Sài Gòn tê liệt vì mưa, phố biến thành sông
SÀI GÒN (NV) – Giao thông Sài Gòn hỗn loạn vào buổi sáng khi mặt đường cầu vượt “triệu đô” nằm ngay cửa ngõ bị sạt lở. Chiều cùng ngày, sau cơn mưa trắng trời cả thành phố “ngập chưa từng thấy” và gần như tê liệt.
![]() Hiện trạng đoạn đường sạt lở nằm ngay dưới chân dốc cầu vượt. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Truyền thông Việt Nam loan tin, khoảng 7 giờ ngày 15 tháng 9, nhiều người dân đi trên quốc lộ 1 hướng từ Ðồng Nai vào trung tâm thành phố Sài Gòn phát hiện mặt đường dẫn lên nhánh cầu vượt Thủ Ðức (cầu vượt Trạm 2), được xây dựng khoảng 120 tỷ đồng, bị nứt tạo rãnh lớn và ngay sau đó thì sạt lở, với nhiều vết rạn nứt kéo dài, khiến nhiều người hoảng sợ.
Theo Tuổi Trẻ, tại hiện trường nhiều mảng đất đá ở độ cao 10 mét đổ xuống công viên phía dưới cầu. Ðoạn đường rộng hơn 2 mét, dài gần 20 mét bị kéo sập, hở hàm ếch, taluy biến dạng. Phần đường sạt lở làm hở một phần mố cầu Thủ Ðức.
Tình trạng khá nghiêm trọng, song ông Vũ Kiến Thiết, giám đốc Khu Quản Lý Giao Thông Ðô Thị số 2, nơi quản lý cầu vượt này cho rằng, do ảnh hưởng của cơn mưa lớn kéo dài làm đất đá mất độ kết dính cộng với rung chấn của các xe cơ giới qua cầu gây sạt lở.
Cũng theo Tuổi Trẻ, cơn mưa trắng trời chiều cùng ngày đã khiến hàng loạt đường tại thành phố Sài Gòn ngập nặng.
![]() Nước ngập tới yên xe trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Cụ thể, đường Nguyễn Hữu Cảnh từ chân cầu Sài Gòn cho tới cầu Thủ Thiêm ngập sâu khoảng 1 mét tính từ mặt đường. Nhiều xe máy ngập đến yên xe khi đi vào mép đường.
Cảnh kẹt xe cục bộ cũng diễn ra trên con đường này do người dân đứng ở hai đầu điểm ngập để chờ nước rút và sửa xe. Nhiều xe hơi và xe máy chết máy được người dân giúp đưa ra khỏi điểm ngập.
Do mưa ngập, kẹt xe nặng xảy ra tại nhiều tuyến đường, giao lộ vào giờ cao điểm. Tại cầu vượt Hàng Xanh, hàng nghìn xe kẹt cứng kéo dài từ chân cầu sài Gòn dọc theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến bến xe miền Ðông. Do kẹt xe trầm trọng, nên người dân cho xe máy chạy luôn qua cầu vượt Hàng Xanh bất chấp lệnh cấm.
Nhiều tuyến đường khác như Kha Vạn Cân, quốc lộ 13, Linh Ðông, quận Thủ Ðức; Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn; đường Ấp Chiến Lược, quận Bình Tân; Bạch Ðằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Chu Văn An, quận Bình Thạnh; xa lộ Hà Nội đoạn ở cầu Rạch Chiếc, quận 2… ngập nặng, khiến người dân phải dắt bộ xe máy trong dòng nước đen ngòm, hôi thối. (Tr.N)