Tôn giáo và các Lớp Dậy Nghề Tại các Quận 6, 7, 8 Sài Gòn

Tôn  giáo  và  các  Lớp  Dậy  Nghề Tại  các  Quận  6,  7,  8  Sài  Gòn

Bài 2:

Hồi tưởng của Đoàn Thanh Liêm

*      *     *

Ngòai việc mở thêm 2 trường trung học cộng đồng ở quận 6 và 8, chúng tôi còn tìm cách giúp mở thêm nhiều lớp dậy nghề trong cả 3 quận 6,7 và 8. Các lớp dậy nghề này hầu hết là được tổ chức tại các chùa hay nhà thờ và do các vị tu sĩ và tín đồ chịu trách nhiệm chính yếu. Xin lần lượt ghi ra các địa điểm có tổ chức các lớp dậy nghề đó như sau.

1 – Tại Chùa Huê Lâm ở Khu Bùng Binh Cây Gõ – Quận 6

Ngôi chùa Huê Lâm tọa lạc tại góc đường Lục Tỉnh và đường Minh Phụng là một cơ sở tôn giáo rất nổi tiếng tại vùng Chợ Lớn. Sư Bà Thích Như Thanh là người rất có uy tín, nên được nhiều Phật tử khắp nơi đến theo học với Bà, tôn vinh Bà là vị Thày hướng dẫn cho mình về các mặt tu đức và hành đạo.

Tại đây, còn có ngôi trường Tiểu học lấy tên là Kiều Đàm dành cho con em các gia đình bình dân lao động trong khu vực. Và đặc biệt có những lớp dậy thêu đan dành cho các thiếu nữ. Tất cả các lớp học này đều miễn phí, học viên không phải trả tiền cho nhà trường.

Có vài lần, theo yêu cầu của Sư Cô Như Châu là người trực tiếp phụ trách các cơ sở giáo dục và huấn nghệ này, thì Chương Trình chúng tôi đi gõ cửa nơi cơ quan CARE để xin họ giúp cho lớp học vài máy thêu đan và máy may. Ban Giám đốc cơ quan này gửi người đến tận nơi xem xét và cuối cùng họ đã vui vẻ cấp phát máy móc đúng theo lời yêu cầu của nhà chùa.

Sư Bà Như Thanh đã viên tịch từ lâu. Và hiện tại, theo chỗ tôi biết, thì Sư Cô Như Châu là người kế vị Sư Bà tại ngôi chùa danh tiếng này.

2 – Tại nhà thờ Bình Đông, phường Rạch Cát, Quận 7.

Nhà thờ này tọa lạc trong một khu đất rộng nằm sát cây cầu hình chữ U bác qua Kinh Ngang số 3 từ phường Bình Đông qua phường Rạch Cát. Giáo xứ này chỉ có chừng vài ba trăm gia đình công giáo và do Linh mục Nguyễn Huy Chương phụ trách cai quản.

Tuy sức khỏe yếu kém, nhưng linh mục Chương cũng cố gắng mời được các chuyên viên kỹ sư từ Sài gòn đến giúp dậy về kỹ thuật sửa chữa radio/tv cho các học viên ở địa phương. Và do sự giao tế khôn khéo, ông đã đi xin được nhiều dụng cụ và máy móc cũ để cho các học viên thực tập. Vì thế, mà Chương Trình Phát Triển chúng tôi cũng không phải bận tâm lo lắng gì cho các lớp dậy nghề tại đây.

Sau năm 1975, linh mục Chương bị bắt giam và vào năm 1983 – 84, ông đã chết tại nhà tù có số hiệu là A20 ở Xuân Phước Tuy Hòa. Nhà báo Vũ Ánh cũng bị giam giữ tại đây khá lâu và có tường thuật lại vụ các tù nhân chính trị bỏ xác tại trại giam được gọi là Thung Lũng Tử Thần này.

3 – Tại chùa Đông Phước, Phường Bình Đông, Quận 7.

Chùa Đông Phước tọa lạc ở phía giữa cù lao Bình Đông, là một ngôi chùa lâu đời nhất tại vùng Chợ lớn. Nhìn qua mấy ngôi mộ sát bên hông chùa, ta có thể suy đóan được ngôi chùa này được tạo dựng đã trên 100 năm dưới thời Vua Tự Đức. Vì tình hình lọan lạc, nên rất đông bà con đã tụ tập về nơi đây từ lâu và cất nhà la liệt ngay trong khuôn viên nhà chùa – đến nỗi mà không còn cả cái hàng rào để ngăn cách ngôi chùa với khu nhà của dân chúng lân cận nữa. Thật đúng là chuyện “Cửa chùa rộng mở vậy”.

Vị sư trụ trì hồi thập niên 1960 – 80 là Thượng Tọa Thích Tắc Thành. Thày là người vui vẻ xởi lởi, nên được nhiều Phật tử yêu mến kính trọng, họ thường gọi ông bằng cái tên thân mật là Thày Mười.

Bắt đầu từ năm 1969 – 70, Thày Mười cho mở thêm một phòng phát thuốc và mấy lớp dạy may cắt cho các thiếu nữ tại địa phương. Cả hai cơ sở này đều được Nhóm Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội cung cấp thuốc men và máy móc, cho nên nhà chùa chỉ phải tìm chuyên viên may cắt đến chỉ dẫn cho các học viên mà thôi.

Sau năm 1975, thì tất cả mọi lớp huấn nghệ của các tổ chức tôn giáo như ở đây đều phải ngưng họat động. Và nhà nước cho cán bộ đến chở hết các máy móc thiết bị đi nơi khác.

Vào các năm 1985 – 86 trở đi, tôi hay có dịp đến thăm Thày Mười và lần nào Thày cũng đích thân pha một bình trà ngon ra để đãi tôi. Có lần Thày lại giữ tôi lại dùng cơm chay chung với Thày nữa. Thày nói : “Gần đây tại khu vực Chơ lớn, nhà nước cho mở nhiều nhà máy chuyên may quần áo để xuất khẩu. Nhờ vậy mà các học viên xưa kia theo học may cắt ở đây, thì bây giờ đều kiếm được việc làm tươm tất trong các xí nghiệp may xuất khẩu gần nhà. Thật là điều đáng mừng cho bà con ở xung quanh đây vậy đó…”

4 – Tại nhà thờ Bình An, Quận 8.

Nhà thờ Bình An tọa lạc trên bến Phạm Thế Hiển dọc theo con sông Kinh Đôi, phía bên kia cầu Nhị Thiên Đường. Đây là một giáo xứ với cả ngàn gia đình giáo dân do vị linh mục nổi danh là Hòang Quỳnh đưa dân di cư từ miền Bắc vào hồi 1954.

Vào năm 1969, chúng tôi xin với một cơ quan xã hội quốc tế để cấp cho giáo dân tại đây một dãy nhà tiền chế khung sắt, mái lợp tôle dài đến 30 mét để dùng làm một Trung Tâm Xã Hội. Người phụ trách điều khiển cơ sở này là linh mục Đinh Công Hùynh hồi đó mới có chừng 30 tuổi. Ông là người phụ tá cho linh mục Chánh Xứ Hòang Quỳnh đã ở vào tuổi 70. Sau 1975, cha Quỳnh bị bắt giam và đã chết tại nhà tù Chí Hòa.

Trung tâm này còn có cả một ký nhi viện và rất nhiều lớp dậy nghề. Các lớp dậy nghề ở đây phần lớn là nhằm dậy về cắt may, dậy cắm hoa dành riêng cho các thiếu nữ. Nhưng cũng có vài lớp dậy về đánh máy chữ, dậy tập võ và đặc biệt còn có lớp hướng dẫn dành riêng cho các em “bụi đời” nữa. Nhưng sau 1975, thì Trung Tâm bị đóng cửa.

Vào cuối thập niên 1970, vì lý do gặp nhiều phiền phức với nhà cầm quyền cộng sản, nên linh mục Hùynh đã phải tìm cách xuống tàu vượt biên và hiện đang là cha xứ coi sóc một họ đạo có nhiều giáo dân người Việt tại thành phố Philadelphia.

5 – Các lớp nữ công gia chánh lưu động ở Quận 6 và 8.

Ngòai các lớp dậy nghề tại các chùa, các nhà thờ như đã ghi trên đây, thì chúng tôi còn mở các lớp gia chánh lưu động tại Quận 6 và Quận 8. Các lớp này lại cũng được các giảng viên do Nữ tu Nicole trong tu viện Regina Pacis giới thiệu đến giảng dậy. Vì lớp học được tổ chức vào ban tối tại các trường học ở địa phương, nên chương trình chúng tôi phải kiếm xe lam để đưa đón các cô giáo đến giảng dậy mỗi ngày trong tuần. Thành ra, dù lớp học do chúng tôi tổ chức, thì rút cục vẫn phải nhờ cậy đến vị nữ tu công giáo này mới có thể duy trì lâu dài trong nhiều khóa học được.

Nhân tiện, tôi cũng xin nói qua về vài lớp học chuyên hướng dẫn về kỹ thuật sửa mày thủy động cơ do chúng tôi tổ chức tại Quận 8 vào năm 1966. Các lớp này do kỹ sư người Nhật từ đại lý hãng Kubota gửi đến giúp đỡ chúng tôi – lý do là vì bà con ở địa phương hay dùng các lọai máy chạy tàu, chạy ghe, nhất là máy đuôi tôm, nên đã yêu cầu chương trình phát triển làm sao mở được các lớp đặc biệt như vậy.

6 – Để tóm tắt lại.

Trong mấy năm họat động tại địa phương các quận 6,7 và 8 Sài gòn, chương trình phát triển chúng tôi đã có dịp hợp tác với các tổ chức tôn giáo để góp phần xây dựng cộng đồng về nhiều phương diện. Và đặc biệt trong lãnh vực huấn nghệ để đào tạo những công nhân có tay nghề vững chắc, đủ khả năng đảm nhận một công việc chuyên môn trong các công ty xí nghiệp – thì tại các chùa, các nhà thờ, giới tu sĩ và tín đồ đều tham gia hết sức phấn khởi tận tình trong việc tổ chức và điều hành những lớp học nghề – như đã ghi chi tiết ở trên.

Sự kiện đó chứng tỏ rằng : “Tôn giáo ở nước ta vẫn còn có thể đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phục vụ xã hội ngay tại các cơ sở hạ tầng (at the grassroots)”.

Rất tiếc rằng, từ khi nắm giữ được chính quyền trong tay, người cộng sản quá khích cuồng tín đã dẹp bỏ tòan thể những cơ sở y tế, xã hội, giáo dục và văn hóa do các tôn giáo tự nguyện hy sinh đảm trách. Quả thật, đó là một sự phí phạm quá lớn lao về tiềm năng chung của dân tộc và cũng là điều thiệt thòi không có gì bù đắp nổi cho các tầng lớp nhân dân sinh sống tại những khu vực nghèo túng nữa vậy./

Costa Mesa California, Tháng Chín 2015

Đoàn Thanh Liêm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay