngữ” của dân tộc là phương thức tuyệt hảo mà Thiên Chúa dùng để ngỏ với từng người, từng dân tộc, Thiên Chúa cũng muốn lắng nghe từng dân tộc cất lời ngợi ca Ngài bằng chính ngôn ngữ của dân tộc ấy. “Ngàn dân ơi nào hát lên ca tụng Thiên Chúa. Muôn dân tộc tiến vào chầu…” Vay mượn và say mê ngôn ngữ ngoại lai trong phụng tự có làm cho Thiên Chúa hài lòng chăng ?

Một điều nữa chúng ta nhận ra đó là mối tương quan trong cuộc tử đạo này. Chính người mẹ đã

ươm trồng Đức Tin cho con mình, “chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm”, giờ đây bà nâng đỡ Đức Tin ấy và mạnh mẽ củng cố Đức Tin ấy bằng những lời lẽ mang đầy tính tình cảm gia đình thân thương.

Trong thư của Thánh Phaolô, chúng ta nhận ra đầy dấu vết Đức Tin ban đầu được loan truyền từ

“kênh” gia đình, Thánh Phaolô nhắc gia đình này gởi lời thăm gia đình kia… Giáo Hội Việt Nam chúng ta cũng bắt đầu từ những gia đình đón tiếp, giúp đỡ và che chở các Thừa Sai như vậy. Và lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã được viết tiếp, âm thầm nhưng bền bỉ, cũng bằng những hạt mầm được ươm từ mảnh đất gia đình. Có thể nói: từ đơn vị gia đình nhỏ bé mà dần dần hình thành Giáo Điểm, rồi từ Giáo Điểm mà vun đắp nên Giáo Xứ, Giáo Phận, Giáo Hội…

Chúng tôi có lần đã được nghe một Linh Mục trẻ bộc bạch tâm sự rằng: rất sẵn sàng, rất khao

khát, rất hứng khởi khi có dịp được dâng Lễ Cưới và Lễ Tang, đặc biệt là những nố chuẩn hôn nhân khác đạo, bởi chính trong những dịp Lễ mang tính gia đình như thế, ngoài chiều kích dọc hướng lên Thiên Chúa, thì chiều kích ngang được tràn ra cho phần đông quần chúng rất ít khi hoặc chưa bao giờ bước qua ngưỡng cửa Nhà Thờ. Linh Mục qua bài giảng Tin Mừng có thể gây được ý thức rất thấm thía xúc động cho người trong đạo là đương nhiên, mà còn cho cả những anh chị em vô thần hoặc khác đạo có mặt trong những Lễ như thế. Và sau đó, từ khởi điểm ấy, những thành viên Công Giáo, có thể rất ít,

rất yếu trong các gia đình ấy sẽ làm tiếp nhiệm vụ lan tỏa Tin Mừng cho chính những người thân không phải là Công Giáo của mình…

Ngày hôm nay, khái niệm “tử đạo” còn được mở ra thành… “sinh đạo”. Chết cho đạo, cho Tin

Mừng của Chúa Giêsu là một ơn lớn lao. Thế nhưng, để “sinh đạo”, sống cho đạo, cũng là một

cách “tử đạo”, chết cho đạo từng ngày, từng tháng, từng năm, trong từng chọn lựa, từng quyết định, từng xác quyết theo sát Tin Mừng giữa một xã hội đang bị duy vật hóa, vô thần hóa của chúng ta hiện tại, thiết nghĩ, lại là một ơn lâu dài, bền bỉ và luôn luôn, vì lằn ranh giữa Tin Mừng và Sự Dữ bây giờ quá mong manh, sảy một ly đi một dặm ngay. Và trách nhiệm để gìn giữ cho “sinh đạo” ấy xin đừng dồn hết cho Nhà Thờ, cho các cha, các dì phước, nhưng chính là của gia đình, từ gia đình.

Gia đình còn giữ được Lửa Tin Mừng thì Giáo Hội sẽ còn có thể tiếp tục tiến bước, chậm nhưng

chắc. Xin các Thánh đã chết vì đạo ngày xưa cầu bầu cùng Chúa những ơn cần thiết cho chúng con là những… Thánh đang sống cho đạo hôm nay. Amen.

 Lm. VĨNH SANG, DCCT,

24.11.2015

( Tựa đề lấy theo một câu trong bài hát của Phương Thảo – Ngọc Lễ )

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay