Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh
“Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.
Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy.
(Is 55, 8-9)
Hè về! Hè về!
Vào những thập niên 50 – 70, bài hát “Hè Về” của Hùng Lân trở nên quen thuộc mỗi độ Xuân tàn và Hè sang. Những câu hát dễ thương dưới đây thường vang vọng trên cửa miệng của đám học sinh non dại thời bấy giờ:
“Trời hồng hồng sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm gió ru êm
Lọc mầu mây bích
Ngọc qua mầu duyên
Đàn nhịp nhàng hát vang vang
Nhạc hoà thơ đón hè sang.
Hè về trong khóm trúc mềm đầu bờ
Hè về trong tiếng sáo diều dật dờ
Hè về gieo ánh tơ.
Bâng khuâng nghe nắng đùa mây trắng đàn chim cánh đo trời
Phân vân đôi mái chèo lữ thứ thuyền ai biếng trôi
Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng leo dốc chân đồi
Thanh thanh hương sen nồng ướp gió trắng khi chiều rơi.”
…….
Ở Bắc Mỹ, “hè về” là dịp cư dân miền Tây đi du lịnh miền Đông vì khí hậu mùa hè ở đây dễ chịu hơn thời tiết băng giá mùa đông!
Trong bối cảnh đó, mỗi dịp hè, tôi thường “thiên di” từ miền Tây sang miền Đông Canada để thay đổi không khí, đồng thời thăm viếng gia đình sinh sống nơi đây. Mùa hè nầy, tôi “thiên di” một tháng (giữa tháng 7 – giữa tháng 8/2015).
I.- THÀNH PHỐ MONTREAL
Thành Phố với trăm tháp chuông
Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là Thành Phố Montreal, vốn rất thân quen với tôi. Từ thời xa xưa, Thành Phố Montreal được mệnh danh là “Thành phố với trăm tháp chuông” (Ville aux cent clochers), vì rải rác trong Thành Phố, xuất hiện rất nhiều ngôi thánh đường Công Giáo.
Montreal là thành phố thuộc tỉnh bang Québec – cái nôi của Giáo Hội Công Giáo ở Bắc Mỹ. Rất nhiều con đường ở Montreal còn mang tên các vị Thánh Công Giáo.
Đền Thánh Giuse Montreal và Thánh Sư Huynh André Bessette
(Đền Thánh Giuse Montreal)
Khi đến Montreal, du khách không thể không đi kính viếng Đền Thánh Giuse Montreal. Ngoài địa điểm du lịch, Đền Thánh Giuse còn là nơi linh thiêng để nhiều người đến cầu khẩn xin ơn với Thánh Giuse và rất nhiều người được toại nguyện, kể cả những người ngoài Công Giáo.
Ðền Thánh Giuse Montréal gồm nhiều kiến trúc khác nhau, tạo thành một ngọn đồi thánh thiêng chiếm lãnh trên 500 mẫu tây.
Ngay cạnh nhà tiếp đón du khách có một tháp chuông cao với một bộ chuông gồm 56 chuông lớn nhỏ khác nhau. Trọng lượng bộ chuông lên tới 11 tấn. Bộ chuông này do Chính phủ Pháp đặt làm để trang trí trên Tháp Eiffel tại Thủ Ðô Paris, nhưng vì lý do kỹ thuật, nhà sản xuất Paccard et Frères đã dâng tặng Ðền Thánh năm 1955, nhân kỷ niệm 50 năm xây cất Đền Thánh.
Bên cạnh đó là Nguyện Ðường Khấn Thánh Giuse với 8 phù điêu lớn do điêu khắc gia người Canada Joseph Guardo thực hiện năm 1948, theo TÁM tước hiệu mà truyền thống Công Giáo vẫn suy tôn Thánh Giuse: Ðấng Bảo Trợ các Gia Ðình, Bổn Mạng giới Thợ Thuyền, Đấng Bảo Trợ các Tâm Hồn Thanh Khiết, Bổn Mạng Người Chết Lành, Đấng Nâng Ðỡ những ai Ðau Khổ, Niềm Hy Vọng của Bệnh Nhân, Đấng Xua Đuổi thần dữ và Ðấng Bảo Trợ Giáo Hội.
Dọc theo hành lang nguyện đường, treo la liệt trên tường hàng ngàn chiếc nạng, và những bia đá cẩm thạch mà các người hành hương đã để lại hầu tri ân Thánh Giuse, vì họ đã được lành bệnh lạ thường nhờ sự chuyển cầu của Thánh Nhân trước tòa Chúa.
Từ hành lang nguyện đường nhỏ, tiến sang phía tay phải là ngôi mộ lớn bằng đá cẩm thạch màu đen huyền, nơi an nghỉ của Sư Huynh André. Vì có quá nhiều phép lạ xảy ra nhờ lời chuyển cầu của thày André, nên Đức Gioan Phaolô II đã suy tôn Thày lên bậc Chân Phước ngày 23 tháng 5 năm 1982. Và Đức Biển Đức XVI suy tôn lên hàng Hiển Thánh ngày 17/10/2010.
(Thánh Sư Huynh André Bessette)
Bên cạnh đó là Nhà Thờ Hầm (The Crypt Church). vì nằm dưới Vương Cung Thánh Ðường, có trên 1,000 chỗ ngồi, được xây cất năm 1916.
Chính giữa cung thánh là tượng Thánh Cả Giuse, cao 2m75, nặng 2, 3 tấn, do nghệ sĩ người Ý là ông A. Giacomini, đã tạc bằng đá hoa cương màu trắng rất quý hiếm gọi là carrara.
Trên những bức tường nhà thờ hầm là những tranh màu bằng kính (The Stained Glass Windows) mô tả những giai đoạn chính trong cuộc đời Thánh Cả Giuse. Ðây là công trình nghệ thuật của hai nghệ sĩ Canada – ông Perdriau và ông O’ Shea – hoàn thành năm 1919.
Từ nhà thờ hầm bước ra là cầu thang máy cuốn để lên trên lầu. Đây là phòng nghỉ chân cho khách hành hương. Bên ngoài là ban công khá cao, có thể phóng tầm mắt để nhìn bao quát thành phố Montréal trước mặt. Phía đối diện là trường trung học Notre Dame, nơi mà Sư Huynh André đã phục vụ như một người gác dan cổng trường trên 40 năm.
Sau đó lên lầu là khu triển lãm nhỏ về cuộc đời Sư Huynh André. Ngoài những bức tranh trên tường chụp căn nhà bé nhỏ tồi tàn Sư Huynh đã cất tiếng khóc chào đời, cho đến những tài liệu, những hình ảnh chụp lúc sinh thời và khi qua đời, người ta thấy có 4 phòng lớn:
– Phòng I mô tả cảnh thày André làm người gác dan suốt 40 năm tại cổng trường trung học Notre Dame (1870-1909).
– Phòng II là văn phòng nơi Sư Huynh đón tiếp và săn sóc các bệnh nhân.
– Phòng III là căn phòng ngủ đơn sơ, có một giường cá nhân, một bàn nhỏ và chiếc ghế, một cái dù (cái ô) đen treo trên tường.
– Phòng IV là một phòng nhỏ bằng sắt mạ đồng, có lan can chung quanh, chính giữa có đặt trái tim đã khô của Sư Huynh trong một hộp nhỏ bằng vàng. Ðây là truyền thống lâu đời của nước Pháp và nước Ý, thường lấy trái tim của các bậc vĩ nhân nổi tiếng để dân chúng tri ân và tôn vinh.
Bên cạnh phòng nghỉ chân là cả một khu vườn rất rộng, cây cối và hoa cảnh cắt xén mỹ thuật, do kiến trúc sư phối cảnh Frederick G. Todd thiết kế để dựng 14 chặng đàng Thánh Giá, với những bức tượng màu trắng rất mỹ thuật do hai nghệ sĩ Ercolo Barieri và Louis Parent tạc bằng đá cẩm thạch quý giá. Những bức tượng 14 đàng Thánh gia này với kích thước như một người trung bình được chiếu sáng ban đêm do một hệ thống ánh sáng do chuyên viên Jean d’Orsay nghiên cứu.
Tại khu vườn này có một tương Chúa Kitô Phục sinh, dưới chân tượng là một hệ thống phun nước khá lớn, giúp người hành hương có những giây phút trầm lặng suy tư về cuộc đời.
Kế đó là Bảo Tàng Viện chiếm cả một khu vực lớn cạnh Vương Cung Thánh Ðường với chủ đề Thánh Gia Thất Chúa Kitô, Ðức Mẹ và Thánh Giuse, chiếm cả hai tầng lầu mênh mông là một công trình thu thập các tác phẩm nghệ thuật quý giá, qua nhiều năm khác nhau, khởi đầu từ khi xây cất đền thờ nhỏ đầu tiên từ năm 1905.
Bước vào bảo tàng viện, người ta sẽ bị choáng ngợp bởi một bức tranh sơn dầu thật lớn do nghệ sĩ André Bergeron thực hiện cùng với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Canada và hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Có 2 khu vực khác nhau:
– Bảo tàng viện bằng sáp do nghệ sĩ Joseph Guardo thực hiện năm 1955, gồm 10 cảnh sinh hoạt của Thánh Gia Thất, với 76 bức tượng bằng sáp, với kích thước giống như người thật.
– Bảo tàng viện Giáng Sinh, bao gồm 330 máng cỏ do các nghệ sĩ của 130 quốc gia trên khắp thế giới thực hiện. Từ chủ đề Chúa Kitô Giáng Sinh, mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể đã được các nghệ sĩ của các quốc gia Âu Châu, Mỹ Châu, Phi Châu, Á Châu và Châu Thái Bình Dương tìm nguồn cảm hứng và thể hiện bằng rất nhiều hình thức khác nhau…Những máng cỏ bằng gỗ, bằng pha lê, bằng kiếng, bằng vải, sơn dầu, tranh thủy mạc, bằng sứ, bằng sành v.v… đã nói lên tinh hoa và văn hóa của mỗi dân tộc.
Tại đây có hai bộ hang đá máng cỏ của Việt Nam: một bằng rễ cây đẽo gọt rất tinh vi mỹ thuật và một tranh sơn mài vẽ Chúa Kitô, Ðức Mẹ và Thánh Giuse dưới y phục và dáng vóc người Việt nam. Hai hang đá máng cỏ này do Nhà văn Phạm Ðình Khiêm, Sàigòn, kính tặng bảo tàng viện năm 1992.
Ngoài ra còn có các máng cỏ từng quốc gia như Nhật Bản, Phi Luật Tân, Tiệp Khắc, Pháp, Ðức v.v…
Điểm nổi bật nhất của Đền Thánh là Vương Cung Thánh Ðường kính Thánh Giuse, dài 105 mét, rộng 65 mét, chiều cao từ nền đến mái vòm 60 mét, nếu tính chung từ nhà thờ hầm đến chóp đỉnh thánh giá 319 mét, đường kính mái vòm bên trong 26 mét, mái vòm bên ngoài 39 mét.
Toàn bộ Vương Cung Thánh Ðường cao 263 mét sánh với mặt biển. Đây cũng là ngọn tháp cao nhất thành phố Montréal. Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 100 năm khởi công xây dựng, chính phủ Canada đã ghi Đền Thánh Giuse Montreal vào sổ các Danh Lam Thắng Cảnh Lịch Sử Quốc Gia.
Quả thật Chúa Quan Phòng thật kỳ diệu, đã sử dụng những con người tầm thường, bé nhỏ, ít học, bình dân như Sư Huynh André – vị sáng lập Ðền Thánh Giuse Montréal – để thực hiện giữa trần gian những chương trình vĩ đại của Ngài.
Sống chứng nhân trong cuộc đời thường
Hai tuần lễ ở Montreal đã mang lại cho tôi một niềm thích thú lớn lao là được diện kiến hai Niên Trưởng (NT) của Hội Cựu Chủng Sinh Huế Hải Ngoại (CCSHHN). Đó là các NT DB và LVC. Hai Vị nầy đã ngoại bát tuần. NT DB tương đối còn khoẻ mạnh và minh mẩn hơn NT LVC.
Tôi gặp hai Vị ở nhà NT DB – một căn nhà khang trang – là nơi NT DB và Phu Nhân sinh sống. Hai Vị có 6 người con và 11 cháu gồm 8 nội và 3 ngoại.
Hằng ngày, các con gái hay con dâu mang thức ăn lại cho hai Vị. NT DB chỉ cắm nồi cơm điện là xong. Riêng Phu Nhân của NT phải ngồi xe lăn. Hôm đó Phu Nhân ngồi xe lăn ở trong phòng ngủ, nhìn ra ngôi vườn phía sau và tràng hạt trên tay. Mỗi ngày không biết Phu Nhân đã lần bao nhiêu tràng chuỗi.
NT DB cho biết hằng ngày con gái/dâu, có khi cả cháu nữa, phụ giúp Phu Nhân tắm rửa. Riêng mùa hè, mỗi khi tốt trời, chiều chiều các cháu nội/ngoại thay nhau đẩy xe lăn đưa Phu Nhân ra đường dạo chơi! Đó là cảnh tượng không phải mọi gia đình VN ở hải ngoại có thể thực hiện được. Tạ Ơn Chúa!
Đối với cả hai NT DB và LVC, tuy đã lớn tuổi, nhưng trang mạng CCSHHN là niềm vui của hai Vị và không ngày nào hai Vị không truy cập.
Riêng NT LVC rất vui mỗi khi vào trang mạng CCSHHN và NT đã đọc rất kỹ những tin tức cũng như những bài chia sẻ trên đó. NT đã đọc với niềm thích thú và ghi nhớ nhiều điều! Một điểm hơi buồn là sức khoẻ của NT LVC không được khả quan lắm: tai nghe không rõ, mặc dù có mang máy thính thị trên tai, đi đứng hơi khó khăn và phần nào hơi lẫn nên các con đã kiếm một viện dưỡng lão thích hợp để NT vào đó ở, kể từ sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, hầu NT được săn sóc chu đáo hơn.
II.- NEW JERSEY VÀ PHILADELPHIA
Trong hai tuần lễ ở New Jersey, Hoa Kỳ, tôi có dịp ghé thăm NT NĐN ở Thành Phố Philadelphia, tiểu Bang Pennsylvania, đồng thời kính viếng Đền Nữ Thánh Rita.
Sống đạo giữa giòng đời
NT NĐN thuộc Hội CCSHHN với 10 năm tù CS vì là một cựu sĩ quan cấp tá của Quân Lực VNCH. Trong lúc NT đi tù, Phu Nhân đã buôn bán tần tảo trong thời gian bao cấp, kinh tế khó khăn, để nuôi 11 người con – 5 trai và 6 gái còn nhỏ dại (không kể một cháu gái qua đời lúc mấy tháng tuổi).
Ngoài việc 7 người con vượt biên 3 lần từ trước, NT, Phu Nhân và 1 người con được qua Mỹ theo diện H.O. năm 1990. Riêng 3 người con đã lập gia đình phải ở lại chờ bảo lãnh và đến Mỹ đầu năm 2001.
Ngoài 11 con, hiện nay NT và Phu Nhân có 11 dâu/rễ, 30 cháu nội/ngoại, 7 cháu dâu/rễ và 7 chắt. Hiện NT có 3 gia đình ở 2 tiểu bang xa, còn lại 8 gia đình các con, 7 gia đình các cháu ở Philadelphia và New Jersey, cách xa nhau khoảng 30 phút lái xe. Con cháu chịu khó học hành và thành đạt.
Sau vài năm định cư tại đây, gia đình NT có ra một Tập san nội bộ “Gia Đình LÒNG MẸ”, tự thực hiện: từ chụp hình, viết bài, ghi lại những tin sinh hoạt gia đình trong tháng, sưu tầm các đề tài giáo dục, lay-out, in ấn và đóng thành tập khá đẹp, mỗi 2 tháng phổ biến 1 số, do NT và các con phụ trách, làm phương tiện liên lạc và giáo dục, đã ra từ số 1 đến số 100. Hiện nay vì NT tuổi già sức yếu nên bài vở liên lạc được thay đổi bằng những tâm tình và lời khuyên qua hệ thống e-mail trên cell phone, giản dị, tiện lợi và nhanh chóng hơn.
Hằng năm, vào những dịp Tết, Giáng Sinh hay sinh nhật của hai Vị, các con bàn bạc việc tổ chức những buổi họp mặt để chung vui cùng hai Vị. Ngoài ra mỗi năm vào dịp nghỉ hè, tất cả đều quy tụ về Philadelphia họp mặt thường niên và cùng nhau chia sẽ những biến cố vui buồn. Khi có việc cần bàn thảo, các con trai bàn việc với trưởng nam, còn các con gái bàn việc với trưởng nữ. Tất cả con cháu dâu rễ đoàn kết và rất thương yêu nhau. Đó là điều rất quí hiếm, một ân ban của Chúa!
Theo lời Đức Cha Giacôbê Giáo Phận Vĩnh Long lúc Ngài còn sống thì NT thực là cha xứ của một Gíáo Xứ thu hẹp, nhưng rất sống động. Đúng là một Giáo Hội bé nhỏ tại gia!
Đến nay được 15 năm, NT và Phu Nhân sống trong một căn phòng đôi thuộc cao ốc Seniors Housing của Chính Phủ Hoa Kỳ, ở tầng lầu 16, nhìn ra con sông Delaware thơ mộng mà bên kia là Tiểu Bang New Jersey.
Căn nhà của NT và Phu Nhân chẳng khác nào một phòng tu ở trong Đan Viện. Hằng ngày, ngoài việc lần hạt, hai Vị đều đọc Kinh Thần Vụ sáng, trưa, chiều và tối.
Riêng Phu Nhân là một thành viên Dòng Ba Cát Minh nên trước đây mỗi ngày Phu Nhân theo gương Cha Thánh Piô lần 40 chuỗi, nhưng nay vì tuổi già nên Phu Nhân chỉ còn lần 12 chuỗi thôi. Vào lúc 3 giờ trưa mỗi ngày, Phu Nhân quỳ gối dang hai tay lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa!
Hằng ngày NT và Phu Nhân tham dự Thánh Lễ ở Đền Nữ Thánh Rita. NT giúp lễ và làm thừa tác viên Mình Thánh Chúa: điều đó phụ giúp các cha ở đây rất nhiều.
Vào mùa hè, chiều chiều NT và Phu Nhân tản bộ nơi công viên gần cư xá, để tăng chất luợng cho sức khoẻ.
Đền Nữ Thánh Rita Cascia ở Philadelphia
(Đền Nữ Thánh Rita Cascia ở Philadelphia)
Tại Thành Phố Philadelphia, Tiểu Bang Pennsylvania, nước Hoa Kỳ, có đền kính Nữ Thánh Rita – một trong 3 địa điểm hành hương của Giáo Phận Philadelphia, xây từ năm 1907, và do các cha dòng Thánh Augustinô trông coi.
Người khởi xướng là linh mục Villanova dòng Thánh Augustinô. Cha có ý định xây dựng ngôi nhà thờ cho giáo xứ 10 ngàn người Ý di cư tới Mỹ ở ngoại ô Thành Phố Philadelphia. Để đặt tên ngôi thánh đường, họ chọn Thánh Nữ Rita là người Ý, mới được phong thánh năm 1900. Các linh mục dòng tổ chức các tuần cửu nhật để giáo dân trong xứ cầu xin và tạ ơn.
Năm 1915, tầng trên Đền Thánh hoàn tất và đã trở thành Trung Tâm Tôn Kính Nữ Thánh Rita trên nước Mỹ.
Ngày nay, sau những thế hệ ban đầu, lòng sùng kính Nữ Thánh Rita vẫn còn tiếp tục và phát triển. Tại đền này, tầng lầu trên là nhà thờ, tầng dưới là đền kính Nữ Thánh Rita.
Hằng ngày có rất nhiều người tại địa phương cũng như từ phương xa đến xin bà Thánh Rita khẩn cầu cùng Chúa cho họ. Vì nhiều người đã nhận được ơn lạ nên Nữ Thánh Rita được mang danh hiệu là “Vị Thánh cầu bầu cho các hoàn cảnh vô phương cứu vãn.”
Nhiều gia đình Việt Nam ở Philadelphia cũng ở trong số những người được Nữ Thánh Rita cầu bàu cùng Chúa nhận lời họ kêu xin.
Địa chỉ của Đền Nữ Thánh Rita: “Shrine of Saint Rita of Cascia” 1166 South Broad Street, Philadelphia, PA 19146 .