11,000 người bị rắc rối vì liên quan đến ‘tín dụng đen’
Nguoi-viet.com
HÀ NỘI (NV) – Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” ở Việt Nam xảy ra liên tiếp nhiều năm qua, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả những vùng quê hẻo lánh, khiến nhiều gia đình tan nát.
Với giấy nhận nợ đơn sơ này, nhiều người vẫn giao tiền cho người huy động
vốn do lãi suất quá hấp dẫn. (Hình: Người Lao Động)
Đó là đánh giá được đưa ra tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ‘tín dụng đen’” do Bộ Công An tổ chức ngày 30 Tháng Bảy tại Hà Nội.
Người Lao Động dẫn phúc trình tại hội thảo, mặc dù thống kê chưa đầy đủ nhưng từ năm 2010 đến 2014, Việt Nam liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức.
Tin cho hay, có 10,885 bị can liên quan đến “tín dụng đen.” Cụ thể, vụ án liên quan đến “tín dụng đen” là 6,367 vụ, trong đó có 41 vụ giết người; 318 vụ cố ý gây thương tích; 588 vụ cướp tài sản; 1,089 vụ cưỡng đoạt tài sản; 1,707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 2,496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 104 vụ hủy hoại tài sản.
Ngoài ra, “tín dụng đen” còn mang lại những hệ lụy khác như bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác, các vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản.
Tại hội thảo, ông Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công An, cho biết, theo đánh giá, các loại tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến “tín dụng đen” xảy ra liên tiếp ở nhiều nơi tại Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả những vùng quê hẻo lánh, miền núi làm cho nhân dân hoang mang, bất bình, giảm niềm tin vào các tổ chức tín dụng, các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan.
Trong khi đó, hoạt động phòng ngừa còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc vì những kẽ hở pháp luật trong quy định đối với loại tội phạm này. (Tr.N)