Bi kịch và thành công của người Mỹ gốc Việt
Kính Hòa, phóng viên RFA
Poster quảng cáo phim VIETNAMERICA.
Courtesy photo
Your browser does not support the audio element.
Thời gian 40 năm kể từ khi Sài Gòn sụp đổ cũng là thời gian hình thành nên cộng đồng người Việt đầy sức sống tại Hoa Kỳ. Bộ phim tài liệu VIETNAMERICA ra đời ghi lại lịch sử hình thành cộng đồng tị nạn chính trị lớn nhất nước Mỹ.
Đón nhận rất nồng nhiệt
Nhân dịp bộ phim bắt đầu được chiếu rộng rãi trên toàn nước Mỹ, người thực hiện bộ phim là nhà báo Triều Giang dành cho Kính Hòa cuộc phỏng vấn về bộ phim lịch sử này.
Triều Giang: Bộ phim đã được hoàn thành và hiện được chiếu tại miền Nam California, và đã được các đồng hương của chúng ta đón nhận rất nồng nhiệt. Vé bán hai tuần trước đã “sold out”, một điều rất đáng mừng. Bây giờ bộ phim đang được chiếu khắp nơi, ở Houston là ngày 25 và 26, tức là còn hai tuần nữa. Cho đến hôm nay thì số nhà bảo trợ rất là đông và số thu được là khoảng 30 ngàn đô la, số vé hơn 2.000 vé cũng bán được một nửa. Ngày hôm thứ sáu vừa qua có một cuộc gặp mặt nho nhỏ với cộng đồng của chúng ta ở vùng DC, có một điều bất ngờ làm Triều Giang rất cảm động, đó là lúc đầu mình chỉ muốn nói thôi, muốn trình bày về thông tin thôi, vậy mà các bác các anh chị ở đó đã mở ra một cuộc quyên góp đưa cho Triều Giang đến 2.300 đô la. Điều đó chứng tỏ mọi người rất mong mỏi xem cái phim này, vì đó là lịch sử của mọi người chúng ta.
Bộ phim tên là VIETNAMERICA nói về lịch sử của người Mỹ gốc Việt, cái lịch sử đau thương lúc ban đầu nhưng mà mình cũng vượt qua được, vượt qua được tất cả. Mình là cộng đồng tị nạn lớn nhất nước Mỹ và có những đóng góp rất quan trọng.
-Nhà báo Triều Giang
Và phim đang được đưa đến với người (Mỹ) bản xứ ở đây qua các đại hội điện ảnh. 18 phút của bộ phim có nhan đề là Võ sư Hóa đi tìm mộ, đã được đưa vào 15 đại hội điện ảnh, và đã nhận được năm giải thưởng của quốc gia và quốc tế. Đó là những thành quả đầu tiên mà phim đã đạt được trong việc phổ biến đến người bản xứ và ngoại quốc ở đây.
Kính Hòa: Bà vừa nói đến 18 phút trích ra từ bộ phim, bà có thể nói thêm về nội dung bộ phim và vai trò của 18 phút đó trong bộ phim là như thế nào!
Triều Giang: Bộ phim tên là VIETNAMERICA nói về lịch sử của người Mỹ gốc Việt, cái lịch sử đau thương lúc ban đầu nhưng mà mình cũng vượt qua được, vượt qua được tất cả. Mình là cộng đồng tị nạn lớn nhất nước Mỹ và có những đóng góp rất quan trọng.
18 phút là phần nói về thảm trạng thuyền nhân. Không phải ai cũng đến Mỹ bằng thuyền, mà còn có những tù nhân chính trị. Quốc hội Hoa Kỳ đã có chương trình giúp tù nhân chính trị còn gọi là chương trình HO. Phim VIETNAMERICA nói về tất cả những người này, còn 18 phút là nói về thuyền nhân.
Sự đóng góp của cộng đồng
Kính Hòa: Tên phim là VIETNAMERICA, vậy có đề cập đến những bạn trẻ sinh ra hoặc lớn lên ở Mỹ không thưa bà?
Nhà báo Triều Giang cùng poster quảng cáo phim VIETNAMERICA. Photo courtesy of Người Việt/Ngọc Lan.
Triều Giang: Cái phần đó rất là quan trọng, bởi vì cái nhóm mà mình gọi là thế hệ một rưỡi dù đi một mình hay với ba má khi miền Nam bị mất thì các em còn rất nhỏ. Cái nhìn của các em về những ngày cuối cùng của cuộc chiến, và các em đến đây với một thế giới đầy ngỡ ngàng, rồi các em làm thế nào để vượt qua để bây giờ có những thành công. Chúng ta có một vị tướng trong quân lực Hoa Kỳ, chúng ta có nhiều khoa học gia nổi tiếng, những bác sĩ, rồi nhiều luật sư… Chúng ta đóng góp rất nhiều cho đất nước này. Bộ phim dành rất nhiều thời gian cho nhóm những người trẻ đó.
Kính Hòa: Trở lại chuyện vượt biển tìm tự do sau năm 1975 thì thưa bà là dường như các cố gắng để tái lập các khúc lịch sử đen tối đó gặp nhiều khó khăn vì các trại thuyền nhân đang bị xóa đi. Khi thực hiện bộ phim bà có gặp khó khăn đó hay không, và bà có nhắm tới việc khôi phục lại giai đoạn lịch sử đó để thế hệ sau này biết hay không?
Triều Giang: Hội là một hội giáo dục và văn hóa, việc khôi phục lại những di tích đó nằm ngoài tầm tay của mình. Mình ghi nhận lại là một điều đáng mừng, mặc dù rất nhiều trại bị xóa bỏ, ví dụ như trại Songkla ở Thái Lan bây giờ không còn vết tích, Bi Đông bây giờ họ cũng xóa gần hết rồi, bên Indonesia thì họ có làm một bảo tàng cho người tị nạn, tuy nhỏ thôi và các vật trưng bày cũng sơ sài và nghèo nàn, nhưng đó cũng là cố gắng của chính phủ Nam Dương.
Khi làm phim này mình đi lại tất cả bốn nước Đông Nam Á, nơi mà trước đây có những trại tị nạn, hàng trăm nghĩa trang, hàng ngàn ngôi mộ vẫn còn đó, những ngôi mộ không có bia và những ngôi mộ chỉ với một cái huyệt mà chôn hàng trăm người. Những di tích thuyền nhân đó đã được ghi vào phim ảnh, và đó là điều mừng nhất, trước khi nó mất đi với thời gian hay là các nước sở tại người ta không muốn gìn giữ nữa.
Kính Hòa: Bà đã nói về sự phát triên của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, về những người mới đến, và những thế hệ sau đó. Theo bà cộng đồng người Việt còn cần làm những gì để làm tốt hơn vai trò của mình ở nước Mỹ?
Tôi nghĩ là sau khi phim được chiếu tại các rạp, được đưa vào truyền hình Hoa Kỳ, đưa vào DVD, chúng ta sẽ đưa lên Internet thì không có cái gì có thể ngăn cản được người trong nước xem phim này.
-Nhà báo Triều Giang
Triều Giang: Theo suy nghĩ của tôi là cộng đồng đã làm rất tốt, những cá nhân đã thành công làm nên vẻ vang cho cộng đồng. Mình ước mong là cộng đồng chúng ta đoàn kết hơn, nắm tay nhau hơn. Một hội rất nhỏ như là Hội bảo tồn lịch sử và văn hóa này, mà với sự vận động đã có được một số tiền do cộng đồng giúp, không đủ lớn để làm phim nhưng mà cũng không nhỏ, là 200 ngàn, rồi vay được 150 ngàn để làm bộ phim tổng chi phí là 350 ngàn. Một hội nhỏ đã vận động được như vậy để làm được một phim và đưa vào đại hội điện ảnh quốc tế. Triều Giang nghĩ là nếu chúng ta đoàn kết nhau lại, thì chúng ta sẽ làm rất nhiều việc với kết quả không ngờ.
Kính Hòa: Những cố gắng bảo tồn văn hóa lịch sử của người Mỹ gốc Việt, cũng như là khôi phục lại lịch sử mà những người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam người ta không biết, bà có nghĩ là những cố gắng đó có ảnh hưởng về Việt Nam không?
Triều Giang: Dạ rất là ảnh hưởng. Chúng tôi nhận được rất nhiều email của người trong nước gửi ra hỏi là bao giờ thì người trong nước sẽ được xem cái phim này. Họ cũng muốn biết lắm, muốn biết là chuyện gì đã xảy ra trong thời chiến tranh, chuyện gì đã xảy ra cho hàng triệu người bỏ nước ra đi, tại sao họ ra đi? Và chuyện gì làm cho họ trở thành một cộng đồng lớn mạnh như bây giờ.
Tôi nghĩ là sau khi phim được chiếu tại các rạp, được đưa vào truyền hình Hoa Kỳ, đưa vào DVD, chúng ta sẽ đưa lên Internet thì không có cái gì có thể ngăn cản được người trong nước xem phim này.
Kính Hòa: Xin bà câu hỏi cuối cùng là trong lúc chúng ta đang nói chuyện ở đây thì ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam cũng đang ở cách chúng ta không xa, bà có lời nhắn nhủ gì với ông ấy không?
Triều Giang: Vâng, dạ thưa ông Trọng, nếu ông muốn cai trị nước Việt Nam tốt hơn thì ông nên xem phim này, và đưa về Việt Nam trình chiếu cho người dân xem để biết rằng dân tộc của chúng ta thèm khát tự do, rất muốn sống tự do, và có tự do thì họ làm được tất cả. Nhìn vào cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại thì thấy là chúng tôi thành công như thế nào.
Kính Hòa: Xin cám ơn bà Triều Giang.