Làm Men trong Bột

Làm  Men  trong  Bột

(Bài viết nhân kỷ niệm năm thứ 45 Ngày Thành Lập Chương Trình Phát Triển Quận 8 Saigon 1965-2010)

Đòan Thanh Liêm

Tháng 8 năm 1965, giữa lúc chiến tranh bắt đầu leo thang dữ dội tại nhiều nơi trên khắp lãnh thổ miền Nam Việt nam, thì một nhóm anh chị em trẻ cỡ tuổi 18 đến 30 chúng tôi hợp chung lại với nhau, để khởi xướng một chương trình xây dựng cụ thể tại một địa phương còn kém phát triển ở Saigon. Đó là một chuơng trình phát triển cộng đồng có danh hiệu là : “Chuơng Trình Phát Triển Quận 8 Saigon”.

Đây là một chương trình họat động có tính cách tự nguyện của giới thanh niên, sinh viên và học sinh, mà được sự chấp thuận và yểm trợ của cơ quan nhà nuớc, cụ thể là Tòa Đô chánh Saigon và Bộ Thanh niên.  Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì đó là sự hợp tác của một thành phần thuộc lãnh vực Xã hội Dân sự với cơ quan Nhà nước, để cùng theo đuổi việc cải tiến dân sinh tại một khu vực ven biên thành phố thủ đô, nơi có nhiều đồng bào phải rời bỏ miền quê mất an ninh , để về tá túc tại những khu nhà ổ chuột, thiếu thốn mọi tiện nghi vật chất như đường xá, điện, nước và mọi dịch vụ công cộng thông dụng nhất của một đô thị bình thường.

Vì là một chương trình thí điểm của giới trẻ, vốn chỉ có lòng hăng say nhiệt thành muốn đóng góp công sức vào việc cải tiến xã hội một cách thiết thực cụ thể, nhưng tất cả lại chưa hề có kinh nghiệm họat động trong một môi trường với đông đảo quần chúng xa lạ, như ở một địa phương tương đối hẻo lành này. Vì thế, phải mất một thời gian dò giẫm, thử nghiệm, rồi các bạn mới tìm ra được phương cách thích hợp trong công tác vận động bà con ở địa phương cùng tham gia vào công cuộc xây dựng tại hạ tầng cơ sở, nơi mà người dân đang phải sinh sống trong các điều kiện hết sức khó khăn chật vật.

Công tác đầu tiên mà các bạn trẻ này làm để “ra mắt trình diện với đồng bào ở địa phương”, đó là việc hòan thành được một ngôi trường với 5 phòng học tương đối rộng rãi khang trang, tại phường Hưng Phú gần với khu Lò Heo Chánh Hưng. Ngôi trường này được xây cất gấp rút trong vòng 2 tuần lễ với vật liệu nhẹ, cột bằng gỗ, tường bằng ván dăm bào aerolith và mái lợp tôn, nhằm đáp ứng với việc “giải tỏa các lớp học ban trưa nóng bức”, bởi lẽ hồi đó trường ốc rất thiếu thốn, nên  nhiều nơi đã phải mở thêm các suất học từ 11 giờ sáng đến 2 giờ trưa, nhằm dậy thêm được một số học sinh. Công tác đầu tay này đã gây được sự phấn khởi của giáo chức, và nhất là của đông đảo phụ huynh học sinh tại địa phương, với hậu quả là các thân hào nhân sĩ, giới lãnh đạo tôn giáo đã bắt đầu tìm hiểu và có sự tin tưởng, thông cảm với nhóm thanh niên thiện nguyện từ các nơi xa mà đến góp phần vào công việc xây dựng tại khu vực, vốn xưa kia là lãnh địa của quân đội Bình Xuyên vào hồi đầu thập niên 1950.

Và rồi nhờ sự thông cảm và hợp tác của các bậc tôn trưởng tại địa phương như vậy, mà Chương trình Phát triển đã lần hồi lôi cuốn được đông đảo bà con cùng quy tụ lại với nhau, để thực hiện những công việc xây dựng tích cực, cụ thể như khai thông tình trạng ngập lụt, sửa sang các đường hẻm, cải thiện các nhà vệ sinh công cộng v.v… Qua những dự án hợp tác đại loại như thế, mà bà con lối xóm có dịp quen biết lẫn nhau và gắn bó thân thương với nhau, mỗi ngày một bền chặt, khắng khít hơn. Và các thiện nguyện viên từ nơi xa đến cũng gây dựng được sự tin tưởng, và thiện cảm của quần chúng nhân dân trong cộng đồng địa phương. Đó chính là mấu chốt của sự thành công trong việc “Gây được sự hưởng ứng tự nguyện của chính đồng bào là đối tượng phục vụ của Chương trình Phát triển ở Quận 8” vậy.

Sau trên một năm hoạt động, Chương trình Phát triển này lại được chánh quyền chấp thuận cho khuếch trương  thêm, kể từ năm 1966, sang các quận 6 và 7 lân cận, để phục vụ cho khối dân số tổng cộng trong cả 3 quận lên đến 500,000 người. Từ những công tác cải thiện môi trường với quy mô đơn sơ nhỏ bé, trong các khu xóm lầy lội, chật hẹp, tối tăm, Chương trình đã tiến tới việc thực hiện được những công trình chỉnh trang gia cư khá rộng lớn, điển hình như khu chỉnh trang xóm nghĩa địa thuộc liên khóm 14 &15 thuộc khu Xóm Đầm ở phường Hưng Phú Quận 8, với trên 130 căn nhà được phân phối trong 7 lô gồm các căn nhà sát vách với nhau. Rồi đến khu định cư Nam Hải dành riêng cho đồng bào tỵ nạn từ Phước Long chạy về, với  con số trên 300 căn nhà xây cất trên  khu bãi đổ rác Chánh Hưng của thành phố v.v…

Và nhất là công trình chỉnh trang tái thiết đến gần 20 khu vực nhà cửa bị tàn phá trong mấy đợt tấn công của quân đội công sản trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968, tổng cộng lên tới gần 8,000 đơn vị gia cư trong cả ba quận 6, 7 và 8 Saigon. Điển hình như tại khu tái thiết ở phường Cầu Tre-Bình Thới thuộc Quận 6, thì có đến 1,200 đơn vị gia cư được xây cất lại.

Tất cả các khu chỉnh trang này đều được thực hiện theo phương thức “Phát triển Cộng đồng”, tức là người dân địa phương đóng vai trò chủ động chính yếu vừa góp công, vừa góp của, để thực hiện việc xây dựng lại nhà cửa cho chính mình. Cán bộ của Chương trình Phát triển chỉ đóng vai trò tổ chức cho bà con hội họp bàn thảo và quyết định với nhau trong việc phân phối căn nhà cho từng gia chủ. Và rồi hướng dẫn kỹ thuật cho việc xây cất theo họa đồ thiết kế đã được các chuyên viên kỹ sư phác họa sẵn.

Chứ đó không phải là những công trình xây cất thuần túy do Nhà nước thực hiện từ đầu đến cuối, như tại các khu cư xá của Tổng Nha Kiến Thiết, hay của  Khu Gia cư Liêm giá cuộc của Tòa Đô chánh Saigon.

Có hai công trình với quy mô và ảnh hưởng lâu bền nhất, đó là việc thành lập được Trường Trung học Cộng Đồng ở quận 8, rồi cả ở quận 6, với tổng số học sinh lên tới 3000 em vào niên khóa 1974-75. Chương trình Phát triển đã kêu gọi được sự hợp tác rất hăng say của giới phụ huynh và các thân hào nhân sĩ địa phương, để thực hiện được công cuộc phát triển giáo dục mà cho đến ngày nay, sau trên 40 năm  thì vẫn tiếp tục được duy trì để phục vụ cho các thế hệ trẻ mỗi ngày một thêm đông đảo. Các em học sinh lớp đầu tiên nhập học vào năm 1966 lúc đó ở tuổi 13-14, thì năm 2010 này đã ở vào lứa tuổi 57 – 58, với nhiều em đã lên tới chức ông nội, bà ngoại cả rồi.. Và đặc biệt các cựu học sinh này vẫn còn gắn bó thân thương với nhau trong tổ chức Hội Ái Hữu Cựu Học sinh với Ngày Họp Truyền Thống của trường xưa vào tháng 12 mỗi năm..

Ngoài ra, Chương trình còn yểm trợ rất nhiều lớp Dậy nghề do các Chùa và Nhà thờ ở địa phương tổ chức và điều hành, cụ thể như tại Chùa Huê Lâm ở quận 6, Chùa Bình Đông , Nhà thờ Rạch Cát ở quận 7, Nhà thờ Bình An ở quận 8 v.v…Về y tế, Chương trình còn tổ chức cả một xe Y tế lưu động để lo khám bệnh và cấp phát thuốc cho bệnh nhân tại một số khóm hẻm ở quá xa với trạm y tế.

Về thành phần nhân sự, thì tất cả đều tham gia họat động trong khuôn khổ chương trình với tinh thần tự nguyện. Có em là học sinh dưới 20 tuổi, còn đang theo học tại các trường trung học. Có em là sinh viên cấp đại học. Và cũng có những bạn lớn tuổi hơn, nhưng phần đông đều vào lứa tuổi trên dưới 30. Những người làm việc thường xuyên, thì được hưởng một số trợ cấp sinh họat tối thiểu, chứ không phải là một thứ lương bổng nào theo quy chế của cơ quan nhà nước. Các bạn trẻ này vốn đã từng được đào tạo trong các tổ chức thanh thiếu niên, như tại Phong trào Hướng Đạo, Sinh viên Phật tử, Sinh viên Công giáo, Thanh niên Thiện chí, Phong trào Học đường Phục vụ Xã hội v.v… Đó là những nhân sự cơ hữu công tác thường xuyên, mà tỗng số chỉ có vào khỏang từ 30 đến 40 người. Còn số thiện nguyện viên lâu lâu đến hợp tác trong một dự án ngắn hạn, mà cần thêm nhiều lao động vào một vài ngày nghỉ cuối tuần, thì có thể kể đến con số hàng ngàn người, số này do các đòan thể hiệp hội bạn hướng dẫn đến để tăng cường cho nhân số cơ hữu vốn luôn ít ỏi của chương trình phát triển.

Về phương tiện tài chánh và vật liệu, thì chương trình được chánh quyền cấp cho một số ngân khỏan trong 2 đợt đầu từ năm 1965 đến 1969, tổng cộng là 30 triệu đồng, trích từ ngân sách quốc gia, và trong đợt cuối vào năm 1970 thêm được 10 triệu nữa, trích từ ngân sách ngọai viện. Còn các vật liệu xây dựng chính yếu là sắt, tôle và ciment, thì do Cơ quan Viện trợ Mỹ USAID cung ứng cho khá đày đủ. Ngòai ra, chương trình cũng còn được sự trợ giúp về dụng cụ huấn nghệ như máy may, máy đan, máy đánh chữ, dụng cụ sửa radio, sửa máy nổ , về thuốc men và một số vật dụng linh tinh khác…từ các tổ chức từ thiện quốc tế như CARE, Catholic Relief Service, Asian Christian Service, Vietnam Christian Service, Adenauer Foundation, OXFAM…Các dụng cụ này được sử dụng vào việc trang bị cho các trung tâm dậy nghề, do các tổ chức tôn giáo ở địa phương trực tiếp điều hành.

*            *           *

Đẻ tóm lược lại, ta có thể ghi nhận vài nét chính yếu như sau đây :

1 / Trong suốt quá trình hoạt động sôi nổi từ những năm 1965 trở đi, các anh chị em thiện nguyện viên này luôn ý thức được vai trò chủ yếu của mình là : “Vận động quần chúng tự nguyện tham gia vào các công trình cải tiến dân sinh” tại chính địa phương của họ. Đây đích thực là vai trò “làm chất men, chất súc tác” được vùi vào trong môi trường của quần chúng nhân dân, nhằm gây được một “tác dụng dây chuyền”, theo lối “vết dầu loang”, để mỗi ngày một phát triển rộng thêm mãi ra. Thành ra lớp người cán bộ tự nguyện như vậy chính là một thứ tác nhân có khả năng góp phần khơi động được thành cả một “Phong trào quần chúng tham gia vào công cuộc phát triển xã hội ngay tại hạ tầng cơ sở, nơi địa phương của chính họ” (Mass Fermentation/Mobilisation at the grassroots). Một anh bạn đã phát biểu tóm gọn vai trò của anh chị em thiện nguyên viên một cách thật chính xác là : “Những người vận động cho công cuộc phát triển toàn diện và điều hòa” (animateurs de de’veloppement total et harmonise’) tại địa phương các quận 6,7 và 8 Saigon thời đó vậy.

2 / Nếu cần phải đánh giá chung về Chương trình Phát triển này đã hoạt động liên tục trong 6 năm, từ 1965 đến 1971, thì ta có thể nói rằng : “Đây mới chỉ là một lọai hình họat động tiêu biểu trong số đông những Mảnh Nhỏ Cố Gắng của cả một Phong trào Thanh Thiếu niên lúc đó, nhằm góp phần vào công cuộc Xây dựng Xã hội tại miền Nam Việt nam thời kỳ trước năm 1975”. Và theo như lối mô tả của Giáo sư Karl Popper thuộc Trường Kinh tế Luân Đôn (LSE = London School of Economics) trong cuốn sách thời danh xuất bản từ năm 1945 của ông, với nhan đề là : “The Open Society & its enemies”, thì đây chính là một cách thể hiện cái phương thức : “Piecemeal Social Engineering”, tức là  “Xây dựng Xã hội từng Mảnh một” vậy.

3 / Và cuối cùng, nhân dịp kỷ niệm năm thứ 45 ngày thành lập Chương trình Phát triển Cộng đồng này, người viết xin được bày tỏ lòng thương tiếc và quý mến sâu sắc đối với một số bạn và thân hữu đã lìa trần trong mấy năm gần đây, cụ thể điển hình như các bạn Đặng Kỳ Trân, Trần Kim Hoa, Luơng Bá Cậy, Nguyễn Trọng Khánh, Lương Văn Tròn, Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Văn Bọt, Nguyễn Ngọc Thạch… Và các thân hữu như Nguyễn Hữu An, Trần Hữu Hải,Trần Đại Lộc, Đỗ Ngọc Yến…

Tuy các bạn đã đi xa, nhưng cái kỷ niệm thân thương gắn bó keo sơn ấy của tất cả tập thể anh chị em chúng ta, trong bao nhiêu ngày tháng miệt mài say mê với công tác xã hội sát cánh cùng với đồng bào tại các quận 6,7, 8 Saigon những năm xưa, giữa cuộc chiến tranh khói lửa mịt mù tàn bạo lúc đó, thì không bao giờ lại có thể phai mờ quên lãng đi được./

California, Tiết Trung Thu Canh Dần 2010

Đoàn Thanh Liêm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay