‘Vực Xoáy- Tiếng uất gào còn vang vọng trên Biển Đông’
Châu Thụy ra mắt sách về thuyền nhân
Thiên An/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Khó mà có đủ lời nào để diễn tả hết được những ý nghĩ mà tập truyện Vực Xoáy tạo ra trong lòng người đọc. Một cách ngắn ngọn, Vực Xoáy là một câu chuyện tình đầy yêu thương và cũng đầy nước mắt của hai thuyền nhân, một nam một nữ trong độ tuổi mười tám đôi mươi trước những biến loạn của xã hội Việt Nam sau 1975.
Tập truyện Vực Xoáy của tác giả Châu Thụy. (Hình: Châu Thụy) |
Nhưng chẳng đơn giản thế, Vực Xoáy không chỉ xoay quanh Vũ và Vân, mà còn là cuộc đời và số phận của những người trong gia đình họ và trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Biết bao con người đã đánh cuộc với mạng sống để lên thuyền ra đi. Giờ đây, từng trang sách lột tả trần trụi những bất hạnh đau đớn của họ.
Lối viết chân thật, đơn giản, khiến người đọc khó mà dừng lại. Nếu đã mở trang đầu, người ta sẽ chỉ gấp sách lại khi biết được kết cục câu truyện. Văn phong giàu hình ảnh và âm thanh, Vực Xoáy là một thước phim đưa độc giả hòa vào thế giới đủ cung bậc cảm xúc của những ngày loạn cuối thập niên 80, trên biển cả, giữa sóng gầm, bão tố, và những ác dục không tưởng tượng nổi của con người.
Với tác giả Châu Thụy, một cái tên gắn liền với nghệ thuật Bút Họa hơn là văn chương, đây là tập truyện đầu tiên. Châu Thụy cho biết, năm năm là thời gian tính từ khi bắt đầu đến khi kết thúc cuốn tiểu thuyết đầu tay này, với quá trình thu thập tài liệu và phỏng vấn những nhân chứng còn sống sót sau những tai nạn bi thương nhất trên biển cả. Bản thân tác giả cũng là một thuyền nhân, vượt biên năm 1980.
Sau đây là cuộc trao đổi ngắn tác giả Châu Thụy dành cho nhật báo Người Việt.
Tác giả Châu Thụy. (Hình: Châu Thụy) |
Người Việt (NV): Đằng sau hai chữ “Vực Xoáy” là những ý nghĩa gì?
Châu Thụy: Dân tộc Việt Nam mình vươn lên từ vực xoáy. Khi mất nước, tất cả mọi người bị xoáy vào một vực vô hình- vực xoáy của hoàn cảnh. Trong số những người cố thoát ra, có người sống sót, có người đã phải bỏ mình.
NV: Cơ duyên nào thôi thúc tác giả viết nên cuốn sách đầu tay này?
Châu Thụy: Tôi yêu thích nghệ thuật thư pháp. Từ 2003 đến 2007, tôi tập trung cho bút họa, cũng tương tự thư pháp nhưng dùng chữ quốc ngữ vẽ chữ cùng tranh. Nhưng tôi cũng là một thuyền nhân.
Từ lúc ở trong nước, khi tìm cách vượt biên, đến lúc sang được trại, tôi chứng kiến quá nhiều chuyện, những đau khổ vẫn còn ăn sâu trong đầu tôi, cũng như với bạn bè tôi. Những bộn bề cuộc sống ở Mỹ làm người ta có thể tạm gác lại những nỗi đau cũ, nhưng thực sự chẳng thể quên được. Một lần khi tôi bút họa chữ “thuyền nhân,” tôi nghĩ đến hàng ngàn người chết trên đường vượt biển, và tôi muốn làm điều gì đó cho họ. Tôi muốn tự nhắc nhở cho tôi, và cho mọi người, đừng bao giờ quên những người đã bỏ mạng trên đường tìm tự do.
NV: Dù đã có nhiều sách viết về thuyền nhân, Vực Xoáy mang lại một cảm xúc rất khác, rất đặc biệt, đến người đọc. Tác giả làm thế nào để tạo nên điều này?
Châu Thụy: Trước giờ đã có nhiều người viết về vượt biên, mỗi con tàu là một câu chuyện tang thương, nhưng với tính cách phóng sự. Tôi muốn viết một câu chuyện tình cảm, của Vũ và Vân, để người đọc có thể dễ dàng theo dõi câu chuyện cụ thể của hai nhân vật mà thấy được toàn cảnh bấy giờ.
Tôi phỏng vấn rất nhiều người, lắng nghe câu chuyện của chính bản thân họ. Nó kinh khủng lắm. Đến giờ họ vẫn còn uất nghẹn như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi gửi gắm tất cả những xúc cảm của các cô gái nạn nhân vào nhân vật Vân, để người đọc cảm nhận được nỗi đau khổ. Vũ và Vân tượng trưng cho những người trẻ mới lớn – đang đầy nhựa sống, ao ước một tương lai tốt đẹp thì biến cố 1975 xảy ra đưa mọi thứ vào bế tắc và tuyệt vọng. Bên cạnh đó là những nhân vật và thành phần khác trong xã hội thời bấy giờ, những người lớn hơn bị chế độ mới vùi dập, đến những kẻ cơ hội bạo ngược…
Tiểu thuyết có một phần nhỏ hư cấu. Tất cả các chi tiết đều là sự thật, từ phục quốc quân, lá cờ vàng, bị bắn trên thuyền… của tôi và của những nhân chứng mà tôi có may mắn được gặp. Sự hư cấu là trong cách sắp xếp những chi tiết lại, để giúp các câu chuyện trôi chảy mạch lạc và ngắn gọn hơn trong khuôn khổ một cuốn sách.
NV: Vực Xoáy sẽ khơi lại nỗi đau đớn tột bậc của rất nhiều người, đặc biệt là khi xuất hiện đúng vào dịp cuối Tháng Tư này. Tác giả có nghĩ đến điều đó?
Châu Thụy: Tôi muốn gửi cuốn sách đến những người trẻ, những người đến sau, và những người trong nước, những người không biết những gì xảy ra ngoài biển trong thời gian đó. Có thể họ nghe kể, họ biết, nhưng có rất nhiều chuyện họ không hiểu hết được những đau thương. Mượn câu chuyện tình cảm của Vân và Vũ, tôi viết tiểu thuyết để mọi người có thể theo dõi và cảm nhận một cách dễ dàng hơn.
50 năm sau, 100 năm sau, những nhân chứng của thời vượt biên như chúng tôi sẽ không còn nữa, thì những cuốn sách này để họ hiểu được người vượt biên đã phải đau khổ như thế nào. Đọc, hiểu, buồn, so sánh để biết được rằng mình may mắn không phải chọn hai chữ tự do bằng con đường vượt biên.
So sánh để thấy rằng mình hạnh phúc. Tôi vẫn nhớ lúc lên được đến bờ, cứ thấy một hột cơm trắng là tôi chảy nước miếng. Lúc đi tôi 19 tuổi, mất mát hết, thấy người ta ăn là mình thèm. Đến giờ dư dả rồi tôi vẫn quý thức ăn, không dám phung phí dù chỉ một tí.
NV: Hoàn thành cuốn sách sau năm năm, một khoảng thời gian không hề ngắn, tác giả có thực hiện được ý muốn ban đầu là giúp người đọc cảm nhận được những gì thuyền nhân đã trải qua?
Châu Thụy: Tôi không phải là nhà văn, nhưng tôi viết bằng tất cả tim óc của mình. Không chỉ của tôi, mà của tất cả những nhân chứng tôi có dịp gặp. Tôi vẫn nhớ những người tức giận bóp chặt trào ly nước khi kể lại chuyện cũ, những người phải uống thuốc để dằn bớt nỗi đau tinh thần, giúp tôi viết đi viết lại đến khi nào lột tả được đúng cảm xúc của họ mới thôi. Lắng nghe họ kể, họ khóc, họ uất hận, tôi nhiều lúc cũng rưng rưng chịu không nổi nữa. Tôi viết cho đến khi chính người nhân chứng cho biết những lời văn đã tả được cảm xúc thật của họ. Tuy vậy, tôi biết khó có thể mà tả hết được tất cả những gì thuyền nhân và dân tộc Việt Nam đã phải chịu trong giai đoạn đó.
NV: Cám ơn tác giả Châu Thụy đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.