Suy nghĩ nhân kỷ niệm 50 năm Chương Trình Phát Triển Quận 8 Sài gòn (1965 – 2015)

Suy nghĩ nhân kỷ niệm 50 năm Chương Trình Phát Triển Quận 8 Sài gòn (1965 – 2015)

Bài ghi ngắn của Đoàn Thanh Liêm

Mấy năm gần đây, tôi đã có dịp viết nhiều bài về các mặt sinh họat của chương trình phát triển cộng đồng này tại một quận ven đô Sài gòn hồi giữa thập niên 1960. Nay nhân kỷ niệm 50 năm ngày khởi sự Chương Trình Phát Triển Quận 8 vào trung tuần tháng Tám năm 1965, tôi xin ghi ra một số suy nghĩ đúc kết được gói ghém trong mấy mục ngắn gọn như sau đây:

1 – Vào năm 1965, quận 8 là một địa phương có nhiều khu nhà ổ chuột, có nơi nhà ở xen kẽ với những ngôi mộ vô thừa nhận. Dân Sài gòn thường biết đến các địa danh như Lò Heo, Trại Tế Bần, Sở Rác mà đều có chung một tên là Chánh Hưng. Vì tình hình mất an ninh ở nông thôn, nên bà con kéo về tá túc rất đông ở vùng ven biên đô thị tiếp giáp với các huyện Cần Đước, Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An. Có thể nói quận 8 lúc đó là một khu vực kém phát triển nhất của thành phố Sài gòn (the most depressed area). Đó là lý do tại sao anh chị em chúng tôi đã quyết định đến nơi đây và khởi sự một chương trình cải tiến xã hội từ năm 1965.

Và qua năm 1966, thì chương trình lại nới rộng địa bàn họat động qua hai quận 6 và 7 lân cận – với tổng số dân trong 3 quận là khỏang 500,000 người.

2 – Tính chất căn bản của Chương trình này là sự hợp tác giữa chánh quyền nhà nước và giới thanh niên tự nguyện đến phục vụ bà con tại địa phương.  Hồi đó, lớp bạn trẻ chúng tôi đều ở vào lứa tuổi từ 20 tới 30 – có người còn là học sinh trung học, có người là sinh viên đại học và một số huynh trưởng đã tốt nghiệp đại học.

Thọat đầu, anh chị em đầu đàn họp lại chung với nhau để cùng sọan thảo ra được một bản Dự án lấy tên là “Chương Trình Phát Triển Quận 8 Sài gòn” (CTPT.Q8). Dự án này được đệ trình lên văn phòng cấp trên và được vị Thủ Tướng Chánh Phủ lúc đó là Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ chấp thuận và giao cho Bộ Thanh Niên và Tòa Đô Chánh Sài gòn là hai cơ quan đứng ra bảo trợ và giám sát mọi họat động của Chương Trình.

Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì đây là một dự án của Xã hội Dân sự mà được chánh quyền nhà nước chấp thuận và theo dõi yểm trợ.

3 – Sau gần 6 năm họat động, chương trình đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp về nhiều mặt qua hàng trăm những dự án công tác lớn, nhỏ nhằm cải thiện môi trường sống nơi các xóm hẻm tối tăm lầy lội, chỉnh trang tái thiết gia cư – đặc biệt sau vụ tấn công hồi Tết Mậu Thân 1968 – mở mang giáo dục phổ thông, tổ chức những lớp dậy nghề, chăm sóc y tế v.v…

Mấu chốt của sự thành công này là do nơi các anh chị em cán bộ tự nguyện của chương trình đã gây được sự tin tưởng tín nhiệm và phấn khởi của số đông quần chúng nhân dân tại địa phương – để họ cùng hăng say tham gia “kẻ góp của, người góp công” vào vô vàn vô số những dự án cụ thể và thiết thực nhằm xây dựng cuộc sống mới tiện nghi thỏai mái cho tập thể cộng đồng sở tại.

Với phương thức hòa đồng vào trong môi trường quần chúng địa phương – qua lối sống “Tam Cùng” tức là Cùng Ăn, Cùng Ở, Cùng Làm với bà con tại chỗ – mà anh chị em cán bộ đã gây được mối thiện cảm của người dân – để rồi từ đó mà tiếp tục nhận lãnh thêm được những sáng kiến tích cực trong việc cải tiến dân sinh sao cho thật phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương xóm ngõ.

4 – Về mặt nhân sự tham gia chương trình, thì vì tính chất hòan tòan tự nguyện, nên các thành viên tham gia công tác tùy theo hòan cảnh thuận tiện cho cá nhân từng người một. Do đó, mà có người chỉ nhập cuộc với chương trình trong thời gian ngắn một vài tháng, có người thì tham gia lâu dài hơn và có người thì sinh họat bền bỉ với chương trình trong suốt 6 năm ròng rã. Đó là thành phần cán bộ tự nguyện cơ hữu của chương trình.

Còn thành phần các thân hữu do các đòan thể, tổ chức bạn gửi đến tham gia trong từng công tác ngắn hạn một vài ngày, thì rất đông đảo – có thể lên đến con số cả ngàn người trong 6 năm họat động của chương trình.

Nhưng thành phần chủ chốt vẫn là đại bộ phận đông đảo hàng ngàn, hàng vạn đồng bào địa phương – vì chính khối quần chúng này mới là chủ thể của mọi dự án công tác được gọi là “Phát Triển Cộng Đồng”. Đó là hàng nhiều trăm những dự án công tác mà do sáng kiến và nỗ lực của tòan thể dân chúng nơi cộng đồng sở tại góp phần vào việc cải thiện cuộc sống của mỗi thành viên trong chính cộng đồng đó vậy.

5 – Về mặt yểm trợ vật chất cũng như tinh thần, thì có thể liệt kê như sau:

A – Từ phía chánh quyền nhà nước.

Ngòai việc biệt phái một số nhỏ nhân viên công chức cho chương trình, thì chánh quyền còn cấp phát hai đợt ngân khỏan, tổng cộng là 30 triệu đồng. Cấp lãnh đạo là vị Bộ Trưởng Thanh Niên và nhất là vị Đô Trưởng Sài gòn đã luôn luôn khích lệ và yểm trợ tinh thần cho các anh chị em cán bộ tự nguyện chúng tôi.

B – Từ phía cơ quan Viện Trợ Mỹ USAID.

Qua sự giới thiệu của chánh quyền, cơ quan USAID đã cung cấp khá dồi dào cho chương trình phát triển chúng tôi các vật liệu xây dựng cơ bản như ciment, sắt và tôle. Nhờ vậy, mà chương trình mới có thể thực hiện được nhiều công trình xây dựng và tái thiết lên đến nhiều ngàn đơn vị gia cư, hai trường trung học và hàng trăm dự án chỉnh trang xóm ngõ v.v… trong cả ba quận 6,7 và 8 Sài gòn. Ngòai ra USAID còn trích ngân khỏan 10 triệu đồng vào giai đọan chót của chương trình trong các năm 1970 -71.

C – Từ phía các cơ quan từ thiện nhân đạo quốc tế.

Chương trình còn nhận được sự yểm trợ lin tinh về dụng cụ thiết bị đặc biệt cho các lớp dậy nghề như máy may, máy thêu đan, máy đánh chữ, dụng cụ sửa radio, TV v.v… từ nhiều cơ quan tư nhân quốc tế – điển hình như CARE, Catholic Relief Service, Vietnam Christian Service, Asian Christian Service, Adenauer Foundation, OXFAM, IVS v.v…

6 – Để tóm kết lại.

Kể từ ngày khởi sự CTPT Q8 vào năm 1965 đến nay là năm 2015, thì đã có biết bao nhiêu anh chị em trong số hàng trăm thiện nguyện viên – cũng như biết bao nhiêu thân hào nhân sĩ, các vị tôn trưởng cùng rất đông đồng bào địa phương trong cả 3 quận 6,7 và 8 đã rũ áo ra đi về miền miên viễn. Số người quá vãng quá nhiều, tôi không thể nào liệt kê ra đây cho hết được.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm này (1965 – 2015), tôi xin ghi lời thương tiếc chân thành đến tất cả quý vị cùng quý anh chị. Và xin cầu chúc quý vị cùng anh chị luôn được thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng.

Và tôi cũng xin gửi lời tri ân nồng thắm đến tất cả các ân nhân và cơ quan nhân đạo đã tận tình hỗ trợ cho chương trình phát triển chúng tôi trong thời gian chiến tranh vẫn còn tàn phá khốc liệt vào những năm xa xưa đó.

Và cuối cùng, tôi cũng cầu mong cho thế hệ hậu duệ của quý vị tôn trưởng, thân hào nhân sĩ ở địa phương cũng như của các anh chị em thiện nguyện viên sẽ giữ mãi được cái ngọn lửa thiêng liêng của lòng nhân ái nơi cha bác của mình – để mà tiếp tục công cuộc phục vụ nhân quần xã hội trong hòan cảnh hiện tại trên quê hương đất nước thân yêu ngàn đời của mình vậy.

Westminster California, Ngày 15 Tháng 8 Năm 2015

Đoàn Thanh Liêm

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay