Chương trình Phát triển Quận 8 Sài gòn: Vài câu chuyện đáng nhớ từ những ngày đầu

Chương trình Phát triển Quận 8 Sài gòn:

Vài câu chuyện đáng nhớ từ những ngày đầu

*     *     *

(Bài đầu)

Ở vào tuổi 80, đúng theo với quy luật tự nhiên, thì trí óc của tôi cũng đã bắt đầu suy giảm phai mờ đi ít nhiều rồi. Vì thế mà tôi phải cố gắng rà sóat lại trí nhớ để có thể ghi lại một cách tương đối chính xác những sự việc bản thân mình đã trực tiếp tham dự cùng chung với các bạn – hoặc đã chứng kiến câu chuyện qua việc “tai nghe, mắt thấy”.

Để cho ngắn gọn, tôi xin tường thuật một số chuyện ngộ nghĩnh liên hệ đến Chương Trình Phát Triển Quận 8 vào lúc khởi đầu đại lược như sau.

1 – Những phiên họp vào ban tối tại nhà anh Võ Long Triều.

Vào khỏang tháng 5, tháng 6 năm 1965 sau khi tham gia họat động với các bạn trong Chương Trình Công Tác Hè, thì một số anh em chúng tôi thường hội họp với nhau tại nhà anh Võ Long Triều tại đường Mạc Đĩnh Chi vào các buổi chiều tối. Anh em lúc đó ở vào lứa tuổi 25 – 30.

Tôi còn nhớ có chừng trên dưới 10 người tham dự thường xuyên các phiên họp này, đại khái có các bạn Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận, Mai Như Mạnh, Võ Long Triều, Đòan Thanh Liêm, Nguyễn Văn Mừng, Võ Trọng Di, Nguyễn Hữu Dõan, Trần Viết Ngạc, Lê Phú Khôi. Và một vài lần, lại có anh Phạm Thanh Thời hồi trước 1963 đã là Quận Trưởng Quận 8. Và chính nhờ anh Thời góp thông tin về tình hình ở Quận 8, mà chúng tôi mới thỏa thuận với nhau để chọn Quận 8 làm thí điểm cho các họat động tập thể của mình.

Kết quả là vào đầu tháng 7, chúng tôi đã sọan thảo xong một bản tài liệu gọi là “Dự Án” gồm chừng 30 trang với nhan đề như sau :

“Phong Trào Xây Đời Mới

Chương Trình Phát Triển Quận 8 Sài Gòn”.

Anh em nhờ anh Võ Long Triều đem bản Dự Án này trực tiếp gửi đến Tướng Nguyễn Cao Kỳ là vị Thủ Tướng – với chức danh là “Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương”.

Và sau đó không lâu, chúng tôi nhận được sự chấp thuận của Thủ Tướng về mặt nguyên tắc. Còn về các chi tiết thực hành, thì chúng tôi phải đến bàn thảo với hai cơ quan bảo trợ là Bộ Thanh Niên và Tòa Đô Chính Sài Gòn.

2 – Chuyện thật khó nói trong phiên họp tại Tòa Đô Chính Sài Gòn.

Một trong những quyết định của nhóm anh em chúng tôi là: Đề nghị với chính quyền chấp thuận bổ nhiệm hai chức vụ này:

a/ Hồ Ngọc Nhuận làm Quận Trưởng

b/ Mai Như Mạnh làm Phụ Tá Quận Trưởng.

Anh Nhuận là người Nam lại có tài tháo vát năng nổ và ăn nói họat bát trước công chúng. Anh Mạnh là người Bắc, tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh. Vì dân chúng ở quận 8 đại đa số là người Nam, cho nên chúng tôi nghĩ để anh Nhuận làm Quận trưởng thì thuận lợi hơn.

Trong một phiên họp vào cuối tháng 7 tại Tòa Đô Chính có đông đủ giới lãnh đạo của Bộ Thanh Niên và Tòa Đô Chính do Bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, Bộ trưởng và Bác sĩ Văn Văn Của, Đô trưởng đồng chủ tọa, chừng trên 10 anh em chúng tôi đã có dịp trình bày chi tiết hơn về những việc anh em dự định thực hiện ở địa phương quận 8. Và tiếp theo, thì có sự trao đổi đại lược về hai việc như sau:

c/ Bác sĩ Hồng nêu thắc mắc rằng: “Tôi thấy các anh sắp xếp hai chức vụ Quận trưởng cho anh Nhuận và Phụ Tá Quận trưởng cho anh Mạnh, thì không ổn chút nào. Anh Mạnh có kinh nghiệm về hành chánh, thì nên đảm nhiệm chức vụ Quận trưởng, thì thích hợp hơn…”

Thế nhưng, trước số đông người trong phiên họp công khai như vậy, chúng tôi không thể nêu cái li‎ do “Nam/Bắc” ra để trả lời cho Bác sĩ Hồng được. Mà cuối cùng, thì một anh em còn nói cụt ngủn rằng : ”Đây là một sự sắp xếp dứt khóat của tập thể anh em chúng tôi chủ trương, do đó mà không thể nào thay đổi được…” Nghe vậy Bác sĩ Hồng tỏ vẻ miễn cưỡng không vui. Và sau này, có người thuật lại rằng ông than phiền về thái độ quá cứng rắn đó của bọn thanh niên chúng tôi.

d/ Đến lượt Bác sĩ Văn Văn Của là Đô Trưởng, thì cũng tương tự như vậy. Ông nói :” Tôi không thấy ông Quận Trưởng đương nhiệm là Cao Minh Chung có một lỗi lầm nào để mà phải ngưng chức của ông đi. Thật khó nghĩ đấy …”

Trong bụng chúng tôi nghĩ: Đây là thứ chuyện “Cách Mạng”, do đó mà cũng không thể giải thích theo cái lối lí luận thông thường được. Và dĩ nhiên là không một ai trong chúng tôi lại trực tiếp trả lời Bác sĩ Của nữa. Lại thêm “một chuyện khó nói” nữa vậy.

Và sau đó ông Đô Trưởng lại cử ông Cao Minh Chung ở lại làm một “Cố vấn Thanh tra” bên cạnh Tòa Hành Chánh Quận 8 nữa. Sự kiện này cũng gây khó khăn trở ngại cho các anh Nhuận và Mạnh trong vài tháng trước khi ông Chung được đưa về Tòa Đô Chánh.

3 – Chuyện xuất quân đến Quận 8 vào giữa tháng 8 năm 1965.

Với khí thế hăng say của tuổi trẻ, bọn chúng tôi lục tục kéo nhau xuống quận 8 ngay sau Lễ Bàn giao chức vụ Quận trưởng cho anh Hồ Ngọc Nhuận và Mai Như Mạnh. Hai anh lúc đó đều là sĩ quan được biệt phái và đến năm 1966 thì được giải ngũ.

Trong số những anh em nòng cốt mà vẫn hội họp với nhau vài tháng trước, thì có 5 anh em chúng tôi là Nhuận, Mạnh, Minh, Liêm và Mừng là xuống bắt tay vào công việc ở quận 8 với sự tiếp tay của chừng vài chục thiện nguyện viên khác nữa, kể cả nam và nữ. Số thiện nguyện viên này gồm chừng 7 – 8 em học sinh cỡ tuổi 17 – 18 từng họat động trong Phong Trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội và một nhóm gồm chừng 10 người lớn tuổi hơn đã từng tham gia sinh họat trong các đòan thể khác. Người đứng đầu nhóm thứ hai này là anh Hòang Quốc Dũng là người do anh Nguyễn Thành Vinh giới thiệu đến với chúng tôi.

Như vậy trong thành phần chừng trên 20 người đầu tiên đến làm việc ở quận 8, thì chỉ có 2 người là anh Nhuận và Mạnh là viên chức giữ nhiệm vụ hành chánh. Còn lại, tất cả đều nằm ngòai guồng máy công quyền và việc tổ chức phân công trong nội bộ riêng của Chương Trình Phát Triển chúng tôi, thì nhà nước không hề can thiệp vào. Có thể nói đây là một Chương Trình Phát Triển Cộng Đồng do sáng kiến của anh chị em chúng tôi chủ động cùng hợp lại chung với nhau – nhằm cộng tác với nhà nước để thực hiện những công tác xây dựng cụ thể thiết thực tại địa phương quận 8. Dĩ nhiên là mọi hoạt động của chúng tôi đều được đặt dưới sự kiểm sóat và bảo trợ của Bộ Thanh Niên và Tòa Đô Chính Sài gòn. Đó là tính chất căn bản của cái “dự án thí điểm” (pilot project) này vậy.

Trong mấy tháng đầu, chúng tôi đều hy sinh dấn thân làm việc miệt mài và hầu hết đều sinh sống ngay tại địa phương – theo phương thức “Tam Cùng” – tức là Cùng Ở, Cùng Ăn, Cùng Làm Việc với đồng bào địa phương. Đòan công tác do anh Dũng điều động, thì phải trú ngụ tại Đình An Phú thuộc Phường Hưng Phú. Nhờ vậy mà dễ gây được mối thiện cảm của giới thân hào nhân sĩ tại chỗ và được họ góp ‎sáng kiến chỉ dẫn cho phải thực hiện lọai công tác nào mà đem lại ích lợi thiết thực nhất cho cộng đồng địa phương.

Cụ thể là chỉ trong vòng 3 tuần lễ sau khi đến quận 8, chúng tôi đã hòan thành ngay được một ngôi trường 5 lớp học tại Phường Hưng Phú – để giúp giải tỏa các “lớp học ban trưa” vì lúc đó các trường tiểu học công lập đều không có đủ phòng ốc dành cho số học sinh quá đông đảo. Công tác đầu tay này đã làm cho các phụ huynh và thầy cô giáo rất hài lòng và từ đó mà họ bắt đầu đặt niềm tin nơi chương trình phát triển.

Và tiếp theo là 2 công trường chỉnh trang khá quy mô tại Liên Khóm 14&15 trong Khu Xóm Đầm thuộc Phường Hưng Phú và Khóm 5A thuộc Phường Chánh Hưng sát với Khu Sở Rác. Hai công trình này phải nhờ đến cả một con tàu hút bùn cát từ lòng sông Kinh Đôi và Rạch Ụ Cây làm việc liên tục ngày đêm trong mấy tháng, thì mới có thể lấp được các hố trũng trong khu vực. Nhờ vậy, mới có đất để làm đường cũng như làm nền nhà cho dân.

Cả hai công trình này đã được Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ giới thiệu với Phó Tổng Thống Mỹ là Hubert Humphrey nhân chuyến viếng thăm vào tháng 2 năm 1966 – sự kiện này đã gây tiếng vang thật sôi nổi trên báo chí Việt nam cũng như quốc tế hồi đó.

4 – Sư tiếp trợ của bạn bè thân hữu vào lúc khởi sự của Chương Trình.

Phải nói chuyện giới trẻ ở Sài gòn mà lặn lộn xuống tận quận 8 thật xa lạ vào thời đó, thì có thể coi như là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Vì thế, mà chúng tôi được nhiều bậc đàn anh cũng như thân hữu thông cảm, hiểu rõ tinh thần hăng say thiện chí của nhóm anh em chúng tôi và rồi tìm cách khuyến khích nâng đỡ về tinh thần cũng như về vật chất cho chương trình. Xin trưng dẫn một vài nhân vật tiêu biểu sau đây.

a/ Anh chị Nguyễn Văn Tánh & Bạch Nhật.

Anh Tánh làm việc ở Tổng Liên Đòan Lao Công, Dược sĩ Bạch Nhật bà xã của anh là một thanh tra của Bộ Y Tế. Cả hai anh chị đều khuyến khích yểm trợ tinh thần hết mình cho chúng tôi. Chị còn giới thiệu với một vài dược phòng để chúng tôi tới xin thuốc để cấp phát cho bệnh nhân. Anh Trần Hữu Hải lúc đó cũng ở chung với anh chị Tánh, thì giới thiệu chúng tôi với một vài nhà máy để xin vật liệu xây dựng như gỗ, ván dăm bào v.v…

b/ Luật sư Trần Văn Tuyên và Linh mục Bernard Pineau.

Luật sư Tuyên rất chú trọng theo dõi công việc chúng tôi làm ở quận 8. Vào đầu năm 1966, có lần Linh mục Pineau nói với tôi rằng : “Luật sư Tuyên và tôi vừa mới chuyện trò trao đổi với nhau về chuyện các em làm ở quận 8. Cả hai chúng tôi đều coi đó là những “micro-réalisation” (nguyên văn tiếng Pháp) rất đáng khuyến khích. Các em cứ cố gắng làm việc như thế nhé…”

c/ Dược sĩ La Thành Nghệ lúc đó là một Nghị viên Đô Thành Sài gòn.

Ông có thiện cảm với chúng tôi và cũng thường cấp thuốc men cho Đòan Y Tế do anh Bác sĩ Minh phụ trách khám bệnh cho bà con ở địa phương. Ngòai ra, ông cũng còn bênh đỡ chúng tôi trước sự phê bình chỉ trích của một vài nghị viên khác tại Hội Đồng Đô Thành.

d/ Đỗ Ngọc Yến và Chương Trình Công Tác Hè 1965.

Trong thời gian mới xuống Quận 8, chúng tôi thiếu thốn mọi thứ vì mãi mấy tháng sau mới nhận được ngân khỏan của chính phủ cấp phát tài trợ. Cụ thể là trong việc xây dựng ngôi trường đầu tiên vào cuối tháng 8 năm 1965, thì các em trong Phong Trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội cung cấp nhân công, nhưng phải nhờ anh Đỗ Ngọc Yến trích quỹ của Chương Trình Hè để mua cho một số gỗ làm cột nhà, đòn tay, cửa v.v… Còn phần thực phẩm, thì chúng tôi cũng phải đi xin từ nhiều nhà hảo tâm khác nữa.

đ/ Giới lãnh đạo của Bộ Thanh Niên và Tòa Đô Chính.

Cả hai Bác sĩ Hồng Bộ Trưởng Thanh Niên và Bác sĩ Của Đô Trưởng Sài gòn đều tận tình khích lệ và yểm trợ anh chị em thiện nguyện trong chương trình của chúng tôi. Đặc biệt là các Phụ tá của Bác sĩ Của như Lê Công Truyền, Bùi Thế Cảnh đều có thiện cảm và lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ cụ thể về mặt khai thông những bế tắc trong thủ tục hành chánh mỗi khi chúng tôi gặp trở ngại gì.

* * Để tóm kết lại.

Đã 50 năm qua, sau bao nhiêu tang thương biến đổi trên đất nước ta, trong số  anh chị em thiện nguyện chúng tôi ở Quận 8 hồi đó, thì nay nhiều người đã ra đi từ giã cõi đời này. Số còn lại thì cũng đều đã ở vào lứa tuổi 70 – 80 với trí óc lẩm cẩm lẫn lộn nhiều rồi.

Những dòng ghi trên đây chỉ nhằm gợi lại một chút kỷ niệm vui buồn của chúng tôi gặp phải trong những ngày đầu lúc mới khởi sự của chương trình phát triển ở khu vực ven đô Sài gòn hồi năm 1965 – giữa lúc cuộc chiến đang bắt đầu leo thang sôi động ác liệt khiến cho nhiều người phải rời bỏ vùng quê mất an ninh để chạy về trú ngụ nơi các thành phố.

Tôi hy vọng sau này, trong lớp con cháu của chính các gia đình cư ngụ tại địa phương quận 8 xưa nay, sẽ có người đi thu thập tài liệu, thống kê v.v… liên hệ đến chương trình phát triển tại cả 3 quận 6,7 và 8 này – để rồi trình bày trong một công trình nghiên cứu lịch sử xã hội của địa phương. Tài liệu nghiên cứu chi tiết như thế sẽ có giá trị khách quan, có sức thuyết phục hơn là do người trong cuộc chủ quan viết ra. Và rồi qua đó mà rút ra được một bài học kinh nghiệm có giá trị đối với thế hệ tương lai của đất nước vậy./

Costa Mesa California, Tháng Chín 2015

Đoàn Thanh Liêm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay